Thứ Tư, 6 tháng 2, 2019

GHI CHÚ VỀ CHÙA MỘT CỘT

1/ Toàn thư chép: "Kỉ Sửu [1049] Mùa đông tháng 10, dựng chùa Diên Hựu (...) Tân Tị [1101] Sửa chùa Diên Hựu (...) Ất Dậu [1105] Mùa thu tháng 9, làm hai ngọn tháp chỏm trắng ở chùa Diên Hựu, ba ngọn tháp chỏm đá ở chùa Lãm Sơn. Bấy giờ vua sửa lại chùa Diên Hựu đẹp hơn cũ, đào hồ Liên Hoa Đài, gọi là hồ Linh Chiểu. Ngoài hồ có hành lang chạm vẽ chạy chung quanh, ngoài hành lang lại đào hồ gọi là hồ Bích Trì, đều bắc cầu vồng để đi qua. Trước sân chùa xây bảo tháp. Hàng tháng cứ ngày rằm, mồng một và mùa hạ ngày mồng 8 tháng 4, xa giá ngự đến, đặt lễ cầu phúc, bày nghi thức tắm Phật, hàng năm lấy làm lệ thường".
Việt sử lược chép: "Ất Dậu [1105] Mùa thu tháng 9, xây 2 tháp bằng sứ trắng ở chùa Diên Hựu".
Bia tháp Sùng Thiện Diên Linh dựng năm 1121 tại núi Đọi [Hà Nam] viết: "Mở chùa Diên Hựu ở tại vườn tây. Dấu vết theo quy mô thuở trước, lo toan thánh ý ngày nay. Đào ao thơm Linh Chiểu, giữa ao trồi lên một cột đá, trên cột có một đóa hoa sen nghìn cánh xòe ra, Trên hoa dựng ngôi đền đỏ sẫm, trong đền đặt pho tượng sắc vàng. Ngoài ao có hành lang bao bọc, ngoài hành lang lại đào ao Bích Trì, bắc cầu cong để đi lại. Ở sân trước cầu, hai bên tả hữu xây tháp báu lưu ly. Để mồng một hàng tháng, để mùa xuân hàng năm, nhà vua thân ngồi xe ngọc, đến mở tiệc chay".
-- Không khó để nhận ra điểm giống nhau giữa ghi chép của Toàn thư và Bia tháp. Nhưng cái thú vị không nằm trong tiểu đoạn đó mà nằm trong toàn văn bia tháp (về toàn văn trên bia tháp xin xem ảnh chụp).
-- Xem thật kỹ toàn văn sẽ nhận ra, văn bản được trình bày theo trình tự thời gian. Đoạn đầu tiên nói về đạo phật (do không rành nên không dám bàn) đoạn tiếp theo viết về việc Lý Nhân Tông được đầu thai, đoạn tiếp theo nói về việc tuổi thơ mà lên ngôi của Càn Đức, đoạn tiếp theo viết về việc Nhân Tông cho dựng các công trình kiến trúc tại hướng Trường Lô (sông Nhị Hà - phía bắc) rồi đài quảng chiếu trước đoan môn (cửa thành phía nam) và mở rộng chùa Diên Hựu ở tại vườn phía tây. Đoạn tiếp theo nói về việc đánh châu Ung và trận Như Nguyệt.
----> như vậy việc đào ao thơm Linh Chiểu phải xảy ra trước trận Ung Khâm Liên và Như Nguyệt. Việt sử lược sẽ cho câu trả lời.
Việt sử lược chép: "Nhâm Tí [1072] Mùa thu tháng 7, vua ra hành cung Giao Đàm [Hồ Tây] Vua đi lễ ở núi Tản Viên. Dời phường Phủng Nhật đến chợ phía Nam. Xây cửa Trường Quảng, cửa Thái Bình, cửa Thượng Thủy Hà, đền Nghênh Thu, trạm Quy Nhân, cả thảy năm nơi".
-- Vua đi lễ ở núi Tản Viên chính là hướng Trường Lô. Dời phường Phủng Nhật đến chợ phía nam chẳng phải để xây đài quảng chiếu trước đoan môn sao.
-- "Trong đặt tòa thêu cao vọi, để nhà vua rộng tầm mắt nhìn xa, cho thể nữ được sẵn sàng hầu cận" --> đó chẳng phải cung cấm sao. Và tại cung cấm thì "dốc châu báu trang hoàng, đủ 3 cung nhà cửa" --> đó chẳng phải là cửa Trường Quảng, cửa Thái Bình và cửa Thượng Thủy Hà sao ?
----> Như vậy là theo mô tả của bia tháp thì việc đào ao Linh Chiểu, Bích Trì và dựng hành lang tại chùa Diên Hựu là 1 hạng mục trong tổng công trình tu bổ kinh thành Thăng Long khi Càn Đức lên ngôi năm 1072-1073, chứ không phải được thực hiện vào năm 1105 như sách sử chép.
2. Cấu trúc cơ bản của chùa Diên Hựu trong đề án tu bổ do triều đình làm chủ đầu tư và được PJICO bảo hiểm giai đoạn 1072-1073 như thế nào.
-- Trước hết là đào (tạc) ao Linh Chiểu. Vì đào ao này mà vọt lên (trung dũng) một cột đá (cột đá có trước rồi, nhưng đặt trên đất nên thấy thấp, giờ đào ao xung quanh, làm cho có cảm giác cột đá cao hơn).
-- Cột đá này không tiếp xúc với nước, mà vẫn được dựng trên đất, nhưng diện tích của đất có khả năng (phỏng đoán thôi) bằng hoặc lớn hơn so với tòa sen đặt trên cột đá.
-- Ngoài ao có hành lang bao bọc, không rõ là hành lang dựng trên đất hay nằm giữa nơi tiếp xúc của nước và đất (sẽ bàn sau). Ngoài hành lang đào ao Bích Trì (thế xem ra hành lang được dựng trên đất)
-- Thường bắc cầu cong để qua lại (mỗi giá phi kiều dĩ thông chi) --> chưa chắc nhóm cầu cong này đã được cố định vào cấu trúc.
-- Tại sân trước cầu (tiền kiều chi đình) dựng 2 bảo tháp lưu ly.
----> Do người viết không có kiến thức về phật giáo cũng như đồ hình mandala, nên tại đây xin chưa đưa ra kết luận, nhưng cảm quan ban đầu thì chùa Diên Hựu không tuân theo đồ hình mandala như giả thuyết của tiến sĩ Trần Trọng Dương (xin bàn trong phần sau).
Huyền Quang thiền sư (1254-1334) có viết bài thơ về chùa Diên Hựu như sau: "Si vẫn đảo miên phương kính lãng - Tháp quang song trĩ ngọc tiêm hàn - Vạn duyên bất nhiễu thành già tục". Bản dịch nghĩa như sau: "Bóng xi vẫn nằm ngủ ngược dưới mặt hồ như tấm gương vuông lạnh giá - Hai ngọn tháp đứng song song như ngón tay ngọc rét buốt - Muôn vàn nhân duyên không vương vấn là bức thành che niềm tục".
-- Như thế cho tới thời Trần chùa Diên Hựu có "bức thành che" --> có lẽ là hành lang giữa ao Linh Chiểu và Bích Trì. Có "hai ngọn tháp" --> rõ ràng là Huyền Quang nhắc tới 2 ngọn tháp, hoàn toàn phù hợp với mô tả của bia tháp Sùng Thiện Diên Linh là "tả hữu Phạn lưu li bảo tháp". Nếu là 2 thì rõ ràng không đáp ứng được yêu cầu của đồ hình mandala.
P/S: bài phác thảo ý tưởng nên còn nhiều sai sót, người đọc xin cẩn trọng. Bài viết sử dụng bản dịch tại các sách Văn bia hán nôm Việt Nam từ khởi thủy đến thời Lý Trần của PGS.TS. Đinh Khắc Thuân và bản PDF cuốn Thơ văn Lý Trần tập 1. Người viết xin được cảm ơn Mr Lê Tùng Lâm đã hỗ trợ tài liệu và những chỉ dẫn cần thiết.

2/ Trong phần 1 tôi có so sánh đoạn văn mô tả về việc mở rộng chùa Diên Hựu trong Toàn thư và bia tháp Sùng Thiện Diên Linh, từ đó đi đến kết luận rằng: việc đào ao Linh Chiểu, Bích Trì và dựng hành lang được thực hiện vào năm 1072-1073 chứ không phải năm 1105. Tôi cũng có mô tả qua về cấu trúc cơ bản của chùa Diên Hựu, trong phần này xin làm rõ vài điểm khác. Người viết cũng xin lưu ý tới bài Chùa Diên Hựu - Một Cột: Lịch sử và biểu tượng của tác giả Trần Trọng Dương đăng trên Tạp chí Tia Sáng năm 2012.
Toàn thư cho biết năm 1049 chùa Diên Hựu được dựng, năm 1101 chùa được sửa và năm 1105 chùa được mở rộng. Trong khi Việt sử lược cho biết năm 1101 chùa Diên Hựu được dựng, năm 1105 chùa được sửa. Rõ ràng đã có sự bất nhất về sử liệu trong việc khởi dựng chùa Diên Hựu.
Tác giả Hoàng Mai Hương có giới thiệu về Bài ký chùa Diên Hựu của Trạng nguyên Lương Thế Vinh (1441-1496) như sau: Thần nghe phía tây Đại Nội, mộng trông Phật hiện (mà) Diên Hựu thành tên. Ai người sáng tạo sau Lý Thánh Tôn ? Linh Cảm hoàng hậu thời Lý Nhân Tôn, chính trị đang hưng, tuổi vừa xế bóng, những mong con cháu tạo phúc hưng khánh, công đức dài lâu. Vì thế nên chùa mới dựng (tác). Nhìn khắp cảnh quan: vàng ngọc lung linh, hành lang uốn lượn, cành sen vươn nở, cột đá nâng đền (điện) trâm ngọc lưng trời, bảo tháp giữ cửa. Ôi ! Từ Lý tới Trần, từ Trần tới Hồ, đến nay đã mấy trăm năm mà vẫn nguy nga tồn tại.
Trước hết phải nói ngay rằng Lương Thế Vinh và Ngô Sĩ Liên là 2 người cùng thời. Sau cùng bài ký cho chúng ta rất nhiều thông tin: Thứ nhất Lý Thánh Tôn mới là người khởi dựng, chứ không phải Lý Thái Tông. Thứ hai bài ký chép rõ Linh Cảm hoàng hậu dựng (tạc) chùa Diên Hựu thời Lý Nhân Tông. Rốt lại, ai mới là người dựng chùa ?
Toàn thư chép: Trước đây vua chiêm bao thấy phật, khi tỉnh dậy, nói với bầy tôi, có người cho là điềm không lành, nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa đất như đã thấy trong mộng, cho các nhà sư đi chung quanh tụng kinh cầu vua sống lâu  như thế vào năm 1049 chùa Diên Hựu chỉ gồm một cột đá, trên là một tòa sen, trên tòa sen có tượng phật, vì thế mà không thể gọi nó là chùa, cho đến năm 1072 khi Linh Cảm hoàng hậu dựng thêm ngôi đền trên tòa sen, lúc ấy kiến trúc đó mới trở thành chùa Diên Hựu. Nhưng sử gia Ngô Sĩ Liên khi chép sử vì đã hiểu rõ lịch sử của chùa Diên Hựu nên ngài đã dùng tên của giai đoạn sau để gọi tên cho giai đoạn trước.
Toàn thư chép: Mùa xuân tháng 2 (1080) đúc chuông lớn cho chùa Diên Hựu. Chuông đúc xong, đánh không kêu, nhưng cho rằng nó đã thành khí, không nên tiêu hủy, bèn đem bỏ ở Quy Điền của chùa. Sử liệu này cho phép chúng ta phỏng đoán, vào năm 1080 trên đài sen đã dựng lầu, vì có dựng lầu thì mới đúc chuông để treo.
Nếu trước năm 1072 kiến trúc đang bàn (có thể mang tên Diên Hựu nhưng) chưa phải là Chùa thì nó có thể được khởi dựng khác thời điểm năm 1049 không ? Việt sử lược chép: Tháng 6/1058 xây điện Linh Quang, phía trước điện dựng lầu chuông, một cột sáu cạnh hình hoa sen (độc trụ lục giác liên hoa chung lâu). Sử liệu này cho thấy: lầu chuông trước điện Linh Quang có kiến trúc tương tự với kiến trúc đang bàn và lầu chuông này được dựng thời Lý Thánh Tông, vì thế không loại trừ Lương Thế Vinh đã nhầm chùa Diên Hựu với lầu chung trước điện Linh Quang, cũng không loại trừ Ngô Sĩ Liên nhầm chùa Diên Hựu với lầu chuông trước điện Linh Quang. Người viết phỏng đoán rằng: chùa Diên Hựu và lầu chuông là 2 kiến trúc khác nhau, ngoài 2 kiến trúc này có thể còn nhiều kiến trúc tương tự như vậy được dựng thời Lý.
Chúng ta có thể biết sư Thiền Tuệ (禪 慧) người tư vấn cho Lý Thái Tông dựng kiến trúc đang bàn là ai không ? Chữ 禪 có âm Hán Việt là Thiền và Thiện. Chữ 慧 có âm Hán Việt là Huệ và Tuệ. Như thế tên sư có thể là Thiền Tuệ và cũng có thể là Thiện Huệ. Về tên Thiện Huệ thì người viết thấy trong Thiên uyển tập anh có chép.
Truyện thiền sư Lâm Huệ Sinh: Nguời Đông Phù Liệt, họ Lâm tên Khu, Lý Thái Tôn nghe tiếng sai sứ đến mời, sư cố từ không được, nên đến lần thứ hai, sư mới về kinh. Gặp mặt, vua rất mừng, phong làm Nội cung phụng tăng sắc trụ trì chùa Vạn Tuế, kính thành Thăng Long, rồi phái làm Đô tăng lục. Bấy giờ các vương công như: Phụng Yết Thiên Vương, Thái tử Vũ Uy, Hỷ Từ, Thiện Huệ, Chiêu Khánh và Hiển Minh, Thượng tướng Vương Cường, Thái sư Lương Nhậm Văn, Thái bảo Đào Xử Trung và Tham chính Kiều Bồng đều tới lui hỏi đạo, lấy lễ thầy trò đãi sư, năm 1064 sư tịch.
Bản dịch người viết dùng của thầy Lê Mạnh Thát. Theo thầy Thiện Huệ là một trong các vị vương hầu, xem những cái tên được liệt kê thì thấy rằng có đủ mọi chức tức. Người viết lại thấy có nhiều chỗ viết thành: Thiện Huệ Chiêu Khánh. Như thế cũng không loại trừ trường hợp vị vương hầu Chiêu Khánh đồng thời là thiền sư Thiện Huệ. Có khi nào thiền sư Thiền Tuệ trong Toàn thư chính là Thiện Huệ Chiêu Khánh trong Thiền uyển tập anh không ?
Việt điện u linh chép truyện thần Hậu Thổ phu nhân như sau: Báo Cực truyện chép xưa kia, Lý Thánh Tông nam chinh Chiêm Thành, đến cửa biển Hoàn Hải thì gió to sóng lớn, thì mộng thấy người con gái tới xin giúp, vua tỉnh đem chuyện kể với mọi người, tăng thống Huệ Lâm Sinh tâu: người con gái nói thác trên cây, bây giờ nên tìm cây. Vua cho là phải sai người đi tìm, thấy cái cây đầu giống hình người như trong mộng, đặt lên thuyền gió bỗng yên. Khi thắng Chiêm Thành, thuyền về chốn cũ, vua sai lập đền thì gió lại nổi, Huệ Lâm Sinh tầu: vị thần này muốn được lập đền ở kinh sư, gió bỗng yên, vua truyền co dựng đền tại làng An Lãng.
Vì rằng Thánh Tông đánh Chiêm Thành năm 1069 mà thiền sư Huệ Sinh mất năm 1064 nên thầy Lê Mạnh Thát cho rằng: có thể Huệ Sinh theo Lý Thái Tông đánh Chiêm Thành năm 1044, nhưng Việt điện u linh chép nhầm thành Lý Thánh Tông.
Cũng ta cũng thấy rằng có nhiều chi tiết khá giống với ghi chép của Toàn thư như: vua mộng rồi nói lại với quần thần và có sư tư vấn, cây hình người có cấu trúc trụ. Lưu í rằng Toàn thư chép là Trước Đây, như thế việc Lý Thái Tông mộng thấy vị phật dắt ngài lên đài sen xảy ra trước tháng 10/1049. Chắc rằng sự kiện là một, nhưng được truyền vào dân gian nên hình thành nên các câu chuyện khác nhau. Cũng không loại trừ ghi chép của Toàn thư là một dạng cố định của truyền thuyết dân gia mà Ngô sử gia thu lượm được và một tiếp biến khác là việc Lý Thánh Tông chưa có con, mộng thấy phật đưa cho đứa bé, do vậy mà hoàng hậu có thái được Nhất trụ tự bi (1665) do hòa thượng Lê Tất Đạt ghi lại.
Việt sử lược chép tháng 9/1105 xây 2 tháp bằng sứ trắng ở chùa Diên Hựu. Toàn thư cũng chép như thế, nhưng sau đó nói thêm việc đào ao Linh Chiểu và Bích Trì. Rõ ràng là Toàn thư đã chép nhiều hơn các công việc so với Việt sử lược, nhưng thực khó để Việt sử lược chép thiếu, e rằng trong việc sao chép hoặc dùng từ, Toàn thư đã nhầm chữ 時 (thời, thì) đúng có lẽ phải là chữ Sơ.
Lại thêm, bia tháp Sùng Thiện Diên Linh soạn hoàn thành năm 1121 nên không loại trừ khả năng năm 1072 Linh Cảm hoàng hậu chỉ đào ao Linh Chiểu, dựng hành lang và đào ao Bích Trì, đến 1105 thì cho dựng thêm 2 tháp bằng sứ trắng tại 2 bên cầu, nhưng tới khi Nguyễn Công Bật soạn bia tháp đã gộp chung lại.
Nhưng dù thế nào thì với tất cả những sử liệu, chùa Diên Hựu cho tới năm 1121 có cấu trúc gồm: 1 cái ao hình vuông tên là Linh Chiểu (về Linh Chiểu hay Linh Chiêu xin xem bài viết của tiến sĩ Trần Trọng Dương, người viết xin không bàn, nên tạm dùng tên phổ biến, để người đọc dễ tiếp nhận) trên ao có 1 cột đá, trên cột đá là hoa sem, trên hoa sen có 1 ngôi lầu, trong lầu có 1 pho tượng, xung quanh ao là đất, trên đất dựng hành lang, xung quanh đất đào 1 ao khác tên là Bích Trì. Có cầu cong dẫn qua ao để ra sân, tại sân dựng 2 tháp bằng sứ trắng ở 2 bên cầu. Và theo như lời của Lương Thế Vinh thì trải từ Lý Trần Hồ tới Lê, mấy trăm năm vẫn nguy nga tồn tại, xem thế chùa Diên Hựu không bị phá hủy nặng nề ảnh hưởng tới cấu trúc cơ bản của nó. Nói cách khác thực khó để cho rằng đã có 8 cái cột được dựng như trong đồ hình mandala.
Còn có rất nhiều chi tiết trong sử liệu chưa khai thác được, nhưng do người viết chưa đủ kiến thức để hiểu những chi tiết ấy nên xin để sau này sẽ làm rõ hơn. Tạm thời người viết xin phác thảo tiến trình của chùa Diên Hựu như sau: vào năm 1049 được tư vấn của thầy trò Thiện Huệ Chiêu Khánh, Lý Thái Tông đã dựng cột đá trên là đài sen có đặt tượng phật, đến năm 1072 Linh Cảm hoàng hậu cho dựng thêm lầu trên đài sen, rồi đào ao Linh Chiểu, hành lang bao quanh và ao Bích Trì, năm 1080 Linh Nhân thái hậu cho đúc chuông nhưng không treo, đến năm 1105 cho dựng thêm 2 bảo tháp, suốt nhiều năm cho tới thời Lê cấu trúc cơ bản của chùa không thay đổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét