Thứ Tư, 20 tháng 2, 2019

GHI CHÚ VỀ MÈO

(1) Về bài viết khá thú vị của tác giả Đinh Văn Tuấn với tên gọi Biểu tượng khởi thủy của Địa Chi Mão là tên gọi con thỏ hay tên gọi con mèo chúng ta thấy:
-- Tác giả đã đưa các bằng chứng về "thư tịch và khảo cổ" ở Trung Quốc để có thể xác định thập nhị chi xuất hiện phổ biến từ thời Thương và biểu tượng 12 con vật của 12 địa chi đã xuất hiện sớm nhất vào khoảng thời Tiên Tần. Địa chi thứ tư là Mão (卯) luôn gắn liền với biểu tượng của nó từ khi sinh ra là hình tượng và tên gọi con Thỏ (兔) thố.
-- Tác giả dẫn sách Việt sử lược chép chuyện "con chó (trắng ở) chùa Ứng Thiên" để minh chứng cho chi "Tuất chính là con Chó" và sách Thiền uyển tập anh truyện trưởng lão La Quý An với câu kệ "Thỏ gà trong tháng chuột" để minh chứng cho chi "Mão chính là con Thỏ".
-- Tác giả viết: "đây có lẽ là các bằng chứng sớm nhất về 12 con giáp (...) rõ ràng ngay từ thế kỷ X, ở Việt Nam vẫn dùng chung một biểu tượng Thỏ cho địa chi thứ tư như truyền thống Trung Quốc".
-- Tác giả lại viết: "Tên gọi Mèo tượng trưng cho chi Mão có lẽ thấy sớm nhất ở trong sấm ký Trạng Trình tương truyền là của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585) ở câu: “Mèo non chi chí tìm về cố hương” (mèo non có thể là đầu năm Mão) nhưng theo các nhà nghiên cứu Hán Nôm, truyền bản này có lẽ do người đời sau tái lập nên khó có thể là một chứng cứ giá trị".
(Xin xem thêm bài viết của tác giả Đinh Văn Tuấn)

(2) Toàn thư chép: "Kỷ Dậu (1009) Nhân yến tiệc, giết mèo cho các vương ăn, ăn xong lấy đầu mèo giơ lên cho xem, các vương đều sợ, vua lấy làm thích"
Việt sử lược chép: "Bính Ngọ (1006) Đêm khuya vua sai giết mèo (猫) bán cho các vương ăn. Ăn xong vua giơ đầu mèo cho xem, các vương đều môn mửa cả"
--> Tuy khác nhau về sự việc, Toàn thư chép là yến tiệc, còn Việt sử lược chép là mua bán nhưng tựu chung cả 2 sách đều cho thấy khi các vương công biết mình ăn thịt mèo thì rất sợ hãi, nôn mửa. Vì sao lại vậy, con mèo có gì đặc biệt mà khiến các vương phải sợ thế, trong khi chúng ta bắt gặp những con vật bị giết hàng ngày như: trâu, lợn, thằn lắn ...
--> Con mèo có gì đặc biệt chăng. Người viết tìm thấy trong các bài viết về Rồng như bài Hình tượng rồng trong văn hóa Việt của tác giả Nguyễn Minh Triết thì thấy có mô tả như sau "Rồng Việt tìm thấy in trên mảnh sành được phát hiện ở Bắc Ninh có đầu ngắn hơn và cổ dài, thân mèo, vây lưng là những đường vạch dài (tác giả Hoàng Văn Khoán cho biết tác giả Phạm Huỳnh Hương Trang phân loại thành Rồng Mèo). Đến thời đại nhà Ngô hình tượng rồng thể hiện trên một viên gạch tìm thấy ở Cổ Loa cũng thân mèo"
--> Tuy nhiên tác giả Hoàng Văn Khoán đặt câu hỏi về niên đại của Mảnh sành tìm thấy ở Bắc Ninh và Viên gạch ở Cổ Loa. Về khảo cổ học người viết không rành nên xin không bàn, nhưng nếu ghi chép của Việt sử lược bổ sung cho khảo cổ học và ngược lại thì người viết xin đặt giả thuyết rằng: Vào thời Ngô Đinh Lê mèo là con vật thiêng được phối với rồng. Người viết xin nói thêm sẽ cần nhiều bằng chứng hơn nữa, người viết coi đây là một hướng tìm kiếm.
-- Vì sao mèo lại trở thành con vật thiêng, người viết chưa rõ, nhưng thấy trong Ghi chú số 6 của truyện Thiền sư Bản Tịnh sách Thiền uyển tấp anh, dịch giả Lê Mạnh Thát có dẫn truyện Độc Cô Đà trong Tùy Thư có nhắc đến tục thờ ma mèo, người viết xin trở lại chi tiết này trong phần sau.

(3) Có chi tiết khá thú vị, nhưng có lẽ là vô tình chăng, ấy là liền trước đoạn dẫn ở trên, Việt sử lược viết: "Vua lại róc mía trên đầu sư Quách Mão (卯) giả vờ làm đầu sư Quách Mão bị thương, chảy máu vua cười lớn"
-- Toàn thư có chép việc này nhưng họ tên vị sư ấy là Quách Ngang.
-- Cũng rất ngẫu nhiên khi 2 sự việc được xếp gần nhau và cả 2 đều liên quan tới đầu: đầu sư và đầu mèo
-- Sẽ không có gì đáng chú ý nếu không xuất hiện cặp Mão - Miêu
--> Nhưng có lẽ là ngẫu nhiên thôi ???

(4) Việt sử lược chép: "hoặc dần dạ sát miêu, tứ chư vương thực, thực tất dĩ miêu đầu kỳ chi, chư vương giai ẩu thổ"
-- Bản dịch của thầy Trần Quốc Vượng là: Hoặc đêm khuya, vua sai giết mèo bán (ban) cho các vương ăn. Ăn xong, vua giơ đầu mèo cho xem, các vương đều nôn mửa cả.
-- Bản dịch của thầy Nguyễn Gia Tường là: Hoặc đêm đến vua sai làm thịt mèo để cho các tướng (?) vương xơi. Ăn xong vua đem đầu mèo bày ra, các tước (?) vương đều mửa thốc mửa tháo cả lên.
----> Có vẻ như thầy Tường chỉ dịch mỗi chữ Dạ (nghĩa là đêm). Còn thầy Vượng lại dịch thiên về cách hiểu. Thành ra cả 2 không mô tả được cái thú vị trong tiểu đoạn.
- Trong tiểu đoạn có chữ Dần (寅) nó chính là chi thứ 3 trong địa chi. Vì nó đi cùng chữ Dạ nên phải hiểu Dần Dạ là Giờ Dần, tức là từ 3 giờ sáng đến 5 giờ sáng.
--> Như thế là Lê Ngọa Triều sai giết mèo vào giờ dần (3h-5h) để ban cho các vương.
- Thông tin "sau khi các vương ăn xong vua giơ đầu mèo ra cho xem" ----> cho phép chúng ta phỏng đoán là các vương tập trung ăn uống tại một nơi, chứ không có lý nào vua sai người đem từng đầu mèo tới từng nhà các vương. Bằng chứng khác là ghi chép của Toàn thư thông qua chi tiết "nhân yến tiệc". Bằng chứng khác nữa là cặp từ "thực tất" nghĩa là ăn xong, nếu như vua ban thịt cho các vương tại tư gia của các vương thì làm sao mà Lê Ngọa Triều biết được khi nào các vương ăn xong để mà giơ đầu mèo ra
----> Từ đó chúng ta có thể phỏng đoán một lối sinh hoạt vào buổi sáng của triều tiền Lê là: vào giờ dần (3h-5h) triều đình nấu món ăn, các vương công tụ tập để dùng bữa sáng.
- Liền sau đoạn chép này, Việt sử lược chép việc "coi chầu" --> thế ra các vương công tụ tập tại một nơi dùng bữa sáng trước khi lên chầu. Việc chầu có thể diễn ra vào giờ mão (5h-7h).
-- Lưu ý rằng Việt sử lược và Toàn thư chỉ nhắc tới các Vương, không nhắc tới các quan. Thêm nữa Toàn thư chép là "nhân yến tiệc" nghĩa là không xảy ra thường xuyên trong khi Việt sử lược chép là "dần dạ" có vẻ như nó là một lối sinh hoạt --> có lẽ phải tìm kiếm thêm tài liệu để việc kết luận được vững chắc hơn.
P/S: Việt sử lược và Toàn thư chép rằng "vua mắc bệnh trĩ phải nằm mà coi chầu"
-- nhưng có việc này khá thú vị được cả 2 sách chép trước đó, ấy là "mỗi khi ra chầu, tất sai bọn khôi hài hầu hai bên; vua có nói câu gì thì bọn ấy nhao nhao pha trò cười để cho loạn lời tâu việc của quan chấp chính" hoặc "mỗi khi coi chầu vua sai tên hề nói liến thoắng để làm rồi việc tâu của các quan chấp chính"
--> rõ ràng là Lê Long Đĩnh coi việc chầu chỉ là một trò chơi, một thú vui, một buổi trình diễn sân khấu của những tên hề và quan chấp chính
--> mà xem trình diễn sân khấu thì nên nằm hay ngồi đây 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét