Thứ Tư, 6 tháng 2, 2019

GHI CHÚ VỀ THỜI NGÔ

1/ Thiền uyển tập anh, truyện đại sư Khuông Việt chép: Người Cát Lợi họ Ngô, thuộc dòng dõi Ngô Thuận Đế.
Toàn thư chép lại lời của Lê Văn Hưu như sau: Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được.
----> Đại sư Khuông Việt sinh khoảng năm 933, như thế theo sách sử chỉ 3 người có quan hệ thân tộc với ngài và đồng thời có thể xưng Đế gồm Ngô Quyền, Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn (Cương mục cho rằng Ngô Xương Tuấn và Ngô Xương Văn là một người)
----> Nhưng theo sử gia Lê Văn Hưu thì Ngô Quyền mới chỉ xưng Vương, chưa từng xưng Đế và cũng chưa đặt niên hiệu. Lời này của Lê Văn Hưu được củng cố thông qua bài văn trên quả chuông Nhật Tảo như sau: Thôn Hạ Từ Liêm huyện Giao Chỉ, vào ngày 29 tháng 4 năm Mậu Thân niên hiệu Càn Hòa thứ 6 (948). Càn Hòa là niên hiệu của Lưu Thạnh vua nước Nam Hán.
----> Như thế Ngô Quyền mới chỉ xưng vương, nên Ngô Thuận Đế là cách người đời sau gọi chứ không phải do Quyền tự xưng. Cũng tương tự Ngô Tiên chúa (trong Việt điện u linh) và Tiền Ngô vương (trong Việt sử lược) đều là cách người sau đặt gọi, không phải do Ngô Quyền tự xưng.
----> Việt sử lược có chép: Khi Ngô vương mất --> không lẽ Quyền tự xưng là Ngô vương sao, có khi nào đó cũng chỉ là cách các sử gia đặt để gọi Quyền không ?
Thứ nhất khi Ngô Xương Văn nói với 2 tướng họ Dương và họ Đỗ rằng: Đức của Tiên vương ta thấm khắp lòng dân, phàm chính lệnh ban ra không ai không vui lòng nghe theo.
Thứ hai là Lê Văn Hưu cũng xác nhận: Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương.
Thứ ba là An Nam chí lược, gia thế họ Đinh chép rằng: Đinh Bộ Lĩnh người động Hoa Lư, cha là Công Trứ, nha tướng của Dương Đình Nghệ, khi Ngô Quyền giết Kiều Công Tiễn, cha con Công Trứ về với Quyền, nhân cho nhiệm chức cũ là thứ sử Hoan châu.
---> Rõ ràng là Ngô Quyền rất được sự ủng hộ của các hào trưởng tại An Nam. Việc này cũng dễ hiểu, vốn ngài là con của gia đình có thế lực (con của tiên phủ - Việt sử lược) đồng thời ngài lại là bộ tướng của Dương Đình Nghệ (Toàn thư còn xác nhận ngài là con rể của Dương Đình Nghệ). Ngài lại đánh thắng quân Nam Hán --> xem thế uy quyền của ngài rất cao, xưng vương là dễ hiểu.
-----> Nhưng rồi nhiều người quy thuận nên có khi nào ngài xưng là Thuận vương không ? Giống như trường hợp của Dương Tam Kha tự xưng là Bình vương nên sử gia chép là Dương Bình vương. Quyền xưng là Thuận vương nên sử chép thành Ngô Thuận vương --> nhưng trong lúc quá khích, có người đã nâng cấp cho Quyền từ vương thành đế và do đó chúng ta có Ngô Thuận Đế như Thiền uyển tập anh chép lại.

2/ Trong phần 1, tôi có nghĩ đến 1 tiến trình, đó là: sau khi đuổi Hoằng Tháo, Ngô Quyền tự xưng là Thuận vương. Rồi các tài liệu chép về ngài đã bắt đầu sử dụng cụm từ: Ngô Thuận vương và rồi lại có tài liệu sử dụng cụm từ: Ngô Thuận Đế.
Thiền uyển tập anh là một tài liệu sử dụng cụm từ Ngô Thuận Đế. Tài liệu này có niên đại thời Trần. Thông thường có 2 tình huống xảy ra. Một là tác giả của Thiền uyển tập anh biết rất rõ Ngô Thuận Đế là ai. Hai là tác giả của Thiền uyển tập anh không biết Ngô Thuận Đế là ai, vị tác giả này chỉ làm thuần công việc sao chép (hệt như cái máy photocopy).
Rất là khó để biết chính xác tác giả của Thiền uyển tập anh có biết Ngô Thuận Đế là ai không ? Nhưng có việc này chúng ta có thể chắc chắn, rằng: tất cả những tài liệu sử thời Lý Trần đều không thấy chép cụm từ Ngô Thuận Đế. Ngay cả sử gia Lê Văn Hưu cũng nói: Tiền Ngô Vương ----> xem ra vào thời Lý Trần. Tiền Ngô Vương được sử dụng để gọi Ngô Quyền. Nói cách khác, Ngô Thuận Đế nếu được sử dụng (một cách phổ biến) thì phải trước thời Lý (hoặc có thể đầu thời Lý). Việc này cũng khiến chúng ta phỏng đoán: tác giả thời Trần của Thiền uyển tập anh cũng không biết chắc chắn Ngô Thuận Đế là ai, vị tác giả ấy cũng giống chúng ta, chỉ phỏng đoán có thể là Ngô Quyền.
Nói tác giả thời Trần của Thiền uyển tập anh, ấy là bởi cuốn sách này được nhiều người ở nhiều thời kỳ cũng biên soạn. Tác giả Nguyễn Lang trong Việt Nam phật giáo sử luận có dẫn 2 bằng chứng gồm: Một là khi được hoàng hậu Ỷ Lan hỏi về lai lịch của phái Tỳ Ni Đà Lưu Chi, thiền sư Thông Biện (?-1134) đã trả lời khá rõ rệt. Hai là khi thiền sư Thần Nghi thưa với thiền sư Thường Chiếu rằng: phụng sự đã lâu mà chưa rõ được nhân vật nào đã truyền thừa. Nên Thường Chiếu (?-1203) có cho Thần Nghi xem một tài liệu của Thông Biện. Sau khi xem xong, Thần Nghi có hỏi: tại sao hai hệ phái Nguyễn Đại Điên và hệ phái Nguyễn Bát Nhã không được chép. Thì Thường Chiếu nói rằng: Thông Biện đã nghĩ kỹ rồi mới không chép ----> Từ đó GS Nguyễn Lang cho rằng Thông Biện là người đầu tiên biên soạn Thiền uyển tập anh.
Chúng ta biết năm 1011 đại sư Khuông Việt tịch, còn thiền sư Thông Biện tịch vào năm 1134. Vậy cũng chỉ cách nhau trên dưới 100 năm. Trong sử thì đây là khoảng thời gian khá ngắn, nên những thông tin về vị đại sư Khuông Việt trong Thiền uyển tập anh là có thể tin được. Một việc nữa cũng có thể suy ra từ đây là: vào thời kỳ của Thông Biện, Ngô Thuận Vương được sử dụng rộng rãi. Và có thể vào thời kỳ nhiều người xưng vương, nhưng để mô tả sự nổi bật, vai trò quan trọng của Ngô Quyền (mà như Lê Văn Hưu nói rằng: làm cho người phương bắc không giám sang nữa) thì người đời sau đã dùng chữ Đế để gọi Ngô Quyền, cốt là để tạo sự khác biệt với các vị vương khác (nhận định của Mr Mạc Tư Hữu)
----> đó có thể là tiến trình từ Thuận vương, tới Ngô Thuận vương, tới Ngô Thuận Đế và rồi bị thay bởi Tiền Ngô vương.
Theo Việt sử lược năm 944 Ngô Quyền mất, trị nước được 7 năm (938-944). Chủ tướng là Dương Tam Kha tự lập, xưng là Bình vương. Con cả của Quyền là Xương Ngập chạy về Trà Hưng [Hải Dương] trú tại nhà Phạm Công Lệnh. Tam Kha nhận con thứ của Quyền là Xương Văn làm con. Quyền còn 2 người con nhỏ nữa là Nam Hưng và Càn Hưng. Năm 950 Tam Kha sai Xương Văn cùng 2 tướng họ Đỗ và họ Dương đánh 2 thôn Đường Nguyễn, Xương Văn cùng 2 tướng trở về đánh úp, giáng Bình vương làm Chương Dương sứ. Tam Kha trị nước cũng được 7 năm (944-950). Cứ theo như Việt sử lược thì năm 944 được tác giả tính cho cả Quyền và Kha.
Sau khi phế Dương Bình vương mà tự lập, Ngô Xương Văn xưng là Nam Tấn vương. Năm 951 Văn đón Xương Ngập về cùng coi chính sự, Ngập xưng là Thiên Sách vương.
----> Thú vị ở chỗ. Tân Ngũ đại sử, Nam Hán thế gia cho biết: năm 932 vua nước Nam Hán là Lưu Nghiễm phong cho con trai thứ 4 là Lưu Thịnh làm Tấn vương. Sau này Lưu Thịnh cũng làm vua nước Nam Hán.
 có khi nào lại trùng hợp thế không, Lưu Thịnh ở Quảng Đông làm Tấn vương, còn Ngô Xương Văn ở Cổ Loa lại tự xưng là Nam Tấn vương. Sao không phải là gì gì đó Tấn vương mà lại là Nam ? Có lẽ ý của Văn là muốn làm Tấn vương của phương nam chăng ?
Việc hướng về phương bắc (noi theo giáo hóa) của Văn không chỉ qua việc ấy, mà vào năm 954 chính Xương Văn cử sứ sang nước Nam Hán xưng thần và xin tiết việt. Năm 954 xảy ra 1 sự kiện khác rất quan trọng, ấy là Xương Ngập mất, tất cả các tài liệu đều thống nhất rằng: Xương Ngập mất, Xương Văn mới sai sứ sang Quảng Đông. Việt sử lược còn chép rõ: Thiên Sách vương ở ngôi 3 năm (có lẽ là 951-953) còn Nam Tấn vương ở ngôi 13 năm (950 và 954-965).
Việt sử lược chép rõ Thiên Sách chuyên quyền, không cho Xương Văn tham dự triều chính. Toàn thư còn chép thêm: 2 vương do đó hiềm khích với nhau. Lại thêm, vào năm 954 sau khi sứ An Nam sang Nam Hán xưng thần, thì vua Nam Hán sai sứ sang An Nam, lúc này Xương Văn mới cho người ngăn lại và nói với sứ nhà Nam Hán rằng "cướp biển đang làm loạn, đường xá không thông được" ----> Cướp biển là đám nào, lớn tới đâu mà triều đình Cổ Loa không dẹp được. Rồi họ Phạm mạn phía đông rất mạnh, không lẽ không quản được đám cướp này. Lưu ý rằng đám cướp làm loạn tới mức đường xá không thông thì rõ là rất lớn, khác hoàn toàn với đám cướp thông thường, là cướp xong rồi trốn chạy và ẩn nấp ----> vậy chúng ta có 1 chuỗi các sự kiện gồm: khi bị Tam Kha tiếm quyền, Xương Ngập chạy về nhà họ Phạm mạn phía đông, khi Xương Ngập về Cổ Loa thì xảy ra hiềm khích với em trai, đến lúc Xương Ngập chết thì mạn phía đông xảy ra việc cướp biển làm loạn.
Vì sao Xương Ngập chết ? Giả sử Ngập là thân phụ của Khuông Việt thì lúc sinh Việt, chắc ngài chỉ khoảng 20 tuổi, tới năm 955 thì ngài khoảng 40 tuổi. Rồi vì sao Ngô Chân Lưu lại đi tu và trở thành Khuông Việt đại sư ? Xin xem phần tiếp theo

3/ Đại sư Khuông Việt được cho là sinh khoảng năm 933 và là con cháu đời sau (duệ) của Ngô Thuận Đế. Tác giả của Thuyền uyển tập anh khi chép Ngô Thuận Đế là muốn hàm chỉ ai ?
Theo Việt sử lược chúng ta có 3 cái tên là: Ngô Quyền, Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn.
Theo Toàn thư chúng ta có thêm 3 cái tên nữa là: Ngô Xương Xí, Ngô Nhật Khánh, Ngô Mân.
Theo An Nam chí lược chúng ta có thêm Ngô Xương Tuấn.
--> Theo Việt sử lược thì Xương Xí và Nhật Khánh không phải người họ Ngô.
--> Theo Cương mục thì Xương Tuấn là tên khác của Xương Văn.
--> Không có tài liệu nào khẳng định Ngô Mân từng xưng vương.
Nên dựa theo sách sử thì chỉ còn: Ngô Quyền, Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn. Nhưng Toàn thư cho biết Quyền có 4 người con là Xương Ngập, Xương Văn, Nam Hưng, Càn Hưng --> vậy Khuông Việt không thể là con của Quyền.
Chúng ta luôn đồng thuận rằng: Ngô Chân Lưu là con trai của Ngô Xương Ngập và sau sự biến Dương Tam Kha, Ngô Xương Ngập phải chạy về nương tựa nhà Phạm Công Lệnh, còn con trai của ngài là Chân Lưu phải nương tựa cửa chùa. Nhưng xem kỹ truyện Khuông Việt đại sư thì dường như không phải vậy ?
Đoạn "nhỏ theo học Nho, lớn lên quy y Phật, sư cùng bạn học Trụ Trì đến thiền sư Vân Phong chùa Khai Quốc, thọ giới cụ túc, từ đó sư đọc khắp sách Phật, tìm hiểu yếu chỉ của Thiền" ----> Trụ Trì có lẽ là bạn học Nho với Chân Lưu. 2 người này khi trưởng thành thì đến chùa Khai Quốc thọ giới thiền sư Vân Phong --> cứ xem mô tả này thì thấy đây không giống với bối cảnh của một cuộc gửi thân nơi cửa phật để trốn tránh tai họa.
Vì nếu là gửi thân nơi của phật để trốn tránh tai họa, thì Chân Lưu phải thực hiện một cách bí mật, càng dấu thân phận kỹ càng tốt, phải hoàn toàn lặng lẽ, chứ không lý nào lại cùng bạn học tới thọ giới được ?
Lại thêm, Chân Lưu "đọc khắp sách phật, tìm hiểu yếu chỉ của thiền" --> đó rõ ràng là một con người hướng phật, chứ không phải là một con người đang lẩn trốn.
------> thế nên nói rằng: do sự biến năm 944 mà Ngô Chân Lưu phải tựa vào phật môn cũng rất đáng ngờ, nghi vấn này cũng gián tiếp đặt ra một nghi vấn khác, rằng Chân Lưu có phải là con trai của Xương Ngập không ?
Thiền uyển tập anh, truyện thiền sư Đa Bảo chép: Khi đại sư Khuông Việt giảng dạy tại chùa Khai Quốc, sư đến tham học ----> như thế suốt một thời gian dài, từ khi Chân Lưu trưởng thành tới chùa Khai Quốc thọ giới thiền sư Vân Phong và vào năm 956 khi thiền sư Vân Phong mất thì Chân Lưu tiếp quản, thiền sư cho Đa Bảo nhập thất.
Truyện Khuông Việt đại sư cho biết: sau sư già yếu, xin về núi Du Hí thuộc quận Thường Lạc để dựng chùa --> như thế Chân Lưu có một thời gian rất dài gắn bó với chùa Khai Quốc.
Việt sử lược và Toàn thư cho biết Ngô Quyền còn có 2 người con trai nữa là Nam Hưng và Càn Hưng. Nam Hán thế gia có chép tên mấy người con của Lưu Thạnh là: Kế Hưng, Toàn Hưng, Khánh Hưng, Bảo Hưng, Sùng Hưng ----> cả 2 người con của Ngô Quyền và 5 người con của Lưu Thạnh đều kết thúc bởi chữ Hưng (?)
Mở rộng khảo sát thấy rằng: Lưu Ẩn được phong làm Nam Bình vương, còn Dương Tam Kha thì tự xưng là Bình vương (?) Sơ đồ nhà Nam Hán gồm: Lưu Khiêm sinh Lưu Ẩn, Lưu Nghiễm. Lưu Nghiễm sinh Lưu Phần, Lưu Thạnh. Lưu Thạnh sinh Lưu Sưởng.
Sơ đồ Ngô Dương gồm: Dương Đình Nghệ sinh Dương Tam Kha, con (rể) Ngô Quyền. Quyền sinh Xương Ngập, Xương Văn. Như Việt sử lược chỉ nói Ngô Quyền là tướng của Đình Nghệ, nhưng sang tới Toàn thư thì Quyền trở thành con rể (?). Có thể vào thời của Lê Tắc, Việt sử lược thì lịch sử như những sách này ghi chép, sau những câu truyện này truyền vào dân gian, rồi cả những truyện về nhà Nam Hán nữa, tại dân gian những câu truyện trộn lẫn với nhau. Đến khi Ngô sử gia chép sử thì đã không những lấy từ chính sử mà còn lấy cả từ đời truyền, thành ra như vậy. Lại thêm khi soạn sử phương nam, Ngô Sĩ Liên còn luôn lấy sử phương bắc làm khuân mẫu, vì thế không loại trừ có vài chi tiết người soạn sự cố tình uấn nắn cho đúng với khuân mẫu phương bắc chăng ? Tiếc là chúng ta không có bằng chứng, giả mà có mấy tấm bia thì tốt 
Toàn thư cho biết vào năm 967, khi Trần Minh Công mất, bọn con em (tử đệ) Ngô Tiên Chúa đem quân đánh ----> như vậy là nhóm thân tộc với Ngô Quyền còn khá nhiều. Cũng không thấy sách đề cập tới con của Xương Văn (?). Nam Hưng với Càn Hưng thời điểm này cũng đều lớn cả.
Rốt lại Ngô Chân Lưu có mối quan hệ như thế nào với Ngô Quyền ? Có khi nào thiền sư Thông Biện chép sai không ? Cũng không có bằng chứng cho thấy sách ấy chép sai, với lại các thông tin khác về Khuông Việt đều khớp với sách sử ? Nam Hán thế gia cho biết hoàng đế Lưu Sưởng trước tên là Kế Hưng, rồi Lưu Thạnh trước tên là Hồng Hy, cả Lưu Phần trước cũng vốn tên là Hồng Độ --> có khi nào Chân Lưu trước vốn tên là [...] Hưng không  Nhưng mà nếu Thông Biện biết rõ về Khuông Việt như vậy thì ngài ấy phải dùng chữ Tử mới đúng, chứ sao lại dùng chữ Duệ ?

4/ https://xudongly.blogspot.com/2019/02/ghi-chu-ve-chua-tran-quoc.html

5/ Việt điện u linh truyện Triệu Việt vương và Lý Nam đế viết: Nam Đế đã thôn tính xong Triệu Việt Vương, bèn thiên đô đến Lộc Loa và Vũ Ninh, phong anh là Xương Ngập làm Thái Bình hầu giữ thành Long Biên, phong Đại tướng Lý Tấn Đỉnh làm An Ninh hầu, giữ thành Ô Diên. Nam Đế chết, con là Sư Lợi lên làm vua, được mấy năm thì bị tướng nhà Tùy là Lưu Phương diệt.
----> Triệu Việt vương và Lý Nam đế là truyện tích hợp rất nhiều những thông tin, cụ thể như:
- An Ninh hầu là tước hiệu của Trần Liễu (Toàn thư mục năm 1315)
- Chuyện tình của Nhã Lang và Cảo nương được lấy cảm hứng từ chuyện tình của Mỵ Châu và Trọng Thủy.
- Sư Lợi họ Khâu, là con trai của Tổng quản Giao Châu Khâu Hòa (Tùy thư Khâu Hòa truyện). Nhân vật này hình như thầy Thạt cũng bị nhầm 
- Thái Bình hầu thì chưa xác định được
Tùy thư cho biết: Lí Phật Tử làm loạn, giữ thành cũ Việt vương, cho con của anh là Đại Quyền giữ Long Biên và bộ tướng là Lí Phổ Đỉnh giữ thành Ô Diên.
--> Người giữ Long Biên từ Lý Đại Quyền trở thành Lý Xương Ngập --> rất thú vị đúng không, sự thay đổi này cho chúng ta cái tên Xương Ngập họ Ngô. Không những thế, mối quan hệ cũng bị thay đổi từ con của anh thành người anh, nếu vậy Lí Nam Đế chính là hình ảnh của Ngô Xương Văn.
--> Lại thấy rằng, cái tên Lí Phổ Đỉnh đã bị thay bởi Lý Tấn Đỉnh, mọi thứ giữ nguyên chỉ có Phổ thành Tấn. Có khi nào chữ Tấn này nằm trong Nam Tấn vương không ? Bởi Lĩnh Nam chích quái truyện Vuốt rông trừ giặc cũng chép: "phong cho đại tướng quân Lý Tấn Trang làm An Ninh hầu". Mọi thứ thay đổi nhưng riêng chữ Tấn không thay đổi. Còn chữ Nam thì nằm trong ngay đầu câu truyện "Nam Đế họ Lý, húy là Phật Tử"
--> Việt điện u linh chép là sau khi dẹp Triệu Việt vương, Nam Đề rời về Lộc Loa Vũ Ninh, Lĩnh Nam chích quái chép rõ hơn "trở lại Loa thành" ----> hẳn chúng ta còn nhớ, sau khi đánh bại quân Nam Hán, Ngô Quyền đóng đô ở Cổ Loa. Nhưng vì sao cuộc chiến giữa Lý Nam Đế (Ngô Xương Văn) với Triệu Việt vương (chưa xác định được) lại xảy ra ở thành Ô Diên ? Việc này Toàn thư và Việt sử lược có chép.
Toàn thư viết: Năm 950 Tam Kha sai Xương Văn và hai tướng họ Dương, họ Đỗ đem quân đi đánh hai thôn Đường, Nguyễn ở Thái Bình. Đến Từ Liêm, Xương Văn ung dung (thung dung) bảo hai sứ rằng: "Bình Vương tự làm việc bất nghĩa, cướp ngôi của anh em ta, tội không gì to bằng". Hai sứ đều nói: "Xin theo lệnh của ông". Xương Văn nói: "Ta muốn đem quân quay lại đánh úp Bình Vương để khôi phục cơ nghiệp của Tiên Vương ta, có nên chăng". Hai sứ đều trả lời là nên lắm. Bèn quay về đánh úp Tam Kha. Mọi người muốn giết đi, Xương Văn nói: "Bình Vương đối với ta có ơn, sao nỡ giết". Bèn giáng làm Chương Dương công, nhân đó ban cho thực ấp.
----> Chúng ta thấy địa danh Từ Liêm xuất hiện, thành Ô Diên ở huyện Từ Liêm. Khi đến Từ Liêm thì Xương Văn lại Thung Dung, vì sao ? Phải chăng khi được Tam Kha nhận làm con, nên Xương Văn được phong đất ở đó (qua việc giáng Kha làm Chương Dương công, nhân đó mà ban cho thực ấp, việc này cho thấy chuyện phong tước ban ấp thời Ngô đã có). Việc Xương Văn được ban cho thực ấp là có cơ sở, bởi ngay dưới mục 950, Toàn thư có chép lại lời của Lê Văn Hưu rằng "nuôi con vua làm con mình mà cho thực ấp, là ơn riêng" (dưỡng quân chi tử vi dĩ tử nhi thực ấp, tư ân dã)
Một bằng chứng gián tiếp nữa cũng cho thấy Xương Văn có ấp phong tại Từ Liêm, ấy là vị tướng theo ngài đánh úp Bình vương là Đỗ Cảnh Thạc (Toàn thư). Người mà sau này chiếm giữ vùng Đỗ Động (phía tây kinh thành) và như Toàn thư chép năm 967 khi mà Trần Minh Công ở Bố Hải khẩu mất thì "bọn con em của Ngô Tiên chúa ở Đỗ Động Giang hơn 500 người đem quân đến đánh" ----> Bọn con em Ngô Tiên chúa hợp với Đỗ Cảnh Thạc giữ mạn phía tây kinh thành, có lẽ là cả Từ Liêm, đất cũ của Xương Văn.
Theo như chuông Nhật Tảo (Từ Liêm) đúc năm 948 thì tại Từ Liêm có một nhóm gồm 2 phái là Đạo và Nho gọi chung là Vô Pháp môn. Vào năm 944, nhóm này góp tiền về 1 bức tranh Thái thượng tam tôn, trong cùng năm đó là thêm 6 cái phướn báu thứ quan. Thật đáng tiếc, chuông không nói rõ mục đích làm 2 thứ đó để làm gì (nếu ko nói thì phải ngầm hiểu là để thờ cúng riêng trong phái) vì năm 944 cũng là năm Ngô Quyền mất 
Thiền uyển tập anh truyện thiền sư Vân Phong, viết rằng: Chùa Khai quốc, kinh đô Thăng Long, người Từ liêm, quận Vĩnh Khương, họ Nguyễn ----> ở đây xuất hiện một vị thiền sư người Từ Liêm, lại là thầy của Chân Lưu (cháu của Ngô Thuận Đế). Mà rồi, một vị vương họ Ngô tên là Xương Văn lại có mối liên hệ với Từ Liêm ----> hơi rối một xíu! Vậy tổng kết lại nhé:
/ Có cơ sở để kết luật ghi chép của Thiền uyển tập anh về thiền sư Khuông Việt là đáng tin, nên chúng ta có thiền sư Khuông Việt là dòng dõi Ngô Thuận đế, Ngô Thuận đế có khả năng là Ngô Quyền.
/ Không có tài liệu nào, ngoại trừ gia phả họ Ngô xác quyết Ngô Chân Lưu là con Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập. Xem truyện thiền sư Khuông Việt thì dường như, Ngô Chân Lưu đến thọ giáo thiền sư Vân Phong tại chùa Khai Quốc không hề giống với cuộc lẩn trốn.
/ Khi Tam Kha tiếm quyền, đã nhận Ngô Xương Văn làm con, có ban ấp phong và trên cơ sở rất nhiều những thông tin ám chỉ Xương Văn được tích hợp trong câu chuyện lấy bối cảnh tại Từ Liêm, cùng với đó là những sự kiện liên hệ giữa Xương Văn với Từ Liêm trong sử, chúng ta đặt giả thuyết: ấp phong của Xương Văn là tại khu vực Từ Liêm.
/ Không có tài liệu nào đủ mạnh để xác quyết về thời điểm ra đời của tên gọi Khai Quốc, trong khi vị thiền sư đầu tiên có liên hệ với chùa Khai Quốc là Vân Phong, người thời Ngô và cũng rất khéo khi những ghi chép của sử sách cho phép phỏng đoán, Ngô Quyền cũng là một vị vua khai quốc.
/ Một người dòng dõi Ngô Vương là Chân Lưu lại đến xin làm để tử của vị sư hiện được ghi nhận là đầu tiên có liên hệ với chùa Khai Quốc là Vân Phong, trong khi vị thiền sư Vân Phong lại có quê tại nơi con của vị vương khai quốc quản lý.
Cuối cùng có một chi tiết cũng khá khó hiểu, đó là sự xuất hiện của Sư Lợi, theo sách sử thì khi người phương bắc là Lưu Phương đem quân đến đánh Lý Phật Tử (Lý Nam Đế) thì Phật Tử xin hàng. Nhưng sách sử lại không hề chép về con cháu của Lý Phật Tử, trong khi Việt điện u linh lại chép rõ: Phật Tử mất, con là Sư Lợi nối, bị tướng nhà Tùy là Lưu Phương đến đánh, thì xin hàng.
Theo sử sách thì Lưu Phương dẹp Lý Phật Tử năm 602, còn đánh nước Lâm Ấp, mãi tới 618 Khâu Hòa mới được nhắc đến, hơn nữa chỉ Khâu Hòa mới liên quan tới An Nam, người con Khâu Sư Lợi chẳng có liên hệ gì, vì sao lại được tích hợp vào câu chuyện trong Việt điện u linh, hơn thế nữa lại trở thành con của Ngô Xương Văn.
-----> Cách giải thích của em là không viết hoa chữ SƯ, nghĩa là chỉ viết "sư Lợi" hàm í chỉ một vị sư, nhưng vì sao lại là Lợi mà không phải là Lưu ? Chúng ta thấy Nam Tấn vương được tách thành Nam Đế và Tấn Đỉnh, có khi nào "sư Lưu" được tách thành "Sư Lợi" và "Lưu Phương" ---> xin xem thêm trường hợp của một nhân vật cuối thời Lý là Đỗ Năng Tế.
Vậy thì giả thuyết tổng là gì ? Ngô Quyền giết Kiều Công Tiễn, phá Hoằng Thao, xưng Thuận vương, mở chủa Khai Quốc, lấy một vị sư dòng Vô Thông Ngôn là Vân Phong người Từ Liêm làm trụ trì (xem dòng Vô Thông Ngôn thì gần như toàn bộ các vị thiền sư đời đầu đều mở chùa, cụ thể như Cảm Thành mở chùa Kiến Sơ, Thiện Hội mở chùa Định Thiền, Khuông Việt mở chùa Phật Đà). Khi Ngô Quyền mất, Tam Kha tiếm ngôi, nhận Xương Văn làm con, phong cho thực ấp tại Từ Liêm. Xương Văn liên kết với các thế lực (Đỗ Cảnh Thạc tại Đỗ Động, Vô pháp môn, Vân Phong) tổ chức cuộc bạo loạn, phế Bình vương. Văn lên làm Nam Tấn vương, cho con là Ngô Chân Lưu theo Vân Phong thọ giới cụ túc.
P/S: Thái Bình hầu là tước hiệu của ai, trong phần trước có nói tới hiềm khích của Xương Ngập và Xương Văn, có khi nào Nam Tấn vương phế Thiên Sách vương, cho làm Thái Bình hầu không, xin bàn trong một bài khác

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét