Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

VIỆT CHIÊM TRƯỜNG TRẬN TÂN BIÊN (PHẦN 6)


1. Toàn thư chép: “Đinh Dậu [1177] Mùa xuân tháng 3, Chiêm Thành đến cướp châu Nghệ An (...) Giáp Thìn [1184] Mùa xuân tháng 3, nước Chiêm Thành sang cống”.
Sách Vương quốc Champa của tác giả Lafont viết: “Nhờ sự giúp đỡ của một viên thuyền trưởng người Trung Hoa, vua Jaya Indravarman IV đưa quân đi ngược dòng sông Mekong và Tonle Sap để tiến đến Biển Hồ vào năm 1177”.
Tống sử chép: “Năm sau [1172] (Chiêm Thành) lại đến, Quỳnh Châu chặn lại, người Chiêm tức giận thả sức cướp bóc rồi về (…) Thuần Hi năm thứ tư [1177] Chiêm Thành đem quân thuyền tập kích Chân Lạp, tiến sát tới tận quốc đô”.
-- Tháng 7/1175 Lý Anh Tông băng, con là Long Trát lên ngôi, người Chiêm không những không sang cống, mà tháng 3/1177 còn sang cướp châu Nghệ An.
-- Thứ nhất, đây chỉ là một cuộc thăm dò quân sự nhân Thăng Long thay đổi người lãnh đạo, vì vào năm 1177 Vijaya đang tiến hành chinh phạt Angkor.
-- Thứ hai, vì sao lại là châu Nghệ An ? Phép thường, người Chiêm phải cướp 3 châu cực nam là Bố Chính, Minh Linh, Lâm Bình mới phải, vì sao lại tiến sâu vào nội địa để cướp, trong khi mục đích cướp chỉ là để thăm dò.
-- Rõ ràng là khả năng thủy chiến của Chiêm Thành khá mạnh, có thể cướp bóc thả sức Quỳnh Châu, lại có thể tiến tới Biển Hồ, vậy thì vào cướp châu Nghệ An sẽ khá đơn giản.
Việt sử lược chép: “Giáp Dần [1194] Chiêm Thành, Chân Lạp tới cống”.
Toàn thư chép: “Mậu Ngọ [1198] Sứ Chiêm Thành sang cống và cầu phong (...) Kỷ Mùi [1199] Mùa đông, tháng 10, vua ngự đến phủ Thanh Hóa bắt voi. Sai sứ sang phong vua nước Chiêm Thành”.
-- Theo sách Vương quốc Champa thì vào năm 1177 vua Jaya Indravarman IV đã tấn công thành Angkor, giết được vua của Chân Lạp. Vị hoàng tử của Campuchia đã xua quân phản chiến, giải phóng Angkor khỏi sự chiếm đóng của Champa vào những năm 1180-1181, rồi lên ngôi vua mang vương hiệu là Jayavarman VII.
-- Tại Vijaya vua Indravarman IV truyền ngôi cho Jaya Indravarman On Vatuv. Năm 1190 vua Indravarman OV đem quân tấn công Chân Lạp. Vua Khmer Jayavarman VII cho vị hoàng tử gốc Champa là Vidhyanandana đem quân tấn công Vijaya vào năm 1191 và bắt sống được Indravarman OV đưa về Angkor.
-- Sau cuộc chiến, phía nam Chiêm Thành do Vidhyanandana kiểm soát, phía bắc Chiêm Thành do hoàng tử người Khmer tên là In kiểm soát. In là anh rể của vua Khmer Jayavarman VII và lấy danh hiệu là Suryajayavarmadeva.
-- Vào năm 1193 người Chiêm nổi dậy, đuổi In khỏi Vijaya và tôn vị hoàng tử gốc Champa là Rasupati lên ngôi vua với danh hiệu Jaya Indravanmadeva. Jayavarman VII cử đoàn quân cùng Indravarman OV sang Vijaya. Vidhyanandana từ Panrang đưa binh lính đến hợp với đoàn quân của Angkor tấn công Rasupati.
-- Sau khi giết được Rasupati, Vidhyanandana tấn công Indravarman OV, Indravarman OV chạy sang tiểu quốc Amaravati nhưng bị Vidhyanandana truy sát và giết chết. Jayavarman VII đưa quân sang đánh Vijaya vào năm 1193 và 1194 nhưng đều thất bại.
-- Vidhyanandana thống nhất Champa, có vương hiệu là Suryavarman và cử sứ sang Thăng Long vào năm 1194. Năm 1198 cử sứ sang Thăng Long và xin cầu phong. Năm 1199 Lý Cao Tông chính thức công nhận Suryavarman là vua Chiêm Thành.
Toàn thư chép: “Quý Hợi [1203] Mùa thu tháng 7, Điện tiền chỉ huy sứ tri châu Nghệ An là Đỗ Thanh và châu mục là Phạm Diên tâu rằng: "Vua nước Chiêm Thành là Bố Trì bị chú là Văn Bố Điền đuổi, nay đem cả vợ con đến ngụ ở cửa biển Cơ La, ý muốn cầu cứu". Tháng 8, vua sai Đàm Dĩ Mông và Đỗ An đi liệu tính việc ấy. Sắp đến cửa biển Cơ La, Đỗ An nói: "Kẻ kia đem quân đến đây, lòng nó khó tin được. Tục ngữ có câu: "Lỗ kiến có thể vỡ đê, tấc khói có thể cháy nhà". Nay Bố Trì há phải là lỗ kiến, tấc khói mà thôi đâu". Dĩ Mông nói lại ý ấy với Thanh và Diên, bảo phải phòng bị. Bọn Thanh nói: "Kẻ kia vì hoạn nạn đến xin cầu cứu, còn phải nghi ngờ gì ?". Dĩ Mông giận, đem quân về. Thanh và Diên cùng mưu đánh úp Bố Trì để làm kế tự bảo toàn. Mưu tiết lộ, thành ra bị Bố Trì giết. Quân Nghệ An tan vỡ, chết không xiết kể. Bố Trì thả sức cướp bóc rồi về”.
Việt sử lược chép: “Quý Hợi [1203] Mùa thu tháng 7, quan coi châu Nghệ An là điện tiền chỉ huy sứ tri Đỗ Thanh và châu mục là Phạm Diên dâng thư về triều nói rằng: Chúa Chiêm Thành là Bố Trì bị chú là Bố Do đuổi, đem hơn 200 chiếc thuyền bị lan chở vợ con đến ngụ ở cửa biển Cơ La, muốn cầu cứu ta. Tháng 8, vua sai phụ quốc thái phó Đàm Dĩ Mông và khu mật sứ Đỗ An đi bàn bạc công việc. Dĩ Mông đến Cơ La, Đỗ An nói rằng: Bố Trì có 200 chiến thuyền, cái dã tâm của lang sói không thể tin cả được. Ngạn ngữ có câu rằng: "Lỗ kiến có thể vỡ đê, tấc khói có thể cháy nhà". Nay Bố Trì há chỉ là lỗ kiến, tấc khói hay sao, xin ông suy nghĩ kỹ. Dĩ Mông nói lại ý ấy với Thanh và Diên, bảo phải phòng bị. Bọn Thanh, Diện nói rằng: Kẻ kia vì hoạn nạn đến xin cầu cứu, nên có lòng thành thương xót, chứ này lại tỏ ý nghi ngờ, chẳng là không nên sao ? Dĩ Mông giận, đem quân về. Thanh và Diên nói với nhau rằng: Lũ chúng ta đã trái ý phụ quốc, tất có hậu hoạn, chi bằng hãy đi đánh Bố Trì để làm kế tự toàn. Mưu đó tiết lộ ra, bị Bố Trì biết. Bố Trì sợ hãi bèn bảo với quân lĩnh rằng: Lũ ta gặp nạn mà phải đến cầu cứu đại quốc, nó đã không có tình nghĩa thương xót láng giếng, lại toan bắt tù ta, thật đau đớn biết chừng nào ? Nhân rình lúc sơ hở để dụ Thanh, Diên. Thanh, Diên sai người Nghệ An buộc thuyền vào thuyền bị lan của Chiêm Thành để coi giữ. Ban đêm người Chiêm đem những bó đuốc tre có để gậy nhọn giấu trong thuyền. Một đêm, quân canh gác sợ hãi trở dậy, không biết làm thế nào, đều nhảy xuống nước, bị Chiêm Thành giết và bị chết đuối đến hơn 200 người. Quân của Thanh, Diên tan vỡ còn Bố Trì thống suất bộ chúng chạy về nước nó”.
Sách Vương quốc Champa của tác giả Lafont viết: “Năm 1203 Suryavarman bị phế truất bởi một vị thái tử Champa tên là Dhanapatigrama, cũng là một nhân vật từng sinh sống trong triều đình Angkor và rất trung thành với vua Campuchia”.
-- Cả Việt sử lược và Toàn thư đều chép về sự kiện tháng 7/1203 chúa Chiêm là Bố Trì đem tông tộc đến ngụ tại biển Cơ La, xin Thăng Long trợ giúp. Đàm Dĩ Mông và Đỗ An được cử vào châu Nghệ An để bàn bạc với Đỗ Thanh và Phạm Diên.
-- Mông và An có bất đồng với Thanh và Diên nên Mông và An trở lại Thăng Long. Như vậy Mông và An không đem quân vào châu Nghệ An nên mới buộc phải về.
-- Thanh và Diên biết rằng làm phật ý phụ quốc thái phó thì sẽ khó mà yên được nên có ý đánh Bố Trì. Nhưng không rõ vì sao kế hoạch này lại bị tiết lộ ra, có khi nào trong quá trình chuẩn bị thì người liên lạc giữa Bố Trì và Thanh-Diên biết được nên báo cho chúa Chiêm không ?
-- Nếu đã có ý đánh thì sao không đánh, mà lại để Bố Trì dụ, buộc thuyền của người Việt vào thuyền bị lan của người Chiêm ?
-- Theo như ghi chép của Việt sử lược thì số lượng quân Đại Việt chết đến 200 người và thế trận bị tan, như thế xem ra quân của Thanh-Diên cũng không nhiều. Bố Trì có 200 thuyền, trên thuyền có cả phụ nữ trẻ em, thế ra quân của 2 bên cũng ngang nhau.
-- Toàn thư cho biết Thanh-Diên bị chết trong trận chiến đó và người Chiêm thả sức cướp bóc, nhưng chắc chắn Thanh-Diên không thể nào ở lại những chiếc thuyền của người Việt buộc vào thuyền bị lan của người Chiêm được. Nên sau khi đánh xong quân trên thuyền, người Chiêm đã tiến vào bờ và tấn công Thanh-Diên, sau đó thì cướp bóc và rút quân.
-- Trong lúc bàn bạc với Mông-An thì Thanh-Diên có nói: nên có lòng thành thương xót, cho thấy Thanh-Diên có cái nhân, hẳn vì thế mà tuy có kế hoạch đánh Bố Trì nhưng lưỡng lự mã không quyết. Có thể Bố Trì đã dụ rằng: nếu không tin tôi sang hàng là thật, xin buộc thuyền bị lan vào thuyền của các ngài, để các ngài có thể kiểm soát. Người có lòng nhân thường không đề phòng, cứ nghĩ làm như thế có thể kiểm soát được 200 chiếc thuyền của Chiêm Thành, nào ngờ.
-- Cũng phải thừa nhận là Bố Trì giỏi. Chỉ là nếu Thanh-Diện đã sẵn sàng buộc thuyền của mình vào thuyền bị lan, thì nếu Bố Trì không ra tay, có thể cuộc diễn đã khác.
Toàn thư chép: “Bính Tý [1216] Chiêm Thành và Chân Lạp đến cướp châu Nghệ An, châu bá là Lý Bất Nhiễm đánh phá được (…) Mậu Dần [1218] Chiêm Thành và Chân Lạp đến cướp châu Nghệ An, Lý Bất Nhiễm đánh tan được, thăng tước hầu, ban thực ấp 7.500 hộ, thực phong 1.500 hộ”.
Việt sử lược chép: “Mậu Thân [1208] Vua lấy Phạm Du coi việc quân châu Nghệ An. Du chiêu tập bọn vong mệnh, tụ tập bọn giặc cướp gọi là hậu nhân, ngang nhiên cướp bóc, không sợ hãi gì cả (…) Mậu Dần [1218] Lấy quan nội hầu Lại Linh coi việc châu Nghệ An”.
-- Theo ghi chép của Toàn thư thì vào năm 1216 và năm 1218 cả người Chiêm Thành và Chân Lạp sang cướp châu Nghệ An và đều bị Lý Bất Nhiễm đánh bại. Toàn thư chép việc Nhiễm đánh phá được Chiêm Thành năm 1218 là sau tháng 10, trong khi Việt sử lược chép là cho Lại Linh coi châu Nghệ An vào trước tháng 7/1218. Nhưng đến tháng 4/1220 Lại Linh đem quân đánh Hà Cao tại Quy Hóa, thế xem ra việc coi châu Nghệ An chỉ là trên danh nghĩa. Vì thế không bác bỏ được ghi chép của Toàn thư về 2 lần tấn công của người Chiêm đối với châu Nghệ An.
2. Toàn thư chép: “Mậu Tý [1228] Mùa đông tháng 10, nước Chiêm Thành sang cống (…) Nhâm Dần [1242] Mùa đông tháng 10, Chiêm Thành sang cống (…) Nhâm Tý [1252] Mùa xuân tháng giêng, vua thân đi đánh Chiêm Thành, sai Khâm Thiên Đại vương Nhật Hiệu làm lưu thủ. Chiêm Thành từ khi nhà Lý suy yếu, thường đem thuyền nhẹ đến cướp bóc dân cư ven biển. Vua lên ngôi, lấy đức vỗ về, sai sứ sang dụ, tuy họ có thường sang cống, nhưng lại đòi xin lại đất cũ và có ý dòm ngó. Vua giận, nên có viễc thân chinh này. Mùa đông tháng 12, bắt được vợ của chúa Chiêm Thành là Bố Da La và nhiều thần thiếp, nhân dân của y rồi về. Có thuyết nói bắt được chúa Chiêm Thành Bố Da La là sai. Nếu quả như thế thì Lê Văn Hưu làm Sử ký sao không dẫn để ca ngợi cùng với việc bắt được Sạ Đẩu. Nay theo Phu Tiên là phải”.
Sách Vương quốc Champa của tác giả Lafont viết: “Lên ngôi vào năm 1226, hoàng tử dòng Ansaraja lấy vương hiệu là Jaya Paramesvaravarman II (…) Sau ngày từ trần mà người ta không biết rõ ngày tháng, người em của ngài lên nối ngôi, có thể vào khoảng giữa năm 1230-1243 lấy danh hiệu là Jaya Indravarman VI (…) Năm 1257 Jaya Indravarman VI bị ám sát bởi người cháu tên là Harideva (…) Ngài được tấn phong lên làm vua Champa vào năm 1266 với vương hiệu là Indravarman V”.
-- Như thế sau khi lên ngôi năm 1226, Jaya Paramesvaravarman II đã cử sứ sang Thăng Long để đặt quan hệ ngoại giao. Năm 1242 Chiêm Thành lại cử sứ sang, có thể vị sứ giả này nhận lệnh từ Jaya Indravarman VI, nếu đúng thì ngài lên ngôi gần với năm đó, có thể cùng hoặc trước một năm.
-- Toàn thư tuy không chép cụ thể những lần quấy nhiều miền ven biển Đại Việt dưới thời Jaya Indravarman VI, nhưng Toàn thư có nói đại lược, vua Lý Thái Tông cũng nhiều lần yêu cầu Phật Thệ dừng việc cướp bóc lại, nhưng Vijaya yêu cầu Thăng Long trả lại 3 châu phía bắc Bình Trị Thiên.
-- Căng thẳng được giải quyết thông qua việc Trần Cảnh thống lĩnh quân đội nam phạt. Thật đáng tiếc là Toàn thư không chép cụ thể cuộc nam chinh, nhưng với việc Thái Tông xuất binh vào tháng 1/1252 và đến tháng 12/1252 mới bắt được thần thiếp của chúa Chiêm, rồi rút quân luôn.
-- Cho thấy cuộc nam phát không hoàn toàn được như ý nguyện, Thăng Long mất rất nhiều thời gian nhưng kết quả đạt được không nhiều. Còn Vijaya tuy không chống được đối phương nhưng chưa phải là thất bại. Có thể Bố Da La đã rút lui, tiến hành chiến tranh du kích. Quân đội phương bắc lại không được phép đồn trú lâu dài tại Chiêm Thành nên buộc phải rút lui.
Toàn thư chép: “Nhâm Tuất [1262] Chiêm thành sang cống (...) Bính Dần [1266] Mùa xuân tháng giêng, sứ thần Chiêm Thành là Bố Tin, Bố Hoằng, Bố Đột đến cống (...) Đinh Mão [1267] Mùa xuân tháng 2, Chiêm Thành sang cống (…) Kỷ Tị [1269] Mùa xuân tháng 2, Chiêm Thành dâng voi trắng (…) Canh Ngọ [1270] Mùa hạ tháng 4, Chiêm Thành sang cống (...) Đinh Sửu [1277] Mùa xuân tháng 2, vua thân chinh đánh người Man, Lạo ở động Nẫm Bà La, bắt sống bộ đảng hơn 1.000 người giải về (...) Kỷ Mão [1279] Chiêm Thành sai Chế Năng, Tra Diệp sang cống. Bọn Chế Năng xin ở lại làm nội thần, vua không nhận”.
-- Trên là những sự kiện diễn ra trong quan hệ Việt Chiêm dưới thời Indravarman V. Khoảng thời gian sau đó, Việt Chiêm trở thành đồng minh trong cuộc chiến chống Nguyên Mông. Cụ thể diễn biến xin xem sách Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII của 2 tác giả Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm.
Toàn thư chép: “Quý Tị [1293] Mùa xuân tháng 3 ngày mồng 9, vua nhường ngôi cho hoàng thái tử Thuyên (…) Chiêm Thành sang cống (...) Tân Sửu [1301] Tháng 2, Chiêm Thành sang cống. Tháng 3, Thượng hoàng vân du các nơi, sang Chiêm Thành (…) Mùa đông tháng 11, Thượng hoàng từ Chiêm Thành trở về (…) Quý Mão [1303] Lấy Đoàn Nhữ Hài làm Tham tri chính sự. Trước đây, sứ nước ta tới Chiêm Thành, đều lạy chúa Chiêm trước, rồi sau mới mở chiếu thư. Đến khi Nhữ Hài tới, liền bưng ngay chiếu thư để lên trên án và nói với chúa Chiêm: "Từ khi sứ thiên triều mang chiếu thư của thiên tử sang, xa cách ánh sáng lâu ngày, nay mở chiếu thư, thực như trông thấy mặt thiên tử, tôi phải lạy chiếu thư đã, rồi mới tuyên đọc sau". Rồi lập tức hướng vào tờ chiếu mà lạy. Lúc ấy, chúa Chiêm đứng bên cạnh, lạy thế không khỏi có chút chưa ổn, nhưng lấy cớ mà lạy chiếu thư thì về lý là thuận, mà sứ tiết cũng không phải khuất. Hôm sau, Nhữ Hài treo bảng cấm buôn bán ở Tỳ Ni (bến cảng của Chiêm Thành, nơi tụ tập các thuyền buôn) tuyên đọc xong, treo bảng lên, lại gọi viên coi cảng đến bảo: "Chỗ này người buôn bán tụ họp phức tạp, lại là bến tàu xung yếu, khó giữ gìn, sứ thần về rồi, cất ngay bảng đi, đừng để mất". Ý ông cho rằng Chiêm Thành tuy đã thần phục, nhưng thực ra chưa chịu nội phụ, bảng cấm rốt cục cũng bị bỏ đi, cho nên nói trước như vậy, không để tự họ làm như thế. Sau này, đi sứ Chiêm Thành, không lạy chúa Chiêm là bắt đầu từ Nhữ Hài. Khi về nước, vua rất khen ngợi ông và quyết ý dùng vào chức to, cho nên có lệnh này”.
Sách Vương quốc Champa của tác giả Lafont viết: “Sau khi Indravarman V băng hà vào năm 1287, người con trai của ngài là hoàng tử Harijit lên ngôi vua với danh hiệu Jaya Simhavarman III. Vị vua này đã xây dựng ngôi đền Yang Prong ở cực bắc của Darlac, điều này chứng tỏ rằng dân cư khu vực Tây Nguyên thời đó nằm trong biên giới chính trị của vương quốc Champa. Ngài cũng kết hôn với công chúa của vương quốc Java (…) Jaya Simhavarman III mất vào năm 1307 vì tuổi già”.
-- Qua nhận định của Đoàn Nhữ Hải chúng ta biết rằng Chiêm Thành tuy thuần phục nhưng chưa chịu nội phụ. Đoàn Nhữ Hải có lẽ được trọng dụng từ năm 1298 sau việc Hải giúp Anh Tông làm bài biểu dâng lên Nhân Tông.
-- Vào tháng 2/1301 sứ Chiêm Thành sang Thăng Long, thì đến tháng 3/1301 thượng hoàng Trần Nhân Tông sang Champa, đây là chuyến ngoại giao rất đặc biệt, mà chưa từng có trong lịch sử Việt Chiêm (xin bàn chi tiết trong bài viết khác).
Toàn thư chép: “Giáp Thìn [1304] Tháng 3, Sư Du Già nước Chiêm sang ta, chỉ ăn sữa bò (…) Ất Tị [1305] Tháng 2, Chiêm Thành sai Chế Bồ Đài và bộ đảng hơn trăm người dâng hiến vàng bạc, hương quý, vật lạ làm lễ vật cầu hôn. Các quan trong triều đều cho là không nên, duy có Văn Túc Vương Đạo Tái chủ trương bàn việc đó, Trần Khắc Chung tán thành, việc bàn mới quyết (...) Bính Ngọ [1306] Mùa hạ tháng 6, gả công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm Thành Chế Mân (...) Trước đây, Thượng hoàng vân du sang Chiêm Thành, đã hứa gả rồi. Các văn sĩ trong triều ngoài nội nhiều người mượn chuyện vua Hán đem Chiêu Quân gả cho Hung Nô làm thơ, từ bằng quốc ngữ để châm biếm việc đó. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Ngày xưa, Hán Cao hoàng vì nước Hung Nô nhiều lần làm khổ biên cương, mới lấy con gái nhà dân làm công chúa gả cho Thiên Vu. Kết hôn với người không cùng giống nòi, các tiên nho đã từng chê trách, song dụng ý là muốn binh yên, dân nghỉ, thì còn có thể nói được. Nguyên Đế thì vì Hô Hàn sang chầu, xin làm rể nhà Hán, nên lấy Vương Tường mà ban cho, cũng là có cớ. Nhân Tông đem con gái gả cho chúa Chiêm Thành là nghĩa làm sao ? Nói rằng nhân khi đi chơi đã trót hứa gả, sợ thất tín thì sao không đổi lại lệnh đó có được không ? Vua giữ ngôi trời mà Thượng hoàng đã xuất gia rồi, vua đổi lại lệnh đó thì có khó gì, mà lại đem gả cho người xa không phải giống nòi để thực hiện lời hứa trước, rồi sau lại dùng mưu gian trá cướp về, thế thì tín ở đâu (…) Đinh Mùi [1307] Mùa xuân tháng giêng, đổi hai châu Ô, Lý thành châu Thuận và châu Hoá. Sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên dân hai châu đó (...) Trước đấy chúa Chiêm Thành Chế Mân đem đất hai châu đó làm lễ vật dẫn cưới, nhưng người các thôn La Thuỷ, Tác Hồng, Đà Bồng không chịu theo. Vua sai Nhữ Hài đến tuyên dụ đức ý [của nhà vua] chọn người trong bọn họ trao cho quan tước, lại cấp ruộng đất, miễn tô thuế 3 năm để vỗ về (...) Mùa hạ tháng 5, chúa Chiêm Thành Chế Mân chết (...) Mùa thu tháng 9, thế tử Chiêm Thành Chế Đa Da sai sứ thần Bảo Lộc Kê sang dâng voi trắng. Mùa đông tháng 10, sai Nhập nội hành khiển thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung, An phủ Đặng Văn sang Chiêm Thành đón công chúa Huyền Trân và thế tử Đa Da về. Theo tục lệ Chiêm Thành, chúa chết thì bà hậu của chúa phải vào giàn thiêu để chết theo. Vua biết thế, sợ công chúa bị hại, sai bọn Khắc Chung, mượn cớ là sang viếng tang và nói với [người Chiêm]: “Nếu công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng ra bờ biển chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn cùng về, rồi sẽ vào giàn thiêu”. Người Chiêm nghe theo. Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về, rồi tư thông với công chúa, đi đường biển loanh quanh chậm chạp, lâu ngày mới về đến kinh đô. Hưng Nhượng Đại Vương ghét lắm, mỗi khi thấy Khắc Chung thì mắng phủ đầu: “Thằng này là điểm chẳng lành đối với nhà nước. Họ tên nó là Trần Khắc Chung thì nhà Trần rồi mất về nó chăng”. Khắc Chung thường sợ hãi né tránh”.
-- Chúng ta không biết hết các hoạt động của phật hoàng Trần Nhân Tông lúc vân du Chiêm Thành, nhưng có thể chắc chắn một việc mà Toàn thư có chép mục năm 1306 là thượng hoàng đã hứa gả công chúa Huyền Trân cho chúa Chế Mân.
-- Sử gia Ngô Sĩ Liên cho rằng việc kết hôn với người không cùng giống nòi, các tiên nho đã từng chê trách, cớ sao thượng hoàng lại làm, nếu biện rằng phật hoàng đã trót hứa, đổi lại sẽ thất tín, nhưng mà vua giữ ngôi trời mà thượng hoàng đã xuất gia rồi, nên đổi lại lệnh thì có khó gì, hơn nữa đã đem gả cho người, sau lại dùng mưu gian trá cướp về, thì tín ở đâu ?
-- Tác giả của Toàn thư bàn thế, ấy là chưa rõ nguồn cơn! Phật hoàng Trần Nhân Tông là người thế nào, có thể trót lỡ hứa sao ? Lại thêm, việc gả công chúa Huyền Trân trong triều vị nào cũng phản đối, mà sao Văn Túc vương Đạo Tái lại chủ trương. Văn Túc vương lại là nhân vật văn học nhất thời đó, lẽ nào không hiểu đạo lý trên.
-- Toàn thư mục năm 1294 chép sự kiện khá thú vị, đó là việc con trai của thái sư Trần Quang Khải là Văn Túc vương Đạo Tái được thượng hoàng ưu ái hơn các em thúc bá khác. Toàn thư còn chép lại việc sau làm chứng cớ: “Thượng hoàng đến Vũ Lâm vào chơi hang đá, cửa núi đá hẹp, thượng hoàng ngự chiếc thuyền nhỏ, Tuyên Từ thái hậu ngồi đằng đuôi thuyền, gọi Văn Túc vương lên mũi thuyền, chỉ để một người chèo thuyền thôi. Đến khi thượng hoàng xuất gia, sắp ra đi, mời Đạo Tái vào điện Dưỡng Đức cung Thánh Từ cho ngồi ăn các món hải vị (…)  Tin yêu, quý mến Đạo Tái đến như vậy, định dùng ông vào chức to, nhưng trời không cho sống lâu”.
-- Nên chủ trương của Văn Túc vương Đạo Tái chính là mục đích của phật hoàng Trần Nhân Tông.
-- Đất đai chính là tham vọng của hầu hết các vị hoàng đế, nếu chúa Chiêm muốn cưới công chúa nhà Trần, chắc hẳn ngài không muốn đem đất đai làm lễ vật. Nhưng rồi trong danh sách lễ vật có 2 châu Ô và Lý. Rõ ràng nó không thể nào là chủ định ban đầu của Chế Mân, mà là ngỏ ý của phật hoàng.
-- Vào tháng 2/1305 sứ Chiêm Thành dâng lễ vật cầu hôn, đến tháng 6/1306 công chúa Huyền Trân được gả cho chúa Chế Mân. Có thể cũng vào tháng 6/1306 Thăng Long tiếp quản 2 châu Ô và Lý từ Phật Thệ. Nhưng người các thôn La Thuỷ, Tác Hồng, Đà Bồng không chịu, Trần triều sai Đoàn Nhữ Hài đến tuyên dụ, rồi chọn người trong bọn họ trao cho quan tước, lại cấp ruộng đất, miễn tô thuế 3 năm để vỗ về. Tháng 1/1307 Thăng Long đổi châu Ô thành châu Thuận và châu Lý thành châu Hóa.
-- Từ cuối triều Lý, Chiêm Thành tương đối độc lập với Đại Việt, sau cuộc chiến chống Nguyên Mông, mối quan hệ giữa Thăng Long và Phật Thệ khá gắn bó, song như Đoàn Nhữ Hải nhận định được Toàn thư chép tại mục năm 1303 là tuy đã thần phục, nhưng thực ra chưa chịu nội phụ.
-- Lại thêm, qua lời bàn của Ngô sử gia, chúng ta nhận thấy trong quan niệm của người phương bắc thì người phương nam là man di. Vì thế với vị trí của chúa Chiêm nếu được kết hôn với công chúa của Thăng Long thì sẽ là sự tôn vinh rất đặc biệt. Nó nâng tầm Vijaya trong mối quan hệ với Chân Lạp và Java. Vì thế mà Chế Mân sẵn lòng dâng 2 châu Ô và Lý.
-- Sau các cuộc tấn công của Nguyên Mông vào những năm 1284 – 1289 không đạt được kết quả, thì năm 1293 người phương bắc lại chuẩn bị cho cuộc nam tiến, nhưng kế hoạch bị dừng lại do cái chết của Hốt Tất Liệt vào năm 1294. Nhưng không ai vào thời điểm đó có thể khẳng định người Nguyên sẽ không động binh với phương nam thêm lần nữa, do đó việc củng cố mối quan hệ với các nước phía nam đối với Thăng Long là hết sức cần thiết.
-- Vùng Bình Trị Thiên gồm 5 châu, trong đó 3 châu thuộc Đại Việt là Bố Chính, Minh Linh, Lâm Bình và 2 châu thuộc Chiêm Thành là Ô, Lý. Vùng đất này phía bắc là dãy Hoành Sơn, phía nam là đèo Hải Vân, nội trong vùng đi lại khá thuận tiện. Vì thế nếu như người Chiêm có ý đánh 3 châu cực nam của Đại Việt thì họ rất dễ thực hiện, vì người Champa có để điều binh và đồn trú tại 2 châu Ô Lý, sau đó thăm dò tình hình và tấn công.
-- Nhưng nếu đẩy ranh giới của người Chiêm Thành về phía nam đèo Hải Vân thì nếu họ muốn tấn công Đại Việt cũng sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều. Chí ít là trong việc sử dụng voi trong chiến trận. Vì thế việc Thăng Long có thể kiểm soát được 2 châu Ô và Lý của Chiêm Thành có ý nghĩa rất lớn trong chiến lược giữ yên phía nam.
-- Nhưng cái chết của chúa Chiêm Thành là Chế Mân vào tháng 5/1307 đã ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch của phật hoàng, có giả thuyết cho rằng công chúa Huyền Trân liên quan tới cái chết của chúa Chiêm, việc Chế Mân chết sẽ khiến cho sự kiểm soát 2 châu Ô và Lý của Thăng Long trở nên khó khăn hơn, nói cách khác Trần triều là thế lực rất không mong muốn việc đó. Xin bàn về công chúa Huyền Trân trong bài viết khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét