Trong bài Bàn về cái chết của Đinh Bộ Lĩnh,
tôi cố gắng đưa ra những bằng chứng cho thấy Bộ Lĩnh đã chết vào khoảng
năm 976. Trong bài này chúng ta sẽ cùng xem xét những sự kiện khác xảy
ra dưới thời Đinh Lê.
Căn cứ vào văn bản khắc trên 4 trong 16
cột đá được phát hiện ở Hoa Lư (Ninh Bình) lần lượt trong các năm
1963,1964 và 1978 chúng ta biết được rằng: Vào khoảng năm 973 Đinh Liễn
giết em là Hạng Lang, do vậy trong cùng năm Liễn đã dựng 100 tràng kinh
để cầu siêu thoát cho em và những người bị liên luỵ. Chúng ta có thể
khai thác được rất nhiều thông tin từ phát hiện này của khảo cổ học. Thứ
nhất là sử phương nam chép không phải không có căn cứ, trong khi sử
phương bắc chép bỏ sót nhiều thông tin như nhân vật Hạng Lang và cái
chết của Lang chẳng hạn. Thứ hai là Đinh Bộ Lĩnh xương Đại Thắng Minh
hoàng đế ở phương nam, phong cho con làm Nam Việt vương.
Sách Chữ trên đá chữ trên đồng của Hà
Văn Tấn viết: “những dòng chữ trên cột đá không phải là kinh phật mà chỉ
là bài thần chú trong kinh phật (…) nội dung bài thần chú khắc trên cột
đá Hoa Lư (…) là một bài cầu thọ (…) mà những người đã sống xa hoa dâm
dật, những quý tộc, quốc vương (…) chỉ cần tụng niệm hay sao chép đều có
thể tăng tuổi thọ, giải thoạt mọi nghiệp chướng do tội lỗi của mình gây
ra”. Hiện vật (cột đá) 3A khắc chữ: “Nay nguyện làm 100 cột kinh để
cúng cho vong đệ và những hồn ma của người chết trước đây và sau này,
cầu cho tất cả giải thoát, không phải tranh giành kiện tụng. Trước hết
là chúc cho Đại Thắng Minh hoàng đế, mãi mãi làm chủ trời Nam, giữ yên
ngôi báu”.
Đinh Liễn dựng 100 cột kinh có lẽ ngoài
việc cầu siêu cho vong đệ và những người chết vì liên luỵ còn cầu nguyện
cho chính bản thân Liễn. Thậm chí là tụng niệm cho cả Đại Thắng Minh
hoàng đế ? Nếu giả sử của chúng ta là đúng: Bộ Lĩnh mất năm 976! Lúc này
Liễn vẫn còn sống và xã hội Đại Việt không có biến động (binh đao) gì ?
Như thế, rất có thể Bộ Lĩnh mất tự nhiên (mất do già). Vậy thì rất có
thể, sau cuộc anh em Liễn tương tàn, Bộ Lĩnh đã bị sốc, tinh thần và sức
khoẻ bị suy sụp, do vậy ngoài việc dựng 100 cột kinh để cầu siêu thoát
cho em, tụng niệm cho mình, còn có cả tụng niệm và làm giảm bớt đau buồn
cho cha.
Nếu đúng thì: có 2 khả năng. Thứ nhất là
Bộ Lĩnh đã già lại ốm yếu thì chuyện tình cảm với Dương hoàng hậu không
thể xảy ra ? Đinh Toàn [tạm ước] sinh năm 974. Thứ hai là có thể trong
những lúc đau buồn ấy Bộ Lĩnh đã gần gũi một người con gái họ Dương do
vậy mà Đinh Toàn ra đời ? Hoàng hậu họ Dương, như chúng ta biết sách sử
không nói tên, nên rất khó xác định. Nếu bà đã có tuổi thì rất có thể là
mẹ của Hạng Lang nhưng nếu bà còn ít tuổi thì có lẽ mối quan hệ của Bộ
Lĩnh với bà mới chỉ xảy ra sau khi Hạng Lang mất. Có việc này chúng ta
cần lưu ý, đó là sử sách chỉ xác nhận Bộ Lĩnh có 3 người con và rõ ràng
người con thứ 3 của Bộ Lĩnh là Đinh Toàn ít hơn rất nhiều tuổi so với 2
người con đầu là Đinh Liễn và Hạng Lang, thậm chí còn ít tuổi hơn cả con
đầu của Đinh Liễn không chừng.
Sử sách có đề cập đến việc Lê Hoàn thông
dâm với vợ của Bộ Lĩnh là Dương thị, các nhà nghiên cứu thì cho rằng:
Đinh Toàn là con của Lê Hoàn và Dương thị, sau khi Đinh Liễn giết Hạng
Lang, lo lắng tới sự an nguy của Toàn mà Lê Hoàn và Dương Vân Nga quyết
định ra tay với Liễn. Hãy xem xét lần lượt những bằng chứng: Thứ nhất là
qua thông tin khắc trên cột kinh chúng ta biết rằng: người không chịu
thế cục, người không giữ lòng trung hiếu là Hạng Lang chứ không phải
Đinh Liễn, thứ nữa sau khi Hạng Lang chết Liễn dựng cả trăm cột kinh để
cầu siêu thoát cho em, vậy thì Liễn chưa hẳn đã phải là kẻ tàn ác nếu
không muốn nói là người có lòng hướng phật, lại thêm ngay từ đầu Bộ Lĩnh
đã có ý cho Liễn nối ngôi, vậy thì không có lý do gì để Liễn hại tới
Toàn nên việc Dương Vân Nga lo lắng tới sự an nguy là rất khó xảy ra. Có
khi nào Hạng Lang là con của Dương Vân Nga nên giữ thù với Liễn không ?
[Giả thuyết của Lê Văn Siêu] Và Đinh Toàn ra đời như là cái đền của Bộ
Lĩnh cho Vân Nga. Hoặc Vân Nga muốn lấy ngôi cho con mình là Toàn nên
cùng với Lê Hoàn ám hại Liễn ? [Giả thuyết của Phan Duy Kha, Lã Duy Lan
và Đinh Công Vĩ] Về động cơ thì không phải Dương Vân Nga không có. Tuy
nhiên nếu Toàn là con của Lê Hoàn thì mối quan hệ của 2 người phải diễn
ra trước năm 974 [Giả thuyết của Trần Trọng Dương] và trong suốt nhiều
năm không hề bị phát giác thì cũng nên đặt câu hỏi ?
Trần Trọng Dương có dẫn một sự kiện
trong bài Phương thức chuyển giao quyền lực: Vụ ám sát Đinh Bộ Lĩnh:
“Nhà Tống cho đòi 2 mẹ con (Dương Thái hậu và Đinh Toàn) sang bắc quy
phụ, đó là điều kiện để trao cờ tiết cho Hoàn, nhưng Hoàn không nghe (…)
Đinh Toàn có khả năng cao là con đẻ của Dương hậu và Lê Hoàn (…) Nhà
Tống dường như đã đọc được mối quan hệ ngầm trong hoàng cung Đại Cồ Việt
nên đã vờ một phép thử tinh tế để có cớ xâm lăng”. Tuy nhiên cũng có
mấy điểm vô tình phá vỡ giả thuyết này: Thứ nhất là chúng ta thấy sử
phương bắc không chép đến mối quan hệ giữ Dương hậu và Lê Hoàn, thậm chí
không nói đến Dương hậu, nếu như phương bắc đã ngầm đoán định được, thì
không có cớ gì để họ không ghi chép cả ? Thứ hai là xét Tống sử thì
thấy rằng: Năm 980 Hầu Nhân Bảo báo rằng: Giao Châu chủ soái bị hại, đất
ấy đương loạn, vua Tống thảo chiếu thư cử sứ sang An Nam, lệnh cho Nhân
Bảo chuẩn bị tấn công. Lê Hoàn nhận được thư chiến, liền giả thư của
Đinh Toàn gửi vua Tống, xin không bị đánh, vua Tống không chịu nên xuất
binh, năm 981 chiến sự nổ ra, quân Tống thua to phải rút. Năm 982, Hoàn
cử sứ đi cống, xin cho Đinh Toàn nối chức của cha anh. Năm 983 Hoàn tự
xưng Giao châu tam sứ lưu hậu, cử sứ đi cống, vua Tống chiếu rằng: Lê
Hoàn dẫn mẹ con và thân thuộc của Toàn về bắc quy phục, khi ấy sẽ trao
cờ tiết, tuy nhiên Hoàn im lặng.
Vậy thì rõ ràng việc dẫn mẹ con Toàn
cùng với thân thuộc xảy ra sau khi cuộc chiến Tống Việt kết thúc, nên
mục đích của nhà Tống không phải là một phép thử để lấy cớ xâm lăng. Nếu
nhà Tống muốn có con tin thì đã đòi hẳn các con khác rõ ràng của Hoàn,
vậy vì sao nhà Tống lại đòi Toàn ? Nếu nhà Tống đòi Toàn làm con tin vì
nghi là con của Hoàn thì chắc là nhà Tống chỉ đòi có mẹ con Toàn thôi
chứ, vì sao lại đòi cả thân thuộc của Toàn nữa ? Và chính vì đòi thân
thuộc của Toàn nên chúng ta mới biết rằng: nhà Tống đòi là đòi vua của
An Nam và đòi những người nghiễm nhiêm được thừa hưởng vị trí vua An
Nam. Bộ Lĩnh mất, Đinh Liễn mất thì Toàn là nối dõi chính thống. Thế nên
đòi Toàn và thân thuộc của Toàn nghĩa là đất An Nam không còn người cai
trị nữa, Lê Hoàn có cầm cờ tiết thì cũng chỉ là người đứng đầu An Nam
do nhà Tống sắp đặt chứ không phải kế thừa chính thống [trong con mắt
của người An Nam]. Nghĩa là đất An Nam vẫn là một phần của Đại Tống,
không chia cắt bờ cõi, không có vua An Nam cai quản, từ đây cho thấy 2
việc: trước là nhà Tống rất theo chính danh (đây cũng là đặc trưng chung
của xã hội phong kiến) và sau là nhà Tống đã biết nhà Đinh xưng đế
trong nước.
Lê Hoàn im lặng vì Hoàn cũng hiểu điều
này. An Nam vẫn là của họ Đinh, Hoàn chỉ là người giúp mà thôi, dưới cả
con mắt của người Tống lẫn người An Nam. Chính vì thế mà Hoàn giữ bằng
được Đinh Toàn vì đó chính là lệnh bài để Hoàn điều hành An Nam. Tại sao
lại nói vậy ? Vì: tại chùa Nhất Trụ (Ninh Bình) hiện có 1 chiếc cột đá
có khắc bài kinh Lăng Nghiêm được cho rằng: do Lê Hoàn dựng năm 995, bài
văn ước khoảng 2500 chữ nhưng chỉ còn đọc được 178 chữ: “[…] Cúi đầu
toả hào quang […] Người theo đạo phật là Thăng Bình hoàng đế … Thuyền
Bát Nhã trước vượt sóng biển, mang về bản hương kinh. [kể từ khi] Đại
Thánh Minh hoàng đế tổ họ Lê, tự mình kế tiếp mệnh trời, cả định non
sông đến nay là 16 năm […]” [dẫn theo tài liệu của Ban quản lý danh
thắng Tràng An]
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư thì
năm 980 Lê Hoàn lên ngôi, tôn hiệu là: Minh càn Ứng vận Thần vũ Thăng
Bình Chí nhân Quảng hiếu hoàng đế, do vậy Thăng Bình hoàng đế trong cột
đã là viết gọn tôn hiệu của Lê Hoàn và sau 16 năm cầm quyền thì đổi
thành Đại Thánh Minh hoàng đế. Tuy nhiên Tạ Chí Đại Trường cho rằng:
“năm 995, Lê Hoàn còn ở ngôi, nếu lập bào tràng thì phải dâng cho cha
ông mới hợp với chữ “Lê tổ” – điều này lại không hợp với công đức tán
tụng. Phải nghĩ rằng trụ tạo năm 1005 – năm ông chết, do Long Đĩnh lập,
năm có sự kiện lớn liên quan là việc rước kinh Đại Tạng (“Thuyền bát
nhã… vượt biển đem [kinh] về”) tuy cũng khó hiểu vì sao người xưa đã
khắc thiếu chữ nhị (“nhị thập lục niên”) vì sao lại có sơ suất đến thế.
Mặt khác, chữ khắc đính chính tôn hiệu của Đinh Tiên Hoàng mà Lê Hoàn kế
thừa qua Dương hậu: Đại thánh minh hoàng đế chứ không phải là Đại thắng
minh hoàng đế. Đáng chú ý là Lê Hoàn đã có tôn hiệu lòng thòng 14 chữ
thế mà con cháu vẫn dùng tôn hiệu của họ trước. Cột đá rõ ràng là của
Long Đĩnh lập”. Có đúng là như vậy không ? Hãy xem:
Khâm định Việt sử thông giám cương mục
chép: “Đinh Mùi năm thứ 14 (năm 1007) [Tống năm Cảnh Đức thứ 4]. Mùa
Xuân, sai em là Minh Sưởng sang nhà Tống. Nhà vua [Lê Long Đĩnh] sai
Minh Sưởng và Chưởng thư ký là Hoàng Thành Nhã đem con tê trắng sang
biếu nhà Tống, dâng biểu xin cửu kinh và kinh sách đại tạng”.
Tống sử chép: “Năm Cảnh Đức thứ 4 (năm
1007) […] tháng 7 […] Ất Hợi, Giao Châu lại cống, Lê Long Đình xin sách
Cửu kinh và kinh Phật. Tân Tỵ, cho Long Đình làm Tiết độ sứ Tĩnh Hải
Quân, Giao Chỉ quận vương, Tứ danh chí trung”.
Vậy là đã rõ: Năm 1007 Lê Long Đĩnh cứ
sứ xin sách kinh phật nhà Tống, được ân chuẩn vào tháng 7, nếu vậy thì
về tới An Nam cũng phải gần hết năm, dâng lên Long Đĩnh, xem xét và
chuẩn bị khắc dựng cột đá cũng phải rơi vào năm 1008. Nếu như thợ khắc
không khắc nhầm [thực ra là thiếu chữ “nhị” theo đề xuất của Tạ Chí Đại
Trường] thì sao ? Mà một việc quan trọng thế này thì không thể khắc
thiếu được [vì có thiếu e là cũng phải khắc lại] Vậy thì con số 16 năm
kể từ khi Lê tổ [Hoàn] dựng nghiệp tới thời điểm khắc [năm 1008] cho
phép chúng ta xác định năm Lê Hoàn lên ngôi [xưng bậc đế vương] rơi vào
năm 993 [nghĩa là sử sách chép nhầm]. Một bằng chứng nữa cho thấy đúng
là Lê Hoàn xưng đế vương vào năm 993 đó là: Khâm định Việt sử thông giám
cương mục chép: “Quý Tị, năm thứ 5 (năm 993) [Tống năm Thuần Hoá thứ 4]
(…) vua Tống (…) sai Vương Thế Tắc và Lý Cư Giản đem bài chế văn sang
phong nhà vua làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, Giao Chỉ quận vương” và Tống
sử chép: “Năm Thuần Hoá thứ 4 [năm 993] (…) tháng 2 (…) Tiết độ sứ Tĩnh
Hải quân Lê Hoàn phong làm Giao Chỉ quận vương”.
Như vậy là: Năm 993 Lê Hoàn được nhà
Tống phong làm Giao Chỉ quận vương, khi ấy Lê Hoàn mới xương đế vương,
hoàn toàn phù hợp với bài văn trên cột đá là từ khi Lê tổ dựng tới năm
khắc kinh (năm 1008) vừa tròn 16 năm. Thế nhưng, điểm thú vị là: Trước
khi được vua Tống phong là Giao Chỉ quận vương, Đinh Bộ Lĩnh tự xưng là
Đại Thắng Minh hoàng đế ở phương nam ? Lê Hoàn có làm vậy không ? Rõ
ràng là không! Vì nếu là có thì trong bài kinh trên cột đá phải ghi chép
nhiều hơn 16 năm mới đúng, vì cũng giống nhưng Đinh Liễn, Lê Long Đĩnh
dựng cột đá ở trong nước, không phải là để ngoại giao nên không cần phải
giấu [năm thật xưng đế vương]. Từ đó cho thấy, ít nhất là trên danh
nghĩa trong cả đối nội và đối ngoại Lê Hoàn vẫn giữ vai trò là người phụ
tá họ Đinh mà lúc này là Toàn giữ ngôi, tất nhiên trên thực tế Hoàn nắm
việc nước. Rõ ràng là cả nhà Tống cho tới Lê Hoàn đều bị ràng buộc bởi
tính chính danh.
Về tôn hiệu thì đúng là Thăng Bình hoàng
đế là cái tên rút gọn của cái tôn hiệu dài lòng thòng kia rồi. Thế
nhưng tôn hiệu dài khiến ta nghĩ là do nhà Tống ban, tuy nhiên có chữ
“đế” thì chắc không phải. Vì đoạn văn bị mất nên không xác định được
chính xác đó là gọi ai ? Có khi nào là của Lê Long Đĩnh không ? Vì tới
nay chúng ta mới chỉ biết Long Đĩnh được gọi là Ngoạ Triều, mà đây là
tên gọi của người khác đặt để thể hiện sự coi thường. Nếu có thể phục
hồi toàn văn bản thì rất tốt, nhưng việc này khó vì thế chúng ta thử xét
trường hợp phục hồi cấu trúc của văn bản, theo đó phần chính là bài
kinh, tiếp đến đoạn Thăng Bình hoàng đế là ám chỉ Lê Long Đĩnh mộ phật
nên cử sứ đi xin kinh, đoạn tiếp nói về thuyền Bát Nhã ý nói kinh đã về
tới Hoa Lư, tiếp nữa là đoạn Đại Thánh Minh hoàng đế [có thể là miếu
hiệu của Lê Hoàn do Lê Long Đĩnh đặt] lập nghiệp tới nay thì tình hình
An Nam ra sao. Thì rất có thể Thăng Bình hoàng đế là chỉ Lê Long Đĩnh
chứ không phải Lê Hoàn. Nếu vậy chúng ta lại buộc sách sử phải chép nhầm
1 lần nữa ? Chuyện này có thể không [chỉ bàn đến nhầm lẫn trong tôn
hiệu] Có thể chứ ! Vì chúng ta không hề thấy nhắc gì tới tôn hiệu Đại
Thánh Minh hoàng đế [cũng xảy ra trường hợp khác, đây là tên do triều
thần xưng tụng Lê Hoàn lúc còn sống] ? Mà chỉ có phong cho Dương hậu
chức Đại Thắng Minh hoàng hậu. Rất có thể sử sách đã bỏ quên 1 tôn hiệu,
thành thử ra chỉ còn 1 tôn hiệu nữa và cuối cùng xếp tôn hiệu ấy cho Lê
Hoàn. Đó là việc xem xét mở rộng thêm ra chứ việc quan trọng trong tôn
hiệu lại không nằm ở chỗ đó. Cứ giả như Lê Hoàn có 2 tôn hiệu nhưng
không có nghĩa Hoàn dùng tôn hiệu khác nhau trước và sau cuộc sắc phong
của nhà Tống năm 993.
Qua bài minh trên cột đã do Đinh Liễn
dựng chúng ta biết rằng: Đinh Bộ Lĩnh xưng là Đại Thắng Minh hoàng đế
cũng chưa hẳn ông đã phong cho Dương thị chức Đại Thắng Minh hoàng hậu,
sau khi Hoàn lên ngôi cứ giả như Hoàn lấy Dương thị vợ của Bộ Lĩnh thì
Hoàn có phong Dương thị là Đại Thắng Minh hoàng hậu không ? Dù Hoàn có
là người chính trực hay khôn ngoan, thì Hoàn cũng là người trọng tính
chính danh, vậy thì việc ông lấy vợ của chúa cũ rồi lại đặt tên hiệu cho
chính người vợ đó cùng tên với tôn hiệu của chúa cũ thì thật Hoàn quá
ngang ngược và không giống như Hoàn thể hiện, thêm nữa nếu như Toàn là
con của Lê Hoàn, thì sau khi lên ngôi, Hoàn bất chấp luân thường đạo lý
lấy vợ của chủ cũ lại phong tước cho vợ của chủ cũ theo đúng tôn hiệu
của chủ cũ thì chẳng có lý do gì để Hoàn không nhận Toàn làm con mình và
đổi họ của Toàn từ Đinh sang Lê. Có phải thế ? Hay ở đây có sự sai sót
mà chính Tạ Chí Đại Trường đã không nhận ra: có 2 tôn hiệu khác nhau.
Của Đinh Bộ Lĩnh là Đại Thắng Minh hoàng đế và của Lê Hoàn là Đại Thánh
Minh Hoàng đế. Chỉ khác nhau có chút xíu về âm. Có thể trong quá trình
lưu truyền, sao chép 2 tôn hiệu này bị nhầm lẫn, thành thử sách sử chép
Hoàn phong cho vợ là Đại Thắng Minh hoàng hậu, nhưng kỳ thực Hoàn phong
cho vợ là Đại Thánh Minh hoàng hậu. Và rất có thể từ nhầm lẫn nhỏ này
các sử gia đã tiến tới 1 nhầm lẫn lớn hơn là: để cho vợ của Đinh Bộ Lĩnh
làm vợ của Lê Hoàn vì cùng họ Dương. Cũng thật là kỳ lạ khi mà vợ của
Lý Công Uẩn cũng có người họ Dương ?
Rõ ràng ở trên cũng chỉ là những lập
luận mà thôi không thể chắc chắn. Về việc Dương thị vợ Lê Hoàn có phải
là vợ của Bộ Lĩnh không thì phải xét về tuổi tác của bà và thế lực họ
Dương. Nếu bà là mẹ của Hạng Lang, khi ấy bà cũng đã nhiều tuổi, việc
Hoàn lập Dương thị làm hậu rất khó xảy ra. Nếu bà chỉ là mẹ của Đinh
Toàn, khi ấy bà còn rất trẻ thì rất có thể, tuy nhiên dù bà có lấy Lê
Hoàn cũng không thể kết luận Toàn là con của Lê Hoàn.
Qua nhân vật Hạng Lang chúng ta biết
rằng: sử phương nam cũng có những thông tin chính xác trong khi sử
phương bắc thì không đầy đủ. Sử phương nam chép rằng: Đỗ Thích giết vua,
bị Nguyễn Bặc bắt giết, Bặc và Hoàn đưa Toàn lên ngôi. Nghi vua bị chèn
ép nên Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp tiến đánh Lê Hoàn. Những nhân
vật tầm cỡ như Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp, Trịnh Tú, Lưu Cơ rất có
thể là có thật và sau cái chết của Liễn rất có thể đã xảy ra xung đột
giữ những người này với Lê Hoàn. Bản thân bản tấu của Hầu Nhân Bảo cũng
nói rằng: Chủ soái Giao châu bị hại, đất ấy đương loạn [Tục tư trị thông
giám]. Như trong bài Bàn về cái chết của Đinh Bộ Lĩnh, tôi có trình bày
rằng: Đỗ Thích rất khó để ám hại vua với mục đích lên ngôi và cũng rất
khó là đồng phạm của Hoàn. Rất có thể Hoàn không liên quan gì tới cái
chết của Đinh Liễn. Các nhà nghiên cứu cho rằng: Hoàn là người có lợi
nhất trong cái chết của Liễn ? Không phải như thế: vì khi Liễn chết, em
là Toàn lên ngôi, bên cạnh còn có rất nhiều những người tiền bối phụ tá,
Hoàn không chắc nắm thế thượng phong. Hơn thế nữa, để có cái lợi nhất
thì Hoàn cũng đã phải trải qua cuộc xung đột về quân sự với các tướng
lĩnh khác và hoàn toàn dựa vào tài năng mà có. Chứ ngay sau khi Liễn
chết Hoàn không hề có một ưu thế nào cả so với những trụ cột khác. Còn
những người khác liên kết đánh Hoàn vì có thể đúng là Hoàn lạm quyền của
nhà Đinh, Tống sử cũng chép rằng: Hoàn ức hiếp Toàn, giam lỏng họ hàng
Toàn. Dương hậu mẹ của Toàn thuận theo Hoàn qua chi tiết khoác áo long
bào (chưa chắc chi tiết này đã có thật) cũng có thể được nhìn theo cách
khác là bà làm vậy để đảm bảo sự an nguy của Toàn [Đinh Điền cùng họ
Đinh với Bộ Lĩnh lại cùng quê quán vậy thì 2 vị này rất có thể là họ
hàng chứ không phải bạn bè. Khi Đỗ Thích bị nghi sát hại Đinh Liễn,
Nguyễn Bặc bắt được và giết Thích, đồng thời cùng với Lê Hoàn đưa Đinh
Toàn lên ngôi, thì rất có thể Nguyễn Bặc lúc này đang ở Hoa Lư. Khi Điền
và Bặc hợp binh đánh Hoàn, nhưng chiến sự nổ ra ở Ái châu vậy thì rất
có thể sau khi bình được An Nam, Bộ Lĩnh đã cất cử Đinh Điền trấn giữ
châu trọng điểm thứ 2 tại An Nam là Ái. Khi thua Phạm Hạp chạy về phía
bắc, quê quán của Hạp ở Hải Dương vậy thì rất có thể lúc xảy ra vụ ám
sát, Hạp đang ở Hà Nội với Lưu Cơ. Khi vụ ám sát xảy ra, Nguyễn Bặc bắt
và giết Đỗ Thích, Bặc cùng Hoàn đưa Toàn lê ngôi. Tuy nhiên Toàn còn nhỏ
nên mọi việc do Hoàn và Bặc quyết, rất có thể xảy ra mâu thuẫn giữa 2
vị này, khi hay tin Liễn mất, Đinh Điền ở Ái châu; Trịnh Tú ở Giao châu
cũng chuẩn bị quân lực, rất có thể Đinh Điền và Trịnh Tú đã tin Nguyễn
Bặc vì mối quan hệ thân thiết của những người này được thiết lập từ khi
còn thiếu niên, do vậy đã đứng về phía Bặc cự lại Lê Hoàn. Có thể Phạm
Hạp, Trịnh Tú dẫn quân theo đường thủy từ Hà Nội về Ninh Bình, còn Đinh
Điền xuất quân từ Thanh Hóa về Ninh Bình. Khi hay tin tức, Lê Hoàn đã
xuất quân, trước là bắt giam Nguyễn Bặc. Sau đó chủ động tấn công Đinh
Điền tại Ái châu và cuối cùng là hỏa công Phạm Hạp có thể ở sông Đáy,
kết cục Đinh Điền chết tại chỗ, Nguyễn Bặc bị xử tử ở Hoa Lư (có thể là
trước khi Hoàn xuất quân đánh Điền ở Ái châu) Phạm Hạp chạy về Bắc Giang
nhưng sau bị bắt (có thể là họ Lý ở Bắc Ninh lúc này đứng về phía Lê
Hoàn đã bắt và giao Hạp cho Hoàn) Trịnh Tú chết còn Lưu Cơ (rút về) giữ
Đại La (có thể Lưu Cơ không tham gia cuộc bạo loạn này mà chỉ giữ thành
Đại La). Hoàn thâu tóm quyền lực, nên trước sự an nguy hoàng hậu Dương
thị phải thuận theo. Cũng không loại trừ trường hợp hoàng hậu Dương thị
mật báo cho Đinh Điền ở Ái châu, đề nghị đưa quân về giải cứu ấu chúa].
Sách Mộng khê bút đàm thì viết: Lê Uy
[Hoàn] giết Liễn, tuy nhiên sách này cũng không thể tin hoàn toàn bởi vì
trước đó, Thẩm Quát cũng chép rằng: Đinh Liễn giết Ngô Xương Văn ? Tục
tư trị thông giám thì chép rằng: Hầu Nhân Bảo báo Giao Châu chủ soái bị
hại. Tống sử thì chỉ chép rằng: Bộ Lĩnh và Đinh Liễn đã chết. Bản thân
các sách sử của phương nam cũng chỉ chép rằng: Đỗ Thích giết Đinh Liễn
chứ không đả động gì tới Lê Hoàn, tất nhiên là có chép một vài sự kiện
khiến các nhà nghiên cứu cho rằng: Hoàn đã giết Đinh Liễn.
Về việc Lê Hoàn hiếp đáp Đinh Toàn, giam
lỏng họ hàng Toàn. Đinh Liễn như đã trình bày ở trên, tuổi tác có thể
làm cha của Toàn. Nếu Liễn có con thì hẳn phải lớn tuổi hơn Toàn, thêm
vào khi Liễn mất về chính danh con Liễn phải nối chứ không phải Toàn.
Thế nhưng nhà Tống không hỏi tới việc này, bản thân Nguyễn Bặc, Đinh
Điền cũng đồng ý với Lê Hoàn đưa Toàn lên ngôi [Đại Việt sử ký toàn thư]
vậy thì rất có thể Liễn không có con nối, có thể đây cũng là một đắn đo
của Đinh Bộ Lĩnh và có thể chính đắn đo này đã khiến Hạng Lang không
giữ lòng trung hiếu. Vậy thì họ hàng thân thuộc của Toàn được nhắc tới
có lẽ là con cháu của anh em với Đinh Bộ Lĩnh hoặc con của Hạng Lang
[trường hợp là con của Hạng Lang xảy ra cao hơn]. Chúng ta không biết
chính xác là ai, nhưng chắc chắn là có vì sử sách có nói đến. Ngoài Đinh
Điền cũng mang họ Đinh ra còn có một nhân vật nữa tên là Đinh Thừa
Chính, người đem thuyền đón sứ Tống năm 986, cách không xa so với thời
điểm Liễn mất. Rất có thể sau cuộc chiến Tống Việt, họ Đinh đã hiểu được
thế cục và quy phục Lê Hoàn.
Vậy Đinh Liễn chết như thế nào ? Trong
bài Bàn về cái chết của Đinh Bộ Lĩnh tôi đã nghĩ đến việc bỏ nhân vật Đỗ
Thích ra khỏi vụ án. Tuy nhiên tới đây buộc phải đưa nhân vật này trở
lại để đưa ra một giải thích: Trong sử có đề cập tới việc Thích ra tay
sau bữa tiệc rượu khiến cha con họ Đinh đều say. Thế như chúng ta cũng
đã bàn Đỗ Thích rất khó để là hung thủ. Vậy thì giả thuyết sẽ là: Có thể
sau buổi tiệc, Liễn bị cảm rồi mất, Đỗ Thích có mặt thành ra bị nghi
ngờ, không thể thanh minh nên Nguyễn Bặc đã giết đi. Liễn không có con
nối, Hạng Lang thì có nhưng theo thứ tự thì không đến lượt. Nguyễn Bặc
và Lê Hoàn đưa Đinh Toàn lên ngôi. Nhưng do Toàn còn nhỏ, mọi chuyện
Hoàn quyết hết, dần dần lấn quyền. Các khai quốc công thần phản đối, dẫn
tới xung đột ? Tin này tới tai Hầu Nhân Bảo, Bảo báo về triều đình
rằng: chủ soái Giao châu bị hại [cũng như Nguyễn Bặc tin Đỗ Thích giết
hại Liễn] đất ấy đương loạn. Vua Tống lệnh chuẩn bị quân đội, tiến đánh
Giao Châu, thảo chiếu thư cho 2 lựa chọn hoặc đầu hàng hoặc bị giết. Lúc
này ở Giao Châu Hoàn đã dẹp xong, chuẩn bị quân đội chống Tống, đồng
thời giả thư của Toàn gửi vua Tống, xin không bị đánh, được nối chức của
cha anh, vua Tống không nghe, hạ lệnh tấn công, năm 981 cuộc chiến diễn
ra, kết cục Tống bại phải rút quân. Năm 982, sai sứ sang cống, xin [cho
Toàn] nối chức của cha anh. Năm 983 Hoàn tự xưng là quyền Giao Châu tam
sứ lưu hậu, sai sứ cống nhà Tống, vua Tống chiếu rằng: có 2 cách để
Hoàn chọn, thứ nhất là họ Đinh nối 3 đời, muốn Toàn nối chức, Hoàn làm
phụ tá, tận tâm giúp Toàn, thứ hai là đưa mẹ con và thân thuộc của Toàn
về quy phụ phía bắc, Toàn sẽ được đối đãi tốt và Hoàn được giữ cờ tiết.
Tuy nhiên Hoàn đã im lặng. [Ở vị trí này Hoàn có thể chọn cách đưa mẹ
con Toàn về bắc để nhận cờ tiết đứng đầu Giao châu, nhưng Hoàn đã không
làm thế, vì làm như thế An Nam sẽ mất vua, trở thành đất không chủ, nằm
dưới sự cai quản của nhà Tống, cùng với các sự kiện nhận tiết nhưng
không quỳ năm 990, bài thơ Nam Quốc Sơn Hà ra đời thời đại Lê Hoàn ? Lập
Ngọc Phả hùng vương ? Mời Khuông Việt, Pháp Thuận tiếp sứ Tống cho biết
đất nam có người tài, tất cả cho thấy Lê Hoàn thể hiện là người có tinh
thần dân tộc] Năm 985 cử sứ đi cống sản vật địa phương và xin tiết
trấn. Năm 986 cử sứ đi cống, Đàm châu tấu người Chiêm Thành là Bồ La Át
xin nội thuộc, vua Tống nghĩ đây là công của Hoàn nên chiếu rằng: Hoàn
trung nghĩa, có ân uy trong khi Đinh Toàn tính trẻ con, ngu muội, không
vỗ yên được bờ cõi, tự bỏ quyền nối 3 đời sứ, mọi người trong châu đều
mong muốn vậy nên Hoàn xin phế đi nhưng vẫn xin được giữ làm chỗ thân
thuộc với Hoàn, vua Tống cho Hoàn giữ việc nước, được phong làm Kiểm
hiệu thái bảo, sứ trì tiết, đô đốc Giao Châu, An Nam đô hộ, Tĩnh Hải
quân tiết độ. Năm 988 thêm [tăng] Kiểm hiệu thái uý. Năm 990 thêm đặc
tiến ? Tống Cảo đi sứ An Nam có bài tấu. Năm 993 phong tước Giao Chỉ
quận vương. Do đó trong nước Hoàn xưng là Đại Thánh Minh hoàng đế. Phong
cho các con làm vương. Năm 1005 thì mất.
Trong bài văn của Tống Cảo dâng vua Tống
chép trong Tống sử do tác giả Quách Hiền dịch có viết: “Cuối mùa thu
năm ngoái, đến cõi Giao Châu, Lê Hoàn sai Nha nội Đô chỉ huy sứ là bọn
Đinh Thừa Chính đem 9 chiếc thuyền và 300 quân đến Thái bình quân để đón
(…) Đi đến Trường Châu, gần bản quốc, Lê Hoàn phô trương khoác lác, dốc
hết chiến thuyền ra, gọi là “diệu quân” (…) Núi sát bên thành hư trương
cờ trắng, cho đó là bày thế trận. Được một lát đoàn hộ vệ rước Lê Hoàn
đến, mở lễ giao nghênh. Lê Hoàn ghìm ngựa nghiêng người, hỏi thăm Hoàng
đế xong, cầm cương đi cùng hàng, lúc ấy lấy trầu cau ra mời, ngồi trên
mình ngựa mà ăn, đấy là phong tục mang hậu ý đãi khách (…) Hoàn xấu
người chột mắt, tự nói rằng năm gần đây vừa mới tiếp chiến với man khấu,
rơi từ trên ngựa xuống nên chân bị thương, nhận chiếu nhưng không lạy.
Sau khi nhận dụ chỉ thì rải chiếu mở yến tiệc. Lại ra sát mép nước, diễn
trò mua vui cho khách. Lê Hoàn đi chân đất cầm gậy tre lội nước xâm cá.
Mỗi khi trúng một con thì tả hữu hai bên đều hò reo nhảy múa (…) Thường
sai bọn hơn chục người khiêng một con rắn dài vài trượng đến tặng sứ
quán, còn nói: “Nếu có thể ăn được thì sẽ làm thịt nó làm cỗ dâng lên”.
Lại đóng cũi hai con hổ đem đến tặng, nói để tùy ý quan sát. [Chúng
thần] đều từ chối không nhận. Quân lính có 3000 tên, tất cả đều thích
trên trán dòng chữ “thiên tử quân”, lương thực thì có lúa đủ dùng hàng
ngày, cho vào giã rồi mới ăn. Binh khí thì có cung nỏ, khiên gỗ, thoa
thương, trúc thương, [binh khí] rất yếu không thể dùng được. Hoàn tính
tình thô lược tàn nhẫn, kẻ thân cận đều là bọn tiểu nhân. Cho ở bên cạnh
một bọn 50 tên hoạn quan tâm phúc. Thích uống rượu nô đùa, lấy chỉ lệnh
làm vui, phàm bọn thuộc quan nào giỏi việc thì cất nhắc thân cận, bọn
thuộc hạ xung quanh nếu có lỗi nhỏ cũng giết ngay, hoặc nếu không cũng
cho đánh roi từ 100 đến 200 cái. Đám phụ tá nếu có chút gì không vừa ý
cũng sẽ phạt trượng từ 30 đến 50 cái, giáng truất làm môn lại, khi nào
hết giận lại gọi về cho khôi phục chức cũ. Có một cái tháp gỗ, chế tác
thô lậu chất phác, Hoàn mời [bọn chúng thần] lên du lãm. Đất nơi ấy
không có hàn khí, tháng 11 mặc áo kép phải phất quạt”.
Có khá nhiều chi tiết thú vị trong bài
văn này, thứ nhất là tục ăn trầu của người Việt được nhắc đến, thứ hai
là năm 986 Đinh Toàn đã bị phế tước vương, đó là về đối ngoại, còn trong
đối nội, Toàn có thể vẫn là bình phong cho Lê Hoàn, thứ ba là năm 990
khi Tống Cảo sang không hỏi gì về Đinh Toàn và họ Đinh, vậy thì trong
mắt nhà Tống, họ Đinh đúng là đã bị phế và Hoàn bây giờ là đại diện của
An Nam. Những chi tiết như “đoàn hộ vệ rước Hoàn đến”, “mỗi khi trúng
một con cá, tả hữu hai bên đều reo hò nhảy múa” vậy thì rõ Hoàn trên
thực tế đã làm chủ An Nam. Và có lẽ sau cuộc đi sứ này, Tống Cảo và nhà
Tống đã hiểu ra rằng: người An Nam cũng đã thuận theo Hoàn nên ban đất
ấy có chủ mới, tước Giao Chỉ quận vương vào năm 993. Qua việc Hoàn từ
chối không quỳ mà Tống sứ cũng không bực bội, lại thêm Hoàn đối đãi với
Cảo rất hậu, do vậy rất có thể Cảo có thiện cảm với An Nam và việc tấn
phong Hoàn chức Giao Chỉ quận vương năm 990 không chừng có lời nói tốt
của Cảo ? [Năm 982 Hoàn xin cho Toàn nối chức của cha anh, năm 983 vua
Tống cho Hoàn 2 lựa chọn. Hoàn hiểu rằng để có thể xưng vương ở phương
nam thì nhất định nhà Đinh phải thoái ngôi, do vậy năm 986 Hoàn dâng thư
tấu rằng Đinh Toàn không giữ yên được An Nam nên xin tự thoái, vua Tống
đồng ý và cho Hoàn giữ việc cai quản nhưng không được làm vương, về
phía nhà Tống An Nam không có vương nhưng trong nước rất có thể Hoàn vẫn
giữ Đinh Toàn làm đế để làm bình phong, đến năm 990 vua Tống sai Cảo
sang, có lẽ là thăm dò tình hình An Nam (triều đình phương bắc có ý muốn
cho Hoàn làm vương nên xem xét tình hình trước khi quyết định), nhận
biết được ý nghĩa quan trọng của cuộc đi sứ này, Hoàn đối đãi với Cảo
rất hậu (vừa cứng rắn vừa mền mỏng) nên khi trở về bắc, Cảo tấu báo tình
hình ở An Nam, kết cục triều đình đồng ý cho Hoàn làm vương, lúc này
Hoàn là Giao Chỉ vương trong quan hệ với nhà Tống và trong nước Hoàn phế
Toàn (thông báo rộng khắp chiếu phế Toàn của nhà Tống) đồng thời xưng
đế (thông báo rộng khắp chiếu phong vương của nhà Tống)].
Tiểu kết: Có
rất nhiều thông tin dẫn chúng ta tới những kết luận khác nhau về sự kiện
năm 979, trong bài này tôi cũng đưa ra một giả thuyết. Giả thuyết này
bắt nguồn từ việc chúng ta có thể hiểu khác đi về những thông tin. Tuy
nhiên, chính sự hiểu khác đi ở một chừng mực nào đó lại trở nên rất nguy
hiểm, khiến chúng ta đã hiểu sai về một nhân vật tầm cỡ thế kỷ thứ 10.
* Một chi tiết
nữa cũng cần nói thêm, ấy là việc các di tích đền thời của Hoàn thấy
đâu ít hơn của các danh thần nhà Đinh hoặc như đền thời của Lê Hoàn và
Dương Vân Nga thường hay quay mặt lại so với đền thời của Đinh Bộ Lĩnh.
Rõ ràng các đền thời thì lập sau và người kiến thiết những đền thời ấy
có chịu ảnh hưởng bởi các truyền thuyết, các bộ sử sách hay không ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét