Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

Nhìn lại Loạn 12 sứ Quân

* Vị trí của Loạn 12 sứ quân trong lịch sử Việt Nam: Năm 880, Khúc Thừa Dụ chiếm giữ Phủ đô hộ, truyền qua Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ. Năm 930, Nam Hán chiếm Tĩnh Hải Quân. Năm 931, Dương Đình Nghệ đánh đuổi quân Nam Hán, giữ Tĩnh Hải Quân. Năm 937, Kiều Công Tiễn sát hại Dương Đình Nghệ. Năm 938, Ngô Quyền giết Công Tiễn, đánh bại quân Nam Hán, giữ Tĩnh Hải Quân. Năm 944, Dương Tam Kha tiếm quyền. Năm 950, Ngô Xương Văn lật đổ Tam Kha. Năm 965, Xương Văn mất, Lã Xử Bình tiếm quyền. Năm 967, Đinh Bộ Lĩnh đánh bại Xử Bình. Năm 968, Bộ Lĩnh lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, rời Kinh ấp về Hoa Lư. Năm 980, Lê Hoàn lên ngôi.
Các bộ sử thời trung đại của Việt Nam, nhìn nhận thời kỳ Loạn 12 sứ quân diễn ra từ khi Ngô Xương Văn mất (năm 965) đến khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi (năm 968) và đều ghi chép rất rõ về 12 sứ quân.
“Mười Hai Sứ Quân:
  1. Kiểu Tam Chế tên là Công Hãn chiếm giữ Phong Châu.
  2. Nguyễn Thái Bình tên Khoan, một tên nữa là Ký, chiếm giữ Vũng Nguyễn Gia.
  3. Trần Công Lãm tên là Nhật Khánh chiếm giũ Đường Lâm.
  4. Đỗ Cảnh Công tên là Cảnh Thạc, chiếm giữ Đỗ Động .
  5. Nguyễn Du Dịch tên là Xương Xí chiếm giữ Vương Cảo.
  6. Nguyễn Lãng Công tên Khuê chiến, giữ Siêu.
  7. Nguyễn Lịnh Công tên là Thủ Tiệp chiếm giữ Tiên Du.
  8. Lữ Tả Công tên là Quánh chiếm giữ Tế Giang.
  9. Nguyễn Hữu Công tên là Siêu, chiếm giữ Phù Liệt.
  10. Kiểu Lệnh Công tên là Thuận giữ Hồi Hồ.
  11. Phạm Phòng Át tên là Bạch Hổ chiếm giữ Đằng Châu.
  12. Trần Minh Công tên Lãm chiếm giữ Giang Bố Khẩu.
Mười hai sứ quân nổi lên bắt đầu năm Ất Sửu (năm 965) và chấm dứt vào năm Đinh Mão (năm 967) gồm có 3 năm thì Đinh Tiên Vương (Đinh Bộ Lĩnh) mới thôn tính được hết cả” [Đại Việt sử lược – Khuyết danh]
Đồng thời với đó, các sử gia thời trung đại có cái nhìn về Đinh Bộ Lĩnh như sau: “Lê Văn Hưu nói: Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ quân phục hết. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý trời vì nước Việt ta mà lại sinh bậc thánh triết để tiếp nối quốc thống của Triệu Vương chăng ?” [Đại Việt sử ký toàn thư – Ngô Sĩ Liên]
Tuy nhiên bước sang thời hiện đại (tạm lấy mốc là Khâm định Việt sử thông giám cương mục) các nhà nghiên cứu lại có những góc nhìn khác về giai đoạn Loạn 12 sứ quân này. Chẳng hạn như:
“Họ chính thức có tên trong danh sách 12 sứ quân, nhưng không gây “loạn”. Sử sách không có một chữ nào thể hiện họ gây hấn với láng giềng, còn nói gì ý đồ bành trướng hay thôn tính ai. Họ chỉ lo giữ cơ nghiệp hiện có. Rốt cuộc, họ bị tấn công, bị tiêu diệt, chứ không hàng. Về nhân cách, họ rất cao cả nếu so với kẻ vô cớ tấn công họ (…)
Nguyên nhân thật sự là do Đinh Bộ Lĩnh … làm loạn: Hai con Ngô Quyền, sau khi truất phế Dương Tam Kha (…) lên làm vua, tuy có những chống đối nhưng không lớn, dễ dẹp (ví dụ Chu Thái). Lo nhất của hai vua là sự chống đối của Đinh Bộ Lĩnh. Nếu vậy, đây là vị sứ quân đúng nghĩa nhất, nổi dậy sớm nhất (khi 2 vua còn tại ngôi) và kéo dài nhất. Hai vua phải đích thân tiến đánh, nhưng không nổi. Hai vua mất sớm là cơ hội để Đinh Bộ Lĩnh chinh phạt, tấn công khắp nơi. Các nơi khác chỉ lo tự giữ và được gọi là sứ quân” [Loạn 12 sứ quân: cuộc nội chiến 20 năm – Nguyễn Ngọc Lanh]
“Tóm lại, từ những sử liệu vừa được trích dẫn, bài viết đã lần lượt thảo luận về vai trò của Đinh Bộ Lĩnh và bản chất cục diện của loạn sứ quân. Có thể nhận định như sau:
1 . Cục diện cát cứ dưới triều nhà Ngô đã bắt đầu từ năm 951 với Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư, và họ Đường-Nguyễn ở Thái Bình. Cát cứ là tình trạng chung của cả ba triều đại Ngô-Đinh-Tiền Lê ở mọi thời điểm. Các nhân sự cát cứ thường là các vọng tộc cũ thời Bắc thuộc, hay thuộc tướng lĩnh của các vị soái vương tiền nhiệm (đã mất), ngoài ra còn phải kể đến hàng loạt các man động của người thiểu số ở các miền trung du phía bắc và phía tây Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay).
2. Cục diện “loạn 12 sứ quân” thực sự xảy ra toàn diện từ năm 965-967. Chúng tôi đề xuất nên nhìn “nhân sự” của cuộc động loạn này theo ba phe chính: Phe họ Ngô (gồm Đỗ Cảnh Thạc, con cháu họ Ngô cùng các sứ quân tự trị, tự giữ); phe các sứ quân nổi loạn (Đinh Bộ Lĩnh, Trần Lãm, Phạm Phòng Át) và phe tiếm quyền của Lã Xử Bình. Trên quan điểm đương triều (Ngô) để xác định chính tà thì phe Đỗ Cảnh Thạc không nên gộp nhập vào gọi là “sứ quân”; trong khi đó các sứ quân mới cần bổ sung trên bản đồ chính trị vào thời điểm này nên là Lã Xử Bình, Dương Huy và Đinh Bộ Lĩnh. Đây là con số cũng khá đẹp để bù lại ba nhóm Đỗ Cảnh Thạc, Ngô Xương Xí và Ngô Xương Văn.
3 . Cục diện “loạn 12 sứ quân” còn nên nhìn nhận lại trên bình diện “động thủ-tự giữ” của các nhóm thế lực. Với sử liệu hiện nay, có thể chia thành hai nhóm như sau:
a) Nhóm các thế lực động thủ tham chiến, gồm Đỗ Cảnh Thạc, Ngô phó sứ (Trần Lãm), Đinh Bộ Lĩnh, Phạm Phòng Át, Lã Xử Bình, Kiều Tam Chế;
b) Nhóm các thế lực tự trị-tự giữ (theo chế độ nhà Ngô và chờ thời thế) gồm Ngô Nhật Khánh, Ngô Xương Xí và một số sứ quân khác (hiện chưa xác định được). Một số hoạt động của các nhóm thế lực này được sử nhắc đến hầu như chỉ là việc tự giữ đất và xưng “Công” làm hùng trưởng (chứ không phải xưng Vương, làm quốc trưởng).
4. Đinh Bộ Lĩnh là sứ quân cát cứ và nổi dậy sớm nhất, tồn tại lâu nhất và cuối cùng đã đứng đầu lực lượng liên minh mạnh nhất đủ để đánh bại quân nhà Ngô và thống lĩnh các lực lượng quân sự khác. Ông cát cứ tại Hoa Lư từ năm 951 đến năm 965. Trong thời gian 15 năm này, ông đã tiến hành luyện quân và liên kết với sứ quân Trần Lãm để chuẩn bị cho những thời cơ mới. Từ năm 965 đến năm 967, thế tam phân trong cục diện chính trị đã diễn ra. Cuối cùng, năm 967, với hai, ba chiến thắng quan trọng trước Đỗ Cảnh Thạc (500 con cháu họ Ngô) và Lã Xử Bình (có thể thêm cả họ Kiều nữa), Đinh Bộ Lĩnh đã giành được thế thượng phong, đủ để chấm dứt sự tại vị của nhà Ngô, đồng thời buộc các sứ quân khác của nhà Ngô phải theo về dưới trướng của mình.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, xây dựng nhà nước đa giáo, trong đó Phật giáo là chủ lưu, đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt, đặt pháp hiệu của mình là Cồ Thành, đóng đô ở Hoa Lư, xưng tôn hiệu Đại Thắng Minh Hoàng Đế” [Đinh Bộ Lĩnh – Loạn sứ quân từ sử liệu tới sử thực – Trần Trọng Dương]
Đã có sự thay đổi về góc nhìn Loạn 12 sứ quân. Nếu các sử gia trung đại thấy các sứ quân làm loạn sau khi Ngô Xương Văn chết và Đinh Bộ Lĩnh đã đánh dẹp được các sứ quân, chấm dứt được loạn lạc. Thì các nhà nghiên cứu hiện đại lại thấy rằng: Không ai khác, chính Đinh Bộ Lĩnh là người làm loạn đầu tiên và thực sự là sứ quân cát cứ.
* Về tên gọi Loạn 12 sứ quân: Các bộ sử trung đại thường liệt kê 12 vị sứ quân cát cứ, tuy nhiên số lượng những người tham gia vào cuộc loạn này có thể kể được nhiều hơn 12 vị. Vậy vì sao các sử gia vẫn chỉ ghi nhận có 12 sứ quân ? Một ý kiến rất hay cho rằng: Đó là vì các sử gia đã dựa vào thông tin trong sách Tục tư trị thông giám trường biên của Lý Đảo (1115-1184): “Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ Ngô Xương Văn chết, tham mưu của Văn là Ngô Xử Bình, cùng Phong Châu Thứ sử Kiều Tri Hựu, Vũ Ninh châu Thứ sử Dương Huy, Nha tướng Đỗ Cảnh Thạc, bọn ấy cùng tranh lập. Mười hai châu của Giao Chỉ đại loạn, trộm cướp cùng dấy. Trước, Dương Đình Nghệ làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, sai Nha tướng Đinh Công Trứ nhiếp Hoan Châu Thứ sử. Công Trứ chết, con Bộ Lĩnh nối chức ấy. Khi đó, Bộ Lĩnh cùng con là Liễn cùng thống soái ba vạn người đánh phá bọn Xử Bình, đất ấy mới yên, bèn tự lập làm Vạn Thắng Vương, lấy Liễn làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ”.
Như vậy là rất có thể các sử gia đã tham khảo sử phương bắc, thế nhưng sử phương bắc chỉ nêu tên có vài sứ quân, vậy thì 12 vị sứ quân có họ tên đầy đủ và có vùng lãnh thổ cát cứ rõ ràng được các sử gia lấy từ đâu ? Thời kỳ Khúc – Dương – Ngô – Đinh là thời kỳ mà do sự ngăn cách giữa 2 miền nam bắc, nên sử phương bắc không biết nhiều và chi tiết, trong khi sử phương nam thì chưa được ghi chép. Chúng ta có thể bỏ con số 12 đi, để gọi thời kỳ này là Loạn sứ quân.
* Về nguyên nhân của Loạn sứ quân: Có một ý kiến rất thú vị của Trần Quốc Vượng: “Đến thế kỷ IX, triều đình nhà Đường đổ nát (…) thời cơ thuận tiện để nhân dân ta nổi dậy giành quyền tự chủ (…) vốn là một hào trưởng địa phương; lợi dụng sự trống chỗ của chức vụ Tiết độ sứ cai quản toàn An Nam, Khúc Thừa Dụ đã nổi dậy kéo quân về An Nam đô hộ phủ (…) và tự xưng Tiết độ sứ năm 905 (…) con là Khúc Hạo đã bắt tay cầm quyền trị nước, cải cách hành chính, đổi hương làm xã và đặt chức xã quan (củng cố chính quyền cơ sở), giảm tô thuế (…). [con Hạo là] Khúc Thừa Mỹ (…) vẫn không khống chế nổi các thế lực hào trưởng địa phương và ngoại bang (…) Chính quyền quân chủ trung ương nhà Đường suy tàn rồi biến mất, tạo ra một “khoảng trống quyền lực” ở đất Việt một cái “hẫng hụt trung ương” mà nhiều hào trưởng địa phương có tham vọng điền vào chỗ trống ấy. Do vậy, theo tôi, không nên nhìn thời kỳ “Thập nhị sứ quân” chỉ như một cuộc loạn sau khi Ngô Vương Quyền mất (năm 944).
Cái “loạn” ấy có mầm mống ngay sau năm 905 hay còn từ trước đó nữa như chúng tôi đã dẫn giải ở trên và không nên lấy làm lạ là trong số 12 sứ quân mà sử cũ chép ta thấy đến 2 ông sứ quân họ Kiều là cháu nội Kiều Công Tiễn ở Phong Châu, 2 ông sứ quân họ Ngô thuộc dòng dõi Ngô Quyền và các ông sứ quân họ Đỗ – Đỗ Cảnh Thạc – thì từ đời Đỗ Viện – Đỗ Tuệ Độ thế kỷ IV đã là một thế lực lớn ở Đỗ Động Giang” [Văn hoá Thăng Long – Hà Nội: Hội tụ và toả sáng – Trần Quốc Vượng]
Trần Quốc Vượng cho rằng: Cái loạn ấy có mầm mống từ khi nhà Đường không còn tồn tại ở Tĩnh Hải Quân, nên đã để lại “khoảng trống quyền lực” ở trung ương (Đô hộ phủ) dẫn đến sự cát cứ của các hào trưởng [Ý kiến này được Nguyễn Ngọc Lanh cho là: “Lý lẽ (…) nói chung là đúng. Nhưng (…) ít bổ ích”]. Tôi cho rằng: Ngược lại, chúng ta có thể phát triển ý kiến này của Trần Quốc Vượng.
Nhà Tần mất, Tây Hán và Nam Việt dựng. Vùng đồng bằng sông Hồng, gồm các cộng đồng người (Mol) sinh sống trong những vùng lãnh thổ riêng. Các cộng đồng người này có lúc thì trao đổi buôn bán, cũng có lúc xảy ra xung đột, chiến tranh với nhau. Vùng thành Cổ Loa, có thể là lãnh thổ của một cộng đồng nào đó. Các cộng đồng này đã được tổ chức. Khi người phương bắc chạy loạn, tiến xuống phương nam và định cư ở vùng đồng bằng sông Hồng. Có thể điểm đầu tiên là ở phía đông ngoại thành Hà Nội ngày nay. Những người ngụ cư này cũng hình thành cộng đồng, cũng được tổ chức nhưng lại mang đặc điểm của xã hội phương bắc. Những cộng đồng ngụ cư này, ngày càng đông, cũng có lúc trao đổi buôn bán với cộng đồng bản địa, cũng có lúc xung đột chiến tranh. Cho đến khi, cộng đồng ngụ cư này lớn mạnh, đồng thời với đó là sự xuất hiện của chính quyền phương bắc, đã dẫn đến sự hình thành 1 hệ thống tổ chức đặc biệt. Đó chính là một bộ phận của hệ thống chính quyền phương bắc được thiết lập tại vùng đồng bằng sông Hồng. Hệ thống này ban đầu được thiết lập trên những người phương bắc ngụ cư, trước đây những người ngụ cư từ phương bắc đến thiết lập những cộng đồng có tổ chức, nhưng những cộng đồng này vẫn riêng biệt, không có mối liên hệ với nhau. Tuy nhiên, khi chính quyền phương bắc xuất hiện, bằng nhiều phương thức mà hệ thống chính quyền phương bắc đã tập hợp và hệ thống được các cộng đồng người ngụ cư, thiết lập được một hệ thống có trật tự từ phương bắc tới phương nam. Sĩ Nhiếp chính là ví dụ.
Sự xuất hiện của hệ thống chính quyền phương bắc đặt ở phương nam, đã dẫn đến cuộc xung đột giữa hệ thống tổ chức tự nhiên của người bản địa với hệ thống tổ chức phương bắc đặt tại phương nam (Đô hộ phủ). Như vậy là ở phương nam tồn tại song hành (và xung đột) giữa 2 tổ chức cộng đồng, là tổ chức của người bản địa và tổ chức của chính quyền phương bắc. 2 hệ thống tổ chức này đại diện cho 2 nhóm lợi ích đối kháng là: nhóm lợi ích của người bản địa và tầng lớp hào trưởng với nhóm lợi ích của chính quyền phương bắc. Do phương bắc loạn thường xảy ra và cách xa An Nam, nên chính quyền không thể thiết lập được hệ thống đến từng cá nhân. Những gì phương bắc làm được là cố gắng duy trì một phủ đô hộ tại trung tâm đồng bằng sông Hồng, quản hạt vùng lân cận có người phương bắc cư ngụ hoặc những người phương nam bị đồng hoá. Có ảnh hưởng và buộc các vùng lãnh thổ xung quanh do các hào trưởng nắm giữ quy thuận.
Thế nhưng, những lớp người phương bắc sinh sống ở phương nam, bị Việt hoá, họ bắt đầu hình thành tư tưởng về sự tồn tại của một quốc gia độc lập ở phương nam. Chúng ta bắt gặp những dấu vết này ở anh em Lý Trường Nhân. Nhà Đường nỗ lực mở rộng lãnh thổ ở phương nam, kết quả là hình thành một địa thế quan trọng thứ 2 tại An Nam là Ái Châu. Sau cuộc khởi nghĩa của Đỗ Anh Hàn, Triệu Xương được cử làm Đô hộ. Xương thực hiện chính sách “chính quyền hoá địa phương” từ đây 2 hệ thống tổ chức xã hội đã có những điểm đồng bộ. Đó chính là việc các hào trưởng, một mặt vẫn là người đứng đầu trong tổ chức tự nhiên của người bản địa, mặt khác lại là người đứng trong hệ thống chính quyền phương bắc thiết lập tại An Nam với tên gọi Thứ sứ, quản lý đơn vị hành chính cấp quận (vùng lãnh thổ riêng của các hào trưởng trở thành quận trong hệ thống chính quyền phương bắc). Và chính việc này, đã khai mở cho những hào trưởng bản địa về cách tổ chức và quản lý một hệ thống tổ chức xã hội mới mẻ rất khác so với hệ thống tổ chức xã hội của người bản địa.
Bước ngoặt lịch sử khi nhân cuộc tấn công của Hoàng Sào vào Lĩnh Nam Đông Đạo năm 879, tại An Nam Khúc Thừa Dụ tổ chức cuộc binh biến chiếm giữ Đô hộ phủ năm 880. Như vậy, tại An Nam Khúc Thừa Dụ kế thừa hệ thống tổ chức chính quyền cơ sở của phương bắc, tuy nhiên lại không còn liên hệ phụ thuộc với chính quyền phương bắc. Thừa Dụ có kinh nghiệm tổ chức chính quyền từ quá trình làm việc trong hệ thống chính quyền của người phương bắc, lại được thừa hưởng một hệ thống tổ chức ở Giao Châu và các vùng lân cận do chính quyền phương bắc để lại, đồng thời có danh nghĩa là người được phương bắc sắc phong, đại diện cho phương bắc tại An Nam. Vì thế mà tình trạng cát cứ ở An Nam không có nhiều chuyển biến. Các hào trưởng vẫn quản hạt lãnh thổ của mình. Khúc Thừa Dụ trên thực tế chỉ là một hào trưởng có thế lực nhất, các hào trưởng khác phải quy thuận. Lúc này không còn xung đột giữa tầng lớp hào trưởng và dân bản địa với chính quyền phương bắc nữa, mà đã trở thành xung đột giữa các hào trưởng, giữa các vùng lãnh thổ tại An Nam.
Đến thời của Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ, Giao Châu mở rộng quyền lực của mình xuống phía nam, tiếp tục công việc giang dở của chính quyền phương bắc là kiến thiết Ái Châu, theo mô phỏng hình mẫu Giao Châu, bằng chứng là việc trấn giữ của nha tướng Dương Đình Nghệ. Khi thế chỗ họ Khúc, làm chủ châu Giao, Nghệ tiếp tục công cuộc mở rộng ảnh hưởng xuống phía nam, thông qua việc cất cử Đinh Công Trứ làm thứ sử Hoan Châu. Tuy nhiên, những nỗ lực của Nghệ và Công Trứ không mang lại nhiều kết quả. Bằng chứng là qua sự kiện Ngô Quyền tiến đánh Kiều Công Tiễn và Nam Hán, không thấy nhắc tới vai trò của Đinh Công Trứ, hay như sự kiện Dương Tam Kha tiếm quyền nhà Ngô, cũng không thấy động tĩnh gì từ Hoan Châu và cuối cùng là Đinh Bộ Lĩnh, con trai của Công Trứ lại khởi binh từ căn cứ Hoa Lư chứ không phải từ Hoan Châu. Rõ ràng là Dương Đình Nghệ đã thất bại trong việc kiến thiết một Hoan Châu giống như Giao Châu và Ái Châu. Theo tôi những hành động của họ Khúc và họ Dương là những nỗ lực đầu tiên để tiến tới một An Nam thống nhất và là tiền đề cho cuộc nam tiến sau này. Có 2 nhiệm vụ trong việc kiến tạo một An Nam thống nhất của họ Khúc và họ Dương đó là: Bên ngoài cố gắng thoát ra khỏi sự lệ thuộc, đứng ngoài hệ thống chính quyền của phương bắc và bên trong tiếp tục di sản của chính quyền phương bắc buộc các hào trưởng cát cứ phải quy thuận và mở rộng sự ảnh hưởng xuống phương nam.
Năm 931, Dương Đình Nghệ đánh bại quân Nam Hán, giữ Giao Châu, cất cử Ngô Quyền giữ Ái Châu, Đinh Công Trứ giữ Hoan Châu. Năm 937, nha tướng (kiêm Thứ sử Phong Châu) Kiều Công Tiễn sát hại Dương Đình Nghệ. Năm 938, Ngô Quyền tiến quân ra bắc, đánh bại Công Tiễn, phá giặc Nam Hán ở cửa Bạch Đằng, lên ngôi vương. Ngô Vương cất cử Nguyễn Xương Xí giữ Ái Châu. Năm 944, Ngô Quyền chết giao quyền phụ tá cho Dương Tam Kha, vốn là con của Dương Đình Nghệ, là anh em vợ của Ngô Quyền. Xảy ra xung đột giữa Tam Kha và con trai cả của Ngô Vương là Xương Ngập. Xương Ngập thua, chạy trốn ở nhà Phạm Công Lệnh ở Nam Sách (Hải Dương). Như vậy là khi Tam Kha tiếm quyền, người có ý bất tuân là Phạm Công Lệnh. Tam Kha nhận con thứ của Ngô Vương là Xương Văn làm con nuôi. Tam Kha sai Xương Văn cùng Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi đánh 2 thôn Đường và Nguyễn. Vậy 2 thôn này cũng bất tuân chính quyền Cổ Loa. Thôn Đường (Lâm) do Trần Nhật Khánh giữ. Trong sự biến năm 944, Ái Châu và Phong Châu im lặng. Xương Văn bàn với Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi, quay về đánh úp, truất Tam Kha, tự lên ngôi năm 950. Đón anh Xương Ngập về cùng làm vương. Đem quân đánh dẹp Đinh Bộ Lĩnh ở động Hoa Lư (Ninh Bình) nhưng không thắng, bắt con của Bộ Lĩnh là Đinh Liễn về làm con tin. Năm 965, Xương Văn đánh 2 thôn Đường và Nguyễn bị chết, nha tướng Lã Xử Bình tự lập. Phong Châu thứ sử Kiều Tri Hựu [Theo An Nam chí lược thì thứ sử Phong Châu Kiều Công Tiễn bị Ngô Quyền giết nhưng đến khi Ngô Xương Văn mất, Thứ sử Phong Châu Kiều Tri Hựu tranh lập, từ đó cho thấy suốt từ thời Ngô Quyền, Dương Tam Kha, Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn, họ Kiều vẫn cát cứ Phong Châu và quy thuận (làm chức thứ sử) chính quyền Cổ Loan] Vũ Ninh Châu thứ sử Dương Huy, nha tướng Đỗ Cảnh Thạc (cùng con em họ Ngô) tranh lập. Kết cục Xử Bình thắng. Đỗ Cảnh Thạc và họ Ngô về giữ Đỗ Động Giang. Đinh Liễn trốn về Hoa Lư.
Vậy tổng quan giai đoạn này gồm các thế lực lớn (sứ quân) sau: Kiều Tri Hựu giữ Phong Châu; Lã Xử Bình giữ Cổ Loa; Đỗ Cảnh Thạc và họ Ngô giữ Đỗ Động Giang; Đinh Bộ Lĩnh giữ Hoa Lư; Nguyễn Xương Xí giữ Ái Châu [không rõ có phải là Thôn Nguyễn hay không ? Thôn Nguyễn bất tuân chính quyền Cổ Loa từ thời Tam Kha; Xương Xí là người rất được trọng vọng dưới thời Ngô Quyền, được cất cử giữ châu rất quan trọng, vậy mà trong sự tiếm quyền năm 944, Ái Châu lại không có động tĩnh gì ? Khi Xương Văn đi đánh dẹp lại ghi chung là loạn 2 thôn Đường-Nguyễn. Cũng hợp lý khi Thôn Nguyễn là Xương Xí vì cả 2 thôn này cùng nằm ở phía nam (Hoan Châu và Ái Châu)]; Trần Nhật Khánh giữ Đường Lâm.
Qua 2 chiến thắng lớn trước phương bắc, các hào trưởng cát cứ xung quanh Giao Châu buộc phải quy thuận 2 nhà Dương – Ngô. Hiện trạng của An Nam từ khi chính quyền phương bắc được thiết lập tại phương nam đến thời nhà Lý là Cát cứ – Quy thuận. Các hào trưởng cát cứ lãnh thổ riêng bắt nguồn từ tổ chức chính quyền tự nhiên của người bản địa. Các hào trưởng quy thuận Đô hộ phủ khi chính quyền phương bắc cố gắng nhập hệ thống tổ chức chính quyền tự nhiên của người bản địa vào hệ thống tổ chức chính quyền phương bắc. Và rõ ràng, mô hình tổ chức chính quyền phương bắc đã trở thành chủ đạo tại An Nam, vì đây là mô hình tổ chức chính quyền tất yếu của lịch sử. Điểm khác biệt là mô hình này được hình thành một cách tự nhiên hay là một cách bị cưỡng bức như An Nam.
Khi Xương Văn tiến đánh Đinh Bộ Lĩnh, cho thấy Bộ Lĩnh bất tuân chính quyền Cổ Loa, Bộ Lĩnh hẳn là phải có thế lực thì Xương Văn mới phải đem binh đi đánh (diệt mối hoạ) và qua việc không bắt được Bộ Lĩnh, thì đúng là Bộ Lĩnh có thực lực. Sau 15 năm tự dựng, thì hẳn là thế lực của Bộ Lĩnh lại càng mạnh, vậy thì vì sao Bộ Lĩnh lại còn sang đầu quân cho Trần Lãm ở Bố Hải Khẩu ? Đinh Bộ Lĩnh bất tuân chính quyền Cổ Loa, cho thấy chí khí của Lĩnh. Do vậy việc Bộ Lĩnh chịu dưới trướng của Trần Lãm là khó hiểu ? Nhất là khi Lĩnh có thực lực. Đây có thể là một dạng liên kết quân sự hay không ? Năm 967, Trần Lãm chết. Đỗ Cảnh Thạc cũng mất. Con em họ Ngô giữ Động Đỗ Giang tấn công Bố Hải Khẩu, bị Ngô phó sứ ở đất Ô Man đánh bại. Đinh Bộ Lĩnh đem quân hàng phục những đất này. Lĩnh tiến đánh Lã Xử Bình, lấy được Cổ Loa. Tự xưng Vạn Thắng Vương. Các thủ lĩnh cát cứ hàng phục. Bộ Lĩnh rất ưu ái Ngô Nhật Khánh ở phía nam. Đóng đô ở Hoa Lư.
Họ Khúc – Dương, nắm giữ được Giao Châu, được các hào trưởng cát cứ quy phục, nhưng vẫn tận dụng danh nghĩa và hệ thống tổ chức của chính quyền phương bắc. Ngô Quyền kiến lập, cố gắng độc lập An Nam  khỏi phương bắc nhưng vì sức mạnh quân sự nên các hào trưởng cát cứ vẫn buộc phải quy thuận. Khi Dương Tam Kha tiếm quyền, thì xảy ra tình trạng bất tuân ra mặt của các hào trưởng cũng là dễ hiểu, đến thời Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn vẫn còn loạn cũng không có gì khó hiểu. Toàn bộ An Nam có phải là của họ Ngô hay không ? Hay chỉ cần đánh bại giặc phương bắc và tự xưng là Vương vậy là toàn bộ đất cõi An Nam là của họ Ngô ? Các hào trưởng đời đời hưng thịnh ở lãnh thổ riêng của họ quy thuận triều đình Cổ Loa, đâu có nghĩa là họ dâng đất ấy cho họ Ngô ? Cả ngàn năm trước đó, các hào trưởng quy thuận phủ đô hộ, nhưng vẫn tự giữ, tự quản lãnh thổ của họ. Nên việc Trần Nhật Khánh, Nguyễn Xương Xí, Đinh Bộ Lĩnh, Kiều Tri Hựu cát cứ, cũng chẳng qua là chủ nào giữ đất ấy. Về mặt lịch sử thì hành động của Ngô Xương Văn dẹp loạn, Đinh Bộ Lĩnh tranh lập, Lê Hoàn dẹp giặc chẳng qua cũng chỉ là tranh giành quyền lực và lãnh thổ, tất yếu dẫn tới kết quả là sự thống nhất An Nam.
Đinh Bộ Lĩnh rất ưu ái Trần Nhật Khánh ở Đường Lâm. Đường Lâm được các tác giả Trần Ngọc Vương, Trần Trọng Dương và Nguyễn Tô Lan (cũng theo các tác giả này thì khởi từ Lê Hải Nam và Tích Dã) xác định ở vùng Thanh – Nghệ. Tôi cho rằng: Hành động này của Bộ Lĩnh là tiếp nối những nỗ lực của họ Dương, mở rộng sự ảnh hưởng của Giao Châu xuống phương nam. Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn bị sát hại. Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi. Vẫn đóng đô ở Hoa Lư. Dưới thời Lê Hoàn, quân đội nước nam rất mạnh. Phía bắc đánh Tống, phía nam phạt Chiêm. Trong nước đánh dẹp các thế lực chống đối. Đến Lý Công Uẩn lên ngôi, đặt đô ở Thăng Long. Đại Việt chính thức thống nhất. Một hệ thống chính quyền tập trung, thống nhất và duy nhất được thiết lập. Một hệ thống giống phương bắc nhưng không còn là của người phương bắc. Cái hệ thống mà được chính quyền phương bắc mang đến, thiết lập ở An Nam, bây giờ được chính người Việt sử dụng trong xã hội của Việt.
Tiểu kết: Người bản địa phương nam có hệ thống tổ chức chính quyền tự nhiên, toàn bộ cộng đồng người Mol tại đồng bằng sông Hồng, sông Mã được cấu thành từ những cộng đồng nhỏ hơn chiếm cứ những vùng lãnh thổ riêng. Khi chính quyền phương bắc tới và thiết lập mô hình tổ chức chính quyền tại An Nam, đã dẫn tới sự xung đột, do đó làm rõ nét hơn tình trạng cát cứ của các hào trưởng. Với chính sách “chính quyền hoá địa phương” phương bắc đã hệ thống hoá được các vùng lãnh thổ cát cứ của các hào trưởng, sự quy thuận Đô hộ phủ trở nên rõ ràng hơn. Khi chính quyền phương bắc không còn tồn tại ở An Nam, đã để lại nhận thức về cách tổ chức chính quyền và một hệ thống tổ chức chính quyền, họ Khúc và sau đó là họ Dương đã nỗ lực kiểm soát và điều hành hệ thống tổ chức này thông qua việc tự xưng và nhận sắc phong Tiết độ sứ. Họ Dương đã khởi đầu tiến trình thống nhất An Nam và tạo cơ sở cho nam tiến thông qua việc cử Đinh Công Trứ làm thứ sử Hoan Châu. Tiến trình thống nhất được tiếp tục bởi họ Ngô – Đinh – Lê. Thời kỳ Khúc – Dương – Ngô – Đinh – Lê là thời kỳ đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, đây là thời kỳ thực hiện 3 tiến trình: Tiến trình thống nhất; tiến trình độc lập và tạo cơ sở cho cuộc nam tiến.
Theo tôi chúng ta không những có thể bỏ số 12 trong Loạn 12 sứ quân mà có thể bỏ cả cụm từ Loạn sứ quân, lịch sử chỉ đơn giản như Ngũ đại sử của Âu Dương Tu (1007-1072) chép: Năm thứ 10 (tức năm Đại Hữu thứ 10 – 937), Giao Châu nha tướng Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ tự lập, tướng cũ của Đình Nghệ là Ngô Quyền đánh Giao Châu, Công Tiễn xin cứu viện. Nghiễm phong Hồng Thao tước Giao vương, xuất binh theo hướng Bạch Đằng tấn công. Còn Nghiễm thì đóng binh tại Hải Môn” và “Ngô Xương Văn ở Giao Châu chết, phụ tá của ông này là Lã Xử Bình cùng Phong Châu Thứ sử Kiều Tri Hựu tranh lập, Giao Chỉ đại loạn, Hoan Châu Đinh Liễn cử binh kích phá đám ấy”.
P/S: Nam Tiến. Nếu chúng ta nhìn nhận, lịch sử Việt Nam khởi đầu từ Kinh Dương Vương dựng nước Xích Quỷ, từ đó hình thành Bách Việt, quá trình Hán hoá diễn ra, nhưng Lạc Việt đã thoạt được và kiến tạo Đại Việt. Chúng ta sẽ rất tự hào về điều đó, nhưng nếu như Bách Việt chỉ là một khái niệm phân loại của người phương bắc thì sao ? Người thời Chu nhìn các tộc người phía nam sông Dương Tử là Ngô – Sở – Việt là dân man di. Đến khi nhà Tần thống nhất, người phương bắc tiến xuống Lĩnh Nam, những tộc người này có nét tương đồng với người nước Việt của Công Tiễn, nên người phương bắc liền gọi người Lĩnh Nam là Việt. Nhưng khi thực, người Lĩnh Nam gọi nhau là Âu Lạc (một từ mà dân bản địa vùng Lĩnh Nam tự xưng được người Hán ký âm). Người vùng Lĩnh Nam có những nét tương đồng về văn hoá là thông qua giao lưu, còn về nguồn gốc thì không cùng. Nhóm người ở vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã tạm gọi là người Đông Sơn. Người Đông Sơn là dân bản sứ, có cuộc sống sông nước. Khi người phương bắc (rất nhiều chủng tộc) chạy loạn xuống phương nam, đã hoà huyết với người bản địa tạo ra thế hệ lai, mức độ hoà huyết như nào thì rất khó xác định, không chỉ dừng lại ở hoà huyết, người phương bắc mang cả văn hoá xuống phương nam. Theo thời gian, dòng người phương bắc càng nhiều. Đến thế kỷ 10, những người phương nam kiến quốc, họ không chỉ nam tiến (chiếm đất của người Chăm) mà họ còn bắc tiến (chiếm đất của người Tày – Nùng) và Tây tiến (lấy đất của người Thái). Rõ ràng người Việt (Kinh) không hề mất đất, mà còn chiếm đất của các tộc người xung quanh. Sau 1000 năm, người Việt không bị Hán hoá ? Thực sự không phải như thế ? So với người Đông Sơn, người Việt (Kinh) không còn nhiều điểm chung. Tiếng Việt bây giờ cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều của tiếng Hán và tiếng Thái. Thực sự thì để tìm ra một điểm khác Hán đủ lớn ở người Việt là rất khó, vậy thì vì sao lại cho rằng: người Việt không bị Hán hoá ? Câu hỏi là: Hán hoá có thực sự xấu, có thực sự đáng sợ hay không ? Tộc người nào cũng kiến tạo những giá trị tốt đẹp và một tộc người để có thể tồn tại thì cần phải tiếp thu những giá trị tốt đẹp của các tộc người khác, tiếp thu càng nhiều càng tốt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét