Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

BÀN VỀ GỐC TÍCH CỦA LÝ THƯỜNG KIỆT


1. Văn bia đền Ngọ Xá (Thanh Hoá) do Nhữ Bá Sĩ soạn năm 1876 viết: “Thái úy người phường Thái Hòa hữu thành Thăng Long, họ Lý tên Thường Kiệt, còn gọi là Tuấn, tự Thường Kiệt hoặc khi xuất thân lấy tên tự để gọi. Các vị tiên tổ chức phẩm hàm không được rõ, chỉ biết cụ sinh ra tên là An Ngữ giữ chức Sùng ban lang tướng đời Lý. Bà cụ thân sinh họ Hàn, một người phụ nữ hiền lành phúc hậu. Năm 20 tuổi, đời vua Lý Thái Tổ niên hiệu Thuận Thiên thứ 10 (1019) cụ sinh ông và sinh tiếp Thường Hiến. Giữa đời Thánh Tông niên hiệu Thiên Thánh (1028 - 1053) cụ thân sinh  đem quân đi tuần ở biên giới bị bệnh rồi qua đời. Năm ông mới 13 tuổi ngày đêm đau buồn khôn xiết. Chồng của người cô là ông Tạ Đức thường đến thăm và an ủi, nhân đó hỏi chí hướng của ông, ông thưa rằng: về văn học chỉ cần biết chữ để ký tên là đủ, còn võ phải học được như Vệ Thanh, Hoắc Khứ là đi vạn dặm lập công to, giữ được ấn hầu, làm vẻ vang cho cha mẹ, ấy là sở nguyện. Lớn lên ông Đức khuyên lấy cháu là Tạ Thuần Khanh. Ông lo học đạo Tôn Ngô, đêm đọc sách, ngày luyện cung mã đến các phép xây doanh trại, bày trận địa đều tinh thông cả. Ông Đức còn khuyên học chữ nho, ông ngày đêm miệt mài học tập, rèn luyện ý chí để mong giúp nước. Năm ông 18 tuổi, bà cụ thân sinh qua đời, ông cùng Thường Hiến lo việc tang chu tất giữ đạo hiếu, tự mình nấu lấy lễ vật để cúng tễ. Hết tang, nhờ phúc ấm cha ông được vào đội kỵ binh giữ chức kỵ mã hiệu úy. Năm thứ ba niên hiệu Lý Thái Tông, ông được vời vào cung, vào ngạch thị vệ để hầu cận vua, tiếp đến được cử vào Hoàng môn sảnh giữ chức: Hoàng môn chi hậu, rồi chuyển lên chức Nội thị đô tri, ông coi đây là sự hiển minh trong quan lộ để vinh thân vậy. Còn có thuyết nói vua Lý Thái Tông dẹp và bắt được Nùng Trí Cao, ông xin hạ mức trừng phạt cho trở về quê, nhờ đó ông được vời vào nội thị. Nói vậy, hai thuyết sau chưa đủ tin cậy (...) Năm Ất Dậu, năm thứ hai của niên hiệu Thiên Huống Bảo Tượng (1068) vua ngự giá đánh Chiêm Thành, cử ông làm tiên phong tướng quân, ông tiến cử em là Thường Hiến cùng đi để hỗ trợ, được vua đồng ý và cử Thường Hiến giữ chức Tán lý vũ úy. Đại quân ta gặp quân Chiêm Thành, ông và Thường Hiến chia làm hai cánh đánh phá, chém ba vạn, bắt được vua Chế Củ và cầm tù cả thảy năm vạn tên. Chế Củ xin dâng ba châu: Bố Chính, Đại Lý, Ma Linh để chuộc tội, được tha trở về nước. Vua Thánh Tông ban thưởng cho các người có công, đối với Lý Thường Kiệt là người có công đầu, vua ban cho các chức: Phó quốc, Thái phó, Dao bình tiết độ sứ, Phụ quốc thượng tướng quân, Thượng trụ quốc khai quốc công, hiệu Thiên tử nghĩa nam (…) Tháng 6 năm Ất Dậu (1105) năm thứ 5 niên hiệu Long Phù, đời vua Lý Nhân Tông ông tạ thế, thọ 87 tuổi, táng ở xã An Lạc, huyện Kim Động (...) Vua nhớ công lớn mà tặng ông chức: Suy thành hiệp mưu, Bảo tiết thủ chính, Tả lý dực đới công thần nhập nội điện đa trì, kiêm hiệu Thái úy bình chương sự, Việt quốc công, thực ấp vạn hộ, thực phong tứ thiên hộ, đặt tên húy là Mục Yên, đồng thời phong chức cho Thường Hiến (...) Nay dựa vào sự tích núi Ngưỡng Sơn bất hủ, nghiên cứu sử Việt, sử Tống và các truyện dân gian truyền lại tất cả hợp lại để tham khảo và đính chính ghi lại thành hệ thống và viết nên lời bia” [theo tác giả Phạm Văn Đấu]
* Trước hết, văn bia đền Ngọ Xá do Nhữ Bá Sỹ soạn cách thời điểm xảy ra sự kiện tới khoảng 850 năm, tiếp theo thông tin ghi chép trên văn bia có nguồn gốc từ sử Việt, sử Tống và các truyền thuyết dân gian truyền lại, cuối cùng thì theo như văn bia Nhữ Bá Sỹ không biết họ của Thường Kiệt, chỉ biết ngài là con của An Ngữ, có em là Thường Hiến [hoặc ngầm hiểu ngài vốn người họ Lý]
Sách Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên xuất bản vào khoảng năm 1329 chép: “Ông họ Lý tên Thường Kiệt, người phường Thái Hòa bên hữu kinh Thăng Long; thân phụ tên là An Ngữ, làm quan đến Sùng ban lang tướng, đời này qua đời kia được tập ấm. Ông nhiều mưu lược, có tài tướng soái, lúc nhỏ phong tư tuấn nhã, có tiếng khen ra ngoài, được sung làm chức Hoàng môn ký hầu. Đời Lý Thái Tông hằng thiên lên chức Nội thị tỉnh đô tri. Thánh Tông bái chức Hiệu uý thái bảo (...) nước Chiêm Thành nhác bỏ chức cống, vua phải thân hành chinh phạt, ông phụng lãnh Tiết việt đại tướng, sung chức Tiền phong, bắt được vua Chiêm Thành là Chế Củ, luận được thăng chức Phụ quốc thái uý kiêm lãnh chức Chư trấn tiết độ đồng trung thư môn hạ, Thượng trụ quốc, Thiên tử nghĩa đệ, Quốc phụ, Quốc đại tướng quân, Khai quốc công (...) Nhà Tống báo thù, hãm mấy châu Lục Lược. Ông ra sức đắp thành ở bến đò sông Như Nguyệt, đánh lấy nguồn Vũ Bình. Đem quân trở về, vua rất khen thưởng; đến lúc ông mất, vua truy tặng chức Nhâp nội điện đô tri hiệu kiểm thái uý bình chương quân quốc trọng sự, tước Việt quốc công, cấp ăn lộc một vạn nóc nhà, cho em là Thường Hiếu kế phong tước Hầu”.
* Không chỉ có Việt điện u linh mà các bộ chính sử của Việt Nam như Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư cũng không thấy chép về họ của Thường Kiệt [hoặc các tác giả đều ngầm hiểu Thường Kiệt vốn người họ Lý] Không khó để nhận ra văn bia đền Ngọ Xá có tham khảo sách Việt điện u linh.
Bài Bàn về việc định đô Thăng Long và về gốc tích Lý Thường Kiệt của tác giả Vũ Tuấn Sán viết: “Ở bên kia cầu Long Biên, tại thôn Bắc Biên xã Ngọc Thụy có ngôi chùa còn giữ được một quả chuông với bài ký khắc năm 1690 ghi lại việc cúng tiền đúc chuông và việc miễn trừ các sưu thuế cho dân làng Cơ Xá là tên cũ của xã Phúc Xá trong đó có thôn Bắc Biên hiện nay (...) Tôi đã chọn dịch bài tự sau đây, đầu đề là Sơ lập An Xá tự châu thổ san chung tự vì bài tự này ngoài việc nói tới chuyện miễn trừ sưu thuế có nhắc đến Lý Thường Kiệt (…) [Cần xét: cái gốc của chính sách bậc vương giả là lấy ruộng lộc điền để ưu đãi người quân tử, dành đất ruộng chùa để thờ cúng nhà Phật. Trộm thấy: chùa An Xá là nơi danh lam cổ tích vốn xưa ở trong thành Thăng Long, thuộc về đất nội điện nhà vua, nên được vua chuẩn y cho dời ra bãi Trung Giang tức là bãi Cơ Xá. Từ lúc lập kinh đô đến nay, kính được vua Lý Thái Tổ triều Lý ra ngự chỉ cho tới ở bãi Trung Giang, dân không có ruộng cấy lúa, chỉ làm nghề trồng dâu chăn tằm. Lại có tờ biểu do quan đệ thay cho bản địa nên hằng năm không phải chịu thuế gốc dâu, còn mọi khoản đắp sửa đê điều, đường sá, cùng các khoản lính tráng, nhà cửa, bến đò đều được miễn trừ cho chỗ đất cũ, để làm điện vua và cũng để thờ Phật. May mà lòng trời đoái thương, có vị tổ địa giáng sinh là Ngô Quảng Châu vốn hầu cận trong màn trướng nhà vua, kính cẩn tâu xin, được sắc chỉ cho ghi rõ đông tây nam bắc đúng như sổ điền và không phải nộp thuế, để làm cơ nghiệp muôn đời cho đất châu thổ ta. Đó là vị tổ địa, trung thư giám trung thư xá nhân, Đình úy sứ, Quảng châu hầu được ban quốc tính là Lý Thường Kiệt tên thụy là Quảng Châu phủ quản. Phúc điền hàng năm là do vị tổ địa đặt ra vậy. Xưa nước Đại Việt ta, từ triều Lý lập đô trải đến vua Thái tổ triều Lê đều có ngự chỉ miễn trừ cho châu thổ ta mọi thứ sưu dịch như thể lệ trước kia] (...) Bài ký trên chuông nói trên cho ta biết rằng Lý Thường Kiệt chính là người làng An Xá cũ, sau đổi là thôn Cơ Xá, nguyên người họ Ngô tên là Quảng Châu (...) Trong cuốn Tây Hồ chí có một số tài liệu về Lý Thường Kiệt và xác nhận nguyên quán của vị danh nhân này. Ở chương Nhân vật cuốn này ghi rõ “Ngô Tuấn người Cơ Xá huyện Quảng Đức họ Ngô tên Tuấn, tự là Lý Thường Kiệt, được ban quốc tính là họ Lý”. Ở chương Cổ tích mục Nhà cũ của Việt quốc công có ghi Lý thường Kiệt “nguyên người động Bình Sa làng ở phía Nam Dâm Đàm. Sau khi nhà Lý đóng đô ở Thăng Long, ông dời nhà về phía Bắc bờ sông Nhị” (...) Ở chương Nhân vật khi nói về Lý Thường Kiệt có cho biết mộ vị tướng này ở trại Nam Đồng ngoại thành Hà Nội”.
Theo phả hệ họ Ngô Việt Nam, Ngô Tuấn tự là Thường Kiệt  được ban quốc tính nên có tên Lý Thường Kiệt, ông là con của Sùng tiết tướng quân Ngô An Ngữ, cháu của Ngô Ích Vệ, chắt của sứ quân Ngô Xương Xí và cháu 5 đời của Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập, cháu 6 đời của vương Ngô Quyền, người phường Thái Hoà thành Thăng Long.
* Theo như bài văn trên chuông chùa An Xá, sách Tây Hồ chí và gia phả họ Ngô thì Thường Kiệt người họ Ngô tuy nhiên như chúng ta thấy, tất cả các thông tin đều được ghi chép cách sự kiện tới 700 năm. Sách Tây Hồ chí và gia phả họ Ngô viết rằng Thường Kiệt có tên huý là Tuấn, bia đền Ngọ Xá cũng viết ngài có tên huý là Tuấn, như vậy rất có thể sách Tây Hồ chí và gia phả họ Ngô đã tham khảo thông tin về Lý Thường Kiệt từ văn bia đền Ngọ Xá.
2. Bia Cự Việt quốc thái uý Lý công thạch bi minh tự dựng khoảng năm 1159 viết: “Ta thấy Thái úy Anh Vũ tên chữ là Quán Thế [thuộc dòng dõi] Quách công ở Lũng Tây. Tổ bên ngoại của Thái úy là Thái úy Quách công triều Thái Tông, vốn là người ở huyện Câu Lậu, Tế Giang, sinh ra Thường Kiệt làm Thái úy triều Nhân Tông, được ban quốc tính là họ Lý. Ông thân sinh ra Thái úy là Đỗ Tướng, cháu gọi Thái úy Lý Thường Kiệt bằng cậu, nhà ở hương Tây Dự. Lúc ít tuổi đến kinh sư, thấy người con gái một dòng họ lớn, tâm tính hiền hòa, trinh thục, miệng cười tươi như hoa xuân, đức trắng trong như ngọc quí. Ông yêu người con gái đó có cái đẹp của người khuê nữ, nên cưới làm vợ, sinh được hai người con. Người con trai chính là Thái úy. Thái sư Trương công thấy Thái úy là người đĩnh ngộ, biết Thái úy sẽ là người rường cột của nước nhà, nên nuôi làm con. Người con gái là Quỳnh Anh gả cho quan Thị trung họ Phạm. Từ tuổi ấu thơ Thái úy đã có phong tư thanh khiết, vẻ mặt  sáng sủa. Năm Giáp thìn niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ năm (1124) vua Nhân Tông yêu mến phong thái kỳ tú của Thái úy, biết Thái úy là người thông minh lanh lợi, nên tuyển vào trong tử cấm. Thái úy cầm giáo mác mà múa trên nệm gấm, hát khúc Hồi phong mà lả lướt liễu mềm, người các nước đến thăm, không ai là không chú ý ngắm xem. Năm Đinh mùi đời vua Thần Tông (1127) Thái úy được tuyển vào chầu ở nơi nội cấm, chức vị bao trùm cả sáu bộ Thượng thư. Các việc chính sự ở trong cung cấm và việc xây dựng của thợ thuyền, vua đều ủy thác cho Thái úy cả. Đến như các phép viết chữ, tính toán, bắn cung, cưỡi ngựa, thuốc men, kinh mạch, không nghề nào là Thái úy không tinh thông; đến như việc bói toán, binh pháp, chơi bài, đánh cờ, không việc nào là Thái úy không nghiên cứu (...) Sau khi vua Thần Tông thăng hà, Thái úy cùng Hiến Chí hoàng thái hậu rước vua Anh Tông từ nhà Thượng Thanh về cung lên ngôi. Thái úy chấn chỉnh triều cương, trăm quan khép mình mà nghe lệnh; sửa sang chính trị, muôn dân  nghển cổ để nhìn trông. Hoàng thái hậu thấy Thái úy có nhiều công lao, có lòng trung tiết, bèn thăng chức Thái úy lên chức Kiểm hiệu thái phó. Tháng chín năm Mậu Ngọ (1138) lại được phong Phụ quốc Thái úy và ban quốc tính họ Lý. Thái úy được hoàn toàn nắm giữ binh quyền (....) Vua lại ban cho Thái úy lụa tốt và ba phủ Nghệ An, Thanh Hóa và Phú Lương làm phong ấp (...) Anh họ Thái úy là quan Thị trung họ Đỗ có hai người con gái. Con cả là Thụy [...] con thứ là Thụy Châu. Trong năm ấy nhà vua cho đem lễ vật đến đón cả hai nàng về làm phu nhân (...) Năm Giáp Tuất (1154) Thụy Châu sinh thái tử Thiên Bảo. Năm Bính Tý (1156) sinh hoàng tử thứ hai. Năm Mậu dần (1158) sinh hoàng tử thứ ba (…) Tháng tám năm Mậu Dần (1158) Thái úy bị ốm nằm tại nhà riêng ở hương Điển Lệnh (...) mất ngày 20 tức ngày Bính Tý, tháng Giêng [năm Kỷ Mão]. [Tính ra] ông đã giúp vua 22 năm, thọ 46 tuổi (…) Thi hài Thái úy an táng ở xóm Sùng Nhân, hương An Lạc là nơi quê hương tổ tiên của mẹ Thái úy. Thái phó Tô công phụng chỉ giúp đỡ việc ma chay và Chu Trung trông coi việc nghi lễ” [theo tác giả Đỗ Văn Hỷ]
* Theo như mộ chí của Đỗ Anh Vũ thì cha của ông là Đỗ Tướng, bà nội của ông họ Quách người huyện Câu Lậu, Tế Giang là chị gái của Lý Thường Kiệt và là con của Thái uý Quách công triều Thái Tông. Trước hết mộ chí được dựng cách sự kiện Lý Thường Kiệt mất khoảng 50 năm, sau cùng những thông tin viết trong mộ chí khá rõ ràng, duy chỉ có mẹ của Anh Vũ tuy mô tả nhiều nhưng không thấy nhắc đến họ tên [Tác giả Hoàng Xuân Hãn viết: Ngoài những chứng như cách dùng chữ hư tự Nãi, Yên giống ở các bia đời Lý khác, ngoài những chuyện chép khá phù hợp với sách Toàn thư, còn có một chứng rất chắc chắn là sự sau này. Bia có chép rằng Lý Anh Tông lấy con gái họ Đỗ tên là Thuỵ Châu. Việc ấy trong Toàn thư không có, nhưng trong Việt sử lược lại có]
Bài văn bia chùa Diên Phúc thôn Cổ Việt (Hưng Yên) viết: “Nay chùa Diên Phúc, do bà mẹ ông Thái uý quốc công hưng công sáng lập nên. Mẹ ông là cháu ngoại cụ Pháp Thi, là con gái út quan Phủ lại. Lúc nhỏ giữ nết trinh chuyên, không vui đùa quá mức. Dáng dấp dễ coi, khuôn mặt đôn hậu, ăn nói dịu hiền, tính tình cởi mở. Đến tuổi cài trâm về làm bạn cùng tướng công họ Đỗ. Nết na hiền thục, miệng không nói lời thị phi, rộng lòng dung thứ, mừng giận ít hiện ra nét mặt. Sinh hạ hai người con, người con trai chính là Thái uý Việt quốc công [Thái uý] mới lên 8 tuổi, da dẻ mịn màng, mặt mày tươi tắn, triều Nhân Tông trúng tuyển Thượng lâm đệ tử (…) người con gái của Mẫu là Quỳnh Anh, dáng vẻ hoa lệ, tính tình nồng thắm, lấy Kim bộ viên ngoại lang họ Phạm, sinh một trai là Quốc Hiền. Khi Quỳnh Anh qua đời, Quốc công [Quốc Hiền] được Mẫu nuôi làm con nuôi, ngày ngày trông nom bế bẵm, coi như con chính mình đẻ ra (…) Thôn Cổ Việt, có lẽ do cụ tiên tổ là Đỗ Pháp Thi mở ra đầu tiên. Mẫu dựng nhà riêng, để từ kinh đô về đây nghỉ (…) Chùa bắt đầu xây dựng từ tháng 2 năm Bính Tý niên hiệu Đại Định thứ 17 (1156) hoàn thành tháng 6 năm Đinh Sửu niên hiệu Đại Định thứ 18 (1157) (…) Một hôm, Mẫu triệu Công Đàm [theo Lê Quý Đôn là Nguyễn Công Đàm, gia khách của Đỗ Anh Vũ] tôi tới nói: Ta đã xây xong chùa này, lại phụ đặt ruộng thờ cho họ ta, tất cả giao phó cho Quốc Hiền, không để cho họ khác chiếm. Nhưng văn bia thì chưa có, ông hãy vì ta lược ghi năm tháng” [dẫn theo tác giả Quách Hiền]
* Theo như văn bia chùa Diên Phúc thì mẹ của Đỗ Anh Vũ là người phụ nữ rất có quyền thế, vì vậy mà trong mộ chí không nhắc tới họ tên của bà, có lẽ là do thiếu sót chứ không phải người dựng không biết, lại thêm thông tin trên mộ chí và văn bia chùa Diên Phúc tương đối thống nhất nên độ xác tín của thông tin trên mộ chí càng được kiểm chứng. Căn cứ vào năm hoàn thành chùa Diên Phúc và việc “giao phó cho Quốc Hiền” thì rất có thể bài văn được Công Đàm soạn sau năm 1159. Giả thuyết 1: Họ Đỗ ở thôn Cổ Việt rất lớn, có cụ Pháp Thi tiếng tăm, con gái của cụ lấy quan Phủ lại ở kinh thành sinh được bà mẹ của Anh Vũ, Đỗ Tướng có thể là họ hàng xa với Đỗ Pháp Thi nên cuộc hôn nhân rất có thể là do mai mối, sắp đặt.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên soạn viết: “Thuận Thiên năm thứ 19 [năm 1028] Tháng 3 vua [Lý Thái Tổ] băng ở điện Long An. Bề tôi đều đến cung Long Đức xin thái tử vâng di chiếu lên ngôi. Ba vương là Đông Chinh, Dực Thánh và Vũ Đức nghe tin đều đem quân ở phủ mình vào phục sẵn trong cấm thành (…) Thái tử im lặng hồi lâu rồi bảo [Lý] Nhân Nghĩa và bề tôi trong cung là bọn Dương Bình, Quách Thịch [Thịnh] Lý Huyền Sư, Lê Phụng Hiểu rằng: Ta há lại không biết việc làm của Đường Thái, Chu Công hay sao ? Chỉ vì ta muốn che dấu tội ác của ba vương (…) Tháng 11 cho cha của Mai hoàng hậu là Hựu làm An quốc thượng tướng, cha của Vương hoàng hậu là Đỗ làm Phụ quốc thượng tướng, cha của Đinh hoàng hậu là Ngô Thượng làm Khuông quốc thượng tướng. Lấy Lương Nhậm Văn làm thái sư, Ngộ Thượng Đinh làm thái phó, Đào Xử Trung làm thái bảo, Lý Đạo Kỷ làm tả khu mật, Lý Triệt làm thiếu sư, Xung Tân làm hữu khu mật, Lý Mật làm tả tham tri chính sự, Kiểu Bồng làm hữu tham tri chính sự, Liêu Gia Trinh làm trung thư thị lang, Hà Viễn làm tả gián nghị đại phu, Đỗ Sấm làm hữu gián nghị đại phu, Nguyễn Quang Lợi làm thái uý, Đàm Toại Trang làm đô thống, Vũ Ba Tu làm uy vệ thượng tướng, Nguyễn Khánh làm định thắng đại tướng, Đào Văn Lôi làm tả phúc tâm, Lý Nhân Nghĩa làm hữu phúc tâm, Phan Đường Liệt làm nội thị (…) Thông Thụy năm thứ 2 [năm 1035] mùa thu tháng 7 phong hoàng tử Nhật Trung làm Phụng Càn vương, các hoàng tử khác đều phong tước hầu (…) Minh Đạo năm thứ 3 [năm 1044] Quách Gia Di chém được đầu vua Chiêm là Sạ Đẩu tại trận đem dâng (…) Thiên Cảm Thánh Vũ năm thứ 5 [năm 1048] Nùng Trí Cao làm phản, chiếm giữ động Vật Ác. Sai Thái uý Quách Thịnh Dật đi đánh. Vừa mới giao chiến, trời đất bỗng tối mù, một lát nghe tiếng sét đánh trong động, thân thể các tù trưởng động ấy bị xé tan, cả động kinh hãi, Trí Cao phải hàng (…) Long Chương Thiên Tự năm thứ 1 [năm 1066] mùa thu tháng 9 sai lang tướng là Quách Mãn xây tháp ở núi Tiên Du”.
Sách Đại Việt sử lược chép: “Năm thứ nhất [1009] vua đem người con gái lớn là An quốc công chúa gả cho Đào Cam Mộc và phong Cam Mộc là nghĩa tín hầu. Anh của vua làm Võ Oai Vương (…) Trần Cảo làm tướng công, Ngô Đinh làm xu mật sứ, Qui Thác Phụ làm thái bảo, Đặng Văn Hiều làm thái phó, Bùi Xa Lỗi làm tả kim ngô, Đàm Than làm tả võ vệ, Đỗ Hữu làm hữu võ vệ (…) Thiên Thành năm thứ 1 [năm 1028] nhà vua dùng Lương Nhiệm Văn làm thái sư, Ngô Thượng Đinh làm thái phó, Đào Xử Trung làm thái bảo, Nguyễn Đạo Kỷ làm khu mật, Nguyễn Triệt làm tả tham tri chính sự, Liêu Gia Chân làm trung thư thị lang, Kiểu bồng làm hữu tham tri chính sự, Hà Viễn làm gián nghị đại phu, Qui Văn Lôi làm tả phúc tâm, Nguyễn Nhân Nghĩa làm hữu phúc tâm (…) Minh Đạo năm thứ 3 [năm 1044] tướng giặc là Quách Gia Ý chém Nhân Đẩu để dâng vua (…) Thiên Cảm Thánh Vũ năm thứ 5 [năm 1048] Nùng Trí Cao ở động Vật Ác làm phản, vua sai Võ Oai Hầu và quan Thái uý là Quách Thạch Ích đi đánh dẹp, ngày đánh nhau, trời đất tối tăm mù mịt, chốc lát thì sét ầm ầm trong động, tù trưởng trong động ấy chân tay bủn rủn sợ hãi bèn xin hàng (…) Long Thuỵ Thái Bình năm thứ 1 [năm 1054] dùng Nguyễn Đạo Thành làm thái sư, Quách Kim Nhật làm thái uý”.
Tống sử chép: “Hy Ninh năm thứ nhất [năm 1068] [Tống Thần Tông] thêm [cho Lý Thánh Tông] khai phủ nghi đồng tam ty. Năm thứ 2 [năm 1069] [Lý Thánh Tông] đưa biểu [sang triều Tống] viết: “Nước Chiêm Thành đã lâu không tới cống. Tôi tự đem quân đánh, đã bắt được chúa nó về” [vua Tống] bèn ban cho chánh sứ Quách Sĩ An chức lục trạch và phó sứ Đào Tông Nguyên chức nội điện sùng ban”.
* Theo mộ chí của Đỗ Anh Vũ thì Thường Kiệt người họ Quách là con của thái uý Quách công triều Thái Tông. Vậy vị thái uý Quách công này là ai ? Sách Toàn thư và Việt sử lược cung cấp cho chúng ta 4 cái tên là: Quách Thịnh [năm 1028] Quách Thạch Ích, Quách Thịnh Dật [năm 1048] và Quách Kinh Nhật [năm 1054] Vì là Quách Thạch Ích trong Việt sử lược và Quách Thịnh Dật trong Toàn thư đều có hành trạng giống nhau ở mục năm 1048, lại thêm tự dạng chữ hán của Ích và tự dạng chữ hán của Dật tương đối giống nhau nên khả năng cao là sử sách chép nhầm, hai vị này là một. Giả thuyết 2: Năm 1028 Quách Thịnh làm võ vệ trong cung, chữ Thịnh tên của vị võ quan này có nghĩa là đầy đủ. Khoảng năm 1048 ngài được thăng làm Thái uý nên lấy thêm chữ Dật (nghĩa là đầy tràn) vào họ tên thành ra Quách Thịnh Dật [Trong bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư ra chữ quốc ngữ thấy ghi mục năm 1028 là Quách Thịch chứ không phải là Quách Thịnh. Rất có thể đây là lỗi khi đánh văn bản. Thế nhưng chính sai sót này lại gợi ý một giả thuyết: Nhân vật họ Quách [năm 1028] tên đúng là Thịch [thuộc tính từ mô phỏng tiếng trầm và nặng như tiếng của vật nặng rơi xuống trên nền mềm, đồng nghĩa với từ phịch] nhưng khi chép sử, Lê Văn Hưu đã rất lúng túng với tên của Quách Thịch. Tác giả của chúng ta không biết viết như thế nào vì trong hệ thống chữ Hán không có ký tự nào biểu diễn âm Thịch. Nên mục năm 1028 Lê Văn Hưu đã dùng ký tự chữ Hán của âm Thình [thuộc tính từ mô phỏng tiếng to và rền như tiếng của vật nặng rơi xuống hay tiếng va đập mạnh vào cửa] để chép cho âm Thịch. Nhưng ký tự chữ Hán của âm Thình cũng đồng thời là ký tự chữ Hán của âm Thịnh. Do vậy mà Ngô Sĩ Liên chép thành Quách Thịnh tại mục năm 1028. Mục năm 1048 Lê Văn Hưu không viết Thịch như mục năm 1028 mà dùng phép phiên thiết [dùng âm của hai chữ khác (được coi là đã biết cách đọc) ghép lại để chú âm cho cách đọc âm Hán Việt của một chữ Hán. Công thức bỏ dấu: dấu nặng (.) + dấu sắc (/) hoặc dấu nặng (.) = dấu nặng (.)] mà phiên âm Thịch thành hai âm Thạch và Ích, sau đó Lê Hưu dùng ký tự chứ Hán của hai âm Thạch và Ích để chép cho âm Thịch. Nên khi Đại Việt sử lược được soạn đã chép mục năm 1048 thành Quách Thạch Ích. Cuối cùng do tự dạng chữ Hán của âm Ích và âm Dật tương đối giống nhau nên khi soạn Đại Việt sử ký toàn thư Ngô Sĩ Liên đã chép nhầm tại mục năm 1048 thành Quách Thịnh Dật. Do tôi không am tường về ngữ âm cũng như chữ Hán nên không thể tự kiểm chứng giả thuyết, nhưng vẫn xin viết ở đây với mong muốn có người tra soát]
* Theo sách Toàn thư tháng 3 năm 1028 Lý Thái Tổ băng, bề tôi xin thái tử cung Long Đức lên ngôi, nhưng 3 vương là Đông Chinh, Dực Thánh và Vũ Đức chống lại, dẫn binh mai phục định ám toán thái tử, nhờ có Lý Nhân Nghĩa và Dương Bình, Quách Thịnh, Lý Huyền Sư, Lê Phụng Hiểu mà dẹp được loạn 3 vương, thái tử lên ngôi [Lý Thái Tông] theo đúng như di nguyện của vua cha, thế nhưng vào tháng 11 năm 1028 khi Lý Thái Tông phong quan thì chỉ duy trong đám người có nội thị Lý Nhân Nghĩa được làm chức hữu tâm phúc, cho thấy 2 việc: trước là đám Dương Bình, Quách Thịnh, Lý Huyền Sư, Lê Phụng Hiểu là thuộc hạ của Lý Nhân Nghĩa, sau là việc cơ cấu quyền lực trong triều đình dường như đã có truyền thống.
Bài Những người đàn ông ngoài hoàng gia ở triều đình nhà Lý của tác giả Momoki Shiro viết: “Đào Cam Mộc có công khuyên Lý Công Uẩn lên ngôi nên được lấy công chúa An Quốc, được phong Nghĩa Tín hầu vào năm 1009. Khi mất, ông được truy tặng Thái sư á vương. Khi Lý Công Uẩn lên ngôi, Đào Thạc Bảo được bổ nhiệm làm thái bảo, năm 1012 ông làm sứ giả sang nhà Tống, năm 1020 ông đánh Chiêm Thành. Khi Lý Thái Tông lên ngôi thì Đào Xử Trung được bổ nhiệm làm thái bảo. Mặc dù quan hệ gia đình giữa ba nhận vật này không rõ, nhưng có thể chấp nhận rằng đầu thời Lý có thế lực của họ Đào. Khi vua Thái Tông thân đi đánh châu Định Nguyên, vua đóng lại ở châu Chân Đăng [Phú Thọ] ở đó Đào Đại Di đem dâng con gái. Nếu Đào Đại Di cũng thuộc dòng họ trên thì dòng họ Đào có thể là thổ hào ở Chân Đăng. Theo bia Cự Việt quốc thái úy Lý công thạch bi minh tự thì Lý Thường Kiệt (vì có công được tặng họ Lý) là con trai của thái úy Quách công (Quách Thịnh Dật , nhân vật đã đánh Nùng Trí Cao vào năm 1048) trong triều Thái Tông. Khi Thánh Tông lên ngôi thì Quách Kình Nhật làm thái úy. Xét về quan thái úy, có lẽ họ Quách gấn liền với quân sự”.
Đoạn trích Quyền lực của Lí và tình trạng liên minh với tầng lớp hào trưởng, hào sĩ của tác giả Tại Chí Đại Trường viết: “Hoa Lư tuy cũng là một bộ phận của hệ thống karstic Hạ Long, nằm bên rìa nam của đồng bằng sông Hồng nhưng tính chất địa lí đã không thể đi đôi với tình hình chính trị. Dưới chủ quyền hai họ Đinh Lê, vùng phía Bắc không được chú trọng như vùng phía Nam (...) Hoa Lư dù sao cũng chỉ là một nơi ẩn nấp của một chính quyền non trẻ, có sức mạnh cấp thời mà không có một truyền thống. Sự co cụm tạo nên được sức mạnh cố thủ mà không có hướng phát triển về tương lai. Truyền thống xây dựng một tổ chức tập trung quyền hành là ở Đại La của cựu thuộc địa, bây giờ được nâng cấp làm trung ương ở Thăng Long của Lí Công Uẩn vừa dời đến, không phải đơn độc với dòng họ mà cả một lực lượng quân binh, một kho tàng tích trữ, đủ để đàn áp chống đối cũng như để ban ân mua chuộc trong bước khởi đầu. Trong chuyến về làng thăm dò tháng 2 năm 1010 trước khi đổi chỗ hẳn, Lí Thái Tổ đã ban tiền lụa cho các bô lão theo thứ bực khác nhau, nghĩa là không để sót người có chút uy thế nào (...) Không phải chỉ ở đời ông, đến đời sau, Lí Thái Tông còn phát tiền thuê thợ làm chùa quán đến 950 ngôi ở các hương ấp, rõ ràng ông vua con không chỉ làm chùa trên đất riêng của mình mà còn trên lãnh thổ của các thủ lãnh nhỏ khác (...) Bởi vì Lí không phải là chủ nhân ông thực sự của toàn thể vùng đất của phủ Đô hộ cũ, của nước Đại Cồ Việt mới (…) Trên vùng trung châu phía Bắc, có thể theo dõi việc thăm ruộng, cày tịch điền thì biết được các vùng đất triều cũ chuyển qua Lí (...) Phần chừa lại là đất của các điền chủ khác mà sử gọi là những hào trưởng. Những người này tuy cũng không đủ binh lực chống lại Lí nhưng còn thế lực địa phương mà Lí không với tới. Họ đã thực sự làm chủ đất đai đã đành mà còn có kiến thức để được gọi là hào sĩ, như ta sẽ thấy trong hành trạng xuất thân của vài người phục vụ Lí (...) Họ Đinh, họ Phùng đã làm Điện tiền chỉ huy sứ trước khi bị thanh trừng, họ Quách đã có chức phận cao mà còn đẩy thêm một nhân vật cùng họ vào nắm tột đỉnh quyền hành. Liên hệ với họ Đỗ, họ Quách còn có họ Tô (…) Ta không kể những dòng họ có lãnh thổ xa hơn như họ Thân, họ Lương làm đệm trên đường qua Trung Quốc, lâu đời như họ Mạc và sau này, họ Trần lấp khoảng trống trên vùng sông nước hạ lưu ngoại biên (...) Với những người ở ngoài tầm tay thì họ Lí kết thông gia (họ Thân, họ Lương phía bắc, họ Lê cũ trên vùng châu Phong) với những người trong tầm quyền lực thì Lí phong tước trong triều theo với tương quan uy thế có sẵn ứng hợp với thời mới (...) Các tư gia được người của Lí bỏ chủ ra phục dịch hẳn là thuộc cấp cao, làm việc cho Lí mà không lãnh lương như Phan Huy Chú ghi nhận. Tất nhiên không phải họ nhịn đói mà là lấy lương từ lãnh địa riêng của họ”.
* Những tàn tích của chế độ cát cứ quy thuận vẫn tồn tại tới thời nhà Lý, các dòng họ thế lực ở những vùng đất khác nhau, việc phong tước trong triều theo tương quan uy thế có sẵn hình thành nên cơ cấu quyền lực có tính truyền thống nên rất có thể thái uy Quách Thạch Ích và thái uý Quách Kinh Nhật có mối quan hệ thân tộc. Chúng ta có thể làm rõ mối quan hệ thân tộc của 2 vị này không ?
Văn bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn do Thông thiền Hải Chiếu đại sư Pháp Bảo soạn, thông phán Thanh Hoá Lý Doãn Từ viết chữ, Tăng Huệ Thống Thường Trung khắc hoàn thành năm 1126 viết: “Chùa Linh Xứng ở núi Ngưỡng Sơn tức là ngôi chùa do quan Thái úy xây dựng vậy. Lúc quan Thái úy còn trẻ được chọn vào cấm đình, hầu vua Thái Tông, chưa đầy một kỷ, tiếng khen đã nức nở ở nội đình. Đến khi vua Thánh Tông nối ngôi trị nước, Thái úy hết lòng giúp đỡ. Ra sức siêng năng, nổi bật trong hàng tả hữu, được thăng chức Kiểm hiệu thái bảo. Khi nước Phật Thệ khinh nhờn phép tắc, không chịu vào chầu, vương sư rầm rộ tiến đánh. Thái úy thao lược hơn đời, vào cung vua mà nhận mưu chước, chế quân luật mà đuổi đánh  quân thù. Hoàn vương không đường chạy trốn, đành tự bó tay mà chịu cắt tai. Bắt được y rồi, Thái úy mới rút quân về. Vua nghĩ công lớn ấy, bèn ban khen và thăng chức. Giữa khoảng niên hiệu Thần Vũ (1069 - 1072) được phong chức Thái úy đồng trung thư môn hạ chương sự, giúp đỡ việc chính sự của nước nhà, muôn dân được nhờ ơn rất nhiều vậy. Đầu niên hiệu Thái Ninh (1072 - 1075) đức kim thượng Minh hiếu hoàng đế lên ngôi, Thái úy lấy tư cách là Y Doãn, Hoắc Quang được nhà vua giáo phó nhiếp chính và gửi gắm công việc xã tắc. Bỗng chốc quân biên giới nhà Tống dòm ngó nước ta. Thái úy nắm sẵn mưu chước của triều đình, thống lĩnh quân sĩ, diệt ba châu, bốn trại dễ dàng như bẻ cành gỗ mục (...) Đầu năm Anh Vũ Chiêu Thắng (1076 - 1084) Thái úy được phong làm em nuôi vua, trông nom mọi việc quân ở các châu thuộc trấn Thanh Hóa, quận Cửu Chân, châu Ái và phong cho thái ấp một vạn hộ ở Việt Thường (...) Tín nữ Diệu Tính, cháu gọi Thái úy bằng cậu, là người dung mạo xinh tươi, tư chất hiền thục, kết thành đôi lứa với xử sĩ Sùng Chân, tên húy là Trai. Vợ chồng hòa hợp, sinh được con trai đầu lòng theo đạo học Nho, tên húy là Hai, tên chữ là Tổ Bành và hai con trai theo học đạo Phật, một gọi là Sư Viên Giác, pháp hiệu là Pháp Trí, một gọi là Sư Minh Ngộ, Pháp hiệu là Pháp Ân. Đầu niên hiệu là Thần Vũ (1069 - 1072) vâng chiếu nhà vua, rút họ tên ra khỏi công điền, rồi mở trang viên ở đấy mà trụ trì. Thế là bà nhằm phía Đông núi, dựng riêng một ngôi chùa, gọi là chùa Thánh Ân, trong đặt Phật vàng và các vị bồ tát ở hai bên, trải qua bốn năm, công việc mới hoàn thành (...) Thế rồi Thái úy bảo tôi rằng: Xây dựng lâu ngày, cõi báu đã xong, nếu không khắc bia ghi lại thì con cháu mai sau không biết tìm đâu để noi theo dấu vết, nên phải dùng văn trình bày rõ ráng công việc đã làm, để cho dù nhân vật có đổi dời thì tiếng lành vẫn truyền mãi. Tôi lúc này đang làm việc dưới cửa quân của Thái úy. Tự nghĩ mình tầm thường kém cỏi, nhưng chối mãi không được, đành mạo muội nêu lên cái phẩm chất trong sáng, thơm tho của người khác để khắc vào bia đá” [Theo Nguyễn Đức Vân và Đỗ Văn Hỷ]
* Theo như bài văn trên bia thì tác giả là người từng tiếp xúc với Lý Thường Kiệt, vậy thì những thông tin trên bia hẳn là chính xác. Thường Kiệt khi còn trẻ được chọn vào cấm đình hầu vua Thái Tông, chưa đầy 1 kỷ (10 năm) tiếng khen nức nở ở nội đình, sau được thăng chức Kiểm hiệu thái bảo, đầu năm Anh Vũ Chiêu Thắng (1076 - 1084) được nhận làm em nuôi của vua, có cháu gọi bằng cậu tên hiệu là Diệu Tính lấy xử sĩ Sùng Chân, sinh được 3 con trai theo nho phật. Mộ chí của Đỗ Anh Vũ cho biết Thường Kiệt có người chị gái, bia chùa Linh Xứng cũng cho biết Thường Kiệt có thêm người chi gái nữa. Hai người này có phải là một và có phải là chị gái ruột hay không ? Trong mộ chí của Đỗ Anh Vũ có nhắc tới 2 người con gái của người anh họ được đưa vào cung, vậy thì cha của người anh họ này rất có thể là anh của Đỗ Tướng nghĩa là chị gái của Thường Kiệt có ít nhất 2 người con trai: cha của Đỗ Thuỵ Châu và cha của Đỗ Anh Vũ.
* Mộ chí của Đỗ Anh Vũ viết rằng: ông mất năm 1159 thọ 46 tuổi vậy Anh Vũ sinh năm 1113. Thông tin trên mộ chí và bia chùa Diên Phúc thì cha mẹ của Anh Vũ lấy nhau khi còn trẻ [theo trình tự giới thiệu trên bia đền Diên Phúc thì Anh Vũ là anh, Quỳnh Anh là em nên để an toàn chúng ta ước chừng khoảng năm 30 tuổi Đỗ Tướng sinh Anh Vũ] vậy thì chị gái của Thường Kiệt sinh Đỗ Tướng khoảng năm 1083. Vì Đỗ Tướng có người anh trai nên an toàn chúng ta ước chứng muộn nhất khoảng năm 45 tuổi chị gái của Thường Kiệt sinh Đỗ Tướng vậy thái uý Quách công sinh chị gái của Thường Kiệt khoảng năm 1038. Tại đây xảy ra 3 trường hợp: Thứ nhất nếu đúng Thường Kiệt sinh năm 1019 thì bà nội của Đỗ Anh Vũ không thể là chị gái ruột của Thường Kiệt, có thể là chị họ hoặc mộ chí chép sai [không phải cha của Anh Vũ gọi Thường Kiệt là cậu mà phải là ông nội của Anh Vũ gọi Thường Kiệt là cậu] Thứ hai có thể thông tin Thường Kiệt sinh năm 1019 là sai, ngài phải sinh khoảng sau năm 1038. Thứ ba tính toán của chúng ta bị sai.
* Theo bia chùa Linh Xứng, niên hiệu Thần Vũ (1069 - 1072) Thường Kiệt được phong Thái uý nhờ công lao trong cuộc chiến với Chiêm Thành, thời gian này cháu của ngài là tín nữ Diệu Tính vâng chiếu của vua rút họ tên khỏi công điền mở trang viên, dựng chùa mà chủ trì ở phía đông núi Ngưỡng Sơn tới 4 năm mới hoàn thành. Mở trang viên, dựng chùa tới 4 năm thì hẳn là chi phí rất lớn, bà Diệu Tính vâng chiếu của vua thì có lẽ chi phí do triều đình thanh toán, việc cho tín nữ được chủ trì thì hẳn đây là phần thưởng và rất có thể là bắt nguồn từ công lao của Thường Kiệt. Bà kết bạn với xử sĩ Sùng Chân sinh được 3 người con trai, để an toàn chúng ta giả sử năm 30 tuổi bà rút tên khỏi công điền để mở trang viên vậy Diệu Tính sinh khoảng năm 1040, như vậy thì thái uý Quách công sinh mẹ của tín nữ khoảng năm 1020. Tại đây cũng có 3 trường hợp: Thứ nhất giả sử của chúng ta phù hợp với thông tin Thường Kiệt sinh năm 1019. Thứ hai giả sử của chúng ta có thể bị sai. Thứ ba nếu Thường Kiệt sinh khoảng năm 1038 thì chưa hẳn mẹ của tín nữ Diệu Tính là chị ruột của ngài, rất có thể là chị họ.
Sách Thiền uyển tập anh chép: “Thiền sư Huệ Sinh ( ? - 1063) họ Lâm tên Khu quê làng Đông Phù Liệt, dòng dõi Lâm Phú ở Trà Sơn, Vũ An. Cha sư tên Khoáng kết duyên với con gái nhà họ Quách, vì theo quê vợ nên lập nghiệp ở làng Phù Liệt [anh trai sư làm đến chức thượng thư binh bộ viên ngoại lang] vua Lý Thái Thông nghe danh sư, sai sứ mời về kinh (…) phong chức đô tăng lục. Bấy giờ các vương công như: Phụng Càn Vương, Uy Vũ, Hỉ Từ, Thiện Huệ Chiêu Khánh, thái tử Hiến Minh, thượng tướng Vương Công Tại, thái sư Lương Văn Nhậm, thái bảo Đào Xử Trung, tham chánh Kiều Bồng đều tới lui thưa hỏi đạo lý với sư”.
* Năm 1028 Quách Thịnh giúp Lý Thái Tông lên ngôi, đến năm 1048 đã giữ chức thái uy, cùng với Võ Oai Hầu dẹp loạn Nùng Trí Cao ở đất Quảng Nguyên. Võ Oai Hầu trong Đại Việt sử lược rất có thể là hoàng tử Uy Vũ trong Thiền uyển tập anh.
Tống sử chép: “Trước có người là Nùng Toàn Phúc làm Tri châu Thảng Do, em của Nùng Toàn Phúc là Tồn Lộc làm Tri châu Vạn Nhai, em vợ của Toàn Phúc là Nùng Đương Đạo, làm Tri châu Vũ Lặc. Một ngày, Toàn Phúc giết Tồn Lộc, Đương Đạo, chiếm hết đất của họ. Giao Chỉ giận, cử binh bắt được Toàn Phúc cùng con là Trí Thông đem về (...) A Nùng bèn lấy Thương Nhân, sinh con là Nùng Trí Cao. Trí Cao mới 13 tuổi, giết cha là Thương Nhân (…) Nhân đó mạo đổi làm họ Nùng, cùng mẹ trốn đến động Lôi Hỏa, mẹ của Trí Cao lại lấy người đạo Đặc Ma là Nùng Hạ Khanh. Lâu ngày, Trí Cao lại cùng mẹ đến châu Thảng Do, lập nước gọi là Đại Lịch [năm 1041]. Giao Chỉ đánh chiếm châu Thảng Do, bắt được Trí Cao, tha tội cho y, sai về làm Tri châu Thảng Do, lại lấy 4 động là các động Lôi Hỏa, Tần Bà cùng châu Tư Lãng cấp thêm cho y. Được bốn năm [năm 1044] mang lòng oán giận Giao Chỉ, đánh úp chiếm lấy châu An Đức, tiếm xưng nước là Nam Thiên, đổi niên hiệu là Cảnh Thụy. Năm Hoàng Hữu thứ nhất [năm 1049] cướp Ung Châu. Năm sau [năm 1050] Giao Chỉ phát binh đánh y, không thắng. Quảng Tây Chuyển vận sứ Tiêu Cố sai Ung Châu Chỉ sứ Kì Uân Thích Hậu, Nhi Uân phát binh đánh Trí Cao bị bắt, nhân đó hỏi việc thực hư của Trung Quốc, Uân liền nói đại khái, khuyên Trí Cao nội thuộc (...) triều đình thấy y thần phục Giao Chỉ, cho nên cự tuyệt y (...) Trí Cao đã không xin được, lại cùng Giao Chỉ gây thù hận, vả lại chiếm được lợi thế vùng đầm núi (…) Bèn cùng bọn Tiến sĩ Hoàng Vĩ, Hoàng Sư Mật của Quảng Châu, cùng phe đảng là bọn Nùng Kiến Hầu, Nùng Chí Trung ngày đêm mưu tính vào đánh cướp (...) Tháng 4 năm thứ 4 [năm 1052] đem 5.000 quân men theo phía đông sông Uất đi xuống, đánh phá trại Hoành Sơn, rồi phá Ung Châu, bắt Tri châu là bọn Trần Củng, binh chết hơn 1.000 người (...) Mẹ của Trí Cao là A Nùng có mưu trí, Trí Cao đánh phá thành ấp, phần nhiều dùng mưu của A Nùng, tiếm hiệu là Hoàng Thái hậu (…) Trí Cao thua chạy, A Nùng vào giữ đạo Đặc Ma, nương dựa chồng là Nùng Hạ Khanh, thu tập hơn 3,000 quân còn sót, luyện tập chiến đấu, muốn vào cướp trở lại. Đầu năm Chí Hòa, Dư Tịnh sai quan lại bản bộ là Hoàng Phần Hoàng dâng gương làm bằng đá ngọc khuê, Tiến sĩ Ngô Thuấn Cử phát binh của khê động vào đạo Đặc Ma, ngầm đánh úp A Nùng, bắt được A Nùng và em của Trí Cao là Trí Quang, con là Kế Tông, Kế Phong, bỏ cũi chở đến kinh sư (...) Nhưng Trí Cao chết không có tin báo về, sự sống còn của y chẳng ai biết được vậy. Họ Nùng lại có một người là Tông Đán, làm Tri động Lôi Hỏa, cũng là kẻ kiệt hiệt. Năm Gia Hữu thứ 2, thường vào cướp, Tri châu Quế Châu là Tiêu Cố chiêu dụ y nội thuộc, lấy làm Trung vũ Tướng quân, lại ban cho con của y là Nhật Tân - Tri động Ôn Muộn làm Tam ban Phụng chức. Năm thứ 7, cha con Tông Đán xin thống lĩnh quan lại của các động Lôi Hỏa, Kế Thành, mong được theo về Nhạc Châu, mãi làm vua của dân ở đấy. Ban chiếu đều cho 1 viên quan, lấy Tông Đán làm Tri châu Thuận An, lại ban cho trâu cày, muối ngon. Năm đó, Nùng Hạ Khanh, Nùng Bình, Nùng Lượng cũng tự đạo Đặc Ma đến nương dựa, đều là người trong họ của y vậy. Nhật Tân sau này thường coi xét tô thuế của Ung Châu. Giữa năm Trị Bình, Tông Đán cùng Lí Nhật Tôn, Lưu Kỉ của Giao Chỉ có hiềm khích, sợ bị bức ép, Tri châu Quế Châu là Lục Sân nhân đó sai người đến an ủi y, bèn bỏ châu của y mà dời vào trong, lệnh làm Hữu thiên ngưu Vệ tướng quân”. 
Sách Đại việt sử ký toàn thư chép: “Càn Phu Hữu Đạo năm thứ 3 [năm 1041] Nùng Trí Cao cùng với mẹ là A Nùng từ động Lôi Hỏa lại về chiếm cứ châu Thảng Do, đổi châu ấy làm nước Đại Lịch. Vua sai tướng đi đánh, bắt sống được Trí Cao đem về Kinh sư (....) Minh Đạo năm thứ 2 [năm 1043] tháng 9 ngày mồng 1 sai Ngụy Trưng đến châu Quảng Nguyên, ban cho Nùng Trí Cao đô ấn, phong làm Thái bảo (...) Minh Đạo năm thứ 3 [năm 1044] tháng 12 (…) Thái bảo Nùng Trí Cao về chầu (...) Thiên Cảm Thánh Vũ năm thứ 5 [năm 1048] Mùa thu tháng 9 sai tướng quân Phùng Trí Năng đi đánh Ai Lao (…) Nùng Trí Cao làm phản, chiếm giữ động Vật Ác. Sai Thái úy Quách Thịnh Dật đi đánh (...) Trí Cao phải hàng (....) Sùng Hưng Đại Bảo năm thứ 4 [năm 1052] Mùa hạ tháng 4, Nùng Trí Cao làm phản, tiếm xưng là Nhân Huệ Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Nam, sang cướp đất nhà Tống, phá trại Hoàng Sơn, vây hãm các châu Ung, Hoành, Quý, Đằng, Ngô, Khang, Đoan, Củng, Tầm rồi kéo đến vây thành Quảng Châu đến 5 tuần không lấy được, bèn về (…) Sùng Hưng Đại Bảo năm thứ 5 [năm 1053] Mùa đông tháng 10 Trí Cao sai Lương Châu đến xin quân, vua xuống chiếu cho chỉ huy sứ là Vũ Nhị đem quân cứu viện. Địch Thanh đánh phá được Trí Cao. Trí Cao chạy sang nước Đại Lý”.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục do Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Sử cũ chép rằng: Trí Cao xin hàng nhà Lý. Nhưng nay xét Trí Cao bấy giờ đặt quốc hiệu, đổi niên hiệu, khí thế đang quá rộng rỡ, một cánh quân của Thịnh Dật không thể hạ nổi. Nếu quả phải đầu hàng, Trí Cao sao lại xin theo về với nhà Tống để chống lại triều đình”.
* Sử Việt và Tống sử có chép đôi chỗ khác nhau về các sự kiện liên quan tới Nùng Trí Cao. Tống sử chép khoảng năm 1044 Trí Cao lập nước Nam Thiên, đổi niên hiệu Cảnh Thuỵ trong khi theo sử Việt tháng 12 năm 1044 thái bảo Trí Cao về chầu. Rất có thể sau chuyến về kinh Trí Cao quyết định thành lập nước Nam Thiên. Năm 1048 thông tin Trí Cao lập quốc đổi niên hiệu tới triều đình nhà Lý nên Thái Tông chiếu lệnh cho Vũ Uy hầu và thái uý Quách Thịnh Dật đi đánh. Tháng 9 Phùng Trí Năng đi đánh Ai Lao thì Quách Thịnh Dật xuất quân đánh Trí Cao phải sau mùa thu. Nếu đúng như sử Việt chép là Trí Cao đầu hàng thì chắc chắn sẽ không có chuyện Trí Cao tấn công Ung Châu vào năm 1049 vì việc ấy chẳng khác gì tố rằng: Đại Lý tấn công Đại Tống. Khi Thịnh Dật thu phục được Trí Cao thì các hoạt động quân sự vùng biên giới Tống Lý do Quách Thịnh Dật kiểm soát nên cuộc tấn công vào Ung Châu từ đất nhà Lý là không thể trừ khi Lý triều đã có kế hoạch khác ngoài mục đích đánh dẹp Trí Cao. Tống sử chép rằng năm 1050 Giao Chỉ mới đánh dẹp Trí Cao, thông tin này có lẽ nên hiểu là tổ chức trận đánh lớn, nghĩa là mùa thu năm 1048 triều đình nhà Lý nghe tin Trí Cao lập quốc, bèn lệnh cho Quách Thịnh Dật đi đánh dẹp, nếu Thịnh Dật áp sát Trí Cao thì Trí Cao sẽ không mang quân đánh Ung Châu vậy nên ít nhất là sau khi đánh Ung Châu, Thịnh Dật mới dẫn quân tới gần động Vật Ác, thời gian đầu là các hoạt động thăm dò, đến năm 1050 Quách Thịnh Dật mới tổ chức tấn công quy mô, nhưng theo như Tống sư thì không thắng, từ đó đưa về thế giằng co. Nhà Tống cũng có những hoạt động phản công quân sự Trí Cao, nhưng không lợi, tướng Tống là Kì Uân bị bắt. Cái thế của Trí Cao là hai đầu có địch nên khi Kì Uân dụ hàng, Trí Cao đã thấy con đường thoát hiểm, tiếc rằng Tống triều không chịu, việc nhà Tống e dè cho thấy rõ ràng đất của Trí Cao thuộc nhà Lý và nhà Tống cũng e ngại sức mạnh quân sự của Lý triều. Năm 1054 Trí Cao tấn công 9 châu của nhà Tống sau khi bị khước từ cho thấy Trí Cao đã cự giữ với Quách Thịnh Dật trong thời gian khá dài và kế hoạch quy thuận nhà Tống [tất nhiên là để dựa vào sự giúp đỡ của Tống triều chống lại nhà Lý] không thành, Trí Cao nhận ra không thể cự mãi với quân Lý nên tấn công 9 châu nhà Tống để làm căn cứ, nhưng mong muốn kiến tạo quốc gia độc lập cho tộc người Nùng như tộc người Lý không thành hiện thực.
* Khác với nhà Tống, Lý triều sẵn sàng cứu viện Trí Cao, rõ ràng là nhà Lý không hề e ngại Tống triều. Việc Vũ Nhị cứu Trí Cao không kịp cho thấy ngay từ đầu nhà Lý không có kế hoạch tấn công hoặc thăm dò nhà Tống. Quách Thịnh Dật thu hồi được động Vật Ác nhưng chiến sự đang diễn ra ngay gần biên giới, thì hẳn là tinh thần sẵn sàng của quân Lý phải rất cao, chính xác hơn thì Quách Thịnh Dật vẫn tiếp tục giữ quân lính ở vùng biên giới Tống Lý cho đến sau khi Trí Cao chạy sang Đại Lý. Việc vua hạ chiếu cho Vũ Nhị đem quân đi cứu viện cho thấy Quách Thịnh Dật không dám quyết định sự việc mà buộc phải gửi thư về xin ý kiến triều đình, nhưng tại sao người đem binh đi cứu Trí Cao lại là Vũ Nhị mà không phải là Quách Thịnh Dật, người ở ngay sát với chiến sự ? Giả thuyết 3: Quách Thịnh Dật đã chết! [bia Ngọ Xá chép: giữa đời Thánh Tông niên hiệu Thiên Thánh (1028 - 1053) cụ thân sinh  đem quân đi tuần ở biên giới bị bệnh rồi qua đời]
* Chúng ta không còn thông tin nào để xác lập mối quan hệ giữa Quách Thịnh Dật và Quách Kinh Nhật vì thế 2 trường hợp có khả năng xảy ra cao nhất: họ là cha con hoặc họ là anh em. Nếu như Quách Thịnh Dật là cha của Quách Kinh Nhật thì Kinh Nhật sẽ là anh cả [người nối chức thái uý của cha] kế đến là mẹ của tín nữ Diệu Tính và tiếp theo là Thường Kiệt. Nếu như Quách Thịnh Dật là anh của Quách Kinh Nhật thì mẹ của tín nữ Diệu Tính và bà nội của Đỗ Anh Vũ là chị em và là con của Quách Thịnh Dật, còn Thường Kiệt là con của Quách Kinh Nhật [năm Quách Kinh Nhật được phong chức thái uý là năm 1054 cũng là năm Thái Tông băng và Thánh Tông lên ngôi. Vì thế mà trong mộ chí của Đỗ Anh Vũ chép rằng: thái uý Quách công triều Thái Tông sinh ra Thường Kiệt làm thái uý triều Nhân Tông cũng không mâu thuẫn] Còn 2 nhân vật họ Quách nữa là Mãn [xây tháp trên núi Tiên Du năm 1066] và Sĩ An [đi sứ nhà Tống năm 1069] do không có tư liệu nên không thể khảo được. Giả thuyết 4: Chữ Mãn có nghĩa là thoả lòng mong muốn, nếu vậy rất phù hợp với vòng tuần hoàn của trường nghĩa Thịnh, Dật. Tuy nhiên Quách Mãn giữ chức lang tướng vì vậy không thể nào là Quách Thịnh Dật được. Bia chùa Ngọ Xá có nhắc đến người em trai của Thường Kiệt tên là Thường Hiến, người được Thường Kiệt tiến cử cùng theo hầu vua Lý Thánh Tông đánh phạt nước Chiêm Thành. Nếu đúng ngài có người em trai thì rất có thể sau cuộc chiến với Chiêm Thành, với công lao của Thường Kiệt thì người em trai của ngài cũng sẽ được ban thưởng như trường hợp của cháu gọi Thường Kiệt bằng cậu của tín nữ Diệu Tính. Chữ Sĩ nghĩa là quan, chữ An nghĩa là ổn định, làm cho ổn định, thành tập quán. Hiến nghĩa là quan trên, bắt chước, pháp luật. Có thể Quách Sĩ An chính là Lý Thường Hiến.
3. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Long Phù năm thứ 5 [năm 1105] mùa hạ tháng 6 thái uý Lý Thường Kiệt chết (…) cho người em là Lý Thường Hiến được kế phong tước hầu. Thường Kiệt người phường Thái Hoà thành Thăng Long, nối đời làm quan, nhiều mưu lược, có tài làm tướng. Khi còn ít tuổi, vì vẻ mặt tươi đẹp được sung làm Hoàng môn chi hậu theo hầu Thái Tông, thăng dần đến chức Nội thị sảnh đô tri. Thánh Tông phong chức thái bảo, trao cho tiết việt để đi thăm hỏi lại dân ở Thanh Hoá, Nghệ An. Đến khi vua đi đánh Chiêm Thành, làm tướng tiên phong, bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Vì có công, được phong làm Phụ quốc thái phó, dao thụ chư trấn tiết độ, đồng trung thư môn hạ, thượng trụ quốc, thiên tử nghĩa đệ, phụ quốc thượng tướng quân, tước Khai quốc công”.
* Không khó để nhận ra những đoạn chép trong Toàn thư rất giống với đoạn chép trong Việt điện u linh. Rất có thể đoạn trong Toàn thư là do người sau chép thêm vào, vì không thấy đoạn trong Toàn thư chép về cha của Thường Kiệt nên người chép bổ sung đã tham khảo loại tài liệu cùng không chép về An Ngữ. Việt điện u linh ngoài tham khảo loại tài liệu mà người chép bổ sung cho sách Toàn thư tham khảo, còn tham khảo thêm loại tài liệu chép về cha của Thường Kiệt, nhưng loại tài liệu ấy lại không chép về họ của An Ngữ. Nhữ Bá Sỹ là người thu thập được tất cả những thông tin về Thường Kiệt và cha của ngài mà sách Toàn thư và Việt điện u linh tham khảo, duy chỉ có tài liệu chép về họ của An Ngữ thì Bá Sỹ không có, như vậy rõ ràng loại tài liệu chép về họ của Thường Kiệt phổ biến trong khu vực địa lý khá nhỏ hẹp, mà cụ thể là làng An Xá. Rất có thể họ Ngô đã thu thập tài liệu ở làng An Xá để chép Thường Kiệt vào gia phả.
* Thường Kiệt mang họ Lý là do được ban quốc tính, nhưng chính xác thì ngài được ban vào năm nào và được ban là Thiên tử nghĩa nam hay thiên tử nghĩa đệ ? Bia chùa Ngọ Xá cho rằng Thường Kiệt được ban thiên tử nghĩa nam sau cuộc chiến với Chiêm Thành năm 1069. Sách Việt điện u linh chép thống nhất với bia Ngọ Xá về năm ban quốc tính tuy nhiên Thường Kiệt được nhận làm em của vua. Bia chùa Linh Xứng cho rằng ngài được phong làm thiên tử nghĩa đệ sau cuộc chiến với nhà Tống năm 1077. Ngoài gia phả họ Ngô, bài văn trên chuông chùa An Xá, mộ chí của Đỗ Anh Vũ thì tất cả các ghi chép về Thường Kiệt đều không ghi họ. Lời giải thích hợp lý hơn cả là vì những người soạn chép cứ đinh ninh Thường Kiệt họ Lý, mặc dù đã có gợi ý như việc ngài được phong làm thiên tử nghĩa nam hoặc thiên tử nghĩa đệ. Không lẽ Thường Kiệt đúng là người họ Lý, nhưng rõ ràng là trong mộ chí của Đỗ Anh Vũ và bài văn trên chuông chùa An Xá có khắc rất rõ Thường Kiệt được ban quốc tính. Nếu chỉ có bài văn trên chuông chùa An Xá thì không đủ cơ sở vì bài văn được khắc cách sự kiện tới 700 năm nhưng mộ chí của Anh Vũ chỉ cách sự kiện có 50 năm, trong khi theo như tác giả Hoàng Xuân Hãn thì mộ chí không phải là giả. Khó khăn thực sự khi mà Thường Kiệt được ban quốc tính cũng chính là được phong làm thiên tử nghĩa nam hoặc thiên tử nghĩa đệ và thời điểm dù là sau cuộc tấn công Chiêm Thành hay là chống Tống thì thông tin cũng rất rõ ràng, tất cả mọi người cùng thời với Thường Kiệt đều biết trong đó có tác giả bài văn viết cho chùa Linh Xứng là thiền sư Hải Chiếu [trước khi được ban quốc tính sớm nhất vào năm 1069 Thường Kiệt vẫn dùng họ của cha]
Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc [Tuyên Quang] do Thái phó Hà Hưng Tông dựng năm 1107 dưới thời vua Lý Nhân Tông niên hiệu Long Phù Nguyên Hóa viết: “Kinh thay Thái phó Hà Hư­ng Tông, thủy tổ [vốn] là ng­ười xóm Ca Nông, hương Thạch Bách, huyện Hà, thuộc Đông Đô, châu Ung. Cao tổ là Hà Đắc Trọng, xa nghe giáo hóa của vư­ơng triều, dời gót xin làm thần thứ. Từ đó giữ gìn an toàn châu Vị Long vậy. Dân đã ấm no, ng­ười đời tôn trưởng. Cho tới đời thứ 8, kể cả tổ tiên xư­a có hai đời làm Thái bảo và Thái phó, nghiệp lớn càng thịnh, công cả lại cao (...) Trải qua năm đời thì đến đời bây giờ. Ông của Thái phó giữ chức Thái bảo, lấy công chúa thứ ba của Thái tổ hoàng đế làm phu nhân. Nhân việc đó lại đư­ợc Thái tổ trao cho chức Hữu đại liêu ban. Phu nhân sinh ra hàng cha chú của Thái phó, tất cả có bốn trai tài, gái đảm (...) Thân phụ của Thái phó lấy con gái thứ sáu của quan Thái thú họ Lý ở Phú Nghĩa làm phu nhân (...) sinh ngư­ời con trai đầu lòng cho đến người con trai thứ t­ư (…) năm Ất Mão niên hiệu Thái Ninh (1074) thân phụ Thái phó chỉnh đốn vương sự, đánh sang ải Bắc. Vây thành Ung cho bõ giận, bắt t­ướng võ dâng tù binh. Do đó, thân phụ Thái phó đư­ợc nhà vua ban chức Hữu đại liêu ban đoàn luyện sứ. Cấy cày theo phép tỉnh điền, thóc lúa ùn ùn như­ núi, khách khứa ba nghìn đông đúc, cửa nhà nhộn nhịp phố ph­ường. Năm  Đinh Tỵ niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng (1077) bấy giờ Thái phó mới lên chín tuổi, chiếu gắn hồ son vời về sân đỏ, sổ tiên lựa chọn, kết bạn em vua. Nh­ưng vì Thái phó còn nhỏ, nên xin về nấp bóng mẹ cha. Đến tháng Giêng năm Mậu Ngọ (1078) Thái phó mới lên m­ười tuổi. Nhà vua lại sai quan Nội phụ Văn t­ư lang trung là Kiều Nghĩa ngầm mang thánh chỉ, thẳng tới ấp phong, đón trẻ thơ nơi xa vắng, cho gang tấc gần gũi mặt rồng, để kết duyên với công chúa Khâm Thánh và phong là Tả Đại Liêu ban (...) Cuối đông năm Nhâm Tuất (1082) vua tiễn đư­a công chúa về nhà chồng ở bản châu (...) bỗng năm Ất Sửu niên hiệu Quảng Hựu (1085) mẹ cha đều mất, công chúa tang tóc (...) Đến năm Bính Dần (1086) nhà vua xuống chiếu cho Thái phó đư­ợc nối chức cha, vẫn giữ t­ước cũ là Tả Đại Liêu ban, lại ban thêm Tri châu Vị Long, giữ Tiết độ sứ, Kim tử quang lộc đại phu, Kiểm Hiệu Thái phó (...) Cho nên cuối xuân năm Đinh Hợi niên hiệu Long Phù Nguyên hóa (1107) Thái phó dẫn dắt hư­ơng lão, xem h­ướng ở góc quận, chọn đất phía nam Hán Lộc, giáp bên mạn bắc Mẫu Cung làm nơi dựng chùa (...) Muốn làm tỏ rõ đời nay phải ghi bia đá [cho nên Thái phó] đã sai tôi (…) Lý  Thừa Ân giữ chức Triều thỉnh đại phu, Đông thư­ợng cáp môn hậu, Th­ượng thư­ Viên ngoại lang, tứ Tử kim ngư­ đại, soạn văn bia” [theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa]
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Thiên Thành năm thứ 2 [năm 1029] tháng 3 gả công chúa Bình Dương cho châu mục Lạng Châu là Thân Thiệu Thái”.
Đại Việt sử lược chép: “Năn Bình Ngọ [1066] tháng 11 con trai của công chúa Bình Dương là Thân Đạo Nguyên cưới công chúa Thiên Thành”.
* Như tác giả Tạ Chí Đại Trường nhận định họ Lý thống nhất trong chính sách đối với những thế lực gần kinh thành thì phong chức tước, đối với các thế lực phía nam thì đánh dẹp, còn với các thế lực phía bắc thì kết thông gia như họ Thân và họ Hà. Trong cuộc chiến tranh Tống Lý (1075 - 1077) khi nhà Lý tấn công sang đất Tống đã nhận được sự ủng hộ của các thế lực miền biên giới phía bắc, tuy nhiên khi nhà Tống phản công thì phần nhiều các thế lực miền biên giới đầu hàng và chống lại nhà Lý. Họ Hà tổ tiên vốn người Ung Châu nên rất có thể nhà Lý đã đề phòng sau cuộc chiến với Tống kết thúc năm 1077 nên sự kiện Hà Hưng Tông mới lên 9 tuổi được đưa vào cung để kết bạn em vua chẳng qua là nắm giữ con tin và bằng chứng càng thuyết phục hơn khi Hà Hưng Tông xin về nấp bóng cha mẹ vì còn nhỏ tuổi thì năm sau (1078) khi 10 tuổi Hà Hưng Tông lại bị triệu cách gấp gáp vào cung để kết duyên với công chúa Khâm Thánh. Giả thuyết 5: Khi Quách Thịnh Dật dẫn quân đi đánh Nùng Trí Cao năm 1048 nhưng không thắng dẫn đến thế giằng co trong thời gian dài tất sinh nghi ngờ trong triều đình, kết cục Quách Thường Kiệt bị đưa vào cấm cung với mục đích nắm giữ con tin nhưng ẩn dưới danh nghĩa thiên tử nghĩa nam [bia đền Ngọ Xá chép: còn có thuyết nói vua Lý Thái Tông dẹp và bắt được Nùng Trí Cao, ông xin hạ mức trừng phạt cho trở về quê, nhờ đó ông được vời vào nội thị. Rõ ràng là có thông tin về mối quan hệ giữ việc Thường Kiệt vào cung với sự kiện Nùng Trí Cao làm phản]
* Nếu thời điểm Thường Kiệt vào cung khoảng năm 1049 [phải diễn ra gần sát trước khi Quách Thịnh Dật dẫn quân đi đánh Nùng Trí Cao] thì theo thông tin trên bia chùa Linh Xứng năm Thường Kiệt nức tiếng nơi nội đình vào khoảng 1058, phần nhiều các thông tin xác nhận Thường Kiệt vào cấm đình khi còn trẻ [an toàn là khi ngài 20 tuổi] nếu vậy Thường Kiệt sinh khoảng năm 1030 [tương đối gần với tuổi của mẹ Đỗ Tướng] Tuổi nhỏ nhất khi Thường Kiệt vào cung khoảng 15 vì nếu còn quá ít tuổi thì sẽ chưa có ý thức và như thế thì sẽ không có những tiếng khen nức nở nơi nội đình.
* Bia chùa Linh Xứng viết rằng khi còn trẻ thái uý được chọn vào cấm đình, rồi được thăng Kiểm hiệu thái bảo. Bia chùa Ngọ Xá xác nhận nhờ cha mà Thường Kiệt được vào đội kỵ binh giữ chức kỵ mã hiệu uý, rồi vào cung giữ ngạch thị vệ để hầu cận vua, tiếp đến được cử vào hoàng môn sảnh giữ chức hoàng môn chi hậu, rồi chuyển lên chức nội thị đô tri. Sách Toàn thư chép Thường Kiệt được sung làm Hoàng môn chi hậu theo hầu Thái Tông, thăng dần đến chức Nội thị sảnh đô tri. Việt điện u linh chép Thường Kiệt được sung làm chức Hoàng môn ký hầu, đời Lý Thái Tông hằng thiên lên chức Nội thị tỉnh đô tri, Thánh Tông bái chức Hiệu uý thái bảo. Có 2 nhóm tài liệu: nhóm dừng lại ở việc xác nhận Thường Kiệt vào cấm đình và nhóm đi xa hơn xác nhận Thường Kiệt giữ chức Hoàng môn chi hậu, nôm na đây là chức của thái giám. Tuy nhiên 3 tài liệu bia chùa Ngọ Xá, sách Toàn thư và Việt điện u linh chép rằng Thường Kiệt giữ chức hoàng môn chi hậu song lại không phải là 3 tài liệu độc lập mà là các tài liệu có mối quan hệ tham khảo. Quan trọng hơn, các tài liệu này lấy nguồn tham khảo từ đâu trong khi sử gia Lê Văn Hưu không chép ? Nhữ Bá Sỹ đã nhắc chúng ta biết.
Bài Tin đồn về Đại Việt trên đất Tống của tác giả Phạm Lê Huy viết: “Có thể thấy rõ tính chất "truyền khẩu" của tin đồn qua một ví dụ khác. Đó là ghi chép trong các sách vở của nhà Tống về Lý Thường Kiệt 李尚傑 và nguyên phi Ỷ Lan 倚蘭. Mặc dù Lý Thường Kiệt là nhân vật quan trọng bậc nhất trong cuộc chiến tranh Tống - Lý nhưng các tài liệu thời Tống còn lại đến ngày nay đều không chép một dòng nào về tên gọi "Thường Kiệt". Mộng khê bút đàm [1086 - 1093] [của Thẩm Quát] chép: "Hàn Đức lên ngôi, hoạn quan Lý Thượng Cát 李尚吉 cùng mẹ là Lê thị hiệu là Yên Loan Thái phi 燕鸞太妃 cùng chủ trì quốc sự". Quế hải ngu hành chí [1175 của Phạm Thành Đại] chép: "Lúc Càn Đức còn nhỏ, mẹ là Lê thị làm Thái phi, cùng với hoạn quan Lý Thượng Cát 李尚吉 cùng chủ trì việc quốc sự". Sách Tục Tư trị thông giám trường biên chép lời bàn của Triệu Tiết, Quách Quì cho rằng: "Giặc Giao do mưu của bọn Lý Thượng Cát 李尚吉 Lý Kế Nguyên làm phản". Lĩnh ngoại đại đáp [của Chu Khứ Phi (1135 – 1189)] chép: "Lúc Càn Đức mới lập, quyền nằm trong tay bề tôi, đại thần là Lý Thượng Cát 李上吉 đứng đầu bàn chuyện làm phản". Trước đây, Tạ Chí Đại Trường từng đưa ra một ức thuyết cho rằng "Lý Thượng Cát" 李尚吉 [lưu ý chữ Thượng - PLH] là một tên gọi có ý khinh miệt. Tạ Chí Đại Trường cho rằng "Thượng"  chữ Nôm là "thằng" "Cát"  chữ Nôm là "Cặt". Lý Thường Kiệt là "thằng Cặt". Tạ Chí Đại Trường đưa ra ý kiến này dựa vào câu chửi: "Điện tiền Vũ cứt chứ chẳng phải Đái" của Nguyễn Dương trong loạn Đỗ Anh Vũ và phần ghi chú "chữ Cát Đái phương ngôn nói là cứt đái" chép trong ĐVSKTT. Tuy nhiên giả thuyết này hoàn toàn không đáng tin cậy. Quả thực một số văn bia thời Lý có sử dụng chữ "Thượng"  làm chữ Nôm với nghĩa là "thằng" nhưng cần lưu ý rằng bên cạnh chữ "Thượng"  ghi chép của Lĩnh ngoại đại đáp lại sử dụng cả chữ "Thượng" . Hiện nay, không có bất cứ một văn bản nào thời Lý sử dụng chữ "Thượng"  nghĩa là "thằng". Hơn nữa, không có lý do gì các sách vở của nhà Tống lại sử dụng chữ Nôm. Ngoài ra thuyết của họ Tạ cũng hoàn toàn không giải thích được nếu Thượng Cát là "Thằng Cặt" thì "Yên Loan Thái phi" nghĩa là gì. Trong trường hợp này, cách giải thích hợp lý duy nhất là người Tống đã sử dụng các chữ "Lý Thượng Cát" [bao gồm cả 李尚吉 và 李上吉] "Yên Loan" 燕鸞 để ký âm những thông tin họ nghe được bằng tai. Âm trung cổ của chữ "Thượng"  hay "Thượng"  đều là "/ʑĭaŋ/" gần với âm "Thường"  (âm trung cổ Hán là "/ʑĭaŋ1/") âm trung cổ của chữ "Cát"  là "/kĭet4/" gần với "Kiệt"  (âm trung cổ Hán là "/gĭɛt4/") âm trung cổ của chữ "Yên"  (“/ien/”) gần "Ỷ"  (“/ĭe/”) âm trung cổ của chữ "Loan"  (“/loan/”) gần với "Lan"  (“/lan/”). Những ví dụ trên là minh chứng cho thấy nhà Tống đã có rất nhiều thông tin về nhà Lý không phải qua con đường văn bản chính thức mà từ thông tin truyền khẩu” [xin xem thêm bài viết của tác giả Phạm Lê Huy]
* Như vậy chúng ta có thể phỏng đoán, người Việt đã căn cứ vào các tài liệu của phương bắc để xác nhận Thường Kiệt là hoạn quan. Không khó để nhận ra sách Quế hải ngu hành chí và Mông khê bút đàm tương đối giống nhau khi chép về Thường Kiệt. Sách Lĩnh ngoại đại đáp chép 2 điểm sai khác so với Mộng khê bút đàm là chữ “Thường” và không thấy nêu vai trò của Ỷ Lan cũng như không viết Thường Kiệt là hoạn quan mà chỉ khẳng định ngài là bề tôi, đại thần. Tục Tư trị thông giám trường biên cũng không chép Thường Kiệt là thái giám. Như chính tác giả Phạm Lê Huy viết nhà Tống có rất nhiều thông tin về nhà Lý qua truyền miệng, nhưng loại thông tin này rất khó để xác định được mức độ tin cậy. Nếu giả sử Quách Thường Kiệt được đưa vào cung để làm con tin thì Lý Thái Tông có [dám] phong cho ông chức Hoàng môn chi hậu hay không ? Giả thuyết 6: Thường Kiệt vào cung từ khá sớm với danh nghĩa thiên tử nghĩa đệ hoặc thiên tử nghĩa nam nên ngài dùng họ Lý. Sau gần 1 kỷ khi tiếng khen nức nở nội đình, danh tiếng của ngài thực sự loan truyền đi khắp nơi [tất nhiên cùng với đó là những dị tin] sau cuộc chiến với Chiêm Thành và Đại Tống [Theo bia Báo Ân thì "Năm Nhâm Tuất (1082) vua Lý Nhân Tông đặt riêng một quận ở Thanh Hóa, ban cho Lý Thường Kiệt để làm phong ấp (...) Ông coi quận trong 19 năm (...) Dân kính mến (...) mà dân chưa lấy gì báo đáp. Bèn chọn chỗ (…) xẩy cỏ dựng chùa, đặt tên chùa là Báo Ân. Ðắp tượng vẽ đồ. Chùa bắt đầu làm năm Kỷ Mão (1099) đến năm sau Canh Thìn (1100) thì xong”. Tuy rằng bia Báo Ân mất niên hiệu, nhưng theo năm làm chùa xong là năm 1100 và theo câu nói Lý Thường Kiệt coi quận trong 19 năm thì ta thấy rằng bài bia làm năm Hội Phong thứ 9 Canh Thìn 1100] [dẫn theo tác giả Hoàng Xuân Hãn] Sau đó những thông tin về Thường Kiệt có phạm vi Thanh Hoá, Nghệ An cho đến trước khi ngài mất 3 năm những hành trạng của ngài lại được ghi chép [sách sử minh chứng rất rõ] Vậy thì những tin đồn về ngài đã không được thời đại của nó kiểm chứng, khi những thông tin truyền miệng sang đến đất Tống, Thẩm Quát đã chép lại và thời nhà Trần tác giả Lý Tế Xuyên đã cứ vào sách Mộng khê bút đàm hoặc những tài liệu tham khảo Mộng khê bút đàm mà chép về Lý Thường Kiệt trong Việt điện u linh [Nhà nghiên cứu Thái Bá Tân đặt giả thuyết Lý Thường Kiệt bị hãm hại. Khi còn trẻ Thường Kiệt yêu người con gái tên là Dương Hồng Hạc [con của Dương Đức Uy là cháu gọi hoàng hậu Thiên Cảm bằng cô] Tuy nhiên kết cục Dương Hồng Hạc được gả cho thái tử Nhật Tôn. Khi Hồng Hạc bị lạnh nhạt đã nhờ tới Thường Kiệt, lúc này đang giúp việc cho thái tử ở Đông cung, mong rằng Thường Kiệt có thể nói giúp vài lời để cho thái tử bớt lạnh nhạt, vì mối quan hệ giữa Thường Kiệt với Nhật Tôn rất thân thiết, hai người đều là con nuôi của Lý Thái Tổ, nhưng Thường Kiệt đã không nhận lời nên kết cục ngài phải nhận mối thù từ người yêu cũ. Cũng chính vì thế Thường Kiệt đã không ủng hộ hoàng hậu Thượng Dương trong cuộc tranh giành quyền lực với nguyên phi Ỷ Lan]
* Bia chùa Linh Xứng là tài liệu gần sự kiện nhất cũng chỉ xác nhận Thường Kiệt được chọn vào cấm đình hầu vua Thái Tông và được phong làm Kiểm hiệu thái báo, không chép việc ngài được phong chức Hoàng môn chi hậu. Sách Việt điện u linh chép rằng khi Thường Kiệt mất, tước hầu do người em là Thường Hiến kế, bia chùa Ngọ Xá chép khi ngài mất được ban tên huý là Mục Yên, đồng thời phong chức cho Thường Hiến. Tuy bia chùa Ngọ Xá không viết rõ phong Thường Hiến chức gì nhưng chúng ta có thể hiểu được bia muốn nhắc đến tước hầu thông qua sách Việt điện u linh. Thế sách Việt điện u linh căn cứ vào đâu ? Rất có thể sách đã thực hiện lập luận. Thường Kiệt là hoạn quan nên ngài giữ chức Hoàng môn chi hậu và ngài không có con nối dõi nên tước hầu phải do em ngài là Thường Hiến kế.
* Nếu chúng ta so sánh 2 vị thái uý là Lý Thường Kiệt và Đỗ Anh Vũ chúng ta sẽ không khỏi ngạc nhiên về sự giống nhau của 2 nhân vật này. Không chỉ giống nhau về tài thao lược mà còn về các chức tước nhất là việc được ban quốc tính, ngạc nhiên hơn còn giống nhau về độ điển trai, tư chất thông minh mà trong mộ chí và bia chùa Diên Phúc mô tả về Anh Vũ cũng như Việt điện u linh mô tả về Thường Kiệt. Giả thuyết 7: Việt điện u linh khi chép về Thường Kiệt đã lấy nguyên mẫu của Đỗ Anh Vũ.
* Bia chùa Linh Xứng và mộ chí của Đỗ Anh Vũ chỉ viết rằng 2 vị này được chọn vào cấm cung. Bia chùa Diên Phúc viết Đỗ Anh Vũ lên 8 tuổi trúng tuyển Thượng lâm đệ tử rồi được tuyển vào chầu ở nơi nội cấm, trong khi bia chùa Ngọ Xá viết Thường Kiệt khoảng 21 tuổi nhờ phúc ấm cha được vào đội kỵ binh giữ chức kỵ mã hiệu uý rồi sau được vời vào cung trong ngạch thị vệ hầu cận vua.
Sách Đại Việt sử lược chép: “Năm Ất Mùi [năm 1175] tháng 7 vua tôn mẹ là Hoàng hậu Thuỵ Châu làm Thái hậu Chiêu Thiên Chí Lý (…) cuối mùa thu, nhà vua cho em trai của Thái hậu là Đỗ An Thuận làm quan nội hiển quốc hầu (…) Năm Kỷ Hợi [năm 1179] tháng 6 quan thái uý Tô Hiến Thành từ trần (…) [Đỗ] Thái hậu tuy khen ngợi cái lòng trung nghĩa mà rồi cùng không biết áp dụng theo lời nói của Hiến Thành, lại cho Đỗ An Thuận tham dự việc triều chính (…) Năm Nhâm Dần [năm 1182] mùa xuân tháng 3 dùng Đỗ An Thuận làm thái sư phụ chính, người thời bấy giờ kinh sợ cái oai quyền của ông”.
* Theo sách Việt sử lược thì người kế tục sự nghiệp của Đỗ Anh Vũ là cháu họ Đỗ An Thuận, thêm nữa theo như bia chùa Diên Phúc, mẹ của Anh Vũ trao lại quyền thừa kế cho chàu ngoại Quốc Hiền chứ không phải cháu nội. Đỗ Anh Vũ không có con nối dõi sao ? Rõ ràng là rất giống với Thường Kiệt, quyền thừa kế trao cho người em trai Thường Hiến [hoặc ở đây chúng ta phải mở rộng khảo sát về mẫu tính thời Lý, mộ chí của Đỗ Anh Vũ chép: thi hài thái uý an táng ở xóm Sùng Nhân, hương An Lạc là nơi quê hương tổ tiên của mẹ thái uý] Thế nhưng
Sách Đại Việt sử lược chép: “Năm Mậu Thìn [năm 1148] mùa thu tháng 9 trước kia lúc vua còn nhỏ bé, việc chính trị không kể lớn nhỏ đều uỷ thác cho Đỗ Anh Vũ quyết đoán cả. Anh Vũ lại tư thông với Thái hậu [Cảm Thánh Lê] vì vậy mà càng kiêu ngạo, không kiêng nể ai”.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Lê Văn Hưu nói: Đỗ Anh Vũ ra vào cấm đình, tư thông với mẫu hậu, không tội gì to bằng”.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Canh Ngọ [năm 1150] tháng 9 khi nhà vua mới lên ngôi, không cứ việc lớn hay nhỏ, đều do Anh Vũ quyết định cả. Hắn ra vào nơi cung cấm, tư thông với Lê Hậu”.
* Chưa thấy tài liệu nào bào chữa cho Đỗ Anh Vũ, không lẽ việc tư thông với Lê hoàng hậu là có thật ? Vậy thì Anh Vũ không thể là thái giám được. Giả thuyết 8: Lý Thường Kiệt không phải là thái giám.
* Bia Ngọ Xá chép rằng chống của người cô là Tạ Đức khuyên Thường Kiệt lấy cháu là Tạ Thuần Khanh. Thực hư việc này thế nào ? Thường Kiệt có con nối dõi không ? Vì sao có giả thuyết vợ con ngài bị chết trước khi Thường Kiệt vào cung ? Và người cô của Thường Kiệt là ai ? Năm 981 cuộc chiến tranh Tống Việt diễn ra, Lê Hoàn bắt được 2 tướng nhà Tống là Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân. Năm 986 nhà Tống sai Lý Nhược Chuyết và Lý Giác sang sứ Giao Chỉ sắc phong cho Lê Hoàn nhân đó Hoàn đem trả Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân cho về. Tuy nhiên những người tham chiến ở Giao Chỉ năm 981 như Lưu Trừng thì ốm chết, Vương Soàn bị giết ở Ung Châu, Tôn Hoàng Hưng cũng bị giết bêu ở chợ. Vậy Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân có trở về phương bắc không ? Nếu ở lại Giao Chỉ lấy vợ sinh con thì có thể là cha của Quách Thịnh năm 1028 không ? Vì như mộ chí có chép: Thái uý Anh Vũ tên chữ là Quán Thế, thuộc dòng dõi Quách công ở Lũng Tây. Năm 1209 xảy ra cuộc làm loạn của Quách Bốc thuộc hạ của Phảm Bỉnh Di người lấy quân ở Đằng Châu [Hưng Yên] đi đánh Phạm Du. Nhân vật Quách Bốc này có mối quan hệ nào không với Quách Thường Kiệt ?
Sách Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý của học giả Hoàng Xuân Hãn chép: “Cuộc điều tra của viện Bác cổ năm 1938 thì những làng Yên Lạc, Cao Quán, Hoàng Vân, Thổ Khối, Kim Tháp, Đào Xá, Tượng Cước, Bình Cầu, Vũ Xá, Đề Cầu, Lôi Cầu đều khai tên thần mình là đức thánh Lác và tên là Đỗ Anh Vũ. Nhưng đến khi kể thần tích thì phần lớn đều kể chuyện của Lý Thường Kiệt đánh Chiêm Thành và đánh Tống (…) Vì sao có những sự mâu thuẫn như thế ? Gặp thời loạn lạc, các làng thờ đức thánh Lác không còn thần tích nữa, tuy vậy ai cũng còn biết tên thần là Đỗ Anh Vũ, đến khi phải khai sự tích thần mình, thì không mấy ai để ý đến mộ chí kia hoặc họ chỉ xem qua dòng đầu mà cho đó là mộ Lý Thường Kiệt hoặc họ chỉ nhớ rằng thần là Lý thái uý làm quan đời Lý, có công dẹp giặc, rồi họ cho đó là Lý Thường Kiệt, vì vậy tuy có mộ chí, tuy người làng biết thần là Đỗ Anh Vũ có tên trong quốc sử, nhưng họ lẫn công lao với công lao của Lý Thường Kiệt. Còn người ngoài thì lầm tưởng mộ và đền là của Lý Thường Kiệt” [xin xem thêm tác giả Hoàng Xuân Hãn]
* Trong những tài liệu chép về Đỗ Anh Vũ có bao nhiêu là lấy từ nguyên mẫu Lý Thường Kiệt và trong những tài liệu chép về Lý Thường Kiệt có bao nhiêu là lấy từ nguyên mẫu Đỗ Anh Vũ ?
Tạm kết: Với những tài liệu hiện có chúng ta chỉ có thể đưa ra những giả thuyết mà không thể kết luận. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều điểm cần phải bàn và chúng ta sẽ tiếp tục trong bài sau.


                                              


 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét