Sách Toàn thư chép: “Đinh Mão [967] Bấy giờ trong nước không có chủ, 12 sứ quân tranh nhau làm trưởng, không ai chịu thống thuộc vào ai. Đinh Bộ Lĩnh nghe tiếng Trần Minh Công là người có đức mà không có con nối, bèn cùng với con là Liễn đến nương tựa (…) Bính Tý [976] Sai Trần Nguyên Thái sang đáp lễ nhà Tống”.
Sách Toàn thư chép: “Ất Hợi [975]
Sai Trịnh Tú đem vàng lụa, sừng tê, ngà voi sang nhà Tống (…)
Sách Toàn thư chép: “Kỷ Mão [979] Mùa
đông tháng 10 Chi hậu nội nhân Đỗ Thích giết vua ở sân cung [Việt sử lược chép:
Tháng 11, ban đêm vua ngự tiệc thì bị Phúc Hầu Hoằng là Đỗ Thích giết. Cương mục
chép: Đỗ Thích người Đại Đê thuộc Thiên Bản. Nay là Vụ Bản, Nam Định] nhân lúc
vua ăn yến ban đêm, say rượu nằm trong sân (…) lệnh lùng bắt hung thủ rất gấp, Thích
phải lén núp ở máng nước 3 ngày (…) cung nữ trông thấy liền đi báo [Việt sử lược
và Cương mục chép: Cung nữ thấy vậy mới báo với Định Quốc Công Nguyễn Bặc] Định
Quốc Công Nguyễn Bặc sai người bắt đem đi chém (…) Định Quốc Công Nguyễn Bặc,
Ngoại Giáp Đinh Điền, cùng Thập đạo tướng quân Lê Hoàn rước Vệ Vương Toàn lên
ngôi Hoàng Đế [Việt sử lược chép: Nguyễn Bặc cùng với Tướng quân là Lê Hoàn phụng
lập Vệ Vương Đinh Tuệ lên ngôi vua] Lê Hoàn nhiếp chính, tự xưng là Phó vương”.
* Trong bài Bàn về cái chết của Đinh
Bộ Lĩnh tôi đưa ra bằng chứng cho thấy Đại Thắng Minh Hoàng Đế mất khoảng năm
976. Trong bài Phụ chú về thời Đinh Lê tôi đưa ra bằng chứng cho thấy Lê Hoàn
không liên quan tới cái chết của Đinh Liễn năm 979. Như đoạn trích ở trên chúng
ta thấy có 1 vài sai khác giữa các bộ sử của Việt Nam. Lê Hoàn là người nắm giữ
binh quyền, nếu ngài ấy có ý định giết vua và Đỗ Thích là đồng phạm thì Lê Hoàn
phải lên kế hoạch giải quyết Đỗ Thích như hoặc là tạo điều kiện cho Thích trốn
khỏi cung, rồi an trí ở 1 địa điểm an toàn nào đó, hoặc chính Hoàn ra tay trừ
khử Thích để bịt đầu mối. Chứ không lý gì để Nguyễn Bặc bắt được, mà khi Bặc bắt
được Thích cũng giết đi, chứ không thấy tra khảo để tìm ra đồng phạm. Tôi cho rằng
Đỗ Thích không giết vua, mà rất có thể Đinh Liễn uống rượu say, ngủ lại ngoài sân
cung nên trúng gió mà chết, quan chi hậu họ Đỗ hầu cận ở bên, bị nghi ngờ nên
Nguyễn Bặc đã giết đi. Sách Toàn thư và Cương mục thì chép rằng Nguyễn Bặc, Đinh
Điền, Lê Hoàn đưa Vệ Vương Toàn lên ngôi, nhưng sách Việt sử lược thì chỉ chép
Nguyễn Bắc và Lê Hoàn mà không có Đinh Điền. Việt sử lược chép chính xác hơn, vì
khi xảy ra vụ án Đinh Điền đang trấn giữ ở Ái Châu.
Sách Toàn thư chép: “Định Quốc công
Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Phạm Hạp ngờ Hoàn sẽ làm điều bất lợi cho vua
nhỏ, bèn cùng nhau dấy binh, chia hai đường thuỷ bộ, muốn tiến về kinh đô giết
Hoàn, nhưng không thắng, bị giết (…) Canh Thìn [980] Thái hậu [Họ Dương] sai Lê
Hoàn chọn dũng sĩ đi đánh giặc, lấy người ở Nam Sách Giang là Phạm Cự Lang làm đại
tướng quân [Việt sử lược chép: Thái hậu sai người ở Nam Sách là Phạm Cự Lang làm
Đại tướng quân] Nhâm Ngọ [982] Lập Hoàng thái hậu nhà Đinh là Dương thị làm Đại
Thắng Minh Hoàng Hậu. Hậu là vợ của Tiên hoàng, mẹ đẻ của Vệ Vương Toàn, cùng với
Phụng Càn Chí Lý Hoàng Hậu, Thuận Thánh Minh Đạo Hoàng Hậu, Trịnh Quốc Hoàng Hậu,
Phạm Hoàng Hậu là 5 hoàng hậu [Việt sử lược chép: Năm Nhâm Ngọ vua lập Vương hậu
5 bà] Vua thân đi đánh Chiêm Thành, thắng được. Bắt sống được quân sĩ của chúng
nhiều vô kể, cùng là kỹ nữ trong cung trăm người và một nhà sư Thiên Trúc”.
* Trong bài Phụ chú về thời Đinh Lê
tôi có đưa bằng chứng cho thấy Lê Hoàn không có quan hệ tư thông với vợ của Đinh
Bộ Lĩnh là Dương thị, bà Dương thị vợ của Lê Hoàn có danh xưng đúng phải là Đại
Thánh Minh Hoàng Hậu và xưng hiệu của Lê Hoàn là Đại Thánh Minh Hoàng Đế. Ngay
như Việt sử lược cũng chỉ nói Hoàn lập 5 vương hậu và cũng không nhắc gì tới việc
Hoàn có tư thông với mẹ của Vệ Vương Toàn. Trong 5 bà vương hậu thì có 2 bà thấy
nhắc tới họ là Trịnh hoàng hậu và Phạm hoàng hậu. Theo thứ tự nhắc tên thì ngờ
rằng 2 bà vương hậu này được lập sau. Chúng ta không biết tình trạng hôn nhân
thế kỷ thứ 10 ra sao, nhưng giả sử có lợi cho chúng ta là chỉ những người ở tầng
lớp trên mới lấy được nhiều vợ thì khả năng rất cao là Trịnh hoàng hậu và Phạm
hoàng hậu trở thành vợ sau khi Hoàn làm vua. Như thế chúng ta có cơ sở để xác lập
mối quan hệ thân tộc giữa Trịnh hoàng hậu với Trịnh Tú và Phạm hoàng hậu với Phạm
Cự Lạng. Thực chất của các cuộc hôn nhân này là vì mối quan hệ giữa các dòng họ
[Chúng ta cũng không thấy Trịnh Tú và Lưu Cơ trong cuộc chiến với Lê Hoàn]
Sách Toàn thư chép: “Kỷ Sửu [989]
Phong Thái tử Thâu làm Kình Thiên Đại vương, Hoàng tử thứ hai là Ngân Tích làm Đông
Thành vương, hoàng tử thứ ba là Việt làm Nam Phong vương. Vua sai Quản giáp là [Dương]
Tiến Lộc đi thu thuế hai châu Hoan và Ái, Tiến Lộc đem người của 2 châu ấy theo
về với Chiêm Thành. Chiêm Thành không nhận. Vua nghe tin đem quân đánh 2 châu
Hoan và Ái, bắt được Tiến Lộc và giết người 2 châu ấy không biết bao nhiêu mà kể
[Việt sử lược chép sự kiện Dương Tiến Lộc làm phản trước việc phong vương của 3
hoàng tử] Giáp Thìn [1004] Mùa xuân tháng giêng lập Nam Phong vương Long Việt làm
hoàng thái tử, gia phong Long Đĩnh làm Khai Minh Đại vương, Long Tích làm Đông
Thành Đại vương Ất Tỵ [1005] Mùa xuân tháng ba, vua băng ở điện Trường Xuân, gọi
là Đại Hành Hoàng Đế [Việt sử lược chép và Cương mục chép: Ở ngôi 24 năm thọ 65
tuổi] Tên huý là Long Việt, con thứ 3 của Lê Đại Hành, mẹ là Chi hậu Diệu Nữ. Lên
ngôi được 3 ngày thì bị em cùng mẹ là Long Đĩnh giết, thọ 23 tuổi [Việt sử lược
chép: Năm lên 9 tuổi Trung Tông được phong làm Nam Phong Vương. Thọ 25 tuổi. Cương
mục chép: Con gái quan Chi hậu tên là Diệu, không rõ họ là gì] Tên huý là Long Đĩnh,
con thứ 5 của Đại Hành ở ngôi 4 năm, thọ 24 tuổi [Việt sử lược chép: Năm Kỷ Dậu
[1009] Mùa xuân Minh Xưởng ở Tống về, xin được kinh Đại Tạng và dụ được người
con gái nước Tống là Tiêu thị đem dâng. Vua thu nạp làm cung nhân (…) Mùa đông
tháng 10 vua qua đời tại phòng ngủ trong điện. Ở ngôi 4 năm] Khi ấy Chi hậu Đào
Cam Mộc dò biết [Lý] Công Uẩn có muốn việc truyền ngôi”.
* Trong bài Phụ chú về thời Đinh Lê
tôi xác định năm Lê Hoàn chính thức lên ngôi [xưng hoàng đế] là năm 993. Nhưng
nay căn cứ vào Toàn thư chép năm Minh Xưởng về nước là năm 1009, vậy thì năm Lê
Hoàn xưng hoàng đế có thể lùi lại 1 năm, tức năm 994. Nên nay gọi cho chính xác
là cuối năm 993 đầu năm 994. Việc Lê Hoàn xưng hoàng đế năm 993 – 994 không mâu
thuẫn với thông tin lập 5 hoàng hậu [đúng phải là 5 phi] và phong vương cho các
con được ghi chép trong sách sử, vì như sách Toàn thư chép năm 979 Lê Hoàn tự xưng
là Phó vương và chính việc xưng là Phó vương này đã làm Nguyễn Bặc, Đinh Điền và
Phạm Hạp nghi ngờ Hoàn. Câu hỏi rất quan trọng là Hoàn xưng là Phó vương trước
hay sau khi đánh dẹp Nguyễn Bặc, Đinh Điền ? Vì đây là sự kiện rất quan trọng.
Có khi nào sau khi đánh dẹp Nguyễn Bặc và Đinh Điền, để chống lại quân Tống, các
tướng lĩnh muốn Hoàn lên ngôi, nhưng Hoàn chỉ xưng là Phó vương mà thôi ? Việc
Hoàn xưng là Phó vương trước hay sau sự kiện Nguyễn Bặc và Đinh Điền cho chúng
ta thấy Lê Hoàn có dã tâm hay không ?
* Sách Việt sử lược và Toàn thư chép
sai khác về tuổi của Lê Trung Tông. Sách nào là sách chép chính xác hơn đây ? Vì
thông tin về tuổi của Lê Long Việt là rất quan trọng. Sách Việt sử lược chép rằng
mẹ của Long Việt là “sơ hầu di nữ”. Nghĩa là con gái của người hầu người Di. Có
giả thuyết rằng: người Di hầu này là người Chiêm mà Lê Hoàn bắt được sau lần tấn
công Chiêm Thành năm 982. Và như sách Toàn thư thì năm Trung Tông mất là năm
1005, thọ 23 tuổi, nghĩa là Long Việt sinh năm 983. Hoàn toàn khớp với giả thuyết.
Và giả thuyết càng có lý hơn khi Lý Công Uẩn lên ngôi mà không vấp phải sự kháng
cứ nào của các công thần triều Lê, bởi vì Lê Long Đĩnh là con của Lê Hoàn với
người Di, là sự xúc phạm đến lòng tự tôn của người Việt. Thế nhưng nếu như Việt
sử lược chép đúng, Long Việt thọ 25 tuổi, tức là Trung Tông phải sinh năm 981 và
như thế thì Lê Long Việt và Lê Long Đĩnh không phải là con của Lê Hoàn với người
con gái Chiêm Thành. Có 2 lý do mà tôi cho rằng Long Việt không mang 2 dòng máu
Việt Chiêm: thứ nhất là sách sử tuy chép khác nhau song đều chép rằng Hoàn có
quan hệ tình cảm với con gái của người hầu, như vậy thì người hầu này phải ở
trong cung nhiều năm và Hoàn có mối quan hệ với con gái của người hầu, nếu như
năm 982 Hoàn bắt phụ nữ của Chiêm Thành về làm người hầu, thì lúc này sách sử sẽ
chép thẳng rằng Lê Hoàn có quan hệ với người hầu người Di, vì dù có bắt được cả
mẹ lẫn con thì cả 2 đều là người hầu và nếu như thế thì Hoàn phải quan hệ trực
tiếp với người hầu chứ không phải là con gái của người hầu, hiểu đơn giản thì
con gái của người hầu chưa hẳn đã là người hầu trong cung. Thứ hai là năm 979
Hoàn xưng là Phó vương, năm 982 Hoàn lập 5 hoàng hậu và việc lập 5 hoàng hậu
trước khi đánh Chiêm Thành. Vậy thì rất có thể Lê Hoàn đã có quan hệ với các hoàng
hậu này trước khi đánh Chiêm Thành, nếu đúng thì khả năng cao các bà hậu này phải
có bầu trước người con gái người Chiêm Thành, trong khi Long Việt là con thứ 3
cũng là con của người phụ nữ Chiêm Thành, thì rõ ràng là không ổn.
* Về con trai cả của Lê Hoàn là Lê
Long Thâu, chúng ta biết những gì ? Năm 989, Thâu được phong làm Kình Thiên Đại
vương, nhưng năm 1000 thì mất, năm này Đại Thánh Minh hoàng hậu cũng mất. 2 cái
chết này có gì mờ ám không ? Sách Toàn thư chép: “Mậu Tuất [năm 998] Tháng 6 cũng
không mưa. Dân bị bệnh ho, trâu ngựa chết nhiều”. Rất có thể cái chết của Đại
Thánh Minh hoàng hậu và Kính Thiên Đại vương liên quan tới dịch bệnh của 2 năm
trước. Chúng ta biết rằng Lê Hoàn sinh năm 941, đến năm 1000 thì ngài cũng đã
59 tuổi. Khả năng cao Đại Thánh Minh hoàng hậu họ Dương là vợ cả của Lê Hoàn và
cũng là mẹ của Lê Long Thâu, vậy thì bà cũng chẳng thua Lê Hoàn là mấy tuổi. Nếu
Lê Hoàn lấy vợ khoảng năm 24 tuổi (tức là năm 965) thì đến năm 980 vợ chồng Lê
Hoàn và Dương thị sinh sống với nhau là 15 năm. Vậy thì không những Lê Long Thâu
là con của Lê Hoàn và Dương thị mà 2 người còn có ít nhất là 1 người con trai nữa
là Lê Ngân Tích. Bà Đại Thánh Minh hoàng hậu này tôi ngờ là mang họ Dương, nhưng
không phải là bà Dương thị vợ của Đinh Bộ Lĩnh. Có lẽ vì cả 2 mang họ Dương nên
sử gia đã nhầm lẫn chăng ?
* Biến loạn năm 1005 được cho là Lê
Hoàn không lập thái tử sớm, tuy nhiên không phải là như vậy. Sách Toàn thư chép:
“Giáp Thìn [năm 1004] Trước đó Long Đĩnh xin làm thái tử, vua có ý muốn cho. Đình
thần nghị bàn cho rằng không lập con trưởng mà lập con thứ là không phải lễ.
Vua bèn thôi”. Rõ ràng là vua có ý lập thái tử nhưng bị can ngăn do không phải
lễ. Mà vua cũng đã thôi không làm trái lễ vậy thì sao nay lại làm trái lễ, lập
con thứ là Long Việt mà bỏ qua Ngân Tích ? Sách Toàn thư chép một sự kiện khá
thú vị là năm 989 Dương Tiến Lộc thu thuế 2 châu Hoan Ái, rồi làm phản. Chúng
ta biết đất Ái Châu, họ Dương rất thế lực, Lê Hoàn dùng người họ Dương là Tiến
Lộc đi thu thuế ở 2 châu Hoan Ái cho thấy Hoàn rất biết dùng người. Tuy nhiên họ
Dương đã cự lại. Xem kết cục của việc Hoàn dẹp loạn “giết người hai châu ấy không
biết bao nhiêu mà kể” thì rõ là họ Dương đã muốn ly khai. Đại Thánh Minh hoàng
hậu người họ Dương và Lê Ngân Tích là cháu ngoại họ Dương. Có lẽ đó là lý do Lê
Hoàn đã không muốn trao ngôi của Ngân Tích. Tuy nhiên một khó khăn xảy ra là Ngân
Tích lại bị người ở châu Thạch Hà giết. Đúng lý thì đất châu Hoan và Ái phải là
đất của Ngân Tích mới phải ? Ngân Tích phải an toàn ở đó mới đúng ? Câu trả lời
có thể là đất bắc trung bộ thời ấy có nhiều thế lực, mà họ Dương chỉ là dòng họ
thế lực nhất mà thôi.
* Như thế nói rằng Lê Hoàn không có
chút tình riêng thì cũng không phải ? Việc Hoàn định cho Long Đĩnh làm thái tử [có
lẽ sau cái chết của Lê Long Thâu năm 1000, Lê Long Đĩnh đã xin Lê Hoàn cho làm
thái tử] rõ là có tình riêng, nhưng do phản đối nên cho anh cùng mẹ của Đĩnh là
Long Việt làm thái tử. Hoàn cho con của con gái người hầu làm thái tử, vậy Lê
Hoàn có phong con của người hầu là hoàng hậu không ? Theo như sách sử thì không
? Có khi nào sách sử chép sai không ? Và quan trọng là người con gái của người
hầu này là ai ? Sách Toàn thư chép: “Tân Sửu [năm 1001] Vua thân đi đánh giặc Cử
Long, vua cũ là Vệ Vương Toàn trúng tên chết tại trận. Vua kêu trời ba tiếng”.
Sách Cương mục thì bàn rằng: Lê Hoàn lợi dụng cơ hội, đã cướp lấy nước người
ta, lại không khéo đối đãi chúa cũ, đẩy vào chỗ chết, thế nào mà Toàn chẳng đến
chỗ tử vong. Điều trùng hợp là năm Toàn chết cách 1 năm sau cái chết của Đại Thánh
Minh hoàng hậu họ Dương, mà chúng ta biết rằng mẹ của Toàn cũng là người họ Dương
? Có khi nào 2 vị phu nhân này có mối quan hệ thân tộc, chính vì thế mà Lê Hoàn
không giám ra tay với Đinh Toàn, phải chờ tới khi vợ họ Dương chết mới ra tay ?
Nhưng mà, rõ ràng là Lê Hoàn đã có được mọi thứ, thì cần gì hại tới Vệ vương làm
gì nữa ? Có lẽ đây chỉ là trùng hợp mà thôi.
Bài
Điềm báo thảm trong giấc mơ mẹ vua Lê Trung Tông của tác giả Lê Thái Dũng viết:
“Theo dã sử, mẹ của hai vua sau một lần đi cầu tự, lúc trở về cung nằm mơ thấy
hai con rồng từ trên trời bay xuống hóa thành hai đứa bé trai tranh nhau mặt trời,
một đứa nói: “Ta là anh, sao dám tranh giành với ta?”, đứa bé kia ngần ngừ một
lát rồi trao trả mặt trời sau đó quay đi, nhưng suy nghĩ một lát nó chạy lại cầm
dao đâm anh gục xuống mà nói: “Mặt trời là của báu của thiên hạ, anh thì anh ta
cứ giành cho được”, sau đó cướp lấy mặt trời chạy đi. Bà Diệu Nữ giật mình tỉnh
giấc, lòng lo lắng bất an. Ít lâu sau bà có mang, đến năm Quý Mùi (983) sinh một
người con trai, nhớ lại giấc mơ rồng giáng hạ mới đặt tên con là Long Việt; năm
Bính Tuất (986) sinh thêm một người con trai nữa đặt tên là Lê Long Đĩnh. Hai
người con sau này đều làm vua, đó chính là Lê Trung Tông và Lê Ngọa Triều, và
bi kịch em giết anh cướp ngôi đã diễn ra đúng như trong giấc mộng năm xưa của
người mẹ”.
Tống
sử chép: “Cảnh Đức năm thứ nhất [1001] sai con là Thứ sử Hoan Châu Minh Đề sang
cống (…) Năm thứ ba [1006] Hoàn chết, lập con giữa là Long Việt (…) Em là Long Đình
sát hại Long Việt, tự lập làm vua (…) Năm thứ tư Long Đình xưng quyền An Nam Tĩnh
Hải quân lưu hậu, khiển em là Phong Châu thứ sử Minh Sưởng, phó sứ An Nam Chưởng
thư ký điện trung thừa Hoàng Thành Nhã cùng vào cống (…) Chí Trung vừa hai mươi
sáu tuổi, bạo nguợc không có phép độ, người trong nước không theo. Viên Đại hiệu
Lí Công Uẩn đặc biệt làm người thân cận của Chí Trung, từng lệnh cho Công Uẩn
mang họ Lê. Năm đó [1010] liền bắt giữ Chí Trung, đuổi đi, giết bọn Minh Đề,
Minh Xưởng, tự xưng Lưu hậu, sai sứ cống nạp.
Tục
tư trị thông giám: “Lê Chí Trung của Giao Châu bạo ngược, người trong nước
không theo, viên Đại hiệu Lí Công Uẩn là người thân cận của Chí Trung, bèn đuổi
Chí Trung ra thành mà giết đi. Hai em của Chí Trung là Minh Đề, Minh Xưởng
tranh ngôi, Công Uẩn lại giết họ, tự xưng Lưu hậu, sai sứ cống nạp”.
Sách
Toàn chư chép: “Sách Địa chí bản cũ chép vua băng vào năm Bính Ngọ [1006] đó là
lấy khi Ngoạ Triều xin mệnh [nhà Tống] mà chép, không phải là thực. Nay theo Lê
Văn Hưu là đúng”.
*
Đúng như sách Toàn thư chép. Tống sử chép năm Lê Hoàn mất sau 1 năm so với sách
sử Việt Nam. Cũng theo Tống sử năm Chí Trung [Lê Long Đĩnh] chết là năm 1010,
khi ấy Ngoạ Triều 26 tuổi. Vậy Ngoạ Triều sinh năm 985. Tức là sai lệch so với
sách Toàn thư 1 năm. Chúng ta có thể biết được mẹ của Long Việt và Ngoạ Triều
không ? Sách Toàn thư chép: “Vua trừ nội gian mà lấy được nước, đuổi giặc ngoài
để yên dân, trong nước thanh bình, bắc nam vô sự, tiếc rằng không sớm chọn con
nối, khiến cho con cái tranh nhau bên trong, dẫn đến mất ngôi, về đạo vợ chồng
có nhiều điều đáng thẹn”. Vua trừ nội gian vậy nội gian là ai ? Chắc không phải
là Đỗ Thích rồi, vì Thích do Nguyễn Bặc giết ? Không lẽ là Nguyễn Bặc, Đinh Điền,
Phạm Hạp ? Vì sách Toàn thư cũng chép: “Khi Điền và Bặc cất quân, Thái hậu nghe
tin, lo sợ bảo Hoàn rằng: Bọn Bặc dấy quân khởi loạn làm kinh động nước nhà
ta”. Còn việc đạo vợ chồng có điều đáng thẹn là các sử gia muốn nói về điều gì
? Phải chăng là chuyện Hoàn lập tới 5 vợ ? Trước đó Ngô Quyền rồi Đinh Bộ Lĩnh
đều có nhiều hơn 1 vợ. Có lẽ các sử gia muốn nói tới chuyện Hoàn thông dâm với
Dương thị vợ của Bộ Lĩnh hoặc là cả chuyện hoàng có mối tư tình với con gái của
người hầu ? Sách Cương mục chép: “Thái Hậu, con gái quan chi hậu tên là Diệu,
không rõ họ là gì”. Đây là thông tin khá thú vị, chỉ tiếc rằng thông tin này cách
sự kiện quá xa và lại không thấy dẫn nguồn sử ghi chép, nên ở đây tôi chỉ đặt
ra giả thuyết, không giám kết luận: Nếu đúng Long Việt thọ 25 tuổi như Việt sử
lược, thì Trung Tông sinh năm 981, vậy Hoàn phải quan hệ với con gái của quan
chi hậu trước năm 981. Có 3 thời điểm khá thú vị giai đoạn này là mùa đông năm
979, năm 980 và mùa xuân năm 981. Thời điểm Hoàn có quan hệ với người con gái của
quan chi hậu là rất quan trọng, tuy nhiên chúng ta không thể xác định, căn cứ
duy nhất là 1 căn cứ rất yếu, đó là Lê Hoàn có rất nhiều con, nghĩa là Lê Hoàn
không cần tư tình trong thời gian dài mới có thể sinh Long Việt, nói cách khác,
có thể thời điểm Lê Hoàn có quan hệ với con gái của quan chi hậu là trong năm
980 xảy ra cao nhất, khi ấy Hoàn là Phó vương, lại nắm giữ quân đội. Cũng không
loại trừ Hoàn có mối quan hệ lén lút từ trước năm 980, như vậy thì khả năng rất
cao, quan chi hậu ở đây là Đỗ Thích và như thế sự lén lút này của Hoàn khiến
người ngoài nghi ngờ rằng Hoàn có mối quan hệ với vợ của Đinh Bộ Lĩnh. Và tất
nhiên việc Đỗ Thích có mặt tại hiện trường vụ ám sát Đinh Liễn không phải là ngẫu
nhiên, cũng có lẽ vì mối quan hệ đặc biệt này mà Hoàn có tư thù với Nguyễn Bặc,
người đã giết cha của người tình của Lê Hoàn và cũng có thể vì món nợ này mà
sau Lê Hoàn rất ưu ái con gái và cháu ngoại của quan chi hậu Đỗ Thích. Nhưng đó
chỉ là giả thuyết, thực sự rất yếu bởi nếu bà Diệu là con gái của Đỗ Thích, một
nhân vật biết rõ tên tuổi, quê quán, quá trình tiến thân thì không có lý gì các
sử gia không biết về bà, hơn thế nữa sau án giết vua, thì việc người thân của Đỗ
Thích bị giết cũng không khó hiểu, vậy thì rất khó để bà Diệu sống sót được để
mà sinh Lê Long Đĩnh năm 985, trừ khi Lê Hoàn che giấu, bảo vệ người tình, nhưng
nếu thế sử sách cũng phải chép lại chứ sao lại không có dòng nào ?
*
Một nhân vật quan chi hậu nữa được sử sách chép lại trong quãng thời gian này là
Đào Cam Mộc. Sách Toàn thư chép: “Kỷ Dậu [1009] Khi ấy Chi hậu là Đào Cam Mộc dò
biết Công Uẩn có muốn nhận việc truyền ngôi, mới nhân lúc vắng mà nói khích rằng:
Gần đây chúa thượng ngu tối bạo ngược, làm nhiều việc bất nghĩa, trời chán ghét
nên không cho hết thọ, con nối thơ ấu, không kham nổi nhiều việc khó khăn. Mọi
việc phiền nhiễu thần linh, dân chúng nháo nhác, mong tím chân chúa. Sao Thân vệ
không nhân lúc này nghĩ ra mưu cao, quyết đoán sáng suốt, trên thuận lòng trời,
dưới theo ý dân, mà cứ khư khư giữ tiểu tiết làm gì”. Bà Diệu có phải là con gái
của Đào Cam Mộc hay không ? Nếu như phải thì Lê Ngoạ Triều là cháu ngoại của
Cam Mộc, nếu vậy thì Cam Mộc phải giữ ngôi vị hoàng đế cho con của Ngoạ Triều là
Sạ mới phải ? Sách Toàn thư chép: “Công Uẩn trong lòng thích lời nói đó, nhưng
còn ngờ Cam Mộc có ý khác, mới giả cách mắng rằng: Sao ông lại nói thế, tôi phải
bắt ông nộp quan (…) Cam Mộc thong thả bảo Công Uẩn rằng: Tôi thấy thiên thời
nhân sự như thế, cho nên mới dám phát ngôn. Nay ông muốn cáo giác tôi, tôi không
phải là người sợ chết (…) Công Uẩn nói: Tôi đâu nỡ cáo giác ông, chỉ sợ lời nói
tiết lộ ra thì chết ráo (…) Hôm sau Cam Mộc lại bảo Công Uẩn: Thân vệ còn nghi
ngại gì nữa (…) Công Uẩn nói: Tôi hiểu ý ông, không khác gì ý của thầy Vạn Hạnh,
nếu thực như lời ấy phải tính thế nào (…) Cam Mộc biết việc cần kíp, sợ sinh biến,
mới nói chuyện với các khanh sĩ và các quan, ai cũng vui theo. Ngay ngày hôm ấy,
điều họp cả ở trong triều (…) thế rồi cùng dìu Công Uẩn lên chính điện, lập làm
thiên tử, lên ngôi hoàng đế”. Rõ ràng là Cam Mộc có ý phụ tá Công Uẩn lên ngôi!
Chúng ta hiện chỉ xác định được 3 người hoàng hậu của Lê Hoàn, còn 2 vị nữa là Phụng
Càn Chí Lý Hoàng Hậu và Thuận Thánh Minh Đạo Hoàng Hậu là chưa xác định được thân
thế. Liệu bà Diệu có phải là 1 trong 2 bà này không ? Rất là khó, vì nếu vậy sử
sách hẳn đã ghi chép. Vậy là Lê Hoàn đã không phong người tình của mình làm hoàng
hậu. Thế thì rất khó để phong cho cha vợ chức tước lớn trong triều. Nhưng Ngoạ
Triều thì lại phong cho mẹ làm Hưng Quốc Quảng Thánh Hoàng Thái Hậu. Vậy thì
Ngoạ Triều cũng không ngần ngại phong cho ông ngoại chức tước quan trọng, chứ
không lý gì chỉ để giữ chức Chi hậu [chức hầu cận nhà vua] Tuy nhiên chúng ta lại
thấy ở đây, một quan chi hậu nhỏ bé lại có 1 vai trò quan trọng, Cam Mộc là người
nói với Công Uẩn nên lên ngôi, sau đó lại chính Cam Mộc kêu gọi, họp bàn với các
quan để đưa Công Uẩn lên ngôi. Rõ ràng một quan chi hậu không đủ sức làm việc ấy.
Như sách Toàn thư chép về sự đối đãi của Công Uẩn đối với Cam Mộc, chúng ta sẽ
thấy hết tầm quan trọng của Mộc: “Kỷ Dậu [1009] Gả con gái trưởng là công chúa
An Quốc cho Đào Cam Mộc, phong Cam Mộc là Nghĩa Tín Hầu”. Đây không hẳn là sự ghi
công, vì nếu là ghi công thì chỉ cần phong là Nghĩa tín hầu là đã đủ, việc gả công
chúa trưởng cho Cam Mộc có phải bắt đầu từ tình yêu ? Sách Toàn thư chép: “Ất Mão
[1015] Đào Cam Mộc chết, tặng Thái sư á vương”. Khi kết hôn với công chúa An Quốc,
có lẽ Cam Mộc đã rất nhiều tuổi, nên cuộc hôn nhân này cần phải xem xét dưới góc
độ mối quan hệ giữa các dòng họ.
Sách
Toàn thư chép: “Tân Mão [991] Mùa xuân tháng 2 sai Đào Cần sang nhà Tống đáp lễ
(…) Kỷ Dậu [1009] Phong Đào Thạc Phụ làm Thái bảo (…) Tân Hợi [1011] Mùa hạ tháng
4 sai viên ngoại lang Lý Nhân Nghĩa và Đào Khánh Văn sang thăm nước Tống để đáp
lễ (…) Mậu Thìn [1028] Lấy Đào Xử Trung làm Thái bảo (…) Đào Văn Lôi làm Tả phúc
tâm (…) Quý Dậu [1033] Châu Định Nguyên làm phản. Tháng 2 vua thân đi đánh, cho
Đông cung thái tử giám quốc. Mồng 8 quân đi từ Kinh sư, đóng lại ở châu Chân Đăng
[Vĩnh Phú] có người đàn bà họ Đào dâng con gái, vua nhận cho làm phi”.
Rõ
ràng là họ Đào rất có thế lực ở đất Phong Châu. Nhưng câu chuyện chỉ có thế ? Sách
Toàn thư chép: “Canh Tuất [1010] Mùa xuân tháng 2 xa giá về châu Cổ Pháp, ban
tiền lụa cho các bô lão trong làng (…) Sai viên ngoại lang Lương Nhậm Văn và Lê
Tái Nghiêm sang nước Tống để kết hảo. Vua thấy thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp,
không đủ chỗ ở của đế vương, muốn di dời đi nơi khác, tự tay viết chiếu truyền
rằng: “Ngày xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh 5 lần dời đô, nhà Chu đến Thành vương
3 lần dời đô, há phải các vua thời Tam đại ấy theo ý riêng tự dời đô xằng bậy đâu.
Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn
đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên
vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng
(…) cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi,
trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể dời đô. Huống
chi thành Đại La, đô cũ của Cao vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng
cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này
mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng
tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng
địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư
mãi muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào”.
Trong việc dời đô này, ngoài cái vị thế mà vua Lý cho thấy qua Chiếu, còn có
nguyên do của tình hình chính trị thời điểm đó. Vua Lê Hoàn có nhiều người con
trai, sau cái chết của ngài, các con đã tranh ngôi, khiến đất nước khói lửa suốt
8 tháng, khi Lê Long Đĩnh lên ngôi thì cũng thân chinh đi dẹp loạn ở khắp nơi,
sau cái chết của Ngoạ Triều nước Việt thực khổ sở. Công Uẩn lúc này giữ binh lực,
có thầy Vạn Hạnh ủng hộ, lại là con rể của vua Lê Hoàn nên nhận ngôi vị hoàng đế,
thế nhưng thế lực họ Lê còn rất mạnh, không những thế những thế lực ở đất Hoa Lư
như họ Nguyễn, họ Đinh vẫn còn đương mạnh. Trong thế ấy phương án tốt cho Công
Uẩn là dời đô về Đại La, nơi mà họ Lý rất mạnh. Tuy nhiên họ Lý không phải là độc
tôn ở vùng Đại La, phía bắc có họ Đào họ Thân, phía đông có họ Đỗ và như chúng
ta đã thấy vua Lý đã ứng biến mối quan hệ giữa các dòng họ thông qua hôn nhân
như thế nào.
*
Trong bài Bàn về thân thế của Lý Công Uẩn tôi có đưa ra bằng chứng cho thấy Lý
Công Uẩn là người châu Cổ Pháp, còn thông tin Công Uẩn là người Mân chỉ là tin
đồn. Chúng ta có thể xác định rõ hơn thân thế của ngài Công Uẩn không ? Sách sử
đều chép rằng: Mẹ ngài người họ Phạm. Sách Toàn thư thì chép rằng: “Kỷ Mão [979]
Điền, Bặc đã chết, quân Phạm Hạp mất hết khí thế, tan chạy về hương Cát Lợi ở Bắc
Giang. Hoàn dẫn quân đuổi theo, bắt sống được Hạp đem về Kinh sư”. Sách Việt sử
lược thì không thấy chép về Phạm Hạp chống lại Lê Hoàn. Sách Cương mục chép: “Kỷ
Mão [979] Nguyễn Bặc, Đinh Điễn đã chết rồi, quân của Phạm Hạp mất tinh thần,
chạy lên Bắc Giang, Lê Hoàn đưa quân đuổi theo, bắt đưa về kinh đô, giết chết
(…) Phạm Hạp người Nam Sách (…) Canh Thìn [980] Dương hậu sai Lê Hoàn lựa tuyển
dũng sĩ để kháng chiến, cho Phạm Cự Lạng Phạm làm Đại tướng quân (…) Cự Lạng em
Phạm Hạp”. Vậy là sách Toàn thư và sách Cương mục chép sai khác nhau ở tình tiết,
Phạp Hạp bị giết. Có 2 câu hỏi quan trọng ở đây ? Thứ nhất Phạm Cự Lạng được làm
Đại tướng quân, cho thấy đó là người rất giỏi và rất có thể lực ở phía đông, Lạng
là em của Hạp vậy thì vì sao khi thua Hạp không chạy về Nam Sách để nương nhờ
em trai mà lại chạy về Bắc Giang. Thứ hai nếu Lạng đúng là em của Hạp thì vì
sao Lạng lại đầu quân cho Lê Hoàn người giết anh trai của mình ? Có lẽ sách Toàn
thư chép đúng, Hoàn bắt được Hạp nhưng không giết, ngược lại, Hoàn muốn nhân đó
mà thu phục em trai của Hạp là Cự Lạng. Phạm Hạp và Cự Lang cũng chưa hẳn là
anh em ruột, mà có thể là anh em họ. Vùng ảnh hưởng của họ Phạm ở mạn phía đông
và phía đông bắc, trong đó Cự Lạng làm chủ vùng phía đông, còn Phạm Hạp làm chủ
vùng phía đông bắc [Tôi ngờ rằng: Phạm Hạp là con của Phạm Bạch Hổ] Câu hỏi thêm
là bà Phạm thị mẹ của Lý Công Uẩn có mối quan hệ thân tộc với Phạm Hạp hay không
? Thời điểm của loạn sứ quân, họ Lý mà tiêu biểu là sứ quân Lý Khuê chiếm giữ vùng
Siêu Loại ngay sát với Đằng Châu, căn cứ của sứ quân Phạm Bạch Hổ là đại diện sức
mạnh của họ Phạm. Việc 2 dòng họ lớn ở sát bên nhau hẳn sẽ hình thành những cuộc
hôn nhân mang tính chất chính trị.
Sách
Toàn thư chép: “Thái Tổ Hoàng Đế. Họ Lý, tên huý là Công Uẩn. Người châu Cổ Pháp
Bắc Giang, mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn [Trường Liêu] cùng với người thần
giao hợp rồi có chửa, sinh vua ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình
thứ 5 [974] thời Đinh (…) Vua sinh ra mới 3 tuổi, mẹ ẵm đến nhà Lý Khánh Văn.
Khánh Văn bèn nhận làm con nuôi (…) Lúc còn nhỏ đi học, nhà sư ở chùa Lục Tổ là
Vạn Hạnh thấy khen rằng: Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt
có thể giải nguy gỡ rồi, làm bậc minh chủ trong thiên hạ”. Sách Việt sử lược chép:
“Vua Thái Tổ tên huý là Uẩn, họ Nguyễn [Lý] người ở Cổ Pháp thuộc Bắc Giang. Mẹ
là người họ Phạm, sinh ra ngài vào ngày 17 tháng 2 năm thứ 5 niên hiệu Thái Bình
(…) Lúc nhỏ, vua thông minh, tính khi khôi hoạt rộng rãi. Tới học ở chùa Lục Tổ
thiền sư Vạn Hạnh thấy cho là khác lạ”. Sách Cương mục chép: “Công Uẩn người làng
Cổ Pháp, thuộc Bắc Giang, tư chất thông sáng, hình dạng tuấn tú khác đời. Khi còn
nhỏ thường học nhà sư Vạn Hạnh (…) Mẹ ngài là Phạm thị, đi chùa Tiêu Sơn, gặp
thần nhân giao cấu, do đấy có thai, sinh ngài năm Giáp Tuất, Thái Bình thứ 5 đời
Đinh. Khi ngài lên 3 tuổi, sư chùa Cổ Pháp là Lý Khánh Văn nuôi làm con, nhân đấy
lấy theo họ Lý”. Sách Việt sử tiêu án chép: “Ngoại truyện lại nói: Mẹ vua năm
20 tuổi nghèo hèn không có chồng, nương tựa người lão Sa môn ở chùa Ứng Thiên,
làm việc thổi nấu, khi lửa tắt và bà đang lơ mơ ngủ, lão Sa môn ngẫu nhiên chạm
phải, giật mình trở dậy rồi cho thai mà sinh ra vua”.
*
Chúng ta thấy rằng sách sử chép sai khác vài điểm, sách Việt sử lược chỉ chép về
mẹ của vua Lý người họ Phạm, không thấy nhắc đến Lý Khánh Văn, trong khi sách
Toàn thư thì chép thêm về Khánh Văn. Câu hỏi là thông tin về Khánh Văn sách Toàn
thư lấy ở đâu ? Có phải từ Lê Văn Hưu hay từ những thông tin dã sử ? Sách Toàn
thư chép rằng khi Công Uẩn được 3 tuổi, bà Phạm thị mang tới nhà của Lý Khánh Văn,
trong khi sách Cương mục xác định rõ hơn, Lý Khánh Văn là thiền sư chùa Cổ Pháp.
Không rõ sách Cương mục dựa vào đâu để xác định thông tin này. Trong khi sách
Toàn thư chép rằng bà Phạm thị mang Công Uẩn tới nhà Lý Khánh Văn, thì nghĩa là
Khánh Văn không phải là thiền sư và quan trọng hơn, vì sao bà lại đem con mình
tới gặp Lý Khánh Văn ? Các sách Toàn thư và Cương mục đều xác nhận rằng vua Lý
là con của bà Phạm thị với Thần nhân, nhưng đây chỉ là cách làm đẹp hình ảnh
vua Lý, trong khi sách Việt sử lược thì không chép việc bà Phạm thị có mối quan
hệ với thần nhân, thêm nữa đến Ngô Thì Sĩ chép Việt sử tiêu án lại thu thập được
thông tin từ dã sử viết rằng: Mẹ của Công Uẩn là người phụ nữ nghèo khó, thổi nấu
cho nhà chùa, bị thầy Sa môn chạm vào mà có bầu. Chúng ta thấy rằng thông tin về
vua Lý Công Uẩn luôn luôn được gia thêm theo thời gian, sách Việt sử lược chép
ngài là con bà Phạm thị, sách Toàn thư gia thêm bà Phạm thị có thai với thần nhân
và xuất hiện nhân vật bố nuôi là Lý Khánh Văn, sách Việt sử tiêu án gia thêm bà
Phạm thị có bầu do lão Sa môn trong chùa chạm phại, cho đến sách Cương mục thì
Quốc sử quán triều Nguyễn đã phải chép rằng: Không thể khảo được cứ tạm chép lại.
Sách Cương mục lúng túng trước rất nhiều thông tin sử và phải đặt câu hỏi: Không
biết Lý Công Uẩn phong cho cha là Hiển Khánh Vương là cha nào ? Cha đẻ hay cha
nuôi. Thế nhưng nếu chúng ta bám sát vào Việt sử lược thì sẽ nhận thấy ngay,
trong tư duy của tác giả, Hiển Khánh Vương phải là cha đẻ của Lý Công Uẩn, vì tác
giả không hề biết tới sự tồn tại của cha nuôi Lý Khánh Văn và tất nhiên Võ Oai
Vương, Dực Thái Vương đều là người thân ruột thịt của vua Lý. Mọi sự có lẽ chỉ đơn
giản là cha đẻ của Lý Công Uẩn mất sớm, không mấy người biết tên tuổi, rồi lại
thêm kỵ uý nên chẳng khi nào nhắc tới tên cúng cơm, thành ra các sử gia không
biết tới mà chép lại. Sách Toàn thư chép: “Phong cho con Vũ Uy Vương là Trưng
Hiển làm thái uý”. Tống sử chép: “Năm Thiên Thánh thứ 6 [1028] sai Hoan Châu thứ
sử Lý Công Hiển vào cống”. Nhân vật Công Hiển này rất có thể là Trưng Hiển, nếu
vậy ngay như sử phương bắc cũng xác nhận nhân vật này mang họ Lý. Vậy thì họ hàng
của Lý Công Uẩn gồm: anh vua làm Vũ Uy Vương [người mang sư Vạn Hạnh đi giấu]
chú vua làm Vũ Đạo Vương, em vua làm Dực Thánh Vương đều mang họ Lý. Ngay như bài
văn trên bông gạo bị sét đánh trong 2 sách Việt sử lược và Toàn thư đã cho thấy
sự khác nhau khá thú vị. Trong sách Toàn thư có chép nhiều hơn 2 câu là “Đông A
nhập địa / Mộc dị tái sinh”. Sư Vạn Hạnh tự đoán rằng: “Đông A là chữ Trần, nhập
địa là phương bắc vào cướp, Mộc dị tái sinh là họ Lê khác lại sinh ra”. Rõ ràng
người chép sử Toàn thư phải sống thời Hậu Lê. Trong khi sách Việt sử lược chỉ dừng
lại ở “Thập bát tử là chữ Lý”. Nghĩa là người chép sử sống thời Lý hoặc nếu không
thì người chép sử cũng chép đúng nguyên bản, mà tác giả của nguyên bản sống thời
Lý. Thế để thấy rằng Ngô Sĩ Liên đã thu thập các thông tin từ dã sử để chép vào
sách Toàn thư, không chỉ có thế tôi ngờ rằng những thông tin từ dã sử mà Sĩ Liên
thu thập, được sáng tạo, cũng cách không xa thời của Sĩ Liên sống là bao. Hoặc ít
nhất là chúng ta cũng có bằng chứng để ngờ rằng Sĩ Liên đã không chép đúng như Đại
Việt sử ký của Lê Văn Hưu. Tôi cho rằng: sử gia Lê Văn Hưu không có thông tin về
cha đẻ của Lý Công Uẩn, việc này khiến cho người đời sau đã sáng tạo nêu câu
chuyện bà Phạm thị có thai với Thần nhân và để giải thích cho việc Công Uẩn
mang họ Lý thì dân gian tiếp tục sáng tạo ra nhân vật Lý Khánh Văn nhận nuôi Công
Uẩn, để từ đó Uẩn mang họ Lý. Nhưng việc Công Uẩn lên 7 tuổi tới học thầy Vạn Hạnh
thì có thể tin được.
*
Sách Toàn thư chép: “Kỷ Dậu [979] Truy phong cha là Hiển Khánh Vương, mẹ là
Minh Đức Thái Hậu. Lê Văn Hưu nói: Lý Thái Tổ ta đã xưng đế mà truy phong cha là
Hiển Khánh Vương, bấy giờ lễ quan không biết cải chính, thế là tự ti vậy (…)
Canh Tuất [1010] Lê Văn Hưu nói: Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu
chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng 8 chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng
tu chùa quán ở các lộ và độ cho lằm tăng hơn nghìn người ở Kinh sư, thế thì tiêu
phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chứng nào mà kể (…) Mậu Ngọ [1018]
Mùa xuân tháng 2 truy phong bà nội làm hậu và đặt tên thuỵ. Sử thần Ngô Sĩ Liên
nói: Vua đến đây mới truy phong cho bà nội, đó là lỗi chậm trễ (…) Kỷ Mùi [1019]
Mùa xuân tháng giêng dựng Thái Miếu ở phủ Thiên Đức”. Chúng ta thấy rằng: Lý Công
Uẩn xưng đế mà chỉ truy phong cha làm vương, liền bị Lê Văn Hưu phê, vậy mà mãi
tới năm 1018 vua mới truy phong cho bà nội mà không thấy Lê Văn Hưu phê, mà chỉ
thấy Ngô Sĩ Liên phê. Vì sao chúng ta đoán được rằng Lê Văn Hưu không phê, ấy là
vì nếu Lê Văn Hưu phê thì thường Ngô Sĩ Liên sẽ chép lại lời phê ấy, chỉ khi nào
Sĩ Liên có ý khác thì mới chép rõ cả 2 lời phê. Trong trường hợp của mục năm
1018, Lê Văn Hưu không phê ? Hay Lê Văn Hưu không biết ? Nghĩa là thông tin vua
Lý truy phong cho bà nội là do sử gia Ngô Sĩ Liên thu thập và chép vào ? Lê Văn
Hưu phê rằng vua Lý Thái Tổ lên ngôi được 2 năm mà tông miếu chưa dựng lại đi dựng
chùa khắp nơi, có lẽ Lê Văn Hưu không hình dung ra hoàn cảnh của vua Lý Công Uẩn
thời điểm đó. Vua lên ngôi trong lo lắng, rồi ngay sau đó là dời đô về đất mới,
các thế lực ở khắp nơi nổi lên, vua mà cứ khư khư lấy cho mình, không tung tiền
ra để dựng chùa, nhằm xoa dịu các thế lực thì e là họ Lý không truyền được 8 đời.
Lê Văn Hưu phê không đúng vì không ở trong hoàn cảnh của ngài Công Uẩn, Ngô Sĩ
Liên chỉ xem chiếu dời đô trong đối chiếu với nhà Thương, nhà Chu mà không thấy
cái nguy của Công Uẩn nơi cố đô Hoa Lư, nhắc lại việc này để đặt câu hỏi cho chúng
ta hiện tại: Chúng ta có thể nhìn về quá khứ với vị trí hiện tại không ? Tất
nhiên là có, nhưng rõ ràng đó không bao giờ là cái nhìn công bằng đối với tiền
nhân, chúng ta phải đặt trong hoàn cảnh lịch sử của họ mới có thể bình. Chúng
ta cứ tranh luận hoài về công tội của nhà Nguyễn mà không biết rằng lịch sử có
nhiều hơn 2 khái niệm công và tội, thay vì chúng ta hỏi triều Nguyễn có công
hay có tội, tốt hay xấu thì chúng ta cần đặt thêm câu hỏi rằng các chính sách của
nhà Nguyễn có là hợp lý với hoàn cảnh hay không ? Ngay như việc bàn công tội chúng
ta đã không công bằng, chúng ta chỉ biết vua Nguyễn Ánh cõng rắn cắn gà nhà mà
không biết vua Hàm Nghi chống Pháp phải đi đày. Vậy nên sẽ công bằng hơn nếu chúng
ta bàn thật rõ rằng vị vua ấy của triều đại ấy trong quãng thời gian ấy rơi vào
hoàn cảnh ấy và cuối cùng hành động như vậy. Không nên chỉ vì vua Nguyễn Ánh mà
cho rằng cả nhà Nguyễn là cõng rắn cắn gà nhà, đó chẳng khác gì chuyện thầy bói
xem voi. Và tất nhiên là bao gồm cả chiều ngược lại.
*
Trở lại với họ Lê. Sau cái chết của Lê Hoàn, các vương hầu tranh ngôi, cuối cùng
thì Lê Long Việt chiến thắng, lúc này Lý Công Uẩn đang theo giúp Lê Trung Tông.
Sự kiện em trai cùng mẹ Lê Long Đĩnh sai người trèo tường lẻn vào cung lúc nửa đêm
để hành thích Trung Tông và sau đó là sự kiện các quan lại sự hãi bỏ chạy, chỉ
có Công Uẩn ôm xác Trung Tông mà khóc, Lê Long Đĩnh cho là trung nên phong chức,
đã hình thành dấu hỏi: Cái chết của Trung Tông có liên quan tới Lý Công Uẩn hay
không ? Nhất là sau này dưới triều đại Lê Ngoại Triều, Công Uẩn là 1 đại thần
thân tín. Sách Toàn thư chép: “Vua [Trung Tông] không biết phòng giữ từ khi mới
chớm, đến nỗi bị hoạ nạn, tính nhân hậu nhưng không biết làm vua, tiếc thay (…)
Sau khi Đại Hành Hoàng Đế băng, vua cùng hai vương Đông Thành, Trung Quốc và em
cùng mẹ là Khai Minh vương tranh ngôi, giằng co 8 tháng, trong nước không có chủ
(…) Cam Mộc nói: “Thân vệ [Công Uẩn] là người khoan thứ, nhân từ, lòng người chịu
theo (…) Công Uẩn lên chính điện, lập làm thiên tử, lên ngôi hoàng đế (…) Đại xá
cho thiên hạ (…) Đốt giềng lưới, bãi ngục tụng, xuống chiếu từ nay ai có việc
tranh kiện cho đến triều tâu bầy, vua thân xét quyết (…) Vua [Công Uẩn] ứng mệnh
trời, thuận lòng người, nhân thời mở vận, là người khoan thứ nhân từ, tinh tế
hoà nhã, có lượng đế vương (…) Hạ lệnh cho các hương ấp, nơi nào có chùa quán đã
đổ nát phải sửa chữa lại (…) Đại xá các thuế khoá cho thiên hạ trong 3 năm, những
người mồ côi, goá chồng, già yếu, thiếu thuế lâu năm đều tha cho cả. Cắt áo quần,
lương thực thuốc men cho 28 người lính man bị Ngoạ Triều bắt, sai người đưa về
quê cũ (…) Sách phong Hoàng thái tử Phật Mã làm Khai Thiên Vương, làm cung Long
Đức ở ngoài thành cho ở, ý muốn thái tử hiểu biết mọi việc của dân”. Rõ ràng Lý
Công Uẩn là con nhà phật nên việc các quan lại bỏ trốn hết, chỉ có Công Uẩn ôm
xác vua mà khóc, rất khó là diễn trò, lòng trung là thật.
Sách
Toàn thư chép: “Ất Tỵ [1005] Mùa đông vua [Ngoạ Triều] cướp ngôi, tôn hiệu là
Khai Thiên Ứng Vận Thánh Vân Thần Vũ Tắc Thiên Sùng Đạo Đại Thắng Minh Quang Hiếu
Hoàng Đế [Sách Việt sử lược chép: Khai thiên ứng vận thánh thần võ tắc sùng đạo
đại thăng minh quang hiếu hoàng đế] Lập bốn hoàng hậu. Ngự Bắc vương cùng với
Trung Quốc vương chiếm trại Phù Lan làm phản. Vua thân đi đánh. Đến Đằng Châu (…) Lê Hấp Ni làm phản. Vua sai bắt tra hỏi,
Hấp Ni và những kẻ dự mưu 12 người đều bị giết (…) Chém Trung Quốc vương (…) rồi
đem quân đánh Ngự Man vương ở Phong Châu (…) thấy trạm báo tin là giặc Cử Long
vào cướp đã đến cửa biển Thần Đầu, vua về đến sông Tham đi sang Ái Châu để đánh
giặc Cử Long (…) Bính Ngọ [1006] Hành Quân vương Minh Đề thấy trong nước loạn
không thể về được, trú lại ở Quảng Châu (…) Mùa hạ tháng 6, trí Quảng Châu là Lãng
Sách dâng thư nói: “Nay nhân Giao Châu có loạn (…) xin lấy binh (…) thuỷ bộ cùng
tiến, có thể bình định được ngay”. Xuống chiếu cho bọn Sách vỗ yên như trước, cốt
được yên lặng. Minh Đề về, Thiệu Việp muốn nhân đó lấy nước Việt ta, mới dâng bản
đồ đường thuỷ, đường bộ từ Ung Châu đến Giao Châu. Vua Tống cho các cận thần
xem và nói rằng: “Giao Châu nhiều lam chường dịch lệ, nếu đem quân sáng đánh thì
chết tất nhiều, nên cẩn thận giữ gìn cõi đất của tổ tông mà thôi”. Đinh Mùi [1007]
Mùa xuân sai em là Minh Xưởng và Chưởng thư ký Hoàng Thành Nhã dâng tê ngưu trắng
cho nhà Tống, xin kinh Đại Tạng (…) Mậu Thân [1008] Vua thân đi đánh 2 châu Đô
Lương, Vị Long bắt được người Man (…) Kỷ Dậu [1009] Mùa xuân Minh Xưởng ở Tống
về , xin được kinh Đại Tạng và dụ được người con gái nước Tống là Tiêu thị đem
dâng. Vua thu nạp làm cung nhân. Sai sứ đem biếu nhà Tống con tê ngưu thuần.
Vua Tống cho tê ngưu từ xa đến, không hợp thuỷ thổ muốn trả lại, nhưng sợ trái ý
vua, sai đợi cho sứ nước ta về rồi thả ra biển. Vua lại sai xin áo giáo mũ trụ
giát vàng, vua Tống bằng lòng cho (…) Mùa thu tháng 7 vua thân đi đánh các châu
Hoan Đường, Thạch Hà (…) Mùa đông tháng 10 vua băng ở tẩm điện”.
*
Theo như Tống sử và Tục tư trị thông giám thì Minh Đề và Minh Xưởng là 2 người.
Theo sách Toàn thư thì Lê Long Đĩnh là người hiếu chiến, sau khi lên ngôi Ngoạ
Triều đã thân đi đánh dẹp khắp nơi, có lẽ vì thế mà xuất hiện tiếng đồn Đĩnh là
người tàn bạo. Phương bắc luôn muốn thu thập phương nam, tuy nhiên trong tình
thế của Đại Tống thì chính sách hợp lý với An Nam là vỗ yên như trước cốt được êm
lặng. Thế nhưng tài giỏi như Lê Hoàn, phía bắc chống Tống phía nam bình Chiêm,
mà còn có phần kiêng nể bắc triều, trong khi Long Đĩnh có phần tự tin. Phần tự
tin trước hết là xin cha cho làm thái tử, có lẽ trong những người con của Lê Hoàn,
Ngoạ Triều là người hùng dũng giống Lê Hoàn nhất, nên được vua yêu quý, định
cho làm thái tử. Long Đĩnh càng tự tin hơn khi thân đi đánh dẹp được các thế lực
chống đối, có lẽ chính những tự tin quá mức đã trở thành tự phụ này, Lê Ngoạ
Triều đã xin triều Tống ban cho áo giáp mũ trụ giát vàng, vua Tống bằng long
cho, tuy nhiên không khỏi gây ra sự khó chịu cho phương bắc. Sử phương bắc thì
chép rằng: Ngoạ Triều bạo ngược, lòng người không theo, Lý Công Uẩn nhân đó mà đuổi
đi rồi giết chết, cái chết mờ ám của Long Đĩnh trong tẩm cung tất nhiên gây ra
nhiều mối nghi ngờ, trong đó Công Uẩn là người bị hướng đến. Thế nhưng hiện không
có bằng chứng nào cho mối nghi ngờ này. Công Uẩn bây giờ là thân tín của Ngoạ
Triều, nếu Ngoạ Triều có mất thì Công Uẩn là người thiệt trước mắt. Sách Toàn
thư chép: “Đến khi Ngoạ Triều băng, vua nối còn bé, Công Uẩn cùng với Hữu điện
tiền chỉ huy sứ là Nguyễn Đê mỗi người được đem 500 quân tuỳ long vào làm túc vệ”.
Rõ ràng là Công Uẩn không nắm toàn bộ quân đội nhà Lê, vậy thì viết như sử phương
bắc là Công Uẩn đuổi Ngoạ Triều đi rất khó xảy ra. Thêm nữa, khi sư Vạn Hạnh hỏi
rằng vì sao Thân vệ không nhân cái chết của tiên chủ mà giành ngôi, Công Uẩn đã
sợ hãi mà giấu Vạn Hạnh đi, cùng như khi Cam Mộc có hỏi Công Uẩn sao không lên
ngôi, vua Lý còn ngờ rằng Cam Mộc hỏi dò và sợ sự việc tiết lộ ra thì khó thoát
chết. Như vậy rõ ràng là Lý Công Uẩn không phải là tột đỉnh quyền lực dưới triều
Lê, hoạ chăng là thân tín của vua Ngoạ Triều, là người có được nhân tâm và chỉ
là tướng quân nắm giữ 1 phần quân đội nhà Lê mà thôi. Với mức độ như vậy thì rất
khó để Lý Công Uẩn lập kế hoạch giết hại vua Ngoạ Triệu, vì nếu Long Đĩnh chết,
con của Đĩnh nối ngôi, các đại thần và các tướng lĩnh nắm giữ quân đội không
theo Công Uẩn thì kế hoạch coi như bỏ dở. Trừ khi Công Uẩn và sư Vạn Hạnh đã bàn
tính kỹ, cuộc mưu sát có sự tham gia của rất nhiều tướng lĩnh nắm giữ quân đội
và các quan đại thần tham dự, thế nhưng những thông tin sử lại cho chúng ta điều
ngược lại, đến lúc vua Ngoạ Triều băng mà chi hậu Đào Cam Mộc mới hỏi dò Công Uẩn
về ý định lên ngôi, cho thấy Cam Mộc tuyệt không biết gì kế hoạch ám sát vua,
thêm nữa khi Cam Mộc và Công Uẩn đã hiểu nhau thì lại chính là Cam Mộc đứng ra
bàn với các đại thần, vậy thì rõ là các đại thần và khanh sĩ cũng không biết gì
về kế hoạch mưu sát vua. Tuy nhiên có 2 khó khăn mà chúng ta vẫn cần đề cập tới
là: Trước hết chắc chắn mong muốn lên ngôi của Công Uẩn đã phát lộ ra thì Cam Mộc
mới dò biết được, vậy thì sau khi Long Đĩnh chết, tin đồn Công Uẩn có ý lên ngôi
đã xuất hiện và có lẽ nguồn tin này khởi phát từ thầy Vạn Hạnh, nói cách khác đây
là bằng chứng cho thấy thầy Vạn Hạnh đã khởi động cuộc vận động chính trị nhằm đưa
Công Uẩn lên ngôi. Sau cùng không loại trừ trường hợp những thông tin sử bị chép
sai.
*
Nếu như không có kế hoạch mưu sát Lê Long Đĩnh vậy thì Ngoạ Triều chết như thế
nào ? Ngoạ Triều có thể là người khoẻ mạnh, 3 tháng trước Long Đĩnh còn thân đi
đánh 2 châu Hoan Đường, Thạch Hà. Có khi nào vua ốm không ? Sách sử không hề chép
đến ? Sách Toàn thư chép rằng: Vua say đắm tửu sắc lại chết trong phòng ngủ. Vậy
có khi nào vua chết khi đang ân ái hay không ? Sử phương bắc và sử phương nam
chép cũng có khác nhau ở chi tiết, sau cái chết của Long Đĩnh, theo sử phương
nam, mọi sự đều yên tuy nhiên theo sử phương bắc thì em của Long Đĩnh là Minh Đề
và Minh Xưởng tranh ngôi, Công Uẩn giết đi. Thế nhưng sử phương bắc chỉ nhắc tới
2 người em mà người phương bắc biết tới họ, qua những lần đi sứ, không thấy nhắc
tới người em nào khác, như vậy hoặc là đúng như sử phương bắc chép, chỉ có 2
người em tranh ngôi hoặc sử gia phương bắc không biết nhiều thông tin về An
Nam. Thêm nữa khi Lê Hoàn băng, các con trai tranh ngôi, phương bắc biết An Nam
loạn bởi các con trai của Lê Hoàn nhưng lại biết thông qua Hoàng Khánh Tập, người
bất mãn với chính quyền nhà Lê nên dẫn người dưới trướng bỏ trốn sang phương bắc,
kể lại, vậy thì những thông tin của triều đình phương bắc biết được về An Nam cũng
lõm bõm, chứ không tận mắt nhìn thấy, nghe thấy, nên không thể tin hết. Thế nhưng
khi Lê Hoàn băng, các con trai của Hoàn tranh ngôi, tới khi Trung Tông mất, anh
em cũng tranh ngôi, vậy nên sau khi Ngoạ Triều băng, nếu chép như các sử gia phương
nam rằng mọi chuyện vô sự, không có binh đao thì cũng rất khó tin, bởi ở thời điểm
Lê Hoàn mất, những hoàng tử tranh ngôi đều đã trưởng thành, sau nhiều năm Ngoạ
Triều mất, các hoàng tử khác cũng đã trưởng thành, rồi thêm cả 3 người con nuôi
của Lê Long Đĩnh, rất khó để tin rằng họ không làm gì, chỉ đứng nhìn Lý Công Uẩn
lên ngôi. Tôi đặt giả thuyết về cái chết của Lê Long Đĩnh như sau: Triều đình
phương bắc thấy An Nam dưới quyền cai trị của Lê Ngoạ Triều trở thành mối nguy
đối với nhà Tống nên có ý muốn loại bỏ. Nhân việc Ngoạ Triều xin áo giáp mũ trụ
giát vàng sao không dùng độc ? Rồi lại thêm mùa xuân năm 1007 Minh Xưởng và Hoàng
Thành Nhã sang Tống xin kinh Đại Tạng, vua Tống lại ban đại yến cho Xưởng và Nhã,
rồi ban cho Thành Nhã tước ngũ phẩm [Trước đó năm năm 1003 dân ở thành Nhật Hiệu
và đầu mục là bọ Hoàng Khánh Tập đem gia thuộc hơn 450 người trốn sang Khâm Châu
đất Tống. Tống sai sứ đến dỗ bảo phải về. Bọn Khánh Tập sợ tội không về, bèn ra
ở bờ biển. Năm 1006 tháng 6 trí Quảng Châu là Lãng sách dâng thư nói: Bọn thần [Thiệu
Việp] dựa theo lời của bọn Hoàng Khánh Tập hơn nghìn người ở Giao Châu, do Liêm
Châu đưa đến, nói rằng các con của Nam Bình Vương đều đặt trại phân tán các nơi,
quan thuộc lìa tan, nhân dân lo sợ, xin đem quân sang đánh dẹp, bọn Khánh Tập
nguyện làm tiên phong. Thiệu Việp muốn nhân đó lấy nước Việt, dâng bản đồ đường
thuỷ đường bộ từ Ung Châu đến Giao Châu] Mùa xuân năm 1009 Minh Xưởng về, dâng
người con gái nước Tống là Tiêu thị, vua thu nạp làm cung nhân. Mùa đông tháng
10 vua băng ở tẩm cung. Không thấy sử sách chép thêm về nàng Tiêu thị. Hoàng Thành
Nhã rất được trọng vọng và Thành Nhã có quan hệ với Hoàng Khánh Tập hay không ?
Minh Xưởng lưu lại trên đất Tống tới 2 năm, quãng thời gian khá dài cho lần đi
sứ. Cuối cùng khi Ngoạ Triều băng, Minh Xưởng có tranh ngôi như sử phương bắc
chép không ? Âm mưu muốn lấy Giao Châu của nhà Tống và Lãng Sách, Thiệu Việp luôn
tồn tại. Tôi ngờ rằng nguyên nhân cái chết của Lê Long Đĩnh nơi Tiêu thị, Minh
Xưởng, Hoàng Thành Nhã và rộng hơn là phương bắc.
P/S:
Câu chuyện sẽ trở nên phức tạp hơn nếu như sách Toàn thư chép đúng, đó là bà Phạm
thị đem Công Uẩn khi ấy mới 3 tuổi đến nhà Lý Khánh Văn. Và mọi thông tin về gốc
tích của Lý Công Uẩn dường như bị cố tình phong kín lại. Khi ấy giả thuyết của
chúng ta xây dựng trên các cơ sở sau: Thứ nhất, Đinh Điền và Nguyễn Bặc chống lại
Hoàn là điều có thể hiểu được, nhưng vì sao Phạm Hạp phải tham gia chống Hoàn
trong khi Lưu Cơ và Trịnh Tú thì án binh bất động. Thêm nữa khi thua vì sao Phạm
Hạp không chạy về Nam Sách với em trai là Phạm Cự Lạng mà chạy về Bắc Giang ?
Phải chăng căn cứ của Hạp ở Bắc Giang ? Thứ hai, bà Phạm thị cư trú gần địa bàn
của Phạm Hạp, lại cùng mang họ Phạm, vậy bà có mối quan hệ thân tộc với Phạm Hạp
không ? Thêm nữa Phạm Bạch Hổ là người đầu hàng Đinh Bộ Lĩnh và được phong làm
Thân vệ tướng quân. Thứ ba, xét trường hợp của Trần Nhật Khánh, Đinh Bộ Lĩnh lấy
mẹ của Trần Nhật Khánh, lại gả con gái cho Nhật Khánh và cưới em gái Khánh cho
con trai là Đinh Liễn. Đinh Bộ Lĩnh đã dùng hôn nhân để củng cố mối quan hệ giữa
các dòng họ, vậy thì có xảy ra trường hợp Đinh Bộ Lĩnh cưới con gái họ Phạm vùng
Nam Sách cho con trai là Đinh Hạng Lang không ? Thứ tư, mùa thu năm 973 xảy ra
loạn tranh ngôi giữa Đinh Liễn và Đinh Hạng Lang, kết cục Hạng Lang bị Liễn giết,
nên Phạm Hạp đã đưa em gái là Phạm thị lúc này đang mang giọt máu của Đinh Hạng
Lang chạy về Bắc Giang. Cuối cùng để giấu đi tông tích của đứa bé trước sự truy
lùng của Đinh Liễn và sau này là Lê Hoàn, bà Phạm thị đã không cho biết cha của
đứa bé và gửi lại cho Lý Khánh Văn nuôi. Khi Lý Công Uẩn lên ngôi, có thể bản
thân ngài cũng không biết về thân thế thật của mình hoặc nếu có biết thì trong
hoàn cảnh các thế lực họ Lê vẫn mạnh, các thế lực khác không chịu quy thuận thì
Công Uẩn vẫn phải dựa vào thế lực của họ Lý vùng sông Nhị Hà nên ngài vẫn phải
công khai là người họ Lý. Tất nhiên đây là giả thuyết đặt trên cơ sở của dã sử,
mà dã sử thường không thể tin.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét