1. Sách Toàn thư chép: “Bính Tý [1096] Mùa xuân tháng 3, Lê Văn Thịnh mưu làm phản, tha tội chết, an trí ở Thao Giang. Bấy giờ vua ra hồ Dâm Đàm, ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt, nói: "Việc nguy rồi!". Người đánh cá là Mạc Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang. Thưởng cho Mục Thận quan chức và tiền của, lại cho đất ở Tây Hồ làm thực ấp. Trước đấy Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thí nghịch. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Kẻ làm tôi phạm tội giết vua cướp ngôi mà được miễn tội chết, thế là sai trong việc hình, lỗi ở vua tin sùng đạo Phật”.
* Xưa nay, sự kiện Thái sư Lê Văn Thịnh hoá
hổ mưu sát vua Lý Nhân Tông được gọi tên Vụ án hồ Dâm Đàm. Nhưng xung quanh vụ
mưu sát này có rất nhiều những tranh luận trái chiều.
Sách Cương mục chép: “Bính Tý năm thứ 5 [1096]
Tháng 3 mùa xuân. Thái sư Lê Văn Thịnh mưu phản nghịch, bị bắt đi an trí ở Thao
Giang. Trước khi Văn Thịnh có một tên gia nô người nước Đại Lý. Tên này có phép
thuật lạ. Nhân thế, Văn Thịnh mang lòng toan sự kia khác. Bấy giờ vua chơi hồ Dâm
Đàm, đi chiếc thuyền con xem đánh cá. Bỗng nhiên nổi đám sương mù, có chiếc
thuyền từ đám sương mù ấy vụt tới, sát đến thuyền ngự. Nhà vua cầm giáo lao
theo, thì đám sương mù tan đi, trong thuyền hiện ra một con hổ. Mọi người sợ hãi.
Ông chài Mục Thận quang lưới chụp lấy, té ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Nhà vua
cho rằng Văn Thịnh là bậc đại thần có công lao, nên không nỡ giết, bắt đi an trí
ở trại Thao Giang, thưởng quan tước cho Mục Thận và ban cho đất Dâm Đàm làm thái
ấp. Lời phê: Văn Thịnh do văn học được đỗ đầu, làm quan đến cực phẩm, mà hành
vi còn thế, thì lòng người còn lường biết thế nào được. Lời chua: Sông Thao ở
phía bắc huyện Tam Nông tỉnh Hưng Hoá”.
Sách Lý Thường Kiệt: Lịch
sử ngoại giao và tông giáo triều Lý của học giả Hoàng Xuân Hãn viết: “Sử còn cho biết nhiều chuyện chứng rằng
Nhân-tông, cũng như các vua Lý về sau, rất tin ảo-thuật và có thần-kinh dễ
cảm-xúc. Cho nên, chỉ vì một việc xảy ra rất thường, mà Văn-Thịnh xuýt bị chết.
Về tháng mười một, trận mù thình-lình tới trên hồ, đó là một sự thường có. Nhưng
với tâm-thần hay bị xúc-cảm của vua Lý, khi thấy trời tối mà mình còn ở trên
mặt nước, thì vua đâm ra hoảng-hốt. Có lẽ Văn-Thịnh, cũng vì thấy trời tối, mà
vội-vã sai chèo thuyền gấp tới để hộ vua về. Ngồi trong thuyền bị trùng-triềng
không vững. Văn-Thịnh phải ngồi khom mình, tay chống vào thuyền cho vững.
Hình-dáng trông như con hổ. Một mặt khác, có lẽ Văn-Thịnh cũng tin vào các
thuật và có tiếng sẵn là đã học được phép hóa hổ. Cho nên, kẻ trông thấy hình
con hổ trong thuyền lại càng nghi cho y muốn hại vua. Cũng may cho y. Tuy vua tin dị-đoan, nhưng
đạo Phật đã gieo mối từ-tâm, cho nên Văn-Thịnh không bị tru di tam tộc như
Nguyễn Trãi đời sau”.
* Chúng ta thấy rằng từ
Quốc sử quán triều Nguyễn trở về trước, phần nhiều các sử gia đều tin việc Thái
sư Lê Văn Thịnh hoá hổ mưu sát vua. Nhưng từ kiến giải của học giả Hoàng Xuân Hãn
đã mở ra cánh cửa khác trong việc tiếp cận sự kiện trên. Vậy nguyên nhân từ đâu
? Ấy là việc chúng ta không còn tin vào tà thuật giúp con người có thể biến thành
hổ. Nhưng như thế đã đủ để chứng minh cho Thái sư Lê Văn Thịnh bị oan hay chưa
?
Sách Bên lề chính sử của
tác giả Đinh Công Vĩ viết: “Đi sâu phân tích kỹ vụ án ta có thể
thấy rõ Lê Văn Thịnh đã bị quy oan. Có thể khẳng định chắc như thế vì mấy lý do
cụ thể sau: Hồ Tây - hiện trường diễn ra vụ án, vốn có sẵn những điều kiện
thuận lợi để dàn dựng kịch bản nhằm hại Lê Văn Thịnh. Đó là cái nền để người ta
thêm thắt nhiều chi tiết ly kỳ cốt lừa bịp dư luận, cố làm cho mọi người tin là
thật. Hồ Tây thường bị sương mù bao phủ, một cảnh tượng dữ dội của thiên nhiên,
rất dễ làm cho các vua Lý phải hoảng hốt, tâm thần bất định mà nhìn người hoá
hổ (…) Bản thân đời Lý vốn có những truyền thuyết đại đồng tiểu dị, gần gũi với
truyền thuyết Lê Văn Thịnh cũng diễn ra ở Tây Hồ (…) Riêng về bản thân Lê Văn
Thịnh. Trong dân gian còn truyền tụng rằng: Cũng như Tiết Nhân Quý đời Đường,
thuở nhỏ ở Lê Văn Thịnh hay xuất hiện tinh tướng hổ (...) Trong Trích Sài
thần tích có kể chuyện Lê Văn Doanh theo Lý Thánh tông đi đánh Nùng Tôn
Phúc, bắt được y đưa về kinh sư. Văn Doanh thấy y dáng mạo lạ lùng bèn cho ăn
uống, ân xá. Hắn trả ơn, xin làm nô tì và hứa sẽ truyền các bí quyết lạ cho.
Văn Doanh cho con là Văn Thịnh đi theo, ở biệt cư với Phúc để học bí quyết
trong đó có thuật hoá hổ (…) Về nội tình triều Lý lúc đó đang tồn tại mâu thuẫn
không thể dung hoà giữa phái Phật giáo (có giới tu hành đông đảo) và phái Nho
học tân tiến (có thực tài nhưng còn ít ỏi) do Lê Văn Thịnh cầm đầu. Mâu thuẫn
đó được biểu hiện đầy kịch tính giữa sự xác lập các ảnh hưởng của ý thức hệ Nho
giáo với những Nho sĩ đang nắm quyền lực với ý thức hệ Phật giáo bảo thủ tồn
tại lâu đời. Vua Nhân tông và Thái hậu Ỷ Lan là những người cực kỳ sùng chuộng
Phật giáo. Trong thời gian Lê Văn Thịnh làm Thái sư, vua và thái hậu xây dựng rất
nhiều chùa tháp tốn kém. Mùa xuân năm 1088, vua Nhân tông lại phong nhà sư Khô
Đầu làm quốc sư, cho tiết việt để cùng Tể tướng đứng trên điện xét đoán công
việc. Với một nhà nho chấp chính nắm quyền Thái sư (tức Tể tướng) như Lê Văn
Thịnh, hẳn riêng ông không thể tán thành sự thao túng của Phật giáo, nhất là
khó chấp nhận việc đưa người của Phật giáo vào triều đình; chia sẻ quyền lực
với mình. Do đó, đã xảy ra mâu thuẫn giữa phái Nho giáo bắt đầu vươn lên nắm
quyền, đứng đầu là Lê Văn Thịnh, và phái Phật giáo vốn là một thế lực cũ, từ
lâu đã rất mạnh ở triều đình. Như vậy, cái chết của Lê Văn Thịnh là tất yếu (...)
Lê Văn Thịnh cũng như Lý Thường Kiệt đều có chủ trương đòi lại đến cùng những
vùng đất bị Tống chiếm ở biên giới. Thậm chí ông còn cho rằng nếu cần có thể
dùng sức mạnh để phục hồi và mở rộng biên cương. Điều đó không thể không làm
phật lòng những kẻ chủ trương hoà hoãn để an thân, giữ yên quyền lợi ở triều
đình. Vua và Thái hậu cũng vậy. Lúc đầu cả hai mẹ con đều tán thành việc tấn
công lên phương Bắc, bảo vệ có hiệu quả biên cương Tổ quốc. Nhưng sau này, cả
hai có lúc nản lòng”.
* Sách sử ghi chép rất nhiều các sử
kiện cho thấy vua Lý Nhân Tông và Thái hậu Ỷ Lan rất tôn sùng Phật giáo và sau
khi Thái sư Lý Đạo Thành mất năm 1081 thì đến năm 1082 Thái uý Lý Thường Kiệt vào
trấn Thanh Hoá, rồi năm 1096 Thái sư Lê Văn Thịnh được an trí ở Thao Giang. Ẩn
sau các trường hợp này có phải là những kế hoạch không ? Chúng ta đã thấy có sự
thay đổi mang tính bước ngoặt trong cái nhìn về sự kiện hồ Dâm Đàm mà khởi từ học
giả Hoàng Xuân Hãn, song câu hỏi là bước ngoặt ấy đã đủ lớn chưa. Các sử gia
cho rằng Lê Văn Thịnh hoá hổ giết vua, còn các nhà nghiên cứu thì cho rằng Lê Văn
Thịnh bị oan, đã diễn ra vụ giàn dựng chính trị nhằm mục đích hạ bệ vị Thái sư,
còn các yếu tố ngoại cảnh chỉ là phụ kiện nhằm che đậy âm mưu. Tức là vẫn tuân
thủ nguyên tắc các truyền thuyết mang nội dung cơ bản của lịch sử. Nhưng ở đây
nếu chúng ta xét tới trường hợp, truyền thuyết là kiến tạo hoàn toàn, không hề
có nội dung lịch sử thì sao ? Có 2 cách kiến tạo truyền thuyết trái ngược nhau.
Cách thứ nhất là truyền thuyết bắt đầu
từ 1 sự kiện có thật, rồi theo thời gian các yếu tố thời đại được thêm vào, làm
cho truyền thuyết về sự kiện ấy bị biến dạng. Cách thứ hai là truyền thuyết không bắt đầu từ 1 sự kiện lịch sử có thật
nào, nhưng theo thời gian nó tích hợp vào trong nó những sự kiện, những nhân vật
có thật. Với cách thứ nhất chúng ta truy nguyên về truyền thuyết gốc sẽ tìm ra
dạng cơ bản của sự kiện lịch sử có thật, nhưng với cách thứ hai chúng ta có
truy nguyên về tận cùng thì cũng chẳng có gì, vì vốn dĩ nó không được kiến tạo
từ các sự kiện lịch sử có thật.
Sách Việt sử lược chép: “Năm Ất Hợi [1095]
Mùa đông tháng 11 nhà vua xem đánh cá ở Diêu Đàm. Lúc bấy giờ vua ngự trong một chiếc thuyền nhỏ, thị vệ theo hầu rất ít.
Thái sư Lê Văn Thịnh vốn có mưu gian, nhân cơ hội ấy mới dùng ảo thuật làm khói
sương nổi thoắt lên bao phủ cả mặt hồ, ban ngày mà tối tăm mù mịt. Một lát, nhà
vua nghe tiếng mái chèo sắp đến gần, vua có ý sợ xảy ra tai biến mới lấy cái
mác phóng ra. Khói sương theo cái mác mà tan biến đi thì thấy thuyền của Lê Văn
Thịnh đã đến gần, với đồ hung khí. Vua sai người bắt giữ Lê Văn Thịnh lại rồi
hạ chiếu đem an trí ở miệt Thao Giang. Trước kia, trong nhà Lê văn Thịnh có tên
đầy tớ là người Đại Lý, giỏi làm ảo thuật, Lê Văn Thịnh học được phép của nó.
Và đến đây thì làm phản”.
* Có khá nhiều điểm khác nhau giữa thông
tin trong sách Việt sử lược và sách Toàn thư. Đọc sách Việt sử lược chúng ta thấy
thật hơn. Không hề thấy hổ xuất hiện trong đoạn chép này. Trời sương mù, vua
nghe thấy tiếng mái chèo tiến lại gần, nên dùng mác phóng vào đám sương, làm sương
tan ra, thấy có thuyền đậu sát thuyền vua, trên thuyền Thái sư Lê Văn Thịnh tay
đang cầm hung khí, vua sai người bắt giữ. Đoạn chép này tuy cho chúng ta cảm nhận
thật hơn song nó có hàm chứa những nghi vấn. Thứ nhất là Thái sư Lê Văn Thịnh chưa ra tay, mới chỉ là cầm hung
khí đứng trên thuyền, rõ ràng vua đã nghi kỵ trong việc này. Thứ hai là nếu Lê Văn Thịnh muốn giết
vua, sao khi thuyền đã chạm thuyền rồng của vua, Thái sư lại không ra tay thực
hiện âm mưu. Thứ ba là vua đi thuyền
nhỏ thì hẳn là quân lính cũng không nhiều, Lê Văn Thịnh đã lên kế hoạch giết
vua, sao lại để đám quân lính ít ỏi bắt giữ.
* Mấu chốt nằm ở sự kiện đám sương mù.
Thời gian vụ án hồ Dâm Đàm xảy ra vào mùa đông theo như sách Việt sử lược, do
chúng ta không rõ về thời tiết ở thời điểm năm 1095 như thế nào, nhưng giả sử có
lợi cho chúng ta, là lúc ấy thời tiết 1 năm có bốn mùa như ngày nay, thì vào mùa
đông hiện tượng Hồ Tây có sương mù cũng là bình thường. Khi có sương mù, vua bối
rối, Thái sư Lê Văn Thịnh hoảng hốt, tiến ra hộ giá thì bị vua nghi ngờ. Nhưng
mà sử sách chép rằng mối quan hệ giữa Lê Văn Thịnh và Lý Nhân Tông là rất tốt
thì có lý gì, vua lại hàm nghi cho Thịnh có mưu gian ? Nhưng sự kiện sương mù
trong nhận thức của người chép sách Việt sử lược không nhìn nhận như chúng ta mà
tác giả cho rằng đó là do Lê Văn Thịnh làm. Lối tư duy này chúng ta sẽ bắt gặp
rất nhiều trong truyền thuyết của Việt Nam, như chuyện Bánh chưng bánh dày chẳng
hạn. Thấy chiếc bánh chưng bánh dày, người Việt sáng tạo ra câu chuyện Lang Liêu
làm bánh dâng vua được truyền ngôi. Tác giả của Việt sử lược thấy hiện tượng tự
nhiên là sương mù liền nghĩ rằng do Lê Văn Thịnh làm. Thông tin Lê Văn Thịnh dùng
ảo thuật làm sương mù bao phủ cả mặt hồ là sự suy luận, là lý giải của tác giả
sách Việt sử lược cho sự kiện có thực xảy ra là sương mù xuất hiện trên hồ. Không
chỉ có tác giả Việt sử lược có khi vua Lý Nhân Tông cũng nghĩ như thế, nên dù Lê
Văn Thịnh có tâu bày thế nào thì cũng không thay đổi được nhận thức mê tín dị đoan
của vua.
* Quan sát đoạn chép trong Việt sử lược
chúng ta thấy có 2 đoạn lớn: Đoạn thứ
nhất là sự kiện vua đi thuyền nhỏ xem đánh cá ở hồ Diêu Đàm, Lê Văn Thịnh có
hung khí trong tay, đứng trên 1 chiếc thuyền khác, đã tiến sát thuyền vua. Đoạn thứ hai là Lê Văn Thịnh có người hầu
người Đại Lý giỏi ảo thuật, Thịnh học được phép của nó. Hai đoạn lớn này được móc
xích với nhau qua 1 chi tiết nhỏ mang tính giả thuyết là Lê Văn Thịnh dùng ảo
thuật làm sương mù bảo phủ mặt hồ. Đối với những người mê tín thì liên kết 2 đoạn
là rất hợp lý, song với chúng ta thì liên kết 2 đoạn này hoàn toàn vô lý. Trong
sách Việt sử lược không thấy hổ xuất hiện và có lẽ vì hổ không xuất hiện nên cũng
không cần đến người chài lưới tên là Mục Thận. Tuy rằng không có thêm 2 chi tiết
hổ và Mục Thận song rõ ràng sách Việt sử lược với đoạn 2 đã tự tố rằng, sách có
tham khảo các tài liệu dân gian.
Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên chép:
“Chuyện Mục Thận.
Xét Sử ký và đời truyền: Ông họ Mục tên Thận, lấy việc chài lưới bắt cá làm
nghề sinh nhai. Thời xưa Lý Thái Tông có quan Thái sư Lê Văn Thịnh nuôi được
một người gia nô người Đại Lý, giỏi về thuật chú ảo, hay biến hóa mây mù, khiến
người thực hóa ra hình beo, cọp. Văn Thịnh dỗ dành nó mà học được thuật ấy rồi
thiết kế giết đứa ở ấy đi, mưu tính viêc tiếm ngôi vua. Một hôm vua Nhân Tông
ngự ra Dâm Đàm xem cá; thuyền rồng thung dung, mái chéo khoan nhặt, lượn chơi
trên hồ rất vui vẻ, hốt nhiên thấy mây ù kéo đến trên mặt hồ mù mịt, đối diện
không trông thấy nhau, vẳng nghe tiếng cọc chèo vùn vụt lướt mù tiến đến, thấp
thoáng có một con hổ lớn đang há mồm nhe răng như muốn cắn, vua trông thấy cả
kinh. Lúc bấy giờ Mục Thận đang vung lưới bắt cá, trông thấy rõ ràng mới nói
việc gấp rồi, lập tức vung lưới chụp bắt được con hổ lớn, lại hóa ra là Lê Văn
Thinh. Vua truyền lấy giây sắt trói lại, cũi gỗ giam vào, rồi đẩy lên thượng
lưu sông Thao. Vua khen Mục Thận có đại công bảo hộ, phong ông làm Đô Uý Tướng
Quân, quan giai lần lần tới Phụ Quốc Tướng Quân. Ông mất, vua tặng chức Thái
Uý, dựng từ đường và tạc tượng ông mà phụng sự. Đền thờ ông rất linh dị, có con
mãng xà ở trong lỗ cột đền, mỗi khi đến ngày sóc vọng có kỳ tế lễ, nó từ dưới
đá tảng bò lên, khoanh tròn mà nằm; nhân dân vãng lai chẳng lấy gì làm kinh
hãi, nhưng người nào tà uế mà vào trong đền thì liền bị nó cắn; đêm tối, nó lại
chui xuống lỗ cột mà ở. Đến nay, từ vũ thêm trang nghiêm, thôn dân phụng làm Phúc
thần. Niên hiệu Trùng Hưng năm thứ tư [1288] sắc phong Trung Tuệ Công. Năm Hưng
Long thứ hai mươi mốt, gia phong hai chữ Võ Lượng”.
* Rõ ràng là sách Toàn thư chép từ Việt
điện u linh tập, đó là điều chúng ta không cần bàn cãi. Nhưng sách Việt sử lược
có tham khảo từ sách Việt điện u linh không ? Có lẽ là không! Vậy thì sách Việt
sử lược chép từ đâu. Có lẽ là từ sách Sử ký mà sách Việt điện u linh có nhắc tới.
Nhưng sách Sử ký này là sách Sử ký của Đỗ Thiện hay sách Việt chí của Trần Tấn
hay sách Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu. Sách Việt điện u linh có nhắc tới niên
hiệu Trùng Hưng thứ tư [1288] Mục Thận được sắc phong Trung Tuệ Công, vậy rõ sách
Sử ký phải được viết trước năm 1288. Sách Việt điện u linh chép “xét Sử ký và đời
truyền”. Vì sao lại vậy ? Vì tôi đoán rằng sách Sử ký có chép về vụ án hồ Dâm Đàm
nhưng không đủ, thiếu 2 yếu tố là Lê Văn Thịnh hoá hổ và Mục Thận quăng lưới bắt
hổ. Nên Lý Tế Xuyên mới xét thêm đời truyền để gia 2 chi tiết này. Và như thế,
Việt sử lược chép theo Sử ký, còn sách Toàn thư chép thêm Việt điện u linh. Nhưng
rồi Sử ký và Đời truyền có mối quan hệ như thế nào ? Có 2 cách tiếp diễn: Thứ nhất là vốn nguyên bản sự kiện hồ Diêu
Đàm được chép trong Sử ký mà nội dung cơ bản là đoạn 1, sự kiện được truyền ra
ngoài đời, dân gian thấy với đoạn 1 chưa đủ sức thuyết phục người nghe rằng Lê
Văn Thịnh mưu giết vua nên nhân có nhiều sự kiện khác về việc người hoá hổ, dân
gian đã thêm chi tiết Thịnh hoá hổ và Mục Thận quăng lưới bắt. Thứ hai là vốn dĩ câu chuyện là sáng tạo
hoàn toàn của dân gian, các sử gia đã lấy câu chuyện của đời truyền, sau đó lược
bớt các chi tiết hoang đường để làm chính sử trong Sử ký. Vì 2 cách này cho 2 kết
quả rất khác nhau nên cần phải thận trọng. Tuy nhiên do sách Việt điện u linh
chép xét Sử ký và đời truyền, lại không nói rõ phần nào của sử phần nào của đời,
nên cố tìm hiểu trong Việt điện u linh cũng không cho nhiều kết quả, do vậy buộc
chúng ta phải quay trở lại với sách Việt sử lược.
* Chúng ta hiện chưa biết nguồn tham
khảo của sách Việt sử lược như thế nào ? Song chúng ta biết được rằng nguồn
thao khảo của sách Việt sử lược chắc chắn có chép đoạn 1 và sách Việt sử lược có
chép thêm chi tiết giả, đó chính là đoạn 2. Thực chất của đoạn 2 là làm cơ sở
cho người đọc tin đoạn 1 mà thôi. Ngay cả khi Sử ký lấy đời truyền làm chính sử
thì trong trường hợp này chúng ta không thể bác bỏ hoàn toàn truyền thuyết, vì
hiện chúng ta chưa có bằng chứng nào cho thấy năm 1095 không xảy ra vụ án hồ Dâm
Đàm cả. Duy nhất chúng ta có thể kết luận là: chưa có đủ cơ sở để kết luận Lê Văn
Thịnh có tội mưu sát vua. Nghĩa là chưa có bằng chứng để bác đoạn 1 nhưng đã có
bằng chứng cho thấy đoạn 2 là nguỵ tạo để y án Thịnh tội làm phản. Cũng giống
như đoạn 2, các thần tích, thần phả chỉ là yếu tố được sáng tạo thêm hoặc nhằm
góp bằng chứng cho thấy đúng Lê Văn Thịnh mưu giết vua hoặc tìm cách bào chữa
cho án hồ Diêu Đàm.
Sách Lý Thường Kiệt: Lịch sử ngoại
giao và tông giáo triều Lý viết: “Nhờ một câu chuyện giữa thái-hậu Linh-nhân,
tức là Ỷ-lan, mẹ Lý Nhân-tông, với một nhà sư có học uyên-bác, mà ta còn biết
gốc-tích đạo Phật ở nước ta. Sách TUTA còn ghi chuyện ấy rất rõ-ràng trong
chuyện Thông-biện quốc-sư (TUTA 19a). Ngày rằm tháng 2 năm Hội-phong thứ 5
(1096) thái-hậu đặt tiệc chay ở chùa Khai-quốc, thết các tăng. Tiệc xong,
thái-hậu kê-cứu đạo Phật với các vị sư già học rộng”.
Sách Thiền uyển tập anh chép: “Quốc sư
Thông Biện. Chùa Phổ Ninh, Từ Liêm. Người Đan Phụng, họ Ngô, con dòng phật tử.
Bẩm tính thông tuệ, rất giỏi tam học. Ban đầu đến tham bái thiền sư Viên Chiếu,
chùa Cát Tường. Không rõ được yếu chỉ bèn đến ở tại Quốc tư ỉ của Thăng kinh, tự
gọi hiệu là Trí Không. Ngày 15 tháng 2 mùa xuân năm Hội Phong thứ 5 [1096] Phù
Thánh Linh Nhân hoàng thái hậu có lần đến trai tăng ở chùa sư, cùng với các bậc
kỳ túc thăm hỏi ý nghĩa Phật và Tổ, có gì hơn thua”.
* Thời điểm ngày 15 tháng 2 năm 1096
rất gần với thời gian xảy ra vụ án hồ Diêu Đàm vào mùa xuân tháng 3 năm 1096. Có
điều gì bất thường trong sự kiện này không ? Sách Toàn thư chép sự kiện xảy ra
vào tháng 3/1096 trong khi sách Việt sử lược chép sự kiện xảy ra vào tháng
11/1095. Vậy sách nào chép chính xác ? Có khi nào sự kiện Lê Văn Thịnh mưu sát
vua xảy ra vào tháng 11/1095 nhưng đến tháng 3/1096 Thịnh được an trí ở Thao
Giang. Và tất nhiên tháng 2/1096 người chủ mưu trong việc hạ bệ Thái sư là Thái
hậu Linh Nhân đến gặp Quốc sư Thông Biện để bàn hướng xử trí ?
Sách Lý Thường Kiệt: Lịch sử ngoại
giao và tông giáo triều Lý viết: “TT
chép Văn-Thịnh bị đày lên miền nguồn Thao-giang (Thượng-lưu sông Nhị). Nhưng
VSL chép: bị đày lên nguồn Lương-giang. Làng Bối-lý (XV/3) có sinh Lê Quát, đậu
trạng-nguyên đời Trần Minh-tông. Tục truyền rằng ông là dòng-dõi Lê Văn-Thịnh.
Vậy sự Lê Văn-Thịnh bị đày vào Thanh-hoá có lẽ đúng. Vả chăng đất Thanh-hóa là
đất để giam tù-nhân. Ví-dụ năm 1128, đày dân làm loạn ở Quảng-nguyên vào
Thanh-hóa (TT)”.
* Vậy Thái
sư Lê Văn Thịnh bị an trí ở Thao Giang hay ở Lương Giang ? Thời gian mà Lê Văn
Thịnh bị an trí là vào tháng 11/1095 hay tháng 3/1096 ? Cuối cùng Lê Văn Thịnh
có thực muốn sát hại vua hay bị vu oan ?
Sách Toàn
thư chép: “Canh Tuất, Thần Vũ năm thứ 2 [1070] Mùa thu tháng 8 làm Văn Miếu, đặp
tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng
tế. Hoàng thái tử đến học ở đây”.
Sách Việt
sử lược chép: “Bính Tý [1156] là năm Đại Định thứ 17. Mùa đông tháng 10 dựng hành
cung Quốc Oai và miếu thờ Khổng Tử”.
* Thực hư
của những thông tin này là sao ?
Sách Toàn
thư chép: “Ất Mão, năm thứ 4 [1075] Mùa xuân tháng 2 xuống chiếu tuyển Minh
kinh bác học và thi nho học tam trường. Lê Văn Thịnh trúng tuyển, cho vào hầu
vua học”.
Sách Cương
mục chép: “Ất Mão, năm thứ 4 [1075] Theo sách Danh tiết lục của Trần Ký Đằng, Văn
Thịnh người làng Đông Cứu, huyện Gia Định, tính ham học. Bấy giờ chưa có khoa cử,
dầu ai thông minh lanh sáng đến đâu cũng phải do đường Phật giáo mà được lựa chọn
đề bạt, riêng có Văn Thịnh chăm đọc các sách. Đến đây mở khoa thi, hơn 10 người
trúng tuyển, Văn Thịnh đỗ đầu. Đời truyền rằng Lê Văn Thịnh là người khai khoa
đầu tiên. Lời chua: Gia Định bây giờ là huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Tam trường
thể thức văn thi thế nào, không khảo được”.
Sơ khảo bài
sử khác cho Việt Nam của tác giả Tạ Chí Đại Trường viết: “Lí
không phải là chủ nhân ông thực sự của toàn thể vùng đất của phủ Đô hộ cũ, của
nước Đại Cồ Việt mới. Kế tiếp Đinh, Lê, họ đã hưởng thành quả của những người
này về phương diện chủ quyền đất đai. Bộ phận vùng Ái Châu, Cửu Chân của ông
Đại diện vua nước Đô hộ ở Hoa Lư, ông Lê Lương, chắc bị Lê Hoàn chiếm trong vụ
đánh Dương Tiến Lộc (989) nên đất đai đã thuộc về Lí, bằng chứng từ việc trả
lại đất năm 1093 (Có tác giả cho là các năm 1081, 1091 tuỳ người đọc bia xưa)
Vụ việc này cho thấy có liên quan đến hành trạng chìm nổi của một người trong
dòng là Lê Văn Thịnh (...) Các “tư gia” được người của Lí bỏ chủ ra phục dịch
hẳn là thuộc cấp cao, làm việc cho Lí mà không lãnh lương như Phan Huy Chú ghi
nhận. Tất nhiên không phải họ nhịn đói mà là lấy “lương” từ lãnh địa riêng của
họ. Đăt trong viễn tượng này, ta giải thích được tại sao Lê Văn Thịnh đậu trong
một kì thi chỉ lấy có một người (1075) được ngày nay tán tụng là “trạng nguyên
đầu tiên của nước Việt” đúng ra chỉ là được lấy vào để dạy ông vua 9 tuổi, “hầu
vua học”. Ông bị kết tội âm mưu giết vua mà không bị tru di tam/cửu tộc, hay ít
ra là “lên ngựa gỗ”, “phơi xác chợ Đông/Tây” theo luật pháp đương thời (...) Những
người đó phạm tội tầy đình mà được ngó lơ hoặc xử nhẹ, rõ ràng là còn có cả một
thế lực quê gốc đằng sau. Họ đến phục vụ Lí như liên kết với một thế lực mạnh,
mới, thừa hưởng được khung cảnh trật tự chung từ thời thuộc địa, có một quyền
bính trung ương mang tên cũ là Đại La, nay là Thăng Long. Ông hoàng đế điền chủ
Lí có binh lực lớn, có tay chân, lập được một tổ chức quân quyền đủ đàn áp
những thế lực nhỏ nhưng vì vướng víu với ruộng đất, nên chưa đủ khả năng quản
lí toàn cõi. Nhờ đứng ở vị trí cựu thủ phủ thuộc địa, ông trở thành một điểm
hướng chầu về một cách tự nhiên của con cháu các lãnh chúa địa phương, hành
động giống như cha ông họ trước kia”.
* Sách
Toàn thư chép rằng Lê Văn Thịnh đỗ đầu kỳ thi Tam trường và được vào hầu vua học,
tuy nhiên sách Việt sử lược không hề chép như vậy ? Về mặt văn bản, thì rõ ràng
là sự kiện thì Tam trường năm 1075 là rất quan trọng, không có lý do gì để sách
Việt sử lược bỏ chép cả. Vậy thì khả năng rất cao là sử gia Ngô Sĩ Liên đã tham
khảo thêm nguồn thông tin về thi Tam trường để chép vào sử. Sách sử cũng cho biết
năm 1073 sau khi bức tử Thái hậu Thượng Dương, Ỷ Lan phu nhân đã nắm quyền phụ
chính, Phu nhân người họ Lê và trùng hợp khi Văn Thịnh cũng người họ Lê, lại cùng
quê ở Bắc Ninh. Sau khi đỗ đầu kỳ thi Tam trường, Thịnh được hầu vua học, vậy đây
có phải là sự việc ngẫu nhiên không ? Hay là do bà Ỷ Lan sắp xếp người trong
gia tộc họ Lê vào triều đình ? Rồi khi mưu sát vua không thành, Thịnh chỉ bị an
trí ở Thao Giang chứ không bị xử tử như những trường hợp khác. Có vẻ như thuyết
Văn Thịnh là người trong họ với bà Ỷ Làn rất hợp Lý. Nhưng nếu thế thì sao bà Ỷ
Lan lại quyết định giáng truất thân cận của mình ? Có khi nào người quyết định
vu oan cho Thịnh không phải là bà Ỷ Lan ? Hoặc Thịnh đã thay đổi, muốn chống lại
Lý Nhân Tông và Ỷ Lan ? Thực sự thì nếu đọc kỹ các ghi chép trong các bộ sử thì
không có nhiều thông tin cho thấy Lê Văn Thịnh chuộng và theo Nho giáo. Chúng
ta nghĩ Thịnh mộ nho đó phần nhiều là phán đoán. Trong khi có nhiều thông tin
cho thấy Thịnh còn học tà giáo, ảo thuật. Nên giả định Lê Văn Thịnh là nạn nhân
của xung đột Nho Phật cũng chưa đủ sức thuyết phục. Có khi nào Thịnh không phải
người thuộc họ Lê phía bắc mà là thuộc họ Lê phía nam như tác giả Tạ Chí Đại
Trường viết ?
Sách
Thiền uyển tập anh chép: “Đại sư Mãn Giác. Chùa Giác Nguyên, Cửu Liên. Người Lũng
Chiền, An Cách, họ Nguyễn tên Trường. Cha là Hoài Tổ làm quan đến chức Trung thư
viên ngoại lang. Vua Lý Nhân Tông lúc còn là Thái tử, xuống chiếu mời con em các
danh gia vào hầu học hai bên. Sư nhờ nghe nhiều, nhớ kỹ học thông cả Nho Thích
nên được dự tuyển. Sau những lúc việc quan, thường chú tâm và Thiền học. Đến
khi vua lên ngôi, vì rất mến chuộng sư, ban cho sư tên Hoài Tín (…) Ngày 30 tháng
11 năm Hội Phong thứ 5 [1096] sư cáo bệnh (…) Tối đó, sư ngồi kiết già mà mất,
thọ 45 tuổi đời, 19 năm tuổi hạ”.
* Thời
điểm mà Lý Nhân Tông làm Thái tử, học ở Văn Miếu, thì có con em các danh gia tới
hầu thái tử học, trong đó có Nguyễn Trường. Lê Văn Thịnh cũng được hầu thái tử
học trong giai đoạn này. Tuy nhiên không rõ là Lê Văn Thịnh vào hầu học là dạy
vua học hay là đứng bên cạnh nghe giảng (cùng học) với thái tử ? Năm 1096, ngoài
sự kiện Lê Văn Thịnh mưu sát vua, còn thêm sự kiện vào tháng 11, sư Mãn Giác tịch.
Xem sách Toàn thư năm Thái tử học ở Văn Miếu là năm 1070, vậy lúc này sư 19 tuổi.
So với tuổi để cùng học với thái tử là rất chênh lệch. Và có lẽ sư cũng trạc tuổi
với Lê Văn Thịnh. Sách Thiền uyển tập anh có chép “sư nhờ nghe nhiều, nhớ kỹ” vậy
rõ là Nguyễn Trường vào cùng học với Thái tử chứ không phải để dạy thái tử. Rồi
sách Thiền uyển tập anh chép “học thông cả Nho Thích nên được dự tuyển”. Theo
như ghi chép của Thiền tuyển tập anh thì xuống chiếu cho con em danh giá vào hầu
học, sư nghe nhiều nhớ kỹ, nên được dự tuyển. Vậy thì dự tuyển ở đây không phải
tuyển vào học cùng với Thái tử (như tôi giả thuyết trong bài Bài về vụ án cung
Thượng Dương) mà ở đây là sau khi học cùng thái tử thì được dự tuyển, nhưng đó
là thi tuyển gì ? Có phải là thi Tam trường như Lê Văn Thịnh không ? Sách Toàn
thư chép Lê Văn Thịnh vào hầu vua học, có lẽ cùng giống như Nguyễn Trường, là
con em các danh gia được vào học cùng thái tử và sau cũng dự tuyển. Nhưng Lê Văn
Thịnh là người họ Lê phía bắc hay họ Lê phía nam ? Tuy nhiên sách Thiền uyển tập
anh chép khá khó hiểu, sau khi đã học cùng thái tử thì ai cũng được quyền thi,
chứ vì sao lại chỉ những ai học nhiều nhớ kỹ mới được thi, hay đó chỉ là cách
viết khen ngợi (làm cho người đọc thấy, để có thể dự thi, thì phải có trình độ
nhất định) để từ đó nâng tài trí của sư lên. Hoặc ở đây, dự tuyển là để chọn vài
người mà triều đình cho giữ vai trò quan trọng, nên phải sơ khảo trước, những
ai có thực lực mới được dự tuyển. Sách Thiền uyển tập anh có chép rằng “sau những
lúc việc quan”. Vậy là chắc chắn có dự tuyển gì đó và Nguyễn Trường được tham
gia, sau được làm quan.
Sách
Việt sử lược chép: “Bính Thìn [1076] là năm Thái Ninh thứ 4. Tháng chạp cho
quan Nội cấp sự là Lê Văn Thịnh làm Binh bộ thị lang”.
* Vậy
thì rất có thể sách Toàn thư chép đúng. Năm 1070 Lý Thánh Tông cho làm Văn Miếu,
mời các con em danh giá đến học cùng thái tử, trong đó có Lê Văn Thịnh và Nguyễn
Trường. Sau đó triều đình tổ chức thi chọn người tài giỏi ra làm quan. Nguyễn
Trường trúng tuyển, Lê Văn Thịnh cũng vậy. Có thể chức đầu Thịnh được nhận là Nội
cấp sự. Nhưng có lẽ sách Toàn thư chép lẫn lộn vị trí trong trình tự sử là Thịnh
đỗ đầu và được vào dạy vua học. Chúng ta không rõ Nguyễn Nhật Thành có tham gia
cuộc dự tuyển hay không ? Tuy sách Việt sử lược không chép việc tổ chức thi, nhưng
lại có chép trường hợp Thịnh được thăng chức, có thể cách chép thăng chức này là
cách nói gián tiếp, giống như thay vì nói hoàng tử được sinh, thì sách Việt sử
lược chép rồng vàng hiện ở gác Du Thiềm và sách cũng chỉ chép nhân vật Lê Văn
Thịnh thì khả năng rất cao, Thịnh đúng là người đỗ cao nhất. Nhưng nếu chép như
sách Toàn thư là có tổ chức cuộc thi Tam trường để tuyển Minh kinh bác học thì
có lẽ là do tham khảo từ nguồn tài liệu mà sử gia Lê Văn Hưu không có. Nhưng dù
thế nào thì việc tổ chức dự tuyển và sau đó chọn người đỗ đạt ra làm quan, cũng
là những tín hiệu rất tốt cho phương nam. Tôi thì không nghĩ rằng trong cuộc dự
tuyển ấy, không chỉ thi mỗi Nho, mà có thể thi cả Phật nữa.
2. Sách
Lý Thường Kiệt: Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý viết: “Động Vật-dương là đất Nùng Trí-Hội
nộp Tống vào năm 1064 và được Tống đổi tên ra Qui-hóa; động Vật-ác là đất Nùng
Tông-Đán nộp Tống từ năm 1057 và được Tống đổi ra châu Thuận-an. Hai động này ở
phía bắc biên-thùy huyện Thạch-lâm tức là phần tây-bắc Cao-bằng và thuộc các
châu Trấn-an và Qui-thuận của Trung-quốc. Phải chăng tên Qui-thuận là lấy hai
chữ đầu hai châu Qui-hoá, Thuận-an mà đặt ra ? Tháng 6 năm Nhâm-tuất 1082, vua Lý sai một phái-bộ
đem 50 sừng tê và 50 ngà voi sang cống vua Tống. Đó là theo TB (327/15b). Sách
ấy có chú-thích rằng: “TL tân-kỷ chép rằng ngày Nhâm-thân 22 tháng 6, Giao-chỉ
cống hai con tê nuôi, nhưng Cựu-kỷ không chép”. Nay Tống-sử (TS 16) cũng chép
như Tân-kỷ. Vừa năm trước đã có cống-bộ Lương Dũng-Luật tới Biện-kinh. Vậy
cống-bộ năm nay không phải là theo thường-lệ. Hình như cũng không có sứ-giả tới
kinh. Mục-đích lần nầy là để đòi dân Quảng-nguyên mà Tống đã đem vào ở trong
đất Tống. Lời biểu của Lý nói (TB327/15b): “Thủ-lĩnh động Cát-đán thuộc Quảng-nguyên, là Nùng
Dũng, cùng dân động đã làm loạn và chạy vào Ung-châu. Tôi đã viết thư nhiều lần
vào đòi. Nhưng Ung-châu không chịu trả”. Vua Tống trả lời: “Tụi Nùng Dũng nguyên
không phải Giao-chỉ quản. Chúng theo ta khi Giao-chỉ chưa hàng. Vậy chúng là dân
ta. Không lẽ gì ta trả chúng”. Theo
lời Tống, ta hiểu rằng bọn nầy theo Tống khi quân Yên Đạt đánh Quảng-nguyên.
Trước lúc trả Quảng-nguyên, Tống đem dân châu ấy vào ở Tả-giang và Hữu-giang,
như ta đã thấy (XII/4). Chắc bọn Nùng Dũng ở trong đám dân ấy. Nhưng không hiểu
vì sao Lý chỉ đòi dân động Cát-đán mà thôi. Có lẽ Cát-đán là Cốc-đán (Cát và
Cốc đồng một nghĩa là tốt, như trong quán-thoại cát-nhật hay cốc-nhật) ngày nay
ở góc tây-nam Cao-bằng. Cát-đán ở phía nam Thông-nông mà Nùng Trí-Hội còn chiếm
(…) Tháng 6 năm Quí-hợi 1083, Hùng Bản phái viên đô-tuần-kiểm Tả-giang là Thành
Trạc và viên coi lò vàng Điền-nại là Đặng Khuyết đến Vĩnh-bình (TB 335/13a, TB
349/6a chép Đặng Tịch). Vua Lý phái Đào Tông-Nguyên đến bàn-nghị. Sứ ta muốn đòi lại hai châu
Vật-dương và Vật-ác, mà Tống chỉ muốn trả một dải đất ở phía nam dãy núi
Hỏa-diễm mà thôi. Đào Tông-Nguyên vẫn giữ thái-độ găng. Cuối cùng Tông-Ngyên
đề-nghị: “Đất thuộc
Quảng-nguyên nầy chỉ là đất nhỏ. Khó lòng mà bán chia. Tôi muốn tự làm bài tâu,
để rồi triều-đình định bằng lòng hay không” (TB 339/2a). Ta có thể coi lời sứ ta như một tối-hậu-thư !
Tất-nhiên, Thành Trạc không bằng lòng. Đào Tông-Nguyên bỏ hội-nghị về (...) Hội-nghị Vĩnh-bình thất-bại.
Tình-thế dọc biên-thùy trở lại găng (...) Lý cũng không muốn có ý đoạn-tuyệt sự
thương-thuyết. Tháng 6 năm Giáp-tý 1084, vua Lý sai viên lang-trung binh-bộ Lê
Văn-Thịnh và Nguyễn Bội tới Vĩnh-bình, tiếp-tục bàn-nghị việc biên-cương mà Đào
Tông-Nguyên đã bỏ dở gần một năm qua (TT và VSL). Lê Văn-Thịnh là kẻ đậu khoa
nho-học đầu tiên ở nước ta (A. Ma 1075). Ông lại được vào cung dạy vua Lý
Nhân-tông từ thủa bé. Chắc ông là một tay ứng-đối giỏi nhất ở triều, cho nên
được chọn sung vào sứ-mệnh này. Lúc
đầu hai bên bàn-cãi gay-go. Sứ ta không chịu nghe lời Tống. Tống vẫn nghi ta
muốn sinh sự. Tháng 7, khu-mật-viện nói: “Sứ Giao-chỉ còn biện-nghị cương-chí,
hoàn-toàn chưa chịu nghe mệnh. Sợ rằng ở biên-thùy còn phải phòng-bị”. Vua Tống
chiếu: “Hùng Bản phải lo-liệu sự phòng-ngự ở các thành, trại, dọc biên-thùy.
Phải hết sức chú-ý xếp đặt Thi-hành thế nào thì tâu về” (TB 347/15b). Đến tháng
8, hội nghị đã có cơ thành công. Tuy Hùng Bản đã được thăng lên chức thị-lang
lại-bộ từ tháng 6, nhưng còn phải đợi xong việc biện-chính địa-giới rồi mới về
kinh. Bấy giờ, Bản được lệnh gọi về. Miêu Thì-Trung được bổ thay Bản. Ngày 16
tháng 8, vua Tống nói: “Cứ theo báo cáo, thì việc Giao-chỉ bàn cương-chí xem đã
có cơ xong. Thì-Trung am-hiểu man-di ở phương ấy. Không nên để Thì-Trung xử
việc biên-cương dưới quyền Hùng Bản. Và Bản đã có lệnh đổi; sợ không có
trách-nhiệm nên không chịu làm việc ấy. Vậy giục Thì-Trung thôi đừng đợi
bàn-gia, lấy ngựa trạm mà đi chóng tới nhậm-sở” (TB 348/6b). Hội-nghị Vĩnh-bình
lần thứ hai này ra sao ? Hai bên thỏa-thuận những điều gì ? Các sử ta nói rất
đơn-sơ. Sách TT chỉ chép vẻn-vẹn rằng: “Định biên-giới. Tống lấy sáu huyện, ba
động trả ta” (…) Mục-đích cuộc hội-nghị là bàn cương-giới thuộc hai đất Vật-dương
và Vật-ác, hoặc theo Tống là bàn cương-giới hai châu Qui-hóa và Thuận-an (TS 16
và TB 349/6a). Bên Tống, Thành Trạc đứng đầu phái-bộ; có lẽ vẫn có viên coi lò
vàng Đặng Khuyết giúp. Bên Lý, ngoài chánh-sứ Lê Văn-Thịnh còn có Nguyễn Bồi
(TB 349/8a) có lẽ là người đã đi cùng Đào Tông-Ngyên tới Biện-kinh sáu năm về
trước. Hội-nghị họp trong tháng 7 năm ấy (G. Ty 1084). Văn-Thịnh biện rõ rằng hai châu Qui-hóa và Thuận-an
nguyên là đất Vật-dương và Vật-ác của nước ta, đã bị các tù-trưởng lấy trộm đem
nộp Tống. Một phái-viên Tống nói: “Những đất mà quân nhà vua đã đánh lấy, thì
đáng trả cho Giao-chỉ. Còn những đất, mà các người coi giữ, lại mang nộp để
theo ta, thì khó mà trả lại”. Văn-Thịnh trả lời: “Đất thì có chủ. Các viên coi giữ
mang nộp và trốn đi, thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Sự chủ giao cho mà
tự lấy trộm đã không tha-thứ được, mà trộm của hay tang-trữ thì pháp-luật cũng
không cho phép. Huống chi nay, chúng lại mang đất trộm dâng, để làm nhơ bẩn sổ-sách
nhà Vua !” (TB 349/7b) (…) Sau đó, không rõ rằng có huấn-lệnh bảo Văn-Thịnh bớt
găng, hay tự ông nhún-nhường chăng. Kết-quả là Thành Trạc buộc rằng Văn-Thịnh
đã nói: “Tôi không giám tranh chiếm các châu động mà Nùng Trí-Hội và Nùng
Tông-Đán đã nộp” và “Như Thành-Trạc đã bàn về các động Vật-dương và Thuận-an,
định vạch cương-giới ở phía nam đất ấy, thì kẻ bồi-thần nầy không giám cãi” (TB
348/8a). Sự thật chứa trong bức thư mà Văn-Thịnh gửi cho Hùng Bản. Thư ấy nói
rằng: “Thành Trạc đã nói sẽ vạch địa-giới ở phía nam mười tám xứ sau nầy:
Thượng-điện, Hạ-lôi, Ôn-nhuận, Anh, Dao, Vật-dương, Vật-ác, Kế-thành, Cống,
Lục, Tần, Nhâm, Động, Cảnh, Tư, Kỳ, Kỷ, Huyện và nói những xứ ấy đều thuộc
Trung-quốc. Bồi-thần tiểu-tử nầy, chỉ biết nghe mệnh, không giám cãi lại. Nhưng
những đất ấy, mà họ Nùng đã nộp, đều thuộc Quảng-nguyên”. “Nay, may gặp Thánh-triều ban-bố
hàng vạn chính-lệnh khoan-hồng. Sao lại chọn miếng đất đầy đá-sỏi, lam-chướng
nầy, mà không cho lại nước tôi, để giúp kẻ ngoại-thần” (TB 349/7b). Đọc lời thư
trên, ta thấy rằng Lê Văn-Thịnh không bằng lòng đề-nghị của Thành Trạc. Nhưng
biết rằng cãi nhau với Trạc cũng vô-ích và muốn dùng lời nhún-nhường khéo-léo
để lay-động những kẻ cầm-quyền ở thượng-cấp. Thành Trạc hoặc tự xuyên-tạc ý Văn-Thịnh, hoặc không
hiểu rõ, lại tâu về triều rằng Văn-Thịnh không đòi đất Vật-dương và Vật-ác nữa.
Và xin vua Tống giáng chiếu theo lời Trạc đề-nghị. Vua Tống sai Hùng Bản xét
lại những công-điệp và những điều diện-nghị của Văn-Thịnh, thì thấy lời tâu của
Trạc không đúng. Ngày 7
tháng 8 năm ấy (G. Ty 1084) vua trách rằng: “Đã sai Hùng Bản bảo Thành Trạc
bày-tỏ những công-điệp và những điều diện-nghị của Lê Văn-Thịnh. Trong đó không
thấy nói đến câu không giám tranh-chiếm đất Nùng Tông-Đán nộp. Thế mà Trạc lại
nói chúng nó đã nghe lời. Thế thì căn-cứ vào đâu để xin giáng-chiếu gia-ân”. Mười
ngày sau, Tống lại tiếp được lời tâu của Hùng Bản nói: “Thành Trạc thưa rằng
trong điệp Lê Văn-Thịnh có nói: “Khê-động nhỏ mọn ấy, nếu Trạc nhận là đất của
Tống, thì xin để tôi bày-tỏ với nha kinh-lược, nhờ tâu về triều và xin
triều-đình định-đoạt”. Chính lúc ấy, Văn-Thịnh đưa cho Hùng Bản bức thư đã thấy
trên. Vua Tống nói: “Muốn sai Hùng Bản xét kỹ-càng những lời Thành Trạc tâu về
từ trước. Hoặc là nếu quan kinh-lược mới đã tới, thì hãy xét tường-tận những
công-điệp và lời đối-đáp của Văn-Thịnh. Như có chấp-cứ được, thì vạch rõ ra mà
theo; để từ rày về sau, hễ người Giao-chỉ nhận được chiếu, thì không thể
phản-phúc nữa. Vậy phải trình về cho rõ”. Ba ngày sau, là ngày 20 tháng 8, Tống
lại tiếp được một báo-cáo khác của Hùng Bản nói: “Thành Trạc trình rằng: “Theo
công-điệp của Lê Văn-Thịnh, thì bằng lòng vạch địa-giới ở phía nam các châu
Vật-dương và Thuận-an”. Vậy xin bàn nên phụng chỉ ban chiếu-thư, cấp cho
Giao-chỉ tám-xứ ở ngoài ải và ban cho Lê Văn-Thịnh và Nguyễn Bồi đồ-vật”. Lại
ba ngày sau nữa, vua Tống nhận được báo-cáo cuối cùng của ti kinh-lược
Quảng-tây gửi về nói: “Trước đây, bản-đạo chưa rõ đầu đuôi việc hai châu
Qui-hóa và Thuận-an. Vì thế, đã sai viên-chức ti kinh-lược tới biện-chính và
đạt chiếu cho Càn-đức bảo người tới chia đất. Nay cứ ti kinh-lược Quảng-châu
tâu, thì ti đã sai Thành Trạc biện-chính với sai-quan Giao-chỉ là Lê Văn-Thịnh.
Bây giờ, đã thấy rõ đầu đuôi. Vậy xin giáng chiếu”. Vua Tống bèn phê rằng: “Nay
An-nam đã bằng lòng phân-hoạch xong-xuôi, thì hãy đem các đất sáu huyện
Bảo-lạc, Luyện, Miêu, Đinh, Phỏng, Cận và hai động Túc, Tang ở ngoài-ải
Khấu-nhạc, giao cho Giao-chỉ thủ-lĩnh. Cứ theo đó mà giáng chiếu. Bảo viện
học-sĩ theo đó mà thảo lời chiếu. Đợi ti kinh-lược Quảng-tây khám xong tên các
ải, rồi sẽ viết chiếu. Còn như bọn Lê Văn-Thịnh, thì ban vải vóc để may áo: cho
Lê Văn-Thịnh 200 tấm, và Nguyễn Bồi 100 tấm”. Những chi-tiết lời trình của
Quảng-tây và lời chiếu của Tống Thần-tông chép lại trên đây là theo
Thời-chính-kỷ của viện khu-mật (xem TB 349/8a). Ta thấy rằng, từ mồng 7 đến 23
tháng 8, viện khu-mật nhận được bốn tờ trình của Hùng Bản. Vì đường trạm đi từ
Vĩnh-bình đến Biện-kinh mất chừng một tháng, ta đoán rằng hội-nghị Vĩnh-bình
nhóm suốt trong tháng bảy và những chỉ-thị của vua Tống, trả lời các tờ trình
ấy, không tới kịp Quảng-tây, trước khi hội-nghị bế-mạc. Vậy thì sự định
cuối-cùng của vua Tống chỉ căn-cứ vào lời trình khi đầu của Thành Trạc, chứ
không căn-cứ vào bức thư của Lê Văn-Thịnh. Vua Tống tin rằng Văn-Thịnh đã bằng
lòng nhận những đề-nghị của Thành Trạc và vua Lý chịu mất Vật-dương và Vật-ác. Ngày 22 tháng 10, sau khi ti
kinh-lược Quảng-tây đã khám rõ tên các ải, dùng làm cận cho biên-thùy, vua Tống
sắc cho vua Lý lời nghị-định sau: “Sắc
cho Giao-chỉ quận-vương Lý Càn-đức:
“Trẫm đã xét lời ti kinh-lược Quảng-nam tây-lộ tâu về nói: “Trước đây,
vì An-nam tâu kêu rằng cương-chí các khê-động thuộc hai châu Vật-ác, Vật-dương
chưa được rõ, đã có triều-mệnh sai bản-ti lo-liệu. Bản-đạo đã sai quan-chức
biện-chính. Nay được tin báo An-nam đã sai bọn Lê Văn-Thịnh tới biên-giới và
biện-chính đã xong. Vậy xin giáng chiếu-chỉ để trao cho An-nam theo làm”. “Về
hai động Vật-dương và Vật-ác, Trẫm đã giáng chỉ lấy tám ải sau này làm giới hạn:
Canh-liệm, Khâu-cự, Khiếu-nhạc, Thông-khoáng, Canh-nham, Đốn-lị, Đa-nhân và
Câu-nan. Đất ngoài các ải ấy có sáu huyện là Bảo-lạc, Luyện, Miêu, Đinh, Phóng,
Cận và hai động là Túc, Tang. Các đất ấy đều cho Khanh chủ-lĩnh”. “Khanh hãy xem đó biết Trẫm
luyến-ái. Khanh càng phải cung-thuận, tuân theo cẩn-thận điều-ước về
cương-giới, chớ có xâm lấn” (Ngày M. Ty, DL 22 11 1084; TB 349/6a). Thế là Tống
Thần-tông đã quyết-định theo lời đề-nghị từ đầu của Thành Trạc, mà không chấp
lời xin của Lê Văn-Thịnh trong công-điệp gửi cho Hùng Bản. Tuy có ban cho Lý
đất sáu huyện và hai động, nhưng hai châu Vật-dương và Vật-ác vẫn bị Tống giữ,
vì Thàng Trạc đã nói rõ là vạch cương-giới ở phía nam mười tám xứ, trong đó có
Vật-ác và Vật-dương (...) Nhận được chiếu của vua Tống, vua tôi Lý không lấy
làm hài lòng. Nhưng hình như họ cũng còn do-dự trong cách đối-phó. Lý không trả
lời lập-tức. Tống yên-trí là Lý nhận lời. Sáu tháng sau, ở Tống, vua Triết-tông
lên ngôi. Vua Lý được gia phong chức đồng-trung-thư môn-hạ bình-chương sự (11
tháng tư năm Ất-sửu 1085, TB 354/4b). Việc chia địa-giới cũng là việc cuối-cùng Tống Thần-tông làm đối
với nước ta. Thần-tông mất ngày Mậu-tuất mồng 5 tháng 3 năm ấy (DL 1-4-1085, TB
353). Triết-tông lên ngôi, mới mười tuổi. Quốc-chính ở trong tay
thái-hoàng-thái-hậu họ Cao. Thái-hoàng-thái-hậu trước vẫn ghét Vương An-Thạch
và đồng-đảng. Cho nên lập-tức đem phái cựu lên giúp việc (...) Lý vin vào
cơ-hội mới, lại gửi thư sang vua Tống mới, xin đổi lời chiếu cũ về hai động
Vật-dương và Vật-ác. Viện khu-mật tâu: “Nên giáng chiếu, nhắc lại chiếu-chỉ của
Tiên-triều và bảo Càn-đức phải tuân theo”. Ngày 24 tháng 6, Tống trả lời không nhận lời xin của
vua Lý. Lời chiếu có giọng cương-quyết như sau: “Ban cho Giao-chỉ quận-vương Lý Càn-đức chiếu sau này”.
“Trẫm đã xét kỹ lời biểu của Khanh xin cương-thổ các động Vật-ác, Vật-dương.
Đời Tiên-đế, Khanh đã bày-tỏ việc cương-giới. Tiên-đế đã giáng chiếu-dụ, đầu
đuôi rõ ràng. Đã đặc-biệt theo lời Khanh cầu, mà cắt đất cho. Nay Trẫm đọc lời
tâu, bất ngờ còn thấy Khanh bày-tỏ kêu-ca điều ấy”. “Trẫm vừa nối nghiệp,
hành-động phải theo mệnh trước. Nghị-định trước đã rõ, nay khó lòng mà đổi
được. Khanh phải trung-thuận, nhất-nhất phải tuân theo lời chiếu trước” (TB
357/16a) (...) Vua Lý được chiếu, chắc lấy làm tức-giận. Nhưng không hề đổ lỗi
cho Lê Văn-Thịnh đã vụng bàn. Tháng 8 năm ấy (A. Su 1085) Văn-Thịnh được cất
lên chức thái-sư, tức là đứng đầu triều-đình. Trái lại, vua Lý tức Tống đã
bất-chấp lời cố nài của mình. Cho nên Lý lại muốn dùng binh lực quấy-nhiễu (...)
Ngày 11 tháng 10 [năm 1086] viện khu-mật nói: “Ti kinh-lược Quảng-tây tâu về,
ngỏ ý rất sợ rằng khi sứ Giao-chỉ trở về, chúng sẽ gây sự. Vậy xin thêm quân
phòng-ngự”. Thái-hoàng-thái-hậu nói: “Nếu ti kinh-lược Quảng-tây dò thấy sự
chóng chầy gì Giao-chỉ cũng sẽ làm loạn là không sai, thì một mặt sai đạo quân
thứ 18 đóng ở đông-nam Đàm-châu xuống đóng ở Quế-châu, một mặt soạn-sửa đem
quân Hồ-nam tới Quảng-tây và lấy quân ở kinh xuống đóng ở Hồ-nam. Đợi khi nào
sứ Giao vào cống, thì sẽ chuyển quân” (TL cựu-kỷ, theo TB 390/14a). Ti kiềm-hạt
Quảng-tây cũng xin cho quân thú ở các trại Vĩnh-bình, Cổ-vạn, Thái-bình,
Hoành-sơn, Thiên-long, Như-tích, Để-trạo được hai năm thay phiên một lần (TB
393/6b). Sứ-bộ ta lần nầy gồm có viên-ngoại-lang hộ-bộ Lê Chung là chánh-sứ và
phó-hiệu úy Đỗ Anh-Bối là phó-sứ. Sứ-bộ tới Quảng-tây trong tháng mười một. Lê
Chung gặp Thành Trạc. Y nói với Trạc rằng: “Vua Lý đã xin đổi địa-giới mà chưa
được chiếu trả lời”. Chung lại xin chép lại những nguyên-thư và trạng của Lê
Văn-Thịnh gửi cho quan Tống, để lúc về sẽ dâng cho vua Lý xem. Trạc mách lại ti
kinh-lược. Ti ấy tâu về triều các việc trên và thêm rằng: “Nếu khi Lê Chung tới
kinh, lại nói đến việc xin đất, thì nên đem bức thư dài của Lê Văn-Thịnh cho
xem mà giảng-dụ, để Lê Chung hiểu rõ rằng trước đó, vì Thành Trạc bảo-đảm sự sứ
Giao-chỉ bàn biên-cương không đến nỗi phản-phúc, cho nên đã theo lời sứ xin mà
giáng chiếu rồi. Từ rày về sau, nếu người Giao tới kinh còn giám bày-tỏ kêu-ca
về chuyện ấy, thì triều-đình khó lòng xử-trí cách khác được”. Tống trả lời cho Miêu
Thì-Trung rằng: “Nếu người Giao không thôi việc đệ thư xin đổi địa-giới, thì
đem hết lẽ mà trả lời và giảng-giải” (...) Mồng 6 tháng 4 năm Đinh-mão 1087,
sứ-bộ tới Biện-kinh. Mồng 4 tháng 5, vua Tống thăng chức cho chánh và phó-sứ;
lấy Chung làm viên-ngoại-lang lại-bộ và Anh-Bối làm Tây-kinh tả-tàng-khố
phó-sứ. Không rõ Lê Chung có tâu việc xin đất không. Có lẽ không, vì không thấy
TB chép lại. Chỉ biết rằng, bấy giờ, triều-đình Tống tiếc đã trả đất ngoài tám
ải cho ta và giận Thành Trạc và Hùng Bản đã đề nghị sự ấy. Chính ngày mà Tống
ban chức cho sứ ta, viện khu-mật hặc Trạc đã bảo-lĩnh cho Giao-chỉ biện-chính,
mà lại còn tự-tiện lấy thư của Lê Văn-Thịnh đã gửi cho Tống, đưa cho Lê Chung
xem. Thành Trạc bị giáng chức và sai đi coi thuế rượu ở Quảng-châu (TB 400/6b).
Mười ngày sau, Hùng Bản cũng bị biếm; vì cớ “lúc coi Quế-châu, đã phân-hoạch
địa-giới không đúng” (TB 401/9b). Tống không những không trách vua Lý, mà tháng
7 năm ấy, còn phong cho “Giao-chỉ quận-vương Lý Càn-đức tước Nam-bình-vương ”
(TB 403/7a). Thế, nhưng mà Lý Nhân-tông cũng không liền chịu bỏ rơi hai động đã
mất. Tống sợ quân ta tời đánh úp, bèn xây đồn ở các cửa ải ở đó và phát quân
đến canh-phòng. Vua Lý vin vào việc ấy mà viết thư kêu với Tống, ý nói quân
Tống đe-dọa đất mình, và có lẽ vua Lý lại đòi đất hai động Vật-dương và Vật-ác
một lần nữa. Lời thư ấy không còn nữa. Nhưng chiếu trả lời của vua Tống nay
còn. Chiếu ấy viết ngày 22 tháng 8 năm Mậu-thìn 1088, nghĩa là hơn một năm sau
khi Lê Chung tới kinh-đô Tống. Lời chiếu như sau: “Trẫm nhớ thánh-đức của
Tiên-đế đã đoái-thương đến phương xa. Sau khi rút quân khỏi Phú-lương, Tiên-đế
đã xét lời khẩn-cầu của Khanh, liền lấy các châu Quảng-nguyên ban-cấp”. “Sau
đó, vì thủ-lĩnh An-nam nhận lầm vương-thổ. Tiên-đế lại sai quan biện-chính chia
cõi. Rồi lấy sáu huyện, hai động ở ngoài tám ải, cấp cho Khanh chủ-lĩnh. Thi-ân
như thế, có thể gọi là tột mực”. “Trẫm vâng theo lời dạy của Tiên-đế, cốt làm
sao cho bờ-cõi yên vui. Huống chi, Trẫm đã giáng chiếu nhiều lần, giảng cực
rõ-ràng. Các đất Vật-ác, Vật-dương, không thể trở lại bàn đến được”. “Thành
Trạc, nhân khi đi tuần-biên để soát các cửa ải, đã tự-tiện đem đồ vật và lụa
cho thủ-lĩnh ở ngoài cõi. Làm thế là trái luật. Vừa rồi, theo lời ti kinh-lược
tố-giác và tâu hặc Trạc đã sinh sự, Trạc đã bị biếm và đổi đi rồi. Khanh nên
đòi lại những đồ vật ấy và đệ tất cả tới quan”. “Hãy dâng thư-biểu, tỏ lòng
cung-thuận. Gắng hiểu lòng Trẫm thương-mến nồng-nàn, để được thêm hưởng nhiều
phúc” (TB 413/8a) (…) Trong chiếu trên, có nói đến việc Thành Trạc đi
tuần-biên, cho thủ-lĩnh người nước ta lụa vải và đồ vật. Không biết sự ấy vào
khoảng nào. Ta biết rằng Thành Trạc đã bị biếm từ tháng 5 năm trước. Trong
chiếu vua Tống lại nói vì Trạc làm lầm việc tuần-biên nên đã bị biếm. Vậy ta
nghĩ rằng việc lầm ấy có từ lâu, và có lẽ là việc cho Lê Văn-Thịnh vải vóc từ
năm 1084. Nếu quả như vậy, thì vua Tống xử quá gay-gắt và vụng-về. Lý đã
kiên-nhẫn xin đất Vật-ác và Vật-dương cả thảy sáu lần, mà hai lần bị Tống
Thần-tông từ, bốn lần bị Thái-hoàng-thái-hậu họ Cao gạt. Từ đó, vua Lý phải
thôi hẳn, không thể nhắc đến việc hai động nữa”.
* Theo như đoạn trích dẫn dài phía trên
thì, tháng 6/1083 diễn ra hội nghị Tống Việt tại Vĩnh Bình, phía Tống đại diện
là Thành Trạc, phía Việt đại diện là Đào Tông Nguyên. Do Tông Nguyên giữ thái độ
cứng rắn, nên hội nghị không đạt được kết quả, Tông Nguyên bỏ về. Tháng 6/1084,
vua Lý sai Lê Văn Thịnh và Nguyễn Bội lại sang Vĩnh Bình tham dự hội nghị phân định
biên giới, do lần trước không đạt được kết quả. Hội nghị diễn ra vào tháng
7/1084. Phía Tống giữ nhất quán quan điểm các đất mà nhà Tống đánh được thì đem
trả, còn đất mà người trông coi đem nộp thì không trả. Lê Văn Thịnh thì giữ
quan điểm, những đất bị người trông coi đem nộp vốn thuộc châu Quảng Nguyên của
phương nam, Tống triều phải trả lại. Nhưng Thành Trạc tấu về triều đình rằng
người Việt đã chịu vạch địa giới ở phía nam 18 xứ. Trong lúc bản tấu được đưa về
triều đình thì hội nghị bế mạc do không đạt được sự thống nhất, đồng thời Lê Văn
Thịnh xin làm bản tấu dâng vua Tống để thỉnh cầu xin lại các đất mà người trông
coi dâng nộp. Cũng như bản tấu của Thành Trạc, bản tấu của Lê Văn Thịnh được gửi
cho Hùng Bản, từ đó Hùng Bản gửi về triều đình. Vua Tống nhận được bản tấu của
Thành Trạc trước liền ra chiếu: y theo bản tấu của Trạc mà định. Rất có thể Tống
triều cẩn thận, muốn xác nhận lại sự đồng thuận của phương nam như bản tấu của
Thành Trạc, nên chỉ thị cho Hùng Bản xác nhận lại. Trong lúc chiếu và chỉ thị của
vua Tống được gửi về Quảng Châu, thì triều đình nhận được bản tấu của Lê Văn Thịnh
dâng. Vua Tống mới giật mình vì phương nam không hề đồng ý cách thức định biên
giới như đề nghị của Thành Trạc, nên chiếu y tấu bị hớ. Xét bản tấu của Lê Văn
Thịnh thì người đọc đều hiểu rằng phương nam không chịu cách định địa giới của
Thành Trạc, tuy nhiên cứ vào lời văn cụ thể thì phía Tống có thể cố tình hiểu theo
cách khác, có lợi cho Tống mà phương nam phải chấp nhận. Ấy là đoạn “bổn thần
chỉ biết nghe mệnh, không giám cãi lại, mà không cho lại nước tôi”. Tống triều
hoàn toàn có thể dựa vào câu này của Lê Văn Thịnh để biện luận rằng: phương nam
đã chịu nghe lời, không giám cãi lại, chỉ xin triều đình cho lại những đất ấy,
vì nó vốn là của nước Việt. Quả thực lời lẽ trong đoạn văn rất nhún nhường, muốn
đánh vào tâm tình của vua quan Tống triều, chỉ tiếc rằng vua Tống đã ra chiếu
trước khi nhận được bản tấu của Lê Văn Thịnh.
Sách Toàn thư chép: “Giáp Tý [1084] Mùa
hạ tháng 6 sai thị lang bộ binh Lê Văn Thịnh đến trại Vĩnh Bình cùng với người
Tống bàn việc cương giới (…) Ất Sửu [1085] Cho Lê Văn Thịnh làm Thái sư”.
Sách Việt sử lược chép: “Ất Sửu [1085]
Mùa thu tháng 8 dùng Lê Văn Thịnh làm Thái sư”.
* Vậy là hội nghị bế mạc mà không đạt
được kết quả gì, Lê Văn Thịnh cũng chỉ gửi được bản tấu xin đất dâng vua Tống.
Tuy nhiên vua Tống lại có chiếu làm theo lời tấu của Thành Trạc, tháng 10/1084
quan binh nhà Tống đo đạc địa giới theo đề xuất của Thành Trạc, sau đó vua Tống
ra chiếu cho Giao Chỉ. Tôi cho rằng Lê Văn Thịnh được làm Thái sư sau khi hội
nghị Vĩnh Bình bế mạc, có thể là vào mùa đông năm 1084, chứ không phải là năm
1085. Sau khi vua Lý nhận được chiếu của Tống về việc phân định biên giới, vua
Lý không hài lòng và tính chuyện dùng quân sự. Và do chiếu của vua Tống có viết
“Lê Văn Thịnh tới biên giới và biện chính đã xong” nên vua Lý cũng hồ nghi Lê Văn
Thịnh đồng ý cách phân chia trên cơ sở 18 xứ của Thành Trạc. Nên cuối năm 1086
sứ Việt là Lê Chung sang Tống. Lê Chung xin chép lại nguyện thư và trạng của Lê
Văn Thịnh gửi Tống triều, để khi về dâng vua Lý xem, vậy rõ ràng vua quan triều
Lý có sự nghi ngờ Lê Văn Thịnh. Và các quan Tống cũng rất sẵn lòng trưng bức thư
dài của Lê Văn Thịnh dâng vua Tống ra cho Lê Chung xem, còn sẵn lòng giảng dụ
cho Chung biết. Vậy thì rõ ràng người Tống đã hiểu hoặc ít nhất là có thể hiểu
(cách hợp lý mà phương nam không cãi lại được) về bức thư của Lê Văn Thịnh sao
cho có lợi nhất cho phía Tống. Có lẽ sau khi nghe quan Tống giảng dụ bức thư của
Lê Văn Thịnh, Lê Chung đành phải chịu phục, không thể cãi thêm bớt được điều nào,
vì mục đích chính của Lê Chung sang lần này như tác giả Hoàng Xuân Hãn nhận xét
là để đòi đất Vật Dương, Vật Ác nhưng lại không thấy sách sử ghi việc Lê Chung đòi
đất, vậy nên sau khi đành phải chịu phục, Lê Chung thấy việc đòi đất chắc chắn
không được nên không đòi nữa. Tháng 5/1087 Lê Chung được nhà Tống ban thưởng. Còn
Hùng Bản bị biếm vì định biên giới năm 1084 không đúng. Quả thực Bản và Trạc định
biên giới không đúng với chỉ thị của Tống triều, rằng đất nào do người trông
coi dâng thì không trả lại, nhưng Thành Trạc đã tự đảm bảo cắt cho phương nam 6
huyện và 2 động. Về phía Tống thì họ thiệt 6 huyện và 2 động. Còn về phía Lý thì
vẫn chưa lấy được 2 động Vật Ác và Vật Dương nhưng theo thư thỉnh nguyện của Lê
Văn Thịnh thì phương nam không giám bàn cãi với quyết định của thiên triều. Về
mặt ngữ nghĩa thì Thiên triều quyết sao, phương nam phải chịu vậy. Tháng 7/1087
Tống triều ban tước cho Lý Nhân Tông, vậy thì rất có thể Lê Chung không bàn
chuyện đòi đất khi ở Biện Kinh. Khoảng cuối năm 1087 Lê Chung về phương nam,
khi tấu việc đi sứ, vua Lý biết chuyện vụng chữ nghĩa của Lê Văn Thịnh trong bức
tấu gửi Tống triều, Lý Nhân Tông chắc đã rất giận, mối quan hệ của 2 người trở
nên xấu đi. Tháng 8/1088 phương bắc gửi chiếu cho vua Lý có nhắc tới việc “trẫm
đã giáng chiếu nhiều lần, giảng cực rõ-ràng. Các đất Vật-ác, Vật-dương không
thể trở lại bàn đến được, Thành Trạc nhân khi đi tuần-biên để soát các cửa ải,
đã tự-tiện đem đồ vật và lụa cho thủ-lĩnh ở ngoài cõi. Làm thế là trái luật.
Vừa rồi, theo lời ti kinh-lược tố-giác và tâu hặc Trạc đã sinh sự, Trạc đã bị
biếm và đổi đi rồi. Khanh nên đòi lại những đồ vật ấy”. Đây thực sự là lời chiếu
có đao kiếm trong đó. Khi nhận được chiếu, Lý Nhân Tông hẳn là không giữ được tỉnh
táo, khi biết rằng Lê Văn Thịnh đã nhận đồ vật và lụa của nhà Tống để [bị gài] định
biên giới theo đề xuất của Thành Trạc. Tôi cho rằng chính việc này mà Lý Nhân Tông
đã biếm và an trí Lê Văn Thịnh tại Thao Giang.
Sách Toàn thư chép: “Mậu Thìn, năm thứ tư [1088] Mùa xuân tháng
giêng, phong nhà sư Khô Đầu làm Quốc sư (có thuyết nói là cho tiết việt, cùng
với Tể tướng đứng trên điện, xét đoán công việc và đơn từ kiện tụng của thiên
hạ, chưa chắc là có thể, có lẽ bấy giờ Nhân Tông sùng đạo Phật, phong làm Quốc
sư để hỏi việc nước, cũng như Lê Đại Hành đối với Ngô Khuông Việt mà thôi). Đặt
chức thư gia mười hỏa. Định các chùa trong nước làm ba hạng đại, trung và tiểu
danh lam, cho quan văn chức cao kiêm làm đề cử. Bấy giờ nhà chùa có điền nô và
kho chứa đồ vật, cho nên đặt chức ấy. Kỷ Tỵ, năm thứ 5 [1089] Mùa xuân, tháng
3, định các chức văn võ, quan hầu vua và các chức tạp lưu”.
* Xem sách sử thì chúng ta nhận thấy kể từ sau khi Lê Văn Thịnh
bị an trí tại Thao Giang, không thấy chép đến việc vua Lý phong chức Thái sư, cũng
theo sách Toàn thư năm Tân Sửu 1121 sách chép sự kiện Thái sư Trần Độ tranh biện
với nhà sư Vương Ái về cây cau gốc có 7 thân. Sách Toàn thư chép rằng tháng
1/1088 sư Khô Đầu được phong làm Quốc sư và có nguồn tại liệu cho rằng vị Quốc
sư này được dự triều chính, đừng trên điện cùng Tể tướng xét đoán công việc, đơn
từ kiện tụng của thiên hạ. Sử gia Ngô Sĩ Liên thì cho rằng tài liệu ấy không chính
xác. Tôi cho rằng, không phải vị Quốc sư này cùng Tể tướng giúp vua điều hành
triều chính mà là thay thế vị trí Tể tướng điều hành mọi sự trong nước. Có lẽ
sau khi Thái sư Lê Văn Thịnh bị biếm, công việc của Tể tướng do Khô Đầu đảm nhiệm
với tên gọi Quốc sư. Trong bài Lịch sử kinh tế Việt Nam tôi cho rằng giai đoạn
thời Lý Nhân Tông, chùa không chỉ giữ vai trò truyền bá tôn giáo, tín ngưỡng của
phật giáo mà còn là công cụ của triều đình nhằm kiểm soát về mặt tư tưởng chính
trị và kinh tế. Triều đình bỏ tiền ra xây dựng chùa, nhưng đồng thời cử đại diện
là quan văn phụ trách các nguồn thu chi của chùa. Chùa có 2 nguồn thu chủ yếu là:
điền nô và công đức. Qua sự kiện xếp chùa làm 3 hạng và đặt lại quan văn võ,
cho thấy 2 năm 1088 và 1089 triều đình đã có những cải cách cơ bản, tôi ngờ rằng
những cải cách này khởi phát từ Khô Đầu quốc sư. Chính sách kinh tế phật giáo của
Khô Đầu quốc sư được triều đình ủng hộ rất mạnh mẽ, bằng chứng là sách Toàn thư
chép năm Đinh Sửu 1097, trong nước giàu đủ, Thái hậu làm nhiều chùa Phật. Tuy
nhiên, chính sách của Quốc sư có hạn chế rất lớn, ấy là việc đầu tư rất nhiều.
Đầu tư về tài chính, đầu tư về thời gian và đầu tư về sức lao động. Nền kinh tế
Đại Việt có nông nghiệp thô sơ làm chủ đạo, phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên,
thay vì dùng sức lao động vào phòng chống lũ lụt và hạn hán để nâng cao sức chống
trả với thiên nhiên thì lại dùng vào việc xây chùa điện. Nên chỉ cần chút khắc
nghiệt của thiên nhiên là nền kinh tế Đại Việt rơi vào khó khăn.
Sách Lý Thường Kiệt: Lịch sử ngoại
giao và tông giáo triều Lý viết lời bàn của Triệu Tiết như sau: “Tôi xét thế Giao-chỉ, thấy chúng chưa giám
động. Ấy vì có ba lẽ: Trước đây, Giao-chỉ lấy tụi Lưu Kỷ làm mưu-chủ. Nay tụi ấy
đã được ta bổ làm công-chức. Các thuế mỏ vàng mỏ bạc ở Quảng-nguyên, Tư-lang,
nay đều về ta. Các khê-động mới theo ta, nay đều tự-chủ và lập đảng riêng-biệt;
Giao-chỉ khó lòng mà họp lại được. Huống chi dân miền biên-thùy chống lại
chúng, không chịu để chúng hiếp-dỗ. Ta đã lấy được phủ ở phía ngoài đất chúng,
như là đã cắt cánh tay phải của chúng. Trong vài năm nữa, thế chúng vẫn còn chết.
Càn-đức nhỏ-dại, chính-sự phần lớn ở môn-nhân mà ra. Chúng nó còn phải gầm-ghè
nhau để tự-bảo, không rỗi tay để cướp ta. Đó là lẽ thứ nhất, mà chúng chưa giám
động. Từ kinh-thành Giao-chỉ đến biên-trại cũ, đường đi mất hơn mười ngày. Từ
trước, giặc tới đó chưa từng có đủ lương ăn. Chúng chỉ nhờ tụi Lưu Kỷ góp-nhặt
cấp cho, mà cũng không đủ ăn nửa tháng. Hết rồi thì chúng cướp-đoạt của dân.
Cho nên dân rất oán-thù. Trước đây, tụi Kỷ liên-lạc với các khê-động ở đất ta
và nhờ dẫn đường, nên chúng giám vào cướp. Nay phên-giạu đều hết sạch. Chúng biết
nương-tựa vào đâu mà dám dòm-ngó biên-thùy ? Từ khi chúng làm phản đến nay, dân
bỏ cày đã hai năm. Dân ta cũng bỏ cày cấy. Lại thêm bị điều-động, bị tật-dịch.
Số chết nhiều không kể xiết. Ví như chúng có ý ngông-cuồng tranh cương-thổ ta,
thì vừa qua khỏi trường-giang, đã dậm lên đất ta. Chúng lấy ai dẫn đường ? Lấy
lương đâu ăn ? Quân giặc có bao nhiêu để tự-vệ ? Phải chia quân ra thủy lục,
thì quân chắc ít, khí chắc hết. Đó là lẽ thứ hai, mà chúng chưa giám động.
Giao-chỉ thu thuế nặng. Những nhà hạng vừa và hạng dưới mà mỗi năm phải nộp đến
trăm quan. Bốn phần mười thuế ấy nộp nhà chúa; còn dư, các thủ-lĩnh lấy. Thuế nặng
đến nỗi dân phải xiết cả tài-sản, vợ con, mà bù không đủ số thiếu. Biên-dân rất
oán-giận. Vừa rồi, quan-quân đến đánh. Muốn tỏ lòng thương những dân-chúng tới
hàng, ta đã treo các sắc-bảng hứa tha cho chúng năm năm thuế. Lòng chúng đều
vui qui-thuận. Giá-sử Giao-chỉ trở lại hiếp dỗ chúng, thì có ai theo ? Đó là lẽ
thứ ba, mà chúng chưa giám động”.
Sách Việt sử lược chép: “Quý Tỵ là năm Long
Phù Nguyên Hoà thứ 3 [1103] Tháng 2 Thái hậu xuất tiền trong kho để chuộc lại số
con gái nhà nghèo bị cầm thế, đem về gả cho những người bị goá vợ”.
Sách Toàn thư chép: “Quý Mùi [1103] Mùa xuân
Thái hậu phát tiền ở kho Nội phủ để chuộc cho con gái nhà nghèo đã phải bán đi,
đem gả cho những người goá vợ. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Con gái nhà nghèo phải
cầm thân làm mướn, con trai nhà nghèo đến nối không có vợ, đó là cùng dân trong
thiên hạ (…) Mùa đông tháng 10 người Diễn Châu là Lý Giác mưu làm phản (…) Giác
thua trốn sang Chiêm Thành, dư đảng đều bị dẹp yên. Chiêm Thành cướp biên giới”.
* Nhận xét của Triệu Tiết về việc thu thuế của Đại Việt hoàn
toàn chính xác, điều này cho thấy người Tống hoàn toàn nắm được tình hình của Đại
Việt, đó cũng là lý do vì sao mà sau khi người Tống bị phá 3 châu Ung Khâm Liêm
năm 1085 và không thể vượt được sông Như Nguyệt năm 1077 mà người Tống vẫn tỏ
ra cứng rắn trong những lần hội nghị phân chia địa giới. Các chính sách kinh tế
của triều đình gây ra nhiều tổn hại cho xã hội, bằng chứng là năm Quý Mùi 1103
Thái hậu phải xuất tiền ở kho Nội phủ để chuộc con gái nhà nghèo đã phải bán thân.
Các vùng xa kinh thành trở nên bất mãn với các chính sách của triều đình mà đỉnh
điểm là loạn Lý Giác ở Diễn Châu. Vua Lý Nhân Tông vừa nắm chính quyền đã nhận
2 hậu quả rất nghiêm trọng là công cuộc đàm phán biên giới phía bắc và tình hình
kinh tế yếu kém. Trong bối cảnh ấy, vua buộc phải mời Thái uý Lý Thường Kiệt ra
Thăng Long dự triều chính, thế nhưng sức già đã kiệt.
Sách Toàn thư chép: “Bính Thân, năm thứ 7 [1116] Mùa hạ nhà sư
Từ Đạo Hạnh trút xác ở chùa núi Thạch Thất”.
Sách Thiền uyển tập anh chép: “Quốc sư Thông Biện. Người Đan
Phụng, họ Ngô, con dòng phật tử (…) Thái hậu rất vui, bèn phong sư làm Tăng lục,
ban cà sa tía và hiệu Thông Biện đại sư, cùng thêm hậu thưởng để tỏ lòng yêu
chuộng. Không lâu, hậu triệu sư vào cung, phong làm Quốc sư, hỏi han yếu chỉ của
thiền (…) Đại sư Mãn Giác. Người Lũng Chiền làng An Cách, họ Nguyễn tên Trường
(…) Vua cùng với Linh Nhân hoàng thái hậu lúc mới lưu tâm đến thiền, liền xây
chùa bên cạnh cung Cảnh Hưng, mời sư đến ở để tiện hỏi han. Nói chuyện với sư,
vua chẳng gọi tên mà thường gọi là Trưởng lão [Khi Phù Thánh Linh Nhân hoàng thái
hậu hỏi tôn chỉ, sư đáp] Việc truyền kinh pháp đến Thiên Thai [Trí Khải
(538-597)] thì thịnh, gọi là Giáo tôn. Được yếu chỉ của Đạt Ma thì đến Tào Khê [Huệ
Năng (638-713)] mới sáng, gọi là Thiền tôn. Hai tôn ấy truyền đến nước Việt ta đã
nhiều năm. Giáo thì lấy Mâu Bác [165-] Khương Tăng Hội [-280] làm đầu. Thiền thì
lấy Tỳ Ni Đà Lưu Chi làm phái trước, Vô Ngôn Thông làm phái sau (…) Xét Đàm Thiên
pháp sư truyện thì vua Tuỳ Cao Tổ gọi pháp sư nói: “Trẫm nghĩ đến lời dạy từ bi
của đức Điều Ngự, muốn báo đền công đức, không biết làm sao (…) xứ Giao Chỉ kia
tuy đã nội thuộc, nhưng còn ky my, nên phải chọn những sa môn danh đức, đến các
xứ của châu ấy dạy dỗ, hầu kiến cho tất cả đều giác ngộ”. Pháp sư đáp: “Một phương
Giao Châu, thông đến Thiên Trúc, Phật pháp lúc mới tới, thì Giang Đông chưa có,
mà Luy Lâu đã dựng chùa hơn 20 ngôi, dịch kinh 15 quyển, vì nó có trước vậy. Vào
lúc ấy, thì đã có Khâu Đà La, Ma La Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu
Bác tại đó” (…) Sư được lấy thuế hộ 50 người”.
Văn bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn
viết: “Thái úy tuy thân vướng việc đời, mà lòng vẫn hướng về đạo Phật. Có lẽ vì
nhà vua và mẫu hậu tôn sùng giáo lý nhà Phật đó chăng? Cho nên Thái úy vâng
theo ý chỉ của đức vua và mẫu hậu mà nâng đỡ Phật pháp vậy. Nhân lúc rảnh việc
triều đình, ông thầy của thái hậu là Trưởng lão Sùng Tín bỗng từ kinh sư đến
quận này, mở mang giáo hóa, khơi thông mọi tập lục khác lạ, răn điều ác, chỉ
điều thiện, khác nào một trận mưa rào thấm nhuần cây cỏ, không ai là không hớn
hở vui tươi Thế là Thái úy cùng trưởng lão ngược dòng lên cửa Phấn Đại, dừng
thuyền ở chân núi Long Tỵ. Xem đá trắng mà ngọc châu lấp lánh; dòm thác nguồn
mà xiêm áo lung linh. Do đó Thái úy khuyên dựng đoản đình ở ngay chân núi, xây
tường lớn ở chốn non cao. Trưởng lão hỏi rằng: Núi này đẹp, nhưng đã mở mang
mất rồi, còn có nơi nào thanh u, nổi tiếng đẹp đẽ hơn, mà xưa kia đã từng nghe
nói, thì xin dẫn tới xem. Thái úy trả lời: Trưởng lão thực là một người có thể
thực hành được đạo Phật, thỏa được tính sáng, mở được lòng mê, bằng cách tùy
theo cái căn tính lanh lợi hay ngu dần mà chi cho phép "đốn" hay phép
"tiệm". Rồi đó, Thái úy lại dẫn những người tùy tùng, dời thuyền di
về phía Tây, qua dòng sông trong Nam Thạc, đến ấp nổi danh Đại Lý. Dạo bước bến
đò, đưa mắt xem xét, thấp thoáng thấy ở trong quận, cách quận lỵ độ chừng năm
dặm có hòn núi trơ vơ gọi là Ngưỡng Sơn. Chân núi quanh co bên bờ nước, đâu
phải núi đồi dĩ, hỗ, lại không vách đứng tường cao. Bóng lam ngùn ngụt, sắc
thúy đậm đà, quanh quất làng xa, bao quanh điện Bắc. Gò ao khắp núi, hình thế lạ
kỳ. Trước đây có một ẩn sĩ riêng xây am trong ấy và di duyên hóa mọi phương,
tuy đã mở mang, nhưng tịnh giới chưa được nghiêm nhặt. Thái úy lại dẫn bộ thuộc
theo lối tắt trèo lên, chỉ thấy cây cổ rợp trời, ráng mây vương vất. Thái úy
bồi hồi dạo bước, trên dưới ngắm trông. Thế là vì tấm lòng ưa thích sự vui vẻ,
thương xót quần sinh mà ý nghĩ kinh doanh trỗi dậy. Thái úy bảo rằng: Cái mà kẻ
trí người nhân yêu thích là núi, là sông; cái mà thế đại lưu truyền là danh, là
đạo. Nếu mở núi mà làm cho "đạo" và "danh" rạng rỡ thì
không đáng quý hay sao? Thế là phát cỏ rậm, bạt đá to, thày bói nhằm phương,
thợ hay dâng kiểu; quan thuộc góp tiền, sĩ dân đổ tới. Kém sức thì bào, thì
gọt; sành nghề thì dựng thì xây. Chùa Phật thênh thang ở giữa; phòng chay rộng
rãi hai bên. Trang nghiêm chính giữa thì Ngũ trí Như lai sắc vàng rực rỡ, ngồi
trên tòa sen trồi lên mặt nước Quanh tường thì thêu vẽ dung nghi đẹp đẽ của cực
quả mười phương cùng với mọi hình tướng biến hóa, muôn hình vạn tượng, không
thể kể xiết. Phía sau xây ngôi tháp báu gọi là tháp Chiêu Ân, chín tầng chót
vót, giăng mắc rèm the, cửa mở bốn bên, bao quanh con tiện. Gió rung chuông
bạc; hòa nhịp chim rừng. Tháp báu nắng soi; long lanh vàng diệp. Quanh thềm lan
can; đầy sân hoa cỏ. Trước cửa chính, trong treo chuông vàng, một tiếng chày
kinh; ngân vang khắp chốn. Thức tỉnh kẻ u mê; phá tan niềm hôn tục. Khuyên bảo
việc lành; răn đe điều ác. Thẳng ngay phía trước một đường hai ngả, khơi mương
và dẫn nước chảy xuôi. Bên giòng nước dựng xây đình nhỏ, san sát thuyền bè qua
lại, dừng chèo tạm nghỉ. Hoặc Hoàn-bang, Chân-lạp xa tới mà quỳ gối ngắm xem;
hoặc nước lạ phương xa qui phục mà cuối đầu dập trán. Cái nhà nát của kẻ trưởng
giả quê mùa mà hóa thành Vương Xá lớn”.
Sách Thiền uyển tập anh chép: “Thiền
sư Trì Bát. Người Luy Lâu, họ Vạn (…) Tướng quốc Nguyễn Thường Kiệt lúc bấy giờ
là vị đàn chủ. Những gì sư được dâng cúng, đều đem dùng vào việc phật”.
* Như vậy, rõ rằng Phật giáo giữ vai
trò rất lớn trong lịch sử Việt Nam. Các nhà sư giữ vai trò quyết định trong các
vấn đều quốc gia. Xét lời của Thiền sư Thông Biện trong Thiền uyển tập anh thì
“dịch kinh 15 quyển” không rõ có phải là dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán không ? Nhưng
rõ ràng Giao Châu phật pháp truyền đến rất sớm vậy mà thực tế là từ khi giành độc
lập, các triều Lê Lý luôn phải sang phương bắc xin kinh phật. Vì sao đến nỗi ? Ấy
là vì Giao Châu không có chữ viết riêng, nên rất khó khăn để lưu trữ kinh phật.
Suốt mấy trăm năm, trải bao triều đại, những thiền sư hiểu thấu giáo hoá của phật
pháp được bao nhiêu vị ? Dân Việt không biết chữ nên không đọc được kinh phật,
nhưng lại tín, thành ra sư giả bày đặt chuyện quỷ thần để lừa gạt cũng tin, vài
người tin rồi cả nước cũng tin. Cho đến cuối nhà Trần, trong di sản của dân Việt
có 2 bộ sách còn nguyên vẹn, ấy là Việt điện u linh và Lĩnh Nam chích quái. Rồi
nho giáo xuất hiện nên có vài vị đại thần không tin chuyện ma quỷ. Gốc của sự ấy
là do dân Việt không tự đọc kinh phật, chỉ nghe người khác truyền thụ lại.
* Thái sư Lê Văn Thịnh chỉ lấy được
6 huyện và 2 động phía bắc, còn 2 động Vật Dương và Vật Ác chưa lấy được. Phải
thừa nhận rằng việc lấy lại 2 động Vật Dương và Vật Ác là rất khó. Lý triều e rằng
thời điểm năm 1084 không ai làm tốt hơn Lê Văn Thịnh. Nhưng dù sao công việc ấy
cũng quá sức với Thái sư. Nhưng người Việt tự thưởng không phải bởi Thái sư lấy
được 6 huyện và 2 động mà là vì Thái sư nói rằng: dùng đồ ăn trộm do người khác
dâng là sai. Lê Văn Thịnh được ca ngợi cũng vì dùng đàm phán trong giải quyết
xung đột, mà đã trở thành xu hướng chủ đạo thời đương đại, khác hoàn toàn với Đào
Tông Nguyên và các võ quan khác, đất nhỏ không thể chia, xin không cho. Về! Chuẩn
bị quân. Đánh! Nhưng cũng phải thấy rằng vị đỗ cao nhất trong lần tổ chức thi đầu
tiên của người Việt đã vụng câu chữ như thế nào trước người phương bắc, để rồi
khi người phương bắc giảng giải cực rõ ràng, khiến sứ Lê Chung không thể nói thêm
được gì.
(Ký
tên T.T. Luân)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét