Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

Bàn về thân thế của Lý Công Uẩn

Nguyên quán của Lý Công Uẩn là cuộc tranh luận mà vẫn chưa có hồi kết. Trong bài này chúng ta sẽ cũng tìm hiểu về những tài liệu chép về Công Uẩn. Về nguyễn hiện có 2 luồng tiếp cận: Thứ nhất là Công Uẩn người Mân (Chiết Giang) và thứ hai là nguyên quán người Cổ Pháp (Giao Chỉ). Về luồng thông tin Uẩn là người Mân, chúng ta tập trung vào bài khảo luận rất hay của Nguyễn Phúc Anh với tên Về vấn đề nguyên quán của Lí Công Uẩn: Từ góc nhìn sử liệu. Về luồng thông tin Uẩn người Cổ Pháp chúng ta tập trung vào những bài viết của tác giả Trần Viết Điền.
  1. Tiếp cận văn bản Về vấn đề nguyên quán của Lí Công Uẩn: Từ góc nhìn sử liệu của Nguyễn Phúc Anh.
Về vấn đề nguyên quán của Lí Công Uẩn: Từ góc nhìn sử liệu chép: “nguồn sử liệu nghiên cứu vấn đề quê hương nhà Lí có thể chia làm hai nhóm chính bao gồm: hệ thống sử liệu về nguồn gốc Mân của Lí Công Uẩn (…) và hệ thống sử liệu về nguồn gốc Giao Chỉ của Lí Công Uẩn (…) Xung quanh quan điểm của những học giả hiện đại về vấn đề nguồn gốc của nhà Lí: Giới sử học Trung Quốc hiện đại (đặc biệt là Hàn Chấn Hoa và Lí Thiên Tích) đều đồng thuận rằng Lí Công Uẩn là người gốc Mân (Phúc Kiến). Căn cứ cho những lập luận của họ thường là những tư liệu lịch sử xuất hiện sớm (…) có niên đại, tác giả và tình hình văn bản tương đối rõ ràng.
Trong khi đó giới nghiên cứu sử học Việt Nam từ xưa đến nay lại có một sự đồng thuận cao về nguồn gốc Giao Chỉ của Lí Công Uẩn (Trần Quốc Vượng; Nguyễn Quang Ngọc; Nguyễn Ngọc Phúc) (…) [Một số điểm tế nhị trong cách phê phán sử liệu của một số nhà nghiên cứu Việt Nam, đó là tìm kiếm những thông tin có vẻ không chính xác trong một sử liệu nào đó để rồi đặt vấn đề nghi ngờ với toàn bộ sử liệu, đấy là một giải pháp khá dễ dãi, song là cách nhanh nhất để gạt bỏ một sử liệu không phù hợp với tín điều].
Nghiên cứu của chúng tôi, đặc biệt, dựa trên những thành quả nghiên cứu của Hoàng Xuân Hãn. Ông viết: “Theo sử ta, Lý Công- Uẩn là con vô-thừa-nhận. Bố nuôi là Lý Tự-Khanh, cho nên lấy họ là Lý. TT [Toàn Thư] còn chép chuyện hoang-đường mẹ có mang với thần-nhân. Sự thật, chắc rằng thuyết ấy là bịa đặt ra, hoặc để che đậy một gốc-tích không được đẹp-đẽ, hoặc để cho dân-sự đương thời theo về. Sách VSL chép: khi lên ngôi, Lý Công-Uẩn phong bố làm Hiển-khánh-vương, anh làm Vũ-uy-vương.
Xem vậy, Công-Uẩn biết cha là ai và có đủ họ hàng, chứ không phải là một đứa con vô thừa-nhận. Tuy ta có thể nghĩ rằng bố đây là bố nuôi, nhưng VSL chép rõ những chữ: phụ, huynh, đệ. Vì thế, thuyết nói Công-Uẩn gốc người Mân có thể là thật. Và chăng nước ta bắc-thuộc trong nghìn năm, người Trung-quốc hoặc sang buôn-bán, hoặc sang làm việc quan, rồi sinh con-cái ở đất ta rất nhiều.
Cho nên Lý Công-Uẩn rất có thể là con cháu một người Mân. Tổ-tiên sang nước ta lúc nào? Dựa vào sự họ Lý dấu gốc- tích, tôi nghĩ rằng gốc tích ấy mới. Có lẽ bố Lý Công-Uẩn người Mân, có chức-vị quan-trọng ở đó. Khi Tống lấy nước Mân (971), họ Lý chạy sang ta ẩn-tích. Sau Công-Uẩn làm vua nước ta, không muốn nói mình là người Bắc; lại nhân muốn tăng lòng dân tin cậy, nên mới bịa ra thuyết con thần. Không biết giả-thuyết này có đúng hay không.
Một điều chắc-chắn là đời Tống, người Tống đều nhận họ Lý gốc ở Mân; không những Từ Bá-Tường nói mà thôi, mà sách Mộng-khê bút đàm cũng nói thế”. Những giả thuyết của Hoàng Xuân Hãn mãi chỉ là giả thuyết. Song những nghi ngờ của ông đã chỉ dẫn cho chúng tôi rất nhiều khi tìm kiếm tư liệu phục vụ cho bài viết này (…)
Tốc thủy kí văn của Tư Mã Quang (1019 – 1086) (…) chủ yếu viết về giai đoạn sáu đời vua Bắc Tống từ năm 906 đến năm 1070. Như vậy, quyển sách Tốc thủy kí văn được biên soạn vào quãng khoảng 1070 đến 1086, tức là ngay trong hoặc gần sát giai đoạn cuộc chiến tranh Tống Lí năm 1075. Sách có đoạn viết: “Trong năm Hi Ninh … Tiến sĩ Lĩnh Nam là Từ Bách Tường nhiều lần thi mà không đỗ đại khoa, ngầm viết thư cho Giao Chỉ rằng: “Đại vương tổ tiên vốn là người Mân. Nghe nói bây giờ công khanh quý nhân ở Giao Chỉ đa phần là người Mân vậy. Bách Tường này tài lược không kém cạnh ai, nhưng không muốn phụng sự cho Trung Quốc nữa, xin được phụ tá dưới trướng đại vương. Nay Trung Quốc muốn cử binh diệt Giao Chỉ. Binh pháp có câu: “kẻ vào trước có thể đoạt được lòng người” chẳng bằng cử binh trước vào cướp đánh, Bách Tường xin làm nội ứng. Vì thế mà Giao Châu nổi đại binh vào đánh cướp, vây hãm ba châu Khâm, Liêm, Ung. Bách Tường không có cơ hội để mà đến quy hàng chúng. Khi ấy Thạch Giám thân với Bách Tường, dâng tấu khen Bách Tường có chiến công, ngoài chức Thị cấm còn sung làm Tuần kiểm ba châu Khâm, Liêm, Bạch. Triều đình lệnh Tuyên Huy sứ Quách Quỳ thảo phạt Giao Chỉ. Giao Chỉ xin hàng và nói rằng: “Chúng tôi vốn không vào cướp, người Trung Quốc gọi chúng tôi vào thôi”. Rồi đưa thư của Bách Tường cho Quỳ. Quỳ lệnh Quảng Tây chuyển vận ti theo đó mà tra hỏi. Bách Tường chạy trốn, treo cổ tự sát. Ghi chép theo lời của Quách soái (Quách Quỳ)”. Đây là lời của Quách soái (tức Quách Quỳ) nói cho Tư Mã Quang nghe. Vậy nên những lời này là lời của những người trong cuộc, xuất hiện sau khi cuộc chiến kết thúc có lẽ không lâu. {Tiếp cận 1: Theo như ghi chép của Tư Mã Quang thì những thông tin về Từ Bá Tường; bức thư của Tường và nội dung trong bức thư ấy là do người trong cuộc Quách Quỳ kể lại, chưa chắc Mã Quang có tham khảo thông tin nào khác để ghi chép về sự kiện này – tôi gọi đây là cấp thông tin thứ 3}
Mộng Khê bút đàm của Thẩm Quát (1031 – 1095) (…) được viết trong khoảng 1086 – 1093[chép]: “Giao Chỉ là đất cũ Giao Châu của đời Hán đời Đường. Ngũ Đại loạn lạc, Ngô Văn Xương mới chiếm An Nam rồi dần chiếm đất của Giao, Quảng. Sau này Văn Xương bị Đinh Liễn giết, Liễn có đất của Văn Xương. Năm thứ sáu niên hiệu Khai Bảo triều ta, Liễn mới quy phục, ban cho chức Tĩnh Hải quân tiết độ sứ; năm thứ tám phong là Giao Chỉ quận vương. Cảnh Đức nguyên niên, thổ nhân là Lê Uy giết Liễn tự lập; năm thứ ba Uy chết, An Nam đại loạn, lâu không có ai là tù trưởng. Quốc nhân sau đó cùng lập người đất Mân là Lí Công Uẩn làm chúa. Năm thứ bảy niên hiệu Thiên Thánh, Công Uẩn chết, con là Đức Chính lên thay. Năm thứ 6 niên hiệu Gia Hựu, Đức Chính chết, con là Nhật Tôn lên thay. Từ khi Công Uẩn chiếm An Nam, mới có lo lắng về chốn biên cương, hắn nhiều lần đưa quân vào cướp. Đến đời Nhật Tôn, còn tiếm xưng là “Pháp Thiên Thuận Ứng Sùng Nhân Chí Đạo Khánh Thành Long Tường Anh Vũ Duệ Văn Tôn Đức Thánh Thần Hoàng Đế”, tôn Công Uẩn làm Thái Tổ Thánh Vũ Hoàng Đế, quốc hiệu Đại Việt. Hi Ninh nguyên niên, cải nguyên bậy thành Bảo Tượng; năm sau lại cải thành Thần Vũ. Nhật Tôn chết, con là Càn Đức lên thay, để hoạn quan Lí Thượng Cát và mẹ Lê thị, hiệu là: Yến Loan thái phi cùng coi việc nước”.
Sử liệu này có nhiều điểm còn chưa được bàn bạc một cách rõ ràng. Nguyễn Ngọc Phúc trong bài viết “Thư tịch, truyền thuyết, di tích về quê hương, gia đình, và tuổi thơ Lí Công Uẩn” có đặt vấn đề nghi ngờ sự chân xác của Mộng Khê bút đàm bởi theo tác giả, Mộng Khê bút đàm có nhiều đoạn viết về tình hình Giao Chỉ chưa thực sự đúng. Tác giả viết: “Không khó để nhận ra những thông tin thiếu chính xác ở trong đoạn trích dẫn trên. Các nhân vật Thẩm Quát nhắc đến có tới 3 người sai tên họ. Về Lê Hoàn, chữ “Uy” phải là chữ “Hoàn” (tức vua Lê Hoàn) mới chính xác; tên của Lý Thường Kiệt ghi thành Lý Thượng Cát và danh hiệu Ỷ Lan thành Yến Loan (…) Giải pháp bác bỏ sử liệu thông qua việc tìm kiếm những điểm không chính xác của sử liệu rồi khẳng định vì có những điểm không chính xác ấy nên sử liệu đó không đáng tin cũng không phải là giải pháp có tính khoa học trong việc phê phán sử liệu (…)
Những cái sai tên người Lê Uy thành Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt thành Lý Thượng Cát, Ỷ Lan thành Yến Loan là những nhầm lẫn có thể bị gây ra do sự khác biệt trong quá trình ghi âm đọc tên người của các vị ấy (…) hiện tượng sử dụng những chữ Hán ghi âm không giống nhau cho cùng một âm đọc là điều xảy ra rất phổ biến, đặc biệt khi sử gia muốn phiên chuyển danh từ riêng của một dân tộc khác, ngôn ngữ khác. Hà Văn Tấn có nói đến những rắc rối trong việc phiên âm tên của những nhân vật lịch sử triều Nguyên.
Đa phần những văn bản sử liệu sớm sẽ rơi vào tình trạng như vậy, khi nguồn tư liệu cho những ghi chép của sử gia chủ yếu đến từ những chuyện người ta mắt thấy tai nghe chứ không phải từ những thư tịch thành văn. Chừng nào chưa chứng minh được khả năng này là không thể xảy ra thì việc khẳng định Mộng Khê bút đàm đã nhầm lẫn vẫn còn là một khẳng định vội vàng. Ngoài ra, những sai lầm của Mộng Khê bút đàm về niên đại và sự kiện liên quan đến Giao Chỉ: “Đinh Liễn và Đinh Tiên Hoàng bị giết năm 979 chứ không phải bị Lê Uy (Hoàn) hạ sát năm 1004 như Mộng Khê bút đàm chép. Lê Hoàn mất năm Thuận Thiên 19 (1005) chứ không phải mất năm Cảnh Đức 3 (1006) như Mộng Khê bút đàm chép. Lí Công Uẩn mất ngày Mậu Tuất, tháng 3 năm 1028 chứ không phải mất năm Thiên Thánh 7 (1029) như Mộng Khê bút đàm chép” (…)
Những nhầm lẫn trên không làm giảm đi giá trị sử liệu và độ đáng tin của sử liệu Mộng Khê bút đàm, khi chủ yếu nhầm lẫn về năm tháng (…) Nguyên nhân chính (…) là do chế độ lịch pháp quá rắc rối thời cổ đại do các vương triều Trung Quốc và Việt Nam quy định. Chúng ta có thể thấy hai sự kiện trên đều bị ghi lệch một năm. Đây phải chăng là một nhầm lẫn có lí do ? (…)
Vì thế mỗi vị hoàng đế đời Tống cứ lên ngôi là đổi lịch, không cần quan tâm đến sự chính xác của lịch pháp. Lưu Hồng Đào cho biết, đời Tống, Lưu Hiếu Vinh liên tiếp chế ba loại lịch: Càn Đạo, Thuần Hi, Hội Nguyên đều không dựa vào quan trắc thiên văn. Khi có người kiến nghị cần phải quan trắc trước khi chế lịch thì quan đề lĩnh và quan chủ quản cục Thái sử đều từ chối vì cho rằng cần phải mất quá nhiều thời gian. Lịch pháp nhà Tống phức tạp như vậy. Riêng Thẩm Quát cũng đề xuất ra một bộ lịch pháp của ông được dựa trên các tiết khí (…) Chúng ta hiện không có thông tin về bộ lịch được Thẩm Quát sử dụng khi viết Mộng Khê bút đàm là bộ lịch nào trong số hơn chục bộ lịch được lưu hành vào thời gian đó (…)
Chừng nào chưa làm rõ những vấn đề của lịch pháp thời cổ của Việt Nam thì nhiều mốc sự kiện lịch sử, ngày tháng năm hiện nay vẫn chỉ là những con số có tính giả thiết (…) khả năng sai về niên đại của Thẩm Quát hoặc của sách sử Việt Nam là điều tất yếu sẽ xảy ra, không tránh được. Bởi vậy, trước khi xem xét hết khả năng có thể xảy ra thì không nên kết luận vội vã rằng những chênh lệch nhỏ về niên đại là do nhầm lẫn của người chép sử.
(…) Lí Công Uẩn mất năm 1028 còn Thẩm Quát ra đời năm 1031 trong một gia đình quan lại (…) Năm 1066, ông làm nhiệm vụ biên hiệu thư tịch của Chiêu Văn Quán, sau đó tham gia vào biến pháp của Vương An Thạch. Năm 1072 bắt đầu nắm chức quan sát thiên văn và biên soạn sách lịch (…) năm 1073, ông trở thành Hiệu lí của Tập Hiền viện, nơi lưu giữ rất nhiều sách vở quý giá và tư liệu của hoàng gia. Chính sự phong phú về tư liệu và những điều kiến văn mà Thẩm Quát nổi danh như một nhà bác học. Năm 1075, ông khi ấy là Hàn lâm thị độc học sĩ, vâng lệnh vua Tống đi sứ Khiết Đan nhằm mục đích giải quyết (…) tình hình biên giới phía Bắc (…) năm 1075, cuộc chiến tranh Tống – Lí cũng bắt đầu bùng nổ (…) Thẩm Quát bằng vị trí của ông, có thể tiếp cận được những nguồn thông tin và tư liệu của triều đình. Bản thân ông cũng là người nhiệt tình trong việc thu thập những tin tức thông tin thuộc về chức phận của ông. Chúng ta có thể tin tưởng vào những nguồn tin về nhà Lí mà ông cung cấp (…) Thẩm Quát thể hiện mình là một học giả sòng phẳng và nghiêm túc. Điều gì không rõ ràng, ông nghe được từ dân gian, ông đều viết rõ đó là những điều “thế truyền” ông luôn nêu tinh thần cảnh giác với những thông tin “truyền văn” tức những điều mà ông được nghe kể. Còn những điều ông đoan chắc, ông không ngại khẳng định luôn. Và điều ông không ngại khẳng định luôn, đó là: Lí Công Uẩn là người Mân. Sau khi biến pháp của Vương An Thạch thất bại, Thẩm Quát lui về ở ẩn và viết sách Mộng Khê bút đàm, ở bài tựa của quyển sách đó, Thẩm Quát khẳng định mong muốn thoát li những vấn đề chính trị của mình: “Những điều mưu lược của nhà vua, chính trị quốc gia cùng những việc liên quan đến triều đình thì đều không dám riêng ghi chép lại trong sách này. Đến như những lời khen chê liên quan đến các sĩ đại phu bây giờ thì dù có là điều tốt cũng không muốn viết, không phải chỉ không nói về những điều xấu của người khác mà thôi đâu. Sách này chỉ ghi chép về những chuyện nhàn tản dưới bóng cây ở chốn núi rừng, tùy ý mà nói cười, không can hệ đến những điều lợi, điều hại của cõi người”. Tình thế và tinh thần của Thẩm Quát khi viết Mộng Khê bút đàm khiến chúng ta tin những gì ông viết không nhằm hướng đến những mục đích chính trị mà chỉ nhằm mục đích kiến thức thuần túy vào những lúc cuối đời. Thực tế, quyển sách Mộng Khê bút đàm cho mãi đến khi Thẩm Quát qua đời mới được khắc in và lưu hành trong dân gian.
Tục Tư trị thông giám trường biên của Lí Đảo (1115 – 1184) (…) được hoàn thành vào năm 1182. Đây là bộ sách đánh dấu công sức và tâm huyết cả đời của Lí Đảo. Có rất nhiều thông tin liên quan đến Từ Bá Tường và gốc gác của Lí Công Uẩn. Đây là một trong những tư liệu quan trọng song hầu hết những nhà nghiên cứu đều khai thác nó một cách chưa đúng độ: “Chiếu lấy tiến sĩ Quảng Tây Từ Bá Tường làm Hữu thị cấm. Trước đó, giặc Giao Chỉ dồn bắt từ Ung Châu già trẻ mấy ngàn người, định sẽ theo đường Quảng Châu mà về. Bá Tường mộ được mấy chục người, liền truy sát theo sau chúng, chém được mấy chục thủ cấp, vì thế mà những người già trẻ bị bắt đi thừa cơ mà trốn thoát đến hơn bảy trăm người. Kinh lược ti biết được chuyện này, nên mới có lệnh đó. Niên hiệu Hi Ninh, triều đình sai Thẩm Khởi, Lưu Di nối nhau quản lí Quế Châu nhằm mưu đồ đánh Giao Chỉ. Khởi, Di đóng chiến thuyền, đoàn kết trai tráng các động thành các bảo giáp, cấp cho bản đồ chiến trận để dựa theo đó mà dạy về chiến trận, các động náo động. Những người bản địa cầm bản đồ Giao Chỉ mà bàn về kế sách công thủ nhiều không đếm hết. Tiến sĩ Lĩnh Nam là Từ Bá Tường nhiều lần thi mà không đỗ đại khoa, ngầm viết thư cho Giao Chỉ rằng: “Đại vương tổ tiên vốn là người Mân. Nghe nói bây giờ công khanh quý nhân ở Giao Chỉ đa phần là người Mân vậy. Bá Tường này tài lược không kém cạnh ai, nhưng không muốn phụng sự cho Trung Quốc nữa, xin được phụ tá dưới trướng đại vương. Nay Trung Quốc muốn cử binh diệt Giao Chỉ. Binh pháp có câu: “kẻ vào trước có thể đoạt được lòng người”, chẳng bằng cử binh trước vào cướp đánh, Bá Tường xin làm nội ứng. Vì thế mà Giao Châu nổi đại binh vào đánh cướp, vây hãm ba châu Khâm, Liêm, Ung. Bá Tường không có cơ hội để mà đến quy hàng chúng. Khi ấy Thạch Giám thân với Bá Tường, dâng tấu khen Bá Tường có chiến công, ngoài chức Thị cấm còn sung làm Tuần kiểm ba châu Khâm, Liêm, Bạch. Triều đình lệnh Tuyên Huy sứ Quách Quỳ thảo phạt Giao Chỉ. Giao Chỉ xin hàng và nói rằng: Chúng tôi nay không vào cướp, người Trung Quốc gọi chúng tôi vào thôi”. Rồi đưa thư của Bách Tường cho Quỳ. Quỳ lệnh Quảng Tây chuyển vận ti theo đó mà tra hỏi. Bách Tường chạy trốn, treo cổ tự sát. Thông tin này lấy từ sách Tốc thủy kí văn của Tư Mã Quang. Ngày Tân Mùi, tháng 2 năm Nguyên Phong nguyên niên, việc của Bá Tường bại lộ”. {Tiếp cận 2: Những ghi chép của Lí Đảo rõ ràng là tham khảo thông tin từ Tốc thuỷ kí, do vậy ghi chép về nhân vật Từ Bá Tường, bức thư của Tường và nội dung của bức thư ấy cũng chỉ nằm trong khuân khổ của Tốc thuỷ kí – tôi gọi thông tin này là cấp thứ 4, nghĩa là Lí Đảo cũng giống chúng ta, tiếp cận thông tin thông qua Tốc thuỷ kí của Tư Mã Quang}
Nhóm văn bản gồm: Trịnh Thiều Châu kỉ lược phụ lục của Trịnh Tủng (? – ?) đời Tống, Trịnh Khai Dương tạp trứ của Trịnh Nhược Tăng (1503-1570) đời Minh và Văn hiến thông khảo của Mã Đoan Lâm (1254 — 1323) đời Nguyên. Tác phẩm trung tâm của nhóm này là Trịnh Thiều Châu kỉ lược phụ lục của Trịnh Tủng được Trương Tú Dân gọi với cái tên là An Nam kỉ lược. Văn bản đầy đủ của tác phẩm này hiện đã thất lạc, chúng ta chỉ có thể biết đến tác phẩm này thông qua bộ sách Trịnh Khai Dương tạp trứ của Trịnh Nhược Tăng đời Minh. Chúng tôi phỏng đoán rằng Trịnh Tủng là người sống khoảng thế kỉ XIII và ông viết Kỉ lược vào khoảng giữa thế kỉ XIII (chúng tôi ước lượng thời gian viết vào khoảng từ 1240 đến 1280).
Sách Kỉ lược của Trịnh Tủng viết: “An Nam vốn là đất Giao Châu thời cổ. Lịch đại là quận huyện của nước ta. Đến triều ta (triều Tống) mới không đưa vào bản đồ. Họ Đinh, họ Lê, họ Lí thay nhau cát cứ đất ấy. Phía Đông Nam đất ấy sát biển, tiếp cận với Đông Hải của Chiêm Thành, đường thông các tộc man của hai xứ Khâm, Liêm; phía Tây Bắc thì thông đến Ung Châu […] Những người Giao Chỉ ít thông chuyện sách vở chữ nghĩa. Người Mân men theo biển mà đi thuyền tới đó thường được hậu đãi. Nhân đó được họ cho làm quan, hỏi han bàn bạc mà quyết mọi việc. Phàm những điều đổi thay, xảo trá, lộn xộn của họ, đa phần là từ những người du khách mà ra. Tương truyền, tổ của dòng họ Lí là Công Uẩn cũng là người Mân. Nước đó, người bản địa cực ít, phân nửa là dân các tỉnh của Trung Quốc. Các quán khách ở phương Nam, dụ người làm nô bộc, khuân vác, khi đến các châu động thì bắt trói lại đem bán, các châu động lại chuyển bán vào Giao, một người được ba lạng vàng. Những người có nghề thì giá gấp đôi. Người nào biết đọc biết viết thì giá lại gấp đôi nữa. Họ bị trói giật cánh khuỷu mà lùa đi, trên vòng dây lên buộc vào cổ, phải cúi thấp đến mức không biết đường trước mặt. Khi đến đất Giao Chỉ, thì mới biết người mua mình là ai. Những người đó phải làm nô lệ chung thân, thích chữ lên trán, phụ nữ thì thích chữ vào ngực vú, bị giam giữ rất tàn khốc, chỉ sợ chạy trốn. Ở nước đó có rất nhiều tú tài, tăng nhân đạo sĩ, bọn phương sĩ cùng lũ đầy tớ thay họ đổi tên chạy trốn”.
Chúng ta có thể tìm thấy một đoạn văn gần như tương đồng với đoạn văn trên trong Văn hiến thông khảo của Mã Đoan Lâm đời Nguyên song Mã Đoan Lâm không ghi chú gì về tác giả của đoạn văn này nên người ta vẫn nghĩ đó là do ông viết. Sách của Mã Đoan Lâm soạn thành vào khoảng năm thứ 11 niên hiệu Đại Đức triều Nguyên (1307) nên có thể Mã Đoan Lâm đã tham khảo sách của Trịnh Tủng. Văn hiến thông khảo có viết: “Những người Giao Chỉ ít thông chuyện sách vở chữ nghĩa. Người Mân men theo biển mà đi thuyền tới đó thường được hậu đãi, nhân đó mà cho người đó làm quan, hỏi han bàn bạc mà quyết mọi việc. Phàm những điều đổi thay, xảo trá, lộn xộn của họ, đa phần là từ những người du khách mà ra. Tương truyền, tổ của họ là Công Uẩn cũng là người Mân. Nước đó, người bản địa cực ít, nửa là dân các tỉnh của Trung Quốc. Các quán khách ở phương Nam, dụ người làm nô bộc, khuân vác, khi đến các châu động thì bắt trói lại đem bán. Một người giá hai lạng vàng, các châu động chuyển bán vào Giao Chỉ, một người ba lạng. Một năm không dưới mấy trăm mấy ngàn người bị bán. Những người có nghề thì giá gấp đôi, người nào biết đọc biết viết thì giá lại gấp đôi nữa. Họ bị trói giật cánh khuỷu mà lùa đi, trên vòng dây lên buộc vào cổ, phải cúi thấp đến mức không biết đường trước mặt. Khi đã ra khỏi nước, thì mới biết người mua mình là ai. Họ phải làm nô lệ chung thân, đều thích lên trán bốn đến năm chữ, phụ nữ thì thích chữ từ ngực vú đến xương sườn, họ bị giam giữ rất tàn khốc, người bỏ trốn sẽ bị giết. Ở nước đó có rất nhiều tú tài, tăng nhân đạo sĩ, bọn phương sĩ cùng lũ đầy tớ thay họ đổi tên chạy trốn. Người ở đó không biết đúc tiền riêng, đều dùng tiền nhỏ bằng đồng của Trung Quốc, tiền đều do những thương nhân và lữ khách đem đến nơi đó mà có”.
 {Tiếp cận 3: Như vậy là đến Trịnh Tủng đời Tống thì nguồn gốc Mân của Lí Công Uẩn cũng chỉ là tương truyền, nghĩa là Tủng cũng chỉ nghe nói vậy thôi chứ không thể xác định được đúng hay sai. Trong trường hợp Tủng có đọc Tốc thuỷ kí, Mộng kê bút đàm, Tục tư trị thông giám thì hẳn là Tủng phải quả quyết ngay chứ sao còn phải lăn tăn. Hay là Tủng cũng nghi ngờ những do Tư Mã Quang, Thẩm Quát, Lí Đảo chép ? Trong trường hợp Tủng không đọc Tốc thuỷ kí thì rõ ràng đây cũng là một nguồn thông tin độc lập có giá trị. Có lẽ Lê Tắc đã tiếp nhận những thông tin của nhóm này và nhận thấy yếu tố tương truyền (không chắc chắn) nên Tắc khẳng định ngay trong An Nam chí lược: “có người nói là người Mân, không phải”}
(…) xoay xung quanh thông tin mà Trịnh Tủng cung cấp và sau đó được Mã Đoan Lâm và Trịnh Nhược Tăng nhắc và sao chép lại trong trước tác của họ (…) Tình hình dân số An Nam vào thời kì Trịnh Tủng viết Kỉ lược cho thấy quá trình di cư rất mạnh của các nhóm người có nguồn gốc Trung Quốc, để rồi hậu quả là như ông viết: “Nước đó, người bản địa cực ít, phân nửa là dân các tỉnh của Trung Quốc”. Trịnh Tủng ghi chép lại tình hình của An Nam vào khoảng thế kỉ 13 và đặc biệt chú ý đến một hiện tượng đó là sự ưu đãi người Mân một cách thái quá của nhà cầm quyền An Nam: “Người Mân men theo biển mà đi thuyền tới đó thường được hậu đãi. Nhân đó được họ cho làm quan, hỏi han bàn bạc mà quyết mọi việc”. Nguyên nhân của sự trọng đãi này, theo lí giải của Trịnh Tủng đó là do tổ tiên của các vua Lí là Lí Công Uẩn cũng là người Mân. Lí giải của Trịnh Tủng về nguyên nhân mà nhà Lí trọng thị những người có nguồn gốc từ Mân sang Việt Nam chưa thể xác định được là đúng hay sai, nhưng sử liệu này cũng cho thấy có tồn tại một mối quan hệ bất thường cần phải làm rõ thêm giữa người Mân và triều đình nhà Lí trong suốt một thời gian dài mà điểm cuối có thể nhận biết là cuối thế kỉ 13 (…)
Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Phúc rất có lí khi băn khoăn: “Không có tư liệu nào của Việt Nam xác nhận thông tin từng có một bức thư như thế đến tay triều đình nhà Lý và cuộc tấn công “tiên phát chế nhân” do Lý Thường Kiệt chỉ huy đánh sang đất Tống có sự nội ứng của nhân vật Từ Bách Tường này”. Từ Bá Tường không làm nội ứng cho nhà Lí, điều này đã được Lí Đảo xác nhận trong Tục Tư trị thông giám trường biên. Còn sử thư Việt Nam không ghi chép về nhân vật này là điều có thể hiểu được.
Lí trang Chử Nội Lí thị phòng phả được biên soạn đầu tiên vào tháng 8 năm Bính Dần niên hiệu Hàm Thuần đời Nam Tống (1266), biên soạn lại lần thứ hai vào tháng 3 năm Giáp Tí niên hiệu Gia Tĩnh triều Minh (1564). Cũng theo như Lí Thiên Tích thì văn bản này có thể đã được chỉnh sửa dưới thời vua Quang Tự nhà Thanh theo trào lưu chỉnh sửa và cho in ấn phát hành gia phả rộng rãi thời kì đó.
Những nội dung liên quan đến Lí Công Uẩn như sau: “Nhánh thứ 11 – Tùng: Lí Tung, tên húy là Đại Sửu. Nguyên tịch huyện Nhiêu Dương, Thâm Châu. Hậu Tấn Cao Tổ là Tấn Xuất Đế (thời gian tại vị từ năm 942 đến năm 946), tể tướng Lí Tung bị vu oan và bị hại. Con cháu phải đến phương nam tị nạn, định cư ở Lí gia trang phía đông Loan Hải, quận Mân Châu, nay thuộc hương Trung Sái, Cửu Đô. Ông sinh vào ngày mùng 9 tháng 3 năm Quý Mão, năm thứ 2 niên hiệu Trung Hoa đời Đường (883), mất vào ngày 27 tháng 10, năm Càn Hựu nguyên niên nhà Hậu Hán (948). Ông lấy vợ họ Thạch, bà được phong là phu nhân. Ông chọn mộ nơi nào giờ không rõ. Sinh được hai con là Thuần An và Hi Hồng (…) Nhánh thứ 12 – Thuần An: Lí Thuần An tên chữ Phú An, con trưởng của ông Lí Tung. Làm quan Thủy lục vận sứ. Nguyên tịch huyện Nhiêu Dương, Thâm Châu, nay thuộc huyện Nhiêu Dương, tỉnh Hà Bắc, di cư đến Lí gia trang phía đông Loan Hải, quận Mân Châu, nay thuộc Trung Sái, Cửu Đô. Vì tị nạn mà bỏ quan chức, kinh doanh vận tải đường thủy, từng đưa thuyền đến các vùng đất Chân Lạp, Giao Chỉ, Xiêm La mà nhiều nhất là đến Giao Chỉ. Ông sinh thời Hậu Lương ngày mùng 6 tháng 9 năm Tân Tị, Càn Đức nguyên niên; mất ngày 19 tháng 10 năm Ất Hợi năm thứ hai niên hiệu Hàm Bình thời Bắc Tống (…) Nhánh thứ 13 – Công Uẩn: Lí Công Uẩn, tên chữ là Triệu Diễn, con thứ của Lí Thuần An. Ông khéo võ công, giỏi văn chương. Từ nhỏ theo cha di cư đến Bắc Giang, Giao Chỉ. Khi mới ban đầu nắm chức Điện tiền chỉ huy sứ dưới triều Tiền Lê. Năm Kỉ Dậu, năm thứ 2 niên hiệu Đại Trung Tường Phù của Tống Chân Tông (1009), Giao Chỉ hỗn loạn, ông bình định có công, được triều đình suy tôn làm vua Giao Chỉ, lập nên triều Lí. Sau khi ông làm vua, liền sai sứ đến nạp cống cho triều đình nhà Tống. Tống Chân Tông sách phong cho ông làm Giao Chỉ quận vương. Cho đến triều của Tống Nhân Tông cũng lại phong ông làm Nam Bình Vương. Sau, ông còn được truy tặng tên thụy là Giao Chỉ quốc Thái tổ thần vũ hoàng đế. Ông sinh ngày 14 tháng giêng năm Ung Hi nguyên niên nhà Bắc Tống, mất ngày 18 tháng 10 năm Mậu Thìn, năm thứ 6 niên hiệu Thiên Thánh. Lấy vợ người họ Lê, họ Trần, lập Đức Chính làm vương tử” (…)
Chúng tôi cho rằng phạm vi lưu hành hạn hẹp của một quyển gia phả khiến cho khó có khả năng sử gia nhà Nguyên khi viết Tống sử sẽ phải lặn lội từ Đại Đô (nay là Bắc Kinh) về Mân để tham khảo và thu thập sử liệu, nên có thể loại bỏ khả năng Tống sử chịu ảnh hưởng của gia phả này. Lúc này sẽ có hai khả năng: khả năng 1, hai nhóm tư liệu này được biên soạn độc lập; khả năng 2, gia phả đã dựa vào sử thư để biên soạn. Khả năng thứ nhất khó có thể xảy ra”
Độc sử phương dư kỉ yếu của Cố Tổ Vũ (1631-1692) đời Thanh biên soạn vào khoảng từ năm 1659 đến năm 1679 (…) viết: “Đầu đời Tống, đất đó lại bị Đinh Bộ Lĩnh chiếm, tự xưng là Vạn Thắng vương, cho con là Liễn làm Tĩnh Hải tiết độ sứ. Năm Khai Bảo thứ 6, lại nội thuộc triều đình (nhà Tống). Năm Khai Bảo thứ 8, phong làm Giao Chỉ quận vương, từ đó Giao Chỉ dần trở thành dị vực. Liễn chết, em là Tuyền lên nối ngôi, bị thuộc tướng là Lê Hoàn soán ngôi. Đầu niên hiệu Cảnh Đức, phong làm Nam Bình vương. Hoàn chết, con là Long Đĩnh nối ngôi. Năm Cảnh Đức thứ 4, đổi phong là Giao Chỉ quận vương. Long Đĩnh chết, con là Chí Trung nối ngôi. Năm Đại Trung Tường Phù thứ 3, bị bề tôi là Lí Công Uẩn, người đất Mân, soán ngôi. Nhà Tống vẫn phong làm Giao Chỉ quận vương, truyền đến đời Nhật Tôn thì xưng đế, quốc hiệu Đại Việt. Vào thời Hi Ninh, Vương An Thạch bàn kế mở mang biên giới, xâm nhiễu bờ cõi dân man. Hi Ninh năm thứ 8, người Giao Chỉ làm phản, vây hãm các châu Khâm, Liêm, Ung. Hi Ninh năm thứ 9, vua chiếu cho Quách Quỳ  thảo phạt, đánh đến sông Phú Lương, chiếm được bốn châu một huyện rồi rút về. Đất ấy rồi lại nhập về với Giao Chỉ. Công Uẩn truyền ngôi được 8 đời thì dứt, con rể là Trần Nhật Cảnh có được nước”.
Tây Sơn tạp chí của Sái Vĩnh Khiêm (1776 – 1835) đời Thanh. Sái Vĩnh Khiêm vốn là người Đông Thạch, Tấn Giang. Do không rõ niên đại ra đời của quyển sách, ta có thể phỏng đoán là sách ra đời khoảng đầu thế kỉ XIX (1800 – 1835), lấy điểm đầu là khi Sái Vĩnh Khiêm trưởng thành, điểm cuối là năm mất của ông. Nội dung Tây Sơn tạp chí viết:
“Lí trang có năm thôn, nằm giữa Tăng Thố và Đại Phòng. Năm Khai Vận nguyên niên nhà Hậu Tấn thời Ngũ Đại, Nam Đường chủ bàn cách đánh đất Mân. Thị trung là Lí Tùng can không nên đánh. Lí Tùng sống ở phía tả của Ngô Sơn, ông vốn phải đi thuyền theo đường biển về phương nam, lánh nạn ở đấy. Con ông là Lí Phú An, tên chữ là Sơn Bình, bỏ học theo nghề buôn, thuyền buôn đi xa đến tận các nước Chân Lạp, Chiêm Thành, các nước ở vịnh Xiêm La. An Nam, Giao Chỉ là biết rõ nhất. Mỗi lần thuyền đi, người trong thôn xóm cùng đi theo. Con út là Lí Công Tố, thời Bắc Tống được suy tôn lên làm vua, xây dựng vương triều ở An Nam kéo dài chín đời. Lí gia cảng là nơi đậu thuyền của Lí Sơn Bình vậy”. {Tiếp cận 4: Những sử liệu đời Thanh dù nhiều thì chẳng qua cũng chỉ là chép lại của đời Tống}
Trong số nhóm sử liệu về nguồn gốc Mân của Lí Công Uẩn nêu trên, chúng tôi đặc biệt chú ý đến những sử liệu do Tư Mã Quang, Thẩm Quát và Lí Đào viết. Chúng tôi giữ niềm tin rằng, Lí Công Uẩn bản thân tự nhận là An Nam Tĩnh Hải Quân Quyền Lưu Hậu, tức coi mình như một viên quan nhiếp quản quyền Tiết độ sứ của nhà Tống, sau lại được nhà Tống chấp nhận coi như một tiết độ sứ chính thức, đứng chân vào hàng ngũ quan lại cấp cao, thì triều đình nhà Tống phải có những thông tin cơ bản về Lí Công Uẩn. Với tư cách là những sử gia và là những quan lại cấp cao của nhà nước, lại là người đương – cận thời thì những ghi chép của họ về Lí Công Uẩn tỏ ra có sức thuyết phục!  
(…) Cuộc chiến tranh Tống – Lí khép lại bằng cái chết của Từ Bá Tường, người đã phản bội triều Tống để trở thành con tốt thí trên bàn cờ hòa của cuộc chiến tranh. Hoàng Xuân Hãn viết về Từ Bá Tường như sau: “Có lẽ Bá-Tường sau này không giúp Lý Thường Kiệt. Sau khi quân Lý rút lui, viên coi Quế-châu là Thạch Giám có khai công-trạng Từ Bá-Tường, đã mộ 700 quân che-chở cho nạn-nhận chạy giặc xuống Quảng-châu. Ngày 22 tháng 4 năm B. Th (1076), Bá-Tường được bổ làm tuần kiểm các châu Khâm, Liêm và Bạch (…) Nhưng sau, vua Lý tố-giác sự Bá-Tường xui ta đánh Tống. Ngày 26 tháng 2 năm M. Ng (1078), có chiếu cách chức anh em Bá-Tường, ép Bá-Tường tự thắt cổ chết, và phát phối con cái”
Bức thư của Từ Bá Tường được biết đến thông qua lời kể của tướng Quách Quỳ cho Tư Mã Quang nghe (…) đóng vai trò then chốt trong việc khẳng định nguồn gốc Mân của nhà Lí. Những thông tin này cho thấy một trong những nguyên nhân khiến Từ Bá Tường ủng hộ nhà Lí đó là vì tổ tiên của vua Lí Nhân Tông (tức Lí Công Uẩn) lúc bấy giờ vốn là người đất Mân. Và nguyên nhân đó được nêu ra trong một bức thư ngoại giao và vua nhà Lí đã vừa lòng với nguyên nhân được Từ Bá Tường đưa ra, bằng chứng là vào năm 1075, cuộc tấn công “tiên phát chế nhân” đã diễn ra. Việc Lí Nhân Tông đưa lại bức thư cho Quách Quỳ làm bằng chứng tố cáo Từ Bá Tường cho thấy vua Lí cũng không ngại ngần gì trong việc công khai nguồn gốc quê quán của mình bởi có lẽ điều đó vào đương thời là điều mà ai cũng biết, đến cả một viên quan nhỏ như Từ Bá Tường cũng biết được điều này. 
Vậy nên nếu muốn bác bỏ những sử liệu này, người phản biện buộc phải chứng minh sự kiện Từ Bá Tường và bức thư kia là không có thật hay chỉ là cái cớ được đưa ra để chấm dứt cuộc chiến tranh Tống – Lí một cách êm đẹp! {Tiếp cận 5: Đúng là để bác bỏ sử liệu thì phải chứng minh sự kiện Từ Bá Tường và bức thư là không có thật. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể đặt câu hỏi về tính chính xác của nội dung bức thư. Có đúng là bức thư viết: “Đại vương tổ tiên vốn là người Mân”}
Song rất khó để có thể nghi ngờ tính chất chân thực của sự kiện bức thư và sự tồn tại của nhân vật Từ Bá Tường. Tính chân xác của nó được đảm bảo bởi những lí do sau đây:
– Người đầu tiên đưa ra thông tin bằng văn bản về sự kiện Từ Bá Tường là Tư Mã Quang, một trường hợp cá biệt, một sử gia mà danh tiếng, uy tín và ảnh hưởng của ông đã tác động đến hầu hết các quốc gia Đông Á chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa (…) Trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh Tống – Lí (1075 – 1077) ông là người sống và chứng kiến cuộc chiến diễn ra với tư cách của một sử gia, một học giả được trọng vọng và là một người có uy tín chính trị. Thông qua Tốc thủy kí văn, người ta biết được rằng ông đã được tiếp xúc với những trọng thần khi ấy của triều đình và cả những người trực tiếp điều khiển cuộc chiến như là Quách Quỳ. Thông tin của ông về Từ Bá Tường, được cung cấp bởi Quách Quỳ, người ra lệnh bắt Từ Bá Tường, đương nhiên, sẽ là những thông tin có thể chấp nhận được. Việc bắt Từ Bá Tường chắc chắn phải gây ra một tiếng vang, vì đó là một sự kiện then chốt để kết thúc chiến tranh Tống – Lí và để Quách Quỳ vớt vát chút công lao khi kế hoạch ban đầu khi tiến hành cuộc chiến không được hoàn toàn như ý. Tác phẩm Tốc Thủy kí văn, như đã nói, được viết ngay trong và sau tiến trình của cuộc chiến tranh Tống – Lí nên độ giãn cách về thời gian không dài để phát sinh những nhầm lẫn. Những thông tin mà nó cung cấp vì thế, có độ tin cậy cao hơn những nguồn thông tin khác. {Tiếp cận 6: Với danh tiếng của Tư Mã Quang thì chúng ta cũng chỉ có thể dừng lại ở độ xác tín về những thông tin được ghi chép trong Tốc thuỷ kí, nghĩa là: có việc Quách Quỳ kể lại cho Tư Mã Quang nghe và câu chuyện Quỳ kể lại thì đúng như những gì Mã Quang ghi chép lại. Chứ chưa thể khẳng định Quách Quỳ có kể sai khác với sự thật hay không}
– Tính chân xác của sự kiện Bức thư và nhân vật Từ Bá Tường được khẳng định thêm một lần nữa thông qua những ghi chép của Lí Đảo trong Tục Tư trị thông giám trường biên. Lí Đảo có tham khảo và dùng lại những ghi chép của Tư Mã Quang trong Tốc Thủy kí văn. Khi Lí Đảo viết Tục Tư trị thông giám trường biên thì cả Tư Mã Quang và Quách Quỳ và những nhân chứng của cuộc chiến đều đã chết. Song ông có một lợi thế là tư liệu của triều đình nhà Tống vẫn còn lại, giãn cách với sự kiện cũng chưa xa, vậy nên ông có một góc nhìn khá bao quát, hơn hẳn sử gia tiền nhiệm Tư Mã Quang.
Bắt đầu từ Lí Đảo, câu chuyện về nguồn gốc Mân của Lí Công Uẩn đã đi từ góc độ quan sát cá nhân và quan sát sử học cá nhân vào trong chính sử và trở thành một phần của lịch sử được nhà nước thừa nhận (…) Khai thác các thông tin được biên chép trong Tục Tư trị thông giám trường biên (…) còn có được một số thông tin thú vị xung quanh Từ Bá Tường và sự kiện Bức thư như sau: “Ngày Tân Mùi, tháng 2, năm Nguyên Phong thứ nhất (1078), triều Tống Thần Tông (1068 – 1077). Nhà vua xuống chiếu: “quyền Quế Châu tư lí tham quân Từ Bá Hài và nhiếp Thạch Khang huyện úy, thuộc Liêm Châu là Từ Bá Chuẩn đều bị truy hủy toàn bộ văn bằng ban chức từ lúc làm quan đến giờ, gạch tên buộc thôi chức, vĩnh viễn không thu dùng; bọn dân thường Từ Kiến An đều bị đánh gậy vào xương sống, đày đi quản thúc ở Bắc Lộ, Kinh Hồ”. Nguyên nhân bị trừng phạt là do không biết được việc Từ Bá Tường trước kì đại xá, thông thư với Giao Chỉ để còn ngăn cấm. Bá Tường ban đầu nhờ áo vải mà mộ được dân chúng đánh giặc Giao Chỉ, nên được trao chức Hữu thị cấm, làm Duyên hải tuần kiểm. Khi quân nhà vua đánh đến sông Phú Lương. Càn Đức (tức Lí Nhân Tông) sai người đem bức thư mà Bá Tường gửi từ năm Hi Ninh thứ 6 (1073) tới nộp. Bức thư đó tự xưng là “Cự Tống du sĩ, thần, Bá Tường”, chỉ cho Giao Chỉ cách quấy nhiễu biên cương, cho rằng triều đình đã phụ lại công lao của hắn, cho nên hàm oán, muốn bỏ cả phần mộ, thân thích mà quy hàng Giao Chỉ. Vì thế nhà vua ra chiếu bắt Bá Tường, Bá Tường bèn treo cổ tự sát. Còn Bá Hài đó là anh cùng mẹ, Bá Chuẩn là anh em thúc bá, Kiến An là con trai của Bá Tường vậy. Bá Tường nhận quan chức vào ngày 22 tháng 3 năm Hi Ninh thứ 9 (1076)”.
Ngoài tư liệu của Lí Đảo ra, Tống sử quyển sách do nhóm Thoát Thoát (1314 – 1355) biên soạn vào đời Nguyên cũng cho biết: “Ngày Đinh Sửu, năm thứ 9 niên hiệu Hi Ninh đời vua Thần Tông, tháng ba, ban cho Tiến sĩ Quảng Tây là Từ Bá Tường làm Hữu thị cấm, tuần kiểm ba châu Khâm, Liêm và Bạch”. Như vậy Tống sử với Tục Tư trị thông giám trường biên là thống nhất về nội dung. {Tiếp cận 7: Những sử liệu này chỉ dừng lại ở việc: chứng minh có nhân vật Từ Bá Tường. Bá Tường đã chết. Anh em Tường bị liên luỵ. Còn nguyên nhân do Tường thông thư với Giao Chỉ thì là do Tục tư trị thông giám ghi chép, mà như đã trình bày: Lí Đảo tham khảo Tốc thuỷ kí}
– Vào thời Nam Tống, độc lập với những ghi chép của Lí Đảo và hệ thống sách sử quan phương, chúng tôi còn tìm thấy một tư liệu quan trọng nữa cũng viết về sự kiện Từ Bá Tường đó là sách Lĩnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi (1135 – 1189). Cuốn sách này cho biết: “Lê Hoàn chết, con là Chí Trung lên. Năm thứ 3 niên hiệu Đại Trung Tường Phù (1010) Chí Trung chết, có con mới mười tuổi. Lí Công Uẩn mạo nhận họ mình là họ Lê rồi giết chết Chí Trung. Tự xưng là Lưu hậu, sai sứ sang xin phong. Triều đình trao cho chức Lê thị quan. Công Uẩn chết. Con là Đức Chính lên nối ngôi, sai người đến báo tang, tự xưng là Lưu Hậu. Năm thứ 6 niên hiệu Thiên Thánh (1028) trao cho chức An Nam đô hộ Giao Châu quận vương. Đầu niên hiệu Bảo Nguyên, quyền lực rơi vào tay bề tôi, đại thần Lí Thượng Cát đầu têu phản loạn, tiến sĩ Bạch châu của Quảng Tây là Từ Bá Tường vì có công với châu mà không được làm quan đã chỉ lối cho chúng, phạm vào biên giới, vây hãm ba châu Ung, Khâm, Liêm. Triều đình sai Quách Đạt đến thảo phạt, cơ hồ diệt nước ấy, nước ấy mới dâng biểu xin hàng. Gặp lúc quân triều đình đang có đại dịch, Đạt nhận được biểu xin hàng liền thu quân, lúc ấy là năm Hi Ninh thứ 8 (1075). Càn Đức chết, có một đứa con lúc ấy chưa ra đời ở Chiêm Thành, bề tôi bèn lập lên làm vua, đó chính là Thiên Tộ. Theo như Tống sử, năm thứ 2 niên hiệu Thiệu Hưng (1132), Càn Đức chết, con là Dương Hoán nối ngôi. Năm thứ 8 niên hiệu Thiệu Hưng (1138), Dương Hoán chết. Con là Thiên Tộ nối ngôi. Ở đây có nhầm lẫn”.      
Thông tin của Chu Khứ Phi về Từ Bá Tường là có thể chấp nhận được bởi Chu Khứ Phi có cuộc đời làm quan gắn chặt với châu Khâm và vùng Quảng Tây, nơi Từ Bá Tường sống và hoạt động. Thông tin của ông đưa ra có một vài điểm chưa rõ ràng, nhưng sự tồn tại của Từ Bá Tường và sự kiện Bức Thư là khó có thể bác bỏ. Từ nội dung tự sự có thể nhận thấy thông tin của ông là một nguồn độc lập với Thẩm Ước, Tư Mã Quang và Lí Đảo, đặc biệt trong cách ông lí giải nguyên nhân phản bội của Từ Bá Tường. {Tiếp cân 8: Theo như sử liệu thì chúng ta cũng chỉ có thể dừng lại ở việc xác định tồn tại nhân vật Từ Bá Tường, chỉ lối cho Giao Chỉ vào chiếm. Chưa nói rõ về sự tồn tại của bức thư và giả như tồn tại bức thư, thì cũng không biết được nội dung bức thư ấy ra sao. Trong khi đó sử liệu không nhắc gì về nguồn gốc Mân của Lí Công Uẩn – thông tin mà hầu như mọi sử liệu đều nhắc đến}
Tiểu kết: Từ những sử liệu trên chúng ta chỉ có thể dừng lại ở những xác quết sau: Chắc chắn là có nhân vật Từ Bá Tường. Tường được phong chức vào năm 1076 và thắt cổ tự vẫn vào năm 1078. Anh em họ hàng của Tường bị liên luỵ. Rất có thể Tường qua lại với Giao Chỉ và có thể tồn tại bức thư (viết gửi năm 1073) với nội dung như trong Tốc thuỷ kí. Nhưng việc Tường viết trong bức thư “đại vương tổ tiên vốn là người Mân” cũng chưa hẳn đã đúng và Tường cũng chỉ nghe thông tin rằng: họ Lí vốn là người Mân.
* Như vậy là bất bình trước triều đình nhà Tống, vào năm 1073 Từ Bá Tường viết bức thư gửi họ Lí ở Giao Chỉ xúi đánh nhà Tống. Năm 1075 Lý Thường Kiệt xuất binh tiến đánh 3 châu Khâm Liêm Ung. Bá Tường thu gom người tập kích Thường Kiệt khi rút quân. Nhân đó năm 1076 được phong chức. Cùng năm Quách Quỳ tấn công Giao Chỉ nhưng không hiệu quả, nhà Lý chủ động cầu hoà, buộc Quỳ rút quân về. Năm 1078 trong những lần hội sứ, nhà Tống có hỏi về việc nhà Lý tấn công 3 châu, sứ nhà Lý đưa bức thư mà Bá Tường gửi cho vua nhà Lý và nói rằng: người Tống gọi quân đội nhà Lý vào đánh, chứ không phải nhà Lý tự ý vào.
 Câu hỏi rất quan trọng là: Trong lần nhà Lý tấn công vào 3 châu mà không nhận được sự hỗ trợ của Từ Bá Tường như bức thư viết ? Ngược lại, còn vấp phải sự chống đối của Bá Tường. Trước hết, chúng ta thấy rằng: Nhà Lý nhận được sự hỗ trợ từ những người bất mãn trong hàng ngũ đối thủ, thì ít nhất nhà Lý phải báo tin cho nội gián của mình biết kế hoạch để cùng phối hợp tấn công. Nhưng qua việc đánh hạ 3 châu (2 châu Liêm Khâm thì phá nhanh, có lẽ do nhà Tống bị bất ngờ. Châu Ung thì Lí Thường Kiệt mất nhiều thời gian và lực lượng hơn, có thể do nhà Tống đã có chuẩn bị. Sau khi phá xong châu Ung, Thường Kiệt rút quân. Có thể Kiệt đã thấy việc bắc phạt nên dừng lại, vì trong khi đánh hạ 3 châu, quân Tống đã có thời gian để chuẩn bị quân lực phòng thủ các châu khác. Nếu cố đánh thêm, rất có thể bị sa lấy. Cho thấy Kiệt thực là người tài, nắm bắt được khả năng, nhận định chính xác tình hình) và Bá Tường truy kích, cho thấy nhà Lý không có nội gián hay ít nhất là trước khi tấn công nhà Lý không có liên hệ với nội gián. Đây thực sự là việc khó hiểu ? Nếu Bá Tường gửi thư cho nhà Lý, vua Lý thấy phải, xuất binh phạt bắc, thì hẳn là phải liên hệ với Tường để cùng phối hợp. Nhưng lạ thay nhà Lý không liên lạc ? Hoặc nhà Lý có liên lạc nhưng không thấy Bá Tường hồi âm, thì hẳn nhà Lý phải đặt câu hỏi chứ ? Vì những người cầm quân, đều là những vị kiệt xuất. Hay nhà Lý đã quá nóng vội, khi chưa (hoặc không) nhận được hồi âm của Bá Tường vẫn quyết tấn công.
Khi Bá Tường dẫn người tập kích quân đội nhà Lý, điều gì thôi thúc Bá Tường làm vậy ? Tường hoàn toàn có thể không phải làm việc ấy ? Nếu Tường tấn công thật thì không sợ nhà Lý đưa ra bức thư sao ? Hay Tường nghĩ nhà Lý sẽ không biết Tường là người tấn công ? Có khi nào đó là cuộc tấn công giả không ? Qua việc Tường thi nhiều mà không đỗ, nên bất mãn cho thấy Tường là người háo danh. Tường tấn công vậy để được triều đình xác nhận công trạng và phong chức (có 2 nhóm sử liệu giải thích sự bất mãn của Tường: Nhóm viết rằng Tường thi không đỗ, nhóm khác viết rằng Tường có công truy kích giặc nhưng không được trọng vọng nên bất mãn). Có khi nào nhà Lý và Tường cùng diễn trò không ? Mục đích Tường sẽ có cơ hội lên cao hơn, khi ấy nội gián có giá trị hơn. Trường hợp này rất khó vì nếu đó là diễn trò thì vì sao năm 1078 khi Tường chưa lộ, nhà Lý lại tố Tường. Khi Thường Kiệt hạ 3 châu, phương bắc đều sợ hãi vậy mà Tường gan lớn thu thập có mấy trăm người tập kích cả đội quân vừa hạ 3 châu. Đây là việc còn khó hiểu nữa ? Lúc Thường Kiệt vây thành Ung châu, Bá Tùng đang ở đâu mà không tới cứu viên ? Không dũng cảm ra mặt ? Qua chi tiết “gom người truy kích” cho thấy Tường không có binh lực và lúc này cũng ở gần Ung châu ? Vậy mà lúc quân Lý vây thành, không thấy Tường đâu ? E rằng: việc này có chép hơi quá! Có thể sự việc chỉ diễn ra như sau: Khi thấy Ung châu khó giữ, Tường dẫn người châu rút chạy, thoát được khỏi quân Lý.
Cũng có thể ban đầu Tường chống nhà Tống, nhưng sau Tường đổi ý, nên trước thì viết thư cho nhà Lý nhưng về sau lại tập kích Lý Thường Kiệt. Về cái chết của Tường cũng khá khó hiểu: Khi nhận được bức thư, Quách Quỳ sai tra hỏi, nhưng trong bức thư có nói rõ tên Bá Tường, vậy thì đối tượng đầu tiên là Tường, nếu đã nghi ngờ Tường thì vì sao lại để Tường trốn đi ? Phải bắt giam hoặc chí ít là theo dõi ? Điều khó hiểu hơn là Tường có lòng ham sống thì mới trốn đi ? Nhưng trốn được rồi lại thắt cổ tự tử vì sợ hãi ? Trường hợp Tường bị ép phải tự tử thì cũng khó hiểu bởi vì với những chứng cứ rõ ràng như thế: Đúng lý Quách Quỳ phải tâu báo đúng sự thật, áp Tường về kinh và chém đầu thị chúng, để răn đe những kẻ khác, đằng này lại sát hại một cách mờ ám. Liên quan tới bức thư của Tường, chắc chắn Quỳ có trong tay ? Về lí Quỳ phải dâng lên vua như là bằng chứng nhưng chỉ duy có Tư Mang Quang chép lại nội dung bức thư qua lời kể của Quỳ, các cuốn sử khác không chép lại, thậm chí không nhắc tới. Có khi nào nhận được bức thư, vua Tống đã huỷ đi hay các nhà chép sử không ghi lại hoặc có thể Quỳ không dâng vua ? Chúng ta chỉ biết rằng: Chỉ duy có Tốc thuỷ kí là chép về nội dung bức thư.
Về thông tin trong bức thư của Tường nói rằng: Lí Công Uẩn người Mân. Đây liệu rằng có phải là một thông tin chính xác không ? Hay là Tường cũng chỉ nghe thông tin như thế ? Chứ thật không thể chắc chắn ? Qua bức thư thì chúng ta còn biết được rằng: Người Mân xuất hiện tại An Nam thời nhà Lý là nhiều và họ rất được nhà Lý coi trọng. Đồng thời trước và sau cuộc chiến tranh Tống Lý thì phần nhiều người Tống đều cho rằng: Lí Công Uẩn người Mân. Chúng ta hiểu sao về những thông tin này ?
Tôi đặt giả thuyết từ bài viết của Phạm Lê Huy trong Tin đồn Đại Việt trên đất Tống: “hai vương triều Lý – Trần đã triển khai nhiều chính sách cụ thể nhằm hạn chế việc tiếp xúc, trao đổi với người nước ngoài, qua đó phòng ngừa gian tế, hạn chế việc rò rỉ thông tin cơ mật của quốc gia (…) một số biên lại của nhà Tống cũng đứng ra kiểm soát các nguồn thông tin về Đại Việt được đưa về chính quyền trung ương. Đây là môi trường thuận lợi cho sự hình thành của rất nhiều loại tin đồn, được thu thập một cách không chính thống về quốc gia Đại Việt trên đất Tống. Rất nhiều trong số đó được ghi chép lại trong các thư tịch của nhà Tống như Tốc thủy ký văn, Mộng khê bút đàm, Quế hải ngu hành chí, Lĩnh ngoại đại đáp (…) tin đồn, như bản chất vốn có của nó, thường rất khó xác định nguồn phát tán và độ chính xác. Trong nhiều trường hợp, tin đồn không phản ảnh một cách chính xác hiện thực, mà chỉ thể hiện nhận thức, hoặc mong muốn nhận thức của người sống vào thời đại đó (…) tin đồn về nguồn gốc Mân của Lý Thái Tổ bắt nguồn từ bối cảnh có một luồng di dân lớn từ Phúc Kiến sang Đại Việt, cũng như nhiều trí thức người Phúc Kiến đã được trọng dụng trong chính quyền nhà Lý.
Như đã trình bày ở phần trước, ở đây, chúng tôi không bàn sâu về vấn đề nguồn gốc Mân của Lý Thái Tổ, nhưng chúng tôi muốn lưu ý rằng chính nhà Lý cũng là một trung gian phát tán tin đồn, qua việc công khai lá thư của Từ Bá Tường xin làm nội ứng. Dù lá thư của Từ Bá Tường là thật hay giả, rõ ràng tin đồn về nguồn gốc Mân của Lý Thái Tổ và nhiều quí tộc nhà Lý đã được sử dụng để hợp lý hóa việc qui phục nhà Lý của Từ Bá Tường. Mặt khác, nhà Lý lại sử dụng lá thư này như một công cụ thông tin để mượn tay nhà Tống giết Từ Bá Tường, người đã lập công trong việc truy kích quân Lý sau trận Khâm – Liêm”.
Nếu như nhà Lý không phải là một trung gian phát tán tin đồn mà là nguồn phát tán tin đồn thì sao ? Nhà Lý muốn đánh lấy đất Tống, vậy lý do là gì đây ? Vì sao không nhân có việc người Mân xuất hiện nhiều tại An Nam mà mượn đó để khẳng định rằng: Tổ tiên vua Lý là người Mân, đất Mân (Chiết Giang) bị nhà Tống lấy (năm 971) nay con cháu người Mân lấy lại đất nên đánh Tống là hợp lẽ. Việc trọng vọng người Mân có chủ ý của nhà Lý có tới 4 cái lợi: Thứ nhất làm bằng chứng cho thấy tin đồn họ Lý đúng là người Mân, thứ hai là thu thập được những người tài giỏi của người Mân, thứ ba hạn chế được những cuộc nội loạn hay bị kích động từ kẻ thù bên ngoài đối với nhóm người Mân, thứ tư là khẳng định đối với những dân tộc thiểu số của nhà Tống (mà chủ yếu là người Tráng Nùng) thấy được tính nhân đức và công bằng của nhà Lý, tất vì thế mà theo về, ủng hộ nhà Lý trong cuộc chiến với nhà Tống.
Nếu đúng vậy thì khi nhận được bức thư của Tưởng gửi, có nhắc đến việc tổ tiên nhà Lý là người Mân, vua quan nhà Lý phải rất vui mừng vì như thế kế hoạch đã thành công và như thế cũng chỉ ra nhà Lý đã có những bước chuẩn bị cho cuộc tấn công vào đất Tống rất kỹ. Xã hội nói chung và xã hội nho giáo rất trọng tính chính danh, vì thế mà nhà Lý không chỉ dừng lại việc tung tin rằng: họ là người gốc Mân mà trong cuộc tấn công 3 châu của nhà Tống, nhà Lý còn cho rải khắp bài Phạt Tống lộ bố văn. Bài viết của tác giả Nguyễn Phúc Anh rất hay nhưng rõ ràng là chưa thể chứng minh thuyết phục rằng: Lí Công Uẩn người Mân (Chiết Giang).
  1. Tiếp cận văn bản Đâu là sự thật về tông tích của Lý Công Uẩn của Trần Viết Điền
Đâu là sự thật về tông tích của Lý Công Uẩn chép: “Sự kiện Lý Công Uẩn không có cha cụ thể, mà con của thần nhân, cùng với những câu thơ sấm kí ở làng Cổ Pháp,  rồi những điềm báo có thiên tử ra đời là biểu hiện của một cuộc vận động chính trị có tổ chức của giới trí thức tam giáo, đứng đầu là nhà sư đầy tài năng Vạn Hạnh, hoàn thành tâm nguyện trăm năm của quần chúng mà đại diện ban đầu là thiền sư Định Không của hương Diên Uẩn (…)
Khi đã lên ngôi, vua Lý Thái Tổ đã truy phong cha là Hiển Khánh vương và tôn tạo ngôi mộ của cha ở rừng Báng, không  xa  chùa Thiên Tâm và Dương Lôi,  được dân gian gọi là mộ Hiển Khánh Vương. Lại truy phong mẹ là Minh Đức Thái Hậu và cũng xây lăng cho mẹ trong rừng Báng. Do chưa tiện truy phong ông nội Lý Lãng Công [Lý Khuê], một vị sứ quân [thời thập nhị sứ quân] đã tử trận, nhưng sau đó truy phong bà nội làm hậu, ban tên thụy để cúng tế; thế thì bí mật truy phong ông nội là hoàng đế vậy. Lý Công Uẩn bí mật dựng mộ phần của ông nội Lý Lãng Công (mộ Hùng Công) và mộ của bà nội Phạm Thị Tiên (mộ Phạm quốc mẫu) ở Hoa Lâm.
Rõ ràng Lý Công Uẩn có người anh được ban tước Vũ Uy Vương, có em là Dực Thánh Vương. Lại có một người chú ruột còn sống và được phong Vũ Đạo Vương, con ông chú là Trung Hiển lại giứ chức Thái úy Lý triều. Như thế Lý công Uẩn có một gia tộc đàng hoàng, nhưng do ông nội là sứ quân Lý Lãng Công, bị Đinh Tiên Hoàng đánh bại và Triều Đinh, Tiền Lê tầm nã gắt gao con cháu Lý Lãng Công, gia đình của Lý Công Uẩn phải sống trong ly tán, bí mật. Nếu không có mối quan hệ huyết thống với sứ quân Lý Khuê thì bà con thân thuộc của thiền sư Vạn Hạnh chỉ cần đổi họ và sống bình thường, đằng này cha mẹ của Lý Công Uẩn phải kết hôn trong bí mật, sống trong rừng, chịu muôn vàn khó khăn và chết thảm!
Do cuộc  vận động nhằm đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, họ Lý hương Cổ Pháp đã tạo ra huyền thoại cha con Lý Công Uẩn là con thần cháu thánh nên vẫn giữ bí mật mối quan hệ huyết tộc với Lý Khuê. Thôn Dương Đanh, làng Dương Xá được lệnh ngầm tế lễ sứ quân Lý Lãng Công và ở Thái Đường Hoa Lâm là nơi hiệp tế tiên tổ họ Lý, trong đó có ông nội Lý Khuê và bà nội Phạm Thị Tiên của Lý Thái Tổ (…) chúng tôi thử dựng một phổ hệ gia tộc Lý Công Uẩn và Quốc Sư Vạn Hạnh. Phả đồ giả thuyết về tông tích của Lý Công Uẩn, trong đó chọn thân phụ của Định Không thiền sư làm tổ họ Lý và phải chăng ngài tổ này là hậu duệ của Lý Tự Tiên, cùng khởi nghĩa với Đinh Kiến vào năm 687 ? Tạm xềp Định Không thuộc đời thứ nhất, ngang hàng ông cố của Lý Khuê.
Có khả năng đệ tử Thông Thiện cũng thuộc họ Lý, ngang đời với ông nội của Lý Khuê. Đệ tử Đinh La Quí An của Thông Thiện, người trị phép thuật của Cao Biền và trồng cây gạo lịch sử ở Dương Lôi là ngang đời với cha của Lý Khuê và là hậu duệ của Đinh Kiến. Họ Khúc từng khởi nghĩa và tự chủ, có hậu duệ là Khúc Lãm, được Trưởng lão Đinh La Quí An nhắc đến trong lời trối”.
Untitled.png
Bài viết của tác giả Trần Viết Điền có 2 gợi ý rất hay: thứ nhất là cuộc vận động chính trị của thiền sư Vạn Hạnh và phổ hệ họ Lý từ Lý Tự Tiên đến Lý Khuê đến Lý Công Uẩn. Cả 2 gợi ý này vốn đã được củng cố thêm vững chắc mà chúng ta đã bỏ qua trong bài viết Chữ trên đá chữ trên đồng của tác giả Hà Văn Tấn.
Chữ trên đá chữ trên đồng viết: “Sách Thiền uyển tập anh ngữ lục cho chúng ta biết khá hơn về một số nhà sư thế kỷ thứ X như La Quý An (chết năm 936), Pháp Thuận (chết năm 990), Ma Ha, Thiền Ông (chết năm 979), Vạn Hạnh (chết năm 1001) thuộc dòng thiền của Tì ni đa lưu chi (…) Tuy ở Hoa Lư vào thế kỷ thứ X có những kinh điển Mật giáo, chúng tôi vẫn nghĩ rằng bấy giờ không hẳn đã có những nhà sư Mật tông mà chính các nhà sư Thiền tông đã sử dụng những kinh điển đó. Theo chúng tôi, Thiền giáo chịu ảnh hưởng của Mật giáo (…) Mật tông khác hẳn với Thiền tông. Mật tông tiếp cận với Đạo giáo, chú trọng đến các nghi lễ tôn giáo thần bí (…) Theo Thiền uyển tập anh, đồ đệ của thiền sư Đỗ Pháp Thuận là sư Ma Ha đã tụng niệm những lời chú Đại bi tâm đà la ni (…) là một thần chú phổ biến của Mật tông (…) sư Vạn Hạnh chuyên học phép tam ma địa [Từ một cột kinh phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư]
Năm 1987 (…)tìm thấy một quả chuông thời Ngô ở vãn chỉ thôn Nhật Tảo, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội (…) Sau đây là toàn bộ bài minh trên chuông được chép lại theo sự đoán nhận của chúng tôi: “
Thôn Hạ Từ Liêm, huyện Giao chỉ, vào ngày 29 tháng Tư năm Mậu Thân niên hiệu Càn Hòa thứ 6 (tức ngày 9 tháng 6 năm 948), các đệ tử Vô pháp môn là đô xã chủ đại đức Đỗ Pháp Dao, xã phó Kim Huyền Ký (?), xã phán quan Lý Đạo Vinh, xã vụ Lý Huyền Tháo, đô giám Trần Huyền Đàm, lục sự Trần Pháp Tuyên, Trần Tiên Cao, cao công Đỗ Pháp Tính, Lý Khả Đạo, áp nha Lý Tề Cổ, Lý Thủ Sơ, đại đức Đỗ Tiên Liêu, Ngu Tiên Hưu, Lý Tiên Thọ, Trần Khả Lôi, Ngô Tiên Lữ, Phùng Thừa Tư, Trần Ngạn Ung, Lý Thiệu Vị, Phí Khuông Nhân thuộc hai phái Đạo giáo và Nho giáo, từ trong năm Giáp Thìn (tức năm 944) đã chung nhau góp tiền vẽ một bức tranh Thái Thượng tam tôn. Chưa đến năm, lại làm 6 chiếc phướn báu thứ quan, xong, làm cỗ chay mừng hoàn tất. Nay cùng đưa ra việc mua một quả chuông báu, nặng 15 cân, để cúng dàng mãi mãi. Nhưng bọn Đỗ Pháp Dao kính cẩn tu theo đại pháp cúa trời đấtđể báo đáp tứ ântam hữu, đều được lợi ích. Xin cho chúng nhân một hội, mang lục căn tam diệp, muôn vàn lỗi lầm, tắm gội duyên lành này, đều hy vọng được trường cửu. Chay mừng xong, ghi lại” (…)
Bài minh đề cập đến công việc của một tổ chức tôn giáo thời bấy giờ, gọi là xã. Ta đã gặp một xã như vậy trên chuông Thanh Mai thế kỷ thứ VIII tìm được ở huyện Thanh Oai, Hà Tây (Đinh Khắc Thuân và Đặng Kim Ngọc 1987). Xã ở chuông Thanh Mai tên là Tùy Hỉ xã, còn xã trên chuông thời Ngô thì không thấy chép tên. Nhưng có nhiều chức danh thì giống nhau giữa hai chuông như xã chủ, xã phó, xã phán quan, xã lục sự. Nhưng cũng có những chức danh chỉ thấy trên chuông Thanh Mai mà không thấy trên chuông thời Ngô, như xã chi khiển, xã bình chính, xã khổng mục (…)
Điều khác nhau quan trọng là xã trên chuông Thanh Mai thế kỷ VIII là một xã Phật giáo còn xã trẽn chuông thời Ngô là một xã Đạo giáo (…) Hãy chú ý đến tên cúa những người trong xã. Ta biết đấy không phải là tên húy mà chỉ là đạo hiệu hay pháp danh. Những pháp danh này thường bắt đầu bằng các từ Pháp, Huyền, Tiên, Đạo (…) Ta biết một đạo sĩ được nhắc đến thời Đinh Tiên Hoàng (năm 971) là Đặng Huyền Quang. Ông này họ Đặng, còn Huyền Quang hẳn là đạo hiệu, mà cũng bắt đầu với từ Huvền, như nhiều tên trên quả chuông thời Ngô (…)
Không rõ vào thời Ngô, ở Việt Nam đã có Đạo tạng thời Đường hay chưa. Chi biết rằng theo Vân níp thập thiêm (do Trương Quân Phòng đời Bắc Tông biên soạn) thì Đạo tạng chia thành 12 loại, trong đó có loại “Uy nghi” là các sách nói về trai pháp cũng như các khoa nghi. Như vậy, “uy nghi” là chi nghi lễ Đạo giáo. Điều này khiến ta liên tướng đến chức Sùng chân uy nghi mà Đinh Tiên Hoàng trao cho đạo sĩ Đặng Huyền Quang năm 971 (…) Như vậy, bên cạnh Phật giáo đã có bước phát triển trong thế kỷ X, Đạo giáo cũng đã có vị trí của nó. Chính vì thế mà Đinh Tiên Hoàng đã phải định tăng quan và đạo quan (….)
Chú: “Xã” ở đây không phải là “làng xã”, mà là một tổ chức tồn giáo. Trên chuông Thanh Mai thế kỷ VIII ở Hà Tây, ta đã gặp từ “xã” với nghĩa này (Xem Đinh Khắc Thuân và Đậng Kim Ngọc 1987). Đô xã chủ là người đứng đầu “xã” [Quả chuông thời Ngô với một số vấn đề lịch sử và đạo giáo]”
Như vậy chúng ta có thể hình dung tổng quan rằng: Đại Việt với 2 dòng thiền lớn là Tì ni đa lưu chi và Vô thông ngôn, trước sự ảnh hưởng lớn mạnh của Đạo giáo, các nhà sư đã đưa các yếu tố của Đạo gia vào trong Phật giáo, tạo nên bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nên sử sách chép rằng sư Vạn Hạnh uyên thâm tam giáo cũng không phải là chép quá. Trước xã hội coi trọng Phật giáo [Đinh Liễn lấy đệm là Khuông giống như tên của Khuông Việt đại sư, lại dựng cả trăm cột đá khắc kinh phật. Lê Hoàn thì mời Khuông Việt đại sư và Pháp Thuận đại sư để tiếp sứ phương bắc. Vì sao vậy. Lý do chính là xã hội Đại Việt coi trọng Phật giáo và cũng vì tầng lớp tăng sư là tầng lớp giỏi chữ nghĩa, có kiến thức cổ kim gần như duy nhất ở thế kỷ thứ 10.
Những tầng lớp vua chúa tướng tá là những người giỏi võ nghệ nhưng chưa hẳn đã giỏi văn chương. Cho đến khi tuyển chọn quan lại thông qua thi cử thì một tầng lớp khác giỏi văn chương, thông kim bác cổ mới hình thành] sư Vạn Hạnh lại là người có uy tín bậc nhất nước Việt thời đó, thì sự vận động ủng hộ của ngài là rất quan trọng. Thêm vào đó bản thân Lý Công Uẩn cũng là người nắm giữ binh quyền, rất thân tín của vua. Nên việc Uẩn lên ngôi mà không có sự phản đối nào cũng là việc dễ hiểu. Nhưng vì sao sư Vạn Hạnh lại ủng hộ Công Uẩn. Đó là vì 2 vị này có mối quan hệ đặc biệt. Có thể tạm xác định đó là quan hệ thầy trò.
Việt sử lược là một tác phẩm khuyết danh thời nhà Trần chép: “Thái tổ. Tên húy là Uẩn, họ Nguyễn. Người Cổ Pháp, Bắc Giang. Mẹ họ Phạm. Sinh ngày 17 tháng 2 năm Thái Bình thứ 5. Thủa nhỏ thông minh sâu sắc, phong độ dáng vẻ rộng rãi, du học ở chùa Lục Tổ, thiền sư Vạn Hạnh thấy cho là khác lạ”.
Thiền uyển tập anh chép: “Thiền sư Vạn Hạnh (? – 1025). Chùa Lục tổ, làng Dịch bảng, phủ Thiên đức. Người Cổ pháp, họ Nguyễn. Gia đình đời đời thờ Phật. Thuở nhỏ Sư đã khác thường, gồm thông ba học nghiên cứu trăm luận, xem thường công danh. Năm 21 tuổi xuất gia, cùng với Ðịnh Huệ thờ Thiền Ông chùa Lục tổ làm thầy. Ngoài lúc hầu hạ, Sư học tập quên cả mệt mỏi (…) Hoàng đế Lê Ðại Hành hết lòng tôn kính Sư. Năm Thiên Phúc thứ 1 (980) tướng Tống là Hầu Nhân Bảo kéo quân sang cướp nước ta, đóng quân tại Cương giáp, Lãng sơn. Vua mời Sư đến, đem chuyện thắng bại ra hỏi (…) ngày Lý Thái Tổ lên ngôi, Sư ở tại chùa Lục tổ đã biết trước, bảo với người bác và người chú của vua”.
Chúng ta thấy rằng sư Vạn Hạnh và Công Uẩn đều là người họ Nguyễn làng Cổ Pháp. Công Uẩn lại theo học thầy Vạn Hạnh từ nhỏ. Nhưng rõ ràng là Công Uẩn không đi theo con đường của thầy mà lại trở thành tướng quân dưới trong triều đình nhà Lê. Có lẽ đúng như truyền thuyết kể: việc tiến thân của Công Uẩn có sự giúp đỡ rất lớn của sư Vạn Hạnh. Công Uẩn người họ Lý hay người họ Nguyễn ? Đây thực là việc rất khó bởi vì ngay tên họ Lý cũng là lấy theo họ của cha nuôi Lý Khánh Văn. Công Uẩn theo thấy Vạn Hạnh năm 7 tuổi, sau khi Uẩn lên ngôi, Vạn Hạnh vẫn còn sống. Vậy thì hẳn là Công Uẩn phải biết về gốc tích của mình thông qua thầy Vạn Hạnh. Nhưng Công Uẩn không có sự thay họ nào vậy thì rất có thể Công Uẩn đúng là người họ Lý.
Công Uẩn biết mẹ, biết bà nội nhưng cha và ông nội thì lại không biết ? Hay là có điều gì muốn giấu giếm ? Trần Viết Điền truy về Lý Khuê ? Và cho rằng: Sau thua trận, con cháu của Lý Khuê phải trốn chạy, ẩn nấp nên giấu tung tích về phía cha. Nhưng khi Công Uẩn lên ngôi rồi, thì còn cần gì phải dấu nữa ?
Nếu chúng ta để ý thì sẽ thấy trong bài minh khắc trên chuông đồng thời nhà Ngô, có rất nhiều nhân vật mang họ Lý. Chúng ta có thể kể ra như: xã phán quan Lý Đạo Vinh, xã vụ Lý Huyền Tháo, cao công Lý Khả Đạo, áp nha Lý Tề Cổ, Lý Thủ Sơ, đại đức Lý Tiên Thọ, Lý Thiệu Vị. Trước hết bài minh khắc năm 948 nghĩa là cách năm sinh của Lý Công Uẩn là 26 năm, tức là khoảng 1 thế hệ (ước tính từ 15 – 20 năm thì trai gái hôn phối). Tiếp đó, đây rõ ràng là 1 tổ chức Đạo giáo. Năm 944 (năm Ngô Quyền mất) tổ chức này có vẽ bức tranh Thái thượng tam tôn và làm 6 cái phướn báu thứ quan. Rõ ràng đây là một tổ chức khá mạnh. Cuối cùng theo như Hà Văn Tấn thì quả chuông (và rất có thể tổ chức này) có nguồn gốc ở huyện Từ Liên, Đan Phượng (Hà Nội) rất gần với Từ Sơn (Bắc Ninh) và sư Vạn Hạnh có liên quan tới Đạo giáo (nên rất có thể biết và có qua lại với tổ chức này).
untitled-2
[Bản đồ Từ Liêm (Hà Nội) và Từ Sơn (Bắc Ninh)]
Giả thuyết về phổ hệ của Trần Viết Điền rất khó để chính xác! Song rõ ràng là gợi ý chúng ta về gia thế của Lý Công Uẩn. Từ đó tôi đặt giả thuyết khác: Khu vực Thuận Thành, Tiên Du, Từ Sơn (Bắc Ninh) và Đông Anh, Từ Liêm, Gia Lâm (Hà Nội) gia tộc họ Lý rất mạnh. Họ có mối quan hệ qua lại với các Thiền sư uy tín bậc nhất Đại Việt thế kỷ thứ 10, mà Đạo giáo là yếu tố chính trong mối quan hệ ấy. Một người con của dòng họ Lý ấy là Công Uẩn được gửi đến để theo học thầy Vạn Hạnh. Ở đây chỉ là theo học chứ không phải theo nghiệp, không phải là xuất gia. Vì thiền sư là tầng lớp gần như duy nhất có kiến thức thông kim bác cổ thời đó, cũng là vì thiền sư là tầng lớp được trọng vọng nhất xã hội thời bầy giờ. Tuy nhiên cơ duyên đã đến khi theo học thầy, Công Uẩn có cơ hội tiếp xúc với chính quyền họ Lê. Được phong chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ dưới thời Lê Long Đĩnh. Trong những lý do ưu ái Uẩn không thể bỏ qua lý do: họ Lý là dòng họ rất mạnh ở phía bắc cố đô Hoa Lư, là cửa hầu thông với nhà Tống phía bắc. Không chừng cuộc chiến thắng của Lê Hoàn trước nhà Tống năm 981 có sự giúp đỡ rất lớn của họ Lý. Cuối cùng khi Long Đĩnh mất, dưới sự vận động của sư Vạn Hạnh và sức mạnh quân sự trong tay của Công Uẩn cũng như sức mạnh tiềm lực tài chính của dòng họ Lý. Công Uẩn lên ngôi mà không nhận được sự phản đối nào. Khi chuẩn bị cho cuộc tấn công vào đất Tống, nhà Lý đã phao tin về nguồn gốc Mân của tổ tiên. Kết cục sử phương bắc theo đó mà ghi chép, còn sử phương nam thì do cách xa cả trăm năm nên chỉ xác quyết được một phần trong thân thế của Công Uẩn. Đến Ngô Sĩ Liên khi viết Đại Việt sử ký toàn thư đã thu thập sử liệu dân gian chép vào, thành ra thông tin càng mơ hồ huyền ảo. Về mối quan hệ giữa dòng họ Lý này và Lý Tự Tiên thì không thể xác định được vì những chứng cứ là không đủ. Nhưng rõ ràng là Lý Công Uẩn phải có mối quan hệ thân thuộc với dòng họ Lý, còn chính xác là con ai, cháu ai thì rất khó để biết chính xác. Việc dòng họ Lý rất mạnh ở khu vực phía bắc sông Hồng cũng gián tiếp chứng minh, rất có thể tồn tại nhân vật Lý Khuê cát cứ vùng Siêu Loại sau khi nhà Ngô mất. * Về những yếu tố Mân trong văn hóa Việt, không nhất thiết vua Lý là người Mân thì mới xảy ra chuyện này. Văn hóa Việt thu thập trong nó rất nhiều những yếu tố từ các nền văn hóa khác. Cả của người Chăm, người Thái, người Hán và người Tây phương. Thời điểm nhà Đinh, Lê người Mân di cư xuống An Nam nhiều, tất yếu họ mang theo văn hóa Mân và không có gì phải nghi ngờ khi trong đời sống của người Mân ở An Nam, họ vẫn kiến thiết những giá trị văn hóa Mân và cũng không có gì lạ khi người Việt đã tiếp nhận những giá trị văn hóa Mân. Không chỉ có văn hóa Mân, còn nhiều yếu tố văn hóa của các dân tộc khác ở phương bắc du nhập vào An Nam chẳng hạn như Đạo giáo.
Lý Công Uẩn có thực sự là đệ tử Phật môn không hay chỉ là người Phật tử tại gia, thường hay lui tới chùa để theo học thầy Vạn Hạnh. Vì không thấy ông theo con đường tu học của thầy và cũng có lần thầy Vạn Hạnh nói với bác và chú của Công Uẩn về việc ngài ấy sẽ lên ngôi, không chừng Lý Công Uẩn có gia thế, thường hay qua lại với thầy Vạn Hạnh. Thêm nữa, những sách sử sớm của phương nam như An Nam chí lược và Việt sử lược đều ghi chép trần tục về Công Uẩn, rất khác với ghi chép thần thánh hóa của Đại Việt sử ký toàn thư, cho thấy việc thần thánh hóa này là do dân gian kiến tạo chứ không phải khởi từ thầy Vạn Hạnh. Có thể chính sự thần thánh hóa này đã làm chúng ta nghi ngờ tính xác thực của sử Việt ?
Có một sự trùng hợp khá thú vị mà ban đầu tôi đã đi theo hướng ấy, đó là: Con trai của Đinh Bộ Lĩnh là Đinh Toàn có cùng năm sinh với Lý Công Uẩn, năm 974. Công Uẩn mang họ Lý là theo họ của cha nuôi Lý Khánh Văn và cũng giống như Ngô Chân Lưu, khi thất thế thì trú ngụ tại chùa. Không phải như câu “Con vua thất thế lại ra quét chùa”. Chùa trong câu này là nơi trú ngụ cuối cùng, là nơi thấp nhất trong phân tầng xã hội. Mà chùa ở thế kỷ thứ 10 lại là nơi đứng vào hàng nhất nhì trong phân tầng xã hội. Làm thiền sư cũng không kém phần danh giá so với làm bậc đế vương. Qua đó chúng ta cũng thấy được sự mất vai trò của chùa (tổ chức phật giáo) trong lịch sử Việt Nam. Cuộc hạ thấp đầu tiên là cuộc tấn công của Đạo giáo vào Phật giáo, như chúng ta trình bày ở trên, cuộc hạ thấp thứ hai là việc đánh mất vị trí quan trọng bậc nhất vào tay Nho giáo thời cuối nhà Trần đầu nhà Lê, cuộc hạ thấp cuối cùng chính là đợt tấn công mà chúng ta được chứng kiến, đó là cuộc tấn công của văn hóa Phương tây (thế kỷ 19) mà đặc biệt là chủ nghĩa Marxit qua cuộc cách mạng văn hóa.  

Phụ chú về thời Đinh-Lê

Trong bài Bàn về cái chết của Đinh Bộ Lĩnh, tôi cố gắng đưa ra những bằng chứng cho thấy Bộ Lĩnh đã chết vào khoảng năm 976. Trong bài này chúng ta sẽ cùng xem xét những sự kiện khác xảy ra dưới thời Đinh Lê.
Căn cứ vào văn bản khắc trên 4 trong 16 cột đá được phát hiện ở Hoa Lư (Ninh Bình) lần lượt trong các năm 1963,1964 và 1978 chúng ta biết được rằng: Vào khoảng năm 973 Đinh Liễn giết em là Hạng Lang, do vậy trong cùng năm Liễn đã dựng 100 tràng kinh để cầu siêu thoát cho em và những người bị liên luỵ. Chúng ta có thể khai thác được rất nhiều thông tin từ phát hiện này của khảo cổ học. Thứ nhất là sử phương nam chép không phải không có căn cứ, trong khi sử phương bắc chép bỏ sót nhiều thông tin như nhân vật Hạng Lang và cái chết của Lang chẳng hạn. Thứ hai là Đinh Bộ Lĩnh xương Đại Thắng Minh hoàng đế ở phương nam, phong cho con làm Nam Việt vương.
Sách Chữ trên đá chữ trên đồng của Hà Văn Tấn viết: “những dòng chữ trên cột đá không phải là kinh phật mà chỉ là bài thần chú trong kinh phật (…) nội dung bài thần chú khắc trên cột đá Hoa Lư (…) là một bài cầu thọ (…) mà những người đã sống xa hoa dâm dật, những quý tộc, quốc vương (…) chỉ cần tụng niệm hay sao chép đều có thể tăng tuổi thọ, giải thoạt mọi nghiệp chướng do tội lỗi của mình gây ra”. Hiện vật (cột đá) 3A khắc chữ: “Nay nguyện làm 100 cột kinh để cúng cho vong đệ và những hồn ma của người chết trước đây và sau này, cầu cho tất cả giải thoát, không phải tranh giành kiện tụng. Trước hết là chúc cho Đại Thắng Minh hoàng đế, mãi mãi làm chủ trời Nam, giữ yên ngôi báu”.
Đinh Liễn dựng 100 cột kinh có lẽ ngoài việc cầu siêu cho vong đệ và những người chết vì liên luỵ còn cầu nguyện cho chính bản thân Liễn. Thậm chí là tụng niệm cho cả Đại Thắng Minh hoàng đế ? Nếu giả sử của chúng ta là đúng: Bộ Lĩnh mất năm 976! Lúc này Liễn vẫn còn sống và xã hội Đại Việt không có biến động (binh đao) gì ? Như thế, rất có thể Bộ Lĩnh mất tự nhiên (mất do già). Vậy thì rất có thể, sau cuộc anh em Liễn tương tàn, Bộ Lĩnh đã bị sốc, tinh thần và sức khoẻ bị suy sụp, do vậy ngoài việc dựng 100 cột kinh để cầu siêu thoát cho em, tụng niệm cho mình, còn có cả tụng niệm và làm giảm bớt đau buồn cho cha.
Nếu đúng thì: có 2 khả năng. Thứ nhất là Bộ Lĩnh đã già lại ốm yếu thì chuyện tình cảm với Dương hoàng hậu không thể xảy ra ? Đinh Toàn [tạm ước] sinh năm 974. Thứ hai là có thể trong những lúc đau buồn ấy Bộ Lĩnh đã gần gũi một người con gái họ Dương do vậy mà Đinh Toàn ra đời ? Hoàng hậu họ Dương, như chúng ta biết sách sử không nói tên, nên rất khó xác định. Nếu bà đã có tuổi thì rất có thể là mẹ của Hạng Lang nhưng nếu bà còn ít tuổi thì có lẽ mối quan hệ của Bộ Lĩnh với bà mới chỉ xảy ra sau khi Hạng Lang mất. Có việc này chúng ta cần lưu ý, đó là sử sách chỉ xác nhận Bộ Lĩnh có 3 người con và rõ ràng người con thứ 3 của Bộ Lĩnh là Đinh Toàn ít hơn rất nhiều tuổi so với 2 người con đầu là Đinh Liễn và Hạng Lang, thậm chí còn ít tuổi hơn cả con đầu của Đinh Liễn không chừng.
Sử sách có đề cập đến việc Lê Hoàn thông dâm với vợ của Bộ Lĩnh là Dương thị, các nhà nghiên cứu thì cho rằng: Đinh Toàn là con của Lê Hoàn và Dương thị, sau khi Đinh Liễn giết Hạng Lang, lo lắng tới sự an nguy của Toàn mà Lê Hoàn và Dương Vân Nga quyết định ra tay với Liễn. Hãy xem xét lần lượt những bằng chứng: Thứ nhất là qua thông tin khắc trên cột kinh chúng ta biết rằng: người không chịu thế cục, người không giữ lòng trung hiếu là Hạng Lang chứ không phải Đinh Liễn, thứ nữa sau khi Hạng Lang chết Liễn dựng cả trăm cột kinh để cầu siêu thoát cho em, vậy thì Liễn chưa hẳn đã phải là kẻ tàn ác nếu không muốn nói là người có lòng hướng phật, lại thêm ngay từ đầu Bộ Lĩnh đã có ý cho Liễn nối ngôi, vậy thì không có lý do gì để Liễn hại tới Toàn nên việc Dương Vân Nga lo lắng tới sự an nguy là rất khó xảy ra. Có khi nào Hạng Lang là con của Dương Vân Nga nên giữ thù với Liễn không ? [Giả thuyết của Lê Văn Siêu] Và Đinh Toàn ra đời như là cái đền của Bộ Lĩnh cho Vân Nga. Hoặc Vân Nga muốn lấy ngôi cho con mình là Toàn nên cùng với Lê Hoàn ám hại Liễn ? [Giả thuyết của Phan Duy Kha, Lã Duy Lan và Đinh Công Vĩ] Về động cơ thì không phải Dương Vân Nga không có. Tuy nhiên nếu Toàn là con của Lê Hoàn thì mối quan hệ của 2 người phải diễn ra trước năm 974 [Giả thuyết của Trần Trọng Dương] và trong suốt nhiều năm không hề bị phát giác thì cũng nên đặt câu hỏi ?
Trần Trọng Dương có dẫn một sự kiện trong bài Phương thức chuyển giao quyền lực: Vụ ám sát Đinh Bộ Lĩnh: “Nhà Tống cho đòi 2 mẹ con (Dương Thái hậu và Đinh Toàn) sang bắc quy phụ, đó là điều kiện để trao cờ tiết cho Hoàn, nhưng Hoàn không nghe (…) Đinh Toàn có khả năng cao là con đẻ của Dương hậu và Lê Hoàn (…) Nhà Tống dường như đã đọc được mối quan hệ ngầm trong hoàng cung Đại Cồ Việt nên đã vờ một phép thử tinh tế để có cớ xâm lăng”. Tuy nhiên cũng có mấy điểm vô tình phá vỡ giả thuyết này: Thứ nhất là chúng ta thấy sử phương bắc không chép đến mối quan hệ giữ Dương hậu và Lê Hoàn, thậm chí không nói đến Dương hậu, nếu như phương bắc đã ngầm đoán định được, thì không có cớ gì để họ không ghi chép cả ? Thứ hai là xét Tống sử thì thấy rằng: Năm 980 Hầu Nhân Bảo báo rằng: Giao Châu chủ soái bị hại, đất ấy đương loạn, vua Tống thảo chiếu thư cử sứ sang An Nam, lệnh cho Nhân Bảo chuẩn bị tấn công. Lê Hoàn nhận được thư chiến, liền giả thư của Đinh Toàn gửi vua Tống, xin không bị đánh, vua Tống không chịu nên xuất binh, năm 981 chiến sự nổ ra, quân Tống thua to phải rút. Năm 982, Hoàn cử sứ đi cống, xin cho Đinh Toàn nối chức của cha anh. Năm 983 Hoàn tự xưng Giao châu tam sứ lưu hậu, cử sứ đi cống, vua Tống chiếu rằng: Lê Hoàn dẫn mẹ con và thân thuộc của Toàn về bắc quy phục, khi ấy sẽ trao cờ tiết, tuy nhiên Hoàn im lặng.
Vậy thì rõ ràng việc dẫn mẹ con Toàn cùng với thân thuộc xảy ra sau khi cuộc chiến Tống Việt kết thúc, nên mục đích của nhà Tống không phải là một phép thử để lấy cớ xâm lăng. Nếu nhà Tống muốn có con tin thì đã đòi hẳn các con khác rõ ràng của Hoàn, vậy vì sao nhà Tống lại đòi Toàn ? Nếu nhà Tống đòi Toàn làm con tin vì nghi là con của Hoàn thì chắc là nhà Tống chỉ đòi có mẹ con Toàn thôi chứ, vì sao lại đòi cả thân thuộc của Toàn nữa ? Và chính vì đòi thân thuộc của Toàn nên chúng ta mới biết rằng: nhà Tống đòi là đòi vua của An Nam và đòi những người nghiễm nhiêm được thừa hưởng vị trí vua An Nam. Bộ Lĩnh mất, Đinh Liễn mất thì Toàn là nối dõi chính thống. Thế nên đòi Toàn và thân thuộc của Toàn nghĩa là đất An Nam không còn người cai trị nữa, Lê Hoàn có cầm cờ tiết thì cũng chỉ là người đứng đầu An Nam do nhà Tống sắp đặt chứ không phải kế thừa chính thống [trong con mắt của người An Nam]. Nghĩa là đất An Nam vẫn là một phần của Đại Tống, không chia cắt bờ cõi, không có vua An Nam cai quản, từ đây cho thấy 2 việc: trước là nhà Tống rất theo chính danh (đây cũng là đặc trưng chung của xã hội phong kiến) và sau là nhà Tống đã biết nhà Đinh xưng đế trong nước.
Lê Hoàn im lặng vì Hoàn cũng hiểu điều này. An Nam vẫn là của họ Đinh, Hoàn chỉ là người giúp mà thôi, dưới cả con mắt của người Tống lẫn người An Nam. Chính vì thế mà Hoàn giữ bằng được Đinh Toàn vì đó chính là lệnh bài để Hoàn điều hành An Nam. Tại sao lại nói vậy ? Vì: tại chùa Nhất Trụ (Ninh Bình) hiện có 1 chiếc cột đá có khắc bài kinh Lăng Nghiêm được cho rằng: do Lê Hoàn dựng năm 995, bài văn ước khoảng 2500 chữ nhưng chỉ còn đọc được 178 chữ: “[…] Cúi đầu toả hào quang […] Người theo đạo phật là Thăng Bình hoàng đế … Thuyền Bát Nhã trước vượt sóng biển, mang về bản hương kinh. [kể từ khi] Đại Thánh Minh hoàng đế tổ họ Lê, tự mình kế tiếp mệnh trời, cả định non sông đến nay là 16 năm […]” [dẫn theo tài liệu của Ban quản lý danh thắng Tràng An]
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư thì năm 980 Lê Hoàn lên ngôi, tôn hiệu là: Minh càn Ứng vận Thần vũ Thăng Bình Chí nhân Quảng hiếu hoàng đế, do vậy Thăng Bình hoàng đế trong cột đã là viết gọn tôn hiệu của Lê Hoàn và sau 16 năm cầm quyền thì đổi thành Đại Thánh Minh hoàng đế. Tuy nhiên Tạ Chí Đại Trường cho rằng: “năm 995, Lê Hoàn còn ở ngôi, nếu lập bào tràng thì phải dâng cho cha ông mới hợp với chữ “Lê tổ” – điều này lại không hợp với công đức tán tụng. Phải nghĩ rằng trụ tạo năm 1005 – năm ông chết, do Long Đĩnh lập, năm có sự kiện lớn liên quan là việc rước kinh Đại Tạng (“Thuyền bát nhã… vượt biển đem [kinh] về”) tuy cũng khó hiểu vì sao người xưa đã khắc thiếu chữ nhị (“nhị thập lục niên”) vì sao lại có sơ suất đến thế. Mặt khác, chữ khắc đính chính tôn hiệu của Đinh Tiên Hoàng mà Lê Hoàn kế thừa qua Dương hậu: Đại thánh minh hoàng đế chứ không phải là Đại thắng minh hoàng đế. Đáng chú ý là Lê Hoàn đã có tôn hiệu lòng thòng 14 chữ thế mà con cháu vẫn dùng tôn hiệu của họ trước. Cột đá rõ ràng là của Long Đĩnh lập”. Có đúng là như vậy không ? Hãy xem:
Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Đinh Mùi năm thứ 14 (năm 1007) [Tống năm Cảnh Đức thứ 4]. Mùa Xuân, sai em là Minh Sưởng sang nhà Tống. Nhà vua [Lê Long Đĩnh] sai Minh Sưởng và Chưởng thư ký là Hoàng Thành Nhã đem con tê trắng sang biếu nhà Tống, dâng biểu xin cửu kinh và kinh sách đại tạng”.
Tống sử chép: “Năm Cảnh Đức thứ 4 (năm 1007) […] tháng 7 […] Ất Hợi, Giao Châu lại cống, Lê Long Đình xin sách Cửu kinh và kinh Phật. Tân Tỵ, cho Long Đình làm Tiết độ sứ Tĩnh Hải Quân, Giao Chỉ quận vương, Tứ danh chí trung”.
Vậy là đã rõ: Năm 1007 Lê Long Đĩnh cứ sứ xin sách kinh phật nhà Tống, được ân chuẩn vào tháng 7, nếu vậy thì về tới An Nam cũng phải gần hết năm, dâng lên Long Đĩnh, xem xét và chuẩn bị khắc dựng cột đá cũng phải rơi vào năm 1008. Nếu như thợ khắc không khắc nhầm [thực ra là thiếu chữ “nhị” theo đề xuất của Tạ Chí Đại Trường] thì sao ? Mà một việc quan trọng thế này thì không thể khắc thiếu được [vì có thiếu e là cũng phải khắc lại] Vậy thì con số 16 năm kể từ khi Lê tổ [Hoàn] dựng nghiệp tới thời điểm khắc [năm 1008] cho phép chúng ta xác định năm Lê Hoàn lên ngôi [xưng bậc đế vương] rơi vào năm 993 [nghĩa là sử sách chép nhầm]. Một bằng chứng nữa cho thấy đúng là Lê Hoàn xưng đế vương vào năm 993 đó là: Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Quý Tị, năm thứ 5 (năm 993) [Tống năm Thuần Hoá thứ 4] (…) vua Tống (…) sai Vương Thế Tắc và Lý Cư Giản đem bài chế văn sang phong nhà vua làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, Giao Chỉ quận vương” và Tống sử chép: “Năm Thuần Hoá thứ 4 [năm 993] (…) tháng 2 (…) Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân Lê Hoàn phong làm Giao Chỉ quận vương”.
Như vậy là: Năm 993 Lê Hoàn được nhà Tống phong làm Giao Chỉ quận vương, khi ấy Lê Hoàn mới xương đế vương, hoàn toàn phù hợp với bài văn trên cột đá là từ khi Lê tổ dựng tới năm khắc kinh (năm 1008) vừa tròn 16 năm. Thế nhưng, điểm thú vị là: Trước khi được vua Tống phong là Giao Chỉ quận vương, Đinh Bộ Lĩnh tự xưng là Đại Thắng Minh hoàng đế ở phương nam ? Lê Hoàn có làm vậy không ? Rõ ràng là không! Vì nếu là có thì trong bài kinh trên cột đá phải ghi chép nhiều hơn 16 năm mới đúng, vì cũng giống nhưng Đinh Liễn, Lê Long Đĩnh dựng cột đá ở trong nước, không phải là để ngoại giao nên không cần phải giấu [năm thật xưng đế vương]. Từ đó cho thấy, ít nhất là trên danh nghĩa trong cả đối nội và đối ngoại Lê Hoàn vẫn giữ vai trò là người phụ tá họ Đinh mà lúc này là Toàn giữ ngôi, tất nhiên trên thực tế Hoàn nắm việc nước. Rõ ràng là cả nhà Tống cho tới Lê Hoàn đều bị ràng buộc bởi tính chính danh.
Về tôn hiệu thì đúng là Thăng Bình hoàng đế là cái tên rút gọn của cái tôn hiệu dài lòng thòng kia rồi. Thế nhưng tôn hiệu dài khiến ta nghĩ là do nhà Tống ban, tuy nhiên có chữ “đế” thì chắc không phải. Vì đoạn văn bị mất nên không xác định được chính xác đó là gọi ai ? Có khi nào là của Lê Long Đĩnh không ? Vì tới nay chúng ta mới chỉ biết Long Đĩnh được gọi là Ngoạ Triều, mà đây là tên gọi của người khác đặt để thể hiện sự coi thường. Nếu có thể phục hồi toàn văn bản thì rất tốt, nhưng việc này khó vì thế chúng ta thử xét trường hợp phục hồi cấu trúc của văn bản, theo đó phần chính là bài kinh, tiếp đến đoạn Thăng Bình hoàng đế là ám chỉ Lê Long Đĩnh mộ phật nên cử sứ đi xin kinh, đoạn tiếp nói về thuyền Bát Nhã ý nói kinh đã về tới Hoa Lư, tiếp nữa là đoạn Đại Thánh Minh hoàng đế [có thể là miếu hiệu của Lê Hoàn do Lê Long Đĩnh đặt] lập nghiệp tới nay thì tình hình An Nam ra sao. Thì rất có thể Thăng Bình hoàng đế là chỉ Lê Long Đĩnh chứ không phải Lê Hoàn. Nếu vậy chúng ta lại buộc sách sử phải chép nhầm 1 lần nữa ? Chuyện này có thể không [chỉ bàn đến nhầm lẫn trong tôn hiệu] Có thể chứ ! Vì chúng ta không hề thấy nhắc gì tới tôn hiệu Đại Thánh Minh hoàng đế [cũng xảy ra trường hợp khác, đây là tên do triều thần xưng tụng Lê Hoàn lúc còn sống] ? Mà chỉ có phong cho Dương hậu chức Đại Thắng Minh hoàng hậu. Rất có thể sử sách đã bỏ quên 1 tôn hiệu, thành thử ra chỉ còn 1 tôn hiệu nữa và cuối cùng xếp tôn hiệu ấy cho Lê Hoàn. Đó là việc xem xét mở rộng thêm ra chứ việc quan trọng trong tôn hiệu lại không nằm ở chỗ đó. Cứ giả như Lê Hoàn có 2 tôn hiệu nhưng không có nghĩa Hoàn dùng tôn hiệu khác nhau trước và sau cuộc sắc phong của nhà Tống năm 993.
Qua bài minh trên cột đã do Đinh Liễn dựng chúng ta biết rằng: Đinh Bộ Lĩnh xưng là Đại Thắng Minh hoàng đế cũng chưa hẳn ông đã phong cho Dương thị chức Đại Thắng Minh hoàng hậu, sau khi Hoàn lên ngôi cứ giả như Hoàn lấy Dương thị vợ của Bộ Lĩnh thì Hoàn có phong Dương thị là Đại Thắng Minh hoàng hậu không ? Dù Hoàn có là người chính trực hay khôn ngoan, thì Hoàn cũng là người trọng tính chính danh, vậy thì việc ông lấy vợ của chúa cũ rồi lại đặt tên hiệu cho chính người vợ đó cùng tên với tôn hiệu của chúa cũ thì thật Hoàn quá ngang ngược và không giống như Hoàn thể hiện, thêm nữa nếu như Toàn là con của Lê Hoàn, thì sau khi lên ngôi, Hoàn bất chấp luân thường đạo lý lấy vợ của chủ cũ lại phong tước cho vợ của chủ cũ theo đúng tôn hiệu của chủ cũ thì chẳng có lý do gì để Hoàn không nhận Toàn làm con mình và đổi họ của Toàn từ Đinh sang Lê. Có phải thế ? Hay ở đây có sự sai sót mà chính Tạ Chí Đại Trường đã không nhận ra: có 2 tôn hiệu khác nhau. Của Đinh Bộ Lĩnh là Đại Thắng Minh hoàng đế và của Lê Hoàn là Đại Thánh Minh Hoàng đế. Chỉ khác nhau có chút xíu về âm. Có thể trong quá trình lưu truyền, sao chép 2 tôn hiệu này bị nhầm lẫn, thành thử sách sử chép Hoàn phong cho vợ là Đại Thắng Minh hoàng hậu, nhưng kỳ thực Hoàn phong cho vợ là Đại Thánh Minh hoàng hậu. Và rất có thể từ nhầm lẫn nhỏ này các sử gia đã tiến tới 1 nhầm lẫn lớn hơn là: để cho vợ của Đinh Bộ Lĩnh làm vợ của Lê Hoàn vì cùng họ Dương. Cũng thật là kỳ lạ khi mà vợ của Lý Công Uẩn cũng có người họ Dương ?
Rõ ràng ở trên cũng chỉ là những lập luận mà thôi không thể chắc chắn. Về việc Dương thị vợ Lê Hoàn có phải là vợ của Bộ Lĩnh không thì phải xét về tuổi tác của bà và thế lực họ Dương. Nếu bà là mẹ của Hạng Lang, khi ấy bà cũng đã nhiều tuổi, việc Hoàn lập Dương thị làm hậu rất khó xảy ra. Nếu bà chỉ là mẹ của Đinh Toàn, khi ấy bà còn rất trẻ thì rất có thể, tuy nhiên dù bà có lấy Lê Hoàn cũng không thể kết luận Toàn là con của Lê Hoàn.
Qua nhân vật Hạng Lang chúng ta biết rằng: sử phương nam cũng có những thông tin chính xác trong khi sử phương bắc thì không đầy đủ. Sử phương nam chép rằng: Đỗ Thích giết vua, bị Nguyễn Bặc bắt giết, Bặc và Hoàn đưa Toàn lên ngôi. Nghi vua bị chèn ép nên Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp tiến đánh Lê Hoàn. Những nhân vật tầm cỡ như Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp, Trịnh Tú, Lưu Cơ rất có thể là có thật và sau cái chết của Liễn rất có thể đã xảy ra xung đột giữ những người này với Lê Hoàn. Bản thân bản tấu của Hầu Nhân Bảo cũng nói rằng: Chủ soái Giao châu bị hại, đất ấy đương loạn [Tục tư trị thông giám]. Như trong bài Bàn về cái chết của Đinh Bộ Lĩnh, tôi có trình bày rằng: Đỗ Thích rất khó để ám hại vua với mục đích lên ngôi và cũng rất khó là đồng phạm của Hoàn. Rất có thể Hoàn không liên quan gì tới cái chết của Đinh Liễn. Các nhà nghiên cứu cho rằng: Hoàn là người có lợi nhất trong cái chết của Liễn ? Không phải như thế: vì khi Liễn chết, em là Toàn lên ngôi, bên cạnh còn có rất nhiều những người tiền bối phụ tá, Hoàn không chắc nắm thế thượng phong. Hơn thế nữa, để có cái lợi nhất thì Hoàn cũng đã phải trải qua cuộc xung đột về quân sự với các tướng lĩnh khác và hoàn toàn dựa vào tài năng mà có. Chứ ngay sau khi Liễn chết Hoàn không hề có một ưu thế nào cả so với những trụ cột khác. Còn những người khác liên kết đánh Hoàn vì có thể đúng là Hoàn lạm quyền của nhà Đinh, Tống sử cũng chép rằng: Hoàn ức hiếp Toàn, giam lỏng họ hàng Toàn. Dương hậu mẹ của Toàn thuận theo Hoàn qua chi tiết khoác áo long bào (chưa chắc chi tiết này đã có thật) cũng có thể được nhìn theo cách khác là bà làm vậy để đảm bảo sự an nguy của Toàn [Đinh Điền cùng họ Đinh với Bộ Lĩnh lại cùng quê quán vậy thì 2 vị này rất có thể là họ hàng chứ không phải bạn bè. Khi Đỗ Thích bị nghi sát hại Đinh Liễn, Nguyễn Bặc bắt được và giết Thích, đồng thời cùng với Lê Hoàn đưa Đinh Toàn lên ngôi, thì rất có thể Nguyễn Bặc lúc này đang ở Hoa Lư. Khi Điền và Bặc hợp binh đánh Hoàn, nhưng chiến sự nổ ra ở Ái châu vậy thì rất có thể sau khi bình được An Nam, Bộ Lĩnh đã cất cử Đinh Điền trấn giữ châu trọng điểm thứ 2 tại An Nam là Ái. Khi thua Phạm Hạp chạy về phía bắc, quê quán của Hạp ở Hải Dương vậy thì rất có thể lúc xảy ra vụ ám sát, Hạp đang ở Hà Nội với Lưu Cơ. Khi vụ ám sát xảy ra, Nguyễn Bặc bắt và giết Đỗ Thích, Bặc cùng Hoàn đưa Toàn lê ngôi. Tuy nhiên Toàn còn nhỏ nên mọi việc do Hoàn và Bặc quyết, rất có thể xảy ra mâu thuẫn giữa 2 vị này, khi hay tin Liễn mất, Đinh Điền ở Ái châu; Trịnh Tú ở Giao châu cũng chuẩn bị quân lực, rất có thể Đinh Điền và Trịnh Tú đã tin Nguyễn Bặc vì mối quan hệ thân thiết của những người này được thiết lập từ khi còn thiếu niên, do vậy đã đứng về phía Bặc cự lại Lê Hoàn. Có thể Phạm Hạp, Trịnh Tú dẫn quân theo đường thủy từ Hà Nội về Ninh Bình, còn Đinh Điền xuất quân từ Thanh Hóa về Ninh Bình. Khi hay tin tức, Lê Hoàn đã xuất quân, trước là bắt giam Nguyễn Bặc. Sau đó chủ động tấn công Đinh Điền tại Ái châu và cuối cùng là hỏa công Phạm Hạp có thể ở sông Đáy, kết cục Đinh Điền chết tại chỗ, Nguyễn Bặc bị xử tử ở Hoa Lư (có thể là trước khi Hoàn xuất quân đánh Điền ở Ái châu) Phạm Hạp chạy về Bắc Giang nhưng sau bị bắt (có thể là họ Lý ở Bắc Ninh lúc này đứng về phía Lê Hoàn đã bắt và giao Hạp cho Hoàn) Trịnh Tú chết còn Lưu Cơ (rút về) giữ Đại La (có thể Lưu Cơ không tham gia cuộc bạo loạn này mà chỉ giữ thành Đại La). Hoàn thâu tóm quyền lực, nên trước sự an nguy hoàng hậu Dương thị phải thuận theo. Cũng không loại trừ trường hợp hoàng hậu Dương thị mật báo cho Đinh Điền ở Ái châu, đề nghị đưa quân về giải cứu ấu chúa].
Sách Mộng khê bút đàm thì viết: Lê Uy [Hoàn] giết Liễn, tuy nhiên sách này cũng không thể tin hoàn toàn bởi vì trước đó, Thẩm Quát cũng chép rằng: Đinh Liễn giết Ngô Xương Văn ? Tục tư trị thông giám thì chép rằng: Hầu Nhân Bảo báo Giao Châu chủ soái bị hại. Tống sử thì chỉ chép rằng: Bộ Lĩnh và Đinh Liễn đã chết. Bản thân các sách sử của phương nam cũng chỉ chép rằng: Đỗ Thích giết Đinh Liễn chứ không đả động gì tới Lê Hoàn, tất nhiên là có chép một vài sự kiện khiến các nhà nghiên cứu cho rằng: Hoàn đã giết Đinh Liễn.
Về việc Lê Hoàn hiếp đáp Đinh Toàn, giam lỏng họ hàng Toàn. Đinh Liễn như đã trình bày ở trên, tuổi tác có thể làm cha của Toàn. Nếu Liễn có con thì hẳn phải lớn tuổi hơn Toàn, thêm vào khi Liễn mất về chính danh con Liễn phải nối chứ không phải Toàn. Thế nhưng nhà Tống không hỏi tới việc này, bản thân Nguyễn Bặc, Đinh Điền cũng đồng ý với Lê Hoàn đưa Toàn lên ngôi [Đại Việt sử ký toàn thư] vậy thì rất có thể Liễn không có con nối, có thể đây cũng là một đắn đo của Đinh Bộ Lĩnh và có thể chính đắn đo này đã khiến Hạng Lang không giữ lòng trung hiếu. Vậy thì họ hàng thân thuộc của Toàn được nhắc tới có lẽ là con cháu của anh em với Đinh Bộ Lĩnh hoặc con của Hạng Lang [trường hợp là con của Hạng Lang xảy ra cao hơn]. Chúng ta không biết chính xác là ai, nhưng chắc chắn là có vì sử sách có nói đến. Ngoài Đinh Điền cũng mang họ Đinh ra còn có một nhân vật nữa tên là Đinh Thừa Chính, người đem thuyền đón sứ Tống năm 986, cách không xa so với thời điểm Liễn mất. Rất có thể sau cuộc chiến Tống Việt, họ Đinh đã hiểu được thế cục và quy phục Lê Hoàn.
Vậy Đinh Liễn chết như thế nào ? Trong bài Bàn về cái chết của Đinh Bộ Lĩnh tôi đã nghĩ đến việc bỏ nhân vật Đỗ Thích ra khỏi vụ án. Tuy nhiên tới đây buộc phải đưa nhân vật này trở lại để đưa ra một giải thích: Trong sử có đề cập tới việc Thích ra tay sau bữa tiệc rượu khiến cha con họ Đinh đều say. Thế như chúng ta cũng đã bàn Đỗ Thích rất khó để là hung thủ. Vậy thì giả thuyết sẽ là: Có thể sau buổi tiệc, Liễn bị cảm rồi mất, Đỗ Thích có mặt thành ra bị nghi ngờ, không thể thanh minh nên Nguyễn Bặc đã giết đi. Liễn không có con nối, Hạng Lang thì có nhưng theo thứ tự thì không đến lượt. Nguyễn Bặc và Lê Hoàn đưa Đinh Toàn lên ngôi. Nhưng do Toàn còn nhỏ, mọi chuyện Hoàn quyết hết, dần dần lấn quyền. Các khai quốc công thần phản đối, dẫn tới xung đột ? Tin này tới tai Hầu Nhân Bảo, Bảo báo về triều đình rằng: chủ soái Giao châu bị hại [cũng như Nguyễn Bặc tin Đỗ Thích giết hại Liễn] đất ấy đương loạn. Vua Tống lệnh chuẩn bị quân đội, tiến đánh Giao Châu, thảo chiếu thư cho 2 lựa chọn hoặc đầu hàng hoặc bị giết. Lúc này ở Giao Châu Hoàn đã dẹp xong, chuẩn bị quân đội chống Tống, đồng thời giả thư của Toàn gửi vua Tống, xin không bị đánh, được nối chức của cha anh, vua Tống không nghe, hạ lệnh tấn công, năm 981 cuộc chiến diễn ra, kết cục Tống bại phải rút quân. Năm 982, sai sứ sang cống, xin [cho Toàn] nối chức của cha anh. Năm 983 Hoàn tự xưng là quyền Giao Châu tam sứ lưu hậu, sai sứ cống nhà Tống, vua Tống chiếu rằng: có 2 cách để Hoàn chọn, thứ nhất là họ Đinh nối 3 đời, muốn Toàn nối chức, Hoàn làm phụ tá, tận tâm giúp Toàn, thứ hai là đưa mẹ con và thân thuộc của Toàn về quy phụ phía bắc, Toàn sẽ được đối đãi tốt và Hoàn được giữ cờ tiết. Tuy nhiên Hoàn đã im lặng. [Ở vị trí này Hoàn có thể chọn cách đưa mẹ con Toàn về bắc để nhận cờ tiết đứng đầu Giao châu, nhưng Hoàn đã không làm thế, vì làm như thế An Nam sẽ mất vua, trở thành đất không chủ, nằm dưới sự cai quản của nhà Tống, cùng với các sự kiện nhận tiết nhưng không quỳ năm 990, bài thơ Nam Quốc Sơn Hà ra đời thời đại Lê Hoàn ? Lập Ngọc Phả hùng vương ? Mời Khuông Việt, Pháp Thuận tiếp sứ Tống cho biết đất nam có người tài, tất cả cho thấy Lê Hoàn thể hiện là người có tinh thần dân tộc] Năm 985 cử sứ đi cống sản vật địa phương và xin tiết trấn. Năm 986 cử sứ đi cống, Đàm châu tấu người Chiêm Thành là Bồ La Át xin nội thuộc, vua Tống nghĩ đây là công của Hoàn nên chiếu rằng: Hoàn trung nghĩa, có ân uy trong khi Đinh Toàn tính trẻ con, ngu muội, không vỗ yên được bờ cõi, tự bỏ quyền nối 3 đời sứ, mọi người trong châu đều mong muốn vậy nên Hoàn xin phế đi nhưng vẫn xin được giữ làm chỗ thân thuộc với Hoàn, vua Tống cho Hoàn giữ việc nước, được phong làm Kiểm hiệu thái bảo, sứ trì tiết, đô đốc Giao Châu, An Nam đô hộ, Tĩnh Hải quân tiết độ. Năm 988 thêm [tăng] Kiểm hiệu thái uý. Năm 990 thêm đặc tiến ? Tống Cảo đi sứ An Nam có bài tấu. Năm 993 phong tước Giao Chỉ quận vương. Do đó trong nước Hoàn xưng là Đại Thánh Minh hoàng đế. Phong cho các con làm vương. Năm 1005 thì mất.
Trong bài văn của Tống Cảo dâng vua Tống chép trong Tống sử do tác giả Quách Hiền dịch có viết: “Cuối mùa thu năm ngoái, đến cõi Giao Châu, Lê Hoàn sai Nha nội Đô chỉ huy sứ là bọn Đinh Thừa Chính đem 9 chiếc thuyền và 300 quân đến Thái bình quân để đón (…) Đi đến Trường Châu, gần bản quốc, Lê Hoàn phô trương khoác lác, dốc hết chiến thuyền ra, gọi là “diệu quân” (…) Núi sát bên thành hư trương cờ trắng, cho đó là bày thế trận. Được một lát đoàn hộ vệ rước Lê Hoàn đến, mở lễ giao nghênh. Lê Hoàn ghìm ngựa nghiêng người, hỏi thăm Hoàng đế xong, cầm cương đi cùng hàng, lúc ấy lấy trầu cau ra mời, ngồi trên mình ngựa mà ăn, đấy là phong tục mang hậu ý đãi khách (…) Hoàn xấu người chột mắt, tự nói rằng năm gần đây vừa mới tiếp chiến với man khấu, rơi từ trên ngựa xuống nên chân bị thương, nhận chiếu nhưng không lạy. Sau khi nhận dụ chỉ thì rải chiếu mở yến tiệc. Lại ra sát mép nước, diễn trò mua vui cho khách. Lê Hoàn đi chân đất cầm gậy tre lội nước xâm cá. Mỗi khi trúng một con thì tả hữu hai bên đều hò reo nhảy múa (…) Thường sai bọn hơn chục người khiêng một con rắn dài vài trượng đến tặng sứ quán, còn nói: “Nếu có thể ăn được thì sẽ làm thịt nó làm cỗ dâng lên”. Lại đóng cũi hai con hổ đem đến tặng, nói để tùy ý quan sát. [Chúng thần] đều từ chối không nhận. Quân lính có 3000 tên, tất cả đều thích trên trán dòng chữ “thiên tử quân”, lương thực thì có lúa đủ dùng hàng ngày, cho vào giã rồi mới ăn. Binh khí thì có cung nỏ, khiên gỗ, thoa thương, trúc thương, [binh khí] rất yếu không thể dùng được. Hoàn tính tình thô lược tàn nhẫn, kẻ thân cận đều là bọn tiểu nhân. Cho ở bên cạnh một bọn 50 tên hoạn quan tâm phúc. Thích uống rượu nô đùa, lấy chỉ lệnh làm vui, phàm bọn thuộc quan nào giỏi việc thì cất nhắc thân cận, bọn thuộc hạ xung quanh nếu có lỗi nhỏ cũng giết ngay, hoặc nếu không cũng cho đánh roi từ 100 đến 200 cái. Đám phụ tá nếu có chút gì không vừa ý cũng sẽ phạt trượng từ 30 đến 50 cái, giáng truất làm môn lại, khi nào hết giận lại gọi về cho khôi phục chức cũ. Có một cái tháp gỗ, chế tác thô lậu chất phác, Hoàn mời [bọn chúng thần] lên du lãm. Đất nơi ấy không có hàn khí, tháng 11 mặc áo kép phải phất quạt”.
Có khá nhiều chi tiết thú vị trong bài văn này, thứ nhất là tục ăn trầu của người Việt được nhắc đến, thứ hai là năm 986 Đinh Toàn đã bị phế tước vương, đó là về đối ngoại, còn trong đối nội, Toàn có thể vẫn là bình phong cho Lê Hoàn, thứ ba là năm 990 khi Tống Cảo sang không hỏi gì về Đinh Toàn và họ Đinh, vậy thì trong mắt nhà Tống, họ Đinh đúng là đã bị phế và Hoàn bây giờ là đại diện của An Nam. Những chi tiết như “đoàn hộ vệ rước Hoàn đến”, “mỗi khi trúng một con cá, tả hữu hai bên đều reo hò nhảy múa” vậy thì rõ Hoàn trên thực tế đã làm chủ An Nam. Và có lẽ sau cuộc đi sứ này, Tống Cảo và nhà Tống đã hiểu ra rằng: người An Nam cũng đã thuận theo Hoàn nên ban đất ấy có chủ mới, tước Giao Chỉ quận vương vào năm 993. Qua việc Hoàn từ chối không quỳ mà Tống sứ cũng không bực bội, lại thêm Hoàn đối đãi với Cảo rất hậu, do vậy rất có thể Cảo có thiện cảm với An Nam và việc tấn phong Hoàn chức Giao Chỉ quận vương năm 990 không chừng có lời nói tốt của Cảo ? [Năm 982 Hoàn xin cho Toàn nối chức của cha anh, năm 983 vua Tống cho Hoàn 2 lựa chọn. Hoàn hiểu rằng để có thể xưng vương ở phương nam thì nhất định nhà Đinh phải thoái ngôi, do vậy năm 986 Hoàn dâng thư tấu rằng Đinh Toàn không giữ yên được An Nam nên xin tự thoái, vua Tống đồng ý và cho Hoàn giữ việc cai quản nhưng không được làm vương, về phía nhà Tống An Nam không có vương nhưng trong nước rất có thể Hoàn vẫn giữ Đinh Toàn làm đế để làm bình phong, đến năm 990 vua Tống sai Cảo sang, có lẽ là thăm dò tình hình An Nam (triều đình phương bắc có ý muốn cho Hoàn làm vương nên xem xét tình hình trước khi quyết định), nhận biết được ý nghĩa quan trọng của cuộc đi sứ này, Hoàn đối đãi với Cảo rất hậu (vừa cứng rắn vừa mền mỏng) nên khi trở về bắc, Cảo tấu báo tình hình ở An Nam, kết cục triều đình đồng ý cho Hoàn làm vương, lúc này Hoàn là Giao Chỉ vương trong quan hệ với nhà Tống và trong nước Hoàn phế Toàn (thông báo rộng khắp chiếu phế Toàn của nhà Tống) đồng thời xưng đế (thông báo rộng khắp chiếu phong vương của nhà Tống)].
Tiểu kết: Có rất nhiều thông tin dẫn chúng ta tới những kết luận khác nhau về sự kiện năm 979, trong bài này tôi cũng đưa ra một giả thuyết. Giả thuyết này bắt nguồn từ việc chúng ta có thể hiểu khác đi về những thông tin. Tuy nhiên, chính sự hiểu khác đi ở một chừng mực nào đó lại trở nên rất nguy hiểm, khiến chúng ta đã hiểu sai về một nhân vật tầm cỡ thế kỷ thứ 10.
* Một chi tiết nữa cũng cần nói thêm, ấy là việc các di tích đền thời của Hoàn thấy đâu ít hơn của các danh thần nhà Đinh hoặc như đền thời của Lê Hoàn và Dương Vân Nga thường hay quay mặt lại so với đền thời của Đinh Bộ Lĩnh. Rõ ràng các đền thời thì lập sau và người kiến thiết những đền thời ấy có chịu ảnh hưởng bởi các truyền thuyết, các bộ sử sách hay không ?

Bàn về cái chết của Đinh Bộ Lĩnh

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Kỷ Mão, [Thái Bình] năm thứ 10 [979] (Tống Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 4). Mùa xuân, Nam Việt Vương Liễn giết hoàng thái tử Hạng Lang. Liễn là con trưởng của vua, thuở hàn vi cùng chịu gian khổ, đến khi định yên thiên hạ, ý vua muốn truyền ngôi cho, mới phong làm Nam Việt Vương, lại từng xin mệnh và nhận tước phong của nhà Tống. Sau vua sinh con nhỏ là Hạng Lang, rất mực yêu quý, lập làm thái tử. Liễn vì vậy bất bình, sai người ngầm giết đi.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nối ngôi dùng con đích là đạo thường muôn đời, bỏ đạo ấy, chưa từng không gây loạn. Cũng có khi nhân thời loạn mà lập Thái tử, thì trước hết chọn người có công hoặc con đích trưởng quá ác phải bỏ thì sau mới lập con thứ. Thế là xử việc lúc biến mà vẫn được đúng đắn, người xưa vẫn từng làm. Nam Việt Vương Liễn là con trưởng, lại có công, chưa thấy lầm lỗi gì. Tiên hoàng yêu con thứ mà quên con trưởng, cho như thế mới đủ tỏ tình yêu quý, không biết như thế là làm hại con. Liễn lại nhẫn tâm, đến nỗi giết em, thiên đạo nhân luân mất hết, chuốc họa chết thiệt thân, còn liên lụy cả cha nữa, há chẳng rùng rợn lắm thay! Không thế thì tội đại ác của Đỗ Thích do đâu nảy ra để hợp với lời sấm được?
Mùa đông, tháng mười, Chi hậu nội nhân Đỗ Thích giết vua ở sân cung. Bọn Đinh quốc công Nguyễn Bặc bắt được đem giết. Trước đó Đỗ Thích làm chức lại ở Đồng Quan, đêm nằm trên cầu, bỗng thấy sao sa rơi vào miệng, Thích cho là điềm tốt, bèn nảy ra ý định giết vua. Đến đây, nhân lúc vua ăn yến ban đêm, say rượu nằm trong sân, Thích bèn giết chết, lại giết luôn cả Nam Việt Vương Liễn. Khi ấy lệnh lùng bắt hung thủ rất gấp, Thích phải lén núp ở máng nước trong cung qua 3 ngày, khát lắm, gặp lúc trời mưa thò tay hứng nước uống, cung nữ trông thấy liền đi báo. Đinh quốc công Nguyễn Bặc sai người bắt đem chém, đập nát xương, băm thịt ra từng mảnh, chia cho người trong nước ăn, chẳng ai không tranh lấy mà nhai nuốt. Ngày trước, khi vua còn hàn vi, thường đánh cá ở sông Giao Thủy, kéo lưới được viên ngọc khuê to nhưng va vào mũi thuyền, sứt mất một góc. Đêm ấy vào ngũ nhờ ở chùa Giao Thủy, giấu ngọc ở dưới đáy giỏ cá, đợi sáng ra chợ bán cá. Bấy giờ vua đang ngũ say, trong giỏ có ánh sáng lạ, nhà sư chùa ấy gọi dậy hỏi duyên cớ, vua nói thực và lấy ngọc khuê cho xem. Sư than rằng: “Anh ngày sau phú quý không thể nói hết, chỉ tiếc phúc không được dài”.
Lại vào năm Thái Bình thứ 5 [974], có lời sấm ngữ: “Đỗ Thích thí Đinh Đinh, Lê gia xuất thánh minh, cạnh đầu đa hoành nhi, đạo lộ tuyệt nhân hành. Thập nhị xưng đại vương, thập ác vô nhất thiện, thập bát tử đăng tiên, kế đô nhị thập thiên” (Đỗ Thích giết hai Đinh, nhà Lê nỗi thánh minh, tranh nhau nhiều hoành nhi, đường sá người vắng tanh. Mười hai xưng đại vương, toàn ác không một thiện, mười tám con lên tiên, sao kế đô hai chục ngày). Người ta cho là số trời đã định như thế. Khi ấy Định quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, cùng thập đạo tướng quân Lê Hoàn rước Vệ Vương Toàn lên ngôi Hoàng đế, tôn gọi vua là Tiên Hoàng Đế, tôn mẹ đẻ [vua mới] là Dương Thị làm Hoàng thái hậu. Rước linh cữu Tiên Hoàng Đế về táng ở sơn lăng Trường Yên”.
Trên là đoạn sử liệu rất quan trọng, chép về cái chết của Đinh Bộ Lĩnh. Tuy nhiên, luôn tồn tại sự nghi ngờ về tính xác tín của thông tin mà Ngô Sĩ Liên cung cấp. Từ đó các học giả đưa ra những giả thuyết như:
Tác giả Lê Văn Siêu trong sách Việt Nam văn minh sử viết: “Trong cuộc chiến cung đình giữa các hoàng hậu, bà mẹ Hạng Lang đã chọn Nguyễn Bặc làm vây cánh. Khi Hạng Lang bị giết mà thủ phạm Đinh Liễn không bị trừng trị, bà nảy ý định trả hận và đã cùng Nguyễn Bặc dùng Đỗ Thích ra tay. Sau đó Nguyễn Bặc theo lệnh của bà bắt giết Thích để diệt khẩu” hay “Đỗ Thích là gian tế của nhà Tống, giết cha con vua Đinh để làm rối triều đình và cho nhà Tống thừa cơ mang quân sang đánh chiếm. Vì Trung Hoa là nước lớn nên phía Đại Cồ Việt dù có biết, cũng không dám làm to chuyện gian tế đó, chỉ dồn sức đánh trả sau này”.
Trong Nhìn lại lịch sử của các tác giả Phan Duy Kha, Lã Duy Lan và Đinh Công Vĩ viết: “Tâm trạng hoang mang của Dương hậu sau vụ Hạng Lang bị giết, đã lọt vào tầm ngắm của Lê Hoàn, một người có thế lực (trông coi quân trấn giữ kinh thành) và là đồng hương của bà. Giữa họ đã nhanh chóng tạo thành mối liên hệ tự nhiên vì quyền lợi chứ chưa phải là chuyện tình ái, lại được mưu mẹo của quân sư Hồng Hiến hướng dẫn, rồi nhanh chóng biến thành một âm mưu thoán đoạt. Âm mưu thoán đoạt được triển khai, màn kịch được dàn dựng. Kết quả: cha con vua Đinh bị giết và nội nhân Đỗ Thích phải thịt nát xương tan và phải hứng chịu trách nhiệm trước công luận và lịch sử” [xin xem thêm những bài viết khác của nhóm tác giả Phan Duy Kha, Lã Duy Lan và Đinh Công Vĩ]
Trong bài Phương thức chuyển giao quyền lực: Vụ ám sát Đinh Bộ Lĩnh của Trần Trọng Dương viết: “Tuy nhiên, việc giám định cho đoạn sử liệu trích dẫn ở trên [đoạn trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên] hầu như lại chưa được thực hiện. Chúng ta có thể thấy hàng loạt những thông tin “phi sử liệu” đã được cài cắm. Như chúng tôi đã từng chứng minh, Toàn thư được biên soạn trên tư duy đa nguyên văn – sử – triết bất phân của thời Trung đại. Việc các tác giả Toàn thư đã sưu tập huyền thoại, chuyện kể, tác phẩm truyền kỳ, tin đồn dân gian vào công trình của mình, khiến cho tác phẩm này trở thành cái bẫy lớn cho bất kỳ ai quan tâm đến lịch sử. Để giải thích cho cuộc hành thích đơn lẻ của Đỗ Thích, người ta sáng tác ra câu chuyện “nuốt sao” với “giấc mộng đế vương”. Để giải thích cho sự tồn tại ngắn ngủi của nhà Đinh, người ta cũng sáng tác ra “chuyện ngọc khuê bị sứt” (như Toàn thư) hay chuyện “đeo kiếm cổ ngựa của ông thầy địa lý Tàu” (như Lĩnh Nam chích quái). Để giải thích cho việc họ Lê sẽ lên thay họ Đinh, Toàn thư cũng chép lại một bài sấm ngữ được cho là sáng tác trước đó 5 năm (974): “Đỗ Thích giết hai Đinh, nhà Lê nổi thánh minh, đánh nhau nhiều người chết, đường sá người vắng tanh”. Tuy nhiên, với chúng tôi, thì việc sáng tác sấm ngữ thời xưa chỉ là hành động chính trị của những thế lực nhằm “chính thức hóa” sự lên ngôi của mình bằng một định đề huyền bí: số trời (chữ của Toàn thư). Giả sử, nếu như bài sấm đó bắt đầu xuất hiện vào năm 974 đi nữa, thì đối tượng để Đinh Bộ Lĩnh “xử tử” đầu tiên chính là Đỗ Thích và những người mang họ Lê, mà có thế lực nhất thời bấy giờ chính là Lê Hoàn – Thập đạo tướng quân. Vì thế có thể khẳng định, bài sấm này được sáng tác để tung vào dân gian ngay sau cuộc hành thích hoặc như lời giải thích của chính Tạ Chí Đại Trường thì bài sấm có thể là do các “sử gia tăng lục” của nhà Lê sáng tác sau này. Đọc đến đây, quý vị hẳn đã mường tượng ra một âm mưu chính trị mà không ít người đã từng nghĩ tới (…)
Sử liệu đầu tiên đề cập giả thuyết “Lê Hoàn mưu sát Đinh Bộ Lĩnh” là ghi chép của Thẩm Quát trong Mộng khê bút đàm được viết vào năm 1093 – sớm hơn Toàn thư 400 đến 600 năm. Bộ sử này ghi như sau: “thổ nhân Lê Uy giết Liễn tự lập”. Lê Uy tức Lê Hoàn (…) Năm 1996, Mai Khắc Ứng viết “Những người viết sử xưa đơn giản hóa sự cố này: chỉ bởi một giấc mơ hão huyền mà Đỗ Thích trở thành tên sát nhân. Đằng sau Đỗ Thích còn ai không? Tại sao khi Lê Hoàn thế chân thì quân Tống lại can thiệp ?”. Đồng thuận với giả thuyết trên, năm 1997 Đinh Công Vỹ đã công bố một số tài liệu tại Hoa Lư để giải thích cho sự kiện này (…) Năm 2013, giả thuyết “Lê Hoàn mưu sát cha con Đinh Bộ Lĩnh – Đinh Liễn”, được GS Keith Weller Taylor nhắc lại trong cuốn “A History of Vietnamese”. Ông viết như sau: “Tên thích khách, như được miêu tả, vốn mê muội bởi những điềm triệu báo rằng sẽ lên ngôi vua, (hắn) đã nhanh chóng bị bắt, giết và ăn thịt trong bối cảnh bất thường của tục ăn thịt người. Chúng ta không biết nhiều về quyền lực chính trị của gia tộc họ Đinh, nhưng đằng sau sự kiện này có lẽ còn ẩn chứa sự đối kháng giữa các phe cánh ngoại thích và thậm chí cả mưu đồ của Lê Hoàn cùng Dương Vân Nga – bà hoàng hậu có đứa con sống sót – người được tin rằng đã có tư tình với Lê Hoàn trước khi Đinh Bộ Lĩnh chết” (…)
Còn một câu hỏi quan trọng cần được cân nhắc ở đây. Vì sao Đinh Toàn, đứa con trai của Hoàng hậu họ Dương và Đinh Bộ Lĩnh, không bị giết ? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi muốn dẫn một số sử liệu từ Toàn thư.
Sử liệu 1: Khi Đinh Bộ Lĩnh bị giết, Đinh Toàn mới 5 tuổi [sinh năm 974]
Sử liệu 2: Đinh Toàn lên ngôi năm 6 tuổi, Lê Hoàn nhiếp chính, tự xưng là Phó Vương
Sử liệu 3: Thái hậu Dương khoác áo long cổn cho Lê Hoàn lên ngôi, giáng phong Đinh Toàn làm Vệ Vương
Sử liệu 4: Nhà Tống cho đòi hai mẹ con (Dương Thái hậu và Đinh Toàn) sang Bắc quy phụ, đó là điều kiện để “trao cờ tiết” cho Lê Hoàn, nhưng Lê Hoàn không nghe. Như ta biết việc này đã dẫn đến chiến tranh với Tống. 
Sử liệu 5: Năm 982, lập Dương thị làm Đại Thắng Minh Hoàng Hậu. Ngô Sĩ Liên bình: “Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn”.
Sử liệu 6: Năm 1001, đi đánh giặc Cử Long, vua cũ [nhà Đinh] là Vệ Vương Toàn trúng tên chết tại trận. Vua [Lê Hoàn] kêu trời ba tiếng rồi thúc quân đánh, giặc tan vỡ.
Sử liệu 4 và 6 là vô cùng quan trọng, nhưng trước nay hầu như không được để ý đến. Từ những sử liệu trên, chúng ta có thể đi đến một số kết luận: (1) Lê Hoàn đã tư thông với Dương hậu từ trước năm 979 (xét, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, có quyền tự do ra vào cung cấm). Điều đó có nghĩa là (2) Đinh Toàn có khả năng cao chính là con đẻ của Dương hậu và Lê Hoàn. Đây chính là điểm mấu chốt quan trọng nhất mà các nghiên cứu trước đây chưa từng nghĩ đến. (3) Đinh Toàn sinh năm 974, như vậy việc tư thông phải có trước thời điểm này. (4) Nhà Tống dường như đã đọc được mối quan hệ ngầm trong hoàng cung Đại Cồ Việt nên đã vờ ra một “phép thử” tinh tế để có cớ xâm lăng. Dĩ nhiên, Lê Hoàn không thể đem hai mẹ con Dương hậu (hai con át chủ bài của cuộc đời) để lĩnh tiết việt. Lê Hoàn lên ngôi là việc đã xong và việc đánh Tống là điều không thể tránh. Được hay mất, công hay tội, sống hay chết chính ở nước cờ cuối cùng này. Như ta biết, với chiến thắng chống Tống – chiến thắng lớn nhất trước đế chế đầu tiên của phương Bắc trong thế kỷ X, Lê Hoàn đã có tư cách của người chiến thắng để viết nên lịch sử của Đại Cồ Việt và lịch sử của đời mình”.
* Như vậy là với câu chuyện mang tính chất thiên mệnh trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, tưởng rằng: vụ án về cái chết của vua Đinh đã kín kẽ, nhưng nay lại bộc lộ nhiều manh mối, các nhà nghiên cứu đã lần theo và phát hiện ra âm mưu chính trị hoàn hảo. Câu hỏi quan trọng là: vụ án đã khép lại được chưa ? Chúng ta cùng xem xét lại những manh mối lần cuối:
Trước hết là về bài sấm, rất có thể nó được soạn sau khi vụ án xảy ra. Về nhân vật Đỗ Thích. Đỗ Thích có khi nào giết vua không ? Giả sử như Thích nằm mơ nuốt sao nên nghĩ mình sẽ được làm vua. Nếu vậy thì sau khi giết vua, Thích phải ra mặt để còn làm vua, chứ vì sao lại phải trốn ? Có khi nào sau khi thực hiện xong âm mưu, Thích sợ quá nên trốn ? Nếu Thích đã chuẩn bị tâm lý để giết vua, thì Thích sẽ không sợ sau khi đã thực hiện hành vi. Thêm vào đó 1 mình Thích có thể thực hiện kế hoạch giết 2 vua không ? Giết xong vua Bộ Lĩnh rồi tiếp tục giết vương Đinh Liễn ? Có khi nào 2 cha con họ Đinh ở cùng 1 nơi vào thời điểm Thích hành động không ? Cuối cùng, để có thể lên được ngôi, chắc chắn rằng: Thích phải giết nốt hoàng tử Đinh Toàn! Do đó, liên quan tới cái chết của Đinh Bộ Lĩnh rất khó để Đỗ Thích là hung thủ. Vậy Đỗ Thích ở đó làm gì ?
Nếu Thích vô tình có mặt ở đó, thì phản ứng đầu tiên, thường là Thích sẽ hô lên hoặc sợ hãi mà không cất lên lời, chứ thường thì tâm lý không đủ nhanh trí để nghĩ rằng: mọi người sẽ nghi ngờ mình là hung thủ nên phải trốn. Nguyễn Bặc bắt được Thích nên đem giết đi. Thích có khi nào là đồng phạm không ? Hẳn là khi Bặc bắt được Thích thì cũng phải tra khảo, chứ không lý gì đem giết đi. Chúng ta không có nhiều thông tin về Bặc nên không thể phán đoán được Bặc có tức giận, không nói không rằng: hạ lệnh giết Thích ngay không ? Nhưng giả sử có lợi cho chúng ta là: Bặc tra khảo Thích, nếu vậy thì khả năng cao là Thích sẽ khai nếu như Thích có đồng phạm và nếu đồng phạm là Lê Hoàn, thì hẳn là Bặc sẽ không giết Thích mà sẽ đưa về Hoa Lư để đối chất, khi đó Nguyễn Bặc có chính nghĩa để phạt Hoàn.
Như vậy cả 3 khả năng đều rất khó xảy ra: thứ nhất là Thích giết vua, thứ hai là Thích vô tình có mặt tại địa điểm gây án và cuối cùng là Thích có hợp tác với Lê Hoàn. Vậy Đỗ Thích giữ vai trò gì trong vụ án này ? Tôi đặt một giả thuyết, giả thuyết này xây dựng trên sự nghi ngờ về thông tin trong Đại Việt sử ký toàn thư. Như chúng ta thấy, Ngô Sĩ Liên đã dẫn bài sấm, nhưng bài sấm rất có thể được sáng tác sau khi vụ án xảy ra, Sĩ Liên dẫn cả truyện về viên ngọc bị sứt mẻ, rồi cả chuyện nuốt sao nữa ? Vậy thì liệu rằng: Nhân vật Đỗ Thích có thật hay không ? Hay đó cũng chỉ là 1 sự sáng tạo của dân chúng ? Nhân vật cần thiết để vụ án xảy ra ? Thậm chí là nhân vật được dựng lên để chính quyền mới giải thích cho cái chết của vị hoàng đế cũ ? Rõ ràng, việc lần theo nhân vật Đỗ Thích sẽ không cho kết quả nhiều hơn những gì có trong Đại Việt sử ký toàn thư.
Nhân vật tiếp theo mà chúng ta xem xét là hoàng hậu Dương Thị. Nhìn lại lịch sử viết: “Bà là con gái Dương Tam Kha, cháu nội Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, ba lần chính thức là Hoàng hậu. Lần thứ nhất của Ngô Xương Văn, sau là Nam Tấn Vương, sinh ra Ngô Nhật Khánh. Lần thứ hai của Đinh Tiên Hoàng sinh ra Vệ Vương Đinh Toàn. Lần thứ ba của quan Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, sau là vua Lê Đại Hành, nhưng khi đã bước vào tuổi già.
Về cuộc hôn nhân lần thứ nhất của Dương Thị Nga với Ngô Xương Văn (con thứ hai của Ngô Vương Ngô Quyền) xảy ra vào thời Dương Tam Kha đang tiếm ngôi họ Ngô, ta thấy ĐVSKTT ghi: “Tiền Ngô Vương (tức Ngô Quyền) bệnh nặng, có di chúc giao cho Dương Tam Kha (anh hoặc em của Dương hậu – vợ Ngô Quyền) giúp rập cho con. Khi Vương mất, Tam Kha cướp ngôi. Con trưởng của Ngô Vương là Xương Ngập sợ, chạy về Nam Sách giang, trú ngụ ở nhà Phạm Lệnh công ở Trà Hương. Tam Kha lấy con thứ hai của Ngô Vương là Xương Văn làm con mình”.
“Làm con mình” ở đây tức là “làm con rể”: Dương Tam Kha đem con gái (Dương Thị Nga) gả cho Ngô Xương Văn để dễ bề không chế. Tuy nhiên, sau đó Xương Văn đã cùng hai tướng Dương Cát Lợi và Đỗ Cánh Thạc “quay về đánh úp Tam Kha. Mọi người muốn giết đi, Xương Văn nói: “Bình Vương (tức Dương Tam Kha) đối với ta có ơn, sao nỡ giết”. Bèn giáng làm Chương Dương công, nhân đó ban cho thực ấp” (ĐVSKTT)
Việc Ngô Xương Văn không nỡ giết Dương Tam Kha như ĐVSKTT ghi, chính là do còn có tình nghĩa “bố vợ – con rể” và “cậu – cháu”, bởi vì trước đó, Ngô Quyền (bố của Ngô Xương Văn) cũng đã là con rể của Dương Đình Nghệ (bố của Dương Tam Kha).
Từ những điều ghi nhận trên, ta thấy cuộc hôn nhân lần thứ nhất của Dương Thị Nga với Ngô Xương Văn đã diễn ra theo cái lẽ thường tình của thời ấy, tức là do sự sắp đặt của cha mẹ. Bà chỉ là Hoàng hậu khi Ngô Xương Văn đã giữ vương quyền và nếu không có những biến thiên lịch sử, thì địa vị Hoàng hậu của bà cũng trôi đi phẳng lặng như bao cuộc hôn nhân bình thường khác”.
Sử sách không nêu rõ tên của hoàng hậu Dương Thị, nhưng xem xét kỹ các thông tin, chúng ta sẽ thấy có nhiều hơn 1 hoàng hậu là người họ Dương. Ngay như việc, Dương Tam Kha tiếm quyền, Ngô Xương Ngập chạy về Nam Sách, Ngô Xương Văn bị ép làm con nuôi, 2 con nhỏ là Nam Hưng và Càn Hưng theo Dương phu nhân. Vậy là vợ Ngô Quyền cũng là người họ Dương và là con của Dương Đình Nghệ, chị em của Dương Tam Kha. Giả thuyết của nhóm các tác giả Phan Duy Kha, Lã Duy Lan và Đinh Công Vĩ cho rằng: Ngô Xương Văn là con rể của Dương Tam Kha, có lẽ không ổn, vì không có bằng chứng rõ ràng trong trường hợp nhận con này của Tam Kha, có thể là nhận cháu (con của chị em gái) làm con nuôi, do vậy vợ của Ngô Xương Văn chưa hẳn đã là người mang họ Dương. Người con gái họ Dương thứ hai chính là vợ của Đinh Bộ Lĩnh và sau này (như sử liệu) thì bà cũng là vợ của Lê Hoàn. Hoàng hậu họ Dương này cũng có thể là con của Dương Tam Kha. Vậy có thể tạm xác định được 2 người mang họ Dương là hoàng hậu.
Nhân vật thứ ba mà chúng ta tìm hiểu chính là hoàng tử Hạng Lang. Các sử sách chép rằng: Hạng Lang được vua Đinh Tiên Hoàng yêu mến, định  truyền ngôi, dẫn tới sự phẫn nộ của anh là Đinh Liễn, đã dẫn tới anh em tương tàn, kết cục là mùa xuân năm 979, Liễn giết Lang. Tuy nhiên căn cứ vào bài văn trên cột kinh phật phát hiện tại Hoa Lư năm 1963 có viết: “Đệ tử là Suy thành Thuận Hóa, Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, đặc tiến Kiểm hiệu Thái sư, thực ấp một vạn hộ, Nam Việt vương Đinh Khuông Liễn, vì vong đệ là Đại đức Đính Noa Tăng Noa không làm điều trung hiếu, không thờ anh và cha, lại có lòng ác, trái với sự yêu thương và khoan dung, anh không thể bỏ qua, nên đã làm tổn hại đến tính mệnh của Đại đức Đính Noa Tăng Noa, để trọn vẹn tình nhà nghĩa nước. Lời người xưa rằng, đã tranh quan thì không nhường, ra tay trước mới là hay, đến nỗi ra tình hình như vậy. Nay nguyện làm 100 cột kinh để cúng cho vong đệ và những hồn ma của người chết trước đây và sau này, cầu cho tất cả giải thoát, không phải tranh giành kiện tụng. Trước hết là chúc cho Đại Thắng Minh hoàng đế, mãi mãi làm chủ trời Nam, giữ yên ngôi báu”.
Cột kinh phật này được Đinh Liễn dựng vào năm 973 với mục đích cầu siêu thoát cho em là Đính Noa Tăng Noa. Hà Văn Tấn cũng lưu ý chúng ta chữ hán Đính gần giống với chữ hán Hạng [như vậy thì Lang có thể là cách gọi phổ biến cho 1 lớp người nào đó hoặc cách gọi xưng hô như Thị chẳng hạn]. Vậy theo như đó thì năm Hạng Lang bị Liễn giết phải xảy ra trước hoặc cùng với năm 973. Lại thêm
Tân đại ngũ sử chép: “Càn Hòa năm thứ 12 (năm 954) (…) Giao Châu Ngô Xương Tuấn sai sứ xưng thần, xin tiết việt (…) Đại Bảo năm thứ 8 (năm 965) Giao Châu Ngô Xương Văn chết, phụ tá Lã Xử Bình cùng Phong Châu thứ sử Kiều Tri Hựu tranh lập, Giao Chỉđại loạn, Đinh Liễn cử binh đánh phá được, Xưởng phong Liễn làm Giao Châu tiết độ sứ”.
Tục tư trị thông giam chép: “Khai Bảo năm thứ 6 (năm 973) Giao Châu thứ sử Đinh Liễn cử sứ triều cống, chiếu cho Liễn làm Tĩnh Hải quân, An Nam đô hộ, Giao Chỉ quận vương (…)
Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 5 (năm 980) (…) tháng 4 (…) sai cung phụng quan Lư Tập sang sứ Giao Châu. Gặp lúc, Đinh Liễn cùng cha Bộ Lĩnh đều chết, em Liễn là Truyền còn nhỏ, tự xưng tiết độ hành quân ty mã, giữ lĩnh việc quân. Đại tướng Lê Hoàn lộng quyền, giam lỏng Tuyền, cử người thân thuộc trông giữ, nắm điều hành việc nước.
Tháng 6 (…) [Thái thường bác sĩ, trị Ung Châu] Hầu Nhân Bảo dâng sơ nói “Giao Châu chủ soái bị hại, đất loạn có thể lấy được, xin vào cửa khuyết để trình tấu” vua rất vui, lệnh triệu hồi”.
Tống sử chép: “Khai Bảo năm thứ 6 (năm 973) (…) tháng 5 (…) Giao Châu Đinh Liễn cử sứ đi cống (…)
Nhân Bảo lấy em gái của tể tướng Triệu Phổ. Lư Đa Tốn có hiềm khích với Phổ, bèn đẩy Nhân Bảo làm tri Ung Châu (…) 9 năm không đổi. Thái Bình Hưng Quốc trung (năm 980) dâng kế sách lấy Giao Châu, Thái Tông rất vui, xin được đến cửa khuyết trình tấu. Đa Tốn cự bàn “nếu vời Nhân Bảo về, mưu hay sẽ lộ, man di tăng phòng thủ, không dễ lấy được. Chi bằng mật sai Nhân Bảo chuẩn bị, điều tướng dẫn vài vạn lính giỏi tràn đánh, tất được vạn toàn” vua cho là phải. Phong Nhân Bảo làm Giao Châu thủy lục chuyển vận sứ (…)   
Xương Ngập chết, em Xương Văn nối. Những năm đầu Càn Đức [năm 963-965] Xương Văn chết, tham mưu Lã Xử Bình, Phong Châu thứ sử Kiều Trị Hộ, Vũ Ninh Châu thứ sử Dương Huy, nha tướng Đỗ Cảnh Thạc cùng tranh lập, mười hai châu đại loạn. Dân chúng tụ tập làm tặc đảng, đánh Giao Châu. Trước, nha tướng cũ của Dương Đình Nghệ là Đinh Công Trứ làm Thứ sử châu Hoan, kiêm Ngự phiền đô đốc, có con là Bộ Lĩnh. Công Trứ chết, Bộ Lĩnh nối. Gặp thời, Bộ Lĩnh cử con là Liễn xuất binh đánh bại Xử Bình, giặc tan, tạo yên bình, dân chúng châu Giao chịu ơn đức, Bộ Lĩnh đứng đầu Giao Châu, hiệu xưng Đại Thắng vương, phong con Liễn làm Tiết độ sứ. Được 3 năm, nhường cho Liễn kế vị. Liễn lập bảy năm, nhận văn chiếu, cử sứ đi cống, xin nội thuộc. [Chế] lấy [quyền] Giao Châu tiết độ sứ Đinh Liễn làm kiểm hiệu Thái sư, thêm Tiết độ sứ Tĩnh Hải Quân, Đô hộ An Nam. Có chiếu lấy tiến phụng sứ Trịnh Tú, Vương Thiệu [tộ tịnh] làm kiểm hiệu tả tán kỵ thường thị kiêm ngự sử đại phu. Năm Khai Bảo thứ 8 [năm 975] cử sứ cống tê, tượng, hương. Triều đình thiện bàn về Bộ Lĩnh, xuống bài văn chế: “[Họ Đinh] đời làm vọng tộc, gìn giữ được phương xa, chí hâm mộ phong hoá Trung Hoa, thường nghĩ đến việc nội phụ. Nay chín châu hợp một, miền Ngũ Lĩnh sạch quang, bèn trèo non vượt biển đến dâng đồ cống. Khen người làm con biết giữ lễ phiên thần, vậy ban cho cha ngươi theo lối cắt đất phong tước, xếp phẩm trật cho vào hạng được cầm quân, được hưởng mức “tỉnh phú”. Như thế là để khen thưởng đức tốt của người già, há chỉ hạn chế trong điển chương thường lệ đâu? Phong làm khai phủ nghi đồng tam ty, kiểm hiệu thái sư, Giao Chỉ quận vương”.
Thái Tông lên ngôi [năm 976] Liễn cử sứ đi cống. Bộ Lĩnh cùng Liễn đều chết, em Liễn là Tuyền còn nhỏ, tự xưng tiết độ hành quân ty mã, giữ lĩnh việc quân. Đại tướng Lê Hoàn lộng quyền, giam lỏng Tuyền, cử người thân thuộc trông giữ, nắm điều hành việc nước. Thái Tông tức giận, cử binh tiến đánh”.
Theo như sử liệu thì năm 954, Ngô Xương Văn cử sứ sang nhà Nam Hán xưng thần, xin tiết việt, năm 965 Xương Văn chết. Tháng 5 năm 973 Đinh Liễn cử sứ đi cống, xin nội thuộc, được phong làm Kiểm hiệu Thái sư, Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân, An Nam đô hộ. [Năm 972 Phan Mỹ tướng nhà Tống, đánh dẹp Nam Hán. Có lẽ trước áp lực của những hoạt động quân sự gần biên giới, nên họ Đinh đã tính đến ngoại giao, ở đây cần lưu ý tới sự việc xin nội thuộc] Đinh Liễn được phong chức tước tuy nhiên không được tước vương [Giao Chỉ].
Xem bài văn trên cột kinh phật thì thấy có ghi những tước hiệu của nhà Tống phong có Liễn, vậy thì bài văn phải viết vào sau thời điểm Liễn cử sứ đi cống [sau tháng 5 năm 973]. Trường hợp chung nhất là anh em họ Đinh đều muốn tranh ngôi, nhưng sau khi Liễn cử sứ đi cống, được phong tước, nhận thấy thế cục đã định, Hạng Lang liền bộc lộ, nhưng Liễn động thủ trước, dẫn tới Lang bị chết, sau đó Liễn cho dựng cột kinh. Trong bài văn có nói: Hạng Lang không giữ trung hiếu, không thờ anh và cha, lại có lòng ác. Rõ ràng là: Lang đã bộc lộ dã tâm trước, không chịu thế cục đã được sắp đặt. Lời văn là của Đinh Liễn, vậy lời văn có lợi cho Liễn không ? Rất là khó, vì Liễn dựng cả trăm cột, ở Hoa Lư, ai cũng biết, hơn nữa lại dựng sau thời điểm giết Hạng Lang không lâu, vậy thì lời văn hẳn là phải chính xác.
Sách Tục tư trị thông giám chép rằng: Đinh Liễn được phong Giao Chỉ quân vương. Nhưng có lẽ đó là cách chép gộp sự kiện mà thôi. Năm 973, Liễn chưa được phong làm Giao Chỉ quận vương. Bản thân bài văn trên cột kinh phật cũng chỉ rõ việc này. Đến năm 975, Đinh Liễn lại cử sứ đi triều cống [năm 973 là cử sứ đi xin nội thuộc, sau khi nội thuộc hẳn là có lệ mấy năm phải đi cống và có thể năm 975 là lần cống đầu tiên trong cái lệ ấy]. Năm này, Đinh Bộ Lĩnh được phong làm Khai phủ nghi đồng tam ty, Kiểm hiệu Thái sư, Giao Chỉ quận vương. Điểm khó hiểu là chức Kiểm hiệu Thái sư năm 973 đã phong cho Đinh Liễn vì sao năm 975 lại phong cho Đinh Bộ Lĩnh. Tuy nhiên lần phong này, phương nam có thêm tước vương. Tuy nhiên tước vương này phương nam chỉ nhận để mang tính ngoại giao, còn trên thực tế, như bài văn trên cột kinh cho biết: Đinh Bộ Lĩnh vẫn xưng ở phương nam là Đại Thắng Minh hoàng đế và thú vị là Đinh Liễn lại được phong là Nam Việt vương, đây hẳn là tước của Đại Thắng Minh hoàng đế phong cho và cái thực ấp 1 vạn hộ, cho biết cấp độ của tước vương.
Còn 1 lần Đinh Liễn cử sứ đi cống nữa, đó là năm 976, khi Thái Tông lên ngôi. Lần cống này sử phương bắc không ghi chép nhiều. Liên quan tới tước Giao Chỉ quận vương, Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Sự thực bấy giờ thế nào thật không rõ được, hoặc giả có điều gì giấu giếm mà như thế chăng”. Nghĩa là theo như sách Tục tư trị thông giám thì nhà Tống phong cho Liễn làm Giao Chỉ quận vương, nhưng theo như Tống sử thì lại phong cho Đinh Bộ Lĩnh làm Giao Chỉ quận vương. Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Sách Đông Đô sự lược chép: Đinh Liễn nối ngôi cha. Lúc nhà Tống bình được đất Lĩnh Nam, Liễn cử sứ xin nội thuộc. Có lẽ bấy giờ Tiên Hoàng cần quyền trị vì trong nước, còn việc bang giao trọng đại giao cả cho Liễn, nhà Tống phong tước vương cho Liễn, chứng ấy ý để Liễn nối ngôi cha; về phần Tiên Hoàng, vì đã xưng hoàng đế ở trong nước rồi, nên cũng không thắc mắc về chuyện đó chăng ?”. Đây cũng chính là lời giải cho tước vị Giao Chỉ quận vương phong cho Đinh Bộ Lĩnh hay Đinh Liễn ?  
Chúng ta có bàn tới việc, rất có thể Tục tư trị thông giám chép gộp, tức là năm 973 Đinh Liễn chỉ được phong Kiểm hiệu thái sư, Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân, An Nam đô hộ. Tước Giao Chỉ quận vương được phong cho Liễn ở thời điểm khác và chắc chắn là sau năm 973. Thế nhưng Tống sử lại ghi rất rõ rằng: Năm 975 phong cho Đinh Bộ Lĩnh làm Giao Chỉ quận vương. Với việc xin nội thuộc thì chắc chắn Bộ Lĩnh phải nhận. Mà Tống sử cũng chép rõ rằng: Khi Liễn vào cống lần đầu (năm 973), được phong làm Kiểm hiệu thái sư, Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân, An Nam đô hộ, giống như Tục tư trị thông giám chép. Vậy rõ là sách Tống sử chép chính xác nên việc ban Bộ Lĩnh tước vương không phải nghi ngờ. Vậy thì Đinh Liễn được phong làm Giao Chỉ quận vương có lẽ chỉ còn thời điểm duy nhất nữa là năm 976. Đó chính là lần Liễn cử sứ đi cống nhân Thái Tông lên ngôi. Như vậy sẽ rất hợp lý! Tuy nhiên chính sự hợp lý này lại dẫn tới câu hỏi: vì sao nhà Tống lại phong tước Giao Chỉ quận vương cho Đinh Liễn trong khi đã phong cho cha là Bộ Lĩnh ? Giả thuyết đặt ra là: Đinh Bộ Lĩnh đã chết! Bộ Lĩnh chết nên con là Đinh Liễn nối tước. Nhưng sử của Ngô Sĩ Liên lại nói rất rõ rằng: Đỗ Thích đã giết Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn hoặc ít nhất sử liệu cũng cung cấp rằng: Cha con họ Đinh cùng chết trong cuộc ám sát năm 979 do âm mưu chính trị. Khi xem xét kỹ thông tin sử, thì không phải sử liệu nào cũng chép rằng: Cha con họ Đinh cùng chết trong vụ án năm 979, có nhiều thông tin chỉ xác quyết rằng: Chỉ có Đinh Liễn là chết trong vụ ám sát ấy. Cụ thể các sử liệu sau:
Mộng khê bút đàm được viết vào năm 1093 của Thẩm Quát (1031-1095) chép: “thổ nhân Lê Uy giết Liễn tự lập” [dẫn lại theo Trần Trọng Dương – Trọng Dương cũng lưu ý chúng ta xem thêm những bài viết của Nguyễn Phúc Anh]
Tục tư trị thông giám chép: “Tháng 6 (…) [Thái thường bác sĩ, trị Ung Châu] Hầu Nhân Bảo dâng sơ nói “Giao Châu chủ soái bị hại, đất loạn có thể lấy được, xin vào cửa khuyết để trình tấu” vua rất vui, lệnh triệu hồi”.
Tống sử chép: “Gặp thời, Bộ Lĩnh cử con là Liễn xuất binh đánh bại Xử Bình, giặc tan, tạo yên bình, dân chúng châu Giao chịu ơn đức, Bộ Lĩnh đứng đầu Giao Châu, hiệu xưng Đại Thắng vương, phong con Liễn làm Tiết độ sứ. Được 3 năm, nhường cho Liễn kế vị. Liễn lập bảy năm, nhận văn chiếu, cử sứ đi cống, xin nội thuộc”.
Theo như Mộng kê bút đàm thì Lê Hoàn chỉ giết Đinh Liễn. Theo Tục tư trị thông giám thì Giao Châu chủ soái bị hại. Câu này hàm ý người đứng đầu Giao Châu và dù đó là Bộ Lĩnh hay Đinh Liễn thì cũng chỉ là 1 người. Còn theo Tống sử thì Bộ Lĩnh giữ ngôi được 3 năm [ý nói Bộ Lĩnh tự xưng Đại Thắng vương] từ năm 968 đến năm 972. Sau đó truyền ngôi [vị trí đứng đầu Giao Châu] cho con là Đinh Liễn [trước được Bộ Lĩnh phong là Tiết độ sứ]. Sự việc này đã dẫn tới việc không giữ điều trung hiếu, thờ anh và thờ cha của hoàng tử Hạng Lang. Năm 972 Tống diệt Nam Hán, năm 973 Liễn cử sứ đi xin nội thuộc, được [chính thức] phong làm Kiểm hiệu thái sư, Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân, An Nam đô hộ [về danh nghĩa là người đứng đầu An Nam]. Năm 975 Liễn lại cử sứ đi cống, lần này triều đình phương bắc, ban tước vương cho Đinh Bộ Lĩnh [về danh nghĩa Liễn vẫn là người đứng đầu Giao Châu]. Năm 976 Liễn cử sứ đi mừng Tống Thái Tông, được gia thêm Giao Chỉ quận vương [Liễn vẫn là người đứng đầu Giao Châu] cho đến năm 979, Liễn bị Lê Hoàn giết. Vậy là từ năm 973 tới năm 979 vừa đủ 7 năm đứng đầu châu Giao từ cái nhìn của triều đình phương bắc, dẫu chức tước không phải lúc nào cũng thể hiện điều đó. Triều đình phương bắc tuy xem Đại Thắng vương của Đinh Bộ Lĩnh là tự xưng nhưng cũng phải thừa nhận tước vương ấy thông qua việc chi tiết nhường ngôi lại. Khi Liễn xin nội thuộc, phương bắc chỉ xem xét người đứng đầu An Nam đến chức Kiểm hiệu thái sư, Tiết độ sứ và Đô hộ. Đến năm 975, mới thêm tước vương cho An Nam [cụ thể là Bộ Lĩnh], tuy nhiên ngay năm 976, Liễn lại nối tước ấy, nên càng cho thấy đúng là Liễn nối ngôi 7 năm [đứng đầu Giao Châu 7 năm dưới cái nhìn của bắc triều]. Đó chỉ là trên mặt danh nghĩa thôi, còn thực tế Bộ Lĩnh đã xưng Đại Thắng Minh hoàng đế và phong Liễn làm Nam Việt Vương. Đúng là toàn quyền do Bộ Lĩnh nắm và Liễn đứng đầu về ngoại giao. Tước vương là tước cao quý, thường có tục nối. Đinh Liễn nhận tước này vào năm 976, thì rất có thể Bộ Lĩnh mất trong năm này hoặc trước đó. Nhưng chắc chắn là không thể trước năm 975.  
Cuối cùng còn có 1 đoạn văn nữa trong sử phương bắc mà chúng ta phải xem xét cẩn thận, đó là đoạn “Thì Đinh Liễn cập kỳ phụ Bộ Lĩnh giai tử” [Tục tư trị thông giám] hay “Bộ Lĩnh cập Liễn ký tử” [Tống sử]. Câu này theo tôi cũng là chép gộp. Ý nói Bộ Lĩnh và Đinh Liễn đều đã chết và không nhất thiết là 2 cha con họ Đinh cùng chết vào 1 thời điểm. Có thể Bộ Lĩnh chết trước, Đinh Liễn chết sau, nhưng cả 2 thì đều đã chết. Còn một khó khăn nữa, đó là: nếu năm 976, sau khi cử sứ đi cống, Đinh Liễn được phong làm Giao Chỉ quận vương, thì triều đình phương bắc đã biết Bộ Lĩnh mất vậy mà lại không có 1 ghi chép nào về thông tin này ?
Tiểu kết: Tất cả cũng chỉ dừng lại ở giả thuyết, đó là sau khi đánh bại Lã Xử Bình năm 968, Đinh Bộ Lĩnh xưng là Đại Thắng Minh hoàng đế phong con là Đinh Liễn làm Nam Việt vương. Năm 972 trước áp lực từ phía biên giới phía bắc, năm 973 Đinh Liễn cử sứ sang xin nội thuộc nhà Tống, được phong làm Kiểm hiệu thái sư, An Nam đô hộ, Tĩnh Hải quân tiết độ sứ. Cùng năm xảy ra sự biến lớn trong việc tranh ngôi giữa Đinh Liễn và Hạng Lang. Năm 975 Liễn cử sứ bắc cống. Bộ Lĩnh được ban tước Giao Chỉ quận vương. Khoảng năm 975-976 Bộ Lĩnh mất. Năm 976 Liễn sai sứ cống mừng Thái Tông lên ngôi được ban tước Giao Chỉ quận vương. Năm 979 Lê Hoàn giết Đinh Liễn.
 P/S: Đinh Toàn là con ai ? Chúng ta sẽ bàn sau.