TĨNH
HẢI QUÂN VÀ KHÚC THỪA DỤ
Trong bài “Thời điểm kết
thúc ngàn năm bắc thuộc” của tác giả Trần Trọng Dương có nêu lại các đề xuất về
những mốc thời gian, đó là: năm 938; năm 931 và năm 905. Trong bài này chúng ta
sẽ đưa ra những bằng chứng cho một giả thuyết khác mà từng được Ngô Thì Sĩ đề cập
đến, đó là năm 880.
Việt sử tiêu án hoàn
thành năm 1775 chép: “Họ Khúc là người Hồng Châu, là họ to nối đời, tiên tổ
là Thừa Dụ, tính khoan hòa, yêu người, được nhiều người qui phục, khi Tăng Cổn
bỏ phủ thành, Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ, xin với triều đình Đường, vua Đường
nhân thế nhận cho làm chức ấy. Ông Hạo nhờ cơ nghiệp cũ, chiếm giữ La thành, tự
xưng là Tiết độ sứ, chia nước ra làm các xứ, phủ, huyện, châu, xã; đặt chức lịnh
trưởng chánh và tá, chia đều thuế ruộng, tha không bắt dân làm nhân công; làm sổ
hộ, biên ghi họ tên và niên canh, quán chỉ người dân, Giáp trưởng đốc xuất làm
sổ ấy. Chính sự khoan hồng và giản dị, dân được yên ổn làm ăn. Họ Khúc truyền 3
đời, cộng 51 năm”.
Theo như sách sử của
Ngô Thì Sĩ thì Khúc Thừa Dụ nhân khi Tăng Cổn bỏ phủ thành đã chiếm lấy và tự
xưng là Tiết độ sứ.
Đại Việt sử ký toàn thư
của Ngô Sĩ Liên chép: “CanhTý [880] (Đường Hy Tông Nghiễm, Quảng Minh
năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 3, quân ở phủ Đô hộ làm loạn, Tiết độ sứ Tăng Cổn bỏ
chạy khỏi thành. Các đạo quân nhà Đường đóng giữ Ung Quản thường tự ý bỏ về
luôn”.
Tư trị thông giám của
Tư Mã Quang chép: “Năm Quảng Minh thứ 1 (…) tháng 3 (…) quân lính ở An Nam nổi
loạn, Tiết độ sứ Tăng Cổn bỏ trốn ra khỏi thành”.
Như vậy là theo như
sách Đại Việt sử ký toàn thư và sách Tư trị thông giám thì năm 880 tại phủ độ hộ
ở An Nam quân lính nổi loạn, buộc Tiết độ sứ Tăng Cổn phải bỏ thành trốn ra
ngoài.
Tuy nhiên Khâm định Việt
sử thông giám cương mục do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn, chép: “Năm Canh Tí
(880). (Đường, năm Quảng Minh thứ 1). Tháng 3, mùa xuân. Quân phủ đô hộ nổi loạn.
Tiết độ sứ Tăng Cổn phủ dụ được yên.
Theo sách An Nam kỷ yếu,
trước kia, Tăng Cổn làm chức tiểu hiệu dưới quyền Cao Biền, Tăng Cổn là người
giỏi về chính trị. Khoảng giữa niên hiệu Kiền Phù (874-879), nhà Đường dùng
Tăng Cổn thay Cao Tầm làm tiết độ sứ. Năm này (880) quân trong phủ nổi loạn,
các thuộc hạ xin Tăng Cổn rút ra ngoài thành để lánh nạn. Cổn không nghe, đem
điều uy đức ra phủ dụ: quân nổi loạn yên ngay, đến quy phụ với Cổn. Cổn không
nhắc hỏi đến lỗi của họ nữa. Vì thế, trong số quân các đạo đi thú ở Ung Quản hễ
ai theo về với Cổn thì đều được dung nạp cả. Tăng Cổn là người có tiếng khéo vỗ
về cai trị nhân dân, được người Giao Châu gọi là "ông thượng Tăng"
(Tăng thượng thư). Cổn có soạn sách Giao Châu ký lưu hành ở đời. Cổn làm việc ở
trấn 14 năm. Đến đời Đường Chiêu Tông, năm Cảnh Phúc thứ 1 (892), Chu Toàn Dục
mới sang thay Cổn làm tiết độ sứ.
Lời cẩn án - Sử cũ chép
quân trong phủ nổi loạn, tiết độ sứ Tăng Cổn trốn ra ngoài thành. Nay xét Tăng
Cổn là người có tiếng về chính trị, e Sử cũ chép lầm chăng, nên nay căn cứ vào
sách An Nam kỷ yếu của Cao Hùng Trưng mà cải chính lại”.
Theo như sách Khâm định
Việt sử thông giám cương mục thì khi xét sử cũ (Đại Việt sử ký toàn thư; Tư trị
thông giám) thấy rằng: năm 880 tại phủ đô hộ ở An Nam quân lính nổi loạn, Tăng
Cổn bỏ trốn khỏi thành nhưng khi xem sách An Nam kỷ yếu của Cao Hùng Trưng thì
thấy rằng: Tiết độ sứ Tăng Cổn đã không bỏ trốn ra khỏi thành mà còn phủ dụ được
quân nổi loạn do đó mà cải chính lại. Thế nhưng việc cải chính này có chuẩn xác
không? Thứ nhất sách An Nam kỷ yếu so
với sách Tư trị thông giám thì độ tin cậy không bằng. Thứ hai những thông tin trong An Nam kỷ yếu không chính xác, chẳng
hạn như: An Nam kỷ yếu chép Tăng Cổn làm việc ở trấn 14 năm, đến năm 892 Chu
Toàn Dục sang thay, đây là thông tin không chính xác vì trước khi Chu Toàn
Dục sang thay thì đã có Cao Mậu Khanh (882 - 883), Tạ Triệu (884 - ) và An Hữu
Quyền (897 – 900) được phong Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân.
Như vậy là thông tin cải
chính trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục là không chuẩn xác, vì thế
mà chúng ta vẫn căn cứ vào sử cũ (Đại Việt sử ký toàn thư và Tư trị thông giám)
để xác định rằng: năm 880 Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ Tăng Cổn bỏ thành trốn ra
ngoài do quân lính trong phủ nổi loạn.
Tiến trình lịch sử cho
thấy có nhiều cuộc binh biến tại An Nam do quân lính thực hiện, có lẽ vì thế mà
cuộc nổi loạn năm 880 đã không được đánh giá đúng mức, để thấy được hết ý nghĩa
của cuộc binh biến này, chúng ta cần xem xét bối cảnh dẫn đến việc nổi loạn của
quân lính trong phủ.
Nhà Đường sau sự biến
An Lộc Sơn (755 – 763) suy yếu rất nhiều, tình hình phiên trấn cát cứ diễn ra mạnh
mẽ, hình thành các Tiết độ sứ, biên giới xung đột, triều đình lục đục, mất chủ
động trong cai trị. Năm 791, Triệu Xương làm An Nam đô hộ, thực hiện chính sách
‘chính quyền hoá địa phương’ cho đến khi mất vào tay Nam Chiếu năm 863, nhiều
cuộc chiến giành lại nhưng đều không thành, phải đến năm 866 Cao Biền mới lấy lại
được, phong làm Kinh lược sứ, đổi An Nam thành Tĩnh Hải quân. Lúc này ở phương
bắc tình hình chính trị xã hội ngày càng trở nên phức tạp nên đến năm 868 Biền
được triệu về Trường An, liền dâng biểu xin cho Cao Tầm (là cháu họ) làm Tiết độ
sứ.
Đỉnh
điểm của loạn lạc phương bắc là khởi nghĩa Hoàng Sào (875-884). Năm 874 Vương
Chi Tiên khởi binh ở Hà Nam, năm 875 Hoàng Sào khởi binh ở Sơn Đông. Do tình
hình chiến sự mà Cao Tầm trở về phương bắc vào năm 878 nên Tiết độ sứ Tĩnh Hải
quân do Tăng Cổn giữ [năm 882 Chiêu Nghĩa tiết độ sứ Cao Tầm hợp binh với Hà
Trung tiết độ sứ Vương Trọng Vinh công chiếm Hoa châu cho nhà Đường]. Năm 878
Hoàng Sào xưng là Xung Thiên đại tướng quân. Cùng năm Hoàng Sào chiến bại trước
Trấn Hải tiết độ sứ Cao Biền nên tiến về phía nam hướng tới vùng Lĩnh Nam. Mùa
thu năm 879 Hoàng Sào tiến công Quảng Châu, thủ phủ của Lĩnh Nam Đông Đạo [năm
862 do không còn kiểm soát được Giao Châu, nhà Đường đã chia đất Lĩnh Nam thành
Đông Đạo và Tây Đạo] sát hại tiết độ sứ Lý Điều, rồi tiến binh về phía tây chiếm
lấy Quế châu khống chế Lĩnh Nam tự xưng là nghĩa quân đô thống.
Đây là một sự kiện quan trọng, nó làm
thay đổi cấu trúc quyền lực truyền thống ở Lĩnh Nam, trước đây Lĩnh Nam do nhà
Đường quản lý, nhưng sau sự kiện này Lĩnh Nam nằm dưới sự quản lý trực tiếp của
Hoàng Sào, tuy nhiên do không phù hợp với khí hậu nên nghĩa quân Hoàng Sào rời
bỏ Lĩnh Nam tấn công Đàm Châu vào mùa đông năm 879 đã để lại khoảng trống quyền
lực rất lớn tại Thanh Hải quân, nên đã dẫn đến sự tranh chấp giữa các thế lực
mà Lưu Ẩn giành ưu thế. Vào tháng 3 năm 880 ở Tĩnh Hải quân diễn ra cuộc nổi loạn
tại phủ đô hộ do quân lính thực hiện, vì sự chậm trễ của tin tức và cần thời
gian để chuẩn bị cho cuộc binh biến nên cuộc nổi loạn trong phủ đô hộ tại An
Nam diễn ra chậm hơn vài tháng so với sự kiện Hoàng Sào tấn công Quế châu cũng
hợp lý.
Như
vậy sự kiện nghĩa quân Hoàng Sào chiếm cứ Lĩnh Nam đã gây ra những thay đổi
mang tính bước ngoặt, tác động mạnh mẽ tới An Nam, trực tiếp dẫn tới cuộc nổi
loạn của quân lính ở đô hộ phủ năm 880, khiến Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân Tăng Cổn
phải trốn khỏi thành, trong khi Thanh Hải quân đang trong tình trạng hỗn loạn
nên không thể kiềm toả được Tĩnh Hải quân.
Năm 880 Hoàng Sào tiến công Lạc Dương và
Trường An, năm 881 Đường Hi Tông từ bỏ Trường An chạy về Tây Xuyên, cùng năm
Hoàng Sào đặt quốc hiệu Đại Tề. Năm 882 Đồng châu phòng ngự sử của Đại Tề là
Chu Ôn chiến bại trước Vương Trọng Vinh, cùng năm Chung Truyền tiến công thủ phủ
Hồng châu của Giang Tây trục xuất quan sát sứ Cao Mậu Khanh do triều đình bổ
nhiệm. Sau đó Khanh được triều đình chiếu dụ cho làm Tiết độ sứ ở Tĩnh Hải quận,
nhưng đây là thời binh loạn, quyền lực là dựa trên sức mạnh quân sự, Cao Mậu Khanh
không có quân đội (vì có thì đã không bị Chung Truyền đuổi khỏi Hồng châu)
trong khi nhà Đường không còn quyền lực ở An Nam và Khanh cũng chỉ là tiết độ sứ
ở Tĩnh Hải quân hơn 1 năm nên có thể khẳng định: Cao Mậu Khanh làm Tiết độ sứ
chỉ là trên danh nghĩa.
Tư
trị thông giám chép: “Năm Thiên Hựu thứ 2 [năm 905] (…) tháng 2 (…) lấy An Nam
tiết độ sứ Đồng bình chương sự Chu Toàn Dục làm thái sư, cho về nghỉ. Toàn Dục
là anh của Toàn Trung, vụng về không có tài, lúc đầu lĩnh chức ở An Nam, đến
đây Toàn Trung tự xin bãi chức hắn. (...) tháng 3 (...) lấy Môn hạ thị lang Đồng
bình chương sự là Độc Cô Tổn làm Đồng bình chương sự, thêm chức Tiết độ sứ Tĩnh
Hải. (...) tháng 5 (...) biếm Độc Cô Tổn làm Thứ sử Đệ châu. (...) tháng 6
(...) Độc Cô Tổn (...) được lệnh phải tự sát”.
Qua việc Toàn Dục bị anh là Toàn Trung, tự xin bãi
nhiệm do không có tài, cho thấy Dục đã không quản lý được An Nam như kỳ vọng, trong
khi Trung lại đẩy kẻ chống đối mình là Cô Tổn đến thay thế, nếu phương bắc kiểm
soát được An Nam, thì việc đưa Tổn đến làm Đô hộ chẳng phải là việc thả hổ về rừng
sao? Nhưng nếu phương nam bất tuân thì việc điều chuyển Tổn đến với 2 mục đích,
nếu Tổn có thể thu hồi được An Nam thì đó là việc có lợi cho phương bắc, nhưng
nếu Tổn không thu hồi được thì nhân việc này, Trung có thể mượn dao (phương
nam) để giết người (chống đối), đây là kế vẹn cả đôi đường. Như vậy Chu Toàn Dục và Độc Cô Tổn chỉ
là Tiết độ sứ trên danh nghĩa, không có thực quyền tại Tĩnh Hải.
Tư
trị thông giám chép: “Năm Thiên Hựu thứ 3 [906] (...) tháng giêng (...) ngày ất
sửu thêm Tĩnh Hải Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ chức đồng bình chương sự. (...) Năm
Khai Bình thứ nhất [907] (...) tháng 7 (...) Tĩnh Hải Tiết độ sứ Khúc Dụ chết,
ngày Bình Thân lấy con là Hạo đang nắm quyền Lưu hậu làm Tiết độ sứ. (...) Năm
Càn Hóa thứ 1 [năm 911] (...) tháng 12 (...) lấy quyền Lưu hậu Tĩnh Hải là Khúc
Mĩ làm Tiết độ sứ. (...) Năm Trường Hưng thứ 1 [năm 930] (...) tháng 9 (...)
vua Hán sai tướng của mình là bọn Lương Khắc Trinh, Lí Thủ Phu đánh Giao châu,
chiếm châu ấy, bắt Tiết độ sứ Tĩnh Hải là Khúc Thừa Mĩ đem về, lấy tướng của
mình là Lí Tiến giữ Giao châu. (...) Năm Trường Hưng thứ 2 [năm 931] (...)
tháng 12 (...) tướng Ái châu là Dương Diên Nghệ nuôi ba nghìn con nuôi, mưu
đánh lấy Giao châu, tướng giữ Giao châu của nước Hán là Lí Tiến biết chuyện,
nhưng nhận hối lộ, không báo về. Năm đó Diên Nghệ dấy binh vây Giao châu, vua
Hán sai Thừa chỉ là Trình Bảo đem binh cứu châu, chưa đến thì thành đã hãm. Tiến
trốn về, vua Hán giết hắn. Bảo vây Giao châu, Diên Nghệ ra đánh, Bảo thua chết”.
"Tư trị thông giám âm chú"
[hoàn thành năm 1286 của Hồ Tam Tỉnh] chép: “Năm Thiên Hựu thứ 3 [năm 906] mùa
xuân tháng giêng (...) ngày ất sửu thêm Tiết độ sứ Tĩnh Hải là Khúc Thừa Dụ chức
Đồng bình chương sự. [Khúc Thừa Dụ nhân loạn chiếm giữ An Nam]”.
Chúng ta thấy rằng: Triều
đình phương bắc phải công nhận việc cai trị Tĩnh Hải của Khúc Thừa Dụ vào năm
906 và đồng thời cho biết việc coi giữ An Nam trên thực tế phải diễn ra từ trước
đó.
Kết
luận: Chúng ta đã chứng minh 3 ý sau:
- Năm 880 nhân việc
Hoàng Sào chiếm giữ Lĩnh Nam, quân lính tại phủ đô hộ đã chiếm giữ An Nam, buộc
Tăng Cổn Tiết độ sứ đang coi giữ Tĩnh Hải phải bỏ trốn.
- Các Tiết độ sứ do triều
đình phương bắc phái đi Tĩnh Hải để coi giữ chỉ là trên danh nghĩa không có thực
quyền.
- Khúc Thừa Dụ là người
kiểm soát An Nam từ trước khi phương bắc phải công nhận sự cai trị.
Từ
đó khẳng định: Khúc Thừa Dụ là thủ lĩnh của quân nổi loạn trong phủ đô hộ, chiếm
giữ An Nam năm 880.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét