Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2016

BÀN VỀ KỶ HỒNG BÀNG

1. Trước khi chúng ta tìm hiểu về thủa Hồng Bàng, thì cần thống nhất với nhau rằng: Kỷ này bao gồm khởi đầu từ Kinh Dương Vương đến Lạc Long Quân đến Hùng Vương cuối cùng kết thúc ở An Dương Vương Thục Phán.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn vào khoảng năm 1856 – 1884 đều có những ghi chép quan trọng về thủa Hồng Bàng như:
“Nguyên xưa, Đế Minh, cháu ba đời Viêm đế Thần Nông thị, đi tuần sang Nam, đến Ngũ Lĩnh, lấy Vụ tiên nữ, sinh con là Lộc Tục có đức tính hoàn toàn. [lược một đoạn] Phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương, thống trị phương Nam.
Kinh Dương Vương sinh con là Sùng Lãm, gọi là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, sinh trăm con trai. Ấy là tổ tiên của Bách Việt, suy tôn người trưởng lên làm Hùng Vương, nối ngôi vua, dựng nước gọi là nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu; truyền nối mười tám đời đều gọi là Hùng Vương”.
“Thục vương Phán đem quân sang xâm. Hùng Vương nhảy xuống giếng chết. Nước Văn Lang mất. [lược một đoạn] Năm Giáp Thìn (267 TCN) (Thục An Dương Vương năm thứ 1; Chu Noãn vương năm thứ 58). Thục Vương đã lấy được nước Văn Lang, đổi tên nước là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê. [lược một đoạn] Năm Bính Ngọ (255 TCN) (Thục An Dương Vương năm thứ 3; Chu Đông - chu quân năm thứ 1). Tháng ba, mùa xuân, đắp xong Loa thành. [lược một đoạn] Năm Quý Tỵ (208 TCN) (Thục An Dương Vương năm thứ 50; Tần Nhị thế năm thứ 2). Triệu Đà nhà Tần lại sang xâm lược. Vua Thục thua, chạy, chết. Nhà Thục mất”.
Tuy rằng sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép khá chi tiết về kỷ Hồng Bàng song có 2 điểm chúng ta cần lưu ý: Thứ nhất, nguồn tham khảo của sách này khi viết về thời kỳ này chủ yếu là Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, ngoài ra còn có An Nam kỷ yếu của Cao Hùng Trưng và Thái Bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử. Thứ hai, tuy rằng có dẫn sách nhưng Quốc sử quán triều Nguyễn vẫn bày tỏ sự nghi ngại về sự tồn tại của thời kỳ này. Chẳng hạn:
“Nhưng cách hồ Động Đình và đất Ba Thục còn xa lắm, thế mà Sử cũ chép nước Văn Lang phía tây giáp Ba Thục, phía bắc giáp Động Đình, chẳng cũng xa sự thực lắm dư! Này, Động Đình giáp hai tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc, thực ra ở về phía bắc Bách Việt; mà Ba Thục với Văn Lang còn cách Tuấn Điền (nay thuộc Vân Nam) không liền đất nhau. Chẳng qua Sử cũ chép quá khoa trương. Việc này với việc Thục Vương sau đây đều là hư truyền cả, mà chưa khảo cứu được. Vả lại, mười lăm bộ đã chia đó đều ở trong địa hạt Giao Chỉ và Chu Diên, chứ không có bộ nào ở về phương Bắc (Trung Quốc). Như thể đủ chứng tỏ là không đúng sự thực”.
“Sử cũ chép: Vua, họ Thục, húy Phán, người đất Ba Thục. Bấy giờ nhà vua đã lấy được Văn Lang, đổi quốc hiệu là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê. Lời cẩn án - Nước Thục, từ năm thứ 5 đời Thận Tĩnh Vương nhà Chu (316 TCN) đã bị nhà Tần diệt rồi, làm gì còn có vua nữa? Huống chi từ Thục đến Văn Lang, còn có đất Kiện Vi (nay thuộc Vân Nam) đất Dạ Lang, đất Cùng, đất Tác và đất Nhiễm Mang (những đất này xưa là đất rợ mọi ở về phía tây và nam, nay thuộc Vân Nam), cách nhau hàng hai ba ngàn dặm, có lẽ nào Thục vượt qua được các nước ấy mà sang đánh lấy nước Văn Lang? Sử cũ đã chép "cháu Thục Vương là Phán", lại chép "An Dương Vương họ Thục, húy Phán, người đất Ba Thục" hoặc giả ngoài cõi Tây Bắc giáp với nước Văn Lang, còn có họ Thục khác mà Sử cũ liền nhận là Thục Vương chăng? Chứ nếu bảo Thục Vương đây lại là người ở Ba Thục thì không phải”.
“Lời cẩn án - Sử cũ phần Ngoại kỷ chép Hồng Bàng thị bắt đầu từ Kinh Dương Vương thụ phong năm Nhâm Tuất (2879 TCN) cùng thời với Đế Nghi, truyền đến Hùng Vương đời cuối cùng là năm Quý Mão (258 TCN), tức năm thứ năm mươi bảy đời Noãn Vương nhà Chu thì mất nước, tất cả là hai nghìn sáu trăm hai mươi hai năm. Sự đó không biết Sử cũ khảo cứu ở đâu, bây giờ cũng hãy cứ chép lại để phòng khi tra xét”.
Nguồn tham khảo chính của Khâm định Việt sử thông giám cương mục là Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên được soạn năm 1479 cũng chép khá đầy đủ và chi tiết về kỷ Hồng Bàng, chẳng hạn:
“Nhâm Tuất, năm thứ 1. Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua [Kinh Dương Vương]. Vua là bậc thánh trí thông minh [lược một đoạn] phong cho vua làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ. Vua lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân”.
“Lạc Long Quân tên húy là Sùng Lãm, con của Kinh Dương Vương. Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là tổ của Bách Việt. Một hôm, vua bảo Âu Cơ rằng: "Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó". Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam (có bản chép là về Nam Hải) phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua”.
“Hùng Vương là con Lạc Long Quân (không rõ tên húy) đóng đô ở Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc). Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang [lược một đoạn] đời đời cha truyền con nối”.
“Cuối thời Hùng Vương, vua có con gái gọi là Mị Nương, nhan sắc xinh đẹp. Thục Vương nghe tiếng, đến cầu hôn. Vua muốn gả, nhưng Hùng hầu can rằng: "Họ muốn chiếm nước ta, chỉ lấy việc hôn nhân làm cớ mà thôi". Thục Vương vì chuyện ấy để bụng oán giận [lược một đoạn] dặn lại con cháu phải diệt Văn Lang mà chiếm lấy nước. Đến đời cháu là Thục Phán có dũng lược, bèn đánh lấy nước”.
“An Dương Vương họ Thục, tên húy là Phán, người Ba Thục, ở ngôi 50 năm, đóng đô ở Phong Khê (nay là thành Cổ Loa). Giáp Thìn, năm thứ 1 [257 TCN] (Chu Noãn Vương năm thứ 58). [lược một đoạn] Vua đã thôn tính được nước Văn Lang, đổi quốc hiệu là Âu Lạc”.
“Quý Tỵ, năm thứ 50 [208 TCN] (Tần Nhị Thế Hồ Hợi, năm thứ 2) [lược một đoạn] Ngao lấy Đà thay mình [lược một đoạn] Đà đem quân đến đánh vua [lược một đoạn] vua không biết lẫy nỏ đã mất [lược một đoạn] quân của Đà tiến sát đến nơi, vua giương nỏ thì lẫy đã gãy rồi. [lược một đoạn] Vua thua chạy”.
Ngoài những cấu trúc cơ bản của lịch sử thời kỳ này, sách Đại Việt sử ký toàn thư còn chép thêm những truyền thuyết như chuyện về Phù Đổng Thiên vương Thánh Gióng, Sơn Tinh và Thuỷ Tinh, chuyện về thành Cổ Loa và nỏ thần cũng như truyền thuyết Mỵ Châu Trọng Thuỷ.
Chúng ta cũng cần lưu ý 2 điểm trong Đại Việt sử ký toàn thư, đó là: Thứ nhất Ngô Sĩ Liêm cũng có sự e dè đối với những câu chuyện truyền thuyết. Chẳng hạn: “Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Thời Hùng Vương đặt chư hầu để làm phên giậu, chia nước làm 15 bộ. Ở 15 bộ ấy đều có trưởng và tá. Vua theo thứ bậc cắt đặt các con thứ để cai trị. Nói 50 con theo mẹ về núi, làm sao biết không phải là như thế? Vì mẹ làm quân trưởng, các con đều làm chúa một phương. Cứ xem như tù trưởng người man ngày nay xưng là nam phụ đạo, nữ phụ đạo. Còn như việc Sơn Tinh, Thủy Tinh thì rất là quái đản, tin sách chẳng bằng không có sách, hãy tạm thuật lại chuyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ thôi”. Thứ hai Ngô Sĩ Liên có biết tới Liễu Nghị truyện của Lý Triều Uy đời Đường, thật vậy: “Xét: Đường kỷ chép: thời Kinh Dương có người đàn bà chăn dê, tự xưng là con gái út của Động Đình Quân, lấy con thứ của Kinh Xuyên, bị bỏ, viết thư nhờ Liễu Nghị tâu với Động Đình Quân. Thế thì Kinh Xuyên và Động Đình đời đời làm thông gia với nhau đã từ lâu rồi”.
Việt sử lược soạn vào thời nhà Trần khoảng năm 1377 cũng có ghi chép về kỷ Hồng Bàng song không chi tiết lắm. Việt sử lược chép:
“Xưa, Hoàng Đế dựng nên muôn nước, thấy Giao Chỉ xa xôi, ở ngoài cõi Bách Việt, không thể thống thuộc được, bèn phân giới hạn ở góc tây nam, có 15 bộ lạc. Những bộ lạc này đều không thấy đề cập đến trong thiên Vũ cống. Đến đời Thành Vương nhà Chu Việt Thường Thị mới đem dâng chim bạch trĩ, sách Xuân Thu gọi là khuyết địa, sách Đái ký gọi là Điêu đề. Đến đời Trang Vương nhà Chu (696-682 TCN) ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật qui phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương đóng đô ở Văn Lang, đặt quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần lương chơn chất, chính sự dùng lối thắt gút. Truyền được 18 đời đều xưng là Hùng Vương.
Việt Câu Tiễn (năm 505-465 TCN) thường sai xứ sang dụ, Hùng Vương chống cự lại. Cuối đời nhà Chu, Hùng Vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi rồi lên thay. Phán đắp thành ở Việt Thường, lấy hiệu là An Dương Vương rồi không cùng với họ Chu thông hiếu nữa. Cuối đời nhà Tần, Triệu Đà chiếm cứ Uất Lâm, Nam Hải, Tượng quận rồi xưng vương đóng đô ở Phiên Ngung, đặt quốc hiệu là Việt, tự xưng là Võ Vương. Lúc bấy giờ An Dương Vương có thần nhân là Cao Lổ chế tạo được cái nỏ liễu bắn một phát ra mười mũi tên, dạy quân lính muôn người. Võ Hoàng biết vậy bèn sai con là Thủy xin sang làm con tin để thông hiếu. Sau nhà vua đãi Cao Lỗ hơi bạc bẽo. Cao Lỗ bỏ đi, con gái vua là Mỵ Châu lại cùng với Thủy tư thông. Thủy phỉnh Mỵ Châu mong được xem cái nỏ thần, nhân đó phá hư cái lẫy nỏ rồi sai người trình báo với Võ Hoàng. Võ Hoàng lại cất binh sang đánh. Quân kéo đến, vua An Dương Vương lại như xưa là dùng nỏ thần thì nỏ đã hư gẫy, quân lính đều tan rã. Võ Hoàng nhân đó mà đánh phá, nhà vua ngậm cái sừng tê đi xuống nước. Mặt nước cũng vì ngài mà rẽ ra. Đất nước vì thế mà thuộc nhà Triệu”.
Được soạn cùng thời với Việt sử lược, sách An Nam chí lược của Lê Tắc cũng có những ghi chép về thủa Hồng Bàng này:
“Việt-Vương-Thành, tục gọi là thành Khả-Lũ, có một cái ao cổ, Quốc-vương mỗi năm lấy ngọc châu, dùng nước ao ấy rửa thì sắc ngọc tươi đẹp. Giao-Châu Ngoại-Vực-Ký chép: hồi xưa, chưa có quận huyện, thì Lạc-điền tuỳ theo thuỷ-triều lên xuống mà cày cấy. Người cày ruộng ấy gọi là Lạc-Dân, người cai-quản dân gọi là Lạc-Vương, người phó là Lạc-Tướng, đều có ấn bằng đồng và dải sắc xanh làm huy hiệu. Vua nước Thục, thường sai con đem ba vạn binh, đi chinh phục các Lạc-Tướng, nhân đó cử giữ đất Lạc mà tự xưng là An-Dương-Vương. Triệu-Đà cử binh sang đánh. Lúc ấy có một vị thần tên là Cao Thông xuống giúp An-Dương-Vương, làm ra cái nỏ thần, bắn một phát giết được muôn người. Triệu Đà biết địch không lại với An-Dương-Vương, nhân đó trú lại huyện Võ-Ninh, khiến Thái-Tử Thuỷ làm chước tá hàng để tính kế về sau. Lúc Cảo-Thông đi, nói với vua An-Dương-Vương rằng: "Hễ giữ được cái nỏ của ta, thì còn nước, không giữ được thì mất nước". An-Dương-Vương có con gái tên là Mỵ-Châu, thấy Thái-Tử Thuỷ lấy làm đẹp lòng, rồi hai người lấy nhau. Mỵ-Châu lấy cái nỏ thần cho Thái-Tử Thuỷ xem, Thuỷ xem rồi lấy trộm cái lẩy nỏ mà đổi đi. Về sau Triệu-Đà kéo quân tới đánh thì An-Dương-Vương bại trận, cầm cái sừng tê vẹt được nước vào biển đi trốn, nên Triệu-Đà chiếm cả đất của An-Dương-Vương. Nay ở huyện Bình-Địa, dấu tích cung điện và thành trì của An-Dương-Vương hãy còn”.
Nhận xét:
- Như vậy là các bộ sử ở nước ta đều có ghi chép về thủa Hồng Bàng, tuy nhiên những bộ sự sau chép chi tiết hơn, trong khi những bộ sử sớm lại chỉ ghi chép sơ lược.
- Tác giả của những bộ sử sau có đặt những nghi vấn về kỷ Hồng Bàng, sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên có ghi chép lại cả những truyền thuyết gợi ý cho chúng ta về những nguồn tài liệu văn - sử.
- Sách An Nam chí lược có dẫn sách Giao Châu ngoại vực ký. Một cuốn sách đã thất truyền được dẫn lại trong Thuỷ Kinh chú của Lịch Đạo Nguyên khoảng đầu thế kỷ 5, một tài liệu sớm nhất ghi chép về kỷ Hồng Bàng được biết đến.
Qua việc Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên có ghi chép cả những truyền thuyết gợi ý cho chúng ta mở rộng sự khảo sát sang địa hạt văn - sử. Tác phẩm gây được sự chú ý nhất trong địa hạt này là Lĩnh Nam chích quái. Đây là tác phẩm cùng thời với Việt sử lược, được cho là của Trần Thế Pháp, tác phẩm theo thời gian được hiệu đính và bổ sung thêm. Theo Lĩnh Nam chích quái bình giải (do Nguyễn Hữu Vinh dịch từ bản Hán văn, Trần Đình Hoành bình) thì phần chính của tác phẩm gồm 22 truyện, phần bổ sung (tục biên) gồm 19 truyện. Kiểm kê 22 truyện trong phần chính thì nhận thấy rằng: truyện các số 1: truyện họ Hồng Bàng; truyện số 7: truyện Phù Đổng Thiên Vương; truyện số 8: truyện bánh chưng; truyện số 9: truyện dưa hấu; truyện số 10: truyện chim trĩ trắng; truyện số 11: truyện Lý Ông Trọng; truyện số 13: truyện rùa vàng; truyện số 15: truyện núi Tản Viên. Tất cả các truyện này đều kể về thời kỳ Hồng Bàng, đối chiếu nội dung trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên với Lĩnh Nam chích quái thì nhận thấy có sự giống nhau, đặc biệt là các truyện: truyện họ Hồng Bàng, truyện chim trĩ trắng; truyện rùa vàng. Như vậy chúng ta có thể bước đầu xác lập mối quan hệ tham khảo giữa Đại Việt sử ký toàn thư và Lĩnh Nam chích quái.
Tác phẩm Việt điện u linh tập do Lý Tế Xuyên soạn vào những năm 1329 cũng có những ghi chép, hơn thế nữa còn dẫn lại các sách trước đó có ghi chép về thủa Hồng Bàng, tuy nhiên so với Lĩnh Nam chích quái thì Việt điện u linh tập ít hơn đáng kể, những truyện cần lưu ý là: truyện Sơn Tinh và Thuỷ Tinh, truyện Lý Ông Trọng, truyện Cao Lỗ. Tuy rằng 2 tác phẩm văn-sử này được viết cùng thời song chúng ta không thể có kết luận gì trong việc so sánh chúng.
Chúng ta tiếp tục mở rộng địa hạt khảo cứu. Hiện nay, có 3 cuốn Ngọc phả đáng chú ý ghi chép khá chi tiết về phả hệ của vua Hùng. Theo Nguyễn Xuân Đài thì bản “Nam Việt Hùng vương ngọc phả vĩnh truyền” được soạn vào năm Thiên Phúc nguyên niên (năm 986) cũng là bản cổ nhất, theo Nguyễn Khắc Xương thì bản sao được soạn năm Khải Định thứ 4 (năm 1919). Bản “Cổ Việt Hùng thị nhất thập bát thế thánh vương ngọc phả cổ truyện” được Nguyên Cố Phụng soạn vào năm Hồng Đức nguyên niên (năm 1470) bản sao được soạn vào năm Hoằng Đình nguyên niên (năm 1601). Hiên văn bản được lưu tại Bảo tàng Hùng Vương và được Ngô Đức Thọ dịch toàn văn. Bản “Hùng vương sự tích ngọc phả cổ truyện” được Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (năm 1572). Ngọc phả Hùng vương cung cấp cho chúng ta khá chi tiết về thủa Hồng Bàng, tuy nhiên những cuốn Ngọc phả này được soạn vào khoảng thời gian từ Lĩnh Nam chích quái tới Đại Việt sử ký toàn thư, Nam Việt Hùng vương ngọc phả vĩnh truyền được cho là soạn năm 986, nhưng hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Tiểu kết: Chúng ta đã thấy tất cả những văn bản hiện còn được biết tới từ sử tới tác phẩm văn sử tới ngọc phả đều có những ghi chép về thời đại Hồng Bàng, tuy nhiên những văn bản này đều có niên đại gần đây (khoảng 1000 năm) cách quá xa so với thủa Hồng Bàng do đó không có cơ sở để khẳng định những ghi chép của các văn bản ấy là đúng sự thật.
2. Chúng ta bây giờ mở rộng tối đa địa hạt khảo cứu. Đó là những truyền thuyết tồn tại trong dân gian, đặc điểm của những truyền thuyết này là được truyền miệng từ người này sang người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ nơi này sang nơi khác. Do đó có nhiều người tham gia vào câu chuyện vì thế dẫn đến sự biến đổi của truyền thuyết. Sự biến đổi này không đơn giản chỉ dừng lại ở từ ngữ mà ở cả cú pháp của câu, không chỉ dừng ở việc bỏ bớt các chi tiết truyện mà còn thêm các chi tiết truyện. Nó không chỉ bảo lưu những yếu tố văn hoá của xã hội cổ xưa mà còn được biến đổi để mang những yếu tố văn hoá đương thời. [chẳng hạn như: người Mân Việt, Tây Âu tiếp xúc sớm hơn và gần gũi hơn với người Hán về không gian nên họ bị ảnh hưởng trước và rộng hơn, trong khi đó người Chăm ở ngay sát người Việt - Mường, thời điểm trước công nguyên vẫn đang trong chế độ mẫu hệ, thêm vào đó: thời điểm khởi nghĩa Hai Bà, bản thân Hai Bà và các nữ tướng đều là nữ giới, do đó có thể nghĩ rằng: Thời điểm trước công nguyên người tiền Việt - Mường vẫn ở chế độ mẫu hệ. Thế nhưng các văn bản và các truyền thuyết trong dân gian lại đều cho rằng: vua Hùng là nam giới. Điều này tạm thời (sẽ chứng minh ở phần tiếp theo) cho thấy đã có sự biến đổi truyền thuyết cho phù hợp với thời đại].
Tôi nghĩ rằng: chúng ta cần một giả thuyết quan trọng để có thể tiếp tục khảo cứu về thủa Hồng Bàng. Nếu như thủa Hồng Bàng diễn ra trước công nguyên trong khi những ghi chép hiện còn được biết tới có niên đại khoảng 1000 năm sau công nguyên, vậy là có một khoảng trống thời gian quá lớn, trong khi đòi hỏi phải có một sự đảm bảo về tính liên tục của thông tin, trong trường hợp này, có lẽ lựa chọn duy nhất của chúng ta là: truyền thuyết dân gian! Đây là thứ duy nhất giữ được vai trò này! Hay nói cách khác, tất cả các văn bản mà chúng ta được biết đến thì hoặc là trực tiếp hoặc là gián tiếp sử dụng truyền thuyết dân gian làm nguồn tham khảo. Bản thân các văn bản cũng rất đa dạng trong việc sử dụng truyền thuyết dân gian làm tư liệu. Văn bản là sự cố định các truyền thuyết (truyền thuyết chết) trong khi truyền thuyết dân gian thì lại biến đổi (truyền thuyết sống). Hai loại truyền thuyết này không giống nhau hoàn toàn. Chúng ta đọc một truyền thuyết trên văn bản nào đó, nhưng chúng ta không thể nhớ hết được ngôn từ của văn bản đó, nên khi chúng ta kể lại thì chúng ta chỉ kể được nội dung truyền thuyết với ngôn từ của chúng ta. Chúng ta hiện bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các truyền thuyết trong văn bản, mà không thể biết được các truyền thuyết ấy trước khi được cố định vào văn bản ra sao, chỉ có thể biết nội dung mà thôi. Những truyện trăm trứng, thánh gióng, mai an tiêm, sơn tinh thuỷ tinh, mỵ châu trọng thuỷ cách đây 2000 năm liệu rằng có nội dung tương tự với truyền thuyết trong các văn bản cách đây 500 năm? Bản thân những truyện trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi cũng là một văn bản và là sự cố định những câu truyện cổ tích ở một dạng kể nào đó trong dân gian. Chúng ta đề cập tới vấn đề này để chắc chắn rằng: Việc xem xét đối chiếu văn bản là không thể, chúng ta chỉ có cách duy nhất là đối chiếu nội dung của truyền thuyết mà thôi. Thêm nữa, chúng ta không thể khăng khăng truyền thuyết xảy ra đúng như trong Lĩnh Nam chích quái, trên thực tế thì nó đơn giản hơn nhiều.
Bài viết: “Hồng Bàng truyện thị” như một truyền thống được kiến tạo của người Việt thời trung đại của Lê Minh Khải do Hoa Quốc Văn chuyển ngữ đã có những đánh giá khá thú vị về thời kỳ Hùng vương.
“Trong khi đó, toàn bộ câu chuyện này, phản chiếu một đoạn văn trong một văn bản sớm hơn, cuốn Hoa Dương quốc chí.
Cuốn Hoa Dương quốc chí, được viết vào thế kỉ IV sau CN và là cuốn sử hầu như về một khu vực mà ngày nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên của Trung Hoa. Trong thiên niên kỉ đầu tiên trước CN, Tứ Xuyên được chia làm 2 nước Ba và Thục và Hoa Dương quốc chí quan tâm đến các nước này. Phần Thục chí bắt đầu bằng một đoạn văn khá giống với đoạn mở đầu trong Hồng Bàng thị truyện. Tuy nhiên, thay vì bắt đầu với Thần Nông, Thục chí lại bắt đầu với Nhân Hoàng, một thủ lĩnh được cho là sống trước Thần Ông, mà Thần Nông lại sống trước Hoàng Đế. Nhân Hoàng cũng được cho là đã chia thế giới được biết thành chín khu vực. Thục chí bắt đầu như sau:
“Nước Thục dựng nước bắt đầu từ Nhân Hoàng, ông đã đặt Thục ngang hàng với Ba. Thời Hoàng Đế, con ông là Chang Yi lấy con gái họ Thục Sơn, sinh ra một con trai tên là Cao Dương, trở thành Đế Cốc. Đế Cốc phong tước vị cho các thành viên của các chi bàng hệ trong gia tộc mình ở đất Thục, nơi họ đã phụng sự [vương quốc] qua nhiều thế hệ với tư cách là hầu tước và nam tước. Điều đó được tiếp nối qua các triều Hạ, Thương, Chu”.
Rõ ràng như mọng đợi, thông tin trong đoạn văn này rất giống với đoạn mở đầuHồng Bàng thị truyện của Liệt truyện”.
“Một truyện ngắn thời Đường có tên Liễu Nghị truyện của Lí Triều Uy vào thế kỉ VIII. Câu chuyện này xuất hiện đầu tiên trong một tập truyện chí quái triều Đường, tập Dị văn kí của Trần Hãn. Sau đó nó được đưa vào một bố tổng tập ở thế kỉ X là Thái Bình quảng kí ở một chương dành trọn cho những thông tin nói về rồng.
Câu chuyện về Liễu Nghị xảy ra trong thời Nghi Phụng (năm 676 - 678) dưới sự trị vì của Đường Cao Tông. Nó kể về một học giả trẻ tên là Liễu Nghị người, sau khi thi trượt ở kinh đô, quyết đính đến thăm một người bạn ở quận Kinh Dương tỉnh Sơn Tây. Lưu ý rằng những chữ Kinh, Dương trong tên quận ở đây giống với chữ trong tên Kinh Dương Vương. Trên đường đi, Liễu Nghị gặp một cô gái chăn dê và phát hiện ra rằng cô gái là con của Long quân hồ Động Đình. Bố mẹ cô đã gả cô cho Kinh Xuyên quân ở Sơn Tây, nhưng ông ta đã đối xử tệ với cô và cuối cùng ruồng rẫy cô. Rồi cô nhờ cậy Liễu Nghi mang thư gửi cho cha mình, Long quân hồ Động Đình, và tóm lại, cuối cùng Liễu Nghị đã lấy cô con gái của Long quân.
Câu chuyện này rõ ràng là sự gợi ý cho cuộc hôn nhân giữa Kinh Dương Vương và Thần Long, con gái của Động Đình quân mà chúng ta thấy trong Liệt truyện và Toàn thư. Trên thực tế, nó là một mối liên hệ không phải không được lưu ý trong quá khứ, bởi nó được bình luận trong Toàn thư. Văn bản Toàn thư được đặt rải rác với những chú thích ngắn gọn. Không rõ là ai hoặc là Ngô Sĩ Liên hoặc là một học giả nào đó sau này đã viết những lời bình luận này. Dù thế nào, sau đoạn nói về cuộc hôn nhân này, Toàn thư cũng có một bình luận có phần khó hiểu sau đây:
“Theo Đường kỉ, Kinh Dương lúc bấy giờ có người phụ nữ chăn dê, xưng là con gái út của Động Đình quân, lấy con thứ hai của Kinh Xuyên, nhưng sau đó nàng bị bỏ. Cô giao một bức thư cho Liễu Nghị, người đệ trình một kỉ vật choi Động Đình quân. Thế thì, những cuộc hôn nhân qua nhiều thế hệ giữa Kinh Xuyên và Động Đìnhđã có một lịch sử lâu dài”.
Bất kể là ai viết bình luận này rõ ràng đều biết những thông tin trong Liễu Nghị truyện, mặc dù ông khẳng định rằng nó bắt nguồn từ Đường kỉ”.
Như vậy là Lê Minh Khải đã nhận định kỷ Hồng Bàng chỉ là sự sáng tạo của người Việt thời trung đại trên cơ sở văn hoá Trung Hoa.
Trong bài: Một vài nhận xét về mối quan hệ Mường Việt và quá trình phân hoá giữa tộc Mường và tộc Việt của Trần Quốc Vượng, Nguyễn Dương Bình có viết:
“J.Cuisinier còn sưu tầm được một truyện phản ánh nguồn gốc người Mường, truyện này có lẽ là một bài mo, được kể trong những dịp tang lễ ở một số nhà lang họ Quách, họ Đinh. Truyện kể rằng nàng Ngu Cơ (Âu Cơ của Việt) vốn là một con hươu sao đã kết duyên cùng Long Vương (Lạc Long Quân của Việt) vốn là một con cá. Ngu Cơ đẻ được trăm trứng và nở thành 50 con gái, 50 con trai. Sau Ngu Cơ và Long Vương cũng chia con, 50 theo cha ra miền bể lập nên dòng vua áo vàng (người Mường thường nói "vua Táo áo vàng", Táo hay Đáo là tiếng người Mường gọi người Việt), còn Ngu Cơ dẫn 50 con lên vùng đồi núi lập nên dòng vua áo đen. Theo ý chúng tôi, truyền thuyết ấy của người Mường còn giữ được nhiều nét "cổ" hơn truyền thuyết Việt: "Chim Ay, cái Úa", Hươu sao Ngu Cơ, cá Long Vương có thể xem là những tổ tiên tô tem giáo của người Mường và người Việt. Cả hai truyền thuyết Mường và Việt đều phản ánh nguồn gốc chung của tộc Mường và tộc Việt và sự tách rời nhau của hai tộc ấy ở một thời kỳ lịch sử nào đó”.
Những nhà ngôn ngữ học cho rằng người Việt và người Mường có chung nguồn gốc, vì thế mà hơi hướng giống nhau về truyền thuyết của 2 tộc người này, làm ta đặt câu hỏi: Truyền thuyết của 2 tộc người này có từ trước khi 2 tộc người này tách ra hay là do sự tiếp thu văn hoá của nhau? Theo các nhà ngôn ngữ thì thời điểm chia tách Việt - Mường diễn ra từ thế kỷ 7 tới thế kỷ 12. Nên nếu như truyền thuyết của 2 tộc người này có từ trước khi phân tách (trước thế kỷ 12) thì Hồng Bàng truyện không phải là một kiến tạo của người Việt thời trung đại như Lê Minh Khải nhận định, nhưng nếu là tiếp thu văn hoá của nhau thì truyền thuyết phải xuất hiện sau khi phân tách (sau thế kỷ 12) thì Hồng Bàng truyện có khả năng là một kiến tạo.
Nếu như truyền thuyết của 2 tộc người này có từ trước khi chia tách, thì sau khi chia tách, truyền thuyết của người Việt nhanh chóng bị Hán hoá, còn của người Mường thì cổ hơn. Nhưng cũng không loại trừ trường hợp người Việt kiến tạo nên truyền thuyết của mình sau đó người Mường tiếp thu, từ đó sửa đổi cho phù hợp với không gian văn hoá. Nếu căn cứ vào chi tiết dòng vua áo vàng (người Việt) và dòng vua áo đen (người Mường) để nhận định truyền thuyết của người Mường phải ra đời sau khi 2 tộc người này phân tách thì cũng không chắc chắn vì truyền thuyết luôn bị biến đổi cho phù hợp với thực tế đương thời.
Kết luận: Như chúng ta đã thấy, các manh mối mà chúng ta lần theo để có thông tin ghi chép gần nhất với thủa Hồng Bàng đã không thể tiếp tục. Thứ duy nhất còn lại là truyền thuyết dân gian, tuy nhiên nếu như truyền thuyết này có từ trước khi 2 tộc Việt - Mường phân tách thì nó đúng là sợi dây duy nhất để kết nối chúng ta với thời đại Hùng vương, nhưng nếu nó chẳng qua chỉ là sự kiến tạo ở thời điểm kết thúc thời bắc thuộc thì chúng ta không còn có yếu tố nào có thể kết nối với thủa Hồng Bàng, nghĩa là có sự đứt quãng thông tin tới cả 1000 năm, nếu như vậy thì chúng ta không có cơ sở để khẳng định thủa Hồng Bàng tồn tại. Nhưng một điểm khá thú vị ở đây là: ngay cả khi truyền thuyết có trước khi 2 tộc Việt - Mường chia tách thì truyền thuyết của người Việt không thể nào là truyền thuyết nguyên bản chung của 2 tộc người trước khi phân tách. Nghĩa là trước khi chia tách, 2 tộc người này có chung một truyền thuyết nhưng truyền thuyết ấy không giống với truyền thuyết của người Việt! Nó giống với truyền thuyết của người Mường hơn, mà truyền thuyết của người Mường lại không có yếu tố lịch sử như của người Việt. Việc truyền thuyết của người Việt (được ghi nhận trong các văn bản và trong dân gian chịu sự ảnh hưởng của các văn bản) có những tương thích với các yếu tố văn hoá phương bắc cho thấy sự Hán hoá mạnh mẽ văn hoá Việt. Hay trước đó người Việt - Mường có chung truyền thuyết, người Mường đã hình thành theo văn hoá riêng có, còn người Việt mang những yếu tố Hán vào truyền thuyết hình thành nên một hướng khác. Do những thông tin về kỷ Hồng Bàng là những yếu tố vay mượn từ văn hoá phương bắc nên không có cơ sở để khẳng định thủa Hồng Bàng là khởi nguyên của tộc Việt. [Một thông tin nữa không thể không nhắc đến đó là đoạn văn trong Nam Việt chí được cho là của Thân Hoài Viễn thế kỷ thứ 5 được dẫn lại trong Thái Bình Quảng ký soạn khoảng năm 977 – 978 có chép: “Đất Giao Chỉ khá là phì nhiêu. Cư dân sống ở đó, và cho đến khi [những cư dân gốc] học cách trồng trọt bằng cách gieo hạt. Đất trồng ở đó đen và màu mỡ và khí rất mạnh [hùng]. Vì vậy, ruộng đất ở đó nay được gọi là ruộng Hùng và người dân, được gọi là dân Hùng. Có những người cầm đầu được gọi là Hùng vương. Có những người hầu cận được gọi là Hùng hầu và đất đai được chia cho các Hùng tướng”. Đoạn văn này có nhắc tới Hùng Vương, tuy nhiên có rất nhiều ý kiến tranh luận về chữ Hùng này].
3. Kế đến chúng ta tìm hiểu thêm về nhân vật Thục Phán An Dương Vương. Khác với Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương, đối với Thục Phán An Dương Vương chúng ta có thông tin có thể tiến gần hơn với thời đại của nhân vật này.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Theo sách Thái bình hoàn vũ ký, phần Nam Việt chí, của Nhạc Sử nhà Tống, An Dương Vương cai trị Giao Châu, Úy Đà đem quân sang đánh. An Dương Vương có thần nhân là Cao Thông giúp đỡ, chế ra cái nỏ, bắn một phát giết chết quân Việt hàng vạn người, bắn ba phát giết đến ba vạn. Triệu Đà biết rõ duyên cớ, liền lui về đóng ở Vũ Ninh, rồi cho con là Trọng Thủy sang làm tin, xin hòa hảo với nhau. Về sau, An Dương đối xử với Cao Thông không được hậu, Cao Thông bỏ đi. An Dương Vương có người con gái là Mị Châu, thấy Trọng Thủy đẹp trai, liền phải lòng. Về sau, Trọng Thủy dụ dỗ Mị Châu đòi xem nỏ thần, Mị Châu đem cho xem. Trọng Thủy nhân đấy bẻ hỏng cái lẫy nỏ, rồi lập tức sai người ruổi về báo tin cho Triệu Đà. Triệu Đà lại đem quân sang đánh úp. Khi quân Triệu kéo đến, An Dương Vương đem nỏ ra bắn như trước, nhưng nỏ hỏng rồi! Quân Thục chạy tan tác. Triệu Đà phá được Thục”.
An Nam chí lược chép: “Giao-Châu Ngoại-Vực-Ký chép: hồi xưa, chưa có quận huyện, thì Lạc-điền tuỳ theo thuỷ-triều lên xuống mà cày cấy. Người cày ruộng ấy gọi là Lạc-Dân, người cai-quản dân gọi là Lạc-Vương, người phó là Lạc-Tướng, đều có ấn bằng đồng và dải sắc xanh làm huy hiệu. Vua nước Thục, thường sai con đem ba vạn binh, đi chinh phục các Lạc-Tướng, nhân đó cử giữ đất Lạc mà tự xưng là An-Dương-Vương. Triệu-Đà cử binh sang đánh. Lúc ấy có một vị thần tên là Cao Thông xuống giúp An-Dương-Vương, làm ra cái nỏ thần, bắn một phát giết được muôn người. Triệu Đà biết địch không lại với An-Dương-Vương, nhân đó trú lại huyện Võ-Ninh, khiến Thái-Tử Thuỷ làm chước tá hàng để tính kế về sau. Lúc Cảo-Thông đi, nói với vua An-Dương-Vương rằng: "Hễ giữ được cái nỏ của ta, thì còn nước, không giữ được thì mất nước". An-Dương-Vương có con gái tên là Mỵ-Châu, thấy Thái-Tử Thuỷ lấy làm đẹp lòng, rồi hai người lấy nhau. Mỵ-Châu lấy cái nỏ thần cho Thái-Tử Thuỷ xem, Thuỷ xem rồi lấy trộm cái lẩy nỏ mà đổi đi. Về sau Triệu-Đà kéo quân tới đánh thì An-Dương-Vương bại trận, cầm cái sừng tê vẹt được nước vào biển đi trốn, nên Triệu-Đà chiếm cả đất của An-Dương-Vương. Nay ở huyện Bình-Địa, dấu tích cung điện và thành trì của An-Dương-Vương hãy còn”.
Trong sách Thuỷ Kính chú của Lịch Đạo Nguyên soạn thế kỷ thứ 6 có đoạn: “Giao Châu ngoại vực kí viết: Giao Chỉ xưa khi chưa có quận huyện, đất đai có ruộng gọi là Lạc điền. Ruộng đó theo nước triều lên xuống. Dân khai khẩn trên ruộng đó lấy lương thực, do đó mà gọi là Lạc dân. Đặt ra Lạc vương, Lạc hầu, làm chủ các quận huyện. Huyện phần nhiều là các Lạc tướng. Lạc tướng mang ấn đồng đai xanh. Sau đó con Thục Vương đem 3 vạn quân đánh Lạc vương, Lạc hầu, thu phục Lạc tướng. Con Thục vương nhân đó mới xưng là An Dương Vương. Sau Nam Việt vương Úy Đà đem quân đánh An Dương Vương. An Dương Vương có thần nhân, tên là Cao Thông là thủ hạ phụ tá, làm cho An Dương Vương một cái nỏ thần, bắn một phát giết 300 người. Nam Việt vương biết không thể đánh thắng. Mới cho quân đóng ở huyện Vũ Ninh. [Theo Tấn Thái Khang kí huyện thuộc Giao Chỉ]. Việt (vương) sai Thái tử tên là Thủy hàng phục An Dương Vương, xưng bề tôi mà thờ. An Dương Vương không biết (Cao) Thông là thần nhân, đối đãi không có đạo lí, (Cao) Thông mới bỏ đi, mà nói với vua rằng: “có thể giữ đuợc nỏ đó thì làm vua thiên hạ, nếu không giữ được nỏ thì mất thiên hạ”. Thông đi, An Dương vương có con gái tên là Mỵ Châu, thấy Thủy là người đoan chính, Châu với Thủy thông giao. Thủy mới hỏi Châu muốn xem nỏ của cha. Thủy thấy nỏ, trộm lấy mà cưa nỏ, rồi trốn về báo với Việt vương. Nam Việt tiến binh đánh, An Dương vương đem nỏ bắn, nỏ gãy, bị thua trận. An Dương Vương xuống thuyền, chạy trốn ra biển. Nay ở hậu vương cung thành huyện Bình Đạo còn thấy nền cũ”.
Như vậy từ những ghi chép của sử Tàu chúng ta có thể tiến đến gần nhất với thời đại của An Dương Vương thông qua Giao Châu ngoại vực ký (hiện đã mất) nhưng cũng vẫn còn khoảng cách 400 năm.
Nguồn tài liệu nữa cũng có ghi chép về Thục Phán An Dương Vương là: Truyền thuyết Thần Cung Bảo Kiếm của người Choang và Truyền thuyết Chín Chúa Tranh Vua của người Tày – Nùng.
* Nội dung của truyền thuyết Thần cung bảo kiếm
Thời xưa, vua Nam Việt Triệu Đà được Hoàng đế Trung Hoa gởi tặng cho một thanh bảo kiếm, bèn dùng châu báu ngọc ngà chạm lên trên và còn khắc bốn chữ “Hoà Tập Bách Việt”, đêm đến thanh kiếm phát quang chói loà, đúng là một bảo vật. Nhà vua lại mang thanh bảo kiếm nầy gởi tặng lại nước Tây Ấu, vua nước Tây Ấu lại sai hoàng tử mang đến tặng cho nước Lạc Việt. Mục đích của họ là mong muốn có sự giao hảo thân thiện với nhau để giữ vững dâu lài nền hoà bình đang có.
Hoàng tử nước Tây Ấu mang thanh bảo kiếm đến nước Lạc Việt. Tới ngày khi chàng đã đến bên bờ tường kinh thành nước Lạc Việt thì chàng nghe thấy tiếng cuời nói huyên náo vọng ra từ nội thành. Vị hoàng tử bèn leo ngồi lên trên bờ tường quan sát thì thấy vị công chúa của vua Lạc Việt đang luyện bắn cung, bắn đâu trúng đó nên đã gây nên tiếng reo hò vang dậy.
Trong những năm gần đây nước Lạc Việt gặp nạn bị một thuỷ quái quấy phá, làm nước biển nhiều khi vô cớ tràn dâng ngập lụt, cuốn trôi vô số nhà cửa hoa màu và gia súc, dân chúng  mất cửa mất nhà, ly tán khổ sở. Vua Lạc Việt chẳng biết làm sao nên mời thầy pháp lại làm bùa làm phép. Con thuỷ quái bỗng từ dưới nước phóng lên nói rằng trừ phi vua Lạc Việt gã công chúa cho nó nếu không thì nó sẽ dấy binh tiêu diệt nước Lạc Việt. Vua Lạc Việt không biết phải làm cáchnào đành phải hứa gã công chúa cho nó, nhưng ngài lại yêu cầu con thuỷ quái phải đích thân đến cung đình cầuhôn. Nhưng đến ngày con thuỷ quái tới cung đình cầu hôn mọi người ai nấy đều thấy con yêu tinh hiện nguyên hình: đầu rắn, thấp lùn, lưng mang vỏ rùa. Nàng công chúa trông thấy, lòng ngập tràn oán hận, không một chút do dự rút kiếm ra chém “phựt” một cái bay đứt cổ con yêu tinh và nó ngã lăn ra chết.
Người ta đồn đại là con yêu quái nầy có nanh vuốt rất linh, nếu nanh vuốt nầy vẫn còn, chẳng bao lâu thì con yêu quái nầy sẽ hồi sinh trở lại nguyên hình. Dođó, công chúa bèn chặt đứt bốn chân con yêu ra, thẻo nanh vuốt nầy ra, dùng làm bán súng cho cái nỏ. Từ đó về sau, tài nghệ thiện xạ của nàng công chúa ngày càng khởi sắc, bắn đâu trúng đấy. Nhờ thế tiếng vang lan khắp mọi nơi, ai ai cũng đều biết nàng công chúa có một cây nỏ thần, và rất nhiều bộ lạc lớn nhỏ khắp nơi về quy phục nước Lạc Việt. Chính cũng vì thế, công chúa lạ càng trở nên kiêu hãnh, mỗi lần nàng tập luyện bắn cung, chỉ cho người xem hoan hô khen chứ không cho phê phán ồn ào.
Hôm đó, khi nàng đang luyện bắn cung tên trong vườn thành nội, cái đích một cành liễu cột lũng lẵng một xâu lá trầu, và nàng nhất quyết sẽ bắn trúng cành liễu và sẽ làm cái xâu lá trầu rơi xuống đất.
Hoàng tử nước Tây Ấu đang ngồi trên bờ tường đang ngắm nhìn nàng công chúa bắn nỏ. Chàng chỉ thoáng thấy nàng công chúa giơ cây nỏ lên, kéo dây cung rồi bung ra, mũi tên phóng vụt đến cành liễu, đường tên bay không hề bị xê dịch đâm phụp đúng vào cành liễu có treo xâu lá trầu. Hoàng tử bất giác vỗ tay hoan hô ầm ĩ.
Chính vì thế làm nàng công chúa nổi giận lên tự hỏi không biết ai cho phép người nầy nhìn trộm nàng bắn nỏ? To gan thật! Nàng một tay vừa cài tên giương nỏ, mắt vừa quay qua liếc nhìn về phía bờ tường thì trông thấy một chàng trai ngồi đó đang giương đôi mắt nhìn ngắm nàng. Công chúa giận quá, nàng buông dây cung, mũi tên liền bật ra hướngvề tầm ngực của chàng trai phóng vụt đến. Chỉ trong chớp nhoáng, chỉ thấy chàng trai ung dung rút thanh kiếm ra chờ mũi tên bay tới rồi gạt ngang một cái, mũi tên chợt trông giống như một chú chim xìu cánh rơi rụng ngay xuống đất.
Nàng công chúa liền giương nỏ bắn liền ba phát, chàng hoàng tử đều vung kiếm gạt phắt hết ba mũi tên. Nàng công chúa cảm thấy kỳ lạ, nhận ra thanh kiếm của hoàng tử có thần lực, bèn kêu chàng trai mang đến nàng xem nhưng chàng trù trừ không lại. Côngchúa hỏi chàng trai từ đâu đến? Tới kinh thành để làm gì? Chàng trai trả lời cho biết mình là hoàng tử nước Tây Ấu, đến kinh đô nước Lạc Việt là để giao hảo đôi bên. Chàng yêu cầu công chúa dẫn chàng đi gặp vua Lạc Việt.
Công chúa nghĩ thầm nếu để hoàng tử mang bảo kiếm vào gặp phụ vương rũi chàng ta rút kiếm ra chém vua cha thì chắc nước chết, nàng liền đưa ra hai điều kiện: một là chàng hoàng tử không được mang thanh kiếm trên người đến diện kiến nhà vua, chàng phải trao thanh kiếm cho nàng giữ; hai là nếu chàng nhất định phải đeo kiếm thì chàng phải chịu bị trói cột lại mới được gặp vua cha. Chàng Hoàng tử đồng ý chịu để cho nàng trói lại, không chịu để kiếm rời thân.
Thế là hoàng tử chịu trói lại để đi đến gặp Vua Lạc Việt. Khi gặp nhàvua, hoàng tử bèn dâng tặng vị vua nầy thanh kiếm có khắc bốn chữ “Hoà Tập Bách Việt”, nói là chàng thay mặt cho phụ vương đến giao hảo hoà bình với Vua Lạc Việt.
Vua Lạc Việt thấy hoàng tử khôi ngô tuấn tú, phẩm đức đều tốt, có ý muốn nhận chàng làm phò mã, nhưng lại e ngại công chúa lại không chịu nên nhà vua bèn hỏi ý kiến cô công chúa. Thực ra trong thâm tâm nàng công chúa đã sinh ra lòng ái mộ, nhận thấy việc hoàng tử chịu trói để được diện kiến vua cha chứ không chịu trao gửi thanh kiếm cho nàng giữ là hànhvi bất khuất anh hào. Nghe thấy vua cha hỏi ý kiến mình, nàng bất chợt không khỏi thẹn ửng má đào, nàng nói:
- Tuỳ ý phụ vương định đoạt!
Sau khi hoàng tử cùng công chúa kết hôn, hai người thương yêu nhau thắm thiết, như trầu với cau.
Chẳng bao lâu sau, hoàng tử nhận được tin Vua Tây Ấu lâm trọng bịnh, chàng bèn từ biệt Vua Lạc Việt và công chúa để về nước thăm vua cha. Nàng công chúa sợ đường xá xa xôi trắc trở, nàng bèn lấy thanh kiếm “Bảo Tập Bách Việt” trao cho hoàng tử đeo vào người. Hai người quyến luyến không nở rời nhau. Sau khi hoàng tử về nước rồi, công chúa cảm thấy cung thất lạnh lẽo làm sao, trong lòng trở nên sầu muộn, nàng đâm ra biếng lười luyện võ, cung nỏ cũng không buồn rớ tới. Có lúc nàng chợt tưởng có bóng dáng hoàng tử thấp thoáng ngoài sân, nhưng sao nàng đợi mãi mà chẳng thấy chàng đẩy cửa bước vào. Nàng ra mở tung song cửa sổ, nhưng nàng chỉ thấy một chú quạ kêu “yaya” rồi bay mất.
Vào một buổi sáng nọ, khi công chúa mớivừa mở cửa phòng đột nhiên trông thấy một người xông vào phòng. Nhìn kỷ lại thì ra là hoàng tử. Công chúa rất là vui mừng, chẳng kịp hỏi chàng từ đâu về là đã đưa chàng vào phòng. Cái anh chàng hoàng tử nầy mới bước vào phòng là lập tức đưa mắt ngó ngay về hướng nơi có treo chiếc nỏ thần, mắt ngó láo liên. Công chúa cảm thấy kỳ quặc liền nói:
- Mới có đi xa mấy ngày, bộ chàng không nhận ra chỗ ở nữa à?
Chàng hoàng tử nói:
- Sao trên kia lắm bụi bặm vậy?
Công chúa nói:
- Từ ngày chàng về nước đến giờ, thiếp cô đơn một mình, nào còn tâm trí gì đâu để tập luyện bắn cung?
Hoàng tử lấy ngay cung nỏ xuống. Công chúa nhận thấy cử chỉ này có điều dị thường liền chạy tới ngăn cản. Hoàng tử nói:
- Uy danh của công chúa dựa hết vào chiếc nỏ thần nầy. Giả như không có chiếc nỏ nầy, mình nghĩ là uy danh của nàng không lừng lẫy như bây giờ. Do đó mình yêu chiếc nỏ nầy chính là vì yêu công chúa đấy!
Vừa nói chàng vừa giương cung bắn tên ra ngoài khung cửa sổ, nhưng chỉ thấy khi mũi tên vừa lìa ra khỏi nỏ là bay trệch hướng đi, bay chẳng bao xa là rơi rớt ngay xuống đất.
Công chúa nói:
- Chiếc nỏ nầy nhờ có chiếc móng của con yêu quái dùng làm cò, không có nó là bắn không trúng đích đâu. Vợ chồng ăn ở với nhau bấy lâu nay, bộ chàng không còn nhớ việc nầy nữa chăng?
Hoàng tử nói:
- Đâu phải quên, tại công chúa quên đưa cho mình cái móng của yêutinh. Xin công chúa lấy ra cho mình xem nào, sẵn tiện luyện tập bắp tay một chút xem nào!
Công chúa tưởng thật bèn thò trong người lấy chiếc móng yêu tinh ra trao cho hoàng tử, cùng lúc nàng chợt nhận ra hoàng tử không đao thanh bảo kiểm trên người, nàng liền hỏi:
- Hoàng tử, sao chàng không mang thanh bảokiếm về lại?
Chàng hoàng tử nầy chợt nhiên cuống quýt lên, nói:
- Tại mình nhớ công chúa quá, một mình lén phụ vương trở về đây. Bây giờ để mình quay về lại lấy thanh kiếm.
Vừa nói xong, tay cầm chiếc nỏ thần và chiếc móng yêu tinh ngã nhào xuống đất, đột nhiên hoàng tử biến thành con quạ kêu “yaya” rồi bay mất.
Tin nầy truyền tới tai vua Lạc việt, ngài liền cho triệu tập quần thần lại thương nghị. Quần thần đều cho rằng đây là vận xấu của vua nước Tây âu, làm mất chiếc nỏ thần, chắc chắn thế nào cũng mang quân chinh phạt nước Lạc việt, thế thủ chi bằng thế công, hãy cho dấy binh tấn công nước Tây âu trước.
Lúc bấy giờ, vua Tây âu mới vừa mất, cả nước mới cử hành đám táng, hoàng tử nước nầy còn để tang, nghe  nói vua nước Lạc việt dấy quân sang đánh, cảm thấy mình khó lòng ứng chiến, bèn tính chuyện đơn thân độc mã đi hội kiến vua nước Lạc việt để hỏi ra cho rõ ngọn ngành. Do đó hoàng tử không thay áo giáp, đeo trên mình thanh bảo kiếm “Hoà Tập Bách Việt”, phóng mình lên ngựa phi mã chạy ra biên ải.
Khi hoàng tử đến nơi biên ải thì chao ơi! Binh mã của vua Lạc việt đã bố trí tràn đầy khắp nơi đen nghịt dày đặc. Mặt sông nước nơi binh lính họ lội qua, sủi bọt đen ngòm, tôm cá chết nổi lềnh bềnh khắp nơi. Binh lính tràn qua rừng núi đá là mọi thứ như đều đỗ ngã hết xuống, cỏ cây điêu tàn.
Một mình hoàng tử thì làm sao chống cự lại đước muôn vạn binh mã nước Lạc việt, đành phải nhắm ngay doanh trại vàng to lớn, chàng đoán đó là nơi vua Lạc việt hay là công chúa trú nghỉ.
Chàng hoàng tử nầy xem ra cũng rất lợi hại, thân một mình một ngựa, xông tới hàng rào doanh trại, làm đỗ gãy sụp nát hết dãy hàng rào. Vua Lạc việt đang ngồi trên mình ngựa trông thấy binh mã của mình hỗn loạn, bèn hạ lệnh cho hằng ngàn cung thủ giương cung tên nhắm về phía hoàng tử mà bắn. Hoàng tử mình đeo thanh bảo kiếm, chỉ thoáng thấy chàng rút ra hoa kiếm là hằng ngàn mũi tên rơi rụng như mưa, thân mình chàng thì chẳng chút hề hấn gì.
Vua Lạc việt trông thấy đâm ra hoảng kinh, mắng công chúa:
- Xem thằng chồng phụ bạc của mầy kia, nếu mầy không giết chết nó, đừng có về đây nữa gặp tao.
Nàng công chúa vừa xấu hổ vừa tức giận, vội vã cầm thương lên ngựa, nhắm ngực hoàng tử đâm tới. Hoàng tử vộivả né đông tránh tây, mấy lần lấy kiếm hất mũi giáo của công chúa ra, chàng nói:
- Công chúa sao lại phẩn nộ thế nầy? Bỗng nhiên mang quân xâm lấn bờ cõi, nay còn chính tay mình muốn giết chết chồng?
Công chúa nói:
- Nhà ngươi còn dám nói! Phụ vương có làm điều gì sai trái đối với ngươi? Ta đây có làm gì quấy đối với nhà ngươi đâu mà nhà ngươi đánh cắp chiếc nỏ thần quốc bảo, lại còn chuẩn bị dấy binh xâm lấn nước ta. Cái con người vô tâm bội bạc như nhà ngươi không giết chết cho rồi thì lấy gì để tạ lỗi nước nhà của ta đây, hả?
Hoàng tử nghe công chúa nói vậy bèn cảm thấy chưng hửng ra không biết biện bạch đối đáp thế nào. Nàng công chúa tưởng hoàng tử nhìn nhận chuyện nầy, liền thừa cơ phóng giáo đâm tới, ngờ đâu trên thân mình hoàng tử nhờ có đeo thanh bảo kiếm “Hoà Tập Bách Việt”, thanh kiếm nầy tự động hoá giải mọi thứ cứu hoàng tử khỏi trúng thương. Kẻn kẻn hai tiếng, ngọn giáo của công chúa bị cản lại và còn làm ngọn giáo gãy rụng đứt lìa.
Hoàng tử phóng người nhảy xuống ngựa, quỳ ngay trước mặt côngchúa, hai tay nâng thanh bảo kiếm “Hoà Tập Bách Việt”, khóc lóc mà nói:
- Nghĩ đến tình nghĩa phu thê bấy lâu nay, không làm điều gì sai trái cả. Chẳng qua thụ thân lâm trọng bịnh đành phải quay về nước, định thân phụ hết bệnh là trở về đoàn tụ với công chúa, nào ngờ đâu thân phụ băng hà. Giờ đây cả nước để tang, rôi lại thấy nước của nàng dấy binh sang đánh, mình đây vì sinh linh bá tánh, liều mình một thân một ngựa ra lâm trận. Nàng nếu quả muốn giết mình thì rất dễ thôi, chỉ tiếc là nàng bị trúng mưu kẻ gian. Làm gì có chuyện đánh cắp nỏ thần? Giờ đây để chứng tỏ tấm lòng của mình, xin dâng thanh bảo kiếm nầy, nàng muốn giết mình thì cứ xuống tay!”
Nói xong, hoàng tử hai tay nâng thanh kiếm lên.
Công chúa tiếp nhận thanh kiếm, nhớ lại cảnh tượng hoàng tử mưu mô đánh cắp chiếc nỏ thần, quả thục nàng cảm thấy cử chỉ của kẻ đó với vị hoàng tử nầy không giống nhau, nhưng công chúa lại e sợ để tình cảm lấn áp lại bị mắc mưu thêm lần nữa. Đang trong lúc công chúa còn trù trừ do dự bất quyết, vị vua Lạc việt đúng lúc ấy đang ở đằng sau nổi trận lôi đình, ngài ra lệnh:
- Tất cả nghe đây, ta hô lên đến tiếng thứ ba nếu mà công chúa vẫn chưa chịu xuống tay giết chết thằng chó chết đó, có nghĩa là công chúa vẫnc òn bị nó mê hoặc, quân bay cứ xả tên bắn chết cả hai đứa nó cho ta. Nếu mà ta hô đến tiếng thứ hai mà công chúa giết chết thằng giặc đó rồi thì chúng bay hãy thu hồi cung tên lại, quân bay có nghe chưa?
Lệnh vua đã ban xuống, quân sĩ cả đoàn bao vây vị hoàng tử và nàng công chúa lại, giương cung nhắm hai người, chuẩn bị buông cung.
Hoàng tử nói:
- Công chúa, xin hãy giết mình đi! Nàng khỏi bị vạ lây.
Công chúa suy ngẫm lại, chơt tỉnh ngộ biết rằng người đoạt chiếc nỏ thần trước đây là do yêu tinh giả dạng, nhưng khi phụ phân nàng không cho cơ hội giải thích tự sự, biết làm sao đây? Công chúa chẳng biết tính sao, nàng bật khóc tức tưởi.
Người ta chỉ nghe vua Lạc việt hô lên “một, hai”, khi chưa đếm đến ba thì vị hoàng tử lo ngại mình và nàng công chúa sẽ cùng chịu chung số phận bị nát thây dưới làn tên, bèn đua lưỡi liếm kề lên cổ cứa ngang, ngã lăn ra chết.
Công chúa trông thấy vội vả nhảy xuống ngựa, ôm lấy thi thể hoàng tử vào lòng, nằng phục trên người chàng khóc nức nở. Tướng sĩ nhìn thấy cảnh tượng, tay chân bủn rủn, buông rời cung tên, cho dù vua Lạc việt đã hô đến tiếng thứ ba nhưng chẳng có ai bắn ra mũi tên nào cả.
Vua Lạc việt cả giận, đang định nổi trận lôi đình với đám tướng sĩ cải lệnh của ngài, đột nhiên hét lên một tiếng “Ái chà”, rồi đưa tay ôm lấy ngực. Các tướng sĩ vộivàng chạy đến đỡ, chỉ thấy một mũi tên đâm thẳng từ sau lưng ngài xuyên thấu ra trước ngực. Đám tướng sĩ quay đầu lại nhìn thì nhìn thấy nguyên con yêu tinh tay mang nỏ thần dương dương tự đắc đứng từ phía bên kia đầu núi cười vang:
- Nỏ thần đang ở trong tay ta đây!
Nói xong chỉ thấy con yêu quái nhảy lên, biến thành một con quạ đen, nhắm hướng công chúa bay tới, xà xuống đất xà một vòng đứng hiện nguyên hình đầu rắn, đuôi thỏ, người ngợm thấp lùn, đeo khiêng giáp đen. Nó nói:
- Công chúa, ta và nàng có duyên nợ với nhau, hãy thành hôn với ta đi thôi!
Nói xong nó bước lại níu người công chúa.
Nàng công chúa cực kỳ phẫn nộ, quay đầu lại tát cho nó một bạt tai làm mặt mũi thần trí con yêu tinh cháng váng lạng quạng đứng không vững. Nó bèn xoay người một vòng phóng đứng lên trên một ngọn đồi, nói:
- Công chúa hãy nghe đây, hồi trước đây ta biến thành hoàng tử đến cung viện của nàng, sở dĩ ta không dám đến gần nàng bời lẽ ta chưa lấy lại được cái móng vuốt của ta, nay thì cái móng vuốt nầy đã trỡ về tay ta, giờ đây thân thể ta là mình đồng da thép, lại thêm có chiếc nỏ thần trên người, ta cóthể cướp mạng người nàng bấtcứ lúc nào. Nay ta ra hạn định bắt  nàng làm vợ ta, nếu không ta sẽ dùng nỏ thần bắn chết nàng là xong đời nàng ngay đây!
Nàng công chúa phẫn nộ nhìn gã yêu tinh nhưng không nói gì.
Con yêu tinh kia bỗng nhiên cuộn tròn mình dưới đất, rồi biến thành vóc dáng chàng hoàng tử rồi tiến lại phía nàng, vênh mặt cười rồi nói:
- Công chúa, nếu nàng thích vóc dáng chàng hoàng tử, thì đây ta sẽ biến thành con người đó vĩnhviễn cho nàng, mình hãy lấy nhau cho rồi.
Nàng công chúa đột nhiên nhớ lại là chàng hòang tử đã trao cho nàng thanh bảo kiềm “Hoà tập Bách việt”, nàng có thể dùng để ngăn cản cung tên, bèn nâng thanh kiếm chém vụt con yêu quái. Con yêu tinh rất lanh lợi, vừa thoáng thấy thần sắc của công chúa và vừa cảm thấy một luồng khí lạnh vụt tới, liền rụt đầu lại, nhào lăn xuống đất biến thành con quạ đen bay vù đến ngọn đồi đằng kia. Nó đứng trên ngọn đồi kia lớn tiếng nói:
- Nếu nàng không nghe lời, ta bắn nỏ thần đây!
Công chúa hướng thanh bảo kiếm, phi thân nhảy lên ngựa, phóng về phía gã yêu tinh. Con yêu quái trông thấy, liền giương nỏ bắn tên, nào ngờ khi mũi tên khi bay gần đến người công chúa liền bị nàng dùng kiếm gạt phăng đi rơi xuống đất. Ba lần như vậy thì nàng công chúa đã tiến tới trước gã yêu tinh. Con yêu quái mình đối địch không lại bèn phóng chạy xuống biển.
Khi nó chạy tới bên bờ biển, quay đầu lại nhìn nàng công chúa đang đuổi theo, nói:
- Hay thay công chúa, cảm ơn nàng đã tiển ta đến tận bờ biển, ta vẫn cứ nói với nàng là: nếu nàng không chịu làm vợ ta, thì ta sẽ làm dâng nước biển ngập lụt nước của nàng, tới khi ấy, nàng mới biết được sự lợi hại của ta!
Con yêu tinh nói xong liền phóng người xuống biển. Nàng công chúa e sợ không đuổi theo sát kịp, lập tức phóng vụt thanh kiếm về phía nó. Chỉ nghe phập một tiếng, đầu con yêu quái liền bị thanh kiếm chém đứt. Nàng công chúa sợ con yêu quái lại hoàn hình quấy phá, nên đã làm thì cho đến nơi đến chốn, nàng bèn phân thây con yêu tinh thành đống thịt vụn, mang vun vãi khắp đồi núi không để cho nó còn cơ may hiện nguyên hình.
Công chúa giết chết con yêu quái xong, cầm thanh kiếm lặng nhìn rồi bật khóc nức nở. Nàng cứ khóc mãi không ngừng, những hạt lệ biến thành xâu chuỗi trân chân rơi xuống biển cả được những con trai nhặt và ngậm vào hàm. Máu huyết của chàng hoàng tử đỗ rơi trên mãnh đất Lạc việt, bỡi lẽ nó còn tinh khiết cho nên hoá thành dòng suối thanh tuyền. Cho đến ngày nay, khi ngư dân bắt được con trai cạy ra là tìm thấy châu ngọc gọi là ngọc trai, và họ nhất định phải mang những viên ngọc này đến dòng suối thanh tuyền rữa sạch. Người ta truyền tụng rằng ngọc trai nếu được rữa sạch với dòng suối nầy thì viên ngọc sẽ sáng lóng lánh không một thứ nước nào có thể sánh bằng.
* Nội dung của truyền thuyết Chín chúa tranh vua
Ngày xưa, vào thời vua Thục của nước người Tày, Thục Chế là ông vua đầu tiên đã lập ra nước Nam Cương giáp nước Văn Lang, xưng là An Tự Vương đóng đô ở Nam Bình (vùng Cao Bình, huyện Hòa An ngày nay) . Thục Chế làm vua được 60 năm thì mất, con là Thục Phán mới 10 tuổi, lên thay cha làm vua, cháu của Thục Chế là Thục Mô giúp vua Thục Phán nhiếp chính. Nước Nam Cương có 10 xứ mường. Vua Thục cai quản mường chính – hay còn gọi là mường trung tâm, còn các mường kia thì chia cho các chúa ở các vùng cai quản. Thục Phán mới lên ngôi còn rất trẻ, Thục Mô lộng quyền, các chúa thấy vậy không phục bèn kéo quân từ các ngả tiến về bao vây kinh thành Nam Bình (nay là Cao Bình, Hòa An, Cao Bằng). Thục Phán nói: Ta còn ít tuổi, nên các ngài cho rằng, ta chưa xứng đáng làm vua chăng? Cả nước có 9 chúa và chỉ có một vua, bây giờ ta sẽ ra điều kiện, tất cả cùng thi đấu võ, nếu ai thắng thì sẽ được nhường ngôi. Từng vị chúa của chín vùng lần lượt ra thi đấu trổ tài nhưng cuối cùng không có chúa nào thắng. Sau đó Thục Phán lại tiếp tục tổ chức cuộc thi, ai giỏi nghề nào thì thi nghề ấy hẹn trong 3 ngày 3 đêm trước gà gáy sang canh năm, ai làm nhanh làm tốt nhất nhanh nhất thì sẽ được nhường ngôi. Sau đó Thục Phán lại chọn chín nàng cung nữ sắc đẹp vẹn toàn lại giỏi làm kế mỹ nhân, biết các ngón ăn chơi, thạo rủ rê đàn ông làm chuyện chăn gối đi theo mỗi chúa dăm bảy cô. Các chúa vừa làm việc của mình vừa mải mê si lượn và ăn chơi với các cô gái đẹp nên hết ngày này sang ngày khác, cuối cùng không có hoàn thành kế hoạch của Thục Phán đã giao ước cuộc thi. Thục Phán cùng chín chúa giao ước là mõi người tự mình làm công việc mà mình cảm thấy giỏi nhất và sẽ làm tốt nhất. Chúa Trương Thiết Vận ở mường Háng Khà - chúa vùng Quảng Uyên, Cao Bằng ngày nay giỏi nghề rèn nên giao ước làm cái kim, mài lưỡi cày thành kim, mặc dù cái kim đã làm xong nhưng chưa kịp khoan lỗ để xâu chỉ? Chúa Lục Văn Thặng ở mường Tôổng - chúa vùng Thin Tẳng, Trịnh Tây,Quảng Tây, Trung Quốc giỏi nghề đục đẽo đá và vùng quê mình có nhiều đá thì giao ước làm đôi guốc bằng đá nhưng cuối cùng mặc dù hình hài đôi guốc đã xong nhưng chưa đục lỗ để xâu quai. Đôi đôi guốc đá đó hiện nay vẫn còn dấu tích ở Bản Thảnh, xã Bế Triều, huyện Hoà An. Chúa Lý Kim Đán ở mường Phja Nưa – chúa vùng Thạch An, Cao Bằng ngày nay giỏi bắn cung thì giao ước sẽ dùng cung bắn rụng hết lá trên cây một đa, nhưng đã hết thời hạn cuối cùng vẫn còn sót hai lá ở trên ngọn. Cây đa đó ở thị trấn Cao Bình, xã Hưng Đạo, huyện Hoà An. Chúa Hoàng Tiến Đạt ở mường Háng Cáp – chúa vùng Hòa An, Cao Bằng ngày nay giỏi làm nghề nông thì đi lấy mạ ở Phiêng Pha, huyện Nguyên Bình về cấy ở cánh đồng Tôổng Chúp (Nam Bình), đến hết hạn vẫn còn bỏ dở một khoảng bằng cái nón. Hiện nay vẫn còn dấu tích ở Tôổng Chúp, xã Hưng Đạo, TP. Cao Bằng ngày nay. Chúa Đàm Việt Dũng ở mường Pác Măn - chúa vùng Long Châu, Quảng Tây ,Trung Quốc giỏi làm thơ thì giao ước sẽ là 100 bài thơ nhưng đã hết ngày thi rồi vẫn làm chưa đủ 100 bài thơ. Chúa Lâm Tuyền Thượng ở mường Vỏ Slốc – chúa vùng Hà Quảng, Cao Bằng giỏi xây thành lũy thì nhận nung gạch xây thành nhưng đến ngày cuối cùng vẫn còn thiếu hai cái cổng thành. Chúa Lương Ngọc Tặng ở mường Háng Riềng – chúa vùng Phục Hòa, Cao Bằng ngày nay giỏi làm thuyền thì hứa sẽ làm thuyền nhưng hết hạn cũng chưa làm xong. Mặc dù đã làm xong một chiếc thuyền to, tuy vậy vẫn chưa kịp lật ngửa lên để hoàn thành. Chiếc thuyền hiện nay vẫn còn là một quả đồi ở bản Khau Lừa, xã Bế Triều, huyện Hòa An ngày nay. Chúa Hà Thanh Giang ở mường Co Sầu, Trùng Khánh giỏi võ thì hứa sẽ tập võ thật giỏi và điêu luyện để thi múa võ, mặc dù chúa Hà Thanh Giang đã rất giỏi nhưng chưa đạt đến trình độ diêu luyện và diệu nghệ của công phu. Chúa Nông Quang Thạc ở Háng Mường - chúa vùng Bảo Lâm Bảo Lạc, CB thì giao ước sẽ đi sang Trung Quốc lấy trống đồng, mang trống đồng về đến đèo Cao Bắc do mệt quá nên đã ngủ say thiếp để trống lăn xuống dốc núi, trống lăn kêu vang cả một vùng. Các chúa khác nghe tiếng trống rất to nên đã tưởng chúa Nông Quang Thạc thắng cuộc và tất cả đều bỏ cuộc thi. Do đó, cuối cùng thì Thục Phán vẫn ngự trị ngai vàng. Sau vua Thục Phán đã lấy ngôi hiệu là An Dương Vương.
Nhận xét: Chúng ta đã khảo sát những nguồn tài liệu về Thục Phán An Dương Vương và nhận thấy rằng: hiện có thể xếp nguồn tài liệu này thành 3 nhóm lớn. Nhóm thứ nhất là nhóm ký, đặc điểm của nhóm này là các tài liệu được người Hán ghi chép dưới dạng văn bản, lưu hành ở phương bắc và hình thành trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 9. Nhóm thứ hai là nhóm truyền thuyết – ký, đặc điểm của nhóm này là các tài liệu được người Việt ghi chép dưới dạng văn bản và trong truyền thuyết dân gian, các tài liệu này lưu hành ở khu vực cư dân tộc Việt sinh sống (đồng bằng sông Hồng – sông Mã). Nhóm thứ ba (thực ra có thể chia tách nhỏ hơn thành 2 nhóm) là nhóm truyền thuyết, đặc điểm của nhóm này là các tài liệu được các tộc người (gần gũi nhau) Choang, Tày, Nùng lưu truyền dưới hình thức truyền thuyết, khu vực lưu hành cũng chính là khu vực mà các tộc người này sinh sống và đó chủ yếu là vùng đồi núi giữa biên giới Việt – Trung ngày nay.
Đối với nhóm tài liệu thứ hai thì: đối với các truyền thuyết của người Việt trong dân gian về cơ bản là có những tương đồng với những ghi chép trong văn bản, có chăng thì đó là sự giản lược đi hoặc có chút ít biển đổi cho phù hợp với văn hoá riêng có, nhưng về nội dung thì vẫn giống với những ghi chép trong văn bản. Khảo sát những truyền thuyết trong các văn bản được biết đến của tộc Việt như truyện Mỵ Châu Trọng Thuỷ, truyện Rùa vàng xây thành, nỏ thần Cao Lỗ, thì nhận thấy nó có mối liên hệ gần gũi với nguồn tài liệu thứ nhất hơn là nguồn tài liệu thứ ba.
Truyền thuyết Chín chúa tranh vua của người Tày Nùng cho rằng: Thục Phán là người bản địa, trong khi đó truyền thuyết của người Việt và tài liệu sử (thuộc dạng ký) của người Hán thì giống nhau cho rằng: Thục Phán là người đất Ba Thục. Thêm đó truyền thuyết nỏ thần của người Việt giống với ghi chép của người Hán hơn là truyện Thần cung bảo kiếm của người Choang. Trong truyện của người Việt và sử của người Hán thì cuộc hôn nhân là một kế hoạch trong cuộc chiến ngay từ đầu giữa Thục Phán và Triệu Đà, trong khi truyện Thần cung bảo kiểm thì đó là cuộc hôn nhân đẹp và cuộc chiến là sự hiểu lầm. Qua những chi tiết ấy cho thấy, nguồn tài liệu thứ hai gần gũi với nguồn tài liệu thứ nhất hơn là nguồn tại liệu thứ ba. Có thể phản biện rằng: do truyền thuyết có sự biến đổi cho phù hợp với không gian văn hoá, nên tuy rằng từ đầu người Việt, người Choang Tày Nùng, người Hán có ghi chép giống nhau nhưng theo thời gian, ở người Choang, Tày Nùng có sự biến đổi sự kiện cho phù hợp với văn hoá. Đó cũng là một lập luận chắc chắn, nhưng có một sự kiện vô tình phá vỡ lập luận này. Đó chính là những sự kiện diễn ra ở thời điểm cuối của cuộc đời An Dương vương Thục Phán, nếu như Thục Phán là người bản địa (người Tày Nùng) thì ngoài nhưng thông tin trong truyền thuyết về xuất thân của An Dương vương thì hẳn là người Tày Nùng cũng phải có những thông tin về đoạn cuối của cuộc đời Thục Phán, nói chính xác hơn là từ khi người anh hùng của họ đánh bại Hùng Vương lập nước Âu Lạc xương An Dương vương tới cuộc hôn nhân của con gái, chuyện xây thành, nỏ thần và cuối cùng là cái chết của ngài. Nhưng chúng ta vẫn chưa thấy người Tày Nùng cung cấp những thông tin ấy. Do đó mà truyền thuyết của người Tày Nùng khó có thể là sự biến đổi từ truyền thuyết của người Việt và ghi chép của người Hán vì nếu là sự tiếp thu của người Việt và người Hán thì sẽ không có sự thiếu hụt lượng thông tin lớn như vậy. Đối với truyền thuyết của người Choang tôi không có nhận xét gì. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng: nguồn tại liệu thứ nhất và thứ hai có mối quan hệ gần gũi và nguồn tài liệu thứ ba không phải là phái sinh từ 2 nguồn tài liệu này.
Về nguồn tài liệu thứ nhất và thứ hai, do là chúng có những tương đồng cơ bản, nên rất có thể chúng đã tham khảo nhau hay nói cách khác một trong hai nguồn là sự tiếp thu từ nguồn còn lại. Những truyền thuyết của nguồn tài liệu thứ hai chủ yếu được biết đến từ những ghi chép dưới hình thức văn  bản khoảng thế kỷ 9 trở đi, trong khi ở nguồn tài liệu thứ nhất chúng ta thấy chúng xuất hiện sớm hơn rất nhiều, thêm vào đó bản thân các sách sử của người Việt đều dẫn các tài liệu ghi chép của người Hán. Nếu như An Dương vương xuất thân ở một vùng đất nào đó thì truyền thuyết của người Việt sẽ ghi chép lại, trong khi ngày này truyền thuyết của người Việt cũng cho rằng Thục Phán quê ở đất Ba Thục, do vậy nếu đúng Thục Phán xuất thân từ Ba Thục thì không thể nói điều gì về mối quan hệ giữa hai nguồn tài liệu nhưng nếu Thục Phán không xuất thân từ Ba Thục thì chắc chắn truyền thuyết của người Việt tham khảo từ tài liệu của người Hán. Đối với nguồn tài liệu thứ nhất chỉ xác nhận rằng: con vua nước Thục thu phục các Lạc vương, trong khi đó truyền thuyết của người Việt lại nêu nguồn cơn của việc Thục Phán đánh Hùng Vương là do trước đây tổ tiên của Thục Phán từng có hận do không cưới được con gái của Hùng Vương, sự kiện này là một gạch nối giữa thời đại Hùng Vương với thời đại An Dương vương, tuy nhiên ở trên chúng ta đã thấy, không có cơ sở để cho thấy thời đại Hùng vương là có thật, nó giống một kiến tạo hơn, vì thế nó kéo theo sự kiện vua nước Thục hỏi con gái vua Hùng cũng là một kiến tạo. Tuy nhiên do các ghi chép trong sử của người Hán là rất giản lược nên chúng ta không thể biết được rằng: trên thực tế có chuyện vua nước Thục hỏi con gái các Lạc vương hay không? Có thể có nhưng đã bị lược đi trong các tài liệu này. Người Hán cũng có câu chuyện về Rùa giúp Trương Nghi xây thành. Từ những manh mối đó tôi phán đoán rằng: Người Việt đã sáng tạo truyền thuyết của mình trên cơ sở những tài liệu của người Hán hay nói cách khác nguồn tài liệu thứ hai chịu sự ảnh hưởng trực tiếp từ nguồn tài liệu trước đó. Ở đây chúng ta dừng lại ở sự ảnh hưởng, vì cũng giống như trường hợp của Kinh Dương vương, Lạc Long quân, Hùng vương, có thể trước đó người Việt có những truyền thuyết riêng có của mình, nhưng do quá trình tiếp xúc, các truyền thuyết ấy bị Hán hoá, dẫn biến đổi thành bộ mặt như chúng ta thấy ngày nay.
Chúng ta đặt câu hỏi: liệu có mối quan hệ giữa nguồn tài liệu thứ nhất và thứ ba không? Xin viết lại một ý ở các phần trước, đó là việc: Tư Mã Thiên sử dụng từ Mân Việt (đất Mân), Dương Việt (đất Nam Hải, Quế Lâm, Tượng) là vì 2 vùng đất này tiếp giáp với nước Việt của Công Tiễn ngày trước, đồng thời Tư Mã Thiên cũng gọi 2 vùng đất này là Âu Lạc (có lẽ là ký âm của người Hán đối với dân bản địa) như thế Âu Lạc là vùng đất khá rộng và đến thời của Thiên thì khu vực này có 2 tộc người lớn là Tây Âu và Mân-Đông Âu. Trong cách dùng từ của Tư Mã Thiên đôi khi tác giả chỉ dùng mỗi từ Âu như Đông Âu, Tây Âu (thực ra là cách gọi tắt, dùng đúng thì phải đầy đủ cả Âu Lạc nghĩa là Đông Âu Lạc, Tây Âu Lạc) thành ra đến thời Ban Cố trở đi, các tác giả khi chú giải Sử ký thường hiểu Âu Lạc của Tư Mã Thiên gồm Âu và Lạc. Mà đã có Đông Âu, Tây Âu rồi, thì tất nhiên là phải có Lạc (Việt) và đây cũng chính là thời điểm sự hiểu biết của người Hán tiến tới vùng đồng bằng sông Hồng. Do đó dân đồng bằng sông Hồng trở thành Lạc dân và người đứng đầu của họ là Lạc vương. Trong Giao Châu ngoại vực ký có ghi chép con vua đất Thục là Thục Phán và trong truyền thuyết của người Tày Nùng thì có cha con vua Thục Chế, Thục Phán. Có lẽ ngoài việc cùng mang họ Thục thì không có điểm gì chung giữa hai nguồn tài liệu này. Tuy là vùng đối núi song khu vực của người Choang Tày Nùng cũng có sự tiếp giáp với vùng đất Ba Thục, lại thêm vào đó là sự di cư, nên việc trùng họ cũng không có gì là khó hiểu.
Bây giờ chúng ta phải làm thêm một điều nữa là tạo cơ sở để chứng minh Giao Châu ngoại vực ký cũng là một sự ghi chép không chắc chắn. Thật vậy, sách Giao Châu ngoại vực ký có chép việc: vua nước Nam Việt sai 2 viên quan điển sứ trông coi quận Giao Chỉ và Cửu Chân dâng rượu, bò và sổ sách cho Lộ Bác Đức, tuy nhiên ghi chép này không giống với ghi chép trong Sử ký của Tư Mã Thiên và Hán thư của Ban Cố, theo như 2 cuốn sách cổ hơn này thì ngay từ đầu vua Nam Việt đã chống lại nhà Hán và không có chuyện sai 2 quan điển sứ dâng sổ sách.
Một đoạn chép khác cũng cần phân tích thêm. “Giao Châu ngoại vực kí viết: Giao Chỉ xưa khi chưa có quận huyện, đất đai có ruộng gọi là Lạc điền. Ruộng đó theo nước triều lên xuống. Dân khai khẩn trên ruộng đó lấy lương thực, do đó mà gọi là Lạc dân. Đặt ra Lạc vương, Lạc hầu, làm chủ các quận huyện. Huyện phần nhiều là các Lạc tướng. Lạc tướng mang ấn đồng đai xanh. Sau đó con Thục Vương đem 3 vạn quân đánh Lạc vương, Lạc hầu, thu phục Lạc tướng. Con Thục vương nhân đó mới xưng là An Dương Vương. Sau Nam Việt vương Úy Đà đem quân đánh An Dương Vương”.
Lê Minh Khải cho rằng quận huyện là phát hiện của người Hán, do đó mà đặt ra Lạc vương, Lạc Hầu làm chủ quận huyện cho thấy người đặt ra các Lạc vương, Lạc hầu là triều Hán, quan điểm này được củng cố khi các Lạc tướng mang ấn đồng đai xanh, ấn đồng đai xanh được cho là biểu tượng quyền lực của nhà Hán và các Lạc tướng này là những người Việt đầu tiên hợp tác với Hán triều. Thế nhưng trong một đoạn khác Giao Châu ngoại vực ký chép: "Vua nước (Nam) Việt sai hai sứ giả trông coi dân hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân, sau nhà Hán sai Phục ba tướng quân là Lộ Bác Đức đánh vua nước Việt, Lộ tướng quân đến quận Hợp Phố, vua nước Việt sai hai sứ giả đem một trăm con bò, một ngàn vò rượu cùng sổ hộ khẩu dân hai quận đến gặp Lộ tướng quân, bèn bái hai sứ giả làm Thái thú của hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân, các Lạc tướng vẫn trị dân như cũ”.
Khi Lộ Bác Đức dẹp xong Nam Việt thì vẫn để các Lạc tướng trị dân như cũ, điều này cho thấy trước khi nhà Hán tới thì ở Giao Chỉ và Cửu Chân đã có Lạc vương, vậy thì có thể là Triệu Đà đặt ra Lạc tướng chăng? Cũng không phải vì An Dương vương trước khi bị Triệu Đà diệt thì đã kịp thu phục các Lạc vương. Vậy là các Lạc vương còn có trước cả khi Thục Phán chinh phục. Điều này cho thấy, bản thân trong các đoạn văn của Giao Châu ngoại vực ký có những ghi chép không đồng nhất. Do đó mà nguồn tài liệu này khó mà tin cậy.
Như vậy tác phẩm Giao Châu ngoại vực ký cũng là một kiến tạo, nó cố gắng tạo ra những mảnh ghép lịch sử để kết nối một cách hợp lý (có tính liên tục) Giao Chỉ, Cửu Chân với hiện thực 2 vùng đất này thuộc nhà Hán như sách sử của Ban Cố chép. Có một thực tế là Giao Chỉ, Cửu Chân thuộc nhà Hán, nhưng từ bao giờ và qua sự kiện nào? Thì các sử gia như Ban Cố không biết, nên trong Hán thư ông chỉ viết diệt Nam Việt chia nước thành 9 quận trong đó có quận Giao Chỉ, Cửu Chân. Không chỉ có Giao Châu ngoại vực ký mà các bộ sử khác của Trung Quốc sau này cũng cố gắng để hợp lý hoá hiện thực ấy. Thục Phán An Dương Vương dẹp Lạc vương, rồi Triệu Đà dẹp An Dương vương, cuối cùng 2 viên điển sứ trông coi Giao Chỉ, Cửu Chân dâng sổ cho Lộ Bác Đức chẳng qua chỉ là những sự kiện mà Giao Châu ngoại vực ký tạo ra để kết nối hiện thực Giao Chỉ, Cửu Chân thuộc Hán mà thôi. Sự kiến tạo này không hoàn toàn là kiến tạo, nó ít nhiều được kiến tạo trên một cơ sở nào đó, chẳng hạn như những câu chuyện truyền thuyết của người Tây Âu (Choang, Tày, Nùng) ở khu vực biên giới Việt - Trung ngày này.
Các bộ Việt sử thì dựa trên truyền thuyết và Hán sử để viết rằng biên giới nước Xích Quỷ của vua Kinh Dương Vương phía bắc tới hồ Động Đình, phía tây giáp Ba Thục, phía đông giáp Đông Hải, phía nam giáp nước Hồ Tôn, rằng vua Kinh Dương Vương là ám chỉ vua của vùng Kinh – Dương bên bờ sông Dương Tử, rồi truyện chàng Gióng đánh giặc Ân (Thương), chuyện con vua nước Thục tên Phán đánh đuổi Hùng Vương và cả những chuyện như 18 đời vua Hùng truyền ngôi tới những 2000 năm. Tất cả những câu chuyện ấy ngay từ đầu đã được nhìn nhận là sự thật của lịch sử nên chúng ta mới tìm cách hợp thức hoá bằng cách đi tìm quê hương của Thục Phán trong văn hoá Tày – Nùng ở Cao Bằng, rút ngắn thời gian hình thành nước Văn Lang vào khoảng thể kỷ thứ 6 - thứ 5 trước công nguyên. Việc hợp thức hoá các truyền thuyết chỉ ra 2 điều: Chúng ta vẫn tin đó là sự thật và khi sự thật này mâu thuẫn với những chứng cơ khoa học, thì như chúng ta thấy, nó được thay đổi, biến đổi cho phù hợp, nghĩa là chúng ta vẫn đang tiếp tục kiến tạo lịch sử. Thực ra những lý giải cho những truyền thuyết thật đơn giản, nếu chúng ta giả sử có một nước ở vùng Kinh – Dương bên bờ sông Dương Tử thì đúng là phía bắc giáp hồ Động Đình, phía tây giáp Ba Thục, việc giao tranh giữa nước này với nước Ân (Thương) ở phía bắc cũng là việc dễ hiểu và cả chuyện xung đột với nước Thục cũng không có gì mâu thuẫn, một sự trùng hợp khá ngẫu nhiên khi 51 vị vua nước Sở (vùng Kinh – Dương) lại mang họ Hùng. Thêm đó, các tài liệu sử cũng có ghi chép về những lần di dân từ phương bắc về phương nam để tránh chiến tranh, trong đó 2 thời ác liệt nhất là chiến quốc và tam quốc. Việc di dân của những người phương bắc xuống phương nam, không loại trừ trường hợp những người nước Sở cũng tham gia, người vùng Kinh – Dương tiến xuống phía nam, họ mang theo tiếng nói, chữ viết, phong tục và cả truyền thuyết, bằng cách đó truyền thuyết và rộng hơn là văn hoá đã không còn nằm trong phạm vi nhỏ hẹp thường ngày, mà đã được mang theo, phổ biến, lưu truyền ở vùng rộng lớn, tất nhiên khi xuất hiện ở những vùng khác nhau, được các tộc người khác nhau tiếp nhận, nó được biến đổi cho phù hợp.
Tiểu kết: Như vậy giả thuyết của chúng ta là: Để giải thích cho hiện thực Giao Chỉ, Cửu Chân thuộc Hán và trên cơ sở những yếu tố văn hoá khu vực phía nam sông Dương Tử, Giao Châu ngoại vực ký kiến tạo nên những mảnh ghép lịch sử của Giao Chỉ, Cửu Chân. Sau này trên cơ sở những yếu tố văn hoá riêng có và tài liệu Hán sử người Việt kiến tạo tiếp những mảnh ghép lịch sử, những kiến tạo này tồn tại dưới 2 hình thức là: văn bản và truyền thuyết dân gian.
Kết luận: Không có cơ sở để khẳng định thủa Hồng Bàng là sự thật lịch sử.
4. Không có cơ sở để khẳng định thủa Hồng Bàng tồn tại không có nghĩa ở khu vực đồng bằng sông Hồng không tồn tại nền văn hoá, văn minh. Đây chính là một rắc rối lớn trong lịch sử.
Một tư duy quan trọng trong nghiên cứu lịch sử, đó là: Tài liệu ghi chép dưới hình thức văn bản; truyền thuyết dân gian và bằng chứng khảo cổ học, di truyền gen có mối quan hệ bổ sung, chứng minh cho nhau. Chính vì tư duy này mà khi khảo cổ học tìm thấy mũi tên đồng ở thành Cổ Loa, đã tạo cơ sở để khẳng định truyền thuyết về nỏ thần đang tiến gần tới hiện thực mà không còn là những truyền thuyết. Việc không có sự tồn tại của An Dương vương khiến chúng ta bối rối trong việc giải thích sự tồn tại của thành Cổ Loa cũng là phản ánh của tư duy này và việc tìm thấy trống đồng và các bằng chứng khảo cổ khiến chúng ta càng được củng cố (niềm tin) hơn về các truyền thuyết thời Hùng vương, khi khảo cổ học phát hiện hoá thạch của lá giong khiến chúng ta đặt giả thuyết: truyền thuyết bánh chưng bánh dày có khi là thật.
Đó thực sự là một tư duy quan trọng trong nghiên cứu lịch sử, tuy nhiên không phải lúc nào và trong bất cứ trường hợp nào cũng áp dụng thành công tư duy này. Tư duy này cần có những điều kiện áp dụng nhất định. Chẳng hạn như việc phát hiện lá giong hoá thạch không có nghĩa là truyện bánh chưng bánh dày là có thật, vì bằng chứng khảo cổ học (hoá thạch của lá giong) chỉ là một bằng chứng rất nhỏ để kết luận xem truyện bánh chưng bánh dày có thật hay không? Người Việt đã làm bánh chưng bánh dày từ hàng ngàn năm trước, nhưng mãi tới 1000 năm nay, truyện bánh chưng bánh dày mới được sáng tạo ra để giải thích cho sự tồn tại của 2 loại bánh có ý nghĩa này. Việc thành Cổ Loa được xây từ 2000 năm trước, không có nghĩa người xây là Thục Phán và nó cũng không đủ mạnh để chứng minh An Dương vương là có thật, truyện Thục Phán diệt yêu tinh, nhờ rùa xây giúp thành có khi là sáng tạo của người Việt nhằm giải thích cho sự tồn tại của thành Cổ Loa mà thôi. Bản thân những mũi tên đồng tìm thấy ở thành Cổ Loa cũng vậy, nó không thể chứng minh một cách rõ ràng Cao Lỗ là có thật, còn cái nỏ thần được nhắc tới thì cùng lắm cũng giống như những cái nỏ vẫn được biết đến ngày nay. Những mũi tên đồng được tìm thấy có thể là vũ khí cho một trận chiến nào đó, nhưng không có nghĩa nó là cuộc chiến của Thục Phán. Như vậy trong mối quan hệ giữa truyền thuyết và khảo cổ học vì là có khoảng cách quá lớn, nên những bằng chứng khảo cổ học hiện được biết đến không đủ sức để chứng minh một cách thuyết phục rằng truyền thuyết đúng, trừ khi khảo cổ học tìm được mũi tên đồng hoặc cái gì tương tự có ghi “thuộc về An Dương vương”; “Cao Lỗ tạo ra”. Còn cho đến khi chưa tìm ra những bằng chứng không thể chối cãi đó thì truyền thuyết vẫn cứ là truyền thuyết! Nó là lời giải thích, tư duy của người tạo ra nó về thế giới hiện thực.
Khảo cổ học tuy là không phải lúc nào cũng có thể chứng minh được cho các truyền thuyết là có thật, song nó lại tạo ra những kết luận của riêng nó mà không ai có thể chối cãi được. Lịch sử Việt Nam có thể không diễn ra như trong truyền thuyết, nhưng không có nghĩa không có lịch sử, không có nền văn hoá, văn minh. Với những bằng chứng khảo cổ, chúng ta đủ cơ sở để xác lập nền văn hoá liên tục từ Văn hoá Hoà Bình tới Văn hoá Phùng Nguyên tới Văn hoá Đông Sơn. Các truyền thuyết chỉ là một cố định, một phiên bản, một kịch bản mà lịch sử Việt Nam diễn ra như vậy, trong khi lịch sử diễn ra đa dạng hơn rất nhiều. Nếu chúng ta nghĩ rằng: các truyền thuyết là lịch sử Việt Nam thì đó là một tư duy cố định, chúng ta cố gắng chứng minh, đi tìm cơ sở để khẳng định truyền thuyết là có thật để tiến tới kết luận xa hơn, lịch sử Việt Nam là 4000 năm, như vậy chúng ta sẽ rơi vào bế tắc, trong khi khảo cổ học đã giúp chúng ta tốt nhất trong việc chứng minh rồi. Với những bằng chứng khảo cổ học chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định, lịch sử Việt Nam có nhiều hơn 4000 năm lịch sử. Nhưng câu hỏi là: vì sao chúng ta vẫn cứ phải cố gắng chứng minh các truyền thuyết? Vì các truyền thuyết thì sinh động hơn, rõ nét hơn, cho chúng ta quãng thời gian, tên gọi chính xác hơn hay nói cách khác chúng ta cảm nhận và nhận thức về lịch sử qua truyền thuyết dễ dàng hơn khảo cổ học và cũng vì chúng ta không có đủ sử liệu và khảo cổ học của chúng ta chưa có những bước tiến vượt bậc.
Để ý thấy những truyền thuyết của người Việt phần nhiều mang yếu tố lịch sử, trong khi Thần cung bảo kiếm của người Choang nói nhiều về chuyện tình yêu, thì của người Việt là lịch sử. Câu hỏi là: vì sao những người Việt kiến tạo nên những truyền thuyết lại mang đậm tính lịch sử vậy? Có lẽ vì khi vừa giành độc lập, người Việt thiếu hụt một lượng thông tin rất lớn về lịch sử trước đó, vì thế đã kiến tạo nên nhiều truyền thuyết có tính lịch sử. Nếu đúng vậy câu hỏi thêm: Nếu là dân bản địa thì hẳn phải có những truyền thuyết để giải thích về nguồn gốc của tộc người, cũng như lịch sử, đằng này ngay cả việc giải thích nguồn gốc và các giai đoạn lịch sử cũng vay mượn của người phương bắc, cho thấy chủ nhân của các truyền thuyết này đã không có một truyền thuyết nào riêng có trước đó. Việc này thêm lần nữa củng cố giả thuyết: chủ nhân của những truyền thuyết này không phải người bản địa mà là người từ vùng khác tới. Đây là một câu hỏi lớn và cần nhiều bằng chứng hơn, chúng ta tạm nêu ra và sẽ bàn trong một bài khác.
Ngày nay chúng ta tiếp nối truyền thống của người xưa thông qua tư duy rằng: lịch sử duy nhất chính là truyền thuyết. Nếu người xưa do thiếu hụt thông tin về lịch sử đã kiến tạo nên các truyền thuyết thì chúng ta tiếp nối truyền thống ấy thông qua việc cho rằng: lịch sử diễn ra duy nhất theo một cách trong truyền thuyết. Đáng lẽ chúng ta phải đào bới nhiều hơn, viết lịch sử trên những gì tìm thấy từ khảo cổ học và trả truyền thuyết về đúng chỗ của nó là một phần của nền văn học, văn hoá dân gian. Từ Việt sử lược tới Đại Việt sử ký toàn thư tới Khâm định Việt sử thông giám cương mục tới Việt Nam sử lược tới Lịch sử Việt Nam và một loạt các cuộc Hội thảo, để cho thấy truyền thuyết có ý nghĩa như thế nào đối với lịch sử nếu không muốn nói rằng: đó là nguồn cảm hứng chính, đó là công việc chính (là chứng minh truyền thuyết đúng là lịch sử, lịch sử diễn ra đúng như truyền thuyết). Chúng ta vẫn đang tiếp nối công việc của người xưa, kiến tạo cho dân tộc một lịch sử. Nhưng chúng ta không cần kiến tạo, không cần truyền thuyết, chúng ta luôn có lịch sử của dân tộc mình rồi!
Nếu chúng ta so sánh văn hoá Việt và văn hoá Hán thời điểm giành độc lập thì rất khó để tìm thấy những yếu tố khác biệt đủ lớn và đủ nhiều, thế nhưng nếu chúng ta so sánh văn hoá thời Đông Sơn, thì ngược lại rất khó để tìm thấy những yếu tố tương đồng, có một sự khác biệt rất lớn giữa 2 nền văn hoá này. Những bằng chứng về ngôn ngữ có thể tạm thời xác định được không gian văn hoá của các đại tộc, đại tộc Hán sống ở khu vực sông Hoàng Hà và sông Trường Giang, đại tộc Thái thì sống ở vùng phía tây đồi núi giữa Việt – Trung, đại tộc Việt (tôi nghĩ gọi là Mol – theo cách gọi của người Mường thì chính xác hơn) sinh sống ở vùng đồng bằng sông Hồng tới sông Cả. Người của nền văn hoá Đông Sơn (tiền Việt Mường) có đời sống sông nước, chế độ thị tộc mẫu hệ, có kiến trúc và trang phục độc đáo, có kỹ thuật đúc đồng phát triển. Bằng chứng khảo cổ học và di truyền cho thấy người hiện đại xuất hiện rất sớm ở vùng bắc bộ, họ sinh sống ở đây lâu dài hình thành nên nền văn hoá Hoà Bình đã biết tới trồng trọt, đồ gốm và kỹ thuật tạo tác dụng cụ bằng đá phát triển, những di vật tìm thấy ở cánh cung Phú Thọ - Hoà Bình - Thanh Hoá cho thấy cư dân bản địa sinh sống gần môi trường nước. Việc tồn tại thành Cổ Loa cũng như mũi tên đồng trong thành cho thấy sự hình thành của xã hội có tổ chức. Trong khi những bằng chứng về văn hoá và sử liệu thì khẳng định sự di dân từ phương bắc tới phương nam, từ đó đã dẫn tới sự pha trộn giữa các tộc người cả về mặt di truyền và văn hoá, các yếu tố phương bắc ngày càng đậm đặc ở nền văn hoá Đông Sơn, đồng nghĩa với đó, là các yếu tố văn hoá Đông Sơn nhạt dần theo thời gian trong xã hội Giao Châu. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét