Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

VIỆT CHIÊM TRƯỜNG TRẬN TÂN BIÊN (PHẦN 5)


1. Theo như ghi chép của Toàn thư thì vào tháng 12/1127 Lý Nhân Tông mất, đến tháng 1/1128 có hơn 2 vạn người Chân Lạp đã tổ chức cướp bến Ba Đầu ở châu Nghệ An. Trong khoảng thời gian 1 tháng, kể từ khi thông tin Nhân Tông mất được phát đi từ Thăng Long, cho tới việc người Chân Lạp chuẩn bị thuyền chiến quân lương, rồi vượt biển Chiêm Thành tấn công bến Ba Đầu là không thể. Vì thế cho phép chúng ta phỏng đoán vào thời điểm Lý Nhân Tông mất, người Chân Lạp đã lưu trú tại gần khu vực biên giới phía nam.
-- Vào năm 1076 Lý triều có đổi châu Địa Lý thành châu Lâm Bình, châu Ma Linh thành châu Minh Linh. Thế nhưng người Chân Lạp lại vào cướp châu Nghệ An chứ không phải 3 châu Bố Lâm Minh, xem ra người Chân Lạp đã kiểm soát được 3 châu phía nam rồi.
-- Việt sử lược chép việc Chân Lạp vào cướp xảy ra trong tháng 2/1128, nhưng có thể sách đó chép gộp, vì như Toàn thư chép rõ hơn: tháng 1/1128 cho nhập nội thái phó đem quân các quan chức đô cùng người châu Nghệ An đi đánh, đến tháng 2/1128 thì đánh thắng được người Chân Lạp tại bến Ba Đầu, đồng thời cầm tù chủ tướng và quân lính.
-- Trong tháng 2/1128 thư báo tin thắng trận về tới kinh sư, vua làm lễ tạ ơn Phật đã ngầm giúp Công Bình thắng giặc. Rõ ràng đây là một cuộc đụng độ lớn và với việc người Chân Lạp lưu trú tại bến Ba Đầu từ tháng 1 đến tháng 2 cho thấy đây là một cuộc xâm chiếm.
-- Vào tháng 3/1128 thái phó đem quân về kinh sư, dâng tù 169 người, đến tháng 8/1128 người Chân Lạp cùng 700 chiến thuyền tấn công hương Đỗ Gia thuộc châu Nghệ An, người Thanh Hóa là Nguyễn Hà Viêm và Dương Ổ được lệnh đem quân đánh giặc.
-- Sau 2 lần tấn công Đại Việt nhưng không thành, Chân Lạp gửi quốc thư đòi người sang sứ, nhưng Lý triều đã không trả lời.
-- Theo như Tống sử thì vào năm 1129 quốc vương của Chiêm Thành là Dương Bốc Ma Điệp có cử sứ sang cống. Vậy mà khi Dương Hoán lên ngôi lại không thấy sứ Chiêm Thành tới mừng, cho dù Thăng Long có thông báo.
-- Có thể thành Vijaya cho phép người Chân Lạp đồn trú tại phía bắc, nên tất yếu nảy sinh mâu thuẫn giữa quân đội Campuchia với các thế lực địa phương, khiến người Chiêm Thành là Ung Ma Câu phải sang Thăng Long quy phụ vào tháng 3/1130 như ghi chép của Toàn thư.
(Trích từ sách Vương Quốc Champa của tác giả Pièrre-Bernard Lafont)
-- Nhưng đến tháng 11/1130 Chiêm Thành sang cống, Toàn thư cho biết thêm tháng 12/1130 vua Lý Thần Tông đánh cầu ở Long Trì, cho sứ nước Chiêm Thành vào hầu xem. Hẳn đây không phải là cuộc cống nạp bình thường, có thể mục đích là thăm dò và với việc cho sứ vào xem đánh cầu, Thăng Long tỏ thái độ vỗ về.
-- Việt sử lược không chép rõ thời gian sứ Chiêm Thành sang cống, chỉ biết là từ tháng 6/1130 đến hết năm. Trong khi cả Toàn thư và Việt sử lược đều cho biết vào tháng 5/1130 Sùng Hiền hầu băng. Có thể sứ Chiêm Thành sang cống với mục đích dò xét thông tin Cung Hoàng băng và tình hình Thăng Long khi đó.
-- Lý triều cũng nhận ra tình hình căng thẳng tại biên giới phía nam nên vào tháng 9/1131 cho Mâu Du Đô coi châu Nghệ An. Dương Hoán lên ngôi không được suôn sẻ. Các thế lực tranh giành rất khốc liệt, rất nhiều người đã chết trong thời gian trị vị của Lý Thần Tông. Mâu Du Đô cùng phe với thái sư Trương Bá Ngọc và Cung Hoàng. Tháng 8/1128 ngài cùng Lưu Khánh Đàm được lệnh chọn các quan chức đô.
-- Sự việc xảy ra vào tháng 7/1132 như ghi chép trong Toàn thư là bọn Cụ Bàn người nước Chiêm Thành trốn về, đến trại Nhật Lệ bị người trại ấy bắt được, giải về kinh sư, cho phép chúng ta xác định vào khoảng thời gian trên Thăng Long kiểm soát được 3 châu thuộc vùng phía bắc của Bình Trị Thiên. Có thể từ khi Lý Công Bình phá được người Chân Lạp vào tháng 2/1128.
-- Không thấy sách sử nhắc đến việc Cụ Bàn sang Đại Việt từ khi nào (Toàn thư có chép dưới thời Lý Nhân Tông vào năm 1124 người Chiêm Thành là Cụ Ông cùng 3 người em họ có tới Thăng Long để chầu). Nhưng rất có thể Bàn sang Đại Việt với mục đích gián điệp vì đến tháng 8/1132 liên minh Chân Lạp và Chiêm Thành tấn công châu Nghệ An.
--  Thăng Long cho thái uý Dương Anh Nhĩ đem người ở phủ Thanh Hóa và châu Nghệ An đi đánh quân Chân Lạp và Chiêm Thành.
-- Sự kiện tháng 9/1132 được chép trong Toàn thư là lệnh thư gia Trần Lưu của châu Nghệ An dâng ba người Chiêm Thành, vốn trước đây bọn người này thường ẩn nấp ở chổ hiểm yếu, bắt người châu Nghệ An đem bán cho người nước Chân Lạp, Lưu đặt phục binh ở chổ ấy, bắt được đem dâng.
-- Việc này cho thấy 2 điều, thứ nhất là việc qua lại giữa Chiêm Thành và Đại Việt tương đối thuận lợi, thêm nữa vì sao 3 người Chiêm Thành không bắt người ở các châu Bố Minh Lâm mà lại vào sâu nội địa của Đại Việt để bắt người, thứ hai là có những bộ phận người Chiêm Thành ủng hộ và liên kết với Chân Lạp để kháng Giao Châu.
-- Vào tháng 2/1134 cả Chân Lạp và Chiêm Thành vào cống, đến tháng 5/1134 Phạm Tín ở châu Nghệ An và Lệnh tư gia là Trần Lưu dâng hươu trắng. Tháng giêng năm 1135 nước Văn Đan xâm phạm bờ cõi, thái phó Lý Công Bình dẫn 30 vạn quân vào nam, người Văn Đan rút lui. Thái phó đem quân đi tuần các động, buộc người Sơn Liêu mạn tây nam phải thuần phục, đến tháng 2/1136 Công Bình tầu nước sông tại Nghệ An đỏ như máu.
-- Rất khó để biết có xảy ra xung đột giữa thái phó Lý Công Bình với Mâu Du Đô không, chỉ biết rằng vào tháng 9/1136 gián nghị đại phu bị bãi chức. Lưu ý rằng vào tháng 7/1135 phe cánh của Đô là thái sư Trương Bá Ngọc mất. Có thể nhân việc họ Mâu bị bãi chức, người Văn Đan đã liên kết với Chân Lạp tấn công châu Nghệ An.
-- Việt sử lược chép việc tướng Chân Lạp là Tô Phá Lăng tấn công châu Nghệ An sau một sự kiện vào tháng 9/1136 trong khi Toàn thư cho biết vào tháng giêng năm 1137, châu Nghệ An tâu việc người Chân Lạp tấn công.
-- Dựa vào mộ chí của Phụng Thánh phu nhân Lê thị chúng ta biết Lý Thần Tông băng vào năm 1137, trong khi Toàn thư chép ngài mất vào năm 1138, còn Việt sử lược thì chép phù hợp với mộ chí. Nên trong trường hợp này biên theo Việt sử lược.
-- Khi Thiên Tộ lên ngôi, không thấy Chiêm Thành sang cống, có thể Champa dựa vào Chân Lạp. Tống hội yếu tập cảo có chép việc phong thêm cho quốc vương Chiêm Thành là Dương Bốc Ma Điệt thực ấp 500 hộ vào tháng 3 năm Thiệu Hưng thứ hai (1132). Rõ ràng là Chiêm Thành tận dụng sự lớn mạnh của Chân Lạp, đồng thời nhân sự suy yếu do tranh giành giữa các thế lực tại Thăng Long thời Lý Thần Tông đã cố gắng thoát ra ngoài sự kiềm chế của Đại Việt.
-- Tác giả Maspero cho rằng người kế vị Harivarman V là Jaya Indravarman III lên ngôi vào năm 1139, nhưng lại chú thích thời gian trị vì của Dương Bốc Ma Điệp bắt đầu trước năm 1114 và kết thúc sau năm 1129.
-- Dựa vào Tống hội yếu tập cảo chúng ta biết rằng năm 1132 thuộc thời gian trị vì của Harivarman V. Thêm nữa sau khi lên ngôi vào năm 1139 Jaya Indravarman III có điều kiện xây dựng đền đài tôn giáo tại Mĩ Sơn vào năm 1140 và Nha Trang vào năm 1143, vì thế đặt giả thuyết Dương Bốc Ma Điệp giữ ngôi đến năm 1139.
-- Khi lên ngôi Indravarman III có thể đã thay đổi chính sách thuần phục Chân Lạp nên vào năm 1145 người Cam Bốt đã tấn công thành Phật Thệ, kết cục quốc vương của Chiêm Thành tử trận. Jaya Rudravarman IV lên ngôi nhưng phải lánh nạn tại tiểu quốc Panduranga (Ninh Thuận, Bình Thuận) và mất vào năm 1147. Con trai của ngài lên ngôi lấy danh hiệu là Jaya Harivarman I.
-- Việt sử lược chép tháng 9/1148 Chân Lạp tấn công châu Nghệ An, trong khi Toàn thư chép vào tháng 9/1150. Trong sự kiện này Việt sử lược chép đúng hơn, bởi đoàn quân viễn chính chiếm đóng tại thành Vijaya cùng với sự hỗ trở của quân Chiêm Thành tại phía bắc đã tấn công Panduranga nhưng không đạt được kết quả, nên vua của Chân Lạp là Suryavarman II đã cho người em trai của vợ là Harideva làm vua của Chiêm Thành. Jaya Harivarman I đã xuất quân tấn công lên phía bắc vào năm 1148, giết chết Harideva và làm chủ thành Phật Thệ, đồng thời lên ngôi vào năm 1149.
-- Như thế cánh quân Chân Lạp lưu trú tại Chiêm Thành đã bị đánh tan vào năm 1149 thì rất khó để tấn công Đại Việt vào năm 1150. Harivarman I xuất quân vào năm 1148 nhưng lại lên ngôi vào năm 1149 nên có thể ngài khởi binh vào cuối năm 1148. Tuy Việt sử lược không chép kết cục của cuộc tấn công châu Nghệ An, nhưng Toàn thư cho biết người Chân Lạp gặp nắng nóng ẩm thấp, phần nhiều chết vì lam chướng bèn tự tan vỡ.
-- Giả thuyết thời tiết vào thời điểm những năm 1148 cũng giống hiện tại, thì rất có thể nắng nóng ẩm thấp là gây ra bởi gió Lào, thường hoạt động từ hạ tuần tháng 4 đến trung tuần tháng 9. Nếu đúng thì chúng ta có thể tạm xác định được vào nửa đầu tháng 9/1148 người Chân Lạp tấn công châu Nghệ An. Sau cuộc tấn công không đạt được kết quả, quân Chân Lạp tại Chiêm Thành bị tổn thất, tận dụng thời cơ đó Harivarman đã xuất quân, giành lại quyền kiểm soát thành Vijaya.
2. Việt sử lược chép: “Canh Ngọ [1150] Người Chiêm Thành là Ung Minh Điệp sang chầu xin vua phong mệnh. Vua sai Nguyễn Mông đem 5 ngàn quân sang Chiêm Thành. Ung Minh Điệp làm vua Chiêm Thành (…) Nhâm Thân [1152] Chế Bì La Bút của Chiêm Thành tới cống (…) Quí Dậu [1153] Tháng 11, Chiêm Lạp tới cống”.
Toàn thư chép: “Nhâm Thân [1152] Người nước Chiêm Thành là Ung Minh Ta Điệp đến cửa khuyết xin mệnh cho làm vua nước ấy. Xuống chiếu cho Thượng chế Lý Mông đem hơn 5 ngàn người ở phủ Thanh Hoá và châu Nghệ An sang Chiêm Thành lập Ung Minh Ta Điệp làm vua. Mông đến Chiêm Thành bị vua nước ấy là Chế Bì La Bút chống cự, bọn Ung Minh Ta Điệp và Mông đều chết (...) Giáp Tuất [1154] Mùa đông tháng 10, vua nước Chiêm Thành là Chế Bì La Bút dâng con gái, vua nhận (…) Ất Hợi [1155] Tháng 11, nước Chiêm Thành sang cống”.
Sách Ancient Indian Colonies In The Far East của Ramesh Chandra Majumdar viết: “Jaya Harivarman đánh bại quân đội của Kirata. Các vị vua Kirata tuyên bố người anh rể của anh ấy [beau-frere de Jaya Harivarman, Le Royaume De Champa, Maspero] là Vansaraja, anh trai của vợ mình [frere de sa femme, Le Royaume De Champa, Maspero] làm vua trong thành trì của Madhyamgrama ……… Jaya Harivarman lãnh đạo đội quân của ngài ấy, đánh bại Vansaraja, bắt quân Kirata và đánh bại tất cả ……… Vua của xứ Yavanas [Juan, Đại Việt, Có một địa danh Lavang trong vương quốc Chăm pa xưa, Linh mục Gioan Võ Đình Đệ] được biết vua của Cambodge đã gây ra sự khó khăn cho Jaya Harivarman ……… tuyên bố Vansaraja, một người nông dân của Champa, có tư cách làm vua và đã trợ giúp anh ta vài vị tướng cùng hàng trăm ngàn binh lính Yavanas ……… [Đoàn quân nầy kéo đến tận, Có một địa danh Lavang trong vương quốc Chăm pa xưa, Linh mục Gioan Võ Đình Đệ] miền đồng bằng Dalva [Đông Hà, Quảng Trị] và miền đồng bằng [Lavang, Có một địa danh Lavang trong vương quốc Chăm pa xưa, Linh mục Gioan Võ Đình Đệ] Sau đó, Jaya Harivarman chỉ huy quân đội của Vijaya ……… Hai bên đã tham chiến trong trận đánh khủng khiếp. Jaya đánh bại Vansaraja với tất cả ……… Số lượng lớn quân lính Yavanas bị chết trên chiến trường” [Số 72. Chữ viết trên tấm bia Mỹ Sơn về Jaya Harivarman]
Sách Le Royaume De Champa của tác giả Maspero viết: “Jaya Harivarman đã hoàn toàn chiến thắng vào cuối năm 1150 hoặc đầu năm 1151. Ghi chú 3: Sự thất bại của Anna được đề cập qua những dòng chữ trên Batau Tablah được viết trong những năm 1149 và 1151”.
-- Xem ghi chép của Việt sử lược và Toàn thư chúng ta nhận ra sự giống nhau về cấu trúc sự kiện, nhưng thời gian thì sai lệch 2 năm. Trên cơ sở sai lệch giữa 2 sách này trong sự kiện Chân Lạp tấn công châu Nghệ An, chúng ta xác định Ung Minh Điệp chạy sang Đại Việt xin quân vào mùa đông năm 1150.
-- Việt sử lược cho biết năm 1152 vua của Chiêm Thành là Chế Bì La Bút tới cống, trong khi Toàn thư cho biết tháng 10/1154 Jaya Harivarman dâng con gái cho Lý Anh Tông, như thế cần phải sửa lại thành tháng 10/1152.
-- Chế Bì La Bút kháng lệnh Thăng Long, đồng thời đánh giết quân Lý, hẳn sẽ rất lo sợ người phương bắc lại kéo quân tới, nên đành dâng con gái với mục đích cầu hòa, vì thế việc dâng ái nữ phải xảy ra khá gần với sự kiện Việt Chiêm giao chiến, bởi như vậy thì mục đích mới có thể đạt được.
-- Toàn thư cho biết tháng 10/1152 chiếu cho Lý Mông đem 5 ngàn người ở phủ Thanh Hóa và châu Nghệ An sang Chiêm Thành lập Vansaraja làm vua. Thượng chế bị Chế Bì La Bút chống cự, Ung Minh Ta Điệp và Lý Mông đều chết.
-- Như vậy là vào mùa đông năm 1150 Vansaraja chạy sang Đại Việt xin được phong tước, Thăng Long sai Lý Mông đem 5 ngàn người ở phủ Thanh Hóa và châu Nghệ An đưa Ung Minh Điệp về Chiêm Thành. Có thể thượng chế đã mất khá nhiều thời gian để vào Thanh Nghệ điều động quân đội, cũng như chuẩn bị vũ khí lương thảo cho cuộc nam chinh. Nên mãi tới năm 1152, quân đội nhà Lý mới tiến hành chiến dịch, bi ký có đề cập tới đồng bằng Dalva, qua đó cho thấy người phương bắc tiến quân theo đường bộ.
-- Chưa rõ có tài liệu nào viết về địa điểm giao chiến không, nhưng cứ theo mô tả của bi kí về đồng bằng Dalva và đồng bằng Lavang, cũng như quân đội Yavana bị chết rất nhiều trên cánh đồng. Nên rất có thể, đã xảy ra 2 cuộc giao chiến, trước tại Dalva, người Chiêm rút lui, sau tại Lavang (theo như xác định của linh mục Gioan Võ Đình Đệ). Trận Lavang diễn ra có thể là vào đầu tháng 10/1152 và như mô tả của bi kí cũng như Toàn thư thì Vansaraja và Lý Mông cùng rất nhiều binh lính Đại Việt tử trận.
-- Sau trận Lavang, lo sợ Thăng Long kéo quân tới phục hận, Jaya Harivarman dâng người con gái cho Lý Anh Tông để cầu hòa vào trong cùng tháng 10/1152. Theo Việt sử lược thì tháng 11/1153 Chiêm Lạp sang cống. Toàn thư thì chỉ chép Chiêm Thành sang cống. Hẳn là vua Chân Lạp đã biết thông tin Thăng Long thất bại trong cuộc chiến với Chiêm Thành nên cử sứ sang đặt quan hệ liên minh, nhưng sự không thành.
3. Tống sử chép: “Năm Thiệu Hưng thứ hai mươi lăm [1155] con [Dương Bốc Ma Điệp] là Trâu Thời Lan Ba lên nối ngôi, sai sứ sang cống phương vật, xin phong tước. (Triều đình) ban yến cho sứ giả ở trạm dịch Hoài Viễn, lấy tước hiệu phong cho vua cha trước đây trao cho và đáp tặng cho rất hậu (…) Năm Càn Đạo thứ ba [1167] con là Trâu Á Na nối”.
Toàn thư chép: “Tân Tị [1161] Tháng 11, vua sai Tô Hiến Thành làm đô tướng, Đỗ An Di làm phó, đem 2 vạn quân đi tuần các nơi ven biển tây nam, để giữ yên miền biên giới. Vua thân đi tiễn đến cửa biển Thần Đầu ở Đại An mới trở về (...) Giáp Thân [1164] Mùa xuân tháng 3, nước Chiêm Thành sang cống (…) Bính Tuất [1166] Mùa xuân tháng 3, sứ Chiêm Thành đi đến miền Ô Lý, dùng quân phong thủy (ma thuật của thầy tăng) mà vượt biển, cướp bóc nhân dân ven biển nước ta rồi về (...) Đinh Hợi [1167] Mùa thu tháng 7, sai Thái uý Tô Hiến Thành đi đánh Chiêm Thành. Mùa đông tháng 10, Chiêm Thành sai sứ sang dâng trân châu và sản vật địa phương để xin hoà. Xuống chiếu cho Tô Hiến Thành đem quân về. Từ đấy nước Chiêm Thành giữ lễ phiên thần, dâng cống không thiếu”.
Việt sử lược chép: “Canh Thìn [1160] Chiêm Thành tới cống (…) Ất Dậu [1165] Chiêm Thành tới cống (…) Canh Dần [1170] Chiêm Thành tới cống”.
Sách Vương quốc Champa của tác giả Lafont viết: “Jaya Harivarman có thể băng hà vào những năm 1162-1166. Theo bi ký do cháu của vua để lại, con trai của ngài đã nhận vương hiệu Jaya Harivarman II, nhưng người ta cũng không biết vị tân quốc vương có lên ngôi trị vì không ? Vào năm 1167, Jaya Indravarman IV tổ chức cuộc đảo chính để chiếm quyền (…) Ngài là vị quan đã từng phục vụ trong chính quyền của Harivarman I (…) Ngài được các bi kí ca tụng đức độ và hiểu biết nhiều lĩnh vực”.
-- Sau cuộc chiến vào tháng 10/1152, Chiêm Thành cầu hòa bằng cách dâng công chúa cho Thiên Tộ, triều đình Thăng Long cũng nhận ra không nên tham chiến nên đành chấp nhận. Năm 1153 Chiêm Thành cử sứ sang cống và mãi đến năm 1160 mới cống nạp trở lại. Mà cũng không thấy Thăng Long hỏi đến, xem ra Lý triều không tự tin vào sức mạnh quân sự của mình.
-- Năm 1161 Thăng Long phải cử Tô Hiến Thành và Đỗ An Di đem 2 vạn quân vào phía nam để yên miền biên giới, sách không chép rõ đối tượng gây ra rối loạn nên rất có thể do nhiều thành phần gây ra, trong đó không loại trừ cho người Chiêm Thành. Nguyên văn trong Toàn thư là tây nam hải - biển tây nam sao ?
-- Toàn thư cho biết năm 1164 Chiêm Thành sang cống, trong khi Việt sử lược chép là năm 1165. Toàn thư cho biết thêm là vào mùa xuân, trong khi Việt sử lược chép là vào mùa thu. Xem ra đó là 2 lần cống nạp khác nhau.
-- Toàn thư cho biết vào tháng 3/1166 Chiêm Thành đem quân tới Ô Lý rồi vượt biển sang cướp bóc dân chúng. Sự việc này cho thấy 2 việc: Thứ nhất là biên giới Đại Việt đã được xác định tại 3 châu Bố Chính, Minh Linh, Lâm Bình. Thứ hai là người Chiêm đã thay đổi chính sách đối với Thăng Long.
-- Sự thay đổi chính sách cho thấy rất có thể một chính thể mới đã được thiết lập tại Phật Thệ và đó rất có thể là do Jaya Harivarman II lãnh đạo. Năm 1165 Chiêm Thành còn sang cống, vậy mà qua năm 1166 đã quấy nhiễu biên giới. Có thể năm 1165 Harivarman cha vẫn tại vị nhưng ngài mất trong năm đó nên người con trai của ngài lên ngôi và Harivarman con đã thay đổi chính sách.
-- Sự thay đổi chính sách của Harivarman con, đã buộc các quan lại trong triều đình của Chế Bì La Bút đắn đo và kết thúc là cuộc đảo chính do Jaya Indravarman IV lãnh đạo. Chúng ta không thể chắc chắn về các chính sách, song cũng có thể tạm nhận ra Harivarman cha và Indravarman IV theo đuổi chính sách hòa với phương bắc và mở rộng về phương nam, trong khi Harivarman thì ngược lại.
-- Thăng Long được tin Chiêm Thành cướp bóc, vua sai Tô Hiến Thành đem quân nam tiến vào tháng 7/1167, tuy nhiên chính quyền do Indravarman IV đã tránh được cuộc chiến nhờ việc cử sứ sang Thăng Long cầu hòa vào tháng 10/1167. Như Toàn thư chép thì từ đó trở đi Chiêm Thành biết giữ lễ phiên thần.
(Người viết xin được cảm ơn tác giả Nguyễn Quang Toản đã hỗ trợ tài liệu và những chỉ dẫn cần thiết)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét