Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

Lý triều tân biên: Thần Tông Hoàng Đế


1 . Toàn thư chép: “Nhâm Thìn [1112] Bấy giờ vua tuổi đã nhiều mà chưa có con trai nối dõi, xuống chiếu chọn con của tông thất để lập làm con nối. Em vua là Sùng Hiều hầu (không rõ tên) cũng chưa có con trai. Gặp lúc nhà sư núi Thạch Thất là Từ Đạo Hạnh đến chơi nhà, hầu nói với Đạo Hạnh về việc cầu tự. Đạo Hạnh dặn rằng: “Bao giờ phu nhân sắp đến ngày sinh thì báo cho tôi biết trước để cầu khấn với sơn thần”. Ba năm sau, phu nhân có mang sinh con trai là [Lý] Dương Hoán (…) Bính Thân [1116] Mùa hạ, nhà sư Từ Đạo Hạnh trút xác ở chùa núi Thạch Thất (Thạch Thất là tên huyện, tức là huyện Ninh Sơn ngày nay, tên núi là Phật Tích. Từ Đạo Hạnh đến chơi núi ấy, thấy tảng đá trong hang núi có vết chân người, lấy chân ướm vào vừa đúng: tục truyền đó là chỗ Đạo Hạnh trút xác). Trước là phu nhân của Sùng Hiến Hầu là Đỗ thị đã có mang, đến đây trở dạ mãi không đẻ. Hầu nhớ lại lời Đạo Hạnh dặn khi trước, sai người chạy ngựa đi báo. Đạo Hạnh lập tức thay áo tắm rửa, vào hang núi trút xác mà qua đời. Sau đó phu nhân sinh con trai, tức là Dương Hoán. Người làng cho là việc lạ, để xác Đạo Hạnh vào trong khám để thờ. Nay núi Phật Tích tức là chỗ ấy. Hàng năm, mùa xuân, cứ đền ngày mồng 7 tháng 3 con trai, con gái hội họp ở chùa, là hội vui có tiếng một vùng. Người đời sau ngoa truyền là ngày giỗ của”.
Việt sử lược chép: “Năm Hội Tường Đại Khánh thứ 3 [1112] Tháng 2 người ở Thanh Hoá nói: ở bờ biển có đứa bé trai lạ, 3 tuổi ít nói, tự xưng là chính con của Hoàng Đế, gọi là Giác Hoàng. Phàm việc gì của nhà vua nó đều biết trước, nhà vua sai quan trung sứ đến hỏi: Giác Hoàng nói đều ứng nghiệm cả, bèn rước về cho ở tại chùa Báo Thiên. Nhà vùa thường thấy linh dị, càng yêu mến nhiều hơn. Lúc bấy giờ vua không có con, muốn lập Giác Hoàng làm thái tử, quần thần không chịu đánh thôi. Rồi nhà vua lại bày ra hội chay ở trong cung cấm, muốn Giác Hoàng đầu thai thác hoá làm con mình. Khi ấy có bậc thiền sư ở núi Phật Tích là Từ Lộ hiệu Đạo Hạnh nghe vậy thì không vui. Từ Lộ bèn sai người em gái của mình là Từ thị đến dự hội mà bí mật lấy mấy viên ngọc đã được ấn bùa phép trao cho và dặn: đến chỗ hội ấy thì giấu ngọc phía sai tấm rèm, chớ để cho ai thấy. Từ thị làm theo lời ấy. Giác Hoàng bỗng nhiên mắc bệnh sốt, bèn nói rằng: tôi thấy khắp nước nhà đều có lưới sắt, không có đường thác vào cung nữa. Nhà vua sai người lục soát, bắt được ngọc do Từ thị giấu, rồi bắt được Từ Lộ ở mái hiên Hưng Thánh và ghép ngài vào đường tù tội. Sùng Hiền hầu vào chầu vua, Từ Lộ kêu than rằng: xin hiền hầu hết lòng cứu bần tăng, may mà thoát được ra khỏi bần tăng sẽ nhập vào làm đứa con hầu ngài, để đền đáp cái công đức. Hiền hầu vâng dạ, hứa cứu giúp, rồi đi vào hầu nhà vua, biện bạch mọi lý lẽ. Hiều hầu nói: Giác Hoàng có thần lực thật đấy, mà bị Từ Lộ cản trở được thì đó là Từ Lộ thắng Giác Hoàng. Sự việc như thế thì không gì bằng cho Từ Lộ thác sinh. Nhà vua tha Từ Lộ. Giác Hoàng bệnh nguy kịch mới dặn bảo rằng: sau khi tôi chết nên xây các tháp ở núi Tiên Du để chôn cất”.
Thiền uyển tập anh chép: “Bấy giờ, vua Lý Nhân Tông không có con nối dòng. Tháng 2 năm Hội Tường Đại Khánh thứ 3 (1112) người phủ Thanh hóa dâng sớ tâu rằng: “Trên bãi cát biển, có đứa bé linh dị, tuổi mới lên ba mà đã biết nói, tự xưng con đích của bệ hạ tên là Giác Hoàng. Hết thảy những gì bệ hạ làm, không gì là nó không biết”. Vua sai trung sứ đến xem, quả đúng như lời tâu, bèn rước về kinh đô, để ở chùa Báo thiên. Vua thấy đứa bé thông minh khác thường, rất đỗi thương mến, sắp lập làm hoàng thái tử. Quần thần hết sức can gián, cho là không được và nói: “Nếu đứa bé kia quả thật linh dị thì nên thác sinh vào cung cấm, sau mới có thể lập”. Vua theo lời, truyền mở đại hội bảy ngày đêm, làm phép thác thai. Sư nghe chuyện, riêng nói rằng: “Thằng kia yêu dị, làm mê hoặc người lắm. Ta há nhẫn tâm, ngồi nhìn chẳng cứu, để nó làm loạn lòng người, phá rối chánh pháp sao!”. Nhân thế, sai chị mình giả làm người đi xem hội, bí mật đem vài hạt châu do Sư kiết ấn, treo trên mái diềm. Hội đã ba ngày, Giác Hoàng nhuốm bệnh, nói với mọi người: “Đầy khắp cả nước đều có lưới sắt bủa vây, tuy muốn thác sinh, mà sợ không có đường vào”. Vua nghi Sư chú giải, sai người tra hỏi, Sư quả nhận tội, bị giam ở lầu Hưng Thánh, hợp quần thần nghị tội. Khi Sùng Hiền Hầu đi ngang qua, Sư kêu van: “Xin hết sức cứu bần tăng một phen, may thoát tội, ngày sau tất xin đầu thai làm con để đền ơn”. Hầu nhận lời. Đến lúc hội nghị, quần thần đều nói: “Bệ hạ vì không có con, nên mới cho Giác Hoàngthác sinh, thế mà Lộ liễu lĩnh dám làm chú giải, kết án tử hình, để tạ lòng thiên hạ”. Hầu chậm rãi thưa: “Nếu Giác Hoàng có thần lực, thì dù có trăm Lộ chú giải cũng không làm hại được. Nay trái lại như thế thì Lộ vượt xa Giác Hoàng vậy. Thần ngu muội trộm nghĩ, nó tỏ phục Lộ, thì đừng cho y thác sinh”. Vua xá tội. Sư đến Nhà Hầu tạ ơn, gặp lúc phu nhân đang tắm, Sư ép nhìn phu nhân. Phu nhân nổi giận, đem chuyện thưa lại với Sùng Hiền Hầu. Hầu đã biết rõ nguyên nhân nên rốt cuộc không hỏi han gì. Phu nhân từ đó biết mình có thai. Sư dặn Hầu rằng: “khi nào lâm bồn thì nên báo trước cho biết”. Đến ngày đủ tháng, Sư nghe tin báo, bèn thay quần, tắm rửa, bảo đồ chúng rằng: “Túc nhân ta chưa hết, còn phải ra đời lại, tạm làm quốc vương. Đến khi thọ chung, lại làm thiên tử trên cõi trời Tam thập tam. Nếu thấy chân thân hư nát, thì lúc ấy ta mới vào Niết bàn, không ở cõi sinh diệt nữa”. Đồ chúng nghe xong, không ai là không động lòng rơi lệ”.
* Rõ ràng là Việt sử lược đã tham khảo Thiền uyển tập anh để chép về thân thế của thiền sư Từ Đạo Hạnh và tiền kiếp của vua Thần Tông. Đoạn chép trong Toàn thư tuy rằng không mô tả chi tiết, chỉ viết đại khái, song chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy mối quan hệ tham khảo giữa các tài liệu này qua 2 chi tiết, Đạo Hạnh dặn Sùng Hiền hầu việc thác sinh và Đỗ phu nhân trở dạ, Từ Đạo Hạnh trút xác. Nhưng tại sao lại là Từ Đạo Hạnh, vì ngài là bậc thiền sư có tiếng đương thời. Thế tại sao lại là Sùng Hiền hầu, vì con của Hiền hầu sinh đúng vào năm Đạo Hạnh mất. Tôi cho rằng tất cả những gì được ghi chép trong Toàn thư, Việt sử lược, Thiền uyển tập anh về mối quan hệ giữa Từ Đạo Hạnh và Lý Thần Tông là kiến tạo của dân gian. Vì sao có thể khẳng định như vậy ? Trong bài Lý triều tân biên: Dự Tông chính hoàng tôi có dẫn văn khắc trên chuông chùa Thiên Phúc để khẳng định rằng năm 1109 thiền sư Từ Đạo Hạnh đã rất nổi tiếng, hoàng thượng và thái hậu coi ngài như thượng khách, nên không có lý gì năm 1112 ngài phải sai Từ thị lén vào cung để yểm ngọc.
Việt sử lược chép: “Năm Giáp Thân [1104] Mùa thu tháng 9 ngày mồng một Diên Thành hầu cầm cái hốt đánh Trung Nghĩa hầu ở tại điện Thiên An”.
Toàn thư chép: “Đinh Dậu [1117] Mùa xuân tháng giêng, Diên Thành hầu (không rõ tên) chết (…) Tháng 6 Trung Nghĩa hầu (không rõ tên) chết”.
Thiền uyển tập anh chép: “Thiền sư Đạo Hạnh. Chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích, họ Từ tên Lộ. Cha là Vinh, làm quan tới chức Tăng quan đô án, thường đi học tại làng An Lãng. Lấy một người con gái họ Tăng rồi theo quê vợ. Sư là con nàng Tăng Thị vậy. Lúc nhỏ, Sư ham chơi, tính tình hào hiệp, có chí lớn, lại có hành động nói năng người đời không thể lường được. Sư thường kết bạn với nhà nho Phí Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và nghệ sĩ phường chèo Vi Ất. Đêm, Sư khổ công đọc sách, ngày thì thổi sáo, đánh cầu, đánh bạc làm vui. Thân phụ thường trách Sư biếng nhác. Một hôm, ông lén vào phòng ngủ của Sư để rình xem, thấy ngọn đèn đã tàn, sách vở chất đống, Sư đang dựa án mà ngủ, tay chưa rời quyển sách, tàn đèn rơi đầy mặt bàn. Từ đấy ông cụ không lo nữa. Sau đó ứng thi điện thí tăng quan đỗ khoa Bạch liên. Chẳng bao lâu cha Sư là Vinh dùng tà thuật làm mất lòng Diên Thành Hầu. Hầu nhờ pháp sư Đại Điên dùng phép đánh chết, ném xác xuống sông Tô lịch”.
* Theo như Thiền uyển tập anh thì thân phụ của Từ Lộ là Từ Vinh, giữ chức Tăng quan đô án và biết phép thuật. Từ Vinh làm mất lòng Diên Thành hầu, nên hầu đã nhờ pháp sư Đại Điên đánh chết. Hiện chúng ta không có tài liệu nào bác bỏ thông tin chép trong Thiền uyển tập anh về xung đột giữa Từ Vinh và Diên Thành hầu nên không loại trừ khả năng Diên Thành hầu chịu trách nhiệm về cái chết của thân phụ Từ Đạo Hạnh. Theo chú thích số 3 của tác giả Lê Mạnh Thát thì Diên Thánh hầu là người nóng tính và Diên Thành hầu cũng như Nghĩa Trung hầu là con của Thánh Tông. Việc Diên Thành hầu nóng tính thì rõ rồi (theo như Toàn thư liệt kê tên các hầu tại mục năm 1117 như Thành Quảng, Thành Khánh, Thành Chiêu, Thành Hưng thì tôi ngờ rằng Diên Thành hầu, tên đúng phải là Thành Diên hầu). Nhưng Diên Thành hầu và Trung Nghĩa hầu là con của Thánh Tông thì không rõ tác giả căn cứ vào đâu để khẳng định việc này ? Năm 1104 giữa Diên Thành hầu và Trung Nghĩa hầu xảy ra xung đột, năm 1117 vào tháng giêng Diên Thành hầu chết, tháng 6 Trung Nghĩa hầu chết. Đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên ?
* Toàn thư chép tháng 11/1117 vua chọn người trong tông thất lập làm thái tử và chọn con của Sùng Hiền hầu tên là Dương Hoán. Mục năm 1112 Toàn thư chép vua xuống chiếu chọn con của tông thất làm con nối. Việt sử lược chép tháng 11/1117 vua lập Dương Hoán làm thái tử. Như thế rõ rằng ý định lập người trong tôn thất làm con nối của Nhân Tông bắt đầu từ những năm 1112 và vua còn chần chừ chưa dứt khoát, năm 1117 Nhân Tông cho Dương Hoán làm thái tử. Việc Diên Thành hầu cầm hốt đánh Trung Nghĩa hầu trên điện Thiên An, cho thấy Diên Thành hầu là người nóng tính, nhưng cũng cho thấy vị thế của Diên Thành hầu trong triều đình. Trong các hầu được liệt kê tại mục năm 1117 không có tên Diên Thành hầu. Có phải vì hầu chết rồi nên con của hầu không được chọn hay vì hầu không có con ?
* Năm 1112 vua đã xuống chiếu chọn người trong tông thất để làm thái tử, vậy Nhân Tông có chọn được không ? Phía sau những kiến tạo của dân gian về Giác Hoàng, về Đạo Hạnh thì có sự kiện nào là thực hay không ? Tôi đang nghĩ đến kịch bản: khi vua xuống chiếu chọn người trong tông thất làm thái tử, với thế lực của Thành Diên hầu nên con của ngài được vua để ý đến, nhưng do Thành Diên hầu là người nóng tính, làm phật lòng nhiều người trong đó có Từ Đạo Hạnh, nên cùng với Trung Nghĩa hầu và các quần thần đã phản đối Nhân Tông lập con của Thành Diên hầu làm thái tử.
Mộ chí của Đỗ Anh Vũ viết: “Thái uý thuộc dòng dõi Quách công ở Lũng Tây, huý Anh Vũ tự Quán Thế. Tiên tổ của ông là thái uý Quách công triều Thái Tông, vốn là người huyện Cậu Lâu, Tế Giang. Sinh ra Lý Thường Kiệt, phò giúp triều Nhân Tông, với chức thái uý, được ban quốc tính họ Lý. Ông thân sinh ra thái uý họ Đỗ tên Tướng, tức cháu ngoại gọi thái uý Lý công bằng cậu, nhà ở hương Tây Dự. Thiếu thời đến kinh sư chơi, gặp người con gái dòng họ lớn (…) bèn hỏi làm vợ. Sinh hạ 2 người con, người con trai tức là ông. Thái sư Trương công thấy ông có cốt cách lạ, biết là sau này trở thành rường cột nước nhà, nên nuôi làm con. Người con gái tên là Quỳnh Anh, gả cho người họ Phạm, giữ chức thị trung (…) Năm Giáp Thìn niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 5 [1124] Hoàng đế Thái Tông [?] (…) mới tuyển dụng vào làm trong cung cấm (…) Năm Đinh Mùi đời vua Thần Tông, ông được tuyển vào chầu nơi màn trướng, địa vị trùm cả thượng thư 6 bộ. Công việc trong cung cấm, như các việc chế tác của bách công, hết thảy nhà vua giao quyền (…) Ngay năm ấy [1150] người anh họ của ông, họ Đỗ giữ chức thị trung, có 2 người con gái, con trưởng là Thuỵ […] con thứ là Thuỵ Châu, nhà vua sắm đủ lễ vật, đón 2 nàng về làm phu nhân (…) Tháng 8 năm Mậu Dần [1158] ông bị bệnh (…) mất thọ 46 tuổi”.
Việt sử lược chép: “Năm Nhâm Ngọ [1102] Sai viên ngoại là Đỗ Anh Hậu đi sứ sang Tống”.
Toàn thư chép: “Đinh Mùi [1127] Thần Tông huý Dương Hoán (…) do phu nhân họ Đỗ sinh ra (…) Mậu Thân [1128] Sai viên ngoại lang là Lý Khánh Thần và vợ đi đón con gái của Điện tiền chỉ huy sứ Lý Sơn, viên ngoại lang Trần Ngọc Độ và vợ đi đón con gái của Lê Xương là cháu chú bác của thái uý Lê Bá Ngọc, sách lập con gái của Sơn làm Lệ Thiên hoàng hậu, con gái của Xương làm Minh Bảo phu nhân (…) Lấy thái uý Lê Bá Ngọc làm thái sư, đổi sang họ Trương (…) Mậu Ngọ [1138] Lập hoàng trưởng tử Thiên Tộ làm hoàng thái tử. Trước vua đã lập Thiên Lộc làm con nối. Đến khi ốm, ba phu nhân là Cảm Thánh, Nhật Phụng, Phụng Thánh muốn đổi lập thái tử khác, mới sai người đem của đút lót cho tham tri chính sự Từ Văn Thông”.
* Trong bài Lý triều tân biên: Dự Tông chính hoàng tôi có thiết lập mối quan hệ thân tộc và thông gia giữa họ Lê châu Chân Đăng và chi Phụng Càn vương. Trong bài Bàn về vụ án cung Thượng Dương tôi có đặt giả thuyết Ỷ Lan phu nhân là người họ Lê, nhưng chưa xác định được thuộc châu Chân Đăng hay châu Phong, tuy nhiên họ Lê của 2 châu này có mối quan hệ thân tộc nên tôi cho rằng họ Lê đã tác động rất mạnh đến sự quyết định của Nhân Tông trong việc lập Dương Hoán làm thái tử ?
* Vợ của Sùng Hiền hầu có lẽ là người thuộc dòng họ Đỗ mạn đông. Khi Dương Hoán được lập làm thái tử, Sùng Hiền hầu cũng như Đỗ thị, có vị thế hơn hẳn trước. Do thế mà họ Đỗ cũng mạnh theo. Qua chi tiết Lê Bá Ngọc cho rằng Đỗ Anh Vũ sau này sẽ trở thành rường cột nước nhà nên nhận làm con nuôi, cho thấy họ Lê muốn liên kết với họ Đỗ. Khi Anh Vũ sinh (năm 1113) thì Đỗ Anh Hậu đã làm quan và Đỗ thị cũng đã lập gia đình. Toàn thư chép mục năm 1140 rằng Anh Vũ là em của Đỗ thái hậu.
* Trong mộ chí của Phụng Thánh phu nhân có nhắc đến việc Phụ Thiên đại vương có 1 thái hậu và 3 phu nhân, thế nhưng trong Toàn thư chỉ nhắc tới 1 thái hậu và 2 phu nhân. Có khi nào sử gia chép thiếu hay là do phu nhân bị chết nên sử không chép đến ? Thật tiếc là mộ chí không cho biết về 2 vị phu nhân còn lại, nhưng việc mộ chí chép năm 1134 Cảm Thánh phu nhân tiến cung, năm 1137 Phụng Thánh phu nhân tiến cung, thì 2 phu nhân còn lại phải tiến cung vào quãng từ 1134 đến 1137. Như thế thì Minh Bảo phu nhân của mục năm 1128 không phải là người được nhắc đến trong mộ chí. Chúng ta chỉ dừng lại được trong việc xác lập quan hệ thân tộc giữa Ỷ Lan phu nhân, Lê Bá Ngọc với họ Lê chứ không xác định được cụ thể trong điều kiện tài liệu hiện có. Cũng tương tự, chúng ta chỉ xác lập được mỗi quan hệ thân tộc giữa Đỗ thị, Đỗ Anh Hậu, Đỗ Anh Vũ chứ không xác lập chính xác được.
1.png
(Sơ đồ mỗi quan hệ biểu trưng)
Việt sử lược chép: “Năm Kỷ Hợi [1119] Mùa đông tháng 10, hạ chiếu đánh động Ma Sa. Quan tước là Thành Khánh hầu dâng rùa có 6 con ngươi, nơi ngực rùa có chữ ngọc. Nhà vua đánh động Ma Sa phá huỷ động”.
Toàn thư chép: “Kỷ Hợi [1119] Mùa thu, tháng 7, đóng hai chiếc thuyền Cảnh Hưng và Thanh Lan. Xuống chiếu cho các quân đóng thuyền chiến, sửa đồ binh giáp, vua muốn thân đi đánh động Ma Sa (…) Họp các quân nhân cả nước thề ở Long Trì. Xuống chiếu rằng: “Trẫm nhận lấy cơ nghiệp của một tổ hai tông, đứng trên dân đen, coi triệu họ trong bốn biển đều như con đỏ, cả đến cõi xa cũng mến lòng nhân mà quy phụ, phương khác cũng mộ nghĩa mà lại chầu. Vả xét dân động Ma Sa sống ở trong cõi của ta, động trưởng Ma Sa thì đời đời làm phiên thần của ta, thế mà nay kẻ tù trưởng ngu hèn ấy bỗng phụ ước của ông cha, quên việc tuế cống khiếm khuyết lệ thường phép cũ. Trẫm vẫn nghĩ mãi, việc không đừng được, nay trẫm tự làm tướng đi đánh dẹp. Nay các tướng súy sáu quân, các ngươi đều phải hết lòng, tuân theo mệnh lệnh của trẫm”. Bèn ban khí giới cho tướng sĩ, vua ngự thuyền Cảnh Hưng, xuất phát từ bến Thiên Thu, cờ xí rợp trời, gươm giáo rẽ sương, quân sĩ đánh trống reo hò, khí thế trăm phần hăng hái. Ngày hôm ấy, rồng vàng hiện bay theo thuyền. Đến bờ thác Long Thủy, Thành Khánh hầu dâng con rùa mắt có sáu con ngươi, trên ức có chữ “Vương”. Sóng lại nổi lên. Vua tự làm tướng đánh động Ma Sa, phá tan được, bắt được bọn động trưởng Ngụy Bàng vài trăm người, lấy được vàng lụa trâu dê không kể xiết. Sai tỷ tướng vào các động dọc biên giới chiêu dụ những người trốn tránh bảo về yên nghiệp. Tháng 12 ngày mồng 1, vua từ động Ma Sa về, dâng tù Ngụy Bàng ở Thái Miếu. Khao thưởng tướng sĩ, ban tiền lụa theo thứ bậc khác nhau (…) Giáp Thìn [1124] Tháng 9, Thành Khánh hầu (không rõ tên) chết (…) Tháng 12, phu nhân của Thành Khánh hầu là Hà Thị uống thuốc độc chết theo chồng. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Đàn bà chỉ theo một chồng mà chết thì không gọi là “tuẫn” [chết theo]. Hà thị theo tình mà đi thẳng, đến nỗi uống thuốc độc chết theo, tuy là quá, nhưng khó với người khác mà Hà thị lấy làm dễ, việc ấy cũng là khó làm. Hoặc giả Thành Khánh hầu đến lúc ấy mới chôn mà Hà thị chết để chôn theo chăng ? Lại cho Nội thường thị là Lê Bá Ngọc làm thị lang bộ Lễ”. 
* Năm 1119 Nhân Tông hạ chiếu đánh động Ma Sa [Hoà Bình] trong chiếu vua có nói, Ma Sa vốn là phiên thần, thuộc đất trong cõi, xưa nay thuần phục, tự dưng phụ ước, bỏ cống theo lệ thường. Vì sao Ma Sa bỏ cống, có phải do kinh tế yếu kém, có lẽ không phải vì sau khi thắng trận Nhân Tông bắt được rất nhiều vàng lụa trâu dê. Ma Sa xưa nay quy phụ vậy thì thực khó hiểu khi tự dưng trở mặt làm phản, trong lời chiếu vua có viết tù trưởng của Ma Sa ngu hèn nên mới thế. Như thế thì vua cũng chưa biết nguyên nhân khiến Ma Sa tráo trở. Lời chiếu của vua vào năm 1119 vậy thì Ma Sa đã có ý làm phản phải xảy ra trước đó. Tôi cho rằng Ma Sa làm phản có mối liên quan tới sự kiện vua Nhân Tông lập thế tử vào cuối năm 1117.
* Khi quân triều đình đến địa phận Long Thuỷ [Hoà Bình] thì Thành Khánh hầu dâng rùa trên ngực có chữ vương. Không rõ sử gia Ngô Sĩ Liên muốn đề cập đến việc gì qua sự kiện này. Vì sao người dâng rùa lại là Thành Khánh hầu ? Quan trọng hơn chi tiết chữ vương trên ngực rùa mang nội dung gì ? Nếu chỉ là tù trưởng Ma Sa trở giáo thì vua có cần đích thân đi đánh dẹp không ? Với lại trước khi đi lại còn chuẩn bị rất kỹ càng, thậm chí còn tổ chức hội thề ở Long Trì để nâng cao sĩ khí. Xem ra đây là 1 trận đánh lớn, chứ không đơn giản chỉ là 1 động chủ làm phản. Việt sử lược chép ngực rùa có chữ Ngọc, nhưng chữ này có ý nghĩa gì ? Nếu là chữ Vương trong Toàn thư thì chúng ta có thể diễn giải là Thành Khánh hầu muốn xin vua chức vương chăng ?
* Năm 1124 vào tháng 9 Thành Khánh hầu chết. Tháng 12 phu nhân của Thành Khánh hầu là Hà thị uống thuốc độc chết theo chồng. Bản thân sử gia Ngô Sĩ Liên qua lời bàn cũng cho rằng việc chết theo chồng như Hà thị là chuyện khó với người thường. Nhưng có lẽ không phải như vậy, Hà thị không tuẫn tiết mà có lẽ bị ép buộc phải chết. Rồi ngay sau cái chết của Thành Khánh hầu, Lê Bá Ngọc được thăng lên thị lang bộ Lễ. Có khi nào chữ Ngọc trong Việt sử lược là muốn nhắc đến Lê Bá Ngọc ? Họ Hà vùng Hoà Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên đều rất thế lực. Có khi nào Hà thị có liên quan tới việc làm phản của Nguỵ Bàng ở động Ma Sa không ? Rất có thể sau khi Nhân Tông lập Dương Hoán làm thái tử, Thành Khánh hầu có lòng riêng, liên kết với các tù hào chịu ảnh hưởng của họ Hà, buộc Nhân Tông phải thay đổi việc lập thái tử, nên đã dẫn đến cuộc đánh dẹp động Ma Sa do đích thân vua thân chinh. Sau này nhờ Lê Bá Ngọc mà Thành Khánh hầu lộ việc dính dáng tới âm mưu làm phản nên cả vợ chồng Thành Khánh hầu bị buộc phải chết. Hệt như điềm báo năm 1119 (khi Thành Khánh hầu dâng con rùa có 6 con ngươi trên ngực có khắc chữ Ngọc) rằng Lê Bá Ngọc có liên quan tới cái chết của Thành Khánh hầu, không loại trừ cả nghĩa hàm oan. Toàn thư chép mục năm 1117, tháng 5 thủ lĩnh châu Tư Nông [Thái Nguyên] là Hà Vĩnh Lộc dâng con ngựa hồng có cựa, mục năm 1127, tháng 3 thủ lĩnh châu Nông là Dương Tuệ dâng khối vàng sống trường thọ. Châu Tư Nông có lẽ là châu Nông hoặc châu Tây Nông. Như thế đã có sự thay đổi thủ lĩnh của châu Tư Nông từ họ Hà sang họ Dương trước và sau khi Nhân Tông đánh dẹp động Ma Sa. Tuy nhiên mục năm 1129 trong Toàn thư chép đại thủ lĩnh châu Tây Nông là Hà Văn Quảng dâng 2 khối vàng sống. Như vậy có 2 khả năng, thứ nhất Tây Nông, Nông, Tư Nông không phải là 1 châu và thứ hai Tây Nông, Nông, Tư Nông là 1 châu, nếu là 1 châu thì trong châu ấy có rất nhiều thủ lĩnh, trong đó họ Hà là mạnh nhất và người đứng đầu của tất cả các thủ lĩnh là Hà Văn Quảng. Nhưng cũng không loại trừ khả năng, sau khi được nhận vị trí thủ lĩnh của Tây Nông, nhưng họ Dương đã không giữ được và nhanh chóng để mất lại vào tay họ Hà, sau khi lấy được Tư Nông, họ Hà dâng vàng thuần phục triều đình nên Thần Tông cũng không bàn đến nữa.
Tống sử chép: “Con rơi của Càn Đức chạy sang Đại Lý, đổi tên là Triệu Trí Chi, tự xưng Bình vương. Dương Hoán chết, Đại Lý sai về, tranh lập với Thiên Tộ” [dẫn theo Phạm Lê Huy]
Kiến viêm dĩ lại hệ niên yếu lục chép “Nam Bình vương Lý Càn Đức chết, con thứ Trí Chi chạy sang Đại Lý, đổi sang họ Triệu xưng hiệu Bình vương, anh Dương Hoán chết, cùng Thiên Tộ tranh ngôi, Đại Lý giúp Chi 3000 quân” [dẫn theo Phạm Lê Huy]
* Rõ rằng sau cái chết của Nhân Tông, vài người trong tông thất họ Lý đã không chấp nhận thế cục, vẫn muốn có lòng tranh vương.
Tiểu kết: Tôi cho rằng vào cuối triều Nhân Tông, khi vua đã đứng tuổi nhưng không có con nối, nên đã có ý nhận người trong tông thất làm thái tử, với quyền lực nên con của Thành Diên hầu được để ý, tuy nhiên Trung Nghĩa hầu và các quần thần khác đã can ngăn vua. Sau cái chết của Thành Diên hầu và Trung Nghĩa hầu đầu năm 1117, trước tác động của họ Lê, cuối năm 1117 Nhân Tông lập Dương Hoán làm thái tử. Việc này đã khiến cho Thành Khánh hầu có lòng khác, hầu đã liên kết với các tù hào bên vợ, với mục đích buộc Nhân Tông huỷ bỏ việc lập thái tử, nhưng không thành công. Tuy rằng những thế lực lớn đều đã bị dẹp nhưng các vương hầu khác vẫn có ý tranh giành ngôi báu nên trước và sau khi Dương Hoán lên ngôi, liên minh Lê gia – Sùng Hiền hầu – Đỗ gia đã có những hoạt động quân sự nhằm trấn áp các đối thủ. Bản thân vua Nhân Tông cũng đã có tiên liệu trước sự việc, nên trước khi mất năm 1127, ngài có dặn nên sửa sang giáo mác, đề phòng việc không ngờ.
2 . Thiền uyển tập anh chép: “Quốc sư Minh Không. Chùa Quốc Thanh, Trường An, người làng Đàm xá, Đại Hoàng, họ Nguyễn tên Chí Thành. Sư thường đi du học gặp Thiền sư Từ Đạo Hạnh chùa Thiên Phúc. Hạnh mến sư, cho phép theo hầu. Trải qua 17 năm trời làm việc cực khổ, Hạnh khen Sư có chí, bèn sâu ấn hứa và cho tên Minh Không. Đến khi sắp tạ thế, Hạnh gọi Sư nói rằng: “Xưa Đức Thế Tôn ta, đạo quả đã tròn mà còn bị quả báo hùm vàng, huống ở đời mạt pháp, công hạnh nhỏ mọn, há mình có thể tự giữ gìn được sao ? Ta nay còn phải ra đời, giữ ngôi nhân chủ, lai sinh mắc bệnh, chắc chắn khó tránh. Ta đối với ngươi có duyên, xin nhờ cứu với”. Hạnh mất rồi, Sư trở về làng cũ cày cấy hơn 20 năm, không màng tiếng tăm. Lúc bấy giờ Lý Thần Tông mới mắc bệnh lạ, tâm thần rối loạn, tiếng rên la hốt hoảng khiếp đảm, lương y trong thiên hạ ứng chiếu đến chữa, đều phải bó tay không làm gì được. Bỗng nghe có trẻ con ca rằng: “Muốn trị bệnh Thiên tử. Phải có Nguyễn Minh Không”. Bèn sai sứ tìm khắp dân gian mới gặp đuợc Sư. Khi Sư đến, Tôn túc thạc đức các phương đang ở trên điện làm phép, thấy Sư ăn mặc quê mùa, họ khinh khi không đáp lễ. Sư đến, đem theo một cái đinh lớn, dài hơn 5 tấc, đóng vào cột điện, lên tiếng nói: “Ai có thể nhổ cái đinh đó ra thì trước đáng được tôn trọng”. Nói thế ba lần, chẳng ai dám làm. Sư lại lấy hai ngón tay trái, cầm vào thì đinh theo chúng mà ra. Mọi người đều khiếp phục. Khi gặp vua, Sư lớn tiếng nói: “Đấng đại trượng phu, giàu sang bốn bể, há lại làm ra những điều cuồng loạn đấy ư ?”. Vua rất run sợ, Sư sai lấy một vạc lớn đựng nước nấu sôi tới cả trăm lần, dùng tay quậy lên khoảng bốn lần, rồi tắm vua trong đó. Bệnh liền bớt ngay. Sau vua phong làm Quốc sư, cho thuế vài trăm hộ để tưởng thưởng. Vào một ngày tháng nào đó của năm Tân dậu Đại Định thứ 2 [1141] Sư mất, thọ 76 tuổi” [xem thêm chú thích của tác giả Lê Mạnh Thát về truyện Quốc sư Minh Không]
Toàn thư chép: “Tân Hợi [1131] Tháng 5 dựng nhà cho đại sư Minh Không (…) Bình Thìn [1136] Vua bệnh nặng chữa thuốc không khỏi. Nhà sư Minh Không chữa khỏi phong làm quốc sư. Tha thuế dịch cho vài trăm hộ. Tục truyền khi nhà sư Từ Đạo Hạnh trút xác, trong khi ốm đêm thuốc niệm thần chú rồi đem giao cho học trò là Nguyễn Chí Thành tức Minh Không, dặn rằng 20 năm sau nếu thấy quốc vương bị bệnh lạ thì đến chữa ngay, có lẽ là việc này”.
Mộ chí của Đỗ Anh Vũ viết: “Tháng 9 năm Đinh Tị niên hiệu Thiệu Minh nguyên niên [1137] nhà vua ốm nặng, rửa mặt xong, mệt mỏi tựa ghế nói: người có thể gánh vác công việc của họ Lý, chỉ có ông [Anh Vũ] thôi”.
Mộ chí của Phụng Thánh phu nhân viết: “Năm Đinh Tị niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự thứ 5 [1137] phu nhân gào khóc đưa tiễn xe tang, thề ở lại lăng tẩm”.
* Bệnh án của Thần Tông khá phức tạp, trước hết Toàn thư chép tương đối khớp với thông tin trên mộ chí của Đỗ Anh Vũ. Theo như mộ chí thì tháng 9/1137 vua bắt đầu trở bệnh nặng và băng vào quãng thời gian từ tháng 9/1137 đến tháng 9/1138. Toàn thư chép Thần Tông trở bệnh vào tháng 3/1136 và tháng 9/1138 vua mất. Việt sử lược chép năm Đinh Tị 1137 mùa thu tháng 9 nhà vua mệt rồi từ trần ở tại điện Vĩnh Quang, thọ 21 tuổi ở ngôi 10 năm. Như thế Việt sử lược chép rất khớp với mộ chí về thời điểm bệnh và băng của Thần Tông và 2 tài liệu này đều là những tài liệu được soạn chép gần nhất với sự kiện, đặc biệt là mộ chí của Phụng Thánh phu nhân chép rất rõ về đám tang của Thần Tông năm 1137. Do vậy thời điểm vua Lý Thần Tông băng là vào tháng 9/1137. Toàn thư chép Thần Tông ở ngôi 11 năm, thọ 23 tuổi. Vì Toàn thư xác định vua băng năm 1138 nên Dương Hoán phải sinh năm 1116. Trong khi Việt sử lược xác định thời điểm vua mất năm 1137 và thọ 21 tuổi nên theo cách tính tuổi âm thì Lý Dương Hoán phải sinh năm 1117. Nhưng cũng chính Việt sử lược chép tại mục năm 1127 rằng Dương Hoán được 3 tuổi, Nhân Tông đem về nuôi, lập làm thái tử. Cả Toàn thư và Việt sử lược đều chép tháng 11/1117 lập Dương Hoán làm thái tử, như vậy thì Thần Tông phải sinh năm 1115. Rốt cuộc Dương Hoán sinh năm nào ? Việt sử lược chép tháng 3/1117 vua đi viếng chùa Chương Sơn, rồng vàng hiện ra. Toàn thư chép thêm tháng 6/1117 rồng vàng hiện ở bảo đài và cả Việt sử lược cùng Toàn thư trong mục năm 1115 không thấy chép có rồng vàng xuất hiện, nên tôi cho rằng Lý Dương Hoán sinh vào mùa hạ năm 1117 và đến mùa đông năm 1117 thì được lập làm thái tử. Vì là Thần Tông mệt và băng trong cùng tháng 9/1137 trong khi ngài còn rất trẻ nên cần đặt câu hỏi về cái chết của ngài ?
* Cả Toàn thư và Việt sử lược đều chép tháng chạp năm 1127 Nhân Tông băng, Dương Hoán lên ngôi trước linh cữu, khi vua mới lên ngôi thường sẽ đổi lại niên hiệu, Toàn thư và Việt sử lược đều chép năm Mậu Thân 1128 là năm Thiên Thuận thứ 1, như vậy rõ rằng, sang tháng giêng năm Mậu Thân vua Thần Tông mới đổi niên hiệu, có lẽ vì tháng chạp năm Đinh Mùi cách không còn xa năm mới, thêm nữa qua sự kiện phức tạp tại điện Thiên An sau khi Nhân Tông băng nên Lê Bá Ngọc đã phải mất nhiều ngày để ổn định lại tình hình cung cấm, khi mọi chuyện xong xuôi Dương Hoán mới thực sự lên ngôi.
* Toàn thư chép năm 1131 dựng nhà cho sư Minh Không, Thiền uyển tập anh chép vua bị bệnh nặng sư Minh Không chữa khỏi, từ 2 sự kiện này rất dễ dẫn đến nhầm lẫn rằng Thần Tông bị bệnh trước năm 1131. Bản thân sử gia Ngô Sĩ Liên trong Toàn thư mục năm 1136, cũng đã hồ nghi về thời điểm trở bệnh của Thần Tông khi chép rằng “có lẽ là việc này”. Bệnh án của Thần Tông không những sai lệch về thời gian mà còn sai lệch về tính chất bệnh. Chẳng hạn như trong Lĩnh Nam chính quái bản A.750 chép “mấy năm sau nhà sư đó chết hoá kiếp thành quốc vương, hốt nhiên khắp người mọc lông, nhảy nhót la cào, mặt như mặt hổ”. Trong khi Toàn thư cũng chỉ chép rằng “vua bệnh nặng chữa thuốc không khỏi” và tham khảo tục truyền sự kiện sư Minh Không chữa khỏi. Việt sử lược cũng chỉ chép vua mệt. Mộ chí Đỗ Anh Vũ chép rõ ràng hơn “vua ốm nặng, rửa mặt xong, mệt mỏi tựa ghế”. Rõ là Thần Tông không “mọc lông, nhảy nhót, la cào, mặt hổ” như tương truyền.
Mộ chí của Đỗ Anh Vũ viết: “Sau khi an táng vua xong, ông [Anh Vũ] cùng với Hiến Chí hoàng thái hậu đón [Anh Tông] từ nhà Thượng Thanh về cung lên ngôi. Ông chấn chỉnh triều cương, trăm quan nép mình nghe lệnh, sửa sang chính sự, muôn dân nghển cổ ngóng trông. Hoàng thái hậu thương ông có nhiều công lao, khen ông là bậc trung tiết, nên thăng thêm chức kiểm hiệu thái phó. Chẳng bao lâu, vào tháng 9 năm Mậu Ngọ, lại được thăng lên chức Phụ quốc thái uý, ban quốc tính họ Lý, thống lĩnh việc quân”.
Mộ chí của Phụng Thánh phu nhân viết: “Năm Giáp Dần, niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự thứ 2 [1134] lúc mới đầu hoàng đế kén chọn bà Cảm Thánh hoàng thái hậu, con gái cả của Phụ Thiên đại vương vào cung, về sau thấy phu nhân [Phụng Thánh] có nhan sắc, lại kiêm cả tứ giáo, liền đưa lên làm phi (…) Năm Bính Thìn niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự thứ 4 [1136] được tiến phong Phụng Thánh phu nhân”.
Toàn thư chép: “Mậu Thân [1128] Tháng 2 sách lập con gái của Lý Sơn làm Lệ Thiên hoàng hậu, con gái của Lê Xương làm Minh Bảo phu nhân (…) Hoàng hậu Lệ Thiên và Phu nhân Minh Bảo về thăm nhà (…) Anh Tông hoàng đế tên huý là Thiên Tộ, con đích trưởng của Thần Tông, mẹ là hoàng hậu họ Lê, sinh tháng 4 năm Bính Thìn [1136] tháng 9 năm Mậu Ngọ [1138] lập làm hoàng thái tử, ở ngôi 37 năm, thọ 40 tuổi”.
Việt sử lược chép: “Vua Anh Tông tên huý là Thiên Tộ, người con thứ 2 của vua Thần Tông, mẹ là phu nhân Cảm Thánh họ Lê (…) được 3 tuổi lên ngôi trước linh cứu Thần Tông (…) đổi niên hiệu lấy từ mùa thu tháng 9 năm Thiên Chương Bảo Tự thứ 5 làm năm Thiệu Minh thứ 1. Rồng vàng bay vào trong thành. Mùa đông tháng 10 ngày Kỷ Dậu ban đêm rồng vàng từ cung Thái Thanh bay vào trong cấm”.
* Xem kỹ đoạn chép trong sách Việt sử lược chúng ta thấy tương đối trùng khớp thông tin với mộ chí của Đỗ Anh Vũ. Mộ chí viết rằng “sau khi an táng vua xong, Anh Vũ và Hiến Chí hoàng thái hậu đón Anh Tông từ nhà Thượng Thanh về cung lên ngôi” trong khi Việt sử lược chép “Anh Tông lên ngôi trước linh cữu Thần Tông”. Rõ là thời điểm Anh Tông lên ngôi trong 2 tài liệu là khác nhau. Thế nhưng chính Việt sử lược chép rằng “tháng 9 rồng vàng bay vào trong thành, tháng 10 ban đêm rồng vàng từ cung Thái Thanh bay vào trong cấm”. Cấm ở đây là nơi vua ở. Nên hiểu thông tin này như thế nào ? Nếu chúng ta dùng thông tin “đón Anh Tông từ nhà Thượng Thanh về cung lên ngôi” được chép trong mộ chí để giải mã thông tin trong Việt sử lược thì có thể diễn giải như sau. Sau khi an táng xong Thần Tông vào tháng 9, rồng vàng bay vào trong thành ý nói Anh Tông được đưa từ ngoài thành vào trong thành, đến đêm tháng 10 rồng vàng từ nhà Thái Thanh bay vào trong cấm, ý nói tháng 10 Anh Tông được đưa từ nhà Thượng Thanh [Thượng = Thái] nằm trong nội thành vào cung để lên làm vua. Như thế rõ rằng Anh Tông lên ngôi vào tháng 10/1137. Nhưng có điểm này rất lạ là vào tháng 9/1137 Thần Tông bắt đầu trở bệnh và các tài liệu cho thấy, ngài còn minh mẫn và đang suy tính việc kế vị, thì đáng lý các hoàng tử trong đó có Anh Tông phải túc trực ở bên, để nghe mệnh, chứ sao lúc đó lại ở ngoài thành được. Mà Anh Tông mới có 3 tuổi thì hẳn là chẳng phải hoàng tử ra ngoài thành để ngao du hay đánh dẹp gì cả.
* Anh Tông kế vị vào tháng 10/1137 khi vừa mới 3 tuổi. Toàn thư chép ngài sinh vào tháng 4 như thế cũng phù hợp với ghi chép của Việt sử lược về chi tiết “vừa mới”. Theo cách tính tuổi âm thì Anh Tông phải sinh vào khoảng tháng 4/1135. Toàn thư thì chép rõ Thiên Tộ sinh tháng 6 tại mục năm 1136, trong khi Việt sử lược lại không chép. Nhưng cũng giống như Toàn thư, Việt sử lược chép năm 1175 vua Anh Tông băng, chỉ khác ở chỗ thay vì chép vua Anh Tông hưởng dương 40 tuổi như Toàn thư thì Việt sử lược chép Thiên Tộ thọ 41 tuổi. Việt sử lược chép như thế chứng tỏ rằng tác giả của sách cho rằng Thiên Tộ sinh năm 1135. Toàn thư chép tháng 7/1134 và Việt sử lược chép tháng 6/1134 có rồng vàng hiện ra ở điện Vĩnh Quang, Toàn thư còn chép thêm tháng 5/1134 khánh thành điện Vĩnh Quang mới sửa chữa. Việt sử lược chép Thần Tông băng tại điện Vĩnh Quang vào năm 1137, như thế sự kiện rồng vàng hiện ở điện Vĩnh Quang là ý nói vua Thần Tông ra sống tại điện Vĩnh Quang. Thật đáng tiếc vì mộ chí của Phụng Thánh phu nhân lại không cho biết tháng nào của năm 1134 Cảm Thánh phu nhân tiến cung.
* Mộ chí của Đỗ Anh Vũ có viết tên Hiến Chí hoàng thái hậu, nhưng không rõ vị thái hậu này là ai ? Mộ chí của Đỗ Anh Vũ tuy không chép rõ tên Anh Tông nhưng qua mô tả và đối chứng với sách sử chúng ta biết rằng người được Anh Vũ đón là Thiên Tộ. Cũng đối chứng sách sử với mộ chí của Phụng Thánh chúng ta biết rằng mẹ đẻ của Anh Tông là hoàng thái hậu Cảm Thánh. Như thế phải chăng Hiến Chí là tính từ chứ không phải là danh từ ? Toàn thư chép tháng giêng năm 1128 tôn mẹ nuôi là Trần Anh phu nhân làm hoàng thái hậu. Có phải Hiến Chí hoàng thái hậu là Trần Anh chăng ?
* Có 2 chi tiết khá thú vị. Thứ nhất là Cảm Thánh thái hậu là chị gái của Phụng Thánh phu nhân, tức là thái hậu phải sinh trước năm 1108, vậy khi phu nhân tiến cung năm 1134 thì đã 27 tuổi, kết hôn rất muộn so với đương thời. Trong khi phu nhân là con gái của Phụ Thiên đại vương, người rất có thế lực thì không có lý nào không có đám tốt để gả. Thứ hai là Đỗ Anh Vũ sinh năm 1113 được Trương công Lê Bá Ngọc nhận làm con nuôi, Bá Ngọc có quan hệ thân tộc với Phụ Thiên đại vương. Nên không loại trừ Cảm Thánh phu nhân có mối quan hệ với Đỗ Anh Vũ trước năm 1134.
Toàn thư chép: “Canh Tuất [1130] Mùa Xuân, tháng giêng, xuống chiếu cho con gái các quan không được lấy chồng trước, đợi sau khi chọn sung vào hậu cung, người nào không trúng tuyển mới được lấy chồng. Lê Văn Hưu nói: Trời sinh ra dân mà đặt vua để chăn dắt, không phải để cung phụng riêng cho vua. Lòng cha mẹ ai chẳng muốn con cái có gia thất, thánh nhân thể lòng ấy còn sợ kẻ sất phu sất phụ không được có nơi có chốn”.
* Cảm Thánh phu nhân lấy chồng muộn có phải do chiếu lệnh của Thần Tông hay không ? Có lẽ không phải vì chiếu lệnh được ban năm 1130, khi đó phu nhân cũng hơn 23 tuổi, cũng đã khá muộn so với đương thời. Việc phu nhân và 3 chị em của phu nhân cùng lấy Thần Tông, lại thêm hơn Dương Hoán tới 10 tuổi thì đây rõ là kế hoạch dùng hôn nhân để củng cố quyền lực của họ Lê rồi. Cũng giống như năm 1128 Thần Tông lập hoàng hậu người họ Lý và phu nhân người họ Lê, chẳng qua cũng chỉ là tìm kiếm sự ủng hộ từ các gia tộc khác, bởi vì khi lập thiếp Thần Tông 12 tuổi và sau khi lập thiếp mấy ngày, các phu nhân của Dương Hoán về thăm nhà cha mẹ đẻ. Toàn thư chép rõ lời bàn của Lê Văn Hưu thì hẳn là chiếu lệnh rất đáng tin, nhưng chiếu lệnh được ban khi Thần Tông 14 tuổi, vậy thì người thực sự ra chiếu lệnh là Cung Hoàng.
Toàn thư chép: “Mậu Thân [1128] lấy Nội vũ vệ Lê Bá Ngọc làm Thái úy thăng tước hầu; Nội nhân hỏa đầu Lưu Ba, Dương Anh Nhĩ làm Thái Phó tước Đại liêu ban; Trung thừa Mâu Du Đô làm Gián nghị đại phu, thăng trật chư vệ (…) Canh Tuất [1130] Tháng 5 Thái thượng hoàng băng, thụy là Cung Hoàng (…) Giáp Dần [1134] Mùa hạ tháng 4, xuống chiếu cấm các viên chi hậu và nội nhân hỏa đầu không được tự tiện ra ngoài, ai trái thì khép tội nặng, nếu có việc công phải tâu trước rồi mới được ra (…) Ất Mão [1135] Mùa hạ tháng 4, xuống chiếu cho Tả ty lang trung Lý Công Tín ra vào cung cấm để tâu việc, không được ngăn cấm (…) Mùa thu tháng 7, Thái sư Trương Bá Ngọc chết (…) Bính Thìn [1136] Tháng 3 Thái uý Lưu Khánh Đàm chết (…) Tháng 6, cho Tả ty lang trung Lý Công Tín làm Thiếu sư, tước Minh tự (…) Mùa thu tháng 9, Gián nghị đại phu Mâu Du Đô bị bãi chức (…) Mùa đông tháng 10, Thái uý Dương Anh Nhĩ chết (…) Đinh Tị [1137] Mùa thu tháng 9, mở hội khánh thành chùa Linh Cảm, tha người có tội trong nước. Xuống chiếu rằng: Trong ngoài kinh thành cứ ba nhà làm một bảo, để giám sát các quan chức đô coi triều ban không được đem con mình cho người khác nuôi làm con để nhờ cậy nhà quyền thế. Kẻ nào không có quan ấm mà can phạm thì bắt giữ tâu lên. Người một bảo mà không giám sát nhau thì cùng một tội với can phạm”.
Mộ chí của Đỗ Anh Vũ viết: “Năm Đinh Mùi [1127] đời vua Thần Tông, ông được tuyển vào hầu nơi màn trướng, địa vị trùm cả thượng thư 6 bộ, công việc trong cung cấm, như các việc chế tác của bách công, nhà vua tất thảy giao quyền (…) Tháng giêng năm Thiên Chương Bảo Từ thứ 3 [1135] (…) nước Văn Đan xâm phạm bờ cõi phía nam, vua sai ông cùng thái phó Lý Công Bình đem 30 vạn quân theo đường biển đến Âm Dã thuộc đất Nhật Nam (…) cùng năm [1135] ông [Đỗ Anh Vũ] vâng mệnh vua [cùng chư tướng] đem quân đi đánh dẹp bọn Sơn Liêu (…) nhưng chỉ riêng ông lập công trở về, chiến thắng không kể xiết (…) phàm gặp những việc ngoài biên cương thì nhà vua đều sai ông đi xử trí”.
* Rất nhiều đại thần bị chết như: năm 1130 Cung Hoàng băng, năm 1135 Thái sư Trương công mất, năm 1136 Thái uý Lưu Khánh Đàm, Dương Anh Nhĩ chết, Gián nghị đại phu Mậu Du Đô bị bãi chức. Theo Việt sử lược và Toàn thư thì khoảng thời gian 1130 – 1137 ít mưa hạn hán kéo dài, nhưng không thấy ghi chép về bệnh dịch. Sau những cái chết của các trụ cột triều đình thì người giữ quyền hành không ai khác chính là Đỗ Anh Vũ. Mộ chí viết rằng tháng 1/1135 Lý Công Bình và Đỗ Anh Vũ dẫn quân đánh giặc cướp phía nam. Tháng 4/1135 ban chiếu lệnh cho Tả ty lang trung Lý Công Tín ra vào cấm cung tấu việc, không được ngăn cấm. Rõ rằng đây là chiếu lệnh rất đặc biệt! Trước hết ai là người ra chiếu lệnh này ? Năm 1135 chỉ 2 người có khả năng ra chiếu lệnh này, người thứ nhất là vua Thần Tông và người thứ hai là thái sư Trương Bá Ngọc. Vì chiếu lệnh liên quan tới việc ra vào cung cấm nên người ban chiếu lệnh hẳn là Thần Tông. Như thế rõ rằng Thần Tông đang có chỉ thị mật nào đó ? Nhưng đáng lẽ người được Thần Tông chỉ thị nên là Lê Bá Ngọc hoặc Đỗ Anh Vũ mới đúng, cùng lắm phải là đại thần nào đó ? Việc dùng Phí Công Tín phần nào cho thấy đối tượng mà Thần Tông muốn tra soát lại chính là Lê Bá Ngọc, Đỗ Anh Vũ và các đại thần. Trước đó năm 1134 vua ra lệnh cho những người sống trong cung không được tự tiện ra ngoài, nếu trái lệnh bị phạt nặng, sự kiện này cho biết rất có thể vua Thần Tông muốn hạn chế các thông tin trong cấm cung bị truyền ra ngoài.
* Triều đình sau khi Nhân Tông băng do 2 thế lực chính điều hành, họ Lý thông qua Sùng Hiền hầu, sau khi Cung Hoàng mất năm 1130, Thần Tông là người nối, họ Lê thông qua Bá Ngọc, sau khi Trương công mất năm 1135, Đỗ Anh Vũ là người kế. Mộ chí cũng cho thấy Thần Tông nắm quyền tại kinh sư nhưng nơi biên cảnh Anh Vũ mới thực quyền. Tháng 9/1136 Mâu Du Đô bị biếm. Người có thể bãi chức của Du Đô cũng chỉ có 2 vị, trước là Thần Tông sau là Anh Vũ. Năm 1135 Phí Công Tín giữ chức Tả ty lang trung và thực hiện chỉ thị của vua. Năm 1136 Phí Công Tín được thăng chức Thiếu sư, tước Minh Tự [Năm 1128 Phí Công Tín vốn là Nội lệnh thư gia được cho làm Phụng nghị lang. Năm 1129 Phí Công Tín là Nội thường thị làm Tả ty lang trung, rồi làm Chư vệ, được ban quốc tính. Qua những chức tước cho thấy Phí thiếu sư là người rất thân tín của vua] Lại thêm Toàn thư chép tháng 1/1128 xuống chiếu cho Gián nghị đại phu Mâu Du Đô chọn quân Long Dực cũ làm các quân tả hữu Ngọc Giai, Hưng Thánh, Quảng Thành, Vũ Đô. Rõ rằng khi Lê Bá Ngọc nắm quyền, Bá Ngọc đã giao đại sự cho Du Đô và Việt sử lược chép tháng 5/1142 thái uý Đỗ Anh Vũ dâng con rùa trắng, Mâu Đô Du dâng chim sẻ trắng, nhà vua cho Mâu Đô Du làm thái sư. Rõ ràng là khi Đỗ Anh Vũ nắm quyền, Anh Vũ đã cất nhắc Mâu Đô Du. Như thế rõ rằng Thần Tông có thực quyền nên Mâu Du Đô khả năng cao là do Thần Tông biếm. Hai thế lực cùng tồn tại tất yếu dẫn tới xung đột. Toàn thư chép năm 1136 tháng giêng tìm thấy chuông lớn thời xưa và tháng 12 Tô Vũ dâng rùa thần trên ngực có 4 chữ Nhất Thiên Vĩnh Thánh. Việt sử lược cũng chép chuông bằng đồng xưa hiện ra và rùa thần xuất hiện trên ngực có 4 chữ Nhất Thiên Vĩnh Thánh nhưng lại chép tại mục năm 1135. Tháng 7 của năm 1135 Thái sư Lê Bá Ngọc mất. Như thế có thể diễn giải 2 sự kiện mang tính chất ẩn dụ là “chuông đồng xưa xuất hiện” ý nói đây là điềm báo trước có người tài sắp lộ chân tướng và “rùa thần xuất hiện có 4 chữ trên ngực là nhất thiên vĩnh thánh” ý nói duy nhất một bậc chí tôn sáng suốt tồn tại vĩnh viễn. Xem ra những ghi chép trong sách sử muốn đề cập theo cách ẩn dụ về cuộc chiến quyền lực giữa Thần Tông và Lê Bá Ngọc.
  1. Mộ chí của Đỗ Anh Vũ viết: “Các phép viết chữ, bắn cung, thuốc men, xem mạch không việc gì là không thông thạo, còn các nghề về âm dương, binh pháp chơi bài, đánh cờ không nghề nào là không suy cứu (…) Năm Canh Ngọ [1150] nhà vua bị ốm, ông [Đỗ Anh Vũ] bèn trai giới, tắm rửa sạch sẽ, chọn đất lập đàn, dựng nghi trượng cầm ngọc khuê, cầu xin chịu bệnh thay vua, đấng hoàng thiên thương ông có lòng trung hiếu, ban cho phương thuốc thần, là viên kim đan, đại công hiệu, vua khỏi bệnh bèn ban thưởng cho ông”.
Bia chùa Diên Phúc thôn Cổ Việt viết: “Triều Nhân Tông, trúng tuyển ngự lâm đệ tử, giỏi bắn cung hay đàn nhạc, liệt vào hàng đứng đầu (…) Triều Thần Tông được tuyển vào chầu nơi màn trướng, đêm ngày chầu trực không biết mệt mỏi, từ lời nói đến việc làm đều không trái, được sủng ái vượt cả 6 vị thượng thư (…) Ngoài biên hoặc có ấp làm phản, bèn dương cờ tiết đi đánh, bắt tù binh đem về (…) Người đời mắc bệnh, không trực tiếp gặp khám, chỉ dựa vào lời khai, nhân đó mà đoán, sống hoặc chết đều hiệu nghiệm, có thể nói ông là bậc lương y giỏi nhất nước vậy”.
Toàn thư chép: “Mậu Dần [1158] Mùa xuân tháng 2, Nguyễn Quốc sang sứ nước Tống về, dâng tâu rằng: “Thần sang nước Tống thấy ở giữa sân vua có cái hòm bằng đồng để nhận các chương tấu của bốn phương, thần xin bắt chước mà làm như thế để bề trên rõ được tình người dưới”. Vua y theo, cho đặt cái hòm ở giữa sân để ai có trình bày việc gì thì bỏ thư vào hòm ấy. Bấy giờ có người ngầm bỏ thư nặc danh nói là Anh Vũ làm loạn, tìm xét không biết là ai. Anh Vũ vu cho Quốc làm, đày Quốc đến trại đầu ở Thanh Hóa. Không bao lâu, vua gọi Quốc về. Anh Vũ lại đưa cho Quốc rượu có thuốc độc, Quốc tự nghĩ không khỏi bị hại, bèn uống thuốc độc chết”.
* Mộ chí và bia chùa Diên Phúc hẳn là phải viết khen hết lời Đỗ Anh Vũ rồi. Nhưng cũng không thể vì thế mà phủ nhận thái uý biết về y thuốc, thêm nữa năm 1158 chính Đỗ Anh Vũ đã buộc Nguyễn Quốc uống rượu có thuốc độc. Để sát hại Quốc có rất nhiều cách, nhưng Anh Vũ đã sử dụng thuốc độc. Như thế cho rằng thái uý biết về y thuốc là không sai. Dân gian truyền tai nhau về tình trạng sức khoẻ, bệnh tật của Thần Tông nhưng thực tế ngài không có tiền sử bệnh. Nhưng tháng 9/1137 ngài bị ốm nặng và băng trong cùng tháng. Nếu giả sử rằng có kẻ ác ý, tung tin đồn ra ngoài dân gian rằng hoàng thượng là người ốm yếu bệnh tật, có thể băng bất cứ lúc nào, thì khi đương kim hoàng đế băng thật thì hẳn đám người tò mò trong dân gian cũng chẳng ai đặt câu hỏi nữa. Rồi có khi nào những tiếng xì xào trong dân gian đến tai vua, ngài liền ban chiếu lệnh, cấm các nha hầu trong cung cấm tự tiện ra ngoài, nhằm hạn chế những tin đồn không đúng. Cũng như tin đồn Từ Đạo Hạnh là tiền kiếp của Lý Dương Hoán được sử dụng năm 1116 nhằm tác động đến quyết định lập Dương Hoán làm thái tử của tín đồ Lý Nhân Tông.
Toàn thư chép: “Tân Hợi [1131] Tháng 2, Hoàng đệ là Tinh chết (con của Sùng Hiền hầu) (…) Mùa đông tháng 10, Hoàng đệ là Chu Cá chết (…) Nhâm Tý [1132] Mùa hạ tháng 4, đêm có rồng vàng từ điện Vĩnh Quang hiện ra ở cung Lệ Quang. Tháng 5 ngày mồng 1, hoàng thứ trưởng tử là Thiên Lộc sinh, sau phong làm Minh Đạo Vương. Tháng 5 nhuận, hoàng trưởng nữ sinh, rồi chết (…) Tháng 12, Thượng thư Lý Nguyên bị tội, chết ở trong ngục, vì con gái của Nguyên là thứ phi Chương Anh có lỗi (…) Bính Thìn [1136] Mùa hạ tháng 4, Hoàng trưởng tử Thiên Tộ sinh. Các quan dâng vàng bạc tiền lụa và biểu mừng (…) Đinh Tị [1137] Mùa hạ tháng 4, hoàng tử thứ ba (không rõ tên) sinh (…) Mùa đông tháng 10, hoàng nữ thứ hai sinh, sau phong làm Thuỵ Thiên công chúa (…) Mậu Ngọ [1138] Tháng 9, vua không khỏe. Lập Hoàng trưởng tử Thiên Tộ làm Hoàng thái tử. Trước vua đã lập Thiên Lộc làm con nối. Đến đây ốm, ba phu nhân là Cảm Thánh, Nhật Phụng và Phụng Thánh muốn đổi lập thái tử khác, mới sai người đem của đút cho Tham tri chính sự Từ Văn Thông, nói rằng nếu có vâng mệnh thảo di chiếu thì chớ bỏ lời của ba phu nhân. Văn Thông nhận lời. Đến khi vua ốm nặng, sai soạn thảo di chiếu, Văn Thông tuy vâng mệnh vua, nhưng nhớ lời dặn của ba phu nhân, cứ cầm bút mà không viết. Một lát ba phu nhân đến, khóc lóc nghẹn ngào nói rằng: “Bọn thiếp nghe rằng đời xưa lập con nối ngôi thì lập con đích chứ không lập con thứ. Thiên Lộc là con của người thiếp được vua yêu, nếu cho nối ngôi thì người mẹ tất sẽ tiếm lấn, sinh lòng nghen ghét làm hại, như thế thì mẹ con bọn thiếp tránh sao khỏi nạn ?”. Vua vì thế xuống chiếu rằng: “Hoàng tử Thiên Tộ tuy tuổi còn thơ ấu, nhưng là con đích, thiên hạ đều biết, nên cho nối nghiệp của trẫm, còn thái tử Thiên Lộc thì phong làm Minh Đạo Vương”. Vua đăng ở điện Vĩnh Quang (…) Mùa đông tháng 10 ngày mồng 1, Hoàng thái tử Thiên Tộ lên ngôi ở trước linh cữu, bấy giờ mới lên ba tuổi. Đổi niên hiệu là Thiệu Minh năm thứ 1. Đại xá cho thiên hạ. Tôn mẹ là Cảm Thánh phu nhân họ Lê làm Hoàng thái hậu (…) Anh Tông hoàng đế. Tên húy là Thiên Tộ, con đích trưởng của Thần Tông, mẹ là Hoàng hậu họ Lê”.
Việt sử lược chép: “Năm Nhâm Tý [1132] Mùa xuân tháng 3 rồng vàng hiện ra ở cung Lệ Quang (…) Vua Anh Tông tên huý Thiên Tộ là người con thứ hai của vua Thần Tông”.
* Việt sử lược chép Anh Tông là người con thứ 2 của Thần Tông, trong khi Toàn thư chép Anh Tông là con đích trưởng của Thần Tông. Xem Toàn thư thấy chép rằng năm 1132 Thiên Lộc sinh, năm 1136 Thiên Tộ sinh. Toàn thư chép năm 1128 vua lập Lý thị làm hoàng hậu, Lê thị làm phu nhân. Việt sử lược chép năm 1128 vua lập hoàng hậu 3 người. Như thế Toàn thư chép thiếu một người, nhưng Toàn thư cũng chép rõ một người làm hoàng hậu, một người là phu nhân, chứ không phải cả 2 đều là hoàng hậu, có lẽ Việt sử lược chép gom chăng ? Như vậy xét cả về mặt thời gian và thứ bậc của mẹ, thì thấy rõ rằng Thiên Tộ là thứ, Thiên Lộc là trưởng. Toàn thư chép năm 1128 sách lập con gái của Lý Sơn làm Lệ Thiên hoàng hậu và cả Toàn thư cùng Việt sử lược đều chép năm 1132 rồng vàng hiện ở cung Lệ Quang. Toàn thư còn chép rõ thêm tháng 5/1132 hoàng thứ trưởng tử Thiên Lộc sinh, sau phong làm Minh Đạo vương. Tôi cho rằng Thiên Lộc là con của Lệ Thiên hoàng hậu, chủ của cung Lệ Quang. Thiên Lộc sinh vào tháng 5/1132 khi Thần Tông 16 tuổi.
* Tháng 12/1132 nguyên phi Chương Anh có lỗi, kết cục cha của nguyên phi là Lý Nguyên bị bắt giam, rồi chết trong ngục. Tôi cho rằng Lý Nguyên cùng thân tộc với cha của Lệ Thiên hoàng hậu là Lý Sơn. Không thấy sách sử chép Lý Nguyên chết vì nguyên nhân gì. Nhưng nếu chết ở trong ngục thì khả năng cao là bị hạ độc. Toàn thư tuy chép sai năm Thần Tông băng nên kéo theo chép sai năm Anh Tông lên ngôi, nhưng lại chép khá trùng khớp với mộ chí của Đỗ Anh Vũ và Việt sử lược về chi tiết “mùa đông tháng 10 Thiên Tộ lên ngôi”. Vua Thần Tông có 2 công chúa và 3 hoàng tử. Toàn thư chép tháng 4/1137 hoàng tử thứ 3 sinh và tháng 10/1137 hoàng nữ thứ 2 sinh. Như thế rõ rằng tháng 1/1137 Thần Tông chưa có biểu hiện bệnh. Tuy Toàn thư chép thêm hẳn năm 1138 nhưng qua 2 sự kiện tháng 9 vua bệnh, tháng 10 Thiên Tộ lên ngôi trùng khớp với các tài liệu khác nên không thể phủ định sự kiện 3 phu nhân người họ Lê liên kết với Từ Văn Thông và khẩn xin vua lập Thiên Tộ nối.
* Toàn thư chép năm 1128 vua lấy Ngự khố thư gia là Từ Diên làm Viên ngoại lang. Sử chép rằng vua phong tước, nhưng nhân sự của triều đình chủ yếu là do Lê Bá Ngọc và Sùng Hiền hầu quyết định. Việc Từ Diên làm viên ngoại lang cũng chẳng có gì khó hiểu khi mà trước đó họ Từ có Từ Vinh làm tăng quan đô án, Từ Đạo Hạnh là thượng khách của hoàng triều. Tất nhiên việc Từ Diên làm viên ngoại lang cũng góp phần giải thích vì sao tại mục năm 1137 xuất hiện tham tri chính sự Từ Văn Thông. Qua sự kiện vua bệnh nặng, sai soạn di chiếu, nhưng Từ Văn Thông cầm bút không viết. Mà vua không hạ lệnh trừng trị cho thấy trước là vua bệnh rất nặng, sau là vua bị cô lập không có các quần thần khác túc trực ở bên. Thần Tông đã lập Thiên Lộc làm con nối. Vì Lộc là con trưởng nên hợp lẽ. Sử chép 3 vị phu nhân họ Lê tới khóc lóc khẩn xin nên vua xuống chiếu lại, thế nhưng Thần Tông lúc này đã nằm liệt và bất lực, thì làm sao có thể biết được lời chiếu là của Thần Tông hay là của 3 vị phu nhân họ Lê mượn lời của vua Thần Tông mà xuống chiếu. Có khi trên giường bệnh Thần Tông vẫn nhất quyết để Thiên Lộc nối, nhưng khi đọc chiếu ngoài chính điện, các gia thần lại cố ý đọc thành “Hoàng tử Thiên Tộ tuy tuổi còn thơ ấu, nhưng là con đích, thiên hạ đều biết, nên cho nối nghiệp của trẫm, còn thái tử Thiên Lộc thì phong làm Minh Đạo Vương”. Vì những người túc trực bên Thần Tông lúc ấy đều là người của Cảm Thánh hoàng hậu và thái uý Đỗ Anh Vũ cả.
Toàn thư chép: “Canh Thân [1140] Mùa đông tháng 10. Người thầy bói Thân Lợi tự xưng là con của Nhân Tông đem đồ đảng theo đường thủy đến châu Thái Nguyên, từ châu Tây Nông kéo ra, qua châu Lục Lệnh, vào chiếm châu Thượng Nguyên và châu Hạ Nông, thu nạp những kẻ trốn tránh, chiêu mộ thổ binh, có đến hơn 800 người, cùng mưu làm loạn (…) Tân Dậu [1141] Mùa xuân tháng giêng, Thân Lợi tiếm xưng là Bình Vương, lập vợ cả, vợ lẽ làm hoàng hậu và phu nhân, con làm vương hầu, cho đồ đảng quan tước theo thứ bậc khác nhau. Khi ấy đồ đảng của Thân Lợi chỉ hơn nghìn người, đi đến đâu nói phao là Lợi giỏi binh thuật để hiếp chế người miền biên giới. Người các khe động dọc biên giới đều khiếp sợ, không dám chống lại. Tháng 2, quan coi biên giới dâng thư cáo cấp. Xuống chiếu cho Gián nghị đại phu Lưu Vũ Nhĩ đem quân do đường bộ tiến đi, Thái phó là Hứa Viêm đem quân ngược đường thủy để tiến đánh. Khi ấy Vũ Nhĩ sai tướng tiên phong là Thị vệ đô Tô Tiệm và Chủ đô trại Tuyên Minh là Trần Thiềm đem quân đi trước, đóng ở sông Bác Đà, gặp thủy quân của Lợi cùng giao chiến. Tiệm thua, bị Lợi giết, Lợi trở về giữ châu Thượng Nguyên, đắp đồn ải ở huyện Bác Nhự để chống quan quân. Vũ Nhĩ đánh nhổ được ải Bác Nhự, tiến đến Bồ Đinh, gặp thủy quân của Lợi, đánh lớn, Vũ Nhĩ thua trận, tướng sĩ chết đến quá nửa, phải rút về. Mùa hạ tháng 4 ngày Mậu Thìn, Vũ Nhĩ về đến Kinh sư. Ngày Tân Mùi, Lợi ra chiếm châu Tây Nông, sai người ở các châu Thượng Nguyên, Tuyên Hóa, Cảm Hóa, Vĩnh Thông đánh lấy phủ Phú Lương. Lợi chiếm giữ phủ trị, ngày đêm hợp bè đảng mưu cướp kinh sư. Ngày Kỷ Mảo, vau sai thái úy Đỗ Anh Vũ đem quân đi đánh Lợi. Tháng 5, ngày Tân Mão, quân của Lợi kéo về cướp kinh sư, đóng ở Quảng Dịch, gặp quân của Anh Vũ, đánh lớn. Quân của Lợi thua, chết không kể xiết. Anh Vũ sai chém lầy đầu bêu lên ở cạnh đường suốt từ quan Bình Lỗ đến sông Nam Hán. Bắt được thủ lĩnh châu Vạn Nhai là Dương Mục, thủ lĩnh động Kim Kê là Chu Ái, đóng củi giải về Kinh sư. Lợi chỉ chạy thoát một mình về châu Lục Lệnh. Ngày Nhâm Ngọ, giải bọn Mục và Ái về trói giam ở huyện phủ của chúng. Xuống chiếu cho Anh Vũ chiêu tập bọn tàn tốt của Lợi ở cửa quan Bình Lỗ. Phát muối kho công cho bọn Mục và Ái (…) Mùa đông tháng 10 ngày mồng 1, lại sai Anh Vũ đi đánh châu Lục Lệnh, bắt được bọn bè đảng của Lợi hơn 2.000 người. Lợi trốn sang châu Lạng, Thái phó Tô Hiến Thành bắt được Lợi, giao cho Anh Vũ đóng củi giải về kinh sư. Sai Lý Nghĩa lâm chiêu tập vỗ yên dư đảng của Lợi. Xuống chiếu cho quan Đình úy xét tội Lợi. Án xét xong, vua ngự điện Thiên khánh xử tội Lợi và bọn đồng mưu 20 người đều xử trảm, những kẻ còn lại đều theo tội nặng nhẹ mà xử, tha cho những kẻ vì ép buộc mà phải theo. Các quan dâng biểu mừng. Lưu Vũ Nhĩ dâng hươu trắng, lại dâng ngọc tân lang (…) Nhâm Tuất [1142] Xuống chiếu tha tội lưu cho các bè đảng của Thân Lợi (…) Đinh Mão [1147] Tháng 11, làm nhà cho Công chúa Thuỵ Thiên ở châu Lạng (…) Mậu Thìn [1148] Mùa hạ tháng 6 (…) Công chúa Thuỵ Thiên về châu Lạng”.
Mộ chí của Đỗ Anh Vũ viết: “Lúc bấy giờ [1138] vùng Kê Động nơi biên tái, bỗng có yêu đồng là Thượng Suy Vi tự xưng là con côi của Nhân Tông, tụ tập đồng bọn tiếm xưng hiệu Bình Nguyên đại tướng, nhà vua sai Tả gián nghị đại phu Lưu Cao Nhĩ đem quân đi đánh, nhưng giặc càng thêm tệ (…) Vua bèn chuẩn theo lời thỉnh cầu, giao cho chức Nguyên soái, thống lĩnh 6 quân, nhận tiết việt, tuyên thệ trước tướng sĩ, đem quân đến bến Nam Khoáng. Đỗ Anh Vũ chia quân thành 10 đạo, để đề phòng sự bất trắc. Quân giặc đông như kiến cỏ, nhưng vừa đánh một trận mà thế giặc tan như đất lở, nghịch đảng đều bị bắt. Ông chấn chỉnh đội ngũ, rút quân về triều đình, báo tin thắng trận”.
Bài Tin đồn về Đại Việt trên đất Tống của tác giả Phạm Lê Huy viết: “Ghi chép của Quế hải ngu hành chí về tin đồn đó như sau: “Càn Đức [Lý Nhân Tông] chết, con là Dương Hoán lên ngôi. Dương Hoán [Lý Thần Tông] chết.  Càn Đức có đứa con rơi ở Chiêm Thành, lập lên ngôi. Lại có người nói rằng: Có Lê Mâu là phe đảng của vợ Càn Đức. Trước đây là con nuôi của họ Lý, giết con rơi (của họ Lý) mà lên ngôi, mạo họ Lý, tên là Thiên Tộ. Đó là năm Thiệu Hưng 9 [1139] Người nước đó vẫn gọi là Lê vương”. Ghi chép của Quế hải ngu hành chí cho thấy vào thời điểm Lý Thiên Tộ lên ngôi (năm Thiệu Hưng 9 – 1139) trong nước (Đại Việt) đã có dư luận nghi ngờ về tính chính danh của Thiên Tộ. Thậm chí còn có tin đồn cho rằng Thiên Tộ không phải họ Lý mà là người họ Lê, làm con nuôi của họ Lý, sau đó giết con của Lý Càn Đức (Lý Nhân Tông) để lên ngôi, người trong nước còn gọi Thiên Tộ là Lê vương [vua họ Lê]. Bản thân ghi chép của Quế hải ngu hành chí cho thấy có những lời đồn thổi khác nhau (lại có người nói) trong đó bao gồm một số nội dung không chính xác. Tuy nhiên, những tin đồn này ít nhất phản ánh một sự thực lịch sử. Đó là đương thời, trong nội bộ Đại Việt có dư luận về tính chính danh của Thiên Tô, hơn nữa Thiên Tộ lên ngôi có liên hệ mật thiết đến họ Lê (…)
Với những gợi ý từ tin đồn trong Quế hải ngu hành chí, chúng tôi đã lần theo các ghi chép của ĐVSKTT và ĐVSL về họ Lê, kết nối chúng với nhau, từ đó nhận ra rằng Lê Bá Ngọc là một nhân vật hết sức quan trọng trong việc đưa Lý Dương Hoán và Thiên Tộ lên ngôi (…) Sinh năm 1116, khi Nhân Tông băng hà, Lý Dương Hoán cũng mới chỉ là một cậu bé 13 tuổi. Vì vậy chắc chắn Lý Dương Hoán không thể “hạ lệnh cho Vũ vệ Lê Bá Ngọc” cũng như sắp xếp mọi chuyện chu toàn được như chúng ta thấy. Đằng sau việc lên ngôi của Dương Hoán rõ ràng có sự sắp xếp của Thần Anh phu nhân (nghĩa mẫu) và một nhóm đại thần, bao gồm Thái sư Lưu Khánh Đàm, Trung thư thừa Mâu Du Đô và đặc biệt là chỉ huy cấm quân Nội vũ vệ Lê Bá Ngọc. Sau khi Dương Hoán lên ngôi (tức Lý Thần Tông) việc củng cố quyền lực cho tân vương vẫn tiếp tục, với việc Mâu Du Đô biên chế lại cấm quân, lấy quân Long Dực cũ làm quân tả hữu Ngọc Giai, Hưng Thánh, Quảng Thành, Vũ Đô (…) Lê Bá Ngọc chết vào tháng 7 năm 1135, nhưng sự chi phối của họ Lê đối với vương tộc nhà Lý vẫn được tiếp tục thông qua Đỗ Anh Vũ. Đỗ Anh Vũ vốn là em của Đỗ Thái hậu – mẹ ruột của Lý Thần Tông. Nếu đọc trên chính sử, tưởng như Đỗ Anh Vũ không có bất kỳ một liên hệ gì với họ Lê. Tuy nhiên, theo văn bia Cự Việt quốc Thái úy Lý công thạch bi tịnh tự lập năm 1159, khi còn sống Lê Bá Ngọc đã nhận Đỗ Anh Vũ làm con nuôi. Sau khi Thần Tông lên ngôi, năm 1128 người Chân Lạp vào cướp ở Nghệ An. Dưới sự tiến cử của Lê Bá Ngọc, Đỗ Anh Vũ đã được theo chân Nhập nội Thái phó Lý Công Bình vào Nghệ An đánh Chân Lạp và lập được chiến công, nhờ đó càng ngày càng thăng tiến trong triều. Có thể nói Đỗ Anh Vũ là một nhân vật có liên quan hết sức mật thiết với họ Lê (…) Bia Cự Việt quốc Thái úy Lý công thạch bi tịnh tự đã tiết lộ: Đỗ Anh Vũ chính là người đã phối hợp với Cảm Thánh phu nhân họ Lê (mẹ ruột Thiên Tộ) để đưa hoàng tử này lên ngôi. Điều này cũng rất dễ hiểu nếu nhìn từ mối liên hệ giữa Đỗ Anh Vũ và dòng họ Lê mà chúng tôi đã phân tích ở phần trên. Mối quan hệ này lại càng được củng cố bằng việc Đỗ Anh Vũ tư thông với thái hậu họ Lê (Cảm Thánh phu nhân, mẹ của Anh Tông Thiên Tộ).
Như vậy, chúng ta thấy rằng sau cái chết của Lý Nhân Tông, họ Lê với trung tâm là Lê Bá Ngọc, đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đưa Lý Dương Hoán lên ngôi (Thần Tông) củng cố quyền lực của tân vương cũng như của dòng họ mình, đưa con gái họ Lê vào làm hoàng hậu, sinh ra Thiên Tộ. Sau đó, một người con nuôi của họ Lê là Đỗ Anh Vũ lại dùng thế lực của mình để câu kết với hoàng hậu họ Lê, đưa Thiên Tộ lên ngôi vua (Lý Anh Tông) đồng thời lại tư thông với thái hậu họ Lê. Đây chính là bối cảnh dẫn đến tin đồn Lý Thiên Tộ không phải họ Lý mà là người họ Lê, bị người trong nước gọi là Lê vương. Quay trở lại với tin đồn trong Quế hải ngu hành chí, nhân vật Lê Mâu theo chúng tôi có hai khả năng. Khả năng thứ nhất, Lê Mâu không phải là tên một người mà chỉ hai nhân vật Lê Bá Ngọc và Mâu Du Đô. Khả năng thứ hai, Lê Mâu chỉ Đỗ Anh Vũ, phe đảng vợ Càn Đức (Nhân Tông) chỉ mối quan hệ anh em giữa Đỗ Anh Vũ và Đỗ Thái hậu (mẹ ruột của Thần Tông).
Chi tiết Lý Thiên Tộ làm con nuôi trong tin đồn của Quế hải ngu hành chí có lẽ là lẫn lộn với việc cha Thiên Tộ (tức Càn Đức Lý Thần Tông) làm con nuôi của Lý Nhân Tông trước đó. Người con rơi của Lý Càn Đức mà Quế hải ngu hành chí nhắc đến nhiều khả năng là thầy bói Thân Lợi (…) Chi tiết Chiêm Thành trong tin đồn của Quế hải ngu hành chí chắc là nhầm từ Đại Lý sang Chiêm Thành. Theo Tống sử và Kiến viêm dĩ lại hệ niên yếu lục, Lý Nhân Tông có con với một người thiếp, người con đó (được cho là Thân Lợi) chạy sang Đại Lý, đổi tên là Triệu Trí Chi. Sau khi Thần Tông chết, nhân việc trong nước nhiều người bất phục về Lý Thiên Tộ, Đại Lý đã cho Trí Chi 3000 quân về để tranh giành ngôi báu”.
Tống sử chép: “Con rơi của Càn Đức chạy sang Đại Lý, đổi tên là Triệu Trí Chi, tự xưng Bình vương. Dương Hoán chết, Đại Lý sai về, tranh lập với Thiên Tộ” [dẫn theo Phạm Lê Huy]
Kiến viêm dĩ lại hệ niên yếu lục chép “Nam Bình vương Lý Càn Đức chết, con thứ Trí Chi chạy sang Đại Lý, đổi sang họ Triệu xưng hiệu Bình vương, anh Dương Hoán chết, cùng Thiên Tộ tranh ngôi, Đại Lý giúp Chi 3000 quân” [dẫn theo Phạm Lê Huy]
* Tống sử chép người con côi của Nhân Tông chạy sang Đại Lý xưng Bình vương sau sự biến năm 1127. Sau khi Thần Tông băng, Bình vương mượn binh của Đại Lý tranh ngôi với Thiên Tộ. Theo Quế Hải ngu hành chí [1175. Phạm Thành Đại] thì Thần Tông là con đẻ của Nhân Tông, có lẽ vì thế mà An Nam chí lược chép rằng Dương Hoán là con của Nhân vương. Quế Hải ngu hành chí cho biết thêm Thiên Tộ là con nuôi của Thần Tông. Như thế có phải Quế Hải ngu hành chí chép lộn giữ các thế hệ không ? Cũng chưa hẳn, Dương Hoán được Nhân Tông nuôi thì đã rõ ràng rồi. Vậy thì rõ rằng Quế Hải ngu hành chí đã chép sai thông tin, nói chính xác hơn tác giả của Quế Hải ngu hành chí chưa biết thông tin Dương Hoán không phải là con đẻ của Nhân Tông nên mới chép Càn Đức chết, con là Dương Hoán nối ngôi. Việc này cho chúng ta biết thêm thông tin Thiên Tộ không phải người họ Lý thực sự đã lan rộng khắp, đến tận phương bắc, nên tác giả của Quế Hải ngu hành chí mới biết được mà chép lại. Nếu thế hẳn là người Đại Việt phải rõ tin trước nhất và thậm chí họ còn gọi Thiên Tộ là Lê vương. Ý nói Thiên Tộ không phải người họ Lý. Nhưng tại sao người Đại Việt không gọi Thiên Tộ là Đỗ vương mà lại gọi là Lê vương ? Có thể tại thời điểm của năm 1139 mối quan hệ tư thông giữa Lê hoàng hậu Cảm Thánh với Thái uý Đỗ Anh Vũ chưa bị lộ. Người Đại Việt năm 1139 thấy Cảm Thánh hoàng thái hậu tột đỉnh quyền lực, đương kim hoàng thượng là con đẻ của hoàng thái hậu, còn Đỗ Anh Vũ cũng giống như các đại thần khác, hết mực trung thành. Nên chưa xuất hiện tin đồn về mối quan hệ tư thông giữa Cảm Thánh và Anh Vũ, mối quan hệ bất chính ấy mãi rồi mới lộ và được sách sử chép lại vào những năm cuối đời của thái uý.
* Thông tin Thiên Tộ không phải là người họ Lý được người Đại Việt năm 1139 cho là chính xác và được những người có mộng bá vương sử dụng, trong đó có cả tông thất họ Lý. Sự thực những người có mộng bá vương đã có những động thái quân sự từ sau cái chết của Trương Bá Ngọc năm 1135. Chỉ đến năm 1137 sau cái chết của Thần Tông, cục diện tại Đại Việt thay đổi mang tính bước ngoặt nên những người có mộng bá vương như Thân Lợi đã tận dụng triệt để.
* Toàn thư chép năm 1128 Thần Tông thăng cho cha của Lệ Thiên hoàng hậu là Lý Sơn coi việc quân sự ở châu Lạng. Tháng 10/1137 công chúa Thuỵ Thiên sinh. Năm 1147 làm nhà cho công chúa tại châu Lạng. Năm 1148 công chúa về ở tại châu Lạng. Xem như thế công chúa Thuỵ Thiên là cháu ngoại của Lý Sơn.
Toàn thư chép: “Canh Ngọ [1150] Tháng 9, khi trước vua còn trẻ thơ, chính sự không cứ việc lớn, việc nhỏ đều uỷ cho Đỗ Anh Vũ cả. Anh Vũ sai vợ là Tô thị ra vào cung cấm hầu hạ Đỗ thái hậu, do đó mà Anh Vũ tư thông với Lê thái hậu, nhân thế lại càng kiêu rông, ở triều đình thì khoát tay lớn tiếng, sai bảo quan lại thì hất hàm ra hiệu, mọi người đều liếc nhau nhưng không ai dám nói. Điện tiền đô chỉ huy sứ là Vũ Đái, Hoả đầu đô Quảng Vũ là Lương Thượng Cá, Hoả đầu đô Ngọc Giai là Đồng Lợi, Nội thị là Đỗ Ất, cùng với bọn Trí Minh Vương, Bảo Ninh hầu, Phò mã lang Dương Tự Minh cùng mưu bắt giam Anh Vũ. Bàn tính xong, bọn Đái đem quân lính đến ngoài cửa Việt Thành hô to rằng: “Anh Vũ ra vào cấm đình, làm nhiều đều ô uế, tiếng xấu đồn ra ngoài, không tội gì to bằng. Bọn thần xin sớm trừ đi, khỏi để mối lo về sau”. Bèn có chiếu sai cấm quân đến bắt Anh Vũ trói giam ở hành lang Tả Hưng Thánh, giao cho Đình uý tra xét. Thái hậu sai người mang cơm rượu cho Anh Vũ, ngầm để vàng vào trong đồ đựng món ăn để đút cho Vũ Đái và các người canh giữ. Hoả đầu ở đô Tả Hưng Thánh là Nguyễn Dương nói: “Các ông tham của đút, tôi với các ông tất không thoát khỏi tay Anh Vũ đâu, chi bằng cứ giết trước đi cho khỏi tay hoạ về sau” bèn cầm giáo định đâm. Đô Tả Hưng [Thánh] là Đàm Dĩ Mông ôm Dương, cướp lấy giáo, ngăn rằng: “Điện tiền bảo Anh Vũ tội đáng chết, nhưng còn phải đợi mệnh lệnh của vua, không nên tự tiện”. Dương giận, chửi: “Điện tiền Vũ Cứt chứ chẳng phải Đái! (chữ Cát Đái phương ngôn nói là cứt đái). Sao tham của đút mà không tiếc đến mạng mình!”. Nói xong, tự biết không khỏi chết, bèn nhảy xuống giếng tự tử. Bấy giờ vua xét án của Anh Vũ, đày Anh Vũ làm Cảo điền nhi. Thái hậu lo buồn, cố nghĩ làm thế nào để phục hồi chức nhiệm cho Anh Vũ, mới nhiều lần mở hội lớn để xá cho tội nhân, mong Anh Vũ được dự vào đấy. Anh Vũ được mấy lần xá tội, lại làm Thái uý phụ chính như cũ, càng được yêu dùng hơn, do đấy chuyên làm oai, làm phúc, sinh sát mà lòng báo thù lúc nào cũng tỏ rõ, còn sợ rằng bọn quân lại đi bắt bớ phần nhiều không được như ý, mới dâng hơn một trăm người thủ hạ để làm đô Phụng quốc vệ, người nào phạm tội đều giao cho đô Phụng quốc vệ đi bắt. Anh Vũ mật tâu với vua rằng: “Trước kia bọn Vũ Đái tự tiện đem cấm quân xông vào cung đình, tội ấy không gì to bằng, nếu không sớm trừng trị, sợ một ngày kia sinh biến, không thể lường được”. Vua chẳng biết gì cả, bèn chuẩn tâu. Anh Vũ sai đô Phụng quốc về đi bắt bọn Vũ Đái giam vào ngục để trị tội. Hạ chiếu giáng Trí Minh Vương xuống tước hầu, Bảo Ninh hầu xuống tước minh tự, Bảo Thắng hầu xuống tước phụng chức, Nội thị là bọn Đỗ Ất 5 người bị “cưỡi ngựa gỗ” bọn Hoả đầu đô Ngọc Giai là Đồng lợi 8 người bị chém ở chợ Tây Giai, bọn Điện tiền đô chỉ huy Vũ Đái 20 người chém bêu đầu ở các bến sông, bọn Phò mã lang Dương Tự Minh 30 người bị tội lưu ở nơi xa độc, những người dự mưu đều bị tội đồ làm điền hoành, khao giáp, quả như lời nói của Nguyễn Dương. Lê Văn Hưu nói: Đỗ Anh Vũ ra vào cấm đình, tư thông với mẫu hậu, không tội gì to bằng. Bọn Vũ Đái nên tâu bày gian trạng rồi bắt giam vào ngục mà giết đi là phải. Nay lại đem quân đột nhập cửa Việt Thành, hiếp vua nhỏ tuổi, ép lấy chiếu chỉ. Đến khi bắt được Anh Vũ rồi, lại nhận vàng của thái hậu mà không nghe lời nói của Nguyễn Dương, đến sau rốt cuộc bị Anh Vũ giết, liên lụy đến mấy mươi người, thế là nuôi hổ để hoạ về sau vậy (…) Xuống chiếu cấm bọn hoạn quan không được tự tiện vào trong cung, ai phạm thì bị tội chết. Nếu [canh giữ] không cẩn thận để người khác vào cung cũng bị tội như thế. Cấm các quan trong triều không được đi lại nhà các vương hầu, ở trong cung cấm không được hội họp nhau năm, ba người bàn luận chê bai, ai phạm thì trị tội. Kẻ nào phạm việc qua lại bên ngoài phía đầu hành lang chứa khí giới của đô Phụng quốc vệ thì xử 80 trượng, tội đồ; nếu vào trong hành lang ấy thì xử tử. Lính Phụng [quốc] vệ ở trong hành lang ấy có chiếu chỉ mới được cầm khí giới, không có chiếu chỉ mà tự tiện mang khí giới đi quá ra ngoài phía đầu [hành lang] thì xử tử (…) Mậu Dần [1158] Mùa xuân, tháng 2, Nguyễn Quốc sang sứ nước Tống về, dâng tâu rằng: “Thần sang nước Tống thấy ở giữa sân vua có cái hòm bằng đồng để nhận các chương tấu của bốn phương, thần xin bắt chước mà làm như thế để bề trên rõ được tình người dưới”. Vua y theo, cho đặt cái hòm ở giữa sân để ai có trình bày việc gì thì bỏ thư vào hòm ấy. Bấy giờ có người ngầm bỏ thư nặc danh nói là Anh Vũ làm loạn, tìm xét không biết là ai (…) Mùa thu tháng 8, Đỗ Anh Vũ chết”.
Mộ chí của Đỗ Anh Vũ viết: “Tháng 8 năm Mậu Dần [1158] ông bị bệnh nằm tại nhà riêng ở hương Điển Lệnh. Nhà vua cùng hoàng thái hậu hàng ngày mới thầy thuốc giỏi trong nước đến phục thuốc, lại sai trung sứ trong cung trông mon cơm nước. Dốc của trong kho làm lễ Ngưu Thủ. Những người hàn mặc những đấng tì hưu đều đem lễ Thái Lao, đến tông miếu của xã tắc kêu cầu cho thái uý. Nhưng xem mạch biết rõ bệnh khó qua khỏi, nhà vua bèn cho sắm sửa tang lễ, đến ngày Bính Tý 20 tháng giêng, ông mất (…) nhà vua và hoàng thái hậu thương khóc 7 ngày, than cho đấng rường cột của nước nhà nghiêng đổ, bỏ cả cơm ngự thiện, thôi hết các buổi chầu, đưa đồ cúng tế nhiều hơn thường lệ”.
* Rõ ràng rằng mối quan hệ giữa Đỗ Anh Vũ với Cảm Thánh hoàng thài hậu và Anh Tông rất thân tình.
Tiểu kết: Tôi sẽ gom những gạch đầu dòng theo trình tự thời gian để có sự liên tưởng.
– Được sự ủng hộ của họ Lê, Sùng Hiền hầu thành công khi đưa con trai là Dương Hoán lên ngôi hoàng đế. Quyền lực trong triều do 2 nhà Lê, Lý nắm giữ. Họ Đỗ ngày càng giữ vai trò quan trọng trong triều đình vì mẹ của hoàng đế là người họ Đỗ và do đó thái sư Lê Bá Ngọc nhận người họ Đỗ là Anh Vũ làm con nuôi.
– Năm 1128 Thần Tông lập thê thiếp, Lý thị được làm hoàng hậu, trong khi Lê thị làm phu nhân và vị phu nhân họ Lê là Minh Bảo chứ không phải Cảm Thánh.
– Xuất hiện tin đồn về tình trạng bệnh của đương kim hoàng thượng trong dân gian, do đó có chiếu lệnh năm 1134, cấm những người trong cung tự tiện ra ngoài.
– Sau cái chết của Sùng Hiền hầu, Thần Tông là người thừa hưởng quyền lực trực tiếp từ cha. Năm 1134 Cảm Thánh phu nhân họ Lê nhập cung khi đã quá lứa và khoảng tháng 4/1135 phu nhân sinh con trai đặt tên Thiên Tộ. Cũng vào tháng 4/1135 vua chiếu cho Phí Công Tín ra vào cung để tấu việc mà không bị ngăn cấm.
– Tháng 7/1135 thái sư Trương Bá Ngọc chết, Đỗ Anh Vũ được thừa hưởng thêm quyền lực từ họ Lê. Các Kê Động bất tuân triều đình Thăng Long. Năm 1136 các đại thần hoặc chết hoặc bị biếm. Đại Việt nơi biên cảnh do Đỗ Anh Vũ kiểm soát, nơi kinh sư do Lý Dương Hoán kiểm soát.
– Đỗ Anh Vũ là người giỏi về y thuật và đã từng dùng rượu có thuốc độc để buộc Nguyễn Quốc chết.
– Thần Tông chọn con trưởng là Thiên Lộc làm người kế vị, nhưng bỗng tháng 9/1137 vua trở bệnh nặng, những người túc trực bên cạnh đều là thuộc hạ của Cảm Thánh Lê thị và Anh Vũ Thái uý, đồng thời chiếu lệnh được ban rằng cho Thiên Tộ kế vị.
– An táng Thần Tông xong, Đỗ Anh Vũ cùng Hiến Chí hoàng thái hậu đón Thiên Tộ từ ngoài thành về nhà Thượng Thanh ở trong thành, đến tháng 10/1137 lại đón Thiên Tộ từ nhà Thượng Thanh vào cung, lập lên làm vua.
– Xuất hiện tin đồn Anh Tông không phải người họ Lý mà là người họ Lê nên dân gian đổi gọi là Lê vương, đồng thời Bình vương, người tự xưng là con côi của Lý Nhân Tông, đã chống lại Thiên Tộ.
– Đỗ Anh Vũ tư thông với Cảm Thánh hoàng thái hậu và mối quan hệ giữa Thiên Tộ, Anh Vũ, Cảm Thánh rất thân tình như ruột thịt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét