Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

Lý triều tân biên: Anh Tông Hoàng Đế

Toàn thư chép: “Ất Mùi [1175] Mùa xân tháng giêng, sách lập Long Trát làm Hoàng thái tử, ở đông cung. Phong Tô Hiến Thành làm Nhập nội kiểm hiệu thái phó bình chương quân quốc trọng sự, tước vương, giúp đỡ đông cung (…) Mùa hạ tháng 4, vua không khỏe, cố gượng sai Tô Hiến Thành ẵm thái tử mà quyền nhiếp chính sự (…) Mùa thu tháng 7 vua băng ở điện Thuỵ Quang.
Trước đó, khi vua ốm nặng, hoàng hậu lại xin lập Long Xưởng, vua nói: “Làm con bất hiếu còn trị dân sao được”. Di chiếu cho Tô Hiến Thành giúp rập thái tử, công việc quốc gia nhất nhất tuân theo phép cũ. Bấy giờ thái hậu muốn làm việc phế lập, sợ Hiến Thành không nghe, mới đem vàng bạc đút cho vợ là Lữ thị. Hiến Thành nói: “Ta là đại thần nhận mệnh tiên đế dặn lại giúp rập vua bé, nay lấy của đút mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở suối vàng?”. Thái hậu lại gọi Hiến Thành đến dỗ dành trăm cách. Hiến Thành trả lời: “Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có vui làm, huống chi lời của Tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quang hay sao ? Thần không dám vâng chiếu”. Việc bèn thôi.
Thái tử Long Trát lên ngôi trước linh cữu, bấy giờ mới lên 3 tuổi, tôn mẹ là Đỗ thị làm Chiêu Thiên Chí Lý hoàng thái hậu (…) Cho Đỗ An Di (em trai hoàng thái hậu) làm thái sư đồng bình chương sự, Tô Hiến Thành làm thái uý”.
* Việc này Việt sử lược cũng có chép.
Toàn thư chép: “Giáp Ngọ [1174] Mùa thu tháng 9, Thái tử Long Xưởng có tội, phế làm thứ dân và bắt giam. Trước đó, Long Xưởng thông dâm với cung phi, vua không nỡ bắt tội chết, cho nên có mệnh này. Một hôm, vua gọi tể tướng đến bảo rằng: “Thái tử là gốc lớn của nước, Long Xưởng đã làm điều trái đạo, trẫm muốn Long Trát nối giữ nghiệp lớn, nhưng nó còn nhỏ tuổi, sợ không đương nổi, nếu đợi lớn thì trẫm đã tuổi già suy yếu, biết làm thế nào?”. Bấy giờ có nội nhân ẵm Long Trát ra, thấy vua đội mũ, khóc đòi đội, vua chưa kịp tháo mũ đưa cho thì càng khóc to hơn. Vua bèn tháo mũ đội cho, Long Trát cả cười. Vua càng lấy làm lạ, ý lập Long Trát làm thái tử bèn quyết định”.
Việt sử lược chép: “Giáp Ngọ [1174] Giáng thái tử Long Sưởng làm Bảo Quốc vương. Lập Long Cán làm thái tử. Long Sưởng có tính hiếu sắc. Nhà vua rất ghét sự vô lễ ấy. Bà nguyên phi là Từ thị được vua yêu, hoàng hậu bèn sai Long Sưởng lén lút đến tư tình để gây sự ngờ vực cho vua. Muốn rằng Từ thị từ đó bị vua đối xử nhạt nhẽo đi. Từ thị cứ tình thực tâu vua. Vua giận bèn phế Long Sưởng”.
* Không khó để nhận ra 2 điểm sai khác trong Việt sử lược và Toàn thư. Việt sử lược cho biết Long Sưởng là người hiếu sắc, bị mẹ là hoàng hậu xúi tư thông với phi yêu của Anh Tông là Từ thị, khi Từ thị tấu vua thì Sưởng bị phế. Trong bài Lý triều tân biên: Thần Tông hoàng đế tôi có đề cập tới vị tham tri chính sự Từ Văn Thông, người đã hỗ trợ rất nhiều cho việc lên ngôi của Anh Tông. Tại đây chúng ta lại bắt gặp vị nguyên phi họ Từ nên tôi ngờ rằng, vị nguyên phi này có mối quan hệ thân tộc với Từ Văn Thông.
* Việc hoàng hậu xúi con trai Long Sưởng tư thông với Từ thị, sau Từ thị tâu vua nên Sưởng bị phế, cũng không nên tin ngay. Vì hoàng hậu sẽ không mạo hiểm đánh đổi tương lai của con trai chỉ để hạ bệ người thiếp yêu của vua, thêm nữa thiếp yêu của Anh Tông là người họ Từ, mà họ Từ có mối quan hệ cùng phe với họ Đỗ. Cũng chính nguyên phi họ Từ tấu vua về việc tư thông với Long Sưởng nên tôi ngờ rằng đã có kế hoạch bẫy Long Sưởng.
Toàn thư chép: “Mậu Tuất [1178] Hết quốc tang. Chiêu Linh hoàng thái hậu ban yến cho các quan ở biệt điện, bảo rằng: “Hiện nay Tiên đế đã chầu trời, vua nối còn thơ ấu, nước Chiêm Thành thất lễ, người phương Bắc cướp biên. Các khanh chịu ơn nặng của triều đình, nên lo việc của nước nhà. Kế sách ngày nay không gì bằng lập lại thái tử, để vận nước được lâu, lòng dân được yên”. Các quan đều chắp tay cúi đầu nói: “Thái phó nhận mệnh lệnh rõ ràng của thiên tử. Bệ hạ cũng đã nhiều lần dỗ bảo rồi, bọn thần không dám trái lệnh”. Đều lạy tạ rồi lui ra. Hiến Thành quản Lĩnh cấm binh, nghiêm hiệu lệnh, thưởng phạt công bằng, người trong nước đều quy phục”.
Việt sử lược chép: “Ất Mùi [1175] Nhà vua còn nhỏ tuổi, việc chính sự không kể lớn nhỏ đều giao hết cho quan thái phó là Tô Hiến Thành nắm giữ. Thái hậu Chiêu Linh có ý làm việc phế lập, dò biết lúc Tô Hiến Thành đi khỏi mới sai người đem vàng lụa đút lót cho vợ ông là Lữ thị, để khiến của đút lót đến được Hiến Thành. Tô Hiến Thành nói rằng: “thân ta ở ngôi tể tướng, đã chịu nhận sự phó thác của tiên vương phò giúp ấu chúa, nay lại nhận của đút lót của người ta mà mưu việc phế lập thì người trong thiên hạ bảo ta ra thế nào nữa. Ví phỏng mọi người đều bị bịt tai, bịt mắt không biết thì khi về nơi địa phủ, ta biết đem lời gì đối đáp với đấng tiên vương”. Thái hậu biết cái mưu ấy không được Tô Hiến Thành giúp sức. Nhưng rốt cuộc cũng không đổi ý, bèn mới Hiến Thành lại mà bảo: “Ông đối với nước có thể gọi là trung, nhưng tuổi ông cũng đã về chiều mà đi giúp vua nhỏ thì những điều ông làm ai biết cho, chi bằng lập vua lớn tuổi. Có lớn tuổi mới biết công lao mà ban thưởng, rồi ông sẽ mãi mãi giữ vẹn được cảnh giàu sang, há không đẹp đẽ sao”. Tô Hiến Thành thưa rằng: “Làm việc bất nghĩa để giàu sang đâu phải tôi trung, kẻ nghĩa sĩ thích làm, huống chi lời dặn dò của tiên vương còn nguyên bên tai, vả lại việc mưu lập ấy, công nghị sẽ ra sao, tôi không giám vâng lời”. Nói thế rồi Tô Hiến Thành vội bước đi. Thái hậu bèn sai triệu gấp Bảo Quốc vương. Bảo Quốc vương vừa sợ vừa mừng bèn dùng ghe nhỏ từ sông Tô Lịch mà vào. Tô Hiến Thành liên cho triệu tập các viên tả hữu quan chức đô đến mà bảo rằng: “tiên vương thấy ta cùng với các ông chung sức phù trợ vua, quyết không hai lòng, nên mới đem ấu chúa giao gởi, nay Bảo Quốc vương nghe theo lời của thái hậu, phế bỏ chúa thượng mà tự lập làm vua, các ông nên hết lòng chung, hết sức nghe theo lời ta, hễ nghe theo lời thì được ban thưởng suốt đời, trái lệnh bị giết nơi chợ búa, các ông hãy gắng sức”. Các viên quan chức đô nghe theo mệnh lệnh. Chốc lát, Bảo Quốc vương đã đến của Ngân Hà. Thái hậu cho triệu càng gấp. Bảo Quốc vương muốn vào, quan chức đô ngăn lại mà nói rằng: “chưa nghe có chiếu chỉ của nhà vua, không giám vâng lệnh ngài, nếu ngài ỷ mạnh mà vào, thì người phạm tội không phải ở tôi mà ở quân lính”. Bảo Quốc vương hổ thẹn, sợ hãi mà rút lui”.
* Xem những lời trong sách thì Tô Hiến Thành chính trực không gì bằng. Có phải thế ?
Toàn thư chép: “Canh Ngọ [1150] Tháng 9, An Vũ sai vợ là Tô thị ra vào cung cấm hầu hạ Đỗ thái hậu, do đó mà Anh Vũ tư thông với Lê thái hậu (…) Mậu Dần [1158] Mùa thu tháng 8, Đỗ Anh Vũ chết (…) Kỷ Mão [1159] Mùa hạ tháng 5, Ngưu Hồng và Ai Lao làm phản. Sai Tô Hiến Thành đi đánh, bắt được người và trâu ngựa voi, vàng bạc châu báu rất nhiều. Phong Hiến Thành làm Thái uý”.
Mộ chí của Đỗ Anh Vũ viết: “Mậu Dần [1158] ông bị bệnh (…) tháng giêng ông mất (…) đưa thi hài về táng tại xóm Sùng Nhân, hương An Lạc, là đất tổ tiên của mẹ thái uý, thái uý Tô công phụng chỉ giúp đỡ việc ma chay, Chu Trung trông coi việc nghi lễ”.
* Vị Tô công giữ chức thái uý giúp việc ma chay chắc chắn là Tô Hiến Thành. Khi còn sống, chức thái uý do Anh Vũ giữ, vậy thì sau khi Anh Vũ mất, chức ấy do Hiến Thành giữ, nếu vậy thì khả năng cao là Hiến Thành được phong thái uý vào tháng giêng năm 1159 chứ không phải tháng 5. Và sau khi được giữ chức thái uý thì Hiến Thành phải là người đi đánh giặc Ngưu Hồng và Ai Lao. Đám tang của Anh Vũ có 2 việc, việc ma chay và việc nghi lễ. Công việc ma chay thường do những người trong gia đình của người chết phụ trách, mà chủ yếu là con trai cả. Hiến Thành được vua dùng để giúp đỡ người nhà Anh Vũ lo hậu sự thì xem ra đúng là vợ của Đỗ thái uý là Tô thị có mối quan hệ họ hàng với Hiến Thành.
* Nhưng mối quan hệ này có thể là gì ? Anh Vũ sinh năm 1113, giả sử Tô thị không nhiều hoặc ít hơn Anh Vũ bao nhiêu thì năm 1158, Tô thị 45 tuổi. Năm 1179 Hiến Thành 66 tuổi. Và nếu Thành là cha của Tô thị thì khi mất ông khoảng 81 tuổi. Cả 2 trường hợp đều có thể xảy ra, nhưng tôi thiên về giả thuyết Hiến Thành là anh hoặc em trai của Tô thị. Với mối quan hệ zíc zắc ấy thì khẳng định Tô Hiến Thành thực sự công tâm có đáng tin không ?
Toàn thư chép: “Tân Sửu [1181] Mùa xuân tháng giêng, thái tử cũ là Long Xưởng cầm đầu bọn gia thuộc nô lệ trộm cướp bừa bãi, muốn mưu làm loạn (…) xảy ra nạn đói lớn, dân chết nhiều”.
* Rõ rằng Long Xưởng luôn muốn tranh ngôi, sau cái chết của Tô Hiến Thành vào năm 1179, rồi nhân có nạn đói năm 1181, Long Xưởng đã mưu làm phản. Nguyên nhân của nạn đói năm 1181 theo như Việt sử lược là do “mùa thu tháng 8/1180 lụt lội, nước tràn vào điện Vĩnh Quang và Hội Tiên”. Việc thái tử Long Xưởng thất bại trong nỗ lực cuối cùng cũng là điều dễ hiểu, chúng ta cũng thấy trước đó mẹ của thái tử cũng đã rất nỗ lực để đưa con trai lên ngôi nhưng không thành công. Chúng ta có thể biết được mẹ của Long Xưởng là ai hay không ?
Sách Cương mục chép: “Ất Mùi [1175] Lời cẩn án. Về việc này sử cũ trên chép là “hoàng hậu” dưới chép là “thái hậu” cùng với “Chiêu Linh thái hậu” đã chép ở năm Trinh Phù thứ 3 [1178] đều không có họ, có lẽ cũng là một người mà sử cũ không chép được kỹ đó thôi”.
* Như thế thì rõ là cho đến Quốc sử quan triều Nguyễn cũng không hay về họ của Chiêu Linh thái hậu ? Việt sử lược chép mục năm 1138 lập hoàng hậu 1 người. Có lẽ vị hoàng hậu này sau chính là Chiêu Linh thái hậu, mẹ của Long Xưởng.
Trong bài Lý Anh Tông được khen vì không nghe lời vợ của tác giả Lê Thái Dũng viết: “Nếu đúng là Chiêu Linh thái hậu thì bà hoàng họ Lê này chính là mẹ của Lý Anh Tông và là bà nội của Lý Cao Tông. Khi Long Trát lên ngôi, Lê Thái hậu được tôn là Thái hoàng Thái hậu Chiêu Linh (có sách chép là Linh Chiếu) bà nhiều lần khuyên các đại thần lập phế Cao Tông để lập Long Xưởng làm vua nhưng triều thần đứng đầu là Tô Hiến Thành đã kiên quyết làm theo di chiếu của Lý Anh Tông”.
* Tôi cho rằng có khả năng tác giả của chúng ta đã nhầm giữa bà Linh Chiếu với bà Chiêu Linh ? Năm 1054 Thái Tông băng, con là Thánh Tông nối, lập phu nhân họ Dương làm hoàng hậu, theo Thiền uyển tập anh, truyện thiền sư Cứu Chỉ thì cha của phu nhân họ Dương là tể tướng Dương Đạo Gia. Thánh Tông băng, Nhân Tông kế vị, phu nhân họ Dương làm Thượng Dương thái hậu, mẹ đẻ là Ỷ Lan phu nhân làm Linh Nhân thái hậu. Một trong những phu nhân của Nhân Tông có lẽ mang họ Trần và cũng là mẹ nuôi của Lý Dương Hoán. Thần Tông lên ngôi phong phu nhân họ Trần làm thái hậu. Sau phong mẹ là Đỗ thị làm Chiêu Hiếu thái hậu. Anh Tông lên ngôi. Phong mẹ đích là Lệ Thiên phu nhân làm thái hậu [?] Phong mẹ đẻ là Cảm Thánh phu nhân làm Linh Chiếu thái hậu. Cao Tông lên ngôi phong mẹ đích [mẹ của Long Xưởng] làm Chiêu Linh thái hậu. Mẹ đẻ là Thuỵ Châu phu nhân làm Chiêu Thiên thái hậu.
Trong sách Việt Nam thi sử của tác giả Đinh Thắng viết: “Năm 1[1]74 trong một lần hồi loan vào tháng 7, nhà vua được tin nguyên phi Từ Thị bị làm nhục. Nguyên phi họ Từ còn rất trẻ, năm 1[1]74 bà vừa đúng hai mươi, kém thua vua Anh Tông 19 tuổi. Bà rất được vua yêu chuộng nên hoàng hậu Chiêu Linh họ Vũ thường ghen tuông. Hoàng hậu biết con trai của mình là thái tử Lý Long Xưởng có ý đồ trăng hoa với nguyên phi họ Từ, nhưng bà giả vờ như không biết. Bà không tạo điều kiện, nhưng bà không cấm đứa con trai 20 tuổi nầy của bà. Có lẽ đó là cách trả thù của bà hoàng Chiêu Linh. Lần nầy nhân vua cha đi tuần du lâu ngày, thái tử Long Xưởng đã xúc phạm nặng đến người nguyên phi của cha. Từ nguyên phi rất đau khổ và nhục nhã, bà đã quyên sinh nhưng được cứu sống. Sự việc không thể nào che dấu được nhà vua vừa mới từ xa trở về. Vua Anh Tông giận dữ phế truất ngôi thái tử của Long Xưởng và đuổi khỏi hoàng cung. Lập tức ông lập Lý Long Trát, con của thục phi Đỗ Thụy Châu lúc ấy mới 2 tuổi lên làm thái tử”.
Trong bài Nguồn gốc hai dòng họ Lý ở Đại Hàn của tác giả Trần Ðại Sỹ viết: “Theo Trần-tộc vạn thế ngọc phả, của chi bốn, thuộc dòng dõi Chiêu-quốc vương Trần Ích Tắc, để tại nhà từ ở thị xã Lãnh-thủy, huyện Chiêu-dương, tỉnh Hồ Nam, Trung-quốc; phần chép về Ninh-tổ hoàng đế Trần Lý. Có đoạn nói về các con vua Lý Anh-tông, nguyên văn như sau: Vua có bẩy hoàng tử. Hoàng trưởng tử Long Xưởng do Chiêu Linh hoàng hậu sinh vào niên hiệu Đại Định thứ 12 (1151, Tân-Mùi). Được phong tước Hiển Trung vương, lập làm Thái-tử. Niên hiệu Thiên-cảm Chí-bảo nguyên nhiên (1174, Giáp-Ngọ) bị giáng xuống làm con út, tước Bảo Quốc vương. Niên hiệu Trinh Phù thứ sáu (1181, Tân-Sửu) làm phản, bị hạ ngục, rồi bị Đỗ An Di giết cả nhà, thọ 31 tuổi”.
Trong truyện Anh hùng Đông-A: Dựng Cờ Bình Mông của tác giả Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ viết: “Cao Tử-Đức hỏi: Sư huynh! Thế sinh mẫu của thái-tử là ai ? Là Chiêu-Linh hoàng hậu. Hậu họ Vũ, con quan An-Vũ kinh lược sứ Thanh-Hóa. Cũng là một đại cao thủ phái Mê-Linh”.
* Có lẽ người đầu tiên đề cập tới thái hậu Chiêu Linh mang họ Vũ là tác giả Yên Tử cư sĩ. Tôi hiện không có cơ sở để đánh giá nguồn thông tin này, nhưng tôi có 1 vài thông tin có thể giúp để truy gốc gác của vị phu nhân Chiêu Linh.
Toàn thư chép: “Canh Ngọ [1150] Tháng 9 khi trước vua còn trẻ thơ, chính sự không cứ việc lớn, việc nhỏ đều uỷ cho Đỗ Anh Vũ cả. Anh Vũ sai vợ là Tô thị ra vào cung cấm hầu hạ Đỗ thái hậu, do đó mà Anh Vũ tư thông với Lê thái hậu, nhân thế lại càng kiêu rông, ở triều đình thì khoát tay lớn tiếng, sai bảo quan lại thì hất hàm ra hiệu, mọi người đều liếc nhau nhưng không ai dám nói. Điện tiền đô chỉ huy sứ là Vũ Đái, Hoả đầu đô Quảng Vũ là Lương Thượng Cá, Hoả đầu đo Ngọc Giai là Đồng Lợi, Nội thị là Đỗ Ất, cùng với bọn Trí Minh Vương, Bảo Ninh hầu, Phò mã lang Dương Tự Minh cùng mưu bắt giam Anh Vũ. Bàn tính xong, bọn Đái đem quân lính đến ngoài cửa Việt Thành hô to rằng: “Anh Vũ ra vào cấm đình, làm nhiều đều ô uế, tiếng xấu đồn ra ngoài, không tội gì to bằng. Bọn thần xin sớm trừ đi, khỏi để mối lo về sau”. Bèn có chiếu sai cấm quân đến bắt Anh Vũ trói giam ở hành lang Tả Hưng Thánh, giao cho Đình uý tra xét. Thái hậu sai người mang cơm rượu cho Anh Vũ, ngầm để vàng vào trong đồ đựng món ăn để đút cho Vũ Đái và các người canh giữ. Hoả đầu ở đô Tả Hưng Thánh là Nguyễn Dương nói: “Các ông tham của đút, tôi với các ông tất không thoát khỏi tay Anh Vũ đâu, chi bằng cứ giết trước đi cho khỏi tay hoạ về sau” bèn cầm giáo định đâm. Đô Tả Hưng [Thánh] là Đàm Dĩ Mông ôm Dương, cướp lấy giáo, ngăn rằng: “Điện tiền bảo Anh Vũ tội đáng chết, nhưng còn phải đợi mệnh lệnh của vua, không nên tự tiện”. Dương giận, chửi: “Điện tiền Vũ Cứt chứ chẳng phải Đái! (chữ Cát Đái phương ngôn nói là cứt đái). Sao tham của đút mà không tiếc đến mạng mình!”. Nói xong, tự biết không khỏi chết, bèn nhảy xuống giếng tự tử. Bấy giờ vua xét án của Anh Vũ, đày Anh Vũ làm Cảo điền nhi. Thái hậu lo buồn, cố nghĩ làm thế nào để phục hồi chức nhiệm cho Anh Vũ, mới nhiều lần mở hội lớn để xá cho tội nhân, mong Anh Vũ được dự vào đấy. Anh Vũ được mấy lần xá tội, lại làm Thái uý phụ chính như cũ, càng được yêu dùng hơn, do đấy chuyên làm oai, làm phúc, sinh sát mà lòng báo thù lúc nào cũng tỏ rõ, còn sợ rằng bọn quân lại đi bắt bớ phần nhiều không được như ý, mới dâng hơn một trăm người thủ hạ để làm đô Phụng quốc vệ, người nào phạm tội đều giao cho đô Phụng quốc vệ đi bắt. Anh Vũ mật tâu với vua rằng: “Trước kia bọn Vũ Đái tự tiện đem cấm quân xông vào cung đình, tội ấy không gì to bằng, nếu không sớm trừng trị, sợ một ngày kia sinh biến, không thể lường được”. Vua chẳng biết gì cả, bèn chuẩn tâu. Anh Vũ sai đô Phụng quốc về đi bắt bọn Vũ Đái giam vào ngục để trị tội. Hạ chiếu giáng Trí Minh Vương xuống tước hầu, Bảo Ninh hầu xuống tước minh tự, Bảo Thắng hầu xuống tước phụng chức, Nội thị là bọn Đỗ Ất 5 người bị “cưỡi ngựa gỗ” bọn Hoả đầu đô Ngọc Giai là Đồng lợi 8 người bị chém ở chợ Tây Giai, bọn Điện tiền đô chỉ huy Vũ Đái 20 người chém bêu đầu ở các bến sông, bọn Phò mã lang Dương Tự Minh 30 người bị tội lưu ở nơi xa độc, những người dự mưu đều bị tội đồ làm điền hoành, khao giáp, quả như lời nói của Nguyễn Dương.
Lê Văn Hưu nói: Đỗ Anh Vũ ra vào cấm đình, tư thông với mẫu hậu, không tội gì to bằng. Bọn Vũ Đái nên tâu bày gian trạng rồi bắt giam vào ngục mà giết đi là phải. Nay lại đem quân đột nhập cửa Việt Thành, hiếp vua nhỏ tuổi, ép lấy chiếu chỉ. Đến khi bắt được Anh Vũ rồi, lại nhận vàng của thái hậu mà không nghe lời nói của Nguyễn Dương, đến sau rốt cuộc bị Anh Vũ giết, liên lụy đến mấy mươi người, thế là nuôi hổ để hoạ về sau vậy.
Xuống chiếu cấm bọn hoạn quan không được tự tiện vào trong cung, ai phạm thì bị tội chết. Nếu [canh giữ] không cẩn thận để người khác vào cung cũng bị tội như thế. Cấm các quan trong triều không được đi lại nhà các vương hầu, ở trong cung cấm không được hội họp nhau năm, ba người bàn luận chê bai, ai phạm thì trị tội. Kẻ nào phạm việc qua lại bên ngoài phía đầu hành lang chứa khí giới của đô Phụng quốc vệ thì xử 80 trượng, tội đồ; nếu vào trong hành lang ấy thì xử tử. Lính Phụng [quốc] vệ ở trong hành lang ấy có chiếu chỉ mới được cầm khí giới, không có chiếu chỉ mà tự tiện mang khí giới đi quá ra ngoài phía đầu [hành lang] thì xử tử”.
* Trước hết Toàn thư chép rõ lời bàn của sử gia Lê Văn Hưu, xem đó thì sự kiện là có thật, tuy nhiên qua sự kiện chúng ta thấy có 1 điểm bất thường. Vốn chuyện như sau: Đỗ Anh Vũ tư thông với Cảm Thánh phu nhân, nắm quyền triều chính. Vũ Đái, Lương Thượng Cá, Đồng Lợi, Đỗ Ất, Trí Minh vương, Bảo Ninh hầu, Dương Tự Minh mưu bắt, trói Anh Vũ tại hành lang Tả Hưng Thánh, giao cho Đình uý tra xét. Cảm Thánh thái hậu đút lót cho Vũ Đái, hoả đầu của Tả Hưng Thánh là Nguyễn Dương biết chuyện, toan giết Anh Vũ, nhưng bị đô Tả Hưng Thánh là Đàm Dĩ Mông ngăn lại, Nguyễn Dương tức giận mà chửi Vũ Đái, sau nhảy xuống giếng tự tử. Điểm bất thường ở đây, chính là sự việc Nguyễn Dương nhảy xuống giếng tự tử, xem hình phạt khác nhau mà sau này Đỗ Anh Vũ dùng đối với những người mưu bắt mình thì rõ rằng người cầm đầu là Vũ Đái, thêm nữa tại thời điểm xảy ra thì lợi thế vẫn thuộc về Nguyễn Dương, vậy thì sao Dương phải nhảy xuống giếng tự vẫn chứ. Hiện Đàm Dĩ Mông chỉ ngăn Nguyễn Dương giết Anh Vũ mà thôi, chứ Anh Vũ chưa thoát được hoạ diệt thân và từ khi Anh Vũ thoát khỏi ngục, cũng phải 1 thời gian sau mới lấy lại được quyền thế, với thời gian đó Nguyễn Dương hoàn toàn có thể tính đường lui, đâu buộc phải tử tự.
* Xem Toàn thư liệt kê tên những người mưu bắt Anh Vũ thì không có Nguyễn Dương, nhưng sau cùng lại chỉ có mỗi Nguyễn Dương là người đối lập ý kiến với những người còn lại, Nguyễn Dương vốn là hoả đầu của Tả Hưng Thánh, cũng chính là nơi giam giữ Đỗ Anh Vũ. Tôi cho rằng đã có một kế hoạch và rất có thể người khởi xướng kế hoạch này là Nguyễn Dương, Dương bàn với tụi Vũ Đái, Dĩ Mông, Tự Minh, Đỗ Ất, Trí Minh bắt giam giết Đỗ Anh Vũ. Nhưng sau Cảm Thánh phu nhân đút lót vàng bạc cho đám Vũ Đái, nên Đái đã thay đổi kế hoạch, khiến bất lợi cho Dương, nên Dương quyết định ra tay, đám Vũ Đái thì lưỡng lự, trót nhận vàng nên rất bối rối, không biết xử lý ra sao, cũng không loại trừ, tình thế hỗn loạn, đám Vũ Đái quyết định hạ sát Nguyễn Dương để làm hoà với thái hậu và Đỗ Anh Vũ.
* Nhưng vì sao Nguyễn Dương phải giết Anh Vũ ? Toàn thư mục năm 1158 chép Nguyễn Quốc đi sứ về, dâng tấu rằng nên để hòm ở sân, ai muốn trình có thể bỏ tấu vào hòm, sau trong hòm có tấu nặc danh tố Đỗ Anh Vũ, truy xét nhưng không biết là ai, nên Anh Vũ ngờ cho Nguyễn Quốc, nên buộc Quốc uống rượu có thuốc độc mà chết. Cái chết của Nguyễn Quốc có phải là 1 sự ngẫu nhiên ? Có khi nào Anh Vũ không tìm thấy người tố, nên quay ra ghét Nguyễn Quốc vì đã bày trò để người khác mượn đó mà định làm hại Anh Vũ, nhưng nếu thế thì có cần phải bức hại Nguyễn Quốc không ? Có thực Nguyễn Quốc bày trò hòm tấu là công tâm hay trong đó đã có toan tính muốn hạ bệ Anh Vũ ? Và vì sao Nguyễn Quốc muốn hại Anh Vũ ? Cũng thật trùng hợp khi năm 1150 người muốn hại Đỗ Anh Vũ là Nguyễn Dương, nay năm 1158 người muốn hại Anh Vũ lại là người họ Nguyễn, tên Quốc.
Việt sử lược chép: “Mậu Ngọ [1138] Lập hoàng hậu một người”.
Toàn thư chép: “Đinh Mùi [1127] Viên ngoại lang là Nguyễn Nghĩa Trường dâng con rùa 3 chân, mắt 6 con ngươi (…) Mậu thân [1128] Lấy Nội nhân hỏa đầu Nguyễn Phúc làm Thái Bảo, tước Nội thượng chế (…) Nguyễn Hoàn làm Viên ngoại lang thượng thư sảnh (…) Nguyễn Nhân, Nguyễn Khánh, Nguyễn Thối làm Trung thư hoả; Nguyễn Biếm, Nguyễn Bộc, Nguyễn Khoan làm Chi hậu thư gia (…) Xuống chiếu cho Gián nghị đại phu Mâu Du Đô chọn quân Long Dực cũ làm các quân tả hữu Ngọc Giai, Hưng Thánh, Quảng Thành, Vũ Đô (…) Tân Hợi [1131] Tháng 5 dựng nhà cho đại sư Minh Không (…) Tháng 12 người ở hương Thái Bình là Nguyễn Mãi dâng hươu trắng (…) Giáp Dần [1134] Lệnh thư gia Nguyễn Mỹ dâng con ngựa màu hoa đào, đầu xanh, bốn chân mọc sáu cựa (hai chân trước đều một cựa, hai chân sau đều hai cựa) (…) Đinh Tị [1137] Tháng 3, Đại liêu ban Nguyễn Công Đào dâng rùa trắng (…) Tháng 6, hạn xuống chiếu cho Nguyễn Công Đào đến Vu Đàn ở phía nam làm lễ cầu mưa (…) Mậu Ngọ [1138] Mùa thu tháng 7, không mưa. Vua sai Hửu ty làm lễ cầu ở Vu Đàn và chùa Báo Thiên (…) Canh Thân [1140] Tháng 3 Viên ngoại lang là Nguyễn Nghĩa Minh dâng hưu đen tại cung điện (…) Tân Dậu [1141] Mùa thu tháng 8 quốc sư Minh Không chết”.
* Đoạn chép trên trong Toàn thư cung cấp khá nhiều những nhân vật mang họ Nguyễn. Nếu viết rằng những người họ Nguyễn này có mối quan hệ họ hàng thì rõ là sai, nhưng nếu viết rằng trong đám người này không có những người có mối quan hệ thân tộc thì sợ bỏ sót. Đặc trưng trong các mối quan hệ thời Lý là quan hệ thân tộc, nếu 1 cô gái được tuyển làm phi của vua, thì những người thân của cô sẽ được phong chức tước và có địa vị. Thời Anh Tông có lẽ cũng không khác so với đời trước là mấy. Toàn thư chép mục năm 1127 và mục năm 1140, có 2 vị viên ngoại lang, cũng họ Nguyễn Nghĩa dâng lễ vật lên vua.
* Sau khi Thần Tông lên ngôi, đã phong cho rất nhiều người họ Nguyễn những chức tước, trong đó có Nguyễn Phúc của mục năm 1128 làm thái bảo, năm 1137 có đại liêu ban Nguyễn Công Đào. Đây là những nhân vật có chức tước quan trọng.
* Toàn thư chép tháng 6/1137 vua làm lễ ở Vu Đàn, tháng 10/1137 vua đi cung Ly Nhân xem gặt, tháng 12/1137 vua về kinh sư. Tháng 7/1138 vua làm lễ ở Vu Đàm, tháng 9/1138 vua không được khoẻ. Chúng ta biết rằng Toàn thư chép dư năm 1138, nên có khi nào 2 lần làm lễ vào tháng 6/1137 và tháng 7/1138 thực chỉ có 1 lần làm lễ và chính sau lần làm lễ ấy mà vua Thần Tông ốm và băng vào tháng 9/1137 ?
Thiền uyên anh tập chép: “Thiền sư Giới Không. Chùa Tháp Bát, quận Mãn Đẩu. Người quận ấy, họ Nguyễn tên Tuân, con nhà lương, nhỏ đã ưa phật giáo (…) Lý Thần Tông trưng mới, sư nhiều lần từ chối, rồi mới đến. Năm Đại Thuận thứ 8, có nạn dịch lớn, sư được triệu đến kinh, sắc ở chùa Gia Lâm, dùng nước chú giải để trị, người bệnh ngày lành, ngày đến cả vạn, vua rất khen thưởng cho hộ 10 người để làm cấp dưỡng”.
Chú thích của tác giả Lê Mạnh Thát: “Niên hiệu Đại Thuận chỉ có Việt sử lược ghi, Toàn thư và các sách sử khác đều chép là Thiên Thuận, là của Lý Thần Tông kéo dài từ 1128 – 1132. Như vậy không thể có chuyện năm Đại Thuận thứ 8 được, chắc do viết nhầm Đại Thuận thứ hai hoặc thứ 3. Nhưng trong niên hiệu Đại Thuận cả Việt sử lược và Toàn thư không ghi nhận một nạn dịch lớn nào xảy ra”.
* Đúng như tác giả viết “đây là việc không thể quyết đoán được”.
Thiền uyển tập anh chép: “Thiền sư Đại Xả. Chùa Báo Đức, núi Vũ Ninh, người phường Đông Tác, họ Hứa (…) Các vương công đua nhau đến hầu sư. Kiến Ninh vương và Thiên Cực công chúa cũng hết lòng tôn kính. Sư thường ở Hổ Nham tại Tuyên Minh, lập chùa giáo hoá, học trò đến học rất đông (…) Người ta nghi sư có yêu thuật, nên trong khoảng Thiên Cảm Chí Bảo, thái uý Đỗ Anh Vũ ra lệnh bắt vào trong cấm, hết lời nghiêm trách, sư vẫn không có vẻ gì sợ hại. Thiên Cực tâu tha, nên sư được khỏi”.
Chú thích của tác giả Lê Mạnh Thát: “Việt sử lược chép năm Trinh Phù thứ 10 [1185] Kiến Ninh vương Long Ích đem 12 ngàn người đánh Lào núi ở Ninh Sách, năm Chính Long Bảo Ứng thứ 5 [1167] gả công chúa Thiên Cực cho châu mục Lạng Châu là Hoài Trung hầu. Toàn thư chép Đại Định năm thứ 19 [1158] mùa thu tháng 8 Đỗ Anh Vũ chết, như vậy thì không có chuyện khoảng Thiên Cảm Chí Bảo [1174 – 1175] thái úy Đỗ Anh Vũ ra lệnh bắt Đại Xả”.
* Chúng ta biết rằng Đỗ Anh Vũ chết năm 1158, vậy thì hoặc là Thiền uyển tập anh chép sai năm hoặc là sai người ra lệnh bắt. Việt sử lược chép năm Kiến Gia thứ 1 [1211] Tô Trung Từ đêm đến nhà Gia Lâm của công chúa Thiên Cực thông dâm, bị chồng là quan nội hầu Vương Thượng giết. Năm Nhâm Thân [1212] Đinh Khôi đánh Lạng Châu, cướp các tài vật trong nhà công chúa Thiên Cực rồi kéo đi. Đoạn sử chép này khá phức tạp, năm 1167 chồng của Thiên Cự là châu mục Lạng Châu Hoài Trung hầu, đến năm 1211 chồng lại là quan nội hầu Vương Thượng. Rồi năm 1211 công chúa ở Gia Lâm tư thông với Tô Trung Từ, năm 1212 nhà công chúa ở Lạng Châu bị cướp. Cứ giả sử khi công chúa lấy Hoài Trung hầu năm 1167 khi 15 tuổi, sau Hoài Trung hầu mất, công chúa tái hôn với Vương Thượng thì năm 1211 công chúa khoảng 59 tuổi. Độ tuổi này nói rằng còn sung sức cũng đúng mà nói rằng hết ham muốn cũng không sai. Mà giả sử bất lợi cho chúng ta rằng khi đó Thiên Cực vẫn còn ham muốn thì liệu rằng 1 vị quyền lực như Tô Trung Từ có phải dựa vào ban đêm mà lén thông dâm với vợ của người khác đang ở độ tuổi 59 không ? E rằng ở đây có tới 2 công chúa Thiên Cực hoặc vì lý do nào đó mà sử sách chép nhầm chăng ? Có thể công chúa năm 1167 mới là Thiên Cực, còn công chúa năm 1211 là con gái của Thiên Cực với Hoài Trung hầu ?
* Thiền sư Đại Xả sinh năm 1120, đến khi xảy ra sự biến Vũ Đái năm 1150, sư 30 tuổi. Năm 1167 công chúa Thiên Cực được gả cho Hoài Trung hầu, nếu giả sử công chúa khi đó 15 tuổi, nghĩa là năm 1150 công chúa còn chưa sinh ra, vậy thì sao có thể tấu xin cho thiền sư được. Đỗ Anh Vũ mất năm 1158 khi đó công chúa khoảng 6 tuổi, cũng còn quá nhỏ để trình tấu. Xem ra trong 2 thông tin về niên hiệu và nhân vật thì e rằng tên nhân vật bị chép sai. Xét năm sư bị giam là 1174 khi ấy sư 54 tuổi, cũng là độ tuổi viên mãn, có đủ danh tiếng để dựng chùa lập giáo, đệ tử rất nhiều và công chúa Thiên Cực khi ấy khoảng 22 tuổi, cũng khá phù hợp. Nếu như niên hiệu là đúng thì nhân vật bắt giam thiền sư Đại Xả nên là thái uý Tô Hiến Thành mới đúng. Có khi nào thiền sư Đại Xả có liên quan tới xung đột giữa Chiêu Linh thái hậu với Tô Hiến Thành không, nên mới bị Hiến Thành bắt giam vì cho rằng có yêu thuật.
Thiền uyển tập anh chép: “Quốc sư Viên Thông. Chùa Quốc Ân, làng Cổ Hiền, Nam Định [Thường Tín] Người Cổ Hiền, họ Nguyễn tên Ức. Sau ngụ tại phường Thái Bạch, kinh thành Thăng Long, nhân thể làm nhà ở đó. Dòng dõi làm tăng quan, cha là Huệ Dục làm quan triều vua Lý Nhân Tông đến chức tả hữu nhai tăng lục, đạo hiệu là Bảo Giác thiền sư (…) Năm Đại Phong thứ 6 [1097] đỗ giáp khoa khoa thi tam giáo được sung vào chức Đại văn. Năm Long Phù Nguyên Hoà thứ 8 [1106] vua chọn những bậc hoằng tài trong thiên hạ, để bổ vào chỗ khuyết trong giai tăng đạo, sư lại là người đứng đầu trong kỳ thi tuyển này (…) Sư nhận chức nội cung phụng truyền giảng pháp sư (…) Năm Thiên Phù Khánh Thọ năm thứ 1 [1127] Vua kính trọng sư, đổi làm tả nhai tăng lục. Năm Đại Thuận thứ 3 [1130] Lý Thần Tông mới sư vào điện Sùng Khai, hỏi về trị loạn hưng vong trong thiên hạ. Sư đáp “dùng đức hiếu sinh hợp với lòng dân, dân sẽ yêu thương như cha mẹ, thiên hạ sẽ yên (…) việc trị loạn là do quan chức, được người thì trị, mất người thì loạn, các triều trước không dùng người quân tử thì không thịnh được, không dùng người tiểu nhân mà bị suy, lẽ thịnh suy không phải một sớm một chiều”. Sư đối đáp quả xứng chỉ nên được thăng hữu nhai tăng thống tri giáo môn công sự, sư được tự do gần vua, dâng lời chỉ bảo, sau đó phụng chiếu đến Tây Dương cầu giữ thai vua ứng nghiệm, nên vua càng kính trọng, đứng trong triều ngang hàng với thái tử. Năm Thiên Chương Gia Thuỵ thứ 5 [1137] xe vua gác giá, sự dự nhận cố mạng và phụng di chiếu, chủ trì mọi việc bàn tính phó thác. Năm Thiệu Minh thứ 1 [1137] Anh Tông khi đã lên ngôi, thái hậu nhiếp chính, cho sư đã có công giúp vua và nhiều lần trọng thưởng. Năm Đại Định thứ 4 [1141] vua thăng sư làm tả hữu nhai tăng thống nội cung phụng tri giáo môn công sự truyển giảng Tam tạng văn chương ứng chế hộ quốc quốc sư tứ tử y đại sa môn. Đức vua đã trọng nên quần thần càng trọng hơn. Tháng 4 nhuận năm Tân Mùi Đại Định [1151] sư nhóm đồ chúng từ biệt, không bênh mà mất, thọ 72 tuổi”.
Chú thích của tác giả Lê Mạnh Thánh viết: “Đề Tây Dương này nghi là đền Hai Bà Trưng, việc cầu thần linh này nghi là xảy ra vào hạ bán năm Thiên Chương Bảo Tự thứ 3, vì đến tháng 3 năm sau Lý Thiên Tộ sinh, qua việc cầu giữ thai 3 vị phu nhân họ Lê đã biết cách tạo dưng phe đảng của mình bằng cách lôi kéo Viên Thông. Nguyên văn là cập phụng di chiếu vương mạc hiến phó thác đằng sự, câu này có 3 chữ vương mạc hiến thật là khó hiểu, có 1 số cách hiểu chúng, thứ nhất chữ vương có khả năng là thiếu nét của chữ chủ, chữ hiến có thể là khắc sai của chữ du, thứ hai vì chữ mạc và chữ du đều có nghĩa là toan tính, sắp xếp, mưu tính nên cả câu nên hiểu là chỉ trì mọi việc sắp xếp phó tác, ý là Viên Thông nhận di chiếu của Thần Tông về việc sắp xếp, gửi gắm hoàng tử lên kế vị cho Viên Thông chủ trì”.
* Do việc cầu giữ thai ở đền Tây Dương, Thiền uyển tập anh không chép rõ là năm nào nên cũng không chắc được Viên Thông quốc sư cầu cho Thiên Lộc năm 1132 hay Thiên Tộ năm 1135. Tuy nhiên theo dõi mạch văn thì năm 1130 tiếng là Thần Tông mới Viên Thông vào cung, nhưng e là chủ ý của Cung Hoàng đế Sùng Hiền hầu. Khi vào cung Viên Thông đối đáp rất chỉnh nên được phong chức, chi tiết được tự do gần vua, dâng lời chỉ bảo như thế xem ra, Cung Hoàng đế có ý để Viên Thông giám hộ Thần Tông. Sau đó, Viên Thông đi cầu giữ thai được ứng nghiệm. Xem ra các sự kiện xảy ra cách nhau không lâu, nên tôi cho rằng Viên Thông đi cầu ở Tây Dương mà Thiền uyển tập anh có nhắc đến chính là cầu cho Thiên Lộc.
* Từ thời Thần Tông, quốc sư Viên Thông đã có vai trò rất quan trọng trong triều đình, được vua gửi gắm việc chủ trì chuyện lên ngôi của thái tử, sau khi Anh Tông lên ngôi, Cảm Thánh thái hậu đối rất trọng với thiền sư, xem như thế trong việc đưa hoàng tử lên ngôi, quốc sư Viên Thông đã đứng về phía Cảm Thánh thái hậu. Ngay trong truyện quốc sư Viên Thông, Thiền uyển tập anh cũng nhắc tới chi tiết, thái hậu cho sư có công giúp vua. Một vị có vai trò quan trọng trải 2 triều như vậy thì việc họ hàng được giữ những chức tước trong triều đình cùng không có gì là khó hiểu. Tôi còn cho rằng, để tìm kiếm sự ủng hộ của họ Nguyễn trong đó quốc sư Viên Thông là người đứng đầu, Cảm Thánh thái hậu và Anh Vũ thái uý đã sử dụng hôn nhân như một biện pháp nên năm 1138 khi Anh Tông 3 tuổi, Việt sử lược chép lập hoàng hậu 1 người. Bà hoàng hậu này chính là Chiêu Linh thái hậu, mẹ của Lý Long Xưởng, người họ Nguyễn.
Việt sử lược chép: “Đại Định thứ 22 [1161] Thái hậu từ trần đặt tên thuỵ là Linh Chiếu”.
* Vậy thì khả năng khi còn là vợ của Thần Tông, thái hậu được gọi là Cảm Thánh phu nhân, khi Anh Tông lên ngôi, được tôn hiệu là Hiến Chí thái hậu, đến khi mất được tôn thuỵ hiệu là Linh Chiếu.
Toàn thư chép: “Tân Mùi [1151] Tháng 11, hoàng trưởng tử Long Xưởng sinh ở hành cung Ứng Phong, sau được sách phong là Hiển Trung Vương (…) Quý Tị [1173] Mùa hạ tháng 5 ngày 25, Hoàng thái tử Long Trát sinh (…) Ất Mùi [1175] Cao Tông hoàng đế tên huý là Long Trát con thứ 6 của Anh Tông, mẹ là hoàng hậu họ Đỗ, sinh năm Quý Tị, Chính Long Bảo Ứng thứ 11 [1173] Năm Thiên Cảm Chí Bảo thứ 2 [1175] sách lập làm hoàng thái tử. Trị vì 35 năm (…) Canh Ngọ [1210] Mùa đông tháng 10 vua không được khoẻ, băng ở cung Khánh Thọ”.
Việt sử lược chép: “Vua Cao Tông tên huý Long Cán, là người con thứ 6 của vua Anh Tông, mẹ là hoàng hậu Thuỵ Châu, họ Đỗ (…) Canh Ngọ [1210] Mùa đông tháng 10 vua không được khoẻ, từ trần tại điện Thắng Thọ, hưởng 37 tuổi, ở ngôi 36 năm”.
Mộ chí của Đỗ Anh Vũ viết: “Năm Giáp Tuất [1154] Thuỵ Châu sinh thái tử Thiên Bảo, năm Bình Tý [1156] sinh hoàng tử thứ 2, lại năm Mậu Dần [1158] sinh hoàng tử thứ 3”.
* Theo cách tính của Toàn thư cũng như cách tính của Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí thì Cao Tông hưởng 38 tuổi, ở ngôi 35 năm [1176 – 1210] Theo cách tính của Việt sử lược Cao Tông hưởng 37 tuổi và cũng giống Toàn thư, Việt sử lược xác định Cao Tông mất năm 1210 nên Long Cán sinh năm 1174. Việt sử lược chép Cao Tông lên ngôi năm 1175 và khi đó 2 tuổi, như thế ghi chép của Việt sử lược là thống nhất.
* Mộ chí của Đỗ Anh Vũ chép rất rõ Thuỵ Châu sinh 3 hoàng tử lần lượt vào các năm 1054, 1056, 1058. Các năm này không trùng với năm 1174 hoặc 1175, là năm sinh của Long Trát. Những ghi chép trong mộ chí là có thể hiểu được, mộ chí chỉ ghi về các hoàng tử được sinh trước khi Anh Vũ mất vào năm 1158, do đó mà không ghi chép về các hoàng tử khác sinh sau năm 1158. Theo Toàn thư và Việt sử lược thì Long Trát là con thứ 6, trong khi Toàn thư chép năm 1151, hoàng tử Long Xưởng sinh.
* Trong 3 vị hoàng tử được nhắc đến trong mộ chí, thì chỉ có hoàng tử đầu được nêu tên là Thiên Bảo, điểm khách biệt giữa vị hoàng tử này với các hoàng tử khác, ấy là vị hoàng tử này là thái tử. Đó là vào năm 1154, không lẽ từ năm 1154 Anh Tông đã lập thái tử ? Và nếu Anh Tông có lập, thì lập con lớn làm thái tử cũng là hợp lẽ. Chúng ta không biết vì sao, sau này Long Trát vào năm 1174 lại được phong làm thái tử và được kế vị, trong khi trước Long Trát còn rất nhiều các hoàng huynh khác.
* Sự kiện mà sử chép năm 1174 thì giúp chúng ta hiểu rằng Long Xưởng bị phế như thế nào, chứ không giúp chúng ta giải thích vì sao Long Trát lại vượt lên trên tất cả các hoàng huynh để kế vị. Nghe những lời trăn trối của Anh Tông và cả những di mệnh gửi gắm nơi Tô Hiến Thành thì thấy rõ là Anh Tông rất muốn chọn người con trai có nhân được để cai trị Đại Việt. Đó là nỗi ưu tư của người giữ trọng trách đứng đầu đất nước, vậy thì thật khó hiểu khi Anh Tông quyết định người kế vị là 1 cậu bé còn đang được người vú ẵm, chỉ vì 1 hành động mang tính điềm báo là Long Trát khóc, Anh Tông đội mũ thì nín nên được truyền ngôi. Sách sử chép Long Xưởng bị phế năm 1174 vậy suốt nhiều năm Long Xưởng là thái tử, như thế giải thích sao trường hợp của Thiên Bảo làm thái tử ? Không lẽ ban đầu Thiên Bảo làm thái tử, sau bị phế, rồi Long Xưởng được lập, sau Xưởng lại bị phế và Long Trát được lập ? Có khi nào Long Trát là Thiên Bảo không ? Nhưng mà việc sách sử chép sai về năm sinh của 1 vị hoàng đế tới gần 20 năm thì càng khó tin hơn.
Mộ chí của Đỗ Anh Vũ viết: “Năm Canh Ngọ [1150] nhà vua bị ốm, Anh Vũ lập đàn cầu xin (…) Vua khỏi, sắm lễ đón 2 phu nhân họ Đỗ là cháu của thái uý”.
* Toàn thư chép sự biến Vũ Đái vào năm 1150, nhưng xem mộ chí thì dường như năm 1150, Anh Vũ không vướng phải lao lý. Việt sử lược chép sự biến vào năm 1148, mộ chí cũng có chép sự kiện Anh Vũ được vua giao xem xét các tấu nghị của nho thần trước năm 1150, như thế xem ra sau sự kiên Anh Vũ được giao quyền xét duyệt bản tấu của triều thần, Vũ Đái đã tổ chức cuộc bắt giam Anh Vũ. Việc Anh Vũ tiếp tục giữ quyền xem xét bản tấu kéo dài tới khi mất, nên để chống lại có lẽ Nguyễn Quốc đã sử dụng phương pháp bỏ tờ tấu vào hòm.
Tiểu kết: Cảm Thánh phu nhân cùng thái uý Đỗ Anh Vũ, tham tri chính sự Từ Văn Thông, quốc sư Viên Thông đưa Thiên Tộ lên ngôi thành công. Để củng cố quyền lực Cảm Thánh và Anh Vũ đã liên kết với họ Nguyễn thông qua hôn nhân. Sau khi liên minh dẹp xong các thế lực chống đối, thì họ Nguyễn và họ Đỗ trở nên căng thẳng, sự biến Vũ Đái năm 1148 là đỉnh điểm của xung đột này. Ngoài ra còn có các xung đột khác vào các năm 1158, 1175, 1181.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét