Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2018

BÀN VỀ THÂN PHỤ CỦA SẦM LÂU TRẦN TOẠI


Toàn thư chép: “Đinh Sửu [1277] Bấy giờ Uy Văn Vương Toại lấy con gái của Thượng hoàng là công chúa Thụy Bảo. Toại ham học, hay thơ, có câu: “Pha lạp ngũ hồ vinh bội ấn - Tang ma tế dã thắng phong hầu”. [Toại] tự hiệu là Sầm Lâu, có Sầm Lâu tập lưu hành ở đời. Vua từng hỏi ông nghĩa chữ Quan Gia. Ông đáp: "Năm đời đế lấy thiên hạ làm của công (quan) ba đời vương lấy thiên hạ làm của nhà (gia) nên gọi là quan gia". Vua khen ông kiến thức rộng. Không may chết sớm (24 tuổi) người trong nước ai cũng thương tiếc”.
Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng chép: “Thơ dùng câu hay của tiền nhân. Tôn thất nhà Trần có người hiệu Sầm Lâu, trẻ tuổi đã có tài thơ, hai mươi bảy tuổi thì mất. Có Sầm Lâu tập lưu hành ở đời. Mộ trên bờ sông Ô Diên. Nguyễn Trung Ngạn hiệu Giới Hiên cũng có tiếng thơ, nhưng không kịp quen biết. Đi qua Ô Diên, có thơ viếng rằng: Bình sinh hận không được biết Sầm Lâu - Mỗi lần đọc thơ còn sót lại, một lần cúi đầu - Tơi nón Ngũ Hồ vinh hơn mang ấn - Dâu gai mấy mẫu thắng phong hầu”.
An Nam chí lược chép: “Trần Toại Trần Thái vương sanh quốc phong uy văn vương thông minh hảo học tự hiệu Sầm Lâu hữu văn tập [Cháu kêu Trần Thái vương bằng cậu, phong tước Oai Văn vương, thông minh ham học, tự hiệu Sầm Lâu, có văn tập truyền đời] Thường làm thơ có câu: “Cổ lại hà vật bất thành thổ - Tử hậu duy thi thả thắng kim”. Vãn điệt Văn Hiến hầu vân [Lại có làm một câu thơ vãn người cháu Văn Hiến hầu như sau] “Sơn khởi nhẫn mai thành ngọc khí – Nguyệt không tự chiếu thiếu niên hồn”. Toại chết năm 24 tuổi, người trong nước lấy làm thương tiếc” [Bản dịch của Viện Đại Học Huế - 1961]
- Trên là 3 tài liệu quan trọng ghi chép về nhân vật khá nổi tiếng là Sầm Lâu Trần Toại. Từ 3 tài liệu này chúng ta sẽ rút ra những thông tin quan trọng để từ đó truy tìm về thân phụ của Sầm Lâu. Theo bản dịch của Viện đại học Huế năm 1961 thì Trần Toại gọi Thái Tông Trần Cảnh là cậu. Toàn thư cho biết Sầm Lâu lấy công chúa của Trần Thái Tông là Thụy Bảo, đồng thời Trần Toại là người giải nghĩa 2 chữ Quan Gia cho Trần Thánh Tông. Theo bản dịch của Viện đại học Huế thì Sầm Lâu có làm 2 câu thơ khóc người cháu là Văn Hiến hầu. Cuối cùng Hồ Nguyên Trừng cho chúng ta biết Trần Toại hưởng dương 27 tuổi, mộ phần tại bờ sông Ô Diên.
1. Về quan hệ của Sầm Lâu với Thái Tông Trần Cảnh, thì như An Nam chí lược chép là [ ] nên có thể hiểu theo 2 cách: cháu gọi bằng cậu hoặc chàng rể. Lại thêm, Toàn thư chép rõ: Trần Toại lấy con gái thượng hoàng là công chúa Thụy Bảo, do đó tôi cho rằng: Lê Tắc muốn thể hiện mối quan hệ cha vợ - con rể giữa Trần Cảnh với Sầm Lâu. Nam Ông mộng lục cũng xác nhận Toại là tôn thất nhà Trần nhưng không cho biết chính xác là mối quan hệ gì, do đó không đủ mạnh để xác thực mối quan hệ cậu cháu giữa Trần Cảnh với Sầm Lâu.
An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng cũng có chép: “Trần Tụy là cháu đại vương nhà Trần, được phong tước ngụy là Văn Vương (…) Cháu là Văn Linh hầu có thơ viếng [Tụy] rằng: “Sơn khởi nhẫn mai thành khí ngọc - Nhật ưng tự chiếu thiếu niên hồn”. Năm 24 tuổi, Tụy mất” [Bản dịch của Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm]
- Có 3 sai khác giữa ghi chép của An Nam chí lược và An Nam chí nguyên. Thứ nhất, nếu Lê Tắc cho biết Trần Toại có tước hiệu là Uy Văn vương thì Cao Hùng Trưng cho biết Sầm Lâu có tước hiệu là Văn vương. Thứ hai, nếu An Nam chí nguyên cho biết người cháu của Trần Tụy là Văn Linh hầu thì An Nam chí lược cho biết người cháu của Sầm Lâu là Văn Hiến hầu. Thứ ba, nếu Lê Tắc cho biết đôi câu thơ “Sơn khởi nhẫn mai thành khí ngọc - Nguyệt không tự chiếu thiếu niên hồn” là Trần Toại làm để khóc người cháu Văn Hiến hầu, thì Cao Hùng Trưng cho biết đôi câu thơ ấy là của người cháu Văn Linh hầu làm để khóc Sầm Lâu.
Toàn thư chép: “Ất Mão [1315] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vua vốn nhân hậu với họ hàng, nhất là đối với bậc bề trên mà hiển quý lại càng tôn kính. Kẻ thần hạ hễ ai cùng tên (với họ hàng nhà vua) đều phải đổi cả, như Độ đổi thành Sư Mạnh vì là cùng tên với thượng phụ, Tung đổi thành Thúc Cao vì là cùng tên với Hưng Ninh Vương (con trưởng của An Ninh vương). Lại các tên của chú bác, cô cậu, khi nói đến vẫn kiêng cả. [Vua] có quyển sổ nhỏ biên những chữ húy không được nói đến, trao cho các hoàng tử và cung phi”.
- Qua Việt sử lược mục năm 1139 và Toàn thư mục năm 1141 chúng ta biết rằng: vào thời Trần, vì kiêng húy nên đã đổi chép chữ Hiến ra chữ Linh, do đó mà tước hiệu đúng của người cháu là Văn Hiến hầu. Sự sai khác cũng cho thấy: Cao Hùng Trưng đã tiếp cần nguồn tài liệu không phải từ An Nam chí lược.
Toàn thư chép: “Canh Tuất [1250] Xuống chiếu cho thiên hạ gọi vua là quan gia (…) Ất Mão [1255] Hoàng tử thứ 6 Nhật Duật sinh (…) Mậu Thìn [1328] Cha hoàng hậu là Quốc Chẩn giữ ý định đợi hoàng hậu có con rồi sẽ lập. Cương Đông Văn Hiến hầu (không rõ tên) là con (có sách chép là em) của Tá Thánh thái sư Nhật Duật, muốn đánh đổ hoàng hậu để lập hoàng tử Vượng, mới đem 100 lạng vàng đút lót cho gia thần của Quốc Chẩn là Trần Phẫu, bảo nó vu cáo Quốc Chẩn âm mưu phản loạn (…) Canh Ngọ [1330] Tá Thánh thái sư Chiêu Văn Đại Dương Nhật Duật mất, thọ 77 tuổi”. 
- Dịch giả Hoa Bằng Huỳnh Thúc Trâm cho rằng: Văn Hiến hầu hiệu Cương Đông, là con trai của Trần Nhật Duật [1255-1330] Chiêu Văn vương là con trai thứ 6 của Thái Tông Trần Cảnh, tức là bằng vai với Trần Toại, do đó nếu Cương Đông Văn Hiếu hầu là em trai của Trần Nhật Duật thì không thể là cháu của Sầm Lâu được ?
- Chúng ta biết rằng Trần Thánh Tông có hỏi Sầm Lâu về ý nghĩa 2 chữ quan gia, nghĩa là vào thời điểm ấy thì Trần Toại cũng đã trưởng thành, trong khi Toàn thư cho biết năm 1250 Trần Cảnh có ban chiếu cho thiên hạ gọi vua là quan gia. Các tài liệu đều chép rằng: Sầm Lâu hưởng dương khoảng 25 tuổi, vậy thì lúc Trần Toại mất thì Cương Đông rất có thể chưa ra đời. Nếu vậy thì Cao Hùng Trưng đã chính xác khi cho rằng: đôi câu thơ là do Văn Hiến hầu thương tiếc mà viết cho Sầm Lâu, cũng tương tự như trường hợp của Giới Hiên Nguyễn Trung Ngạn. Về tước hiệu, do không có thêm tài liệu để kiểm chứng nên trong trường hợp của Trần Toại, chúng ta sử dụng sách có niên đại gần với sự kiện nhất, đó là An Nam chí lược.
2. Nam Ông mộng lục cung cấp thông tin tương đối quan trọng để từ đó lần về thân phụ của Trần Toại, ấy là “mộ phần nằm bên bờ sông Ô Diên”. Hiện tôi chưa biết tài liệu nào ghi chép về sông Ô Diên, nhưng thành Ô Diên và huyện Ô Diên thì có nhiều tài liệu ghi chép.
Đại Nam nhất thông chí chép: “Hà Nội. Sông Nhuệ nguồn từ phía đông nam đầm Bát Long xã Hạ Mỗ, huyện Từ Liêm chảy vào địa phận huyện Thai Oai (…) Bài Quần Thần ở địa phận huyện Từ Liêm (…) nay là địa phận 2 xã Thượng Cát và Hạ Cát (…) Thành cổ Ô Diên ở địa phận huyện Từ Liêm (…) nhà Đường năm Vũ Đức thứ 4, đặt làm huyện Ô Diên, nay là xã Hạ Mỗ”.

Bài Những dòng chảy quá vãng của tác giả Nguyễn Vinh Phúc viết: “Sông Từ Liêm. Cho tới trước khi có hệ thống đê chạy dọc sông Hồng, tức trước thế kỷ XI, thì sông Hồng tới chỗ nay là xã Trung Châu, Đan Phượng đã tách ra một nhánh chạy về bên hữu ngạn theo hướng Tây Bắc - Đông Nam qua các làng Hạ Mỗ, Vĩnh Kỳ, Thượng Hội, Hạ Hội (nay thuộc Đan Phượng) và Tây Tựu, Phú Diễn (nay thuộc Từ Liêm) thì chuyển hướng về Nam ... Đó chính là sông Từ Liêm, nay gọi Nhuệ. Vì những vùng đất sông này đi qua chính là huyện Từ Liêm và huyện Ô Diên xa xưa. Năm 557, Lý Phật Tử xây thành Ô Diên ở cửa sông Từ Liêm. Thành này không còn, nhưng dân Hạ Mỗ vẫn cho là xứ đồng, ngoài đê là khu thành cổ Ô Diên. Sau này, khi có đê, cửa sông Từ Liêm bị lấp thành đồng, dĩ nhiên nằm ngoài đê.  Nhưng khúc sông trong đê thì vẫn còn. Không rõ tên sông Từ Liêm được thay bằng Nhuệ Giang từ bao giờ”.


- Thứ tự trên bản đồ từ trái qua phải là sông Đáy, Hạ Mỗ, Thượng Cát, Liên Mạc và sông Nhuệ. Vị trí mà đoạn sông Hồng bị trũng xuống thuộc xã Trung Châu, theo tác giả Nguyễn Vinh Phúc thì trước khi có đê kè còn tồn tại một cửa sông. Cửa sông này bắt nguồn từ đông nam đầm Bát Long, thuộc xã Hạ Mỗ. Khi đê kè xuất hiện, đầm dần dần trở thành đất thổ, cửa sông lấp, hiện tại cửa sông Nhuệ nằm ở vị trí Thụy Phương trên bản đồ.

- Không rõ chính xác thì sông Ô Diên mà Hồ Nguyên Trừng nhắc đến là sông nào và nằm ở vị trí nào, nhưng tôi ngờ rằng: nó chỉ loanh quanh gần khu vực thành Ô Diên của huyện Ô Diên mà thôi. Như thế rất có thể mộ phần của Sầm Lâu Trần Toại ở Hạ Mỗ hoặc các làng xã xung quanh.

- Thời Trần có lệ phong ấp, các vương hầu được ban những khoảnh đất làm của riêng, thêm nữa các vương hầu thường trú tại ấp phong, khi có việc thì thượng kinh. Nên tôi cho rằng: khi chết các vương hầu cũng được chôn cất tại ấp phong của mình, nói cách khác khu vực thành Ô Diên rất có thể là của riêng Sầm Lâu hoặc thân phụ của ngài.

- Trong bài viết trước đây của tôi về con trai thứ 8 của Lý Phật Tử là Lý Bát Lang được thờ ở miếu Hàm Rồng thuộc xã Hạ Mỗ, thực chất là ánh xạ của nhân vật lịch sử Hiển Tín vương Lý Bát thuộc dòng dõi Bảo Quốc vương Lý Long Xưởng. Còn nhân vật Cảo Nương, con gái của Triệu Việt vương theo tôi là có liên quan tới địa danh Cảo [Nhật Tảo, Từ Liêm] mà Việt sử lược có chép tại mục năm 1216 là “tướng Cảo là Đỗ Nhuế đánh vua”.

3. Việt điện u linh chép: “Triệu Việt Vương, Lý Nam Đế. Nam Đế đã chiếm được nước của Triệu Việt Vương rồi, thiên đô qua xứ Lộc Loa và Vũ Ninh, phong cho người anh là Xương Ngập làm Thái Bình hầu giữ Long Biên, phong đại tướng quân là Lý Tấn Đỉnh làm An Ninh hầu giữ thành Ô Diên” [Bản dịch của Lê Hữu Mục]

Toàn thư chép: “Tân Hợi [951 Vua [tên húy là Xương Văn, con thứ của Tiền Ngô Vương] đã truất bỏ Tam Kha, lên ngôi vua, xưng là Nam Tấn [Vương] sai sứ đi đón anh là Xương Ngập về Kinh sư, cùng trông coi việc nước. Xương Ngập xưng là Thiên Sách Vương”.

Lưu Phương truyện trong Tùy Thư chép: “Niên hiệu Nhân Thọ [601-604] gặp khi người Lái ở Giao Châu là Lý Phật Tử làm loạn, chiếm cứ thành cũ của Việt Vương, sai con của anh trai là Lý Đại Quyền đóng giữ thành Long Biên và biệt tướng là Lý Phổ Đỉnh đóng giữ thành Ô Diên [Bản dịch của Châu Hải Đường]

- Không khó để nhận ra đâu là thông tin hư cấu trong Việt điện u linh. Nhưng có một thông tin rất thú vị mà Lý Tế Xuyên đã giữ lại cho chúng ta, ấy là tước hiệu của người giữ thành Ô Diên Lý Tấn Đỉnh có tên An Ninh hầu. Toàn thư mục năm 1315 chép đến một nhân vật có tên hiệu là An Ninh hầu, người này là thân phụ của Hưng Ninh vương.

Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục của Trần Nhân Tông chép: “Thượng Sĩ là con đầu của Khâm Minh Từ Thiện đại vương và là anh cả của Hoàng thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Khi đại vương mất, hoàng đế Thái Tông cảm nghĩa, phong cho Thượng sĩ tước Hưng Ninh vương”.

Toàn thư chép: “Đinh Dậu [1237] Lấy đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang cho Liễu làm ấp thang mộc. Nhân đất được phong, mà Liễu có tên Hiệu là Yên Sinh Vương (…) Mậu Ngọ [1258] Lấy con gái thứ năm của Yên Sinh Vương là Thiều làm Thiên Cảm phu nhân. Ít lâu sau, phong làm hoàng hậu”.

- Hưng Ninh vương Trần Tung là con trai đầu của An Sinh vương Trần Liễu, do Toàn thư khi chép về tước hiệu của Trần Liễu thường dùng là An Sinh vương nên khi mục năm 1315 chép là An Ninh vương thì chúng ta nghĩ rằng sử gia đã chép lầm chăng ? Nhưng chưa hẳn!

Toàn thư chép: “Giáp Ngọ [1294] Quang Khải ham học hay thơ, có Lạc đạo tập lưu hành ở đời. Con ông là Văn Túc Vương Đạo Tái cũng nổi tiếng về văn học thời đó (…) Cháu [Quang Khải] là Uy Túc công Văn Bích làm Thái bảo thời Minh Tông, chắt là Chương Túc quốc thượng hầu Nguyên Đán là Từ đồ đời Nghệ Tông cũng có danh tiếng”.

- Ngoài Trần Quang Khải ra thì Văn Túc vương Trần Đạo Tái, Uy Túc công Trần Văn Bích, Chương Túc thượng hầu Trần Nguyên Đán đều có chữ Túc [có lẽ đây là đặc trưng của tước hiệu theo chiều dọc] Trở lại với trường hợp của An Ninh vương Trần Liễu và Hưng Ninh vương Trần Tung, cả 2 đều có chữ Ninh, xem ra tước hiệu của Trần Liễu là An Ninh vương không phải do sử gia chép nhầm ? Thống kê thì thấy Trần Liễu có rất nhiều tước hiệu như Phụng Càn vương, Hiển hoàng, Hoài vương, Anh Sinh vương, Khâm Minh Từ Thiện đại vương nên có thêm An Ninh vương cũng không phải không thể. Về tước hiệu của Trần Liễu thì đều có ý nghĩa cả, như Hiển hoàng tức là người kế cận với vị trí hoàng đế, An Sinh vương thì là từ tên đất được phong, còn An Ninh vương có lẽ là Trần triều mong muốn Trần Liễu quy phục, không làm loạn.

Bài Bản thần tích tại làng Thọ Lão, xã Thọ An, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây của tác giả Nguyễn Đăng Sơn viết: “Tổ tiên trước là người Mân sang ở đất Tức Mặc đến đời thứ 4, cha là Trần Thừa, mẹ là Lê Thị An. Nhà vua vốn là con thứ, anh trai là Trần Liễu, chú là Trần Thủ Độ (...) Năm ngoài 30 tuổi, cha mẹ vốn là dân sông nước, nằm mơ thấy Giao Long chui vào miệng mà sinh ra Trần Liễu. Trần Liễu bẩm tính thông minh, trí tuệ đức độ hơn người (…) Trần Liễu lấy vợ người ở đất Vạn Kiếp, họ Lã, tên huý là Hồng, làm Chính phi (…) Hồi còn nhà Lý xưa, có một người cung phi hiệu là Thuận Thiên công chúa (…) Trần Liễu thấy nàng liền lấy làm vợ. Được vài năm, Thuận Thiên có thai 3 tháng thì Trần Thủ Độ lập mưu bắt hoàng đế lấy làm chính phi, lên ngôi hoàng hậu khiến cho Trần Liễu rất phẫn uất (…) chống lại triều đình, ra hịch kêu gọi các anh hùng hào kiệt làm thành đội quân làm loạn ở Đại Giang. Lúc đó, các địa phương như: Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang, Thọ Lão, Châu Trần, Nam Trấn, Hải Dương ông đều chiếm giữ làm đất thang mộc. Tự xưng là Càn Vương (…) Lúc ông xây dựng cung sở tại đất Thọ Lão, ông thường qua lại nuôi dưỡng binh lương ở nơi đây. Ông là người nhân từ đức độ, nên nhân dân hết sức yêu mến khâm phục. Lúc đó không người nào không mến mộ theo ông đi chiến trận (...) Một hôm Càn Vương nằm nghỉ ở chính điện cung để ngủ thì bỗng thấy vị Quy thần và Điểu Sơn (…) khuyên can ông nên quy hàng, chớ nên phóng túng làm loạn (...) bèn truyền cho tướng sĩ giải hồi về quê. Để Lã Hậu sống ở đây, cung này giao cho nhân dân cùng trông nom với hơn 100 gia thần thủ túc bảo vệ cung sở. Nhân dân ở đây đều vâng mệnh (...) Nhà vua (…) cho những nơi ông đã đóng quân ngụ lộc làm đất thang mộc (…) Càn Vương từ lúc trở về sống ở cung ấp thường đi nhàn du trong thiên hạ, ngắm cảnh núi sông, giáo hóa dân chúng xây dựng mỹ tục, tối ngày vui chơi yên ấm với các cổ tướng danh thần (…) Lúc này vương đã 58 tuổi. Lã Hậu đã hơn 40 tuổi. Một hôm vào ngày 10 tháng 11, vương cùng Lã Hậu ban phát của cải, giao phó cung sở cho nhân dân truyền làm lễ trai giới, rồi vào chùa Bảo Lâm dốc lòng tu thiền (…) Các nơi như: Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang đều là nơi thang ấp. Còn đất Phù Hoa, Bố Chính, Lạng Sơn, Ái Châu, Tức Mặc, Kinh Bắc, Thọ Lão, Châu Trần, Nam Định làm làng hộ nhi [là dân nơi đó hàng năm phục dịch việc hương khói thờ cúng thần linh, không phải đi phu phen tạp dịch cho nhà nước nữa] Cộng tất cả là 31 xã, trang làm chính sở (...) Hồng Phúc nguyên niên (1572) ngày tốt đầu xuân. Lễ bộ Hàn lâm viện Đông các học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn. Ngày tốt tháng giữa thu năm Vĩnh Hựu thứ 5 (1739). Quản giám bách thần Tri điện Hùng Lĩnh thiếu khanh thần Nguyễn Hiền phụng soạn bản. Đào Văn Tình Lý trưởng xã Thọ Lão, tổng Thọ Lão đóng dấu”.






- Rõ ràng là vùng đất Thọ Lão [liền kề với Hạ Mỗ] vẫn còn đượm những truyền thuyết kể về An Ninh vương Trần Liễu và hai người con của ngài là Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và An Thành vương. Về nhân vật An Thành vương thì hiện chưa xác định được.

4. Bài Hà Nội có thành Ô Diên của tác giả Nguyễn Vinh Phúc viết: “Theo thần tích làng Chu Quyến hiện có ở thư viện Hán Nôm thì Nhã Lang là con trưởng của Phật Tử với bà thứ phi Lã Thị Ngọc Thành, người làng Chu Quyến [Ba Vì] (...) Còn Bát Lang, theo thần tích làng Hạ Mỗ mà cụ Bùi Tất Uông (…) dịch từ 1984: Thần là con thứ 8 của Phật Tử với bà phi tần tên là Liễu [Liễn] nương, con gái ông Đoạn [Đoàn] công quê ở làng Mao Điền, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương. Bát Lang được vua lập cung doanh ở Hạ Mỗ, tức thành Ô Diên”.
Bài Đình Vạn Xuân của Lê Anh Tuấn viết: “Cuốn Thần phả do Hàn Lâm viện Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất, đời vua Lê Anh Tông (Nhâm Thân - 1572) còn lưu tại đây cho biết: Ngay sau khi hoàng tử Lý Bát Lang mất, vua Lý Phật Tử đã lệnh cho nhân dân Hạ Mỗ lập miếu thờ trên phủ đệ cũ của hoàng tử trong khu vực thành Ô Diên, người sau gọi là Quán Bét (đọc chệch tiếng Bát) hay miếu Hàm Rồng chỗ ba dòng sông Sông Hồng, sông Đáy và sông Nhuệ, gặp nhau ở đầu nguồn Nhuệ Giang. Đình Vạn Xuân ra đời sau miếu Hàm Rồng và cũng là nơi thời thành hoàng Lý Bát Lang, nơi tổ chức sinh hoạt hội hè truyền thống của làng”.


- Trong những bản Internet đăng tải bài của tác giả Nguyễn Vinh Phúc thì phần lớn viết rằng thân mẫu của Lý Bát Lang là Liễu nương. An Ninh vương có tên húy là Liễu. Về họ của bà Liễu nương phần nhiều ghi là Đoạn nhưng chắc là do đánh máy nhầm, họ đúng phải là Đoàn ?
- Trong bài trước tôi có xác định nhân hình của Lý Bát Lang là Ô Kim hầu Nguyễn Bát, nhưng theo Việt sử lược thì vào năm 1216 vị này bị Trần Tự Khánh đánh, phải chạy về sách An Lạc [Vĩnh Phúc] Theo truyền thuyết thì Lý Phật Tử cho nhân dân lập miếu thờ ngay trong phủ đệ của Lý Bát Lang. Như thế thì miếu rất khó là để thờ Hiển Tín vương Lý Bát, vì trước hết Ô Kim hầu chưa chết và sau cùng người chủ của vùng đất Ô Diên [sau năm 1216] không phải là người thân của Nguyễn Bát.
- Sầm Lâu có 2 câu thơ như sau: “Tơi nón năm hồ hơn giữ ấn - Dâu giai nội vượt phong hầu”. Qua đôi câu thơ chúng ta thấy tư tưởng ngoài đời của Trần Toại, rõ ràng là Sầm Lâu không hề có cuộc sống vương giả. Nhưng Sầm Lâu được gả cho công chúa Thụy Bảo, thì xem ra gia thế cũng không thường ? Toàn thư cho biết năm 1237 Trần Liễu làm loạn, tuy được tha tội chết nhưng những bộ tướng đi theo đều bị giết, con trai Trần Quốc Tuấn thì phải gửi nhờ người em là công chúa Thụy Bà nuôi, cho tới khi mất vào năm 1251 thì mới được tấn phong lên tước đại vương, vua Trần Thái Tông cảm nghĩ [về cái chết của Trần Liễu nên] mới phong cho con trai đầu là Trần Tung tước Hưng Ninh vương. Rõ ràng là sau biến loạn gia đình Trần Liễu gặp khá nhiều khó khăn.


Tiểu kết: Tôi đặt giả thuyết Uy Văn vương Trần Toại là con trai của An Ninh vương Trần Liễu.

 

 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét