1. Toàn thư chép: “Ất Dậu [1285] Tháng 3 (…) Thượng vị Văn Chiêu hầu [Trần]
Lộng đầu hàng Thoát Hoan. Kế đó, Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc và bọn Phạm Cự Địa,
Lê Diễn, Trịnh Long đem gia thuộc đầu hàng quân Nguyên”.
An Nam chí lược chép: “Trần Tú Viên cháu gọi An Nam quốc
vương bằng bác, con của Vũ Đạo hầu (…) Năm sau [1336] trở về Hán Dương, Trấn
Nam vương cưới người em gái [họ Trần] làm thứ phi, sinh được hai con (...) Trần
Văn Lộng con của Nhân Thành hầu Trần Duyệt, cháu nội của quốc thúc thái sư Trần
Thủ Độ, ở bản quốc phong tước Chương Hoài thượng hầu (…) Trần Kiện con của Tịnh
Quốc vương, cháu nội của Thái Quốc vương, ở bản quốc được phong Chương Hiến thượng
hầu (…) cưới nàng Quỳnh Huy con gái thái sư Chiêu Minh vương, sinh con là Mặc Hầu
(…) chẳng may giữa đường tử nạn”.
An Nam truyện trong Nguyên sử chép: “Năm thứ 22 [1285]
Người trong tôn tộc là Văn Nghĩa hầu, cùng cha là Vũ Đạo hầu, con là Minh Trí hầu,
con rể là Chương Hoài hầu và Chương Hiến hầu (…) dẫn quân ra hàng (…) Bèn sai bọn
Minh Lý Tích Ban đưa Chương Hiến hầu, Văn Nghĩa hầu cùng em là Minh Thành hầu
(…) về triều”.
Trần Tú Viên thần đạo bi trong Chí Chính của Hứa Hữu
Nhâm chép: “Họ Lý truyền 9 đời đến Long Hàn thì suy, loạn phản nhiều buộc chạy
về Quy Hóa giang, ngoại thích Trần Thắng [Trần Thừa] cùng em họ là Trần Thẩm khởi
hương binh bình loạn, giúp Long Hàn giữ nước, lấy Thắng làm thái úy, Thẩm làm
Khoái Lộ hầu, Long Hàn mất con là Hạo Sảm nối ngôi, lấy con gái Chiêu Thánh làm
vợ của con Thắng là Nhật Chiếu, Hạo Sảm chết Chiêu Thánh nối ngôi, được hơn một
năm thì nhường cho chồng. Họ Trần được nước, truy hiệu Thắng làm Thái tổ, Thẩm
làm An Quốc vương, con là Túc Kính làm Vũ Đạo vương, lấy con gái họ Trình sinh
3 trai, con trưởng húy là Tú Viên, tại bản quốc phong Văn Nghĩa hầu (…) Quang
Bính chết con là Nhật Huyên không thỉnh tự lập, khi bị triệu thì cáo bệnh mà từ,
rồi vời lại mới sai chú họ Di Ái đại diện vào triều, phong Di Ái làm An Nam quốc
vương (…) Trấn Nam vương đem đại quân tiến vào biên giới (…) Vũ Đạo (…) xin
hàng, dâng người con gái họ Lý cho vương, sau sinh ra vương tông”.
- Chi tiết Trần
Thẩm được phong tước hiệu Khoái Lộ hầu giúp cho chúng ta hiểu rõ về sự kiện năm
1209 được chép trong Việt sử lược như sau: “mùa thu tháng 8, Thuận Lưu, Khoái
vì việc Bỉnh Di chết mà đem thủy quân đến đánh kinh sư”. Trận đánh này do Trần
Lý tổ chức, có Thẩm ở đất Khoái tham gia, trận này họ Trần thua, Trần Lý bị liệt
hầu Cao Kha bắn chết. Tô Trung Từ thấy triều đình mạnh, liền trở giáo phản lại
họ Trần, tấn công đất Khoái, cướp vương tử Sảm từ Hải Ấp, rồi nhờ thượng phẩm
phụng ngự Đỗ Quang tấu xin với Cao Tông.
|
2. Sự việc
"Trần Thủ Độ giết [hết] tôn thất nhà Lý" được chép trong Toàn thư mục
năm 1232. Chữ "hết" có lẽ đúng là chữ mà sử gia Ngô Sĩ Liên muốn
dùng, bằng chứng chính là lời bàn của Ngô sử gia "Xét thời Trần Anh Tông
còn có người họ Lý làm tướng, hơn nữa [Phan] Phu Tiên không ghi lại, việc này
chưa chắc đã có thực, hãy tạm chép vào đây".
Thế nhưng trong bài Thử lật lại “vụ án” Trần
Thủ Độ giết hết tôn thất nhà Lý thì nhà báo Hoàng Hải Vân đã "thử lật
lại" nghi án Trần Thủ Độ giết hết tôn thất nhà Lý và cho rằng: không đủ bằng
chứng để kết tội Trung Vũ vương. Tác giả Ngọc Thiên Hoa đã phản biện bài viết của
nhà báo Hoàng Hải Vân qua bài Trần Thủ Độ: Công không tăng tội không giảm.
Sách Long Hưng. Đất phát nghiệp
vương triều Trần của tác giả Đặng Hùng viết: “Có thể không có việc Trần Thủ Độ
giết hết tôn thất nhà Lý, nhưng chắc chắn là có một số tôn thất (con cháu nhà
Lý) đã chống lại Trần Thủ Độ và Vương triều Trần, nên bị Trần Thủ Độ tấn công
và sát hại. Đó là trường hợp của Thiềm Hoa công chúa (…) Theo ông Nguyễn Văn
Huyên trong bài Dấu tích Trần Thủ Độ trên đất Nam Hà. Căn cứ vào ba bản sắc
phong thời Khải Định [1916-1925] ở đình Cả, thôn Thành Thị, xã Vụ Bản thì nơi
đây trước là đất của vợ chồng công chúa Thiềm Hoa, được vua Lý cấp thái ấp cho.
Thiềm Hoa công chúa đã cùng chồng là An Quốc đại vương chống lại Trần Thủ Độ”.
Trước hết là lời bàn trong Toàn thư. Qua lời
bàn, chúng ta biết rằng Phan Phu Tiên không chép lại sự việc Trần Thủ Độ giết hết
tôn thất nhà Lý. Nhưng rất có thể Phu Tiên bỏ sót hoặc không biết, tôi nghiêng
về bỏ sót hơn, chứ việc lớn như vậy, thật khó để không biết lắm. Thế nhưng bỏ
sót, thì xem ra cũng chưa ổn, vì bản thân Ngô sử gia biết thông tin Thủ Độ giết
hết tôn thất nhà Lý nhưng Sĩ Liên cũng chỉ dám chép "chưa chắc đã có thực,
tạm chép vào đây". Tức là bản thân Ngô sử gia cũng đặt nghi ngờ về nguồn
cung cấp thông tin, Sĩ Liên biết được thông tin, nhưng lại nghi ngờ thông tin,
không biết đúng sai ra sao, nên cứ tạm ghi lại để kiểm chứng sau.
Sự nghi ngờ của Ngô sử gia không phải không
có căn cứ, khi ông biết rõ rằng "thời Trần Anh Tông còn có người họ Lý làm
tướng". Và chính Toàn thư mục năm 1268 chép: "Ngoại thích là Lý Cát
phạm tội ngồi vào ngai vua ở điện Thiên An. Khi xét hỏi trị tội thấy hắn có chứng
điên, bèn đánh trượng rồi tha". Trần Thủ Độ mất năm 1264, mà năm 1268 vẫn
còn người họ Lý, thậm chí người này còn là ngoại thích [họ hàng bên vợ] của nhà
Trần. Xem hành động "ngồi vào ngai vua" thì có vẻ như Cát là tôn thất
của nhà Lý, vì tiếc nuối ngôi báu mà đã có hành động khá "lộ liễu"
nhưng có lẽ vì là ngoại thích nên triều Trần niệm tình nên tha bằng cách bày
cho trò "chứng điên" do đó chỉ bị đánh đòn.
Mục Tự sự trong An Nam chí lược của Lê Tắc
chép rằng "Lúc đầu bản-quốc (An-nam) loạn lạc, cha mẹ, gia quyến ly tán, Tắc
vào Trung-Châu, mười năm sau cưới Tôn-nữ họ Lý, con quốc-vương trước, làm vợ.
Lý Tôn-nữ theo cha nuôi là Chương-Hoài-Hầu Trần-Tuyên-Uỷ hàng phụ Trung-Quốc".
Trần Tuyên Ủy ở đây là tên khác của Trần Văn Lộng, mà cái thú vị nhất là theo mục
Các vương hầu nội phụ trong An Nam chí lược thì "Trần Văn Lộng. Con của
Nhân-Thành-Hầu, Trần-Duyệt, cháu nội của quốc-thúc thái-sư Trần-Thủ-Độ".
Đúng là rất thú vị phải không ? Cháu nội của Trần Thủ Độ có 1 người con nuôi họ
Lý và người con nuôi này là con của Quốc Vương trước. Vị này là ai thì tạm chưa
bàn, nhưng chắc chắn vị này phải mang họ Lý thì con gái mới mang họ Lý. Trần
Văn Lộng nhận người con gái này làm con nuôi thì xem ra mối quan hệ giữa dòng
dõi Trần Thủ Độ có mối quan hệ khá tốt với tôn thất họ Lý.
Cuối cùng là qua Trần Tú Viên thần bi đạo,
chúng ta biết rằng, cháu của Trung Vũ vương là Vũ Đạo hầu cũng có mối quan hệ rất
tốt với người họ Lý, bằng chứng là ngài Vũ Đạo hầu đã dâng người con gái họ Lý
cho Trần Nam vương. Rõ ràng là người họ Lý mà rất có thể là tôn thất vẫn còn
sau khi Trung Vũ vương chết năm 1264.
3. Phụng
Dương công chúa thần đạo bi minh tính tự viết: “Công chúa (…) tên được ban là
Phụng Dương. Cha là tướng quốc thái sư, mẹ là phu nhân Tuệ Chân (…) Vua Thái
Tông yêu quý, nuôi làm con, đến khi gả cho thượng tướng thái sư, vua xuống chiếu
ban cho xe và quần áo như con gái vua (…) Công chúa được 7 người con, con trưởng
mất sớm (…) bèn nuôi con quan nội hầu quốc công thay con (…) người thứ 2 là Văn
Túc vương Đạo Tái (…) lấy con gái Tĩnh Quốc đại vương là công chúa Bảo Tư. Thứ
nữa là Vũ Túc vương Đạo […] lấy công chúa Bảo Chân, con gái thứ 4 của vua Thánh
Tông. Con gái lớn là công chúa Quỳnh Huy húy là Thụy Vương, 2 lần gả chồng đều
không hòa hợp. Con gái thứ là công chúa Quỳnh Tư húy là Thụy Nhu, gả cho kiểm
hiệu thái úy. Thứ nữa là công chúa Quỳnh Bảo húy là Thụy Ân, lấy con trưởng của
Tĩnh Quốc đại vương là Nhân Quốc vương. Thứ nữa là công chúa Quỳnh Thái húy là
Thụy Tư, làm vợ kế kiểm hiệu thái úy. Quỳnh Huy, Quỳnh Tư, Vũ Túc đều mất sớm
(…) Năm Tân Mão niên hiệu Trùng Hưng [1291] công chúa mất táng tại thôn Độc Lập
phủ Thiên Trường (…) Năm Quý Tị niên hiệu Hưng Long thứ 1 [1293] chồng là
nguyên lão bốn triều, Bình chương quân quốc trọng sư, lập bia (…) Nhâm Ngọ niên
hiệu Minh Mệnh thứ 3 [1822] khắc lại”.
Toàn thư chép: “Bính Tuất [1226] Mùa
hạ tháng 5, phong em là Nhật Hiệu làm Khâm Thiên Đại Vương [khi ấy mới 2 tuổi]
Quý Sửu [1253] Mùa hạ tháng 4, cho Khâm Thiên Đại Vương Nhật Hiệu làm thái úy
(...) Giáp Tý [1264] Mùa xuân tháng giêng, thái sư Trần Thủ Độ chết [thọ
71 tuổi] truy tặng Thượng phụ thái sư Trung Vũ Đại Vương (...) Tháng 3, lấy
Khâm Thiên Đại Vương Nhật Hiệu làm tướng quốc thái úy, nắm chung việc nước. Bấy
giờ, vua cho Nhật Hiệu làm thái sư, nhưng Nhật Hiệu cố ý từ chối không nhận (…)
Vua tuy cho, ông không nhận chức thái sư, nhưng lại ban thêm hai chữ tướng quốc
thành tướng quốc thái uý (...) Ất Sửu [1265] Hoàng tử Đức Việp sinh (…) Mậu
Thìn [1269] Mùa thu tháng 7, Tướng quốc thái úy Nhật Hiệu chết thọ 44 tuổi,
truy tặng tướng quốc thái sư (...) Ất Dậu [1285] Mùa xuân tháng giêng, Hưng Đạo
Vương bàn xin Thượng tướng thái sư Quang Khải chặn đánh cánh quân của Nguyên
soái Toa Đô ở Nghệ An. Tháng 2, con thứ của Tĩnh Quốc Đại Vương Quốc Khang là
thượng vị Chương Hiến hầu [Trần] Kiện và liêu thuộc là bọn Lê Trắc đem cả quân
đầu hàng quân Nguyên (…) Toa Đô sai đưa bọn Kiện về Yên Kinh (…) Gia nô của
Hưng Đạo Vương là Nguyễn Địa Lô bắn chết Kiện (...) Canh Dần [1290] Tháng 3,
gia phong Tá Thiên Đại Vương Đức Việp làm Nhập nội Kiểm hiệu thái úy”.
(Sơ đồ nhánh Phụng
Dương công chúa)
4. Sử gia người Nhật Bản là Yamamoto
Tatsuro trong bộ An Nam sử nghiên cứu đã đồng nhất Quang Bính với Trần Thái
Tông, Nhật Huyên với Trần Thánh Tông, Nhật Tôn với Trần Nhân Tông. Tác giả Lê Mạnh
Thát trong sách Trần Nhân Tông con người và tác phẩm cho rằng: Quang Bính là Trần
Thánh Tông, Nhật Huyên và Nhật Tôn là Trần Nhân Tông, Nhật Sủy là Trần Anh
Tông, Nhật Khoáng là Trần Minh Tông.
Sách Trần Nhân Tông con người và tác phẩm của tác giả Lê Mạnh
Thát có giới thiệu 22 văn kiện ngoại giao từ 4 nguồn là An Nam chí lược, Nguyên
sử, Thiên Nam hành ký, Trần Cương Trung thi tập. Người đọc xin xem thêm bài Khảo
biện về văn thư ngoại giao của Trần Nhân Tông và Văn thư ngoại giao
thời Trần của tác giả Phạm Văn Ánh.
Tờ biểu tháng
tư năm Chí Nguyên thứ 25 [1288] [Tác giả Phạm Văn Ánh cho rằng niên đại
của bản đấu là không hợp lý. Nó đúng phải là năm 1289] viết: “Thế tử nước An
Nam là vi thần Trần Nhật Huyên, sợ hãi quên chết phục tội, dâng lời
lên hoàng đế bệ hạ (…) Đại quân đã lắm lần chinh phạt, giết cướp
lại nhiều. Anh em không kẻ hiền lương, dựng chuyện tâu sàm không ít. Trước
đây, quốc thúc Di Ái rõ ràng trốn mất ở ngoài biên cảnh, bèn trở
ngược vu cáo thần là đã làm việc chuyên giết. Lại người em giữa Ích Tắc
tự đem mình đến trước đại quân xin vái đầu hàng. Ấy là muốn đến
trước để lập công cho mình. Huống nữa là những người đến thay mà tâu
bày, thì lại càng thêm ngoa dối”.
- Theo như tờ biểu thì Trần Nhật Huyên có người em giữa là
Trần Ích Tắc và người chú là Trần Di Ái. Vậy Trần Nhật Huyên phải là Thánh Tông
Trần Hoảng.
Tờ biểu ngày 4
tháng 3 năm Chí Nguyên thứ 30 [1293] viết: “Ngày lành tháng 3
năm Chí Nguyên thứ 30, bề tôi nước An Nam là Trần Nhật Tôn trăm vái,
dâng lời (…) Bề tôi Nhật Tôn, đất nam ngồi giếng, mặt bắc ngóng sao, ba mươi
năm chăm chăm khuyển mã, một tấc lòng rực rỡ trời cao, cúi bày gương
vàng, luống mong cửa khuyết xem soi, xa dâng chén ngọc, sâu trông cửa ngọc đóng
cất”.
Tờ tâu ngày 4
tháng 3 năm Chí Nguyên thứ 30 [1293] viết: “Bề tôi nước An Nam là Trần
Nhật Tôn kính cẩn quên chết cúi đầu trăm vái dâng lời (…) Như thế,
bọn thần Nhật Tôn khôn xiết vui mừng, rất là hớn hở, tự bảo tội lỗi đầy
trời của cha con thần mấy chục năm, đến ngày hôm nay đều được xóa sạch.
Kẻ còn người mất thảy đều vái trời cha đất mẹ đã ban cho cái
ơn sống lại (…) Nép mong hoàng đế bệ hạ với lòng cha mẹ,
với lượng càn khôn, bao chứa đồ dơ, riêng ban lòng thương, nghĩ đến ông nội
[tổ] của thần là bề tôi Quang Bính, lòng son qui thuận, hèn nhận sắc phong, để
giúp cho thần Nhật Tôn nối được ơn xưa, lo làm chức cũng như cũ, trên để tỏ hết
lòng thành thờ vua, dưới để hoàn thành chí nguyện tiên tổ”.
- Ngày 04 tháng 03 năm 1293 Trần Nhật Tôn dâng một tờ biểu
và một tờ tấu. Qua những chi tiết như “ba mươi năm chăm chăm khuyển mã” “tội lỗi
của cha con thần được xóa sạch” “kẻ còn người mất” thì Trần Nhật Tôn ở đây phải
là Trần Nhân Tông. Và chi tiết “tổ của thần là bề tôi Quang Bính” như thế thì
Quang Bính phải là Trần Thái Tông.
- Như vậy Quang Bính là Trần Thái Tông, Nhật Huyên là Trần
Thánh Tông và Nhật Tôn là Trần Nhân Tông, đúng như Yamamoto giả thuyết, tuy
nhiên quy chuẩn này luôn đúng với phương nam nhưng khi người phương bắc chép sử
thì Quang Bính, Nhật Huyên, Nhật Tôn lại được sử dụng phức tạp hơn, thành ra có
vài chỗ các tác giả phải nại tới việc chép nhầm của sử gia để giải thích.
Nguyên sử: “Họ
Lý truyền qua tám đời đến Hạo Sảm thì Trần Nhật Cảnh là con rể Hạo Sảm bèn có
được nước ấy (…) Mậu Ngọ [1258] tháng 2 Nhật Cảnh truyền ngôi cho con trưởng là
Quang Bính (…) Năm thứ 2 [1261] phong Quang Bính làm An Nam quốc vương (…) Năm
thứ 14 [1277] Quang Bính chết, người trong nước lập thế tử là Nhật Huyên” [Bản
dịch của Châu Hải Đường]
- Theo Toàn thư thì năm 1258 Trần Thái Tông nhường ngôi cho
Trần Thánh Tông để lên làm thượng hoàng và đến năm 1277 thì Trần Cảnh mất. Rõ
ràng là thông tin trong Nguyên sử đã bất nhất, nếu Quang Bính là Thái Tông thì
ghi chép năm 1258 là sai, nếu Quang Bính là Thánh Tông thì ghi chép năm 1277 là
sai. Chúng ta biết rằng: đối với phương nam Quang Bính là Trần Thái Tông và Nhật
Huyên là Trần Thánh Tông nên năm 1258 phải là: Quang Bính truyền ngôi cho Nhật
Huyên. Nhưng hẳn người phương bắc không biết kỹ về chế độ thượng hoàng ở phương
nam nên chuẩn theo khuân mẫu cha chết con nối thành ra Nhật Cảnh phải chết năm
1258 thì con là Quang Bính mới nối được và Quang Bính phải chết năm 1277 thì
con là Nhật Huyên mới nối được. Tình thế của sử gia phương bắc bị cố định bởi 2
lần thay đổi ngôi đế vào năm 1258 và 1277. Riêng đối với chế độ cha chết con nối
thì cần tối thiểu 3 người để thỏa mãn nhưng với chế độ thượng hoàng thì chỉ cần
tối thiểu 2 người.
5. An Nam chí lược chép: “Tống tự. Qua năm Đinh Sửu hiệu Chí
Nguyên [1277] vua Trần mất, thế tử không xin sắc mạng, mà tự lập làm vua, nên
vua [Nguyên] sai thượng thư bộ Lễ là Sái Thung sang mời nhập triều, vua Trần mượn
cớ có tật không đi, qua năm sau, lại lấy cớ có tật không đi, sai quốc thúc
[thúc phụ - em trai ruột của cha] là Trần Di Ái sang triều kiến (...) Đại
Nguyên chiếu chế. Lời chiếu trong năm Chí Nguyên thứ 18 [1281] Hồi trước, An
Nam quốc vương Trần còn sống, ta thường lấy sáu điều khoản theo lệ cũ của tổ
tông yên trị các nước phụ thuộc để ra lời dụ, nhưng ông ấy vẫn chưa làm đầy đủ
thì mất, nay con không theo lệnh của triều đình mà tự lập lên làm vua, ta sai sứ
thần qua triệu thì mượn cớ không đến chầu, nay lại thác ốm không đi, thật cố ý
trái mệnh của ta, chỉ có thúc phụ là Di Ái vào bái yết (…) Lời chiếu năm Chí
Nguyên thứ 23 [1286] Trước đây nước khanh là Trần đã chịu thuần phục, theo niên
lệ cống hiến, mà không chịu thân hành vào chầu, nhân Trần Di Ái thúc phụ của
ông ấy sang đây, ta giao việc nước An Nam cho y (...) Chiếu dụ cho thế tử nhà
Trần năm Chí Nguyên thứ 28 [1291] Ta sai sứ thần qua mời thân sinh khanh qua chầu,
rút cuộc không vâng lời, chỉ cho ông chú [em trai của ông nội][thúc phụ] qua
thay mặt chầu triều, vì thân sinh khanh không vào chầu, nên ta phong cho người
chú làm An Nam quốc vương” [Bản dịch của Viện Đại Học Huế 1961]
Nguyên sử. An Nam truyện chép: “Tháng 10 năm thứ 18
[1281] xuống chiếu rằng Quang Bính đã chết, con là Nhật Huyên không thỉnh mệnh
mà tự lập, triều đình sai sứ sang vời, lại lấy cớ bệnh tật, chỉ lệnh cho chú
[thúc] là Di Ái sang chầu nên triều đình lập Di Ái lên thay làm An Nam quốc
vương (...) Tháng 2 [1286] xuống chiếu dụ quan lại và dân chúng An Nam, kể những
tội ác của Nhật Huyên, nói rõ các việc giết hại thúc phụ Di Ái và không tiếp nhận
Đạt lỗ hoa xích Nhan Thiết Mộc Nhi” [Bản dịch của Châu Hải Đường]
- Theo như những thông tin trên thì Trần Di Ái là chú ruột của Trần Thánh
Tông.
An Nam chí lược chép: “Đại Nguyên phụng sự. Năm Chí
Nguyên thứ 16 [1279] giữ sứ thần An Nam là Trịnh Đình Toản ở lại, rồi sai Sài
Thung dẫn sứ thần Đỗ Quốc Kế về nước và dụ vua phải vào chầu, thế tử lấy cớ đau
mà từ khước, Sài Thung lấy lễ trách, thế tử sợ, bèn khiến chú họ là Trần Di Ái
thay mặt tới chầu, hoàng thượng lấy cớ thế tử có bệnh, bèn phong Di Ái làm An
Nam quốc vương (...) Gia thế họ Trần. Đời thứ 3. Trần Hoảng (…) con thứ vua
Thái vương (…) lúc cha mất, thế tử tự lập làm vua (…) Năm thứ 17 [1280] vua lại
khiến Sài Thung đem chiếu thư qua dụ, thế tử sợ, khiến người chú [tùng thúc -
chú họ] là Trần Di Ái thay mình vào chầu, bèn lập Di Ái làm An Nam quốc vương
(…) Sứ thần các triều đại. Sứ thần thời Trần. Năm Canh Thìn, Chí Nguyên [1280]
lại khiến Sài thượng thư đưa Đỗ Quốc Kế về và đưa chỉ dụ thế tử, thế tử sợ khiến
tùng thúc Trần Di Ái vào chầu thay mình, Lê Trọng Đà làm phó”.
Trần Tú Viên thần đạo bi trong Chí Chính của Hứa Hữu
Nhâm chép: “Quang Bính chết con là Nhật Huyên không thỉnh tự lập, khi bị triệu
thì cáo bệnh mà từ, rồi vời lại, mới sai chú họ [tùng thúc] Di Ái đại diện vào
triều, phong Di Ái làm An Nam quốc vương”.
An Nam chí nguyên chép: “Trần Thừa. Năm Chí Nguyên thứ
14 [1277] chết, tên thụy là Thái vương, ở ngôi 36 năm, con là Hoảng, lại có tên
khác là Nhật Huyên, lên ngôi (…) Năm Chí Nguyên thứ 17 [1280] gặp lúc bấy giờ
Sài Xuân lại sang dụ, vời Hoảng vào chầu, Hoảng bèn sai chú họ là Di Ái sang
triều cận, vua Nguyên nhân đó lập Di Ái làm An Nam quốc vương” [Bản dịch của
Hoa Bằng Huỳnh Thúc Trâm]
- Theo những
thông tin trên thì Trần Di Ái là chú họ của Trần Thánh Tông.
An Nam chí lược chép: “Trương thượng thư hành lục.
Tháng chạp năm Tân Mão, Chí Nguyên thứ 28 [1291] bắt đầu lên đường tới kinh đô
(…) thế tử khi tới chỗ sứ quán, tự nói rằng: đương để tang vua cha, chỉ mặc áo
vải đen, ăn đồ dưa rau, thọ giới 5 năm, nay mới được 2 năm 24 ngày (…) thế tử
nói: nước tôi không tội lỗi gì mà gặp tai họa to tát, cứ theo lời chiếu của
thiên tử, chuyến nào cũng kể tội giết hại quốc thúc, đuổi thiên sứ, chống cự với
vương sư, đến nay vẫn chưa được tha tội, xét lại quốc thúc nhân đời tiên vương
sai đi vào Trung Quốc chầu thiên tử (…) lúc bấy giờ, thiên tử phong quốc thúc
làm vua An Nam, quốc thúc tự lấy làm sợ, rồi không biết đi đâu, không phải nước
tôi dám giết, quốc thúc tự trốn đi miền Hải Nam”.
- Theo thông tin trên thì Trần Di Ái là quốc thúc của Trần Nhân Tông. Ghi
chú số 13 trong bài Ghi chép của Sứ thần Nguyên về chuyến thăm nước ta năm 1292
của tác giả Hồ Bạch Thảo cho biết “Quốc thúc là chú của vua”. Tuy nhiên An Nam
chí lược mục Trương thượng thư hành lục chép rằng “thái sư quốc thúc Chiêu Minh
vương” và mục Các vương hầu nội phụ chép rằng “quốc thúc thống quốc vương thái
sư Trần Độ”. Như vậy với Lê Tắc, quốc thúc vừa có thể là chú ruột nhưng cũng vừa
có thể là chú họ.
Toàn thư chép:
“Nhân Tông hoàng đế. Tân Tị [1281] Sai chú họ là Trần Di Ái [Trần Ải] và Lê Mục,
Lê Tuân sang Nguyên. Nhà Nguyên lập Di Ái làm Lão hầu, cho Mục làm Hàn lâm học
sĩ, Tuân làm Thượng thư, lại sai Sài Xuân đem 1000 quân hộ tống về nước.
Xuân ngạo mạn vô lễ, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh. Quân sĩ Thiên Trường ngăn lại, Xuân dùng roi ngựa quất họ bị
thương ở đầu. Đến điện Tập Hiền, thấy chăng bày màn trướng, hắn mới chịu xuống
ngựa (...) Nhâm Ngọ [1282] Mùa hạ tháng 4, bọn Trần Di Ái đi sứ về nước.
Tháng 6, trị tội bọn phán thủ Trần Ải. Ải phải đồ làm khao giáp binh Thiên Trường,
Lê Tuân phải đồ làm Tống binh”.
- Theo thông tin trên thì Trần Di Ái là chú họ của Trần Nhân Tông.
Cương mục chép: “Năm Nhâm Ngọ [1282] Lời cẩn án. Nay
tham khảo sách Nguyên sử loại biên và Thiên nam hành kỷ chép về phần dụ, chiếu
cũng nói rằng: “Tiếng là hâm mộ phong hóa Trung Quốc, mà thực ra chưa đến triều
yết lần nào. Đến khi cho chú về tạm giữ nước ấy thì lại ngang nhiên kháng cự,
làm việc chém giết một cách càn giỡ”. Cứ như thế thì khi Sài Xuân đem quân sang
nước ta, đã bị quân ta đón đánh giết chết ở trên biên giới rồi, có lẽ nào lại đến
cửa Dương Minh mà kiêu ngạo càn giỡ được nữa”.
- Theo như Cương mục thì sử cũ đã lầm lẫn sự kiện Sài Xuân vô lễ, ngạo mạn ở
cửa Dương Minh và Di Ái là chú của vua An Nam.
Nhận xét:
- Có rất nhiều
thông tin chép về Trần Di Ái tuy nhiên các thông tin ấy lại không thống nhất,
sách đáng lý khả tín nhất là An Nam chí lược thì ở mỗi chỗ lại đưa ra một thông
tin khác nhau.
- Xem Toàn thư
thì dễ dàng nhận thấy là Ngô Sĩ Liên biết rõ về Trần Di Ái như: Di Ái còn có
tên khác là Ải và phải làm khao giáp binh ở Thiên Trường. Như thế ghi chép của
Toàn thư là có cơ sở. Tuy nhiên, rất có thể Ngô sử gia đã có những lầm lẫn như,
Di Ái được phong làm An Nam quốc vương chứ không phải Lão hầu.
- Tôi cho rằng
có 3 thông tin là vượt trội hơn gồm: Tờ biểu năm Chí Nguyên thứ 26 [1289]
Trương thượng thư hành lục và Toàn thư. Trương thượng thư hành lục và Toàn thư
đều chép Di Ái là chú của Trần Nhân Tông, tuy nhiên chúng ta có thể biện luận
cho các ghi chép của 2 tài liệu này như sau:
- Thứ nhất là
đối với Toàn thư, do sách chỉ chép rằng “khiển người chú thay mặt sang chầu”
trong khi sự kiện này được chép trong kỷ của Trần Nhân Tông nên có thể hiểu người
sai Di Ái sang chầu thay là Trầm Khâm. Các tờ biểu năm Chí Nguyên 15 [1278] và
Chí Nguyên 20 [1284] chép những chi tiết “cô thần bẩm khí yếu đuối, mà đường sá
thì khó khăn” “Sài thượng thư mang chiếu thư bảo phải vào chầu” “còn việc tiếp
tục bảo cô tử tự thân đến cửa khuyết” cho thấy Sài Xuân sang An Nam chiếu cho
Trần Thánh Tông sang chầu và người đón tiếp sứ thần cũng chính là Trần Hoảng
nên rất có thể người sai Di Ái sang chầu thay phải là Nhật Huyên, nói cách khác
nên hiểu ghi chép của Toàn thư là “thượng hoàng sai chú họ là Trần Di Ái sang
Nguyên”.
- Thứ hai là đối
với Trương thượng thư hành lục, do khởi đầu Trần Nhân Tông có nhắc đến các chiếu
thư luôn có nội dung “kể tội giết hại quốc thúc” vì thế mà tôi để xuất nên hiểu
danh xưng “quốc thúc” mà Nhật Tôn nói, không phải là “từ ngữ chỉ mối quan hệ với
người nói”. Chính xác thì cả Trương Lập Đạo và Trần Khâm đều biết đến vị quốc
thúc trong chiếu thư của nhà Nguyên và khi nói, do có liên quan tới vị quốc
thúc này, nếu Nhân Tông sử dụng danh xưng khác thì có thể khiến Lập Đạo không
hiểu được nên Trần Khâm vẫn sử dụng lại danh xưng “quốc thúc” trong các chiếu
thư mà cả 2 đều đã biết, như thế “quốc thúc” không phải là chỉ mối quan hệ giữa
người nói và đối tượng được nói đến, mà chỉ là 1 đối tượng khách quan, không có
liên hệ gì với người nói. Ví dụ gần nhất trong An Nam chí lược là khi chép về
Trần Văn Lộng rằng “cháu của quốc thúc Trần Thủ Độ”. Rõ ràng quốc thúc ở đây
không phải dùng để chỉ mối quan hệ giữa người nói [Lê Tắc] với đối tượng được
nói đến [Trần Thủ Độ] Người có mối quan hệ quốc thúc với Trần Thủ Độ đã bị ẩn
đi trong những trường hợp như thế này và rất có thể trường hợp đối thoại giữa
Trương thượng thư với Nhật Tôn cũng tương tự.
- Như vậy tuy
là có tới 2 tài liệu vượt trội ghi nhận Trần Di Ái là chú của Trần Nhân Tông,
song trong cả hai tài liệu ấy đều có thể hiểu theo 1 cách khác và khi hiểu theo
cách khác đối với 2 tài liệu thì lại đều dẫn tới khả năng Di Ái là chú của Trần
Thánh Tông. Cùng với ghi chép trên mộ chí của Trần Tú Viên và tờ biểu năm 1289
thì tôi cho rằng giả thuyết Trần Di Ái là chú của Trần Thánh Tông là khả dĩ nhất.
An Nam chí lược và Tờ biểu năm 1289 đều chép là quốc thúc, còn Toàn thư và mộ
chí Trần Tú Viên thì chép rõ là chú họ, trong khi Nguyên sử chép là chú ruột.
Trong trường hợp này tôi cho rằng: chú họ được ưu tiên trước nhất.
6.
Bài Ả Trần, Mai Kiện, Hồi Hột - Phía khuất
của Sử-được-kí do tác giả Tạ Chí Đại Trường viết: “Không kể đến vấn đề Trần Quốc
Tuấn, có những biến động tranh chấp trong dòng họ chỉ được ghi lại bằng những lời
sơ sài, không đầu đuôi: “Tháng 2 [1283] trị tội Thượng vị Hầu Trần Lão, cho chuộc
tội 1.000 quan tiền, đồ làm lính, lăng trì tên Khoáng là gia nô của Lão ở chợ
Đông, vì tội làm thư nặc danh phỉ báng nhà nước”. Lệnh năm 1250 “xuống chiếu
cho thiên hạ gọi vua là Quốc gia” đã bị người dịch Toàn thư sửa lại là
“quan gia” vì cho rằng “chưa có sách nào gọi vua là “quốc gia”. Nhưng nguyên
văn chữ “nhà nước” trên chính là “quốc gia”, đúng là chỉ người đương quyền:
Nhân Tông, đâu có cần tìm sách nào cho xa! Tước Thượng vị Hầu chứng tỏ Trần Lão
là con một bà Phi theo thứ tự sắp xếp năm 1241. Lê Tắc nhắc đến một người bị tội,
cầu cứu quân Nguyên, tên Trần Thôi, là “quốc đệ” theo cách nhìn từ phía Nguyên,
là em (thượng hoàng) Thánh Tông, hẳn là Trần Lão của sử Việt (chắc tên riêng bị
bỏ, chỉ còn là “thằng cha / già / lão Trần”). Cho nên Trần Ích Tắc muốn giành
ngôi của Nhân Tông không phải là kẻ lạc loài. Trong lúc sử quan ghi sơ sài vài
gia thần của các tông thất khác thì với Ích Tắc đã kể ra đến 20 người được tập
họp ở học đường bên phải phủ đệ, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài, đủ để làm một
bộ tham mưu cai trị nước khi đảo chính xong! Người sưu tập ngày nay, ngoài tiền
mang niên hiệu vua, chỉ thấy loại tiền của Trần Ích Tắc đúc mà thôi, không có của
vương hầu nào khác (...) Trần Lão - chắc là ông em, đã thất bại, Ích Tắc phải
trông chờ nơi khác”.
An Nam chí lược
chép: “Sau Quốc-đệ nước An-nam là Trần-Thôi [陳 璀]
bị tội, lén khiến con
của Trọng-Vy là Trần-Văn-Tôn qua Trung-Quốc xin quân đánh An-nam. Mùa đông năm
Giáp-Thân [1284] đại-binh qua đánh nước Nam, Trấn-NamVương cho Trần-Văn-Tôn làm
Thiên-Hộ để dẫn đường. Vua Thánh-Tông nhà Trần cả giận, khiến bổ quan-tài Trọng-Vy”.
Nguyên sử. An
nam truyện viết: “Năm thứ hai mươi mốt [1284] Tháng tám, em Nhật Huyền là Chiêu
Đức Vương Trần Xán [陳
璨] gửi thư đến Kính Hồ Chiêm Thành
Hành Tỉnh, tự nguyện nạp khoản quy hàng” [Bản dịch của Châu Hải Đường. Trong
ghi chú dịch giả phỏng đoán Trần Xán là Trần Ích Tắc]
Toàn thư chép:
“Quý Mùi [1283] Tháng 2, trị tội thượng vị hầu Trần Lão [陳 老] cho Lão chuộc tội 1.000 quan tiền,
đồ làm lính, lăng trì tên Khoáng là gia nô của Lão ở chợ Đông, vì tội làm thư nặc
danh phỉ báng nhà nước”.
- Tác giả Tạ Chí Đại Trường cho rằng Trần Lão mang hàm nghĩa
là “lão già họ Trần” với tên riêng là Trần Thôi, vốn là con của một bà phi nên
là em của Trần Thánh Tông. Toàn thư mục năm 1241 chép “Thứ
đến (…) phong vương. Thứ nữa thì phong thượng vị hầu. Con trưởng của các vương
thì phong vương, các con thứ thì phong thượng vị hầu, coi đó là chế độ lâu dài”.
Xem như thế, tác giả Tạ Chí Đại Trường chỉ căn cứ vào tước thượng vị hầu để
đoán định Trần Lão là con của một bà phi là chưa chính xác. Thực vậy, Toàn thư
mục năm 1278 cho biết con trai của Lê Phụ Trần là Lê Tông có tước Thượng vị hầu.
- An Nam chí lược cho biết em [quốc đệ - mục Tự
sự Lê Tắc cũng có dùng khi chép về Trần Ích Tắc] của Thánh Tông là Trần Thôi bị
tội, lén cử người xin binh qua đánh nước Nam. Nguyên sử cho biết em [đệ] của
Thánh Tông là Trần Xán gửi thư xin hàng. Toàn thư cho biết Trần Lão bị tội đầy
làm lính do phỉ báng nhà nước. Ba tài liệu chép về 3 nhân vật, trước là thấy có
tên khác nhau, sau là hành trạng khác nhau.
An Nam chí lược
chép: “Tắc có giao du với người bạn văn học tên là Chu Khởi, người Mân Trung.
Nguyên trước Chu Khởi cùng tôi nhà Tống là Tăng Uyên Tử di cư qua An Nam, sau
theo Chương Hiến hầu quy thuận”.
Nguyên sử chép:
“Người trong tôn tộc là Văn Nghĩa hầu, cùng cha là Vũ Đạo hầu, con là Minh Trí
hầu, con rể là Chương Hoài hầu và Chương Hiến hầu, quan cũ nhà Tống là Tăng
tham chính, Tô thiếu bảo và con là Tô Bảo Chương, con trai Trần thượng thư là
Trần Văn Tôn cùng nối nhau dẫn quân ra hàng”.
- Xem An Nam chí lược, chúng ta biết Tăng Uyên Tử được coi
việc Tham chính phủ, Tô Lưu Nghĩa được hàm Thiếu bảo. Nên Tô Bảo Chương trong
Nguyên sử có lẽ là Tô Cảnh Do trong An Nam chí lược. Lê Tắc cho biết thêm, khi
cha của Trần Văn Tôn là Trần Trọng Vy mất, Tăng Uyên Tử có làm 6 câu thơ để
khóc, trong đó có 2 câu “Giang Nam chim một cặp / Gãy cánh tựa nương nhau”. Như
thế rất có thể nhóm Trần Trọng Vy, Tăng Uyên Tử, Tô Lưu Nghĩa khi qua An Nam đã
làm môn khách của Vũ Đạo hầu.
- Việc quốc đệ Trần Thôi lén sai Trần Văn Tôn xin quân cho
thấy mối quan hệ giữa 2 người rất tốt, như thế Trần Thôi hẳn là cũng có mối
quan hệ tốt với gia đình Vũ Đạo hầu. Nhưng Lê Tắc cũng chép rõ Trần Thôi là quốc
đệ, lại chép thêm “sai con người anh [huynh] là Chương Hiến hầu Trần Kiện
nghênh chiến tại Thanh Hóa (…) Chương Hiến hầu cùng bọn Lê Tắc kéo quân ra
hàng”. Như thế Trần Thôi không phải là tên khác của Trần Kiện.
- Tôi đang nghĩ tới trường hợp Trần Xán trong Nguyên sử
chính là Trần Thôi trong An Nam chí lược vì trước họ đều là em của Thánh Tông,
sau họ đều từng liên lạc với người phương bắc. Thêm nữa, Trần Xán - Trần Thôi rất
có thể là “Chiêu Đạo Vương trước tên là Quang Xưởng,
là con thứ của Thái Tông, anh cùng mẹ của Ích Tắc” như Toàn thư chép mục năm
1292. Vì thứ nhất, Nguyên sử chép Trần Xán là Chiêu Đức vương còn Toàn thư chép
Quang Xưởng là Chiêu Đạo vương, thứ hai Trần Xán từng gửi thư cho người phương
bắc, Ích Tắc cũng từng gửi thư cho người phương bắc như Toàn thư ghi nhận mục
năm 1285, thứ ba như tác giả Tạ Chí Đại Trường nhận định việc Ích Tắc mở trường
học còn có mục đích thành lập tổ chức chính trị nên người em ruột của Chiêu Quốc
vương là Trần Quang Xưởng thường là người đầu tiên tham gia tổ chức này.
- Nhưng trong mục các vương hầu nội phụ của sách
An Nam chí lược không thấy nhắc tới tên Trần Thôi, trong khi vị này là quốc đệ,
trong Toàn thư chép về việc đầu hàng phương bắc và định công tội cũng không thấy
nhắc tới Chiêu Đạo vương, nếu cho rằng rất có thể người này chết trong cuộc chiến
tranh nên sử gia không chép, thì cũng không đúng, vì như Trần Kiện chết rồi,
sau vào năm 1292 vẫn thấy Ngô sử gia chép đến. Lại thêm, khi người phương bắc đến
có phong cho Trần Văn Tôn làm Thiên hộ dẫn đường, nếu như vậy thì hẳn Trần Thôi
phải được phong tước cao hơn nhưng không thấy Lê Tắc chép. Mà rõ ràng, ý tưởng xin
quân phương bắc là của Trần Thôi chứ không phải của Trần Văn Tôn. An Nam chí lược
cho biết chi tiết Thánh Tông đào mộ của Trần Trọng Vy, người mà trước đây Thánh
Tông rất trọng, cũng chính là thân phụ của Trần Văn Tôn. Thật khó để biết được
chính xác thì chuyện gì xảy ra vào thời điểm đó, tôi ngờ rằng: Trần Thôi đã
không đầu hàng người phương bắc.
Toàn thư chép: “Kỷ Sửu [1289] Xử tội đồ quân dân hai
hương Ba Điểm và Bàng Hà, làm thang mộc binh, không được làm quan, ban cho tể thần làm
sai sử hoành. Trước kia, người Nguyên vào cướp, vương
hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua bắt
được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ
phản trắc. Chỉ có kẻ nào đầu hàng trước đây, thì dẫu bản thân ở triều đình giặc,
cũng kết án vắng mặt, xử tội đi đày hoặc tử hình, tịch thu điền sản, sung công,
tước bỏ quốc tính”.
- Rõ ràng là có rất nhiều
người trong đó có cả các vương hầu đến xin hàng người phương bắc. Vào quãng
tháng 3/1285 người phương bắc có động thái quân sự tấn công An Nam, nhà Trần
còn tổ chức đón đánh nhưng không lợi, lúc này các vương hầu còn thuận theo Trần
Thánh Tông nên chỉ có số ít ra hàng, những người hàng này được đưa về phương bắc,
sau khi thành lập chính quyền mới phương bắc đưa những người này về phương nam,
sau khi tiếp tục yếu thế trên mặt trận quân sự [quãng tháng 11/1287] lúc này
các vương hầu mới lần lượt quy thuận chính quyền mới. Sau Thánh Tông có lệnh
tha thứ cho những kẻ xin hàng lần 2, còn với những kẻ đầu hàng lần 1 thì không
tha thứ. Sự khác nhau trong lệnh của thượng hoàng có lẽ bắt nguồn từ việc, nhóm
đầu hàng lần 1 là những người có chủ ý tranh ngôi, còn nhóm xin hàng lần 2 là
những người ham sống lại bị rơi vào tình thế đối đầu với quân địch đang thắng
thế. Tôi cho rằng: Trần Xán, Trần Thôi, Trần Quang Xưởng nằm trong nhóm lần 2.
- Nhưng vì sao Trần
Thôi có ý xin binh phương bắc thì khi quan quân đến lại không ra hàng ? Có thể
hoàn cảnh thời điểm đó không cho phép quốc đệ thực hiện ý định, vì cả Toàn thư
và An Nam chí lược đều cho biết: Cuối tháng 1 đầu tháng 2 năm 1285 Chương Hiến
hầu ở Thanh Hóa, cùng bọn liêu thuộc Lê Tắc ra hàng, có thể là thêm Chu Khởi.
Sau đó ít hôm, Trần Tú Viên, Vũ Đạo hầu, Trần Văn Lộng ra hàng, có thể có thêm
Tăng Uyên Tử, Tô thiếu bảo, Trần Văn Tôn. Vào ngày 15/3/1285 Chiêu Quốc vương
Trần Ích Tắc suất các môn thuộc xin hàng, Toàn thư ghi rất cụ thể những môn thuộc
gồm: Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long. Thế nhưng ở mục năm 1267 Toàn thư có
chép: “Ích Tắc là con thứ của
Thượng hoàng, thông minh hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ, văn chương
nhất đời (...) Từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phươngcho
học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài như bọn Mạc Đỉnh Chi ở Bàng Hà, Bùi
Phóng ở Hồng Châu . . . gồm 20 người, đều được dùng cho đời”. Rõ ràng là những
môn khách của Trần Ích Tắc rất nhiều nhưng lại rất ít trong số đó đi theo Chiêu
Quốc vương quy phụ phương bắc. Có thể em trai ngài nằm trong số nhiều.
- Qua lời
đối thoại giữa Trần Ích Tắc với Lão lệnh công Nguyễn Đại Phạp rằng: “Ngươi
không phải là tên biên chép ở nhà Chiêu Đạo Vương đó ư. Đại Phạp trả lời: Việc
đời đổi thay, Đại Phạp trước vốn là tên biên chép cho Chiêu Đạo Vương, nay là
sứ giả, cũng như Bình chương xưa kia là con vua, nay lại là người đầu hàng
giặc”. Cho chúng ta biết đã có 1 sự thay đổi quyền thế ở đây, trước Đại Phạp
chỉ là tên biên chép trong nhà Chiêu Đạo vương và nếu không có gì thay đổi thì
Đại Phạp sẽ mãi là môn khách của Trần Quang Xưởng, nhưng nay Đại Phạp đã là
người của Trần Nhân Tông, đại diện cho triều đình với tên gọi sứ giả, rất có
thể Chiêu Đạo vương đã thất thế sau cuộc chiến Việt Nguyên, việc này gợi ý cho
chúng ta là có thể Quang Xưởng đã mắc lỗi gì đó hoặc bị liên lụy bởi người anh
Ích Tắc hàng phương bắc.
7. An Nam truyện trong Nguyên sử chép rất rõ về Chiêu Đức vương Trần Xán, lại chép thêm Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, do đó Trần Xán chắc chắn không phải là Trần Ích Tắc. Về tên hiệu thì chữ “Chiêu” thường được dùng cho anh em ruột với Trần Thánh Tông, lại thêm Nguyên sử chép Chiêu Đức vương Tràn Xán là em [đệ - em ruột] của Nhật Huyên, lại thêm hành trạng gửi thư tự nguyện xin hàng của Trần Xán, thì tôi cho rằng: khả năng rất lớn Chiêu Đức vương Trần Xán chính là Chiêu Đạo vương Trần Quang Xưởng, anh trai của Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc. Câu hỏi là Trần Xán có phải là Trần Thôi trong An Nam chí lược và là Trần Lão trong Toàn thư không ?
- Căn cứ vào hành trạng của Trần Xán, Trần Thôi, Trần Lão cũng không giúp gì cho việc xác định, bởi trước là các hành trạng được viết ở các tài liệu khác nhau, sau là rất có thể các hành trạng được viết ở những thời điểm khác nhau. Bản thân sách An Nam Chí lược khi chép về Trần Văn Lộng cũng có sử dụng những cái tên khác nhau, do đó không loại trừ trường hợp Trần Thôi là tên khác của Trần Ích Tắc. Giả thuyết của tác giả Tạ Chí Đại Trường dựa trên bằng cớ hợp lý duy nhất là: trước đây Trần Lão từng bị tội và vì thế Trần Thôi đã gửi thư xin quân. Nhưng rõ ràng bằng cớ này là rất yếu.
- Nếu để ý chúng ta sẽ nhận thấy sách sử không chép đến tên tước hiệu của Trần Di Ái, An Nam chí lược chép là quốc thúc, Toàn thư chép là tùng thúc và rõ ràng đây là việc khá khó hiểu, với mối quan hệ của Trần Di Ái với các vị vua nhà Trần thì hẳn là Di Ái phải được tước vương hoặc chí ít là tước hầu ? Toàn thư có chép mục năm 1281 rằng “nhà Nguyên lập Di Ái làm Lão hầu”. Chúng ta không biết Ngô sử gia tham khảo thông tin từ nguồn nào nhưng thông tin phổ biến hơn cả là nhà Nguyên phong Trần Di Ái làm An Nam quốc vương. Tôi ngờ rằng: Lão hầu chính là tước hiệu của Trần Di Ái mà sử quan triều Lê đã nhầm lẫn chăng ? Và như tác giả Tạ Chí Đại Trường thì Trần Lão không phải là tên riêng, nên rất có thể Trần Lão là các gọi gộp tên riêng Trần Di Ái với tên hiệu Lão hầu.
- Một bằng cớ khác khiến tôi nghĩ Trần Di Ái là Trần Lão, đó là vào tháng 2/1283 Trần Lão bị tội vì làm thư nặc danh phỉ báng nhà nước. Tờ biểu năm 1289 có viết “Anh em không kẻ hiền lương, dựng chuyện tâu sàm không ít. Trước đây, quốc thúc Di Ái rõ ràng trốn mất ở ngoài biên cảnh, bèn trở ngược vu cáo thần là đã làm việc chuyên giết. Lại người em giữa Ích Tắc tự đem mình đến trước đại quân xin vái đầu hàng. Ấy là muốn đến trước để lập công cho mình. Huống nữa là những người đến thay mà tâu bày, thì lại càng thêm ngoa dối”. Chúng ta biết rằng trong các chiếu của phương bắc thường hay kể tội Trần Thánh Tông giết hại quốc thúc, đuổi thiên sứ, chống cự vương sư, nhưng nếu đọc đoạn văn trên, thì rõ ràng là Nhật Huyên trách những người tấu bày không đúng sự thật với thiên tử, trong đó có quốc thúc, Trần Di Ái đã vu cáo cho Nhật Huyên là chuyên giết [hiếu sát] Nhưng thời điểm mà Di Ái có thể vu cáo là khi nào, đó chắc chắn phải xảy ra sau sự kiện Di Ái trốn ở biên cảnh, việc này sẽ giúp chúng ta xác định thời điểm Di Ái vu cáo Trần Thánh Tông khi quân Nguyên tiến vào Thăng Long quãng năm 1285 – 1286 là cao nhất. Cũng có thể là vào thời điểm 1287 nhưng chắc chắn phải là sau khi Di Ái đi sứ về và cả sau khi bị đầy làm khao giáp binh ở Thiên Trường.
- Lại nói về việc Di Ái bị đày làm khao giáp binh, theo như Toàn thư thì sự việc xảy ra vào tháng 6/1282 trong khi cũng chính Toàn thư cho biết việc Trần Lão bị đày làm lính vào tháng 2/1283, rõ ràng là với 2 thông tin này thì dường như Trần Di Ái không thể là Trần Lão được, có phải như vậy ?
Nguyên sử chép: “Tháng 2 năm thứ 13 [1276] Quang Bính sai Lê Khắc Phục, Lê Văn Túy sang cống (…) tháng 8 năm thứ 15 [1278] sai lễ bộ thượng thư Sài Xuân (…) cùng bọn Lê Khắc Phục cầm chiếu thư sang dụ Nhật Huyên (…) tháng 12 Nhật Huyên đến quán gặp sứ giả (…) bọn Xuân quay về, Nhật Huyên sai Phạm Minh Tự, Trịnh Quốc Toản, trung tán Đỗ Quốc Kế phụng biểu trần tình (…) tháng 11 [1279] lưu sứ giả An Nam là Trịnh Quốc Toản ở hội đồng quán, lại sai bọn Sài Xuân bốn người cùng Đỗ Quốc Kế mang chiếu sang lại dụ Nhật Huyên sang chầu (…) tháng 10 năm thứ 18 [1281] lập An Nam tuyên ti (…) xuống chiếu rằng Quang Bính đã chết, con là Nhật Huyên không thỉnh mệnh mà tự lập, triều đình sai sứ sang vời (…) chỉ lệnh cho chú là Di Ái sang chầu, nên triều đình lập Di Ái lên thay làm An Nam quốc vương” [Bản dịch của Châu Hải Đường]
An Nam chí lược chép: “Năm Tân Tị [1281] sai Sài Thung nhận chức An Nam hành tuyên úy sứ đô nguyên soái, xuất binh 1000 người đưa Di Ái về nước, đi đến địa giới Vĩnh Bình, An Nam không chịu nhìn nhận, Di Ái sợ, ban đêm trốn về, chỉ sai bồi thần thay mặt tiếp rước Sài công vào nước, tuyên lời chỉ dụ của vua rồi trở về”.
An Nam chí lược chép: “Thế tử [Trần Nhân Tông] nói: Cứ theo lời chiếu của thiên tử, chuyến nào cũng kể tội giết hại quốc thúc [Trần Di Ái] đuổi thiên sứ, chống cự vương sư, đến nay vẫn chưa được tha tội. Xét lại, quốc thúc nhân đời tiên vương sai đi vào Trung Quốc, chầu thiên tử và thay mặt tiên vương tôi để tấu đối mọi việc. Lúc ấy, thiên tử phong cho quốc thúc làm vua An Nam, quốc thúc tự mình lấy làm sợ, rồi không biết đi đâu, chứ không phải nước tôi dám giết. Chú tôi tự trốn đi miền Hải Nam (…) thật ra quốc vương không biết gì đến”.
Toàn thư chép: “Tân Tị [1281] Sai chú họ là Trần Di Ái (tức Trần Ải) và Lê Mục, Lê Tuân sang Nguyên. Nhà Nguyên lập Di Ái làm Lão hầu, cho Mục làm Hàn lâm học sĩ, Tuân làm Thượng thư, lại sai Sài Xuân đem 1000 quân hộ tống về nước. Xuân ngạo mạn vô lễ, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh (...) Nhâm Ngọ [1282] Mùa hạ tháng 4, bọn Trần Di Ái đi sứ về nước. Tháng 6, trị tội bọn phán thủ Trần Ải. Ải phải đồ làm khao giáp binh Thiên Trường, Lê Tuân phải đồ làm Tống binh”.
- Theo như những thông tin trên thì vào năm 1276, nhà Trần có cử sứ sang phương bắc, nhân việc này nhà Nguyên sai Sài Xuân cầm chiếu sang dụ Trần Thánh Tông sang chầu, nhưng vua từ chối, sau đó khi Sài Xuân về nước thì vua lại sai Trịnh Quốc Toản, Đỗ Quốc Kế sang phương bắc trần tình về việc không đích thân sang chầu được, sau khi nhận được biểu của Trần Thánh Tông, năm 1279 nhà Nguyên giữ Trịnh Quốc Toản lại, sai Sài Xuân cùng Đỗ Quốc Kế sang dụ vua thêm lần nữa, nhưng vua vẫn kiên quyết từ chối, do nhận biết được tình thế gay gắt từ phương bắc “mau sửa sang thành trì, để đợi quân ta sang” nên Trần Thánh Tông đã quyết định cử một người trong tôn tộc, người đó chính là chú họ Trần Di Ái. Di Ái lúc này rơi vào tình trạng hiểm nghèo, trước là không thể kháng cự lệnh Trần Thánh Tông, sau là chuyến đi sứ thì nguy hiểm vạn lần.
- Cuộc đi sứ của Trần Di Ái cũng giống như cuộc đi sứ của Trịnh Quốc Toản, chẳng qua là trần tình với thiên triều về việc Trần Thánh Tông không thể địch thân vào chầu, chứ Di Ái chẳng có nhiều hơn quyền lực để quyết định việc của An Nam và rõ ràng là nhà Nguyên không chấp nhận việc Nhật Huyên không vào chầu nên đã trước là phong Trần Di Ái làm An Nam quốc vương, sau là lập An Nam tuyên úy ti vào tháng 10/1281. Rồi sai Sài Xuân dẫn 1000 người đưa Di Ái về nước. Được tin này vua Trần Thánh Tông đã cự Sài Xuân địa giới Vĩnh Bình. Chi tiết “Di Ái sợ, ban đêm trốn về” cho thấy toàn bộ về con người của Di Ái.
- Trước hết, khi thiên triều phong làm An Nam quốc vương, thì dù Di Ái có 10 cái đầu cũng không dám khước từ, khi biết mình chỉ là quân bài thì Di Ái ngoan ngoãn tuân theo và khi tới địa giới 2 nước, thì Di Ái đã nhân ban đêm mà trốn khỏi sự kiểm soát của người Nguyên, rõ ràng là Di Ái không hề có ý định tranh ngôi hoàng đế. Chứ nếu Di Ái thực sự muốn làm vua, thì chỉ cần cùng Sài Xuân trở về phương bắc, sau đó đem quân nhiều hơn tấn công An Nam. Toàn thư cho biết tới tháng 4/1282 Di Ái mới về nước, vậy thì thông tin Di Ái trốn đi Hải Nam như An Nam chí lược chép là chính xác, rõ ràng Di Ái cũng khá thông minh, biết rằng vào thời điểm quân sự giữa 2 nước đang rất căng thẳng ở biên giới, nếu trở về thì không khỏi sự nghi ngờ của triều Trần, tất sẽ nguy tới tính mạng.
- Nhưng khi đang lưu trú ở Hải Nam, Di Ái không bị áp lực từ nhà Nguyên hay nhà Trần, nhưng Di Ái vẫn quyết định quay về An Nam, vậy thì đã rõ Di Ái thực sự không có mưu mô cướp đoạt ngôi vua. Chứ nếu thực sự muốn làm An Nam quốc vương thì cửa sáng nhất cho Di Ái là trở về với thiên triều, rồi cùng quân Nguyên đánh xuống phía nam.
- Theo Toàn thư thì tháng 4/1282 Trần Di Ái trở về thì đến tận tháng 6/1282 Trần Ải mới bị xử tội. Không biết vì lý do gì mà nhà Trần lại xử tội Di Ái chậm trễ vậy, đúng lý khi có được Trần Ải thì nhà Trần phải xử tội ngay mới đúng ? Mà xét cho cùng thì Trần Di Ái không hề mắc tội gì cả, đi sứ là vì bất đắc dĩ, nhận tước An Nam quốc vương là để cứu mạng mình, sau có cơ hội làm vua lại từ chối, biết là có thể sẽ bị xử tội xong vẫn quay về, rõ ràng đó là một người không tệ về nhân cách và các vị vua Trần cũng đều là những người hiểu biết cả, không thể xử bừa được. Trừ khi chiếu lệnh của vua Trần còn mang nghĩa là từ chối, phản đối, hủy bỏ sắc phong của thiên triều.
- Tôi cho rằng vua Trần Thánh Tông cũng có xử tội Trần Di Ái nhưng chỉ là về hình thức với mục đích hủy bỏ chiếu phong của thiên triều, chứ không phải là bắt làm lính ở Thiên Trường vào tháng 6/1282. Có thể là một tước hiệu nào đó, thấp hơn thời điểm trước khi Trần Ải sang phương bắc, như Lão hầu chẳng hạn. Vì thế mà Di Ái bất bình đã làm thư nặc danh phỉ báng nhà nước, khiến Trần Thánh Tông tức giận, nên lúc này [2/1283] mới bắt Trần Lão làm lính. Vào khi quân Nguyên làm chủ Thăng Long, giống như các vương hầu khác [Vũ Đạo hầu tiến cống tôn nữ họ Lý. Trần Nhân Tông bắt được hòm thư xin hàng của các vương hầu nhưng sai đốt] để giữ tính mạng mình thì Di Ái đã viết thư vu cáo cho Trần Thánh Tông chuyên giết. Nên có lẽ chính vì thế mà trong các chiếu thư của phương bắc luôn kể tội Nhật Huyên giết hại quốc thúc.
- Chúng ta không được đọc lời thư của Trần Di Ái, nhưng có thể phần nào đoán định được ý chính mà Trần Ải viết, đại loại như: trước tôi trốn khỏi thiên sứ là bởi Nhật Huyên đem binh đuổi thiên sứ, tính lấy mạng tôi nên tôi sợ mà bỏ trốn. Đây cũng có thể coi là lời trần tình của một kẻ ham sống, âu cũng là chuyện bình thường.
- Toàn thư cho biết “Trần Di Ái tức Trần Ải”. Tìm kiếm sẽ thấy huyện Hoài Đức, Hà Nội có làng khá đặc biệt với tên “Di Ái hay còn gọi là kẻ Ải” trước thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Tác giả Nguyễn Vinh Phúc trong bài Quê hương Lý Bí cho rằng: Huyện Hoài Đức có tới 5 làng thờ vị anh hùng Lý Nam Đế gồm: Đại Tự (làng Thía), Lưu Xá (Chồi Lựu), Giang Xá (Chồi Giang), Di Trạch (làng Ải), Miêu Nha (làng Ngà) và huyện Đan Phượng có 2 nơi thờ Lý Bí gồm: Phương Lang nội và Phương Lang ngoại. Tác giả Lê Thái Dũng trong bài Nữ tướng nổi danh của vua Lý Nam Đế có viết về nữ tướng của Lý Bí họ tên là Dương Khoan Khoáng người trang Báo Văn, Hồ Kì [Yên Lạc, Vĩnh Phúc] vị nữ tướng này đã hi sinh vào ngày 10/9/546 và được các triều đại sau truy phong làm Đệ nhị Á [Ả] nương Khoan Khoáng đại vương mĩ mạo linh dung [tên gọn là Khoan Khoáng đại vương]
- Khá thú vị phải không ? Họ tên của An Nam quốc vương trùng với tên gọi của làng, rồi làng ấy lại thờ vị vua trước đó gần ngàn năm, vị vua này có nữ tướng trùng tên với nô gia của Trần Lão như được chép trong Toàn thư là Khoáng [獷 古 猛 切] Và chúng ta thì đang đặt giả thuyết Trần Lão chính là Trần Di Ái. Người viết cho rằng: cuộc điền dã tập trung vào những gì đã nêu ở trên sẽ có thể đưa ra bằng chứng củng cố hoặc bác bỏ, bên cạnh đó công việc tìm kiếm địa danh Lão cũng rất cần thiết để có cơ sở vừng chắc cho mối quan hệ giữa Trần Lão với Trần Di Ái, người viết rất tiếc là không thể thực hiện được những công việc nêu trên vào thời điểm viết bài này.
- Chúng ta có thể biết được Trần Di Ái là con ai không ? Chúng ta biết rằng Trần Ải là bậc chú của Trần Thánh Tông và khả năng cao là chú họ. Như thế Di Ái có khả năng là em họ của Trần Cảnh, cũng đồng thời là cháu họ của Trần Thừa. Hai nhân vật mà chúng ta nghĩ đến có thể là thân phụ của Trần Di Ái là An Quốc vương Trần Thẩm và Trung Vũ vương Trần Thủ Độ. Toàn thư mục năm 1225 chép rằng: “Cháu gọi Thủ Độ bằng chú là Trần Bất Cập làm Cận thị thự lục cục chi hậu, Trần Thiêm làm Chi ứng cục, Trần Cảnh làm Chính thủ”. Như vậy rất có thể Trần Bất Cập, Trần Thiêm là con của Trần Thẩm [hiện chưa có tài liệu sách sử nào chép Trần Thủ Độ có nhiều hơn một người anh, chỉ những truyền thuyết mới cho biết Trần Thủ Độ có tới ít nhất hai người anh em]
- Việt sử lược chép tháng 1/1214 Trần Tự Khánh chia 2 đường thủy [do Tự Khánh thống lĩnh hướng từ phía đông tới thành Thăng Long] bộ [do Phan Lân, Nguyễn Nộn hướng từ phía tây tới thành Thăng Long] Về thủy quân chia làm 3 đạo, đạo 1 do Trần Tự Khánh cùng Trần Thừa đánh bên hữu ngạn [bờ bên phải của sông, nhìn theo hướng nước chảy từ nguồn xuống, đối lập với tả ngạn] sông Hồng, đạo 2 do Trần Thủ Độ [Trần Thủ Đạt - có thể do chép sai] Trần Hiến Sâm, Nguyễn Ngạnh đánh bên tả ngạn [bờ bắc] sông Hồng, đạo 3 do Vương Lê, Nguyễn Cải đánh cầu Nổi ở bến Triều Đông. Chúng ta thấy, anh em Trần Tự Khánh cùng đạo, lại thêm Mộ chí của Trần Tú Viên lại chép Trần Thừa là Trần Thắng nên rất có thể việc Trần Thủ Độ và Trần Hiến Sâm cùng đạo, gợi ý cho chúng ta rằng họ là anh em, do đó không loại trừ trường hợp Trần Thẩm chính là Trần Hiến Sâm trong Việt sử lược.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét