Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

TRẦN TỰ KHÁNH CHẾT VÀ LÊ NGUYÊN TÔNG

1/ Việt sử lược chép rằng: tháng 1/1223 thái úy Trần Tự Khánh sai người bắt Bảo Tín hầu, Lại Linh [sợ nên] thắt cổ tự chết, tháng 10/1223 thái úy đánh Sơn Lão ở sách Mông, tháng 12/1223 phụ quốc Trần Tự Khánh chết ở nhà tại Phù Liệt [Thanh Trì] và hổ ( 虎 ) vào các thôn ấp, tháng 1/1224 an táng Kiến Quốc vương Trần Tự Khánh tại Mỹ Lộc, tiến phong thượng phẩm hầu Trần Báo ( 陳豹 ) tước vương, hiệu Hiển Thánh.
Theo dõi Việt sử lược sẽ nhận ra: thứ nhất sách thường viết những thông tin mang tính điềm báo và thứ hai sách chép rất ít về "hổ" [người viết] thấy có khoảng 3 chỗ viết tới hổ [1 chỗ thời Đinh khi Bộ Lĩnh đặt vạc dầu, chuồng hổ để trừng phạt những người phạm lỗi, 1 chỗ thời Lý khi Cao Tông lệnh cho vị sư vào chuồng hổ để dùng phép thuần phục] nên sự kiện "hổ vào các thôn ấp" được chép vào tháng 12/1223 thực sự rất đáng ngờ, tôi cho rằng nó là điềm báo hơn là thông tin sử liệu.
Trong bài viết về cái chết của Chương Thành hầu Trần Tự Khánh tôi có đưa ra giả thuyết: người sát hại Kiến Quốc vương chính là anh trai khác mẹ Thái Tổ Trần Thừa. Sau khi thu phục được Hà Cao năm 1220 về cơ bản Tự Khánh đã dẹp xong các thế lực chống đối, năm 1221 Chương Thành hầu tiến thêm 1 bước nừa là sát hại Huệ Văn vương, năm 1222 Kiến Quốc vương thực hiện bước cuối cùng là xin cho con trai là Hiển Đạo vương Trần Hải cưới công chúa, Lý Huệ Tông không có con, thì ngôi hoàng đế tất phải rơi vào tay cha con Tự Khánh.
Thấy rõ tiến trình, muốn tranh Trần Thừa phải ra tay trước, Trần Thừa liên hiệp với Bảo Tín hầu Lại Linh làm phản nhưng thất bại, Lại Linh buộc phải thắt cổ chết, nhưng rồi sau Tự Khánh cũng chết và tất nhiên Trần Thừa giữ chức thái úy thay em và cũng nạp lễ xin cướp công chúa của Huệ Tông cho con trai là Thái Tông Trần Cảnh. Căn cứ vào tên hiệu "Hiển" thì rõ ràng Trần Báo là người có vai trò quan trọng sau Trần Thừa thời điểm sau khi an táng Tự Khánh.
Nên ngờ rằng: người liên hiệp với Trần Thừa để sát hại Trần Tự Khánh là Trần Báo và thú vị là "loài báo" cùng họ với "loài hổ". Rất có thể "hổ vào các thôn ấp" là thông tin ám chỉ Trần Báo có liên quan tới cái chết của Trần Tự Khánh và là người nắm giữ binh quyền trấn áp các thế lực ở trong nước sau khi Chương Thành hầu chết.
Cuối cùng là 2 câu hỏi:
Thứ nhất là nếu Lại Linh liên hiệp với Trần Thừa âm mưu làm phản thì vì sao Trần Thừa không bị nghi ngờ, sợ rằng Thừa đã biết tin Trần Tự Khánh muốn bắt Bảo Tín hầu nên đã ra tay trước, hòng bịt đầu mối.
Thứ hai là vào tháng 10/1222 Trần Hải nạp lễ cầu hôn công chúa, trong khi đến tháng 10/1223 Trần Tự Khánh vẫn giữ binh quyền, vậy thì liệu Hiển Đạo vương có cưới được vị công chúa nào không ? Toàn thư chỉ chép đến 2 nàng công chúa của Lý Huệ Tông là Thuận Thiên và Chiêu Thánh, nên tôi ngờ rằng: người chồng đầu của Thuận Thiên công chúa không phải là Phụng Càn vương Trần Liễu mà là Hiển Đạo vương Trần Hải và đó cũng là lý do giải thích vì sao: Huệ Tông lại nhường ngôi cho công chúa Chiêu Thánh chứ không phải công chúa Thuận Thiên
[Công chúa Thuận Thiên sinh năm 1216, công chúa Chiêu Thánh sinh năm 1218. Vào năm 1223, lúc này công chúa Thuận Thiên 7 tuổi, rõ là chưa đến tuổi kết hôn, nên có thể khẳng định Trần Tự Khánh dâng lễ cầu hôn là để thực hiện âm mưu. Nếu Trần Hải chưa lấy được Thuận Thiên thì Trần Liễu sinh năm 1211 hoàn toàn có thể kết hôn với Thuận Thiên sau đó Huệ Tông nhường ngôi cho Thuận Thiên và công chúa nhường lại ngôi cho Trần Liễu. Trần Cảnh sinh năm 1218 bằng tuổi với Chiêu Thánh và kém Thuận Thiên 2 tuổi]
2/ Đọc đến An Nam truyện trong Nguyên Sử do Mr Châu Hải Đường dịch, thấy có việc này cần đặt ra để bàn thêm.
Tháng 8/1284 [trang 64] em Nhật Huyên là Chiêu Đức vương Trần Xán gửi thư đến Kinh Hồ Chiêm Thành hành sảnh, tự nguyện nạp khoản quy hàng. Mr Hải Đường cho rằng "có lẽ Trần Xán ở đây chính là Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc" vì TB.BK [Đại Việt sử ký tiền biên - Bản kỷ] có chép Trần Ích Tắc từng gửi thư riêng nhờ bọn lái buôn ở Vân Đồn xin nhà Nguyên đem quân xuống nước Nam [Chú thích số 2 trang 64]
Tháng [3/1285] [trang 70] Em Nhật Huyên là Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc đem tôn tộc cùng vợ con, lai thuộc đến hàng.
Không khó để nhận ra có 2 tước hiệu cũng như tên khác nhau là: Chiêu Đức vương Trần Xán và Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc. Không rõ vì sao có sự khác nhau này ? Nhưng thực tế là trong An Nam chí lược của Lê Tắc vẫn thường có sự sai khác tương tự.
Nhưng An Nam chí lược không thấy chép đến sự kiện Trần Ích Tắc gửi thư riêng cho nhà Nguyên như Toàn thư mục năm 1285. Có khi nào Ngô sử gia nhầm lẫn không ? Nhưng Toàn thư mục năm 1289 có chép việc vua bắt được hòm biểu xin hàng của các vương hầu An Nam, để yên lòng những kẻ phản trắc sau khi quân Nguyên thất bại, vua đã cho đốt đi, như thế không loại trừ trường hợp Trần Xán và Trần Ích Tắc [và cả các vương hầu khác] đều gửi thư riêng cho người phương bắc.
Trong bản dịch của Mr Hải Đường thì Trần Xán chỉ xin "tự nguyện nạp khoản quy hàng" trong khi bản dịch của Toàn thư thì Trần Ích Tắc xin nhà Nguyên "đem quân xuống nước Nam". Hai sự việc không cùng tính chất. Thế nhưng 2 sự việc được chép ở 2 sách khác nhau, có khi nào Trần Xán [Trần Ích Tắc] chỉ gửi thư "xin nạp hàng" như các vương hầu khác [được chép trong Nguyên sử và cũng là chuyện thường nên An Nam chí lược không chép lại] nhưng khi Toàn thư được soạn thì biểu tấu của Trần Ích Tắc được gia thêm [do người đời] thành "xin quân".
Rốt lại Chiêu Đức vương Trần Xán và Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc là như thế nào ???

2. Toàn thư chép: Mậu dần (1278) tháng 3, vợ của Lê Phụ Trần là công chúa Chiêu Thánh mất, nàng lấy Bảo Văn hầu hơn 20 năm (1258-1278) sinh con trai là Thượng vị hầu Tông [上 位 侯 宗] và con gái là công chúa Ứng Thụy tên Khuê.
Toàn thư lại chép: Bính ngọ (1306) tháng 9, sai Hàn lâm học sĩ Lê Tông Nguyên [黎 宗 元] Trung thị đại phu Bùi Mộc Đạc sang nhà Nguyên đáp lễ.
Khi đọc cảm thấy có chút ngờ ngợ về nhân vật Lê Tông Nguyên này rồi. Nên tra thêm An Nam chí lược thì 
An Nam chí lược (sứ thần đời Trần) chép: Đại đức bính ngọ, khiển đại phu phí mộc đạc, lê nguyên tông [黎元宗] cống
Nguyên sử (bản kỳ) chép: Đại Đức năm thứ 10 tháng 10, an nam quốc khiển lê kháng tông [黎亢宗] lai cống phương vật
-----> chữ Nguyên với chữ Kháng chắc tự dạng gần giống nhau nên bị chép nhầm và rất có thể Toàn thư chép lộn, tiếc là Cương mục không chép đến để đối chiếu 
-----> năm 1258 bà Chiêu Thánh lấy Phụ Trần, cứ giả sinh con trai vào năm 1260, thì đến năm 1306 ngài Thượng vị hầu Tông khoảng 46 tuổi, nên nếu cho rằng vị thượng vị hầu kia là ngài Hàn lâm học sĩ cũng không phải là không thể ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét