1. Tống sử chép: “Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 5 [980] Đông năm ấy, Lê Hoàn
sai Nha hiệu Giang Cự Hoàng đem phương vật tới cống, vẫn lấy tên Đinh Toàn dâng
biểu (…) Hoàng thượng xét thấy chúng muốn trì hoãn vương sư, bèn bỏ đi không
phúc đáp. Vương sư tiến đánh, phá được hơn vạn quân chúng, chém hơn hai ngàn thủ
cấp. Mùa xuân năm thứ 6 [981] lại phá quân giặc ở cửa sông Bạch Đằng, chém hơn
ngàn thủ cấp (…) Năm thứ 6, Lê Hoàn ở Giao Châu tấu, muốn đem chín mươi ba người
tù binh Chiêm Thành sang dâng lên kinh sư” [Bản dịch của Châu Hải Đường]
Tống sử chép: “Năm thứ 5 [980] Tháng 11,
An Nam Tính hải quân tiết độ hành quân ti mã, quyền tri châu sự Đinh Tuyền dâng
biểu xin kế vị, không trả lời (…) Tháng 12, đánh giặc ở Giao Chỉ, đại thắng (…)
Năm thứ 6 [981] Tháng 3, phá giặc Giao Châu tại cửa sông Bạch Đằng, bắt hai
trăm chiến thuyền, tri Ung Châu là Hầu Nhân Bảo chết”.
--
Sau cái chết của Nam Việt vương, Đinh Tuyền kế tập, tuy nhiên Vệ vương còn nhỏ
nên quyền hành do Lê Hoàn nắm giữ. Nhà Tống biết tin, liền thông mưu với Chiêm
Thành có ý đánh Giao Chỉ. Vào tháng 11/980 Lê Hoàn có dâng biểu lên triều đình
nhưng không hề nhắc tới tù binh Chiêm Thành, trong khi Tống sử chép năm 981
Giao Chỉ có dâng tấu muốn đem 93 người tù binh Chiêm Thành dâng lên kinh sư.
Như thế rất có thể là người Chàm tiến quân vào năm 981, đã hẹn thời gian với
nhà Tống cùng tấn công Giao Chỉ, nhưng vì lý do nào đó mà không đến đúng hẹn,
nên chỉ có nhà Tống tiến đánh Giao Chỉ, chiến sự kéo dài từ tháng 12/980 đến
tháng 3/981.
Toàn thư chép: “Kỷ Mão [979] Phò mã Ngô Nhật
Khánh dẫn thuyền quân Chiêm Thành hơn nghìn chiếc vào cướp, muốn đánh thành Hoa
Lư, theo hai cửa biển Đại Ác và Tiểu Khang, qua một đêm, gặp gió bão nổi lên,
thuyền đều lật đắm, Nhật Khánh cùng bọn người Chiêm đều chết đuối, chỉ có thuyền
của vua Chiêm thoát trở về nước. Nhật Khánh là con cháu của Ngô Tiên chúa Quyền,
trước xưng là An Vương, cùng 12 sứ quân mỗi người chiếm giữ một vùng. Tiên
Hoàng dẹp yên, lấy mẹ Khánh làm hoàng hậu, lấy em gái Khánh làm vợ Nam Việt
Vương Liễn, còn lo sinh biến, lại đem công chúa gã cho Khánh, ý muốn dập hết
lòng oán vọng của hắn. Nhật Khánh bề ngoài cười nói như không, nhưng trong lòng
vẫn bất bình, bèn đem cả vợ chạy sang Chiêm Thành, đến cửa biển Nam Giới rút
đao ngắn xẻo má vợ kể tội rằng: “Cha mày lừa dối ức hiếp mẹ con ta, lẽ nào ta
vì mày mà quên tội ác của cha mày hay sao? Cho mày trở về, ta đi đằng khác tìm
kẻ có thể cứu ta”. Nói xong bèn đi. Đến đây nghe tin Tiên Hoàng băng, Khánh dẫn
người Chiêm vào cướp”.
Toàn thư chép: “Bính Dần [966] Nam Tấn
vương mất, các hùng trưởng đua nhau nổi dậy chiếm cứ quận ấp để tự giữ. Ngô
Xương Xí chiếm Binh Kiều; Kiểu Công Hãn (xưng là Kiểu Tam Chế) chiếm Phong Châu
(nay là huyện Bạch Hạc); Nguyễn Khoan (xưng là Nguyễn Thái Bình) chiếm Tam Đái;
Ngô Nhật Khánh (xưng là Ngô Lãm Công) chiếm Đường Lâm (có sách chép là chiếm
Giao Thủy); Đỗ Cảnh Thạc (xưng là Đỗ Cảnh Công) chiếm Đỗ Động Giang; Lý Khuê
(xưng là Lý Lãng Công) chiếm Siêu Loại; Nguyễn Thủ Tiệp (xưng là Nguyễn Lệnh
Công) chiếm Tiên Du; Lữ Đường (xưng là Lữ Tá Công) chiếm Tế Giang; Nguyễn Siêu
(xưng là Nguyễn Hữu Công) chiếm Tây Phù Liệt; Kiểu Thuận (xưng là Kiểu Lệnh
Công) chiếm Hồi Hồ (nay ở xã Trần Xá huyện Hoa Khê vẫn còn nền thành cũ); Phạm
Bạch Hổ (xưng là Phạm Phòng Át) chiếm Đằng Châu; Trần Lãm (xưng là Trần Minh
Công) chiếm Bố Hải Khẩu; gọi là 12 sứ quân”.
Việt sử lược chép: “Kiểu Tam Chế tên là
Công Hãn chiếm giữ Phong Châu. Nguyễn Thái Bình tên Khoan, một tên nữa là Ký,
chiếm giữ Nguyễn Gia. Trần Công Lãm tên là Nhật Khánh chiếm giữ Đường Lâm. Đỗ Cảnh
Công tên là Cảnh Thạc, chiếm giữ Đỗ Động. Nguyễn Du Dịch tên là Xương Xí chiếm
giữ Vương Cảo. Nguyễn Lãng Công tên Khuê chiến, giữ Siêu. Nguyễn Lịnh Công tên
là Thủ Tiệp chiếm giữ Tiên Du. Lữ Tả Công tên là Quánh chiếm giữ Tế Giang. Nguyễn
Hữu Công tên là Siêu, chiếm giữ Phù Liệt. Kiểu Lệnh Công tên là Thuận giữ Hồi Hồ.
Phạm Phòng Át tên là Bạch Hổ chiếm giữ Đằng Châu. Trần Minh Công tên Lãm chiếm
giữ Giang Bố Khẩu”.
Tống sử chép: “Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ
hai [977] Quốc vương Ba Mỹ Thuế Dương Bố Ấn Trà sai sứ là Lý Bài sang cống (…)
Năm Ung Hy thứ hai [985] Quốc vương Thi Lợi Đà Bàn Ngô Nhật Hoan sai Bà la môn
Kim Ca Ma dâng phương vật và tố Giao Chỉ xâm đoạt, chiếu đáp mệnh cho giữ nước
và hòa mục với lân bang”.
--
Có sự sai khác giữa Việt sử lược và Toàn thư trong họ tên 2 vị sứ quân là Xương
Xí và Nhật Khánh. Toàn thư chép 2 vị sứ quân cùng mang họ Ngô, hơn thế nữa
Xương Xí còn là con của Thiên Sách vương và Nhật Khánh là con cháu của Ngô Quyền.
Trong khi Việt sử lược chép Xương Xí họ Nguyễn, còn Nhật Khánh họ Trần. Ngoài
ra Toàn thư còn chép việc Nhật Khánh nhân Đinh Liễn bị chết mà dẫn người Chiêm
vào cướp trong khi Việt sử lược không chép.
--
Theo Toàn thư thì sau khi Nam Tấn vương chết, Giao Chỉ xảy ra loạn sứ quân,
Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên vào năm 967. So với các sứ quân khác thì Đại Thắng vương đối
với Nhật Khánh rất tốt, trước là lấy mẹ của Công Lãm, thứ đến cưới em gái của sứ
quân cho con trai, sau là gả con gái cho Khánh. Vậy mà Công Lãm vẫn cho là Bộ
Lĩnh ức hiếp mẹ con sứ quân nên đã tìm cách bỏ trốn ?
--
Tôi cho rằng Ngô sử gia trong khi soạn Toàn thư đã thu lượm thông tin từ dân
gian về Ngô Nhật Khánh. Vốn vị sứ quân giữ Đường Lâm là Trần Nhật Khánh, nhưng
vị sứ quân này bị dân gian hóa thành Ngô Nhật Khánh bởi tác động từ vị quốc
vương Chiêm Thành là Ngô Nhật Hoan. Vào năm 981 quốc vương Chiêm Thành là Ba Mỹ
Thuế Dương Bố Ấn Trà cùng bộ tướng là Thi Lợi Đà Bàn Ngô Nhật Hoan tấn công
Giao Chỉ, tuy nhiên đoàn thủy chiến của Chiêm Thành gặp bão nên bị lật chìm tại
cửa biển Đại Ác và Tiểu Khang, nhưng quốc vương Chiêm Thành và Ngô Nhật Hoan
thoát chết. Những thông tin về Ngô Nhật Hoan được dân gian lưu truyền, theo thời
gian những thông tin xâm nhập vào sứ quân Trần Nhật Khánh, cho đến khi Ngô sử
gia soạn Toàn thư thì Nhật Khánh đã trở thành người họ Ngô.
Sách Vương quốc Champa địa dư dân cư và lịch
sử của tác giả Pièrre-Bernard Lafont viết: “Các bia ký thường đề cập đến sự ra
đời của một triều đại mới của Champa đặt thủ đô tại Indrapura. Sáng lập viên của
vương triều Indrapura là vua Indravarman II (…) Vua Lê Đại Hành (…) cử một đoàn
binh sang đánh phá Champa, giết chết vua Paramesvaravarman I (…) Vị vua Champa
kế thừa tên là Indravarman IV vì không kháng cử nổi (…) phải bỏ chạy về miền
nam lánh nạn, trong lúc đó đối phương tha hồ đốt phá thủ đô Indrapura của
Champa”.
--
Sau khi nắm quyền, phá Tống, uy tín của Lê Hoàn trùm Giao Chỉ, các thế lực tại
địa phương phải quy thuận. Tháng 5/983, Giao Chỉ tấu người Chiêm đến cướp, Lê
Hoàn đánh tan được. Nhân sự kiện đó, năm 984 Đại Hành đem quân nam tiến, chém
quốc vương Chiêm Thành là Ba Mỹ Thuế, đốt phá kinh sư của Champa đặt tại
Indrapura [Bình Trị Thiên] Bộ tướng Ngô Nhật Hoan rút chạy về phía nam đèo Hải
Vân, được tôn làm quốc vương.
--
Khu vực Bình Trị Thiên gồm đa dân tộc, phía bắc có người Việt sinh sống, trước
khi rút quân, Lê Hoàn đã dựng chính quyền Lưu Kế Tông, bằng chứng là theo Tống
sử năm 986, Kế Tông có sai sứ sang phương bắc cống nhưng không đề cập gì tới việc
Giao Chỉ áp bức người Chiêm và liền 2 năm sau đó, những thủ lĩnh người Champa
liên tục xin tị nạn nhà Tống và tố cáo Giao Chỉ áp bức.
--
Theo Tống sử thì năm 985 Ngô Nhật Hoàn có sai sứ sang phương bắc cống sản vật,
đồng thời tố Giao Chỉ áp bức, tuy nhiên những năm 987, 988 nhiều người Chiêm xin
tị nạn nhưng lại không thấy quốc vương Champa sai sứ tố Giao Chỉ nên xung đột
giữa Lưu Kế Tông và Ngô Nhật Hoan kết thúc trước khi Kế Tông sai sứ sang Tống.
Tống sử chép: “Năm Thuần Hóa nguyên niên
[990] vua mới là Dương Đà Bài tự xưng là mới chiếm giữ nước Phật Thệ. Dương Đà
Bài sai sứ là Lý Trăn sang cống tê giác đã thuần và phương vật cùng dâng biểu tố
rằng bị Giao Châu đánh, nhân dân và của cải trong nước đều bị cướp đi. (Hoàng
thượng) ban chiếu cho Lê Hoàn, lệnh cho ai nấy cùng giữ yên bờ cõi”.
Toàn thư chép: “Kỷ Sửu [989] Phong (…)
hoàng tử thứ hai là Ngân Tích làm Đông Thành Vương (...) Dương Tiến Lộc lấy hai
châu Hoan, Ái làm phản. Vua thân đi đánh, Tiến Lộc bị giết. Bấy giờ vua sai
viên Quảng giáp là Tiến Lộc đi thu thuế hai châu Hoan và Ái, Tiến Lộc đem người
hai châu ấy xin theo về với Chiêm Thành. Chiêm Thành không nhận. Vua nghe tin,
đem các quân đến đánh Châu Hoan, Châu Ái, đuổi bắt được Tiến Lộc và giết người
hai châu ấy không biết bao nhiêu mà kể”.
--
Chính quyền Lưu Kế Tông quản giữ vùng Bình Trị Thiên, đến năm 989 Dương Tiến Lộc
đem người 2 châu Hoan Ái liên kết với thủ lĩnh của người Chiêm là Dương Đà Bài
tổ chức đảo chính, giành quyền kiểm soát. Lê Hoàn biết tin, đem quân tấn công
liên minh quân sự, chém Tiến Lộc, buộc Dương Đà Bài rút về phía nam và tại
thành Phật Thệ [Bình Định] người Chàm tôn Dương Đà Bài lên làm vua, Chiêm Thành
quốc vương liền sai sứ sang phương bắc cống phương vật, đồng thời tố bị Giao Chỉ
đánh. Vua Tống sai sứ sang Giao Chỉ phong chức cho Lê Hoàn nhằm mục đích vỗ về,
đồng thời lệch cho Việt Chiêm giữ yên bờ cõi không xâm phạm.
--
Khi sứ phương bắc trở về vào năm 991 có tấu việc Lê Hoàn nói năm gần đây giao
chiến với giặc nam, bị ngã ngựa gãy chân nên nhận chiếu không bái lạy. Tuy việc
gãy chân chỉ là cơ nhưng việc giao chiến với giặc man có thể là thật. Trên tảng
đá có khắc chữ tìm thấy ở Mỹ Sơn cho biết năm 991 nằm trong thời gian trị vì của
vua Vijaya-Srĩ Harivarmandeva. Thông tin này cho phép chúng ta suy đoán, thủ đô
của Champa được rời về thành Phật Thệ, người Chiêm kiểm soát tới châu Ô, trong
khi đó 3 châu phía bắc của vùng Bình Trị Thiên là Bố Chính, Mi Linh, Địa Lý do
Đại Việt kiểm soát, bằng chứng là năm 992 Toàn thư có chép 2 sự kiện gồm: một
là vào tháng 6 cho Chiêm Thành nhận lĩnh hơn 360 người ở thành cũ châu Địa Lý
đem về châu Ô Lý và hai là vào tháng 8 sai phụ quốc Ngô Tử An đem 3 vạn người
đi mở đường bộ từ cửa biển Nam Giới đến Châu Địa Lý.
--
Về cơ bản quan hệ Việt Chiêm đã ổn định vào năm 992, một sự kiện không thể khác
xảy ra một năm sau đó là vào năm 993 nhà Tống chính thức phong cho Lê Hoàn làm
Giao Chỉ quận vương, đây cũng là năm mà Lê Hoàn chính thức xưng là Đại Thánh
Minh hoàng đế tại phương nam. Quốc vương Chiêm Thành biết việc nên sai Chế Đông
sang dâng sản vật địa phương, có lẽ để chúc mừng Hoa Lư, Lê Hoàn cho rằng việc
đó trái lễ nên không nhận nên quốc vương Champa đã sai cháu là Chế Cai sang chầu
vào năm 994 như Toàn thư chép, từ đây mối quan hệ lệ thuộc, được xác lập như gợi
ý bởi lời sứ của Chiêm Thành là Bố Lộc Da Địa Gia tấu lên triều đình phương bắc
vào năm 1007 được Tống sử chép lại.
--
Tình hình Chiêm Thành khá ổn định như lời trong biểu tấu của quốc vương năm
995, cũng nhân lần sứ đó Dương Đà Bài muốn xin lưu dân Chàm tại Quảng Châu được
trở về. Trong khi tại Đại Việt, với việc lên ngôi hoàng đế và nhận được sự ôn
hòa từ phía phương bắc, Lê Hoàn tiến hành quản lý vùng lãnh thổ sát sao hơn
thông qua việc phong ấp cho các con, tất nhiên việc đó dẫn tới mẫu thuẫn giữa
chính quyền Hoa Lư với các vùng đất xung quanh do các hào trưởng nắm giữ, nên Đại
Thánh Minh hoàng đế đã phải mất rất nhiều năm để tiến hành các hoạt động quân sự
nhằm kiểm soát Đại Việt.
Tống sử chép: “Năm Cảnh Đức nguyên niên
[1004] (Hoàn) lại sai con trai là nhiếp Hoan Châu thứ sử Minh Đề sang cống, khẩn
cầu gia ân sai sứ đến bản đạo ủy lạo cõi xa xôi. Hoàng đế bằng lòng, vẫn lấy
Minh Đề làm thứ sử Hoan Châu”.
Toàn thư chép: “Giáp Thìn [1004] Sai Hành
Quân Vương Minh Đề, xưng là nhiếp Hoan Châu thứ sử, sang thăm nước Tống. Minh Đề
đến Biện Kinh khẩn cầu ân mệnh cho tuyên phủ đất xa”.
--
Vị hoàng tử phương nam sang phương bắc cống nạp là trường hợp rất hiếm, nên sự
kiện Minh Đề sang Tống năm 1004 mang tính chất đặc biệt. Minh Đề lấy danh nghĩa
là người tạm thay chức thứ sử Hoan Châu sang cống và được triều đình phong
chính thức cho làm thứ sử Hoan Châu. Như thú vị là hoàng tử khẩn xin triều đình
cho phép được phủ yên những vùng đất xa xôi. Với chức thứ sử Hoan Châu thì vùng
đất xa xôi có thể hiểu là nằm ở phía nam và tây. Nên trong lần đi sứ của Minh Đề,
ẩn mưu đồ của Giao Châu muốn được xin lệnh từ phương bắc, mà có thể diễn giải lệnh
đó thành, được phép can thiệp chính thức vào Chiêm Thành khi cần thiết.
--
Có lẽ sau những rắc rối xảy ra tại biên giới Việt Tống, Lê Hoàn cảm thấy khó mở
rộng ảnh hưởng về phía bắc nên đã tiến hành mở rộng về phía nam, mà cụ thể như
Toàn thư chép năm 1003 là vua đi Hoan Châu, vét kinh Đa Cái thẳng đến Tư Củng
trường ở Ám Châu. Công việc mở rộng ảnh hưởng về phía nam của Lê Đại Hành được
người con trai của ngài là Ngọa triều hoàng đế Lê Long Đĩnh kế tục mà Toàn thư
có chép tại mục năm 1009 là vua thân đi đánh các châu Hoan Đường, Thạch Hà. Đến
Hoàn Giang, sai phòng át sứ là Hồ Thủ Ích đem hơn 5 nghìn quân của châu Hoan Đường,
sửa chữa đường từ sông Châu Giáp đến cửa biển Nam Giới để quân đi cho tiện.
Thuyền rồng rời cửa Hoàn ra ngoài biển, chợt gió to sóng lớn, mây mưa tối sầm,
bèn sai quay thuyền trở lại. Sau đó sợ đường biển khó khăn nguy hiểm đi đường bộ
về kinh sư.
2. Sau khi Lê Ngọa Triều mất,
với sự ủng hộ của Chi hậu Đào Cam Mộc và Thiền sư Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn được
ngôi, thứ nhất để tránh sức ép từ gia tộc họ Lê tại Hoa Lư, thứ hai để nhận được
sự trợ giúp của gia tộc họ Lý tại Đại La, thứ ba với tầm nhìn rộng nên vào năm
1010 Lý Thái Tổ rời đô. Sự chuyển ngôi từ họ Lê sang họ Lý không khỏi khiến các
hào trưởng bất tuân, phía nam gồm 2 châu Hoan Ái, phía bắc gồm các tộc người
thiểu số. Ứng biến với tình hình, Công Uẩn sử dụng hôn nhân để liên kết với các
gia tộc, gồm phía đông với họ Quách, phía tây với họ Lê, phía bắc với họ Thân.
Toàn thư chép: “Tân Hợi [1011] Nước Chiêm
Thành dâng sư tử (…) Quý Mùi [1043] Vua hỏi tả hữu rằng: tiên đế mất đi, đến
nay đã 16 năm rồi, mà Chiêm Thành chưa từng sai một sứ giả nào sang là cớ gì”.
--
Như thế việc Chiêm Thành dâng sư tử năm 1011 chẳng qua là thăm dò tình hình Đại
Việt.
Toàn
thư chép: “Canh Tuất [1010] Đổi 10 đạo làm 24 lộ, châu Hoan châu Ái làm trại
(…) Tân Hợi [1011]
Vua thấy giặc Cử Long ở Ái Châu (…) Nhâm Tý [1012] Vua
thân đi đánh Diễn Châu (…) Canh Thân [1020] Mùa đông tháng 12, sai Khai Thiên
Vương cùng Đào Thạc Phụ đem quân đánh người Chiêm Thành ở trại Bố Chính,
thẳng đến núi Long Tị, chém tướng Bố Linh (布 令)
tại trận, người Chiêm chết đến quá nửa (...) Ất Sửu
[1025] Xuống chiếu lập trại Định Phiên ở địa giới phía nam châu
Hoan, cho quân giáp Lý Thai Giai làm chủ (…) Mậu Thìn [1028] (…) Năm thứ 11
[1020] cho làm Nguyên soái đi đánh Chiêm Thành ở trại Bố Chính. Đại quân vượt
biển đến núi Long Tị, có rồng vàng hiện ở thuyền ngự chỉ vua đỡ được, đến nơi
đánh tan địch bắt tướng đem về”.
Đại Nam nhất thống
chí chép: “Núi Long Tị ở cách huyện Minh Chính 5 dặm về phía tây, núi toàn đá,
giống hình mũi rồng nên gọi thế, phía nam kề sông Gianh, giữa sông có bãi cũng
gọi bãi rồng. Lý Thường Kiệt triều nhà Lý đi đánh Chiêm Thành, quân thẳng đến
núi Long Tị”.
Tống sử chép: “Năm
thứ tư [1007] Bố Lộc Da Địa Gia nói nước ấy trước vốn lệ thuộc Giao Châu, sau
chạy đến Phật Du, cách nơi cũ ở phía bắc 7 trăm dặm (…) Năm Thiên Hi thứ hai
[1018] Quốc vương Thi Hải Bài Ma Điệp sai sứ là La Bì Đế Gia (…) sang cống”.
-- Thời gian đầu
kiến quốc, Lý Công Uẩn thân đi đánh dẹp. Năm 1020 Lý Phật Mã được phong làm
Nguyên soái, dẫn thủy quân đánh người Chiêm tại trại Bố Chính.
-- Khi lên
ngôi năm 1010, Lý Thái Tổ đổi 10 đạo làm 24 lộ, hai châu Hoan Ái làm trại,
không thấy có sắc liên quan tới 3 châu Bố Chính, Địa Lý, Minh Linh như thế Đại
Việt đã mất kiểm soát đối với 3 châu này vào lúc chuyển gia quyền lực giữa họ
Lê sang họ Lý.
-- Kế hoạch
nam chinh của Đại Việt là dùng thuyền vượt biển, sau đó tiến dần vào sông
Gianh, rồi đổ bộ tấn công trại Bố Chính. Phía bắc thuộc châu Bố Chính có sông
Ròn cũng có thể làm điểm tập kết, nhưng Thăng Long chọn sông Gianh, có lẽ do trại
Bố Chính ở gần đó.
-- Sau trận
đánh, năm 1025 Thăng Long lập trại Định Phiên là nơi định cư cho những tù binh
người Chăm ở miền nam châu Hoan và cho quân giáp Lý Thai Giai làm chủ. Những
năm tháng này không thấy phản ứng của thành Phật Thệ nên rất có thể vào thời điểm
chuyển giao quyền lực từ Hoa Lư sang Thăng Long, các thế lực tại Bố Chính đã tự
giữ bất tuân, chứ không phải thành Phật Thệ đã kiểm soát lại được vùng đất cố
quốc này.
Toàn thư chép: “Bính Tý [1036] Mùa hạ tháng 4, đặt
hành dinh ở châu Hoan, nhân đó đổi tên châu ấy là Nghệ An (…) Đinh Sửu [1037]
Xuống chiếu cho châu Nghệ An dựng các kho ở trong châu như Tư Thành, Lợi Nhân,
Vĩnh Phong tất cả 50 sở (…) Kỷ Mão [1039] Mùa hạ tháng 4, con vua Chiêm Thành
là Địa Bà Lạt, Lạc Thuẫn, Sạ Đâu, La Kế, A Thát Lạt 5 người sang quy phục (...)
Canh Thìn [1040] Mùa thu tháng 8, người giữ trại Bố Chính của nước Chiêm Thành
là Bố Linh [布 令] Bố Kha, Lan Đà Tinh đem bộ thuộc
hơn trăm người sang quy phụ (...) Tân Tị [1041] Tháng 11, xuống chiếu cho Uy
Minh hầu Nhật Quang làm tri châu Nghệ An”.
Việt điện u linh chép: “Vương họ Lý tên Hoảng, con thứ
8 vua Lý Thái Tông, mẹ là Trinh Minh hoàng hậu họ Lê (…) Niên hiệu Kiền Phù Hữu
Đạo năm đầu [1039] phụng mệnh thu thuế châu Nghệ An”.
-- Theo như
Toàn thư mục năm 1020 Đại Việt chém tướng người Chiêm Thành là Bố Linh, nhưng
cũng Toàn thư mục năm 1040 chép người giữ trại Bố Chính là Bố Linh xin quy phụ.
Tham khảo ghi chép của Toàn thư mục năm 1028 thì rất có thể mục năm 1020 là
chép nhầm, trong lần nam chinh Khai Thiên vương bắt được Bố Linh nhưng sau thả.
-- Nhưng khi
đã lấy được Bố Chính thì vì sao Đại Việt không quản lý mà lại lập trại người
Phiên ở miền nam châu Hoan và thả Bố Linh ? Ấy là bởi, họ Lý mới dựng, các thế
lực chưa thuận, không muốn chia sức mà quản miền xa, vì thế mà tha cho Bố Linh,
cốt để kiến tạo một thế lực ngăn trở giữa Phật Thệ và Thăng Long, sâu hơn cũng
chính là muốn cắt nguồn trợ giúp các thế lực miền Hoan Diễn.
-- Nguyên văn
trong Toàn thư là “Chiêm Thành quốc thủ Bố Chính trại nhân” như thế về mặt danh
nghĩa Bố Chính trại thuộc nước Chiêm Thành. Champa là quốc gia liên bang gồm 5
vùng lãnh thổ là: Indrapura, Amaravati, Vijaya, Kauthara, Panduranga.
-- Sự kiện con
vua Chiêm Thành là Địa Bà Lạt năm 1039 sang quy phụ cho biết khoảng thời gian
này tại Chiêm Thành đã xảy ra sự tranh giành quyền lực, những nhóm người thất bại
lựa chọn lưu vong.
-- Vào năm
1037 Thăng Long cho dựng các kho ở Nghệ An, như thế Lý Thái Tông dường như đã
biết được tình hình loạn lạc tại Chiêm Thành nên muốn tận dụng cơ hội này. Một
đoạn chép trong Tống sử mục năm 1047 cũng cho thấy mưu đồ rất rõ ràng của Thăng
Long “Khi xưa Đức Chính phát binh lấy Chiêm Thành, triều đình nghi bên trong việc
ấy có mưu gian, bèn hỏi đường xá những chỗ trọng yếu cho quân canh giữ”.
(Trích từ sách Vương Quốc Champa của tác giả
Pièrre-Bernard Lafont)
Toàn thư chép: “Nhâm Ngọ [1042] Mùa hạ tháng 5,
xuống chiếu rằng các quan chức đô ai bỏ trốn thì phạt 100 trượng, thích vào mặt
50 chữ và xử tội đồ. Các quân sĩ trước bị tội đồ nếu trốn vào núi rừng đồng
nội cướp của người thì xử 100 trượng, thích vào mặt 30 chữ. Người con trấn trại
mà bỏ trốn cũng phải tội như thế (...) Tháng 9, phạt đánh 50 trượng những người
vắng mặt trong buổi hội thề (...) Quý Mùi [1043] Mùa thu tháng 8, xuống chiếu rằng
kẻ nào đem bán hoàng nam trong dân gian làm gia nô cho người ta, đã bán rồi thì
đánh 100 trượng, thích vào mặt 20 chữ, chưa bán mà đã làm việc cho người thì
cũng đáng trượng như thế, thích vào mặt 10 chữ; người nào biết chuyện mà cũng
mua thì xử giảm một bậc (...) Tháng 9, vua định sang năm sẽ đi đánh Chiêm
Thành, xuống chiếu sai đóng các chiến thuyền hiệu Long, Phượng, Ngư, Xà, Hổ,
Báo, Anh Vũ hơn vài trăm chiếc (…) Mùa đông tháng 10, xuống chiếu rằng quân sĩ
bỏ trốn quá 1 năm xử 100 trượng, thích vào mặt 50 chữ, chưa đến 1 năm thì xử
theo mức tội nhẹ, kẻ nào quay lại thì cho về chỗ cũ. Quân sĩ không theo xa giá
cũng xử trượng như thế và thích vào mặt 10 chữ (...) Tháng 12, xuống chiếu cho
quân sĩ sửa soạn giáp binh, hẹn đến mùa xuân, tháng 2 sang năm đi đánh Chiêm
Thành (…) Năm ấy lại đúc tiền Minh Đạo ban cho các quan văn võ”.
-- Trên là những
chỉnh đốn và động viên về mặt quân sự của Thăng Long để chuẩn bị cho cuộc nam
chinh.
Toàn thư chép: “Quý Mùi [1043] Mùa hạ tháng 4, giặc
gió sóng (nghĩa là nhân gió sóng mà đi cướp) Chiêm Thành cướp bóc dân ven biển.
Vua sai Đào Xử Trung đi đánh, dẹp yên được (…) Mùa thu tháng 8, vua hỏi tả hữu
rằng: "Tiên đế mất đi, đến nay đã 16 năm rồi, mà Chiêm Thành chưa từng sai
một sứ giả nào sang là cớ gì ? Uy đức của trẫm không đến họ chăng ? Hay là họ cậy
có núi sông hiểm trở chăng". Các quan đáp: "Bọn thần cho rằng đó là
vì đức của bệ hạ tuy có đến, nhưng uy thì chưa rộng. Sao thế ? Vì từ khi bệ hạ
lên ngôi đến giờ, họ trái mệnh không đến chầu, bệ hạ chỉ ban ơn để vỗ về, chưa
từng ra oai dùng võ để đánh phạt, đó không phải là cách làm cho người ta sợ
oai. Bọn thần e rằng các chư hầu khác họ trong nước đều như Chiêm Thành cả, há
chỉ riêng người Chiêm mà thôi đâu". Vua từ đấy quyết ý đánh Chiêm Thành”.
Tống sử chép: “Tháng 10 năm Thiên Thánh thứ tám [1030]
Chiêm Thành vương là Dương Bổ Cô Thi Bì Lan Đức Gia Bạt Ma Điệp sai sứ là Lý Bồ
Tát Ma Hà Đà Bà sang cống (…) Tháng 9 năm Khánh Lịch nguyên niên [1041] thương
nhân Quảng Đông là Thiệu Bảo thấy quân tặc Ngạc Lân hơn trăm người ở Chiêm
Thành, chuyển vận ty chọn hai viên sứ thần đem chiếu thư cùng tiền bạc khí vật
tặng cho Chiêm Thành, trả giá đem Lân đến cửa khuyết, còn bọn dư đảng thì sai
giết hết. Tháng 11 năm sau [1042] vua nước ấy là Hình Bốc Thi Li Trị Tinh Hà Phất
sai sứ sang dâng 3 con voi nhà” [Bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường]
Ghi chú số 2 viết: “Tục tư trị thông giám – quyển 42
chép: Ngạc Lân là quân sĩ ở Triết Đông, tháng 11 năm Khang Định nguyên niên
[1040] giết tuần kiểm sứ Trương Hoài Tín, tụ tập quân lính
cướp bóc vùng Hồ Nam, Phúc Kiến, Quảng Nam rồi trốn ra biển”.
-- Trên là lý
do chính thức được Thăng Long đưa ra cho cuộc nam phạt, song nếu cứ vào ân uy
thì vị tân quốc vương của Chiêm Thành chưa được tỏ cái ân của Thái Tông triều
Lý, nói đến cái ân của 16 năm phần nhiều vị quốc vương tiền nhiềm hưởng.
-- Sự kiện mùa
hạ năm 1043 Chiêm Thành cướp dân vùng biển Đại Việt cho thấy thành Phật Thệ đã
kiểm soát được vùng Bố Chính, do đó cho phép chúng ta đặt giả định: trước áp bức
từ Phật Thệ nên năm 1040 người tự giữ trại Bố Chính là Bố Linh phải lánh sang Đại
Việt.
Toàn thư chép: “Kỷ Mão [1039] Mùa thu tháng 8, sai Đại
liêu ban Sư Dụng Hòa và Thân vương ban Đỗ Hưng sang nước Tống tiếp tục việc
thông hiếu cũ (…) Nhâm Ngọ [1042] Sai Viên ngoại lang Đỗ Khánh và Lương Mậu Tài
đem voi thuần sang biếu nhà Tống để tiếp tục sự thông hiếu cũ”.
-- Thăng Long
cử sứ sang phương bắc vào năm 1042, Tống sử cho biết năm 1043 thì sứ vào triều,
có lẽ ngoài hoạt động mang tính ngoại giao thuần túy truyền thống, chuyến đi sứ
của Đỗ Khánh và Lương Mậu Tài còn mục thăm dò mức độ thu thập thông tin của Đại
Tống về tình hình phương nam.
Toàn thư chép: “Giáp Thân [1044] Mùa xuân tháng
giêng, phát khí giới trong kho ban cho các quân. Ngày quý mão vua thân đi đánh
Chiêm Thành, cho Khai Hoàng Vương làm Lưu thủ kinh sư (…) Ngày giáp thìn quân
đi từ kinh sư, ngày Ất Tị đến cửa biển Đại Ác, gặp lúc sóng gió yên lặng, đại
quân qua biển dễ dàng cho nên đổi tên Đại Ác làm Đại An. Đến núi Ma Cô có đám
mây tía bọc lấy mặt trời. Qua vụng Hà Não có đám mây che thuyền ngự, theo thuyền
mà đi hoặc ngừng. Ngày hôm ấy đến đóng doanh ở cửa biển Trụ Nha. Ngày hôm sau
đi, nhờ thuận gió trong một ngày qua hai bãi Đại Tiểu Trường Sa. Đến cửa biển
Tư Khách có con cá trắng nhảy vào thuyền. Vua nghe tin Chiêm Thành đem quân và
voi bày trận ở bờ nam sông Ngũ Bồ muốn chống cự quan quân. Vua truyền cho
quân bỏ thuyền lên bộ, đem quân sĩ lên bờ bắc, thấy quân Chiêm đã dàn ở bên
sông. Vua mới cắt đặt quân sĩ dựng cờ nổi trống, sang tắt ngang sông đánh. Binh
lính chưa chạm mà quân Chiêm đã tan vỡ, quan quân đuổi chém được 3 vạn thủ cấp.
Quách Gia Di chém được đầu vua Chiêm là Sạ Đẩu tại trận đem dâng. Đoạt được
hơn 30 voi thuần, bắt sống hơn 5 nghìn người, còn thì bị quan quân giết chết,
máu nhuộm gươm giá, xác chất đầy đồng (...) Mùa thu tháng 7, vua đem quân vào
thành Phật Thệ bắt vợ cả, vợ lẽ của Sạ Đẩu và các cung nữ giỏi hát múa
khúc điệu Tây Thiên. Sai sứ đi khắp các hương ấp phủ dụ dân chúng. Các quan
chúc mừng thắng lợi (...) Tháng 8, đem quân về. Đến hành dinh Nghệ An, gọi Uy
Minh hầu Nhật Quang đến úy lạo rồi trao cho tiết việt trấn thủ châu ấy, gia
phong tước vương (...) Tháng 9 ngày mồng 1, đến phủ Trường Yên, có rồng vàng hiện
ở thuyền ngự (…) vua từ Chiêm Thành về làm lễ cáo thắng trận ở miếu Thái Tổ,
xong về ngự ở điện Thiên An mở tiệc rượu làm lễ mừng (…) bầy tôi dâng tù binh
hơn 5 nghìn tên và các thứ vàng bạc châu báu”.
Sách Đất nước Việt Nam qua các đời của tác giả
Đào Duy Anh viết: “Nhất thống chí (Thừa Thiên) chép rằng cửa Tư Hiền ở phía
đông bắc huyện Phú Lộc, đời Lý tên là cửa Ô Long, đời Trần đổi làm Tư Dung, đời
Mạc đổi làm Tư Khách, đời Lê lại đổi làm Tư Dung, lại có tên là cửa Ông, lại một
tên nữa là cửa Biện. Về sông Ngũ Bồ thì Cương mục chú là không rõ ở đâu, nhưng
lấy địa thế mà xét, vua Chiêm từ Phật Thệ ra cự chiến, dàn binh ở phía nam một
con sông thì con sông ấy phải là một con sông lớn ở miền Quảng Nam, có thể là
sông Chợ Củi chảy ra cửa Đại Chiêm”.
-- Toàn
thư mục năm 1044 chép ngày giáp thìn của tháng giêng quân xuất phát từ kinh sư,
trong khi Việt sử lược mục năm 1044 chép ngày giáp thân của tháng 2 vua xuất
quân từ kinh sư. Dựa vào ngày ất tị, tác giả Trần Quốc Vượng trong bản dịch cho
rằng Việt sử lược chép ngày giáp thân là nhầm. Toàn thư mục năm 1043 chép rằng:
tháng 12 xuống chiếu cho quân sĩ sửa soạn giáp binh, hẹn đến mùa xuân tháng 2
sang năm đi đánh Chiêm Thành do đó cho phép xác định Việt sử lược chép đúng
tháng xuất quân.
-- Theo
tác giả Hoàng Xuân Hãn trong sách Lý Thường Kiệt. Lịch sử ngoại giao, tông giáo
triều Lý thì đi: từ Thăng Long đến cửa Đại An ở Nam Định mất 1 ngày, từ cửa Đại
Ác đến cửa Hội ở Nghệ An mất 3 ngày, từ cửa Hội đến cửa Sót ở Hà Tĩnh mất 1
ngày, từ cửa Sót đến cửa Nhật Lệ ở Quảng Bình mất 3 ngày, từ cửa Nhật Lệ tới cửa
Tư Dung ở Huế mất 3 ngày, từ cửa Tư Dung đến Thị Nại ở Bình Định mất 7 ngày.
-- Theo
chú thích trong Toàn thư thì bãi cát từ cửa Nhật Lệ đến Cửa Tùng là Đại Trường
Sa; bãi cát từ Cửa Việt đến cửa Tư Hiền là Tiểu Trường Sa, như thế nhờ thuận
gió mà thời gian đi từ cửa Nhật Lệ đến cửa Tư Dung rút từ 3 ngày xuống còn 1
ngày.
-- Quân Đại Việt
khi vượt qua cửa Tư Khách thì đến sông Ngũ Bồ, mà theo hướng bắc xuôi nam thì lần
lượt là sông Hương, cửa biển Tư Hiền, đèo Hải Vân, sông Thu Bồn. Nếu sông Ngũ Bồ
là sông Hương thì rất khó hiểu khi thuyền vua đi tới cửa Tư Hiền rồi, lại vòng
trở ra sông Hương. Sẽ rất hợp lý khi sông Ngũ Bồ là sông Thu Bồn.
-- Tóm lại thời
gian kể từ khi đại quân xuất phát từ Thăng Long cho đến khi dàn trận tại bờ bắc
sông Ngũ Bồ khoảng 10 ngày. Nhưng đến tháng 7 quân Đại Việt mới vào thành Phật
Thệ trong khi thời gian đi từ cửa Đại Chiêm đến cửa Thị Nại khoảng 7 ngày. Như
thế quân phương bắc lưu tại Quảng Nam khoảng 100 ngày, nên Toàn thư chép rằng “binh
lính chưa chạm mà quân Chiêm đã tan vỡ” cũng rất đáng ngờ. Việt điện u linh bản
dịch của tác giả Lê Hữu Mục cho biết “Sạ Đẩu bày tượng trận ở sông Bố Chính, dần
dần bị vương sư đánh phá, Sạ Đẩu tử trận”.
-- Các sách Việt
sử lược, Toàn thư, Tiền Biên, Cương Mục chép rằng: Quách Gia Di chém đầu chúa Sạ
Đẩu đem dâng, chỉ riêng Việt sử tiêu án chép rõ hơn rằng: Quách Gia Di chém
chúa nó là Sạ Đẩu đem dâng. Vậy Quách Gia Di là tướng của Chiêm Thành hay tướng
của Đại Việt ?
-- Thời Thái
Tông và Thánh Tông có 2 vị thái úy họ Quách tên Thạch Ích (1048) và Kinh Nhật
(1054) nên có thể Việt sử tiêu án nhầm chăng ?
-- Trên chúng
ta đặt nghi ngờ rằng: có thể quân phương bắc bị sa lầy tại sông Ngũ Bồ, thế nên
đoạn “vua mới cắt đặt quân sĩ dựng cờ nổi trống, sang tắt ngang sông đánh” được
chép trong Toàn thư là mô tả về trận đánh kết thúc. Nhưng với việc cầm cự quân
Đại Việt đến khoảng 100 ngày thì không thể nào quân Chiêm Thành “chưa chạm đã
tan vỡ”. Lại thêm, Toàn thư cho biết “Gia Di chém Sạ Đẩu tại trận” như thế rõ
ràng đã diễn ra một trận đánh. Cuối cùng là Việt sử lược cho biết “quân Chiêm
tan vỡ, vua đuổi theo, chém 3 vạn đầu” như thế Lý Thái Tông có tham gia trận
đánh cuối cùng trước khi quân Chiêm Thành tan vỡ.
-- Giả thuyết: Sau khi bỏ thuyền lên bộ, dàn quân ở
phía bắc sông Ngũ Bồ, chiến sự ở thế giằng co, kéo dài tới khoảng trăm ngày,
quân phương bắc đã tiếp cận một vị tướng của chúa Chiêm Thành là Quách Gia Di,
theo kế hoạch quân phương bắc dựng cờ nổi trống, vượt thẳng sông sang đánh, đồng
thời được Gia Di làm nội ứng, chém chúa Chiêm Thành là Sạ Đẩu khi đang dàn trận
nghênh chiến, sự việc bất ngờ khiến quân Chiêm Thành rúng động, mất tinh thần
chiến đấu nên chỉ biết bỏ chạy, nhân lợi thế vua Lý dẫn quân truy sát.
(Người viết xin được cảm
ơn tác giả Nguyễn Quang Toản đã giúp đỡ tài liệu)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét