Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2018

VỆ VƯƠNG ĐINH TOÀN

Toàn thư chép: Hoàng thứ tử Đinh Toàn sinh năm 974, đến năm 978 được phong làm Vệ Vương, Hạng Lang được phong làm Hoàng thái tử.
* Theo ngài Tạ Chí Đại Trường thì Vệ Vương là chức vương phù trợ và vì Toàn được phong Vệ Vương đồng thời với Hạng Lang, nên ngài Tạ Chí Đại Trường cho rằng Hạng Lang và Toàn là anh em cùng mẹ.
Toàn thư chép: Mùa đông năm 979 Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn bị Đỗ Thích giết hại, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn và bọn Đinh Điền, Nguyễn Bặc rước Vệ Vương lên ngôi hoàng đế. Mùa thu năm 980 quần thần mời Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế, giáng Đinh Toàn làm Vệ Vương. Năm 1001 Lê Hoàn đánh giặc ở Cự Long [Thanh Hóa] Vệ Vương trúng tên, chết trận. Lê Đại Hành khêu trời 3 tiếng.
Việt sử lược chép sai khác vài sự kiện. Thứ nhất Đinh Toàn được phong Vệ Vương vào năm 972. Thứ hai Vệ Vương là con thứ, Hạng Lang là con út.
Theo cột đá do Đinh Liễn khắc tại Ninh Bình thì năm 973 Hạng Lang đã tranh ngôi với Nam Việt Vương, vậy Đinh Đính phải trưởng thành rồi. Lại theo Tống sử thì Toàn còn nhỏ tuổi --> vậy Toàn là con bà trưởng, còn Hạng Lang là con bà thứ, nên Vệ vương là chức vương phù trợ cho Đinh Liễn chứ không phải cho Hạng Lang. Toàn thư cho biết năm 972 Bộ Lĩnh sai Liễn đi sứ phương bắc, phải chăng đề phòng biến loạn khi Liễn vắng mặt tại Giao Châu nên Tiên Hoàng phong cho em trai của Liễn làm Vệ Vương ?
Toàn là em trai của Liễn mà năm 968 Liễn đã cùng cha đánh trận rồi, vậy Liễn lúc đó cùng phải 20 tuổi, lúc sinh Liễn bà Dương thị cũng phải khoảng 15 tuổi, nên đến khi Bộ Lĩnh chết Đại Thắng Minh hoàng hậu khoảng 20 + 15 + 10 = 45 tuổi --> chắc sử gia nhầm giữa 2 bà họ Dương là Đại Thắng Minh hoàng hậu (vợ của Bộ Lĩnh) với Đại Thánh Minh hoàng hậu (vợ của Lê Hoàn). Mà không chỉ có Bộ Lĩnh và Lê Hoàn lấy vợ họ Dương, trước sau có Ngô Quyền và Lý Công Uẩn cũng lấy người họ Dương.
Năm 993 Lê Hoàn được phong Giao Chỉ quận vương, cùng năm ngài lên ngôi hoàng đế, lúc này Đinh Toàn khoảng hơn 20 tuổi. Xem Toàn thư và Việt sử lược sẽ nhận ra 3 khoảng thời gian liên quan tới việc xưng đế của Lê Hoàn và cái chết của Đinh Toàn.
Khoảng 980-995 Đại Việt yên ổn. Khoảng 995-1001 các thủ lĩnh ở khắp nơi nổi lên chống Hoa Lư. Khoảng 1001-1005 Đại Việt lại yên. Chi tiết: năm 996 đánh bốn động Đại, Phát, Đan, Ba ở Ma Hoàng. năm 997 đánh giặc ở Đỗ Động Giang. năm 999 đánh Hà Động. năm 1000 đánh giặc ở châu Phong là bọn Trịnh Hàng, Trường Lệ, Đan Trường Ôn. năm 1001 đánh giặc Cử Long.
Tống sử chép: năm 995 Trương Quán tấu lên triều đình là nghe phong thanh rằng Lê Hoàn bị họ Đinh đuổi đi, Tống Thái Tông lệnh dò xét, thì bọn Trần Sĩ Long cũng nói như Trương Quán. Sau khi Đinh Toàn chết trận năm 1001, sử sách không ghi chép một cuộc chống Hoa Lư nào nữa
-----> Nên đặt giả thuyết rằng: sau khi cha và anh bị chết, Đinh Toàn được Lê Hoàn và Nguyễn Bặc rước lên làm vua, Lê Hoàn làm phó vương, đến năm 993 Hoàn có đủ điều kiện để làm hoàng đế nên đã phế Đinh Toàn làm Vệ Vương. Theo lẽ tự nhiên Đinh Toàn chống lại và kêu gọi sự ủng hộ của các thủ lĩnh địa phương, chiến sự kéo dài từ năm 995 đến 1001, năm Toàn chết.
P/S: Toàn chạy về Cự Long (Thanh Hóa) có lẽ đó là quê bà Dương thái hậu chăng ? Liệu bà Dương hậu này có mối quan hệ nào với Dương Đình Nghệ không ? Kiểu như Ngô Quyền ấy ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét