Thứ Hai, 10 tháng 12, 2018

VIỆT CHIÊM TRƯỜNG TRẬN TÂN BIÊN (PHẦN 3)



1. Toàn thư chép: “Mậu Thìn [1028] Trong khoảng niên hiệu Thiên Cảm Thánh Vũ [1044 -1048] [Lê Phụng Hiểu] theo Thái Tông đi đánh ở miền nam, làm tiên phong, phá tan quân giặc, danh tiếng rung động nước Phiên (…) Quý Mùi [1043] Mùa hạ tháng 4, giặc gió sóng (nghĩa là nhân gió sóng mà đi cướp) Chiêm Thành cướp bóc dân ven biển. Vua sai Đào Xử Trung đi đánh, dẹp yên được (…) Giáp Thân [1044] Mùa xuân tháng giêng, phát khí giới trong kho ban cho các quân. Ngày Quý Mão, vua thân đi đánh Chiêm Thành, cho Khai Hoàng Vương làm Lưu thủ Kinh sư. Ngày Giáp Thìn, quân đi từ Kinh sư, ngày Ất Tị đến cửa biển Đại Ác. Đến núi Ma Cô, có đám mây tía bọc lấy mặt trời. Qua vụng Hà Não, có đám mây che thuyền ngự, thoe thuyền mà đi hoặc ngừng. Ngày hôm ấy đến đóng doanh ở cửa biển Trụ Nha (có bản chép Trụ Thân). Ngày hôm sau đi, nhờ thuận gió, trong một ngày qua hai bãi Đại Tiểu Trường Sa. Đến cửa biển Tư Khách, có con cá trắng nhảy vào thuyền. Vua nghe tin Chiêm Thành đem quân và voi bày trận ở bờ nam sông Ngũ Bồ muốn chống cự quan quân. Vua truyền cho quân bỏ thuyền lên bộ, đem quân sĩ lên bờ bắc, thấy quân Chiêm đã dàn ở bên sông. Vua mới cắt đặt quân sĩ dựng cờ nổi trống, sang tắt ngang sông đánh. Binh lính chưa chạm mà quân Chiêm đã tan vỡ, quan quân đuổi chém được 3 vạn thủ cấp. Quách Gia Di chém được đầu vua Chiêm là Sạ Đẩu tại trận đem dâng. Đoạt được hơn 30 voi thuần, bắt sống hơn 5 nghìn người, còn thì bị quan quân giết chết, máu nhuộm gươm giá, xác chất đầy đồng (...) Mùa thu tháng 7, vua đem quân vào thành Phật Thệ bắt vợ cả, vợ lẽ của Sạ Đẩu và các cung nữ giỏi hát múa khúc điệu Tây Thiên. Sai sứ đi khắp các hương ấp phủ dụ dân chúng. Các quan chúc mừng thắng lợi (...) Tháng 8, đem quân về. Tháng 9 ngày mồng 1, đến phủ Trường Yên, có rồng vàng hiện ở thuyền ngự (...) Vua từ Chiêm Thành về, làm lễ cáo thắng trận ở miếu Thái Tổ, xong về ngự ở điện Thiên An, mở tiệc rượu làm lễ mừng về đến nơi. Ngày hôm ấy, bầy tôi dâng tù binh hơn 5 nghìn tên và các thứ vàng bạc châu báu. Xuống chiếu cho các tù binh đều được nhận người cùng bộ tộc, cho ở từ trấn Vĩnh Khang đến Đăng Châu (nay là Quy Hóa) đặt hương ấp phỏng tên gọi cũ của Chiêm Thành (...) Mùa đông tháng 11, ban thưởng cho những người có công đi đánh Chiêm Thành có công từ lục phẩm trở lên, thưởng áo bào gấm, từ thất phẩm trở xuống thưởng áo là”.
An Nam chí lược chép: “Lê Hiểu người làng Băng Sơn châu Ái, lúc tuổi trẻ rất hùng mạnh (…) Vua Lý nghe tiếng, dùng Hiểu làm tướng, lúc ấy có tàu lớn ngoại quốc đến cửa biển, có ý muốn xâm lăng, Hiểu tâu vua xin làm một trăm chiếc thuyền chở cây lớn nhọn đầu. Quân giặc tiến, Hiểu lao cây đánh chìm, quân giặc đều bị chết đắm, vua khen ngợi thưởng công”.
-- Sự kiện tướng quân Lê Phụng Hiểu được Toàn thư chép mục năm 1028 là lấy từ truyện Lê Phụng Hiểu trong sách Việt điện u linh, tuy nhiên ghi chép của Toàn thư sai khác với ghi chép của An Nam chí lược, theo Lê Tắc thì chiến thuyền của ngoại quốc tiến đánh Đại Việt, Phụng Hiểu đem trăm thuyền đánh thắng, nhân đó được ban thưởng. Sự sai lệch giữa Toàn thư và An Nam chí lược được Nam Ông mộng lục giải thích thông qua việc Lê Phụng Hiểu tham gia 2 trận đánh lớn cách nhau hơn 10 năm. Hồ Nguyên Trừng cho biết trận đầu của Hiểu giống ghi chép của An Nam chí lược, trận sau Hiểu được làm tiên phong, ban Uy Viễn tướng quân (vị thống lĩnh có uy tại vùng xa xôi - có lẽ hàm chỉ vùng đất phía nam). Lại thêm, truyện Lê Phụng Hiểu trong Việt điện u linh được Lý Tế Xuyên lấy từ sách Việt sử bổ di, do đó thông tin về Uy Viễn tướng quân được chép trong Toàn thư là có thể tin được.
-- Theo ghi chép của Toàn thư và Việt sử lược năm 1028 Đào Xử Trung được thăng làm Thái bảo, đến năm 1043 người Chiêm vào cướp vùng châu Hoan, Lý Thái Tông cử Trung đem quân vào nam đánh và thắng được [Thái bảo Đào Xử Trung có lẽ cùng gia tộc với Thái bảo Đào Thạc Phụ (1012) và Thái sư á vương Đào Cam Mộc (1015). Theo Toàn thư người cùng Thái Tông đánh trại Bố Chính năm 1020 là Đào Thạc Phụ] Thăng Long có ý định đánh Chiêm Thành nên đoàn quân do thái bảo nam tiến vào mùa hạ năm 1043 sẽ không trở ra bắc sau khi đánh dẹp giặc sóng gió, mà lưu tại Hoan châu, chờ hợp binh với đại quân do Phật Mã thống lĩnh vào mùa xuân năm 1044.
-- Qua lại giữa Hoan châu và Thăng Long cũng khoảng 30 ngày, nếu người Chiêm chỉ nhân sóng gió mà cướp vùng biển thì hẳn Thái Tông không phải điều quân từ Thăng Long vào, do đó tình hình biên giới Việt Chiêm khá nghiêm trọng, chứ không đơn cử là cuộc cướp bóc chớp nhoáng.
-- Trong hành trình của đại quân, Thái Tông có nghỉ lại cửa biển Trụ Nha [Người viết hiện không xác định được địa danh này. Đại Nam nhất thống chí có nêu 2 địa danh gồm núi Nhự Nha ở Quảng Bình và xã Trảo Nha ở Hà Tĩnh] sau khi đi qua núi Ma Cô [Cương mục cho biết núi này thuộc vùng biển Kỳ Anh] và vụng Hà Não [Tác giả Đào Duy Anh cho rằng có thể là vụng Chùa] Như vậy đại quân do Thái Tông thống lĩnh nghỉ tại cửa biển vùng biên giới Việt Chiêm, có lẽ để đợi cánh quân của Đào Xử Trung, cũng như nhận lương thực từ các kho tại Nghệ An được dựng vào năm 1037.
-- Chúng ta không có nhiều thông tin về đoàn quân, so sánh với chiến dịch năm 1069 thì thấy thời gian của chiến dịch năm 1044 nhiều hơn khoảng 60 ngày. Việc bị người Chiêm cầm cự khoảng 100 ngày tại sông Ngũ Bồ cũng buộc chúng ta phải đặt câu hỏi về tình hình lương thảo. Liệu rằng có sự tiếp tế lương thực từ Nghệ An trong thời gian diễn ra chiến dịch không hoặc có xảy ra tình trạng cướp bóc của quân Đại Việt đối với dân Chiêm Thành thuộc vùng chiếm đóng ?
Ghi chú số 99 trong bản dịch Việt sử lược của tác giả Trần Quốc Vượng viết: “Toàn thư chép là Khuếch Gia Di. Cương mục chép là Quách Gia Di”.
-- Người viết chưa được thấy nguyên bản cuốn Đại Việt sử ký toàn thư nên không rõ sách ấy chép là Khuếch hay Quách. Nhưng với uy tín của tác giả Trần Quốc Vượng thì có lẽ Toàn thư chép là Khuếch sẽ không sai. Nếu là Khuếch thì rõ ràng đó là thông tin khá thú vị, nó cho phép phỏng đoán rằng các sử gia đã chép họ tên của người chém đầu chúa Sạ Đẩu thông qua âm. Nói cách khác, tướng chém chúa Sạ Đẩu là người Chiêm Thành, các binh lính của Thái Tông nghe (theo âm của người Việt) thành Khuếch Gia Di. Lại thêm, nếu vị tướng chém đầu chúa Chiêm họ Quách, thì vào tháng 11 năm 1044 hẳn vị tướng sẽ được trọng thưởng, nhưng sách sử cho biết năm 1048 người giữ chức Thái úy họ Quách tên Thịnh Dật (là người cùng với Lê Phụng Hiểu giúp Thái Tông kế ngôi) không phải Gia Ý.
-- Theo như mô tả của Toàn thư, sau khi người Chiêm tan vỡ, quân Thăng Long truy sát chém 3 vạn thủ cấp, bắt sống hơn 5 ngàn người, khi vào tới thành Phật Thệ bắt thêm các bà vợ và cung nữ của chúa Sạ Đẩu. Đến khi mở tiệc tại Thăng Long thì “bầy tôi dâng tù binh hơn 5 ngàn tên” rồi sau đó “cho các tù binh đều được nhận người cùng bộ tộc” và “đặt hương ấp phỏng tên gọi cũ”. Những thông tin trên cho phép chúng ta phỏng đoán: có khoảng 3 vạn lính Chiêm Thành bị chém cùng với rất nhiều dân thường, qua việc định cư hương ấp cho thấy trong 5 ngàn người bị bắt có cả phụ nữ trẻ em, chứ không phải chỉ quân lính. Đại quân phương bắc do Thái Tông thống lĩnh, gồm nhiều cánh quân nhỏ do các tướng chỉ huy, mỗi cánh quân tuân thủ nghiêm ngặt pháp lệnh của thống lĩnh, nhưng cũng được phép hành xử riêng như cướp bóc, bắt tù binh (để làm tài sản riêng). Khi tiến vào thành Phật Thệ, Phật Mã bắt giữ những người phụ nữ của Sạ Đẩu như thế hơn 5 ngàn tù binh do bầy tôi dâng lên cũng chính là hơn 5 ngàn tù binh bắt được tại trận Ngũ Bồ, do đó củng cố thêm cho giả thuyết: trận Ngũ Bồ là trận kết thúc chiến dịch chứ không phải cả chiến dịch chỉ diễn ra một trận Ngũ Bồ.
2. Sách Le Royaume De Champa của M. Georges Maspero viết: “Ngài là một vị chúa tể, có tổ tiên chỉ là các chiến binh, Icvaras, người hầu cận của các vị chúa tể trước đó, ngài đã nắm được quyền lực và tự lên ngôi với cái tên Jaya Paramesvaravarman”.
Ghi chú 1 viết: “Vua Rudravarman, người thuộc gia đình quý tộc của Icvaras của Sri Paramesvara”.
Sách Ancient Indian Colonies In The Far East của Ramesh Chandra Majumdar viết: “Vua Rudravarman, thuộc gia đình quý tộc và thế lực của Sri Paramesvara và là em trai của Sri Bhadravarman” [Số thứ tự 60. Chữ khắc tại ngôi đền Po-Nagar về Rudravarman]
Sách Vương quốc Champa của Pièrre-Bernard Lafont viết: “Một vị quốc vương mới của Champa mà người ta không biết rõ nguồn gốc, đã lên ngôi tại Vijaya vào năm 1044, vị vua đầu tiên của triều đại này là Jaya Paramesvaravarman I. Ngay từ lúc nhận vương phong là Rajadiraja (vua của các vua) Jaya Paramesvaravarman I phải đương đầu với sự chống đối của Panduranga, không công nhận ông ta là thủ lĩnh của liên bang Champa, vì tiều quốc này đã chọn một hoàng tử có xuất thân từ miền nam lên làm vua vương quốc. Vị hoàng tử nối ngôi [Yuvaraja - con của người em gái tuyệt với của vua Jaya Paramesvaravarman I] nhận lệnh đem quân sang miền nam dẹp loạn vào năm 1050 [đồng thời cho cư dân của Panrang là những kẻ hư hỏng, hung dữ, ngu dốt luôn nổi loạn chống lại các nhà vua] Vị vua nối ngôi kế tiếp là Bhadravarman III mà người ta không biết nhiều về tiểu sử của ông ta (…) Tiếp theo là người em trai của Bhadravarman III lên ngôi vào năm 1061 tại Vijaya lấy vương hiệu là Rudravarman”.
-- Cứ theo như thông tin được khắc trên đền Po-Nagar thì xác định được vua Rudravarman thuộc gia đình của vua Paramesvaraman, nhưng nguồn gốc xa hơn thì không được biết rõ.
Tống sử chép: “Tháng giêng năm Hoàng Hữu thứ hai (1050) lại sai Câu Xá Lị Ba Vi Thu La Bà Ma Đề Dương Bốc sang cống ngà voi hai trăm lẻ một cây, sừng tê bảy mươi chín cây”.
Tống hội yếu tập cảo chép: “Tháng giêng năm Hoàng Hữu thứ hai (1050) Quốc chủ Câu Xá Lị Ba Vi Thu La Bà Ma Đề Dương Bốc cống ngà voi hai trăm lẻ một cây, sừng tê giác bảy mươi chín cây”.
-- Xem Tống sử thấy rằng mỗi khi Chiêm Thành có quốc vương mới, thì sử quan phương bắc sẽ chép lại rất rõ tên xưng của vị quốc vương đó trong lần sứ sang đầu tiên. Sau sự kiện Lý Thái Tông đánh Chiêm Thành chém chúa Sạ Đẩu năm 1044 thì lần sứ của Chiêm Thành sang Tống năm 1050 là lần đầu của triều đại mới, do đó có thể xác định Tống hội yếu đã ghi chép chính xác, Câu Xá Lị Ba Vi Thu La Bà Ma Đề Dương Bốc là Quốc vương của Chiêm Thành và rất có thể tên Phạn là Jaya Paramesvaravarman.
Việt sử lược chép: “Giáp Thân [1044] Tháng chạp đặt trạm Hoài Viễn ở Gia Lâm để cho các khách sứ bốn phương tới ngụ (…) Bính Tuất [1046] Mùa hạ tháng năm, dựng cung Ngân Hán ở vườn hậu uyển cho cung nhân Chiêm Thành ở (…) Đinh Hợi [1047] Đặt trấn Vọng Quốc và bảy trạm Quy Đức, Bảo Khang, Tuyên Hóa, Thanh Bình, Vĩnh Thông, Cảm Hóa, An Dân mỗi nơi đều dựng mốc tiêu đề để làm nơi trú ngụ cho man di. Chiêm Thành tới cống, vua xuống chiếu đày sứ giả của nó lên châu Chân Đăng, lấy cớ vua nó là Ung Ni [雍尼] vô lễ [bất cung - không tôn trọng] Ất Mùi [1055] Chiêm Thành tới cống (…) Đinh Dậu [1057] Chiêm Thành tới cống (…) Kỷ Hợi [1059] Chiêm Thành tới cống (…) Canh Tí [1060] Vua thân phiên dịch nhạc khúc và tiết âm cổ của Chiêm Thành, sai nhạc công ca hát. Chiêm Thành tới cống (…) Quý Mão [1063] Chiêm Thành tới cống (…) Ất Tị [1065] Chiêm Thành tới cống một con tê trắng”.
Ghi chú 106 viết: “Theo Cương mục bảy trạm đều ở Thái Nguyên”.
Toàn thư chép: “Giáp Thân [1044] Xuống chiếu cho các tù binh đều được nhận người cùng bộ tộc, cho ở từ trấn Vĩnh Khang [Cương mục chua là thuộc Nghệ An] đến Đăng Châu [Cương mục chua là thuộc Hưng Hóa] đặt hương ấp phỏng tên gọi cũ của Chiêm Thành (…) Canh Dần [1050] Mùa xuân tháng 3, Chiêm Thành dâng voi trắng (…) Mậu Thân [1068] Chiêm thành dâng voi trắng, sau lại quấy nhiễu biên giới”.
-- Việc lập ra trấn Vọng Quốc được chép cùng với việc đặt ra 7 trạm dành cho người man di cho phép chúng ta xác định, trước hết trấn Vọng Quốc được lập có mục đích giống như lập 7 trạm và sau cùng rất có thể trấn Vọng Quốc ở gần với 7 trạm. Qua tên trấn là Vọng Quốc thì rất có thể trấn này được dựng lên cho người man di Chiêm Thành, như thế rất có thể trấn này nằm ở gần Đăng Châu.
Sách Lý Thường Kiệt. Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều lý của tác giả Hoàng Xuân Hãn viết: “Sau khi cống vua ta một con tê trắng vào năm 1065 (VSL) Chiêm-thành không sai sứ sang ta nữa. Thật ra, sách Toàn thư có chép rằng "năm 1068, Chiêm-thành hiến voi trắng, nhưng sau lại nhiễu biên giới". Nhưng chắc TT lầm, vì một lẽ việc ấy không thấy chép ở VSL là sách chép rất đầy đủ về các việc Chiêm-thành cống vua ta và lẽ nữa là còn có nhiều chứng cớ khác tỏ rằng từ năm 1065, Chiêm-thành tuyệt giao với ta (…) Chứng đầu là lời bia LX nói rõ rằng: "kịp đến khi nước Phật-thệ (tức là Chiêm-thành) hỗn phép không tới chầu, quân nhà vua rầm rộ kéo sang đánh". Chứng thứ hai là sau khi khải hoàn, vua Lý dâng biểu sang vua Tống nói rằng: "Chiêm-thành đã lâu không tới cống, tôi tự đem quân sang đánh, bắt được chúa nó về" (TS 488). Hai tài liệu xưa ấy chứng rằng trong bốn năm (1065-1069) Chiêm-thành không tới cống vua Lý và ta vin vào cớ này để đánh nước ấy”.
Ghi chú 2 viết: “Toàn thư chép: năm ấy (1068) châu Chân-đằng hiến hai voi trắng; cho nên vua đổi niên hiệu ra Thiên-huống-báu-tượng, nghĩa là trời cho voi quí. TT lại chép thêm: "Chiêm-thành hiến voi trắng, nhưng sau lại nhiễu biên giới". VSL cũng chép rằng: "Tháng giêng châu Chân-đằng hiến hai voi trắng. Châu Kỷ-lang (chắc là Quang-lang, VSL lầm chữ quang là sáng ra chữ kỷ là ghế, vì hai chữ tự dạng gần nhau) cũng hiến hai voi trắng. Tháng hai, huyện Đô-lạp hiến voi trắng và công trắng". Xem vậy, VSL không hề chép việc Chiêm-thành hiến voi trắng năm ấy”.
-- Theo tác giả Hoàng Xuân Hãn, Việt sử lược là sách chép rất cẩn thận về những lần sứ của Chiêm Thành sang Đại Việt và Toàn thư có khả năng đã chép lầm lần sứ năm 1068. Vì thế chúng ta cũng đặt câu hỏi về ghi chép của Toàn thư lần đi sứ của Chiêm Thành sang Đại Việt năm 1050, rõ ràng là Việt sử lược không hề chép, có khi nào Toàn thư nhầm lẫn với lần sang cống năm 1047 không ?
-- Theo Việt sử lược thời gian từ năm 1055 đến năm 1065 cứ khoảng 2 tời 3 năm thì Chiêm Thành sang cống, nhưng khoảng thời gian trước đó, từ năm 1044 đến năm 1055 Việt sử lược ghi chép một lần sứ vào năm 1047, có khi nào Việt sử lược chép sót không ?
-- Khoảng thời gian từ năm 1044 đến năm 1065 Việt sử lược thường chỉ chép Chiêm Thành tới cống mà không cho biết cống gì, chỉ riêng năm 1065 thì chép cụ thể hơn là cống con tê trắng. Do đó nếu năm 1047 Chiêm Thành cống voi thì rất có thể Việt sử lược sẽ chép lại, nhưng không thấy chép nên việc cống năm 1050 trong Toàn thư rất khó là do nhầm lẫn với năm 1047.
-- Lại thêm khoảng cách giữa năm 1047 với năm 1050 là 4 năm, rất khó để xảy ra nhầm lẫn, hơn nữa nếu như việc cống năm 1050 được chép trong Toàn thư là nhầm lẫn thì khoảng thời gian Chiêm Thành không sang cống là 8 năm (1047-1055) mà không thấy Thăng Long trách phạt thì cũng rất khó giải thích. Mà nếu như Chiêm Thành có í bỏ cống thì không hiểu vì sao năm 1055 sứ lại sang và những năm tiếp theo giữ lệ rất nghiêm chỉnh ?
-- Vì thế tôi cho rằng: Việt sử lược tuy là sách chép việc cống của Chiêm Thành đầy đủ hơn cả, song cũng không tránh được việc thiếu sót, nên ghi chép của Toàn thư về việc Chiêm Thành cống voi năm 1050 là không bác bỏ được.
-- Lần sứ Chiêm Thành sang Đại Việt cống năm 1047 như ghi chép trong Việt sử lược cho biết: Quốc vương Champa tên là Ung Ni và Thái Tông triều Lý đã đày sứ Champa lên Đăng Châu do Ung Ni không tôn trọng, tôn kính (Việt sử lược chép là Bất Cung). Nhưng không tôn kính ở chỗ nào ?
-- Quốc vương Chiêm Thành lên ngôi sớm nhất cũng sau tháng 8/1044, đến năm 1047 sai sứ sang cống cũng không có gì là bất cung. Toàn thư cũng có chép trường hợp tương tự vào năm 994 dưới thời trị vì của Lê Hoàn như sau “Cháu vua nước Chiêm Thành là Chế Cai vào chầu. Trước đây, nước Chiêm Thành sai Chế Đông dâng sản vật địa phương, vua trách là trái lễ, không nhận. Vua nước đó sợ, mới sai Chế Cai vào chầu”.
-- Việt sử lược chép rất rõ rằng: Vua Chiêm Thành là Ung Ni không tôn kính, chứ không phải là vị sứ giả của Champa vô lễ. Khoảng thời gian từ năm 1044 đến năm 1047 sách sử không chép bất cứ thông tin nào về xung đột lợi ích giữa Việt Chiêm, do đó việc không tôn kính rất có thể xuất phát từ việc Chiêm Thành không sang cống ngay sau khi Quốc vương mới lên ngôi. Thế nhưng việc chậm trễ sang cống hoàn toàn có thể được sứ Champa biện rằng do tình hình nổi loạn tại phương nam, đường xá không thông, hơn nữa sử giả của Champa hoàn toàn có thể nói sai lệch thời gian nhận vương phong của chúa Chiêm, tất nhiên việc đó sẽ rất là mạo hiểm nếu như phương bắc đã biết thời điểm lên ngôi của Ung Ni.
3. Sau chiến thắng tại sông Ngũ Bồ, hẳn Thái Tông cũng nắm được tình hình Phật Thệ, tháng 7/1044 quân phương bắc tiến vào thành mà không gặp sự chống cự nào, tháng 8/1044 Thái Tông rút quân. Trong thời gian chiếm giữ thành Phật Thệ, Việt sử lược cho biết Lý Thái Tông bắt tù các bà vợ và cung nữ của vua Sạ Đẩu, trong khi Toàn thư chép thêm 2 sự kiện đó là “Sai sứ đi khắp các hương ấp phủ dụ dân chúng. Các quan chúc mừng thắng lợi”.
-- Nguyên văn được chép trong Toàn thư là “Khiển sứ biến hành hương ấp phủ luận khiển dân”. Trước hết chúng ta thấy rằng: có những người Chiêm Thành phục vụ dưới quyền của Lý Thái Tông như các sứ giả được gửi đến các hương ấp để phủ dụ, bàn luận, sai khiến dân chúng. Sau cùng Lý Thái Tông không muốn cai trị Chiêm Thành, cũng như không có mưu đồ đóng quân lâu dài tại Vijaya, vậy thì vì sao ngài ấy lại cho sứ đi đến các hương ấp để vỗ về người Champa, trong khi với lực lượng quân sự mạnh vượt trội, người phương bắc hoàn toàn có thể chống trả bất cứ cuộc tấn công nào từ phía người Chiêm [Qua việc tiến vào thành Phật Thệ mà không gặp sự chống lại của người Champa cũng cho thấy vua Sạ Đẩu đã sử dụng hết binh lính trong trận Ngũ Bồ nên quân đội của người Chiêm không còn thế lực nào đáng kể] Lại thêm, khi quân phương bắc tiến vào Vijaya thì không xảy ra tình trạng chém giết cướp bóc tàn phá, rõ ràng là kết quả không phù hợp với cuộc chiến tranh thông thường. Có thể vì sau trận Ngũ Bồ vua Lý đã có lệnh kẻ nào giết bậy người Chiêm Thành thì sẽ giết không tha bởi vua cảm khái trước kết cục xác chất đầy đồng của người Chàm hoặc không ?
-- Nguyên văn trong Toàn thư là quần thần hạ tiệp, nghĩa là bầy tôi dâng lời chúc mừng chiến thắng, việc này cho phép phỏng đoán: trước hết là vua nhà Lý đã cho mở cuộc tiệc rượu tại thành Phật Thệ và sau cùng là trước khi rút quân về bắc, nhà Lý đã hoàn toàn dành thắng lợi trong chiến dịch nam tiến, trong đó có việc sứ giả đi phủ dụ dân chúng tại các hương ấp đã thành công, nói cách khác người Chiêm chịu quy thuận Đại Việt.
 -- Theo như Việt sử lược mục năm 1038 thì vào mùa đông con vua Chiêm Thành là bọn Địa Bà Thích tới chầu. Theo như Toàn thư mục năm 1039 thì vào mùa hạ Chiêm Thành vương tử Địa Bà Lạt, Lạc Thuấn, Sạ Đâu, La Kế, A Thát Lạt ngũ nhân lai phó. Trong những người được liệt kê thì gây được sự chú ý nhất là Sạ Đâu [ ] bởi vị này gợi liên tưởng tới vị chúa Chiêm là Sạ Đẩu [ ]
-- Chúng ta không biết nguồn cội của tên gọi những vị chúa Chiêm của người Việt, nhưng qua sự kiện vua thân phiên dịch nhạc khúc và tiết âm cổ của Chiêm Thành, sai nhạc công ca hát được Việt sử lược chép tại mục năm 1060 cho thấy đã có sự thông dịch trực tiếp giữa Việt Chiêm, nói cách khác những cái tên gọi các vị chúa Chiêm của người Việt rất có thể bắt nguồn từ quan hệ trực tiếp Việt Chiêm mà không có sự tác động từ thực thể thứ ba.
-- Xét tên gọi vị vua Champa sai sứ cống năm 1047. Chữ (Ung) có một nghĩa là Hòa Hợp và một nghĩa khác là Ôm Giữ. Chữ với âm Ni có nghĩa là Sư Nữ, với âm Nật có nghĩa là Thân Gần, với âm Nệ có nghĩa là Ngăn Cản. Dựa vào tình trạng cống sứ dưới thời trị vì của vua Jaya Paramesvaravarman cho phép chúng ta phỏng đoán, người Việt gọi ngài là Ung Nật (hòa hợp thân gần).
Giả thuyết: Trước khi cuộc nam chinh diễn ra, 3 châu Bố Chính, Mi Linh, Địa Lý là những vùng đất mà trên danh nghĩa thuộc về nước Chiêm Thành, nhưng trên thực tế do những thế lực địa phương thân Thăng Long nắm giữ. Loạn tại Chiêm Thành diễn ra, buộc các thế lực thất thế phải lưu vong tại phương bắc, nhân xung đột Thăng Long mưu tính can thiệp vào Chiêm Thành thông qua cuộc nam chinh, trong chiến dịch này, người Việt nhận được sự ủng hộ của một số người Champa. Sau trận Ngũ Bồ quân phương bắc tiến vào chiếm giữ thành Phật Thệ, đồng thời chấp thuận cho Ung Nật lên ngôi vị Rajadiraja (vua của các vua). Để tạo uy tín cho chính quyền của Ung Nật, Lý Thái Tông đã ban lệnh không được tàn phá, giết hại, cướp bóc người Chiêm Thành, đồng thời sai sứ giả đi khắp các hương ấp phủ dụ dân chúng quy thuận chính quyền mới tại Phật Thệ. Cuối cùng, khi chiến dịch hoàn toàn thắng lợi, Lý Thái Tông rút quân về bắc, mang theo những người vợ và cung nữ của chúa Chiêm Sạ Đẩu, quân lính đưa về năm ngàn người Chăm bắt được tại khu vực sông Ngũ Bồ cùng nhiều vàng bác châu báu. Trước khi rút quân, vua nhà Lý có những thỏa thuận với chúa Ung Nật, nhưng vì lý do nào đó, mà Phật Thệ đã không làm đúng đủ giao kèo, do đó Thái Tông triều Lý cho rằng Ung Nật không tôn kính nên đã đày sứ giả sang cống năm 1047 lên Đăng Châu.
-- Tiểu quốc Panduranga [Phan Rang] ở cực nam vương quốc Champa không bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc nam chinh như các tiểu quốc khác, nên sau khi quân phương bắc rút, họ đã đưa một hoàng tử có xuất thân từ miền nam lên làm vua của vương quốc Chiêm Thành. Năm 1050 vua Paramesvaravarman cử người con của em gái là Yuvaraja đem quân đánh Panduranga, theo như mô tả thì dân cư của Panduranga là những kẻ hư hỏng, hung dữ, ngu dốt và luôn nổi loạn chống quốc vương.
4. Tống sử chép: “Tháng 9 năm thứ sáu [1061] (Chiêm Thành) lại cống voi nhà. Tháng giêng năm thứ bảy [1062] Quảng Tây an phủ kinh lược ti tâu “Chiêm Lạp vốn không tập luyện việc binh, lân cận với Giao Chỉ, thường khổ vì bị xâm nhiễu, còn Chiêm Thành gần đây cũng sửa sang võ bị, để chống Giao Chỉ, sắp từ lối Quảng Đông vào kinh sư dâng cống, mong được ân sủng vỗ về”. Tháng 5 thì sứ nước ấy là Đốn Bà Ni tới cống phương vật. Tháng 6 ban tặng cho quốc vương Thi Lí Luật Trà Bàn Ma Thường Dương Phổ (施里律茶槃麻常楊溥) một con bạch mã, theo vậy. Năm đúng như lời xin Hi Ninh nguyên niên [1068] Quốc vương là Dương Bốc Thi Lị Luật Đà Bàn Ma Đề Bà (楊卜尸利律陀般摩提婆) sai sứ cống phương vật, xin được mua ngựa trạm. Chiếu ban cho bạch mã một con, sai mua la ở Quảng Châu đem về” [Bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường]
Tống hội yếu tập cảo chép: “Nguyên tác Luật Luật, cứ Tống sử quyển tứ bát cửu san”.
Sách Le Royaume De Champa của M. Georges Maspero viết: “Người kế vị của Jaya Paramesvaravarman I là Bhadravarman III, chỉ được biết đến thông qua người em trai của ngài Rudravarman III. Ngài lên ngôi năm 1060 hoặc đầu năm 1061 và đã gửi cống nạp tới hoáng đế Trung Hoa voi nhà. Cuối năm [1061] chứng kiến sự xuất hiện của Rudravarman III, người có lẽ không lạ gì với sự mất tích của anh trai mình”.
Ghi chú 2 viết: “Po-nagar de Nha Trang. Che-li Lu-t’ou p’an-mo chang yang pou 施里律茶槃麻常楊溥 (Crĩ Rudravarman sam yan po) et [và] Yang pou Che-li Lu-t’o-p’an-mo ti p’o 楊卜尸利律陀般摩提婆 (Yan pu Crĩ Rudra-varmadeva). Người An Nam gọi là Đệ Củ”.
-- Theo tác giả Maspero thì Bhadravarman kế vị Paramesvaravarman có thể là từ năm 1060 hoặc đầu năm 1061 đến cuối năm 1061 người em trai của ngài là Rudravarman đã nhận vương phong. Maspero có nếu 2 tài liệu gồm: thứ nhất là bi ký tại ngôi đền Po-Nagar, thế nhưng bi ký tại ngôi đền lại đề cập năm 986 của lịch Saka (năm 1064) và thứ hai là ghi chép của Tống sử.
-- Có thể trên cơ sở ngôn ngữ mà tác giả Maspero cho rằng Thi Lí Luật Trà Bàn Ma Thường Dương Phổ và Dương Bốc Thi Lị Luật Đà Bàn Ma Đề Bà là 2 tên gọi của Rudravarman. Theo như Tống hội yếu tập cảo thì nguyên văn là Thi Lí Luật Luật Trà Bàn Ma Thường Dương Phổ.
-- Theo như Việt sử lược thì sau tháng 8/1059 Chiêm Thành tới cống, nhưng sau tháng 10/1060 Chiêm Thành lại sang cống. Trong khoảng thời gian cống nạp từ năm 1044 đến năm 1065 thì 2 năm cống 1059 và 1060 là không tuân theo lệ khoảng 2 tới 3 năm sẽ phải tới cống. Như vậy xác định của tác giả Maspero về thời điểm Bhadravarman lên ngôi là có căn cứ, dựa vào Việt sử lược chúng ta có thể đặt lại giới hạn năm Paramesvaravarman mất là 1059 hoặc 1060.
-- Nhưng xem An Nam truyện trong Tống sử thì sẽ nhận ra đặc điểm rằng: sách thường chép rõ tên gọi của vị vua Chiêm Thành khi ngài lần đầu sai sứ sang cống phương bắc, trong khi lần sứ tháng 9/1061 không thấy chép tên của quốc vương Chiêm Thành nên có khả năng người sai sứ sang phương bắc cống nạp là Paramesvaravarman. Năm sau 1062, tên gọi của vị quốc vương Chiêm Thành đã được chép lại và khoảng thời gian đi sứ của Chiêm Thành sang phương bắc thực sự là gây chú ý, cụ thể tháng 9/1061 và tháng 1/1062, chỉ cách nhau có 6 tháng, việc này cho phép phỏng đoán thời điểm Ung Nật mất khá gần tháng 9/1061 [Nếu đi từ phương bắc xuống phương nam thì thường khởi hành vào mùa xuân vì mượn gió bắc, ngược lại nếu đi từ nam lên bắc thì thường khởi hành vào mùa hạ vì mượn gió nồm].
-- Nếu Ung Nật mất gần thời điểm tháng 9/1061 thì vị chúa Chiêm Thành sai sứ cống nạp năm 1062 nên là Bhadravarman hoặc Bhadravarman tại vị trong thời gian rất ngắn, không đủ thời gian giao thiệp với ngoại quốc. Vào thời điểm Ung Nật còn tại vị, người cháu của ngài là Yuvaraja rất có quyền thế. Trong sách Vương quốc Champa tác giả Lafont gọi ngài là vị hoàng tử nối ngôi. Có khi nào sau cái chết của Paramesvaravarman, Bhadravarman được truyền ngôi chính thức nên đã xảy ra xung đột với các thế lực chống đối trong đó có Yuvaraja và kết thúc là sự biến mất của Bhadravarman. Theo như bi ký do Rudravarman dựng thì ngài rất tự hào là người thuộc gia đình vua Paramesvaravarman và có người anh trai là vua Bhadravarman, xem thế mối quan hệ giữa 3 vị chúa Chiêm Thành là khá tốt.
-- Nhưng dù vị chúa Chiêm Thành sai sứ cống phương bắc năm 1062 và năm 1068 là một người hay hai người thì vẫn có thể chắc chắn một điều, đó là chính thể nối tiếp chính thể do Ung Nật lãnh đạo có xu hướng kháng Giao Chỉ. Từ lần cống năm 1062, người Chiêm đã cho Tống triều biết ý chí cũng như sự chuẩn bị của họ trong việc kháng Giao Chỉ và tất nhiên họ đề nghị sự giúp đỡ từ phía thiên triều.
-- Nhận biết được mối nguy hai đầu, bắc với Tống nam với Chiêm, Lý triều dự toán tấn công Chiêm Thành với mục đích ra uy quân sự, cảnh báo người Tống nếu để xảy ra xung đột. Toàn thư cho biết “Mùa xuân tháng 2, vua thân đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua nước ấy là Chế Củ và dân chúng 5 vạn người. Mùa hạ tháng 6 đem quân về. Mùa thu tháng 7, vua từ Chiêm thành về đến nơi, dâng tù ở Thái Miếu, đổi niên hiệu là Thần Vũ năm thứ nhất. Chế Củ xin dâng ba châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính để chuộc tội. Vua bằng lòng, tha cho Chế Củ về nước”.
-- Chi tiết cuộc nam chinh năm 1069 xin xem sách Lý Thường Kiệt. Lịch sử ngoại giao và tống giáo triều Lý của học giả Hoàng Xuân Hãn.
-- Sau khi đánh thắng người Chiêm, Lý Thánh Tông dâng biểu lên phương bắc, như lời cảnh báo về sức mạnh quân sự của Thăng Long, vào thời gian trị vì của Lý Thái Tông và Lý Thánh Tông, tình hình biên giới Tống Việt luôn căng thẳng.
-- Ba châu Bố Chính, Ma Linh, Địa Lý về danh nghĩa thuộc Chiêm Thành nhưng trên thực tế thuộc kiểm soát của người Việt, sau sự kiện dâng 3 châu của Chế Củ vào tháng 7/1069 thì hoàn toàn thuộc về Đại Việt.
-- Lý Thánh Tông đã đánh thắng người Chiêm, hoàn toàn có thể thu 3 châu Địa Ma Bố vào cương thổ Đại Việt, nhưng phương bắc lại thả Chế Củ. Rõ ràng cái mà Thánh Tông muốn là một chính thể tại phương nam thân với Thăng Long và không lựa chọn nào tốt hơn vị chúa đã bị Thăng Long đánh bại. Chế Củ còn đủ thế lực và danh vọng để kiểm soát Chiêm Thành nhưng lại không đủ nhuệ khí để gây sự với Đại Việt. Nếu Chế Củ tại vị thì 3 châu Địa Ma Bố thuộc về Đại Việt theo cách chính danh, nhưng nếu chính thể chống đối với Thăng Long nắm quyền điều hành Chiêm Thành thì người Việt chẳng qua chỉ là kẻ cướp đất của Champa và hoàn toàn có thể dâng tấu tố lên thiên triều. Rõ ràng Lý Thánh Tông đã tính toán rất kỹ.
-- Chúng ta đã thấy sự thay đổi thái độ của người đứng đầu vương quốc Champa đối với Thăng Long. Nếu như Paramesvaravarman hòa thuận bao nhiêu thì Rudravarman cứng rắn bấy nhiêu, do đó nó cho phép chúng ta phỏng đoán chính quyền của Ung Nật thân với Thăng Long.
Ghi chú:
1. Người viết không biết nghĩa của Icvaras, thấy trong bài Ghi chú về hai tấm bia Champa của tác giả George Coedès do dịch giả Hà Hữu Nga chuyển ngữ viết: “Vào năm çaka 811, vào lúc (được đánh dấu bởi) các vị chúa tể [Īçvaras = Rudras] và hợp thân Shiva, đức vua Çrï Parameçvaravarmadeva, thuộc dòng dõi Uroja, vua čakravartin tại xứ Champa này, học sỹ Rājakula”.
2. Người viết xin bàn thêm về vị quốc vương sai sứ sang cống thiên triều năm 1062. Xem ghi chép của Tống hội yếu thì sách ấy viết về năm cống 1062 và năm cống 1068 có cấu trúc giống nhau gồm: Sứ Chiêm Thành (chép rõ tên sứ) sang cống và Chiếu ban cho quốc vương (chép rõ tên gọi). Tống sử chép sai khác, cụ thể cấu trúc ghi chép của năm sứ 1062 giống với Tống hội yếu (còn các chi tiết cụ thể thì sai khác) trong khi cấu trúc của năm sứ 1068 không giống với Tống hội yếu, cụ thể cấu trúc trong Tống sử là Quốc vương Chiêm Thành (chép rõ tên xưng) sai sứ sang cống và Chiếu ban cho. Rõ ràng là năm sứ 1068 cấu trúc giữa Tống sử và Tống hội yếu đã ngược nhau. Tống hội yếu đều chép lại 2 chiếu vào năm 1062 và 1068, mà đã là chiếu thì hiển nhiên tên xưng của người nhận chiếu phải được viết đến, trong khi Tống sử chỉ chép là chiếu cho quốc vương mà không nêu rõ tên của vị quốc vương đó, vì thế ít nhất là Tống sử đã thay đổi 1 đặc điểm trong cấu trúc (từ việc chép rõ tên xưng thành không chép tên xưng). Quan trọng hơn cả là cấu trúc mà Tống sử dùng để chép về năm sứ 1068 trở nên rất phổ biến trong Chiêm Thành truyện, cấu trúc Năm - Quốc vương Chiêm Thành - Tên xưng - Sai - Tên sứ - Sang cống về cơ bản thường được sử dụng để chép việc vị quốc vương mới của Chiêm Thành lần đầu tiên sai sứ sang cống thiên triều, do vậy tôi cho rằng: Dương Bốc Thi Lị Luật Đà Bàn Ma Đề Bà là Rudravarman và năm 1068 là lần đầu ngài sai sứ sang cống Đại Tống, nói cách khác Thi Lí Luật Luật Trà Bàn Ma Thường Dương Phổ là Bhadravarman. Theo bia ký tại ngôi đền Po-Nagar thì năm 1064 thuộc thời gian trị vì của Chế Củ và người anh trai của ngài là Bhadravarman trị vì từ (sớm lắm là giữa) năm 1061 đến (muộn lắm là giữa) năm 1063.
3. Người viết xin được cảm ơn tác giả Nguyễn Quang Toản đã hỗ trợ tài liệu Ancient Indian Colonies In The Far East của Ramesh Chandra Majumdar và những chỉ dẫn cần thiết.