1. Sau khi tách khỏi đoàn quân của Thoát Hoan ở Lai Tân ngày 28 tháng 10 âm
lịch (04/12/1287) Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp đi Khâm Châu. Ngày 12 tháng 11
(17/12/1287) Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp xuất phát từ Khâm Châu. Ngày 15 tháng 11
(20/12/1287) Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp qua cửa sông Vạn Ninh (Móng Cái). Nhân Đức hầu
Trần Da phục binh tại Lãng Sơn (Móng Cái) toan đánh phía sau địch. Ô Mã Nhi biết,
lệnh ban đêm vây núi Lãng Sơn, sáng ngày sau tấn công. Nhân Đức hầu buộc rút
[Trận đầu Đại Việt chết đuối vài trăm người, mất vài chục chiếc thuyền] Ô Mã
Nhi thừa thắng, đuổi theo. Giao chiến ở Song Môn. Rồi tiến vào cửa An Bang (Quảng
Yên) [Trận An Bang, Đại Việt chết 2 ngàn quân, mất 60 thuyết] [Tổng thiệt hại của
Đại Việt tại các trận Lãng Sơn, Song Môn, An Bang là 4 ngàn quân, hơn 100 thuyền.
Như thế tại trận Song Môn, Đại Việt chết hơn một ngàn người, vài chục thuyền]
- Sau khi qua cửa
An Bang, Ô Mã Nhi theo sông Bạch Đằng tiến về phía Vạn Kiếp, hội cùng Thoát
Hoan vào ngày 28 tháng 11 (02/01/1288). Ngày 03 tháng 12 (07/01/1288) Thoát
Hoan tiến đến Tứ Thập Nguyên, sai Ô Mã Nhi đem quân cướp lương thực của dân. Ngày
29 tháng 12 (02/02/1288) Thoát Hoan tấn công Thăng Long. Ngày 04 tháng 01
(06/02/1288) Trấn Nam vương sai Ô Mã Nhi đem thủy quân ra biển kiếm đoàn vận
lương của Trương Văn Hổ. Ô Mã Nhi theo cửa Đại Bàng đến Tháp Sơn, giao chiến với
ngàn thuyền Đại Việt, phá được. Đến cửa An Bang không thấy thuyền vận lương của
Trương Văn Hổ nên trở về Vạn Kiếp [dựa theo Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, Trần
Nhân Tông con người và tác phẩm, An Nam chí lược, Đại Việt sử ký toàn thư,
Nguyên sử]
Nguyên sử chép: “Thuyền lương của Trương Văn Hổ
tháng 12 năm trước đi đến Đồn Sơn, gặp 30 chiếc thuyền của Giao Chỉ. Văn Hổ tiến
đánh quân hai bên bị giết cũng tương đương nhau. Đến biển Lục Thủy [Đông Nam Quảng
Yên] thì thuyền địch dần nhiều thêm (Văn Hổ) liệu rằng không thể địch nổi,
nhưng thuyền nặng không thể chạy được, bèn đánh chìm gạo thóc xuống biển, rồi
chạy đến Quỳnh Châu” [Bản dịch của Châu Hải Đường]
Toàn thư chép: “Ngày 30 [tháng 12] thái tử Nguyên A Thai cùng Ô Mã Nhi họp 30 vạn quân đánh vào Vạn Kiếp (…) Khi ấy, thủy
quân Nguyên đánh vào Vân Đồn, Hưng Đạo Vương giao hết công việc biên thùy cho
Phó tướng Vân Đồn là Nhân Huệ Vương Khánh Dư. Khánh Dư đánh thất lợi thượng hoàng được tin, sai trung sứ xiềng Khánh Dư giải về kinh. Khánh
Dư nói với trung sứ: "Lấy quân pháp mà xử, tôi cam chịu tội, nhưng
xin khất hai, ba ngày để mưu lập công rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn".
Trung sứ theo lời xin đó. Kháng Dư liệu biết quân giặc đã qua, thuyền vận tải tất
theo sau, nên thu thập tàn binh đợi chúng. Chẳng bao lâu thuyền vận tải quả
nhiên đến [Khánh Dư] đánh bại chúng, bắt được quân lương khí giới của giặc nhiều
không kể xiết, tù binh cũng rất nhiều. Lập tức sai chạy ngựa mang thư về báo.
Thượng hoàng tha cho tội trước không hỏi đến”.
Sách
Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII của hai tác giả Hà Văn
Tấn, Phạm Thị Tâm viết: “Toàn thư cũng chép trận Vân Đồn vào tháng 12 tuy không
rõ ngày nhưng lại chép sau một sự kiện khác vào ngày 30 tháng 12 âm lịch. Chú ý
là năm đó tháng 12 âm lịch không có ngày 30 (…) Tin thất trận về đến triều có lẽ
vào khoảng cuối tháng 11 và khi sứ giả của Thánh Tông đến chỗ Khánh Dư thì vào
đầu tháng 12. Chiến thắng Vân Đồn hẳn là vào đầu tháng 12 chứ không phải là cuối
tháng 12”.
Toàn
thư chép: “Ngày 28 [tháng 11] Phán thủ thượng vị Nhân Đức hầu Toàn đem thủy
quân đánh ở vụng Đa Mỗ giặc chết đuối rất nhiều, ta bắt sống
40 tên và thu được thuyền ngựa, khí giới đem dâng”.
Sách Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII của hai tác giả
Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm viết: “Chúng tôi cho rằng Nhân Đức hầu Trần Da và Nhân
Đức hầu Toàn là một người (…) Có
lẽ trận Lãng Sơn chép trong An Nam chí lược và trận Đa Mô chép trong Toàn thư
là một trận, tuy tài liệu của Lê Trác thì nói địch thắng, còn Toàn thư thì nói
quân ta thắng (...) Toàn thư chép trận Đa Mô vào ngày
28 tháng 11, có thể đấy là ngày Nhân Đức hầu đem dâng tù binh và chiến lợi phẩm,
cũng là ngày triều đình được tin chiến thắng”.
Sách Trần Nhân
Tông con người và tác phẩm của tác giả Lê Mạnh Thát viết: “Trận thủy chiến Đa Mỗ
do Nhân Đức Hầu Toàn chỉ huy cũng là trận Lãng Sơn của An
Nam chí lược và trận cửa An Bang cũng chỉ là một mà thôi. Tuy
nhiên thời điểm xảy ra đã được ghi khác nhau. An Nam chí lược ghi ngày 11,
Nguyên sử ghi ngày 15, còn ĐVSKTT thì ghi ngày 28. Những khác nhau này là do
truyền tải tư liệu có sai sót, hoặc thông tin không chính xác. Điểm đáng
chú ý hơn nữa là bên nào cũng cho mình thắng trong trận này cả”.
Tân Nguyên sử
chép: “Năm Chí Nguyên 24 [1287] theo Trấn Nam vương đánh An Nam, trao chức Giao
Chỉ hải thuyền vạn hộ, đeo hổ phù, chở lương đến Tùng Bách loan, đón đánh, giặc
thua chạy. Vương bàn bãi binh, lấy Văn Hổ đi đoạn hậu, toàn quân mà về”.
- Nguyên sử chép “kinh ngọc sơn, song môn, an bang khẩu”. An
Nam chí lược chép “phục binh lãng sơn”. Toàn thư chép “Đa Mỗ loan”. Loan ( 灣 ) là vịnh biển, khuỷu sông, chỗ nước
hõm vào. Rõ ràng là Nguyên sử và An Nam chí lược không hề dùng Loan khi chép về
Ngọc Sơn. Bên cạnh đó là thông tin không thống nhất giữa Toàn thư với Nguyên sử
về bên chiến thắng, lại thêm Toàn thư chép rất rõ rằng ngày 28 tháng 11 phán thủ
thượng vị Nhân Đức hầu Trần Tuyền đem thủy quân đánh ở loan Đa Mỗ, từ đó tôi
cho rằng Đa Mỗ không phải là Lãng Sơn. Sau khi thua ở Mũi Ngọc, Nhân Đức hầu
rút lui và tham gia nhiều trận đánh khác. Tân Nguyên sử có chép đến loan Tùng
Bách, mà Trương Văn Hổ phá được giặc, nên rất có thể Tùng Bách tương ứng với Đồn
Sơn trong Nguyên sử.
- Qua những ghi chép về các trận thủy chiến Lãng Sơn, Song
Môn, An Bang của An Nam chí lược và Nguyên sử cũng như ghi chép của Toàn thư về
việc Trần Khánh Dư đánh thất lợi khiến thượng hoàng phải sai trung sứ đến xiềng
giải về kinh. Cho thấy Ô Mã Nhi giành lợi thế rõ rệt trước Nhân Huệ vương. Thủy
quân phương bắc vừa đánh vừa tiến trong vòng 13 ngày (15/11-28/11) đã hội được
với Trần Nam vương thì tôi cho rằng trận đánh tại loan Đa Mỗ do Nhân Đức hầu thống
lĩnh không thể xảy ra trước khi Ô Mã Nhi hội quân tại Vạn Kiếp. Trận Trần Tuyền
đánh kiến giặc chết đuối rất nhiều cũng không thể xảy ra vào ngày 28 tháng 11
được, vì thời điểm đó các cánh quân phương bắc đã hội, Thoát Hoan lệnh cho quân
lính đi đánh chiếm các khu vực lân cận. Nên tôi cho rằng ngày 28 tháng 11 Nhân
Đức hầu đem quân trấn giữ tại loan Đa Mỗ và Trần Tuyền không nhận lệnh từ vua
mà hoàn toàn chủ động. Nói cách khác, cuộc chiến mà Nhân Đức hầu khiến giặc chết
đuối rất nhiều phải diễn ra vào tháng 12, lại thêm chiến trường mà Trần Da tham
dự là trên biển do đó tôi cho rằng trận Đa Mỗ là cuộc chiến với đoàn lương của
Văn Hổ.
Thứ nhất những ghi chép của Toàn thư về trận Vân Đồn do Nhân
Huệ vương thống lĩnh có sai lệch, cụ thể như tháng 12 không có ngày 30 và trận
đánh chìm thuyền lương của Văn Hổ diễn ra vào đầu tháng 12.
Thứ hai trận đánh kiến giặc chết đuối rất nhiều của Nhân Đức
hầu mà Toàn thư chép phù hợp với trận đánh ở biển Lục Thủy trong Nguyên sử và
cũng phù hợp với trận đánh tại Vân Đồn của Trần Khánh Dư.
Thứ ba trận Vân Đồn mang tính bước ngoặt của cuộc chiến,
nhưng An Nam chí lược lại không chép đến Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, nếu cho
rằng Lê Tắc không biết thì không đúng, vì ngài biết trận Lãng Sơn mà Trần Da chỉ
huy.
Nên từ đó, tôi cho rằng Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư chính
là Nhân Đức hầu Trần Da.
Toàn thư chép:
“Nhâm Ngọ [1282] Mùa đông tháng 10, vua ngự ra Bình Than đóng ở vũng Trần
Xá họp vương hầu và trăm quan, bàn kế sách công thủ và chia nhau đóng giữ
những nơi hiểm yếu. Lấy Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư làm Phó đô tướng quân. Lần
trước, quân Nguyên vào cướp, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư nhân sơ hở đánh úp
quân giặc. Thượng hoàng khen ông có trí lược, lập làm Thiên tử nghĩa nam. Sau
đó, đánh người Man ở vùng núi, thắng lớn, được phong làm Phiêu Kỵ đại tướng
quân. Chức Phiêu Kỵ tướng quân nếu không phải là hoàng tử thì không được phong.
Vì Khánh Dư là Thiên tử nghĩa nam cho nên mới có lệnh đó. Rồi từ trật hầu thăng
mãi đến tử phục thượng vị hầu, quyền chức phán thủ. Sau Khánh Dư thông dâm với
công chúa Thiên Thuỵ. Bấy giờ Hưng Vũ Vương Nghiễn vì là con trai Quốc Tuấn, được
lấy công chúa Thiên Thuỵ, lại công đánh giặc. Vua sợ phật ý Quốc Tuấn, mới sai
người đánh chết Khánh Dư ở Hồ Tây, nhưng lai dặn chớ đánh đau quá, để không đến
nỗi chết. Ít lâu sau xuống chiếu đoạt hết quan tước, quân tịch thu tài sản
không để lại cho một chút gì. Châu Chí Linh vốn là của riêng của Thượng tướng
Trần Phó Duyệt, nên Khánh Dư mới giữ lại được. Khánh Dư lui về ở Chí Linh, cùng
bọn hèn hạ làm nghề bán than.
Lúc đó, thuyền
vua đỗ ở bến Bình Than, nước triều rút, gió thổi mạnh, có chiếc thuyền lớn chở
than củi, người lái thuyền đội nón lá, mặc áo ngắn. Vua chỉ và bảo quan thị thần:
"Người kia chẳng phải là Nhân Huệ Vương đó sao". Lập tức sai người
chèo thuyền nhỏ đuổi theo. Đến cửa Đại Than thì kịp. Quân hiệu gọi: "Ông
lái ơi, có lệnh vua triệu". Khánh Dư trả lời: "Lão là người buôn bán,
có việc gì mà phải triệu". Quân hiệu trở về tâu thực như thế. Vua bảo: "Đúng
là Nhân Huệ đấy, ta biết người thường tất không dám nói thế". Vua lại sai
nội thị đi gọi. Khánh Dư mặc áo ngắn, đội nón lá [đến gặp vua]. Vua nói: "Nam
nhi mà đến nỗi này thì thực là cùngcực rồi". Bèn xuống chiếu tha tội cho
ông. Khánh Dư lên thuyền lạy tạ. Vua ban cho áo ngự, cho ngồi các hàng dưới các
vương, trên các công hầu, cùng bàn việc nước, nhiều điều hợp ý vua. Đến đây,
tháng 10, lại cho Khánh Dư làm Phó tướng quân. Nhưng rốt cuộc Khánh Dư cũng
không sửa đổi được những lỗi lầm cũ”.
- Như ghi chép của Toàn thư thì Trần Khánh Dư có công trong
cuộc chiến chống quân Mông Cổ năm 1257 nên được lập làm thiên tử nghĩa nam. Sau
Nhân Huệ vương thông dâm với vợ của Hưng Vũ vương Nghiễm là công chúa Thiên Thụy
nên bị mất quan tước, tài sản, bổng lộc phải làm nghề bán than tại Chí Linh.
Tháng 10/1282 Trần Nhân Tông ngự ra Bình Than, bàn kế chống giặc, thấy Khánh Dư
cơ cực liền xuống chiếu tha tội, phục quan tước, ban phó tướng quân, sau giữ
quyền quyết trên biển, thế rõ ràng rất ưu ái.
- Xem thêm tước hiệu và tên, thấy rằng Huệ ( 惠 ) có nghĩa là điều tốt,
ơn huệ. Khánh ( 慶
) có nghĩa là mừng, chúc mừng. Dư ( 餘
) có nghĩa là thừa ra. Như thế Nhân Huệ vương là thể hiện tước hiệu được ban từ
ân huệ của vua và Trần Khánh Dư là thể hiện việc thừa niềm vui mừng của người
được ban tước hiệu. Sách sử chép những trường hợp tương tự như Ngự sử trung tướng
Lê Tần được ban Bảo Văn hầu Lê Phụ Trần năm 1258 và Kiến Đức hầu Trần Trọng được
ban Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng năm 1285.
- Nên tôi cho rằng vốn ngài là Nhân Đức hầu Trần Da vì có tội
bị tịch thu tài sản, bắt làm thứ dân nhưng sau được phục tước Nhân Huệ vương, cảm
kích trước ân điển của vua Trần Nhân Tông nên ngài tự đổi sang tên Khánh Dư để
thể hiện việc vui mừng rất lớn ấy, Ngô sử gia thu thập cả thông tin chính sử và
dân truyền để soạn Toàn thư thành ra cho chúng ta thông tin về 2 nhân vật Nhân
Đức hầu Trần Tuyền và Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư nhưng thực chất chỉ là một
người.
Bài Địa vị An
Nam chí lược trong kho tàng lịch sử Việt Nam của tác giả Hồ Bạch Thảo viết: “Sau
đây là bản dịch về hai cuộc xâm lăng, riêng những chữ trong ngoặc do người dịch
thêm vào (…) Ngày 11 tháng Một, cánh quân thủy ra quân trước, tới cửa biển Vạn
Ninh, tướng giặc là Nhân Đức hầu Trần Da [Trần Khánh Dư] phục binh tại núi Lãng
Sơn định đánh tập hậu”.
2. Bài Giải mã vấn đề Thân Thiệu Thái / Vũ Tỉnh - Thân Cảnh Phúc / Vũ
Thành của tác giả Khổng Đức Thiêm viết: “Vũ Thành không hề tồn tại trong lịch sử
triều Trần; Vũ Thành chính là hiện thân của Thân Cảnh Phúc trước đó mấy trăm
năm và là đặc hữu của triều đại nhà Lý”.
- Tôi sẽ cố gắng bóc tách những thông tin lịch sử được tích
hợp trong truyền thuyết về Vũ Thành. Văn bản được sử dụng là sách Truyền thuyết
dân gian người Việt của Viện nghiên cứu văn hóa.
Truyền thuyết
dân gian người Việt viết: “Truyện Vũ Thành. Vua Lý Huệ Tông tuổi đã cao rồi mà
vẫn chưa sinh được hoàng tử nào, bèn truyền ngôi cho người con gái cả là công
chúa Lý Chiêu Hoàng, người con gái thứ hai gả cho quan thị phó vương tả bộc xạ
Vũ Tỉnh. Lý Huệ Tông mất, Chiêu Hoàng đã nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh”.
- Thứ nhất theo sách sử Lý Huệ Tông tuổi chưa cao. Toàn thư
và Việt sử lược chép rằng Lý Chiêu Hoàng là con gái thứ.
- Thứ hai theo Toàn thư và Việt sử lược thì con gái đầu của
Huệ Tông được gả cho Trần Liễu và con gái thứ được gả cho Trần Cảnh nhưng theo
An Nam chí lược thì Cảnh lại lấy người em vợ.
- Thứ ba đối chiếu với truyền thuyết thì Vũ Tỉnh lấy con gái
thứ của Huệ Tông, theo An Nam chí lược người em vợ rất có thể là công chúa Thuận
Thiên, do đó đặt giả thuyết Vũ Tỉnh chính là ánh xạ của Trần Liễu.
- Nói thêm về chữ Tỉnh. Truyện Việt Tỉnh trong Lĩnh Nam
chích quái viết rằng “Việt Tỉnh ở núi Trâu Sơn, quận Vũ Ninh”. Đỗ Tử Vi thời Trần
có thơ rằng: “Việt Tỉnh thê lương, thảo sắc thu - Tích lưu sự khứ sử nhân sầu”
để cảm thán cho chàng Thôi Vỹ không biết đã đi đâu. Tôi cho rằng tên Tỉnh của Tả
bộc xạ từ Việt Tỉnh mà ra, còn việc ngài mang họ Vũ thì có nguồn cơn từ người
con trai.
Bản thần tích tại
làng Thọ Lão, xã Thọ An, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây viết: “Càn Vương đang nằm
nghỉ ở chính cung (…) không bệnh mà tự nhiên hoá (…) hai ông Tuấn Công và Thành
Công làm biểu dâng lên, nhà vua nghe tin đích thân ngự giá tới cung làm lễ (…)
Tuấn Công, Thành Công đều đã phương trưởng. Họ tài giỏi mưu trí, dũng lược hơn
người, triều đình đều khen ngợi, nên được nhà vua trao cho chức hành khiển (…)
Mông Cổ đến xâm lược, nhà vua trao lại cho Tuấn Công làm Hưng Đạo Đại vương tiết
chế các doanh thủy, bộ. Trao cho Thành Công chức An Vương Phó lĩnh tả tướng
quân”.
Toàn
thư chép: “Bính Thìn [1256] Mùa thu tháng 7, Vũ Thành vương Doãn đem cả nhà trốn
sang nước Tống. Thổ quan Tư Minh là Hoàng Bính bắt lại đưa trả cho ta (Doãn là
con Yên Sinh Vương do Hiển Từ sinh. Yên Sinh có hiềm khích với vua, đến khi Hiển
Từ mất, bị thất thế, nên trốn sang nước Tống). Vua thưởng vàng lụa cho Bính. Do
đấy việc giữ phòng quan ải càng thêm nghiêm ngặt”.
- Theo như Toàn thư thì con trai của
Trần Liễu có tên là Doãn, tước vương hiệu là Vũ Thành. Như chúng ta giả thuyết:
Vũ Tỉnh là Trần Liễu mà con trai của Vũ Tỉnh có tên trùng khớp với tên hiệu của
con trai Trần Liễu. Rất thú vị đúng không ? Theo tôi tiến trình xảy ra như sau:
vì kiêng tên cúng cơm nên dân gian chỉ gọi Vũ Thành vương, lâu dần tước vương bị
rụng nên chỉ còn Vũ Thành.
- Ngoài tước hiệu Vũ Thành vương,
giống như Yên Sinh vương, Trần Doãn có nhiều tước hiệu trong đó không loại trừ
An Thành vương. Vùng Thọ Lão đã tách tước hiệu nên có An vương Trần Thành. Trường
hợp thần tích làng Thọ Lão là minh chứng khả dĩ cho việc biến đổi chữ Thành từ
tước hiệu sang tên riêng.
- Sự kiện thổ quan châu Tư Minh là
Hoàng Bính bắt được Doãn gợi ý về tuyến đường di chuyển của Vũ Thành vương từ
Vũ Ninh, Lục Ngạn, Thành phố Lạng Sơn, Tư Minh. Lại thêm, thân phụ của Vũ Thành
có tên là Tỉnh, rất có thể vốn bắt nguồn từ Việt Tỉnh nên tôi cho rằng ấp phong
của Trần Doãn tại châu Vũ Ninh. Có thể vì kiêng tên húy của Trần Liễu nên dân
gian đã lấy tên địa danh nổi tiếng để gọi thay, nhưng vẫn giữ lại thông tin về
mối quan hệ giữa ánh xạ của Yên Sinh vương là Vũ Tỉnh với triều Lý thông qua
hôn nhân.
Truyền
thuyết dân gian người Việt viết: “Truyện Vũ Thành. Vũ Thành kết duyên với người
con gái thôn Giáp, xã Hả Hộ là Giáp Thị Tuấn (…) Vũ Thành mộng thấy một ông lão
ban cho một chữ Thiệt ( 舌 - cái lưỡi. Lưỡi dùng để
nói) nhìn kỹ thì thấy chữ ấy thiếu một nét trên đầu (chữ Thiệt thiếu nét phẩy
trên đầu thì biến thành chữ Cổ - 古 ). Nhà Nguyên xâm lược, phong Vũ Thành làm tri hiệu đầu thượng tướng”.
Bài
Người anh ruột Trần Thủ Độ tên thật là gì của tác giả Lê Hải Nam viết: “Nhân
Thành hầu Trần Duyệt là con của Trung Vũ đại vương Trần Thủ Độ (theo An Nam chí
lược) vậy có thể sinh khoảng năm 1216 (không là con trưởng vì con trưởng được
phong vương, còn con thứ đều phong hầu theo lệ nhà Trần). Do nhà Trần rất kiêng
tên húy nên chắc chắn không có ai dám trùng tên với Trần Duyệt cả. Vậy mà trong
Toàn thư có một người họ nhà vua là Trần Phó Duyệt giữ chức thượng tướng. Vậy
chắc Trần Duyệt của An Nam chí lược cũng là Trần Phó Duyệt của Toàn thư mà
thôi. Trần Duyệt có tước Nhân Thành hầu, mà Trần Phó Duyệt có họ hàng với Nhân
Huệ vương Trần Khánh Dư. Quan hệ dòng tộc giữa Nhân Thành hầu Trần (Phó) Duyệt
và Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư ra sao, có phải cha con không, sẽ nói trong bài
khác khi có dịp” [dẫn theo sách Long Hưng - Đất phát nghiệp vương triều Trần của
tác giả Đặng Hùng]
Toàn
thư chép: “Bính Dần [1266] Tháng
3, mở khoa thi chọn học trò, Ban đỗ kinh trạng nguyên Trần Cố, trại trạng
nguyên Bạch Liêu (…) Liêu người Nghệ An, tính thông minh nhớ lâu, đọc sách ngàn
dòng một mạch. Bấy giờ, thượng tướng Quang Khải coi Nghệ An, Liêu làm môn khách
mà không làm quan”.
- Trên tôi có đưa ra giả thuyết
Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư vốn là Nhân Đức hầu Trần Da. Khi Ngô sử gia soạn
Toàn thư đã sử dụng chính sử nên chúng ta có thông tin về Trần Tuyền, đồng thời
lại sử dụng cả dân truyền nên chúng ta có thêm thông tin về Trần Khánh Dư, mà rất
có thể bao gồm cả thông tin về mối quan hệ giữa Nhân Huệ vương với thượng tướng
Trần Phó Duyệt. Toàn thư không chép mối quan hệ cụ thể giữa Trần Phó Duyệt với
Trần Khánh Dư. Mối quan hệ cha con là do người đời sau diễn giải.
- Chữ ( 説 ) có âm Hán Việt là: Duyệt, Thuyết,
Thuế. Cả 3 đều có nghĩa là nói, giảng. Việc này làm chúng ta liên tưởng tới chữ
Thiệt trong truyện Vũ Thành. Lại thêm, Toàn thư cho biết Trần Phó Duyệt giữ chức
thượng tướng mà Vũ Thành cũng giữ chức thượng tướng. Theo Toàn thư thì năm 1266
Quang Khải đã giữ chức thượng tướng nên Trần Phó Duyệt nếu có giữ chức thượng
tướng thì phải trước năm 1266, nói cách khác cuộc kháng chiến chống quân phương
bắc do Vũ Thành thống lĩnh phải vào năm 1257.
Bài
Các công chúa của vua Trần Thái Tông của tác giả Bùi Văn Tam viết: “Dân binh của
Vũ Thành giỏi đánh du kích”.
Toàn
thư chép: “Đinh Tỵ [1257] Tháng 9, xuống chiếu lệnh tả hữu tướng quân đem quân
thủy bộ ra ngăn giữ biên giới, theo sự tiết chế của Quốc Tuấn (…) Đinh Sửu [1277] Mùa xuân tháng 2, vua thân chinh đánh người Man, Lạo ở
động Nẫm Bà La [Phủ lộ Bố Chính] bắt sống bộ đảng hơn 1.000 người giải về”.
- Theo như Toàn thư thì năm 1257
Hưng Đạo vương tham gia cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ, theo thần tích
làng Thọ Lão thì An Thành vương cũng tham gia. Trung Dũng hầu Vũ Thành rất giỏi
đánh du kích, thông tin này làm chúng ta liên tưởng tới sự kiện trong Toàn thư
chép về Trần Khánh Dư như sau “Lần trước quân
Nguyên vào cướp, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư nhân sơ hở đánh úp quân giặc” và
An Nam chí lược chép về Trần Tuyền như sau “Nhân Đức hầu Trần Da phục binh tại
Lãng Sơn toan đánh mặt sau”.
- Toàn thư
cho biết sau lần đánh úp quân Mông Cổ, Trần Khánh Dư được thượng hoàng khen lập
làm Thiên tử nghĩa nam, sau đánh giặc Man được phong làm Phiêu kỵ đại tướng
quân. Ghi chép của Toàn thư từ năm 1257 đến năm 1284 có duy một lần triều đình
đánh giặc Man vào năm 1277, cuộc chiến tại Bố Chính do đích thân Trần Thánh
Tông thống lĩnh, lại thêm Toàn thư mục năm 1277 chép là “động” còn mục năm 1282
chép là “vùng núi” nên rất có thể sau trận năm 1277 Trần Khánh Dư được phong
Phiêu kỵ đại tướng quân.
- Rõ ràng
việc thượng hoàng nhận làm Thiên tử nghĩa nam phải diễn ra trước năm 1277 nên
thượng hoàng có thể là Trần Thái Tông, cũng có thể là Trần Thánh Tông. Nếu là
Trần Thái Tông thì người được nhận có thể là Trần Phó Duyệt nhưng nếu là Trần
Thánh Tông thì người được nhận phải là Trần Khánh Dư.
- Theo Toàn
thư thì Trần Khánh Dư từ tước hầu thăng mãi lên thượng vị hầu, quyền chức Phán
thủ. Cũng lại theo Toàn thư mục năm 1287 chép Phán thủ thượng vị Nhân Đức hầu
Tuyền. Như thế có thể khẳng định, Trần Khánh Dư giữ chức Phán thủ, tước Thượng
vị hầu.
Bài Trần Khánh Dư có lập công trong cuộc
kháng chiến chống Nguyên lần thứ nhất năm 1258 hay không của tác giả Trần Nhuận
Minh viết: “Như vậy năm đánh úp giặc Nguyên 1258, Trần Khánh Dư bao nhiêu tuổi
? Nếu năm đó 18 tuổi, Trần Khánh Dư làm tướng, thì ông sinh năm 1240, mà mất
năm 1339 thì ông thọ 99 tuổi (1240 - 1339). Trẻ nhất cũng phải như Trần
Quốc Toản 16 tuổi, thì Trần Khánh Dư sinh năm 1242, mà mất năm 1339 thì ông thọ
97 tuổi (1242 - 1339). Các tướng thời Trần (do ốm mà mất) như Trần Liễu thọ 40
tuổi (1211 - 1251) Trần Quang Khải thọ 53 tuổi (1241 - 1294) Trần Quốc Tảng thọ
61 tuổi (1252 - 1213). Khó lòng tin được Trần Khánh Dư đã sống đến 97 hay 99
tuổi, trong khi sử ghi vị tướng thọ nhất ở thời Trần là Trần Nhật Duật chỉ đến
77 tuổi”.
Bài Bí ẩn năm sinh Trần Khánh Dư của tác giả Nguyễn Văn
Toàn viết: “Nếu như chúng ta đã xác định được Trần Khánh Dư sinh vào năm 1241
thì ông sẽ sống thọ 98 tuổi (tức 99 tuổi tính theo tuổi âm lịch). Điều
này phù hợp với cuộc đời của ông vì từ khi lập công trong kháng chiến chống
Nguyên - Mông lần thứ nhất năm 1258 đến năm mất 1339” [Xin xem thêm bài viết để
rõ các lập luận của tác giả]
Toàn thư chép: “Kỷ Tỵ [1269] Tháng 9, phong Tĩnh Quốc đại
vương Quốc Khang làm Vọng Giang phiêu kỵ đô thượng tướng quân”.
- Qua sự
kiện Nhân Huệ vương tư thông với công chúa Thiên Thụy tôi cho rằng Trần Khánh
Dư trạc tuổi với Hưng Vũ vương Nghiễn nên người được thượng hoàng nhận làm
Thiên tử nghĩa nam là Trần Phó Duyệt và vì chỉ hoàng tử mới được phong nên kiêm
thêm chức Phiêu kỵ tướng quân. Qua ghi chép của Toàn thư mục năm 1287 là “Phán
thủ thượng vị Nhân Đức hầu Tuyền” chúng ta thấy có đầy đủ các thông tin như tên
húy Tuyền, tước thượng vị hầu, tên hiệu Nhân Đức, chức Phán thủ nên nếu như
Trần Tuyền giữ thêm chức Phiêu kỵ đại tướng quân thì rất có thể Ngô sử gia sẽ
chép lại.
Toàn thư chép: “Đinh Dậu [1237] Lập công chúa Thuận Thiên
họ Lý, là vợ của Hoài Vương Liễu, anh vua, làm hoàng hậu Thuận Thiên. Giáng
Chiêu Thánh làm công chúa. Bấy giờ Chiêu Thánh không có con mà Thuận Thiên đã
có mang Quốc Khang 3 tháng. Trần Thủ Độ và công chúa Thiên Cực bàn kính với vua
là nên mạo nhận lấy để làm chổ dựa về sau, cho nên có lệnh ấy. Vì thế, Liễu họp
quân ra sông Cái làm loạn (...) Mậu Thân [1248] Tháng 6, hoàng hậu Thuận Thiên
băng, truy tôn là Hiển Tử Thuận Thiên hoàng thái hậu (…) Đinh Hợi [1287] Ngày
24 [tháng 11] lệnh cho cấm quân giữ ải Lãnh Kinh. Hưng Đức hầu Quán đem quân đón đánh, dùng tên tẩm thuốc độc bắn giặc
chết và bị thương rất nhiều. Giặc lui về đóng ở ải Vũ Cao”.
Truyền thuyết dân gian người Việt viết: “Truyện Sự tích
Doãn công dẹp giặc Tô Định. Ngài là con đức Cao Nguyên công (…) ngày mồng 6
tháng 2 năm Canh Dần [1230 - người viết] giờ Dần, sinh ra ngài, diện mạo khác
thướng, đặt tên là Doãn công (…) Khu Bảo Tháp, trang Đông Cứu, huyện Gia Bình,
phủ Thuận An có thầy dạy học là Nguyễn Tín công (…) lưu hai mẹ con Doãn công ở
nhà [nhận làm con nuôi] Nguyễn công có người con gái là Đào nương bèn gả cho
Doãn công làm vợ (…) Hai vợ chồng Doãn công lập dinh trại ở khu Bảo Tháp và đi
chiêu mộ quân dân ở các quận huyện được hơn 2 vạn người. Khu Hương Vinh thuộc
trang Đông Cứu có Trương Quán công là bậc anh hùng cũng kết đảng được ngàn
người, tình nguyện theo giúp Doãn công (…) Doãn công phụng mệnh cùng các tướng
đem quân đến thành Lạng Sơn chống cự (…) hơn một năm không phân thắng bại (…)
bèn trở về khu Bảo Tháp (…) ngài hóa ngày 20 tháng 7”.
- Sách
Truyền thuyết dân gian người Việt giới thiệu 2 truyện về nhân vật Doãn công có
nội dung giống nhau. Truyện Doãn công Đào nương không chép về cuộc chiến giữa
Doãn công với Mã Viện cũng như ngày hóa của ngài, nhưng có giới thiệu về quê
ngài miền Tam Đái, đạo Sơn Tây. Thêm khác biệt nữa là mẹ ngài có họ tên Đào Thị
Đức và gia cảnh bần hàn nên phải lưu lạc tới Gia Bình. Thú vị là cha ngài mang
họ Nguyễn! Như vậy là trong 2 truyện, thông số Họ có tính thay đổi, trong khi
Tên lại cố định.
- Truyện cho
biết năm sinh của ngài là Canh Dần, tôi muốn chú thích rõ thêm là năm 1230.
Thượng sĩ ngữ lục cho biết Hưng Ninh vương Trần Tung sinh năm 1230 và ngài là
đệ nhất tử của Khâm Minh Từ Thiện vương Trần Liễu, chứ không phải là trưởng tử.
Truyện cũng cho biết thêm, ngài hóa vào tháng 7, sự kiện làm liên tưởng việc
Trần Doãn trốn sang phương bắc.
- Sự kiện mẹ
con Doãn công lưu tại nhà Nguyễn công làm liên tưởng tới việc Thuận Thiên công
chúa bị ép phải làm hậu của Thái Tông Trần Cảnh. Trên chúng ta có giả thuyết
rằng người nhân sơ hở đánh tập hậu quân Mông Cổ năm 1258 là thượng tướng Trần
Phó Duyệt. Tôi đặt thêm giả thuyết Trần Phó Duyệt là Vũ Thành vương Trần Doãn.
Nếu vậy thì vào tháng 7/1256 Doãn có ý định trốn sang phương bắc thì vào năm
1257 sao có thể cùng triều Trần chống giặc ? Nếu không thể thì làm sao được ban
Thiên tử nghĩa nam ?
- Sau khi
làm loạn vào năm 1236, những người theo Trần Liễu đều bị giết, Trần Tung thì
không rõ hành trạng, Trần Quốc Tuấn thì gửi công chúa Thụy Bà nuôi và Trần Doãn
rất có thể theo mẹ là công chúa Thuận Thiên về kinh thành, nên cũng giống như
Tĩnh Quốc Khang, Trần Doãn được nhận làm Thiên tử nghĩa nam. Toàn thư chép rằng
khi Hiển Từ mất, bị thất thế nên trốn sang phương bắc, nhưng công chúa mất năm
1248, trước khi Vũ Thành vương vượt biên 8 năm, lại thêm anh em của Trần Doãn
không thấy ai có ý định trốn sang phương bắc. Nên thất thế cần hiểu là Vũ Thành
vương không trụ nổi tại kinh thành, buộc phải trở về đất cũ của cha, khi tình
hình chiến sự nóng dẫn, vốn có thiên kiến với triều Trần, Doãn lén trốn sang
đất Tống.
- Trong các
con của Trần Liễu, do là con của Thuận Thiên nên Trần Doãn có những đặc ân hơn
các anh em khác, ngài sinh cùng năm với Hưng Ninh vương, nhưng vốn là con của
công chúa nên tuy ngài ít hơn vài tháng nhưng vẫn là trưởng tử.
Đại Nam nhất thống chí chép: “Sông Bài ở cách
huyện Nghiêu Phong 4 dặm về phía đông nam, có tên nữa là sông Cát Nương Kỹ Vĩ,
nguồn từ sông Bồi và sông Tranh thuộc huyện Yên Hưng, chảy về phía nam hợp với
nhau, chảy 2 dặm đến xã Phù Long, có một chi khác từ phía tây nam chảy đến đổ
vào, lại chảy 11 dặm về phía đông đến cửa biển Nghiêu Phong, Sông này có hạt
trai, năm Gia Long thứ 6 [1807] thường sai quan thuê người huyện Giáp Sơn trấn
Hải Dương lặn mò trai (…) lại sai lấy nước giếng Cổ Loa ở Bắc Ninh để rửa, quả
nhiên sắc hạt trai trong sáng (…) Xét Đại Thanh nhất thống chí: trong biển Vân
Đồn châu Tĩnh Yên có hạt châu (...) Hòn Ba Áng ở phía đông huyện, lưng núi có
động, trong động có thạch nhũ tủa xuống, trông như hình vẽ, cảnh trí dễ yêu
(...) Huyện Nghiêu Phong cách phủ 35 dặm về phía tây nam, đông tây cách nhau
129 dặm, năm bắc cách nhau 12 dặm, phía đông ra biển đến dương phận Vạn Ninh 7
dặm, phía tây đến dương phận 2 huyện Nghi Dương và An Dương tỉnh Hải Dương 7
dặm, phía nam đến biển 3 dặm, phía bắc đến địa giới huyện Yên Hưng 9 dặm (...)
Cửa Lục cách huyện Hoành Bồ 17 dặm về phía đông nam, hai bên bờ đều là núi đất
chân đá, phía trên lên đến sông Tứ Xuyên, cách tỉnh thành một ngày đường thủy
(…) Sử chép năm Trùng Hưng thứ 4 [1288] Phó tướng Vân Đồn là Trần Khánh Dư đánh
thuyền lương của tướng Nguyên là Trương Văn Hổ ở biển Lục (…) tức là chỗ này
(…) Huyền Hoành Bồ đông tây cách nhau 90 dặm, năm bắc cách nhau 74 dặm, phía
đông đến địa giới châu Tiên Yên 65 dặm, phía tây đến địa giới châu Yêu Hưng 25
dặm, phía nam đến biển 9 dặm, phía bắc đến địa giới huyện Yên Bác tỉnh Lạng Sơn
65 dặm”.
Toàn thư chép: “Canh Tý [1300] Quốc Tuấn lại sưu tập binh
pháp các nhà, làm thành Bát quái cửu cung đồ, đặt tên là Vạn Kiếp tông bí
truyền thư. Nhân Huệ Vương Khánh Dư viết bài tựa cho sách ấy”.
- Toàn thư
chép sau khi có chiếu đoạt hết quan tước, tịch thu tài sản Trần Khánh Dư
trở về Chí Linh vốn là của riêng Trần Phó Duyệt. Sự kiện này khá thú vị, Nhân
Huệ vương thông dâm với con dâu của Trần Quốc Tuấn, bị xử tội chết nhưng trời
không nỡ nên thoát, nhưng Trần Khánh Dư lại về sống tại Chí Linh, cũng là bản
doanh của Hưng Đạo vương. Lại thêm, qua việc Nhân Huệ vương viết bài tựa cho
sách Vạn Kiếp tông bí truyền thư do Trần Quốc Tuấn soạn thì không thấy oán thù
giữa Trần Khánh Dư và người thân của Hưng Vũ vương.
- Lệ nhà
Trần, các vương hầu ở ấp phong, được phép lập binh, thu thuế nhưng chịu sự giám
sát của Thăng Long. Trần Thủ Độ làm tới thống quốc thái sư, dự triều chính mà
vẫn phải lưu tại Quắc Hương, các hoàng tử như Trần Quốc Khang lưu tại Diễn
Châu, Trần Quang Khải lưu tại Lạc Đạo. Nên Trần Phó Duyệt và Nhân Huệ vương
không thể lưu tại kinh sư được.
- Vào thời
điểm Trần Khánh Dư thông dâm với Thiên Thụy hẳn là ngài còn trẻ, như thế nếu
Khánh Dư có ấp phong rất có thể do thừa tự. Nhưng nếu Toàn thư chép đúng là
biên thu hết tài sản, phế mọi chức tước thì Nhân Huệ vương cũng không thể giữ
lại được châu Chí Linh, trừ khi tại thời điểm có chiếu, Chí Linh vẫn đang thuộc
sở hữu của Trần Phó Duyệt, thế nhưng Toàn thư chép rất rõ là “Chí Linh châu bản
Thượng tướng Trần Phó Thuyết vật, cố Khánh Dư bảo yên”. Như thế vào thời điểm
có chiếu, châu Chí Linh đã thuộc sở hữu của Trần Khánh Dư rồi.
- Mùa đông
tháng 10 năm 1282 Trần Nhân Tông ngự ra Bình Than, đóng tại vũng Trần Xá để họp
vương hầu và trăm quan, bàn kế sách công thủ và chia nhau đóng giữ những nơi
hiểm yếu, đồng thời lấy Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư làm Phó đô tướng quân.
Bình Than là đoạn sông Lục Đầu chảy qua huyện Chí Linh tỉnh Hải Hưng. Châu Vũ
Ninh [Quế Võ, Bắc Ninh] tiếp giáp Bình Than.
- Toàn thư
mục năm 1287 có chép sự kiện Trần Quốc Tuấn giao hết công việc biên thùy cho
Phó tướng Vân Đồn là Nhân Huệ Vương Khánh Dư. Rõ ràng là cả Trần Nhân Tông và
Hưng Đạo vương đều rất tin tưởng Nhân Đức hầu. Nhưng mà trận đánh úp quân Mông
Cổ năm 1257 được thực hiện bởi tài năng của Trần Phó Duyệt, chứ không phải của
Nhân Huệ vương. Vậy thì trên cơ sở nào mà Trần Tuyền được tin tưởng ?
Toàn thư chép: “Bính Thân [1296] Nhân Huệ Vương Khánh Dư từ
Bài Áng vào chầu”.
Minh Tông Trần Mạnh có thơ về Trang trại của Nhân Huệ vương
như sau: “Mấy dãy nhà trong trang trại dựa vào núi cao chót vót / Một chiếc gối
nằm khềnh ở xa triều đình và thành thị / Miền góc biển trên bản đồ đã theo giáo
hóa của vua / Nhân vật ở chân trời vui với việc câu cá hái củi / Tiếng suối
chảy lặng lẽ vì nước triều ít dâng lên / Bóng cây đường thưa thớt nên ánh trăng
tràn ngập / Mũi rồng đâu có giống mỏ chim / Xin chớ thả thuyển lênh đênh trên
Ngũ Hồ xa xôi” [Đào Phương Bình - Nam Trân dịch nghĩa]
Toàn thư chép: “Giáp Thân [1284] Hưng Vũ Vương
Nghiễn, Minh Hiến Vương Uất, Hưng Nhượng Vương Tảng, Hưng Trí Vương Hiện đốc
suất 20 vạn quân các xứ Bàng Hà, Na Sầm, Trà Hương, Yên Sinh, Long
Nhãn đến hội ở Vạn Kiếp, theo quyền điều khiển của Hung Đạo Vương để chống
quân Nguyên”.
- Truyện
cũng chép về anh hùng Trương Quán, người theo Doãn công đánh giặc. Nếu Doãn
công là Vũ Thành vương thì Trương Quán rất có thể là Hưng Đức hầu, người đem
quân đánh quân Nguyên tại khu vực Đáp Cầu [Thành phố Bắc Ninh] Toàn thư có chép
việc Hưng Đạo vương lệnh cho các con trai đốc suất quân tại các ấp phong đến
hội tại Vạn Kiệp, như thế rõ ràng binh pháp nhà Trần là tướng nào chỉ huy đội
quân lập từ ấp phong của tướng đó và chiến trường tham dự thường tại ấp phong,
nhưng đồng thời cũng hiệp thông để nghênh chiến.
- Nên rất có
thể Trần Khánh Dư thống lĩnh quân đội riêng chứ không phải từ đạo quân của
triều đình hoặc của Hưng Đạo vương. Sự kiện chép ngày 24 tháng 11 là chép gộp 2
sự kiện gồm: vua lệnh cho cấm quân tới giữ ải Lãnh Kinh và Hưng Đức hầu đem
quân đánh quân Nguyên. Tôi cho rằng, Trần Quán cũng có quân đội riêng, không lệ
thuộc vào triều đình hay Trần Quốc Tuấn.
- Rất có thể
ấp phong Bài Áng của Nhân Huệ vương mà Toàn thư chép năm 1296 thuộc huyện
Nghiêu Phong, bên kia biển là Vân Đồn. Như thế có khả năng trước khi cuộc chiến
Việt Nguyên xảy ra, ấp phong của Trần Khánh Dư tại Nghiêu Phong - Vân Đồn, chứ
không phải Chí Linh.
- Tôi cho
rằng Trần Khánh Dư tuy mang tội nhưng vẫn có ấp phong và thuộc hạ, chứ không
phải là kẻ bán than hèn hạ. Nói thêm về bài thơ nôm Bán than vẫn tương truyền
là của Trần Khánh Dư, nhưng theo cuốn Tang thương ngẫu lục của Nguyễn Án thì là
của một bậc di thần của chúa Nguyễn.
3. Bia Thần đạo công
chúa Phụng Dương khắc: “Công chúa được 7 người con (…) Người thứ 2 là Văn Túc
vương Đạo Tái (…) lấy con gái Tĩnh Quốc đại vương, là công chúa Bảo Tư (…) Cháu
có 13 người, 7 trai 6 gái. Công chúa Chân Từ (…) lấy con trái Phán thủ thượng
vị Vũ Ninh hầu tên là Chiểu”.
Toàn thư chép: “Ất Dậu [1285] Ngày 12 [tháng giêng] giặc
đánh vào Gia Lâm, Vũ Ninh, Đông Ngàn, bắt được quân của ta, thấy người
nào cũng thích hai chữ Sát Thát bằng mực vào cánh tay, chúng tức lắm, giết
hại rất nhiều”.
- Bia Phụng
Dương có nhắc đến Vũ Ninh hầu, chắc đây là vị thượng hầu có ấp phong tại châu
Vũ Ninh, vị thượng hầu còn giữ chức Phán thủ, như thế là đồng tước đồng chức
với Trần Khánh Dư. Con trai Chiểu [Dịch giả Đinh Khắc Thuân để là Thiệu] lấy
cháu của công chúa Phụng Dương, tôi cho rằng thân phụ của Chân Từ là Văn Túc
vương Đạo Tái.
- Trần Quang
Khải sinh năm 1241, thì Đạo Tái sinh khoảng 1260. Trần Quốc Tuấn kết hôn với
Thiên Thành năm 1251 vậy Hưng Vũ vương sinh khoảng 1255, nên Vũ Ninh hầu sinh
vào khoảng từ 1250 đến 1260. Nói cách khác Hưng Vũ vương, Nhân Huệ vương, Vũ
Túc vương, Hưng Đức hầu, Vũ Ninh hầu cùng thế hệ. Toàn thư cho biết tháng
1/1285 quân Nguyên có đánh vào Vũ Ninh và rất có thể Vũ Ninh hầu đã chống giặc
tại ấp phong.
Truyền thuyết dân gian người Việt viết: “Sự tích sứ quân
Nguyễn Siêu. Tục truyền Nguyễn Nê (…) làm quan thời Tấn Vũ Đế [236-290] hàm
Kiêu kỵ đại tướng quân, Đô thống quản, Bình Dương hầu (…) Nhân nước Nam có
loạn, thừa lệnh vua tiến xuống (…) dựng bản doanh ở Thanh Quả [?] lấy Nguyễn
Thị Mai làm vợ lẽ, lưu sống cả thảy 39 năm, sinh được 3 con trai là Nguyễn
Khoan, Nguyễn Thủ Tiệp, Nguyễn Siêu (...) Ngày 3 tháng 3 năm Mậu Thìn [1269 -
người viết] Bình Dương hầu tự nhiên không bệnh mà chết, hưởng 79 tuổi, các
tướng Đỗ Hạo, Trần Mưu đưa thi hài về bắc quốc (…) Thời Ngô Vương Quyền phong
Nguyễn Khoan làm Cầm hạt tướng quân, Nguyễn Thủ Tiệp làm Tứ Xuyên đô hộ, Nguyễn
Siêu làm Thống lĩnh tướng quân”.
Cương mục chép: “Bính Dần [966] Nguyễn Thủ Tiệp tự xưng là
Nguyễn Lệnh Công giữ Tiên Du. Thủ Tiệp còn một tên hiệu nữa là Ba An quân, mình
dài tiếng to, ai nghe thấy tiếng nói cũng phải giật mình, người ta gọi là Ông
Sấm. Đến khi khởi binh, Thủ Tiệp tự xưng là Nguyễn Lệnh Công, đóng giữ huyện
Tiên Du, sau lấy cả Vũ Ninh, tự xưng là Vũ Ninh vương, không rõ người ở xứ
nào”.
Toàn thư chép: “Mậu Thìn [1269] Mùa xuân tháng
giêng, vua từng nói với tôn thất rằng: "Thiên hạ
là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp của tổ tông phải cùng hưởng phú quý
với anh em trong họ. Tuy bên ngoài có một người ở ngôi tôn, được cả thiên hạ
phụng sự, nhưng bên trong thì ta với các khanh là đồng bào ruột thịt. Lo thì
cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên truyền những lời này cho con cháu để
chúng đừng bao giờ quên, thì đó là phúc muôn năm của tông miếu xã tắc ".
Đến đây, xuống chiếu cho các vương hầu tôn thất, khi bãi triều thì vào trong
điện và lan đình. Vua cùng ăn uống với họ. Hôm nào trời tối không về được thì
xếp gối dài, trải chăn rộng, kê giường liền cùng ngủ với nhau để tỏ hết lòng
yêu quý nhau. Còn như trong các lễ lớn như triều hạ, tiếp tân, yến tiệc thì
phân biệt rõ ngôi thứ, cấp bậc cao thấp. Vì thế, các vương hầu thời ấy không ai
là không hòa thuận, kính sợ và cũng không phạm lỗi khinh nhờn, kiêu căng”.
- Theo Cương
mục thì sau khi thu phục được Lý Huy [Dương Huy] thứ sử châu Vũ Ninh, Nguyễn
Thủ Tiệp tự xưng là Vũ Ninh vương, Nguyễn sứ quân có tên hiệu khác là Ba An quân,
tên tục gọi Lôi Công [Ông Sấm] Nguyễn Thủ Tiệp phong cho Nguyễn Quốc Khanh làm
đại tướng quân.
- Truyện có
chép đến tước hiệu Vũ Ninh hầu và Tứ Xuyên đô hộ. Cả 2 địa danh đều thuộc vùng
đông bắc. Nên nếu Nguyễn Thủ Tiệp là hình ảnh của Vũ Ninh hầu thì Nguyễn Nê là
hình ảnh của Vũ Thành vương.
- Truyện cho
biết Nguyễn Nê là người đời Tấn Vũ Đế, như thế đến đời Ngô vương cũng khoảng
600 năm. Giải thích cho khó khăn, chúng ta cần biện đến Tấn Vũ Đế. Năm 251 Tư
Mã Ý chết, con là Tư Mã Sư nắm triều chính, phế Tào Phương, lập Tào Mao. Năm
254 Tư Mã Sư chết, em là Tư Mã Chiêu nắm triều chính, giết Tào Mao, lập Tào
Hoán [Ngụy Nguyên Đế] Năm 265 Tư Mã Chiêu cho con Tư Mã Viêm nối. Tháng 12 năm
Ất Dậu [266] Tư Mã Viêm chính thức đại điển đăng cơ trở thành Tấn Vũ Đế.
- Tháng
12/1225 Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Năm 1225 cùng là năm
Ất Dậu. Nếu Trần Cảnh là Tư Mã Viêm, thì Trần Thừa là Tư Mã Chiêu, Trần Lý là
Tư Mã Ý, Khoái hầu Trần Thẩm là Tư Mã Sư và Trần Liễu là Tư Mã Du. Sự trùng hợp
là nguyên cớ để Nguyễn Nê được đưa vào bối cảnh thời Tấn Vũ Đế. Nếu Nguyễn Nê
là Trần Doãn, mà Nê giữ chức Bình Dương hầu thì Tấn Vũ Đế cùng có người con
tước hiệu Bình Dương công chúa.
- Truyện cho
biết thêm Nguyễn Nê hưởng dương 79 tuổi, nhưng rõ ràng số liệu không chính xác,
tuy nhiên truyện chép rất sử qua chi tiết “ngày 3 tháng 3 năm Mậu Thìn”. Mậu
Thìn tôi đặt giả thuyết là năm 1269, trước chúng ta có xác định Trần Doãn sinh
năm 1230, tính ra khoảng 39 năm, vừa khéo bằng thời gian Bình Dương hầu giữ
Thanh Quả. Sai lệch tuổi âm dương tôi cho rằng không đáng kể. Nếu Trần Doãn mất
năm 1269 thì người đánh giặc Man Lạo ở Bố Chính là Trần Khánh Dư.
- Cũng khá
là thú vị khi đúng năm 1269 vua Trần Thánh Tông ban chiếu thể hiện suy nghĩ
tình cảm của mình đối với các vương hầu tôn thất, có khi nào lời chiếu bắt
nguồn từ cái chết của Vũ Thành vương Trần Doãn không ?
Lịch triều hiến chương loại chí chép: “Trương Phu Duyệt
người Kim Đâu, huyện Thanh Miện, năm 30 tuổi đỗ chánh tiến sĩ khoa Ất Sửu [1505]
đời Đoan Khánh, vâng mệnh đi sứ, làm đến thượng thư bộ lại. Mạc Đăng Dung cướp
ngôi, bắt thảo chiếu. Duyệt trương mắt thét “thế là lẽ gì” rồi không chịu viết,
nên bị bãi về làng, được khen tiết nghĩa”.
Toàn thư mục
năm 1282 chép ( 上 相 陳 傅 説 ) trong đó ( 傅 ) có âm Hán Việt gồm Phu, Phó,
Phụ và ( 説 ) có âm Hán Việt gồm Duyệt, Thuyết, Thuế.
Khá thú vị!
Có sự trùng tên giữa người thời Trần và người thời Lê sơ nhưng xưa nay trùng
tên là chuyện thường ? Lại thêm, Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên hoàn thành
năm 1479 chép từ năm 2879 Tcn đến năm 1427, rõ ràng là Trần Phó Duyệt nằm trong
khoảng thời gian do Ngô sử gia soạn mà Trương Phu Duyệt là người cùng thời với
Ngô Sĩ Liên. Không hẳn, vì bản khắc hiện đang có không phải là bản năm 1479 gồm
15 quyển. Toàn thư được nhóm Phạm Công Trứ khảo đính và biên soạn tiếp từ năm
1533 đến năm 1662 vào những năm Cảnh Trị (1663-1671). Những năm Chính Hòa
(1680-1705) nhóm Lê Hy khảo đính và biên soạn tiếp từ năm 1663 đến năm 1675.
Tuy rằng công việc khảo đính có khác nhau nhưng không thể phủ nhận sự can thiệp
vào văn bản.
- Lại thêm,
xem ghi chép của Việt sử tiêu án, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy
Chú (1782-1840) và Cương mục thì thấy các bộ sách khi chép về Nhân Huệ vương
Trần Khánh Dư rất giống Toàn thư trừ chi tiết quan trọng nhất, chính là về Trần
Phó Duyệt! Cũng rất đáng nghi khi các bộ sách lớn chép gần như giống hoàn toàn
với Toàn thư lại đều không chép về thượng tướng Trần Phu Thuyết ?
(Việt
sử tiêu án - Bản dịch của Hội Việt Nam nghiên cứu liên lạc văn hóa Á Châu)
(Lịch
triều hiến chương loại chí - Bản dịch của Viện sử học)
(Khâm
định Việt sử thông giám cương mục - Bản dịch của Viện sử học)
- Hiện người
viết chưa đủ cơ sở để khẳng định về thượng tướng Trần Phó Duyệt trong Toàn thư
nên tạm nêu ra sau sẽ bàn lại.
4. Nam ông mộng lục
viết: “Vua thứ ba của họ Trần là Nhân vương (…) làm am sống ở ngọn Tử Tiêu núi
Yên Tử (…) chị ngài hiệu là Thiên Thụy, nhiều điều trái đạo đàn bà (…) nghe tin
chị hấp hối, bèn xuống núi lại thăm”.
Toàn thư chép: “Nhâm Ngọ [1282] Khánh Dư thông dâm với công
chúa Thiên Thuỵ. Bấy giờ Hưng Vũ vương Nghiễn vì là con trai Quốc Tuấn, được
lấy công chúa Thiên Thuỵ, lại công đánh giặc. Vua sợ phật ý Quốc Tuấn, mới sai
người đánh chết Khánh Dư ở Hồ Tây, nhưng lai dặn chớ đánh đau quá, để không đến
nỗi chết”.
- Trần Khánh
Dư thông dâm với công chúa Thiên Thụy nhưng theo như ghi chép của Toàn thư thì
vào thời điểm xảy ra sự việc, công chúa Thiên Thụy có thể mới chỉ được hứa gả
cho Hưng Vũ vương Nghiễm chứ chưa trở thành vợ chính thức.
- Chế độ nhà
Trần cho phép trưởng công chúa không có giới hạn ấp thang mộc, lại thêm sự kiện
Trần Quốc Tuấn với trưởng công chúa Thiên Thành và Trần Khánh Dư với trưởng
công chúa Thiên Thụy, tôi cho rằng không đơn giản mang nghĩa cuộc tình trái
ngang, mà rất có thể là cuộc tranh giành quyền lực giữa các gia tộc thông qua
hôn nhân với trưởng công chúa.
Toàn thư chép: “Bính Thân [1269] Nhân Huệ Vương
Khánh Dư từ Bài Áng vào chầu. Người trong trấn kiện
Khánh Dư tham lam thô bỉ. Hành khiển đem sự trạng tâu lên. Khánh Dư nhân đó tâu
vua: "Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có
gì là lạ ". Vua không hài lòng, Khánh Dư bèn trở về. Khánh Dư vào chầu
không quá 4 ngày đã trở về, vì sợ ở lâu bị vua khiển trách (...) Nhâm Tý [1312]
Mùa hạ tháng 5, dụ bắt được chúa Chiêm Thành Chế Chí đem về; phong em hắn là
Chế Đà A Bà Niêm làm Á hầu trấn giữ đất ấy. Trước đó, Chế Chí sai người sang
cống. Người ấy là trại chủ Câu Chiêm. Vua sai Đoàn Nhữ Hài bí mật ước hẹn với
hắn. Đến khi vua đích thân đi đánh, đến phủ Lâm Bình, chia quân làm ba đường
Huệ Vũ Vương Quốc Chẩn theo đường núi, Nhân Huệ Vương Khánh Dư theo đường biển,
vua tự dẫn sáu quân theo đường bộ; thủy bộ, cùng tiến. Lấy Đoàn Nhữ Hài làm
Thiên tử chiêu dụ sứ đi trước. Vua đến Câu Chiêm dừng lại. Nhữ Hài sai người tới
chỗ trại chủ, nói rõ ý yêu cầu quốc chủ ra hàng. Trại chủ báo cáo với Chế Chí.
Chế Chí nghe theo, đem gia thuộc đi đường biển tới hàng. Nhân Huệ Vương đem
quân đuổi theo. Nhữ Hài lập tức chạy thư tâu rằng: "Khánh Dư định cướp
công vua". Vua giận lắm, sai bắt giám quân của Khánh Dư là Nguyễn Ngỗi đem
chặt chân. Nhân Huệ sợ, đến ngự doanh tạ tội và nói rằng: "Thần sợ nó đến
giữa biển lại đổi bụng khác, nên mới chặn đằng sau thôi" (...) Bính Thìn
[1316] Mùa đông tháng 11, sai tể thần, tôn thất và các quan gặt ruộng tịch
điền. Sai Nhân Huệ Vương Khánh Dư đi Diễn Châu xét duyệt sổ lính, sổ dân, lấy
Nội thư hỏa chánh chưởng phụng ngự Nguyễn Bính làm phó. Xong việc về triều,
Bính đem tiền bổng dâng nộp. Vua sai hữu ty nhận lấy. Có người hỏi: "Bính
nộp tiền bổng mà bệ hạ nhận, thần chưa hiểu là cớ làm sao". Vua đáp:
"Bính nộp tiền bổng là thành thực, nếu trẫm không nhận, thì hãm Bính vào
tội dối trá, cho nên nhận lấy để tỏ rõ Bính không gian dối". Bính là cận
thần của Thượng hoàng, tính người trong sạch thẳng thắn, năm trước đứng đầu
hành nhân sang sứ nước Nguyên, trở về không mua thứ gì, Thượng hoàng khen ngợi,
đặc cách ban thưởng 2 tư. Theo lệ cũ, những người đi sứ Nguyên về, mỗi người
được ban tước 2 tư, người đứng đầu hành nhân trở xuống, mỗi người 1 tư. Bính là
người trong sạch thẳng thắn nên được 2 tư (...) Đinh Sửu [1337] Sai Hưng Hiếu
Vương dẹp người man Ngưu Hống. [Hưng Hiếu Vương] tiến quân vào trại Trịnh Kỳ,
đánh tan quân man, chém tù trưởng của họ là Xa Phần. Quân trở về, quân sĩ đều
được ban thưởng. Hưng Hiếu Vương viện dẫn việc Nhân Huệ Vương đi dẹp ấp Nam
Nhung khi trước, xin thưởng cả những người giữ thuyền. Thượng hoàng nói:
"Khánh Dư đi đánh Nam Nhung, từ Nghệ An đi bộ mấy ngày, đến sông Nam Nhung
mới đục gỗ làm thuyền.Đó là giữ thuyền trong đất của giặc, chứ không phải là
giữ thuyền ở Nghệ An.Người giữ thuyền lần này thì khác thế. Vả lại, có thưởng
tất phải có phạt, thưởng phạt thường phải có cả. Nếu người giữ thuyền muốn nhờ
ở chiến thắng để lấy thưởng, giả sử người đi đánh bị chết thì người giữ thuyền
cũng chịu chết chăng". Hưng Hiếu trả lời: "Nếu không có người giữ
thuyền, trong quân mà nghe tin giặc lấy mất thuyền thì quân sĩ liệu có giữ vững
được không". Thượng hoàng nói: "Nếu vậy thì trước hết phả thưởng cho
những người trong triều mới phải, vì nếu Kinh sư không yên thì quân sĩ có thể
đi đánh giặc được không". Hưng Hiếu không trả lời được. Trong chiến dịch
này, gia đồng của Hưng Hiếu là Phạm Ngải có lập chiến công (…) Kỷ Mão [1339]
Nhân Huệ Dương Khánh Dư chết”.
- Xưa nay sách sử đều chép Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư
tham lam thô lậu, có phải không ? Sự kiện năm 1312 có thể hiểu theo 2 cách:
trước là Trần Khánh Dư tham lập công, sau là Nhân Huệ vương sợ Chế Chí chạy
mất. Sự kiện năm 1316 có thể đặt câu hỏi phó đoàn Nguyễn Bính đem tiền bổng
dâng nộp, thế tiền bổng của trưởng đoàn Nhân Huệ vương thì sao ? Vì mục đích
sách chép đến sự trong sạch thẳng thắn của Nguyễn Bính nên không chép đến Trần
Khánh Dư là có thể hiểu được. Sự kiện Trần Khánh Dư xin thưởng cho cả người giữ
thuyền, cũng có thể hiểu theo 2 cách: trước là Nhân Huệ vương tham lam, sau là
Trần Khánh Dư rộng lượng (sợ anh em tâm tư) và Trần Minh Tông cũng cho là phải
nên ban thưởng. Rất khó để đánh giá về vị tướng Trần Da. Trần Mạnh có 6 câu thơ
khá thú vị: “Mấy dãy nhà trong trang trại dựa vào núi cao chót vót - Một chiếc
gối nằm khểnh ở xa triều đình và thành thị - Miền góc biển trên bản đồ đã theo
giáo hóa của nhà vua - Nhân vật ở chân trời vui với việc câu cá hái củi - Mũi
rồng đâu có giống mỏ chim - Xin chớ thả thuyền lênh đênh trên Ngũ Hồ xa xôi”.
Nhân Huệ vương vui với việc câu cá hái củ và xin ngài chớ thả thuyền lênh đênh
trên Ngũ Hồ, xem ra ngài giống cư trần lạc đạo ?